Internet Với Người Cao Tuổi

(Tamly) – Trong cuộc sống thường ngày, song song với việc giao tiếp trực tiếp với mọi người sống xung quanh thì người cao tuổi (NCT) còn giao tiếp gián tiếp thông qua điện thoại, internet… Những phương tiện giao tiếp này rất tiện lợi cho NCT, họ có thể tìm thấy nhiều lợi ích từ việc sử dụng internet như dễ dàng kết bạn, tìm kiếm, chia sẻ thông tin.

Internet với người cao tuổi

Ở Việt Nam, internet mới được sử dụng rộng rãi trong thời gian gần đây, chủ yếu phổ biến ở những người trẻ tuổi, số NCT sử dụng internet không nhiều bởi nó đòi hỏi sự đầu tư trang thiết bị cho đến việc trang bị các kiến thức cần thiết khi sử dụng. Trong một nghiên cứu mới đây của Hoàng Mộc Lan (2014) cho thấy, trong số 994 người cao tuổi ở Việt Nam được khảo sát, chỉ có khoảng 32,6% số NCT trong mẫu nghiên cứu thỉnh thoảng sử dụng internet; 7,1% – thường xuyên sử dụng và 60,3% – không bao giờ sử dụng internet.

Ở nước ngoài, internet được NCT sử dụng sớm hơn ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu nước ngoài đã tìm hiểu về mục đích sử dụng internet ở NCT. Theo nghiên cứu của Furlong (1998), các thành viên tham gia trang web có tên SeniorNet thấy hứng thú với cơ hội gặp gỡ những người có cùng mối quan tâm và chia sẻ không chỉ thông tin, mà còn có sự giao tiếp về các vấn đề tình cảm và xã hội liên quan một cách cụ thể đến người cao tuổi (NCT). Các thành viên của SeniorNet cũng cho biết họ tham gia vào các mối quan hệ đồng hành với sự bao quanh của những mối quan tâm được chia sẻ cùng nhau, trong đó có những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Một cuộc khảo sát cũng cho thấy các thành viên của trang web này (những người 50 tuổi trở lên) sử dụng Internet chủ yếu như một phương tiện để giữ liên lạc với gia đình (GĐ), bạn bè và tiếp cận thông tin về các chủ đề quan tâm khác nhau. Nhiều người nói rằng họ coi các thành viên khác trong nhóm như “GĐ thay thế” và họ thấy dễ dàng hơn khi thảo luận một số chủ đề nhạy cảm (như chăm sóc cho người bạn đời, than vãn về các thành viên trong GĐ, sự khích lệ, cảm thông …) với những người bạn trên mạng so với bạn thân hay các thành viên trong GĐ. Ngoài ra còn có nhiều trang web khác dành cho NCT.

Nghiên cứu của Jon F. Nussbaum, Justine Couplan (2004) cho thấy, một số lượng ngày càng tăng người cao tuổi đang chuyển sang sử dụng Internet như một phương tiện để phát triển các mối quan hệ mới và duy trì các mối quan hệ giữa các thành viên trong GĐ và những người bạn, những người có thể xa cách nhau về mặt địa lý. Ở một khía cạnh khác, hoạt động phổ biến nhất của người già sử dụng internet là gửi thư điện tử và sử dụng Internet như một công cụ tìm kiếm, chủ yếu là tìm kiếm thông tin về các sở thích, sức khỏe và tin tức. Ngày càng có nhiều NCT tìm đến các trang web về các sở thích hơn là về những vấn đề liên quan đến tuổi tác, ngay cả đối với những trang web về sức khỏe cũng có những nội dung thu hút mọi người ở nhiều nhóm tuổi khác nhau.

Có thể thấy, internet đem lại khá nhiều lợi ích cho NCT, đặc biệt trong giao tiếp và hỗ trợ tìm kiếm thông tin. Cần có sự quan tâm hơn nữa đến NCT, hỗ trợ về đào tạo cũng như kinh phí để nhiều NCT có thể tiếp cận, sử dụng được internet.

Vân Anh (dịch)

Tài liệu tham khảo
Jon F. Nussbaum, Justine Couplan (2004), Handbook of Communication and aging research, Lawrence Erlbaum Associates Publishers, London.

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *