Các yếu tố tác động tới khả năng thích ứng của thanh niên trí thức trước biến đổi xã hội
(Tam ly) – Có nguyên nhân từ khách quan và chủ quan cùng tác động đến quá trình thích ứng của thanh niên trí thức, nhưng các nguyên nhân khách quan được họ nêu ra nhiều hơn các nguyên nhân chủ quan. Trong số các nguyên nhân khách quan thì chế độ đãi ngộ, cơ chế quản lý, việc thực thi chính sách đối với trí thức và điều kiện làm việc thiếu được nói đến nhiều. Bên cạnh đó, các nguyên nhân chủ quan tập trung vào trình độ tay nghề cũng như trách nhiệm, sự tận tâm của trí thức với công việc của mình vẫn còn hạn chế là nguyên nhân bổ sung tạo ra những hạn chế của trí thức.
Khảo sát cung cấp 6 yếu tố tác động tới trí thức trẻ trong quá trình hội nhập đó là: cơ chế chính sách, môi trường xã hội, môi trường làm việc, thu nhập, các vấn đề của bản thân và gia đình.
Một là, cơ chế chính sách chưa hợp lý. Liên quan tới vấn đề này, thanh niên trí thức nhắc nhiều tới chính sách đãi ngộ và sử dụng nhân tài. Việc sử dụng trí thức trẻ chưa hợp lý đang diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực. Cơ hội dành cho trí thức trẻ thể hiện bản thân và tích luỹ kinh nghiệm không phải đều khắp trong xã hội.
Hiện tượng đánh giá cán bộ theo kiểu cào bằng và bệnh thành tích còn chưa thuyên giảm. Nó làm nảy sinh tư tưởng làm việc qua quýt, hình thức cho xong. Thi đua hình thức, thậm chí “chạy chọt” khắp nơi. “nhiều người làm việc chính thì qua quýt mệt mỏi, nhưng tới giờ làm thêm thì thành người khác, nhiệt tình, năng động ngay. Cái gì làm họ trở nên gian dối như vậy, nếu quan tâm tới mục đích làm việc của họ là biết ngay.”
Trong thực tế, Đảng và Nhà nước đã nhận thức và đánh giá đúng vai trò của trí thức nói chung và trí thức trẻ nói riêng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để hiện thực hoá chính sách đưa nó vào cuộc sống thì vẫn còn là một khoảng cách không dễ vượt qua. Vẫn còn nhiều bất cập khi hiện thực hoá chính sách, đó là: chế độ lương, kinh phí đầu tư cho các hoạt động chuyên môn, đãi ngộ trí thức làm việc… Nổi bật lên trong nhóm các vấn đề liên quan tới chính sách, khiến nó được tách biệt ra như một vấn đề độc lập đó chính là thu nhập. Trí thức nói chung có thu nhập đã thấp, trí thứ trẻ lại thuộc nhóm thấp nhất trong nhóm này. Có thể ngoài xã hội, nhiều thanh niên trí thức có thu nhập không phải là thấp, nhưng số lượng các nghề này không nhiều, vì thế đại đa số trí thức trẻ đang phải đương đầu với một thách thức quá lớn về thu nhập. Nhiều bất cập đã nảy sinh từ thực tế này. Đó là họ bị buộc phải làm thêm để tăng thu nhập (bao gồm cả làm thêm đúng nghề và làm thêm nghề khác). Hai là họ chuyển đổi việc làm liên tục “chỗ nào trả cao, đãi ngộ tốt là chuyển”. Vì vậy, họ chẳng còn hăng hái, nhiệt tình với nghề nghiệp nữa, thước đo thành đạt trong nghề nghiệp trong cuộc sống bị đồng tiền làm cho méo mó. Rất nhiều người khi phải cân nhắc giữa đam mê và đảm bảo cuộc sống thì họ đã chọn đảm bảo cuộc sống. Họ đang trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía chính sách như một cứu cánh lớn cho việc giải quyết các vấn đề của họ.
Ba là, môi trường xã hội. Đây cũng là một thách thức không nhỏ với trí thức trẻ. Họ phải làm gì để giữ mình trước nhiều cám dỗ. Tự rèn luyện bản thân đòi hỏi thanh niên trí thức phải có ý chí mạnh mẽ. Sống đẹp là cách để tránh được những tác động không mong đợi cho trí thức trẻ. “Hội nhập là phải mở cửa. Không thể mở cửa cho văn minh mà lại đóng cửa tệ nạn được. Thách thức là không quản lý những tư tưởng là dễ bị truyền bá những nội dung sai đường lối. Người giỏi mà không có đạo đức thì rất nguy hiểm.”
Bốn là, môi trường làm việc chưa thuận lợi để trí thức thực hiện các chức năng xã hội của mình. Đây là vấn đề được nhiều thanh niên trí thức phát biểu nhất. Bất cập này thể hiện ở một số điểm chính sau đây: trí thức trẻ nói chung chưa thật sự được tin dùng, những ý kiến đóng góp của họ chưa thật sự được những người có trách nhiệm lắng nghe. Trí thức trẻ không được những người quản lý trực tiếp của mình tin cậy giao trách nhiệm, giao việc.
Trong thời điểm hiện nay, xu hướng trí thức trẻ muốn làm việc trong các công ty ngoài quốc lập để thu được những nguồn lợi về kinh tế là mang tính tích cực, “bởi thời điểm hiện nay trí thức trẻ muốn làm, nhưng mà Nhà nước không trưng dụng họ, không tôn trọng, không đánh giá đúng, không đặt họ vào đúng cái vị trí của họ, cho nên họ không làm được.” Do vậy cái chuyện trí thức trẻ nhảy việc là chuyện đương nhiên. Bởi vì ở đấy họ được đánh giá, họ được thể hiện, mặc dù họ vẫn mang tính chấp nhận làm thuê, nhưng đổi lại họ có lợi về kinh tế.
Ngoài việc sử dụng lao động chưa khuyến khích được họ cống hiến thì điều kiện làm việc cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả làm việc của trí thức trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo của họ. Hiện nay ở nước ta phần lớn thanh niên trí thức chưa có điều kiện làm việc thuận lợi: cơ sở vật chất chưa tốt, thư viện thiếu sách và các tài liệu khoa học lạc hậu, không cập nhật những thành quả khoa học mới, phòng làm việc chưa được trang bị đầy đủ về máy móc, thiết bị dùng cho hoạt động chuyên môn. Điều kiện học tập để nâng cao trình độ chuyên môn còn ít và không thường xuyên… Các hội nghề nghiệp hầu như không có các điều kiện vật chất để hoạt động, thiếu cơ chế cũng như các điều kiện để thẩm định những sáng tạo của mình bằng thực tiễn cuộc sống. Môi trường làm việc không thuận lợi đã làm nảy sinh nhiều biểu hiện tâm lý ức chế trong tầng lớp trí thức.
Năm là, vấn đề liên quan tới bản thân. Thanh niên trí thức cần gì để có thể tiếp nhận tốt nhất sự trợ giúp từ phía xã hội. Trước hết đó là tính tích cực chủ động trong các hoạt động nghề nghiệp và đời sống của mình. Phải tự lực không trông chờ, ỷ lại. Thường xuyên rèn luyện và không ngừng học tập để tránh thụt lùi, thoái lui. Tự trang bị cho mình “ngoại ngữ, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc.” Sống đúng mực, giữ mình “phải giữ mình trước tiền, những gì phù hợp với năng lực của mình thì mình làm”, để có thể giữ đạo đức “Ví như trong giảng dạy thì khó khăn về đạo đức là phải biết giữ mình, dạy vì muốn sinh viên tốt lên, chứ không phải vì tiền.”
Sáu là, sự tác động của gia đình. Mặc dù tỷ lệ lựa chọn yếu tố này không nhiều nhưng sự ủng hộ từ phía gia đình được xem là động lực lớn trong quá trình thích ứng với biến đổi xã hội của trí thức trẻ. Sự trợ giúp này không chỉ là sự trợ giúp về tinh thần, mà đó còn là sự trợ giúp về vật chất
Thanh niên còn thụ động. với quá trình hội nhập. Thanh niên trí thức cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng khó khăn về mặt kinh tế trở thành khởi nguồn của rất nhiều những khó khăn khác trong cuộc sống và công việc của trí thức trẻ. Đứng trước khó khăn, nhiều trí thức đã chọn con đường đi thẳng, nhưng tránh đối đầu trực diện. Họ đang trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía chính sách như một cứu cánh lớn cho việc giải quyết các vấn đề của bản thân. Rất nhiều người khi phải cân nhắc giữa đam mê và đảm bảo cuộc sống thì họ đã chọn đảm bảo cuộc sống. Với những gì đang thể hiện, trí thức trẻ cho thấy họ chưa thực sự đã cống hiến 100% sức lực và nhiệt huyết cho công việc. Có điều gì đó khiến họ còn ngập ngừng, có thứ gì đó họ đang chờ đợi. Họ cần một cú hích lớn để giải phóng băn khoăn.
Thương Thảo
*Số liệu được trích dẫn từ đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Nghiên cứu một số vấn đề cơ bản của thanh niên trí thức” do PSG.TS. Lã Thị Thu Thuỷ làm chủ nhiệm, năm 2011
Có thể bạn quan tâm:
- Gelotophobia (Sợ bị cười nhạo) hình thành như thế nào?
- Thực trạng nghiện mạng xã hội: Hiểu rõ tác hại và giải pháp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!