Phương pháp loại bỏ niềm tin giới hạn, bứt phá để thành công – Chuyên gia Dương Thị Thu Hà chia sẻ
Hầu như chúng ta đều đang sống trong một khuôn khổ hằng ngày, lặp đi lặp lại. Đôi khi, chính chu kỳ lặp đi lặp lại này khiến chúng ta cảm thấy nhàm chán với cuộc sống. Ngại bước ra khỏi vùng an toàn của mình là vấn đề của nhiều người hiện nay, thay vào đó chúng ta nên học cách vượt qua giới hạn của bản thân.
Những chia sẻ dưới đây của chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà sẽ chia sẻ về phương pháp loại bỏ niềm tin giới hạn bứt phá để thành công. Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!
Giải mã niềm tin giới hạn
Niềm tin giới hạn (tiếng Anh: limiting beliefs) là niềm tin khiến con người không chắc chắn và thiếu tự tin vào khả năng của bản thân mình. Đó là rào cản lớn khiến chúng ta chùn bước khi gặp khó khăn trong cuộc sống, hạn chế suy nghĩ của bạn về những khả năng mà mình đang sở hữu.
Niềm tin giới hạn có thể ngăn cản bạn thực hiện những việc quan trọng như có được công việc mơ ước hoặc tìm kiếm các mối quan hệ. Trong trường hợp này, giới hạn niềm tin ngăn cản chúng ta trở thành người mà người mà mình muốn trở thành.
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà:
Niềm tin giới hạn là niềm tin mà nó khiến con người không chắc chắn và thiếu tự tin vào khả năng của mình. Đó là rào cản lớn khiến bạn chùn bước khi gặp khó khăn hoặc vấp ngã trong cuộc sống. Điều này hạn chế suy nghĩ của bạn về những khả năng mà bạn sở hữu.
Vậy niềm tin giới hạn bắt nguồn từ đâu? Tất cả các sự việc được diễn ra đều có nguyên nhân, niềm tin giới hạn cũng vậy. Chuyên gia Dương Thị Thu Hà nhận định rằng: Những niềm tin giới hạn xuất hiện từ những sự kiện bạn trải nghiệm trong quá khứ thậm chí rất nhỏ ở môi trường xung quanh bạn. Đó có thể là môi trường ở nhà, trường học và xã hội xung quanh bạn,… Mình sống ở xã hội nào sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ những quan điểm, nếp sống của thời đấy.
Niềm tin cụ thể có thể bắt nguồn từ những niềm tin khi còn nhỏ, từ chính ông bà, bố mẹ của bạn hoặc các thầy cô, bạn bè bạn, hoặc hàng xóm,… Ví dụ: Chậm như rùa, trí nhớ kém, học dốt, lười học, không làm được trò trống gì hay người xăm trổ là người không tốt,…
Đơn giản và dễ hình dung hơn, ví dụ như ở gần nhà bạn, nhiều anh chị lên thành phố học và làm, có nhiều cơ hội kiếm tiền. Từ đó bạn có suy nghĩ rằng nhất định phải bỏ quê lên phố mới mong có cơ hội đổi đời. Khởi nghiệp ở trên chính quê hương của mình là điều bạn không bao giờ nghĩ đến và là điều không thể thực hiện được.
Những sự kiện nổi bật trong cuộc đời bạn cũng có thể mang đến những niềm tin giới hạn. Ví dụ như khi thi trượt đại học, bạn nghĩ rằng mình thật kém cỏi, không bằng những người khác. Hay khi trải qua thất bại trong tình yêu, bạn tin rằng tình yêu chỉ toàn mang đến đau khổ, từ đó bạn quyết định sẽ không yêu nữa, không muốn mở lòng với bất cứ một ai.
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà:
Mọi thứ xảy ra đều có chủ đích tích cực của nó. Chủ đích tích cực/lợi ích của niềm tin giới hạn từ tiềm thức là để bảo vệ bạn tránh khỏi những cơn đau không mong muốn, giữ bạn trong vòng an toàn. Có thể nỗi đau đã bắt nguồn từ quá khứ, khiến nỗi sợ hãi càng lớn hơn, từ đó hạn chế niềm tin của bạn. Niềm tin giới hạn này sẽ được đưa vào từ khi còn nhỏ, sau đó phát triển và theo suốt cuộc đời của bạn.
Tuy nhiên, niềm tin giới hạn cũng mang đến những hệ lụy nghiêm trọng. Nếu không tìm được lối thoát, cách khắc phục phù hợp, dần dần cuộc sống của bạn sẽ không thể có được những niềm tin tích cực mới. Đây cũng là rào cản khiến bạn khó đạt được thành công trong cuộc sống nếu không vượt qua được vùng an toàn của bản thân.
Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn mình được thành công, hạnh phúc và có một tương lai tươi sáng. Thế nhưng những niềm tin tiêu cực này lại giới hạn bạn, bạn không dám hành động. Nếu không hành động, chúng ta sẽ không có kết quả và đạt được những thứ chỉ nằm trong suy nghĩ.
Ảnh hưởng của niềm tin giới hạn
Về mặt tích cực, những niềm tin giới hạn sẽ bảo vệ chúng ta bằng cách giữ chúng ta ở trong vùng an toàn (tiếng Anh: comfort zone) và tránh những rủi ro ngoài ý muốn. Nhưng có một sự thật là tất cả sự phát triển đều xảy ra ở rìa hoặc ngoài vùng an toàn, và chính vì điều này mà sự bảo vệ của niềm tin giới hạn lại kìm hãm chúng ta phát triển những sức mạnh phi thường của chính mình.
Chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà nhận định:
Niềm tin giới hạn sẽ kìm hãm sự phát triển tinh thần, tâm lý và nhận thức của chúng ta, kìm hãm sự phát triển cá nhân, trì trệ tiềm năng con người và ngăn cản chúng ta đạt được hy vọng hoặc thực hiện ước mơ của mình.
Mỗi người trong chúng ta đều có rất nhiều niềm tin giới hạn, bạn chỉ cần nhìn ra xung quanh là có thể thấy rõ điều này. Tỷ lệ chênh lệch giữa người thành công và người chưa thành công tại sao lại nhiều đến như vậy? Lý do là bởi họ khác nhau ở tư duy, niềm tin giới hạn là nguyên nhân chính ngăn cản bạn đạt được những điều mình mong muốn trong cuộc sống.
Một số niềm tin giới hạn phổ biến và thường gặp như sau:
Niềm tin giới hạn về khả năng bản thân:
- Tôi không thông minh
- Tôi có trí nhớ kém
- Tôi không có thời gian để….
- Tôi không có đủ tiền để…
- Tôi không có khả năng để làm…
- Tôi không tài giỏi…
- Tôi không thể nói trước đám đông
- Tôi nhút nhát
- Tôi giao tiếp không giỏi
- Ngày xưa bố mẹ hay nói tôi học dốt, chậm chạp,…
Niềm tin giới hạn về sức khỏe, sắc đẹp, ngoại hình:
- Tôi không đủ sức khỏe
- Tôi quá béo, tôi không ăn mà vẫn tăng cân…
- Tôi quá gầy, ăn mãi cũng không béo lên được…
- Tôi chậm chạp…
- Tôi không xinh đẹp…
- Tôi có ngoại hình xấu, mặt mụn
- Tôi nhiều bệnh và không khoẻ mạnh…
Niềm tin giới hạn về tiền bạc:
- Người giàu thường…(những điều xấu)
- Tôi không giỏi kiếm tiền…
- Tôi không thể đầu tư…
- Tôi không thể tiết kiệm…
- Tôi chẳng bao giờ kiểm đủ tiền để…
- Tiền bạc là nguồn cơn của mọi tội lỗi.
Niềm tin giới hạn về mối quan hệ tình yêu, hôn nhân gia đình:
- Tôi không xứng đáng được yêu.
- Yêu là đau khổ.
- Tôi không bao giờ yêu/lấy người nào như anh ấy/cô ấy
- Tôi không lập gia đình vì tôi không muốn giống bố mẹ tôi
Niềm tin giới hạn về nghề nghiệp:
- Tôi không có đủ kinh nghiệm…
- Tôi không giỏi về….
- Tôi không thể kiếm tiền từ việc tôi thích.
- Đã quá muộn để tôi theo đuổi giấc mơ của mình.
- Tôi quá già (quá trẻ) để làm điều gì…
Niềm tin giới hạn về xã hội
- Sợ mọi người phán xét
- Sợ làm không đúng, sợ sai
- Sợ người khác coi thường, không tôn trọng mình
- Sợ người khác nghĩ không đúng về mình
Chuyên gia Dương Thị Thu Hà chia sẻ thêm:
Những niềm tin giới hạn này ảnh hưởng tiêu cực đến các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Bạn làm gì cũng sợ bị người khác đánh giá, phán xét là chưa đúng, chưa phù hợp. Như vậy bạn sẽ bị mất tự tin, luôn luôn sợ sai, làm gì cũng sợ chưa đúng, người khác nghĩ về mình như thế nào. Dù làm gì thì bạn cũng phải nhìn trước ngó sau, không tập trung vào chính bản thân mình, không tập trung vào mục tiêu và mong muốn. Đây cũng là lý do chính khiến bạn không dám sống đúng với bản chất của mình. Nếu vậy thì bạn có thật sự hạnh phúc và tự do hay không?
Nếu bạn đang có nhiều niềm tin giới hạn thì cần thay đổi ngay vì bạn xứng đáng được tự do và hạnh phúc. Đôi khi những lời nói xung quanh chỉ là những lời bâng quơ mà chính họ cũng không quan tâm. Những trường hợp được chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà tham vấn và trị liệu cũng có rất nhiều niềm tin giới hạn. Đây là nguyên nhân chính khiến họ rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn lo âu, stress hay căng thẳng,…
5 bước loại bỏ niềm tin giới hạn để bứt phá thành công
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà:
Việc nhận diện và loại bỏ niềm tin giới hạn là điều vô cùng quan trọng. Nó sẽ giúp bạn tự do về tâm trí, hướng đến cuộc sống hạnh phúc mà mình mong muốn. Hãy quan sát chính mình để nhận diện niềm tin giới hạn/tiêu cực nào đang ngăn bạn không dám làm hay thực hiện một công việc hay ý tưởng nào?
Chuyên gia cũng chia sẻ về 5 bước loại bỏ niềm tin giới hạn để bứt phá thành công cực đơn giản như sau:
1. Nhận diện một niềm tin giới hạn
Đầu tiên, bạn hãy quay lại chính bản thân để đi tìm nguồn gốc niềm tin giới hạn của bạn. Sau đó, nhận diện cho mình một niềm tin giới hạn lớn nhất. Đây sẽ là niềm tin có ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp và cuộc sống của bạn.
Để dễ dàng hơn, bạn có thể trả lời một số câu hỏi sau:
- Bạn đang cảm thấy mệt mỏi không thoải mái vì những điều gì?
- Điều gì khiến bạn thấy khó chịu nhưng bạn lại không làm gì để thay đổi nó?
- Nếu tiếp tục giữ những suy nghĩ như vậy, bạn sẽ sống hạnh phúc và thoải mái hay không?
2. Viết ra những suy nghĩ của bạn
Bước tiếp theo là viết. Viết ra những suy nghĩ của bạn, để bạn có thể nhìn, sờ, chạm, cảm được chúng. Khi viết, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn, từ đó bạn sẽ nhìn nhận được vấn đề của mình. Một điều quan trọng nữa mà chuyên gia Dương Thị Thu Hà muốn nhấn mạnh trong bước này đó là hãy chấp nhận.
Chấp nhận rằng điều mà bạn xác định – một niềm tin giới hạn của bản thân là điều mình cần vượt qua. Đây là động lực để bạn loại bỏ đi cảm giác khó chịu, không thoải mái và bắt đầu mở ra những ý tưởng mới cho chính mình.
3. Xác định nguyên nhân của niềm tin giới hạn
Ở phần xác định nguyên nhân, chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà chia sẻ: “Bạn hãy ngồi lại với chính mình, nghĩ về quá khứ, tìm xem trong ký ức của mình có những sự kiện nào, có những tình huống hay chỉ đơn giản là một câu nói nào đó đã khiến bản thân bạn có những cảm xúc tiêu cực như vậy.”
Sau khi nhận diện được nguyên nhân, bạn sẽ hiểu thấu tại sao mình lại có những suy nghĩ và hành động tiêu cực đến thế. Đây là tiền đề để bạn thay đổi suy nghĩ cũng như cảm xúc của chính mình, thay thế kết luận tích cực ở sự kiện và tình huống đó.
4. Thay thế bằng một niềm tin tích cực khác
Sau khi thay thế cảm xúc xong, hãy quay lại danh sách mà bạn đã liệt kê để xử lý từng niềm tin một. Hãy đọc những niềm tin đó, tiếp đến khi ra bên cạnh niềm tin mới thay thế. Ví dụ, bên cạnh niềm tin giới hạn: Tôi kiếm tiền rất khó, hãy ghi ra bên cạnh niềm tin mới: Tôi kiếm tiền nhiều một cách dễ dàng,…
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà:
Bạn hãy đọc những niềm tin mới hàng ngày, đặc biệt là vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Đây là hai thời điểm vàng mà vô thức của chúng ta hoạt động mạnh mẽ nhất, giúp bạn cài đặt lại niềm tin mới, lập trình lại tư duy. Và để đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần duy trì thói quen và thực hiện nguyên tắc Đúng – Đủ – Đều.
Lão Tử cũng đã từng có câu nói: “Gieo suy nghĩ, gặt lời nói. Gieo lời nói gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận.” Vậy, đâu là khoảng thời gian để bạn có thể thay đổi suy nghĩ, tính cách và trở thành một con người mới? Đáp án ở đây chính là 108 ngày thực hành liên tục. Con số 108 này đủ để giúp bạn chuyển hoá và xây dựng thói quen tích cực vô cùng hiệu quả.
5. Hành động dựa trên niềm tin mới và nhận phản hồi
Chỉ nói và viết không thì chưa đủ, thay vào đó bạn phải luôn hành động. Bởi nếu không thực hành, niềm tin của bạn không có nền móng vững chắc để neo đậu. Nếu nhận thấy bản thân đang có những niềm tin giới hạn mới, ngay lập tức hãy thay đổi lại, hãy giao tiếp với vô thức của mình.
Khi làm được điều này theo đúng hướng dẫn trong 108 ngày, dần dần bạn sẽ loại bỏ được niềm tin giới hạn, tự tin hơn, giúp bạn vượt qua được tất cả những nỗi sợ, dám bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Đây cũng là động lực để bạn đi tiếp hành trình của mình.
Chuyên gia Dương Thị Thu Hà cũng nói thêm:
Chúng ta đều biết rằng để thay đổi niềm tin không hề dễ dàng và nếu như có một mình và không có tính kiên trì và kỷ luật bản thân thì xóa bỏ nó cũng là một vấn đề. Nếu các bạn có những niềm tin quá ăn sâu vào tiềm thức mà các bạn chưa thể gỡ bỏ được thì hãy liên hệ tới những chuyên gia tâm lý trị liệu như chúng tôi để có thể hỗ trợ giúp các bạn giải quyết triệt để nguyên nhân gốc rễ giúp các bạn bứt phá trở thành phiên bản tốt nhất của mình.
Mong rằng với những chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà đã giúp bạn nhìn lại bản thân và khắc phục tốt những vấn đề của bản thân, trở thành phiên bản tốt hơn của mình trong năm 2023. Dù cuộc sống sẽ không bằng phẳng như trong suy nghĩ, nhưng sức mạnh phá vỡ niềm tin giới hạn sẽ giúp bạn có thêm động lực để dễ dàng chinh phục ước mơ của mình, từ đó hướng đến cuộc sống bình an, hạnh phúc!
Xem Livestream tư vấn tâm lý trực tuyến 94: Phương pháp loại bỏ niềm tin giới hạn để bứt phá thành công – Chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà:
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!