Tự Sát Do Trầm Cảm: Thực Trạng Đáng Báo Động

Tỷ lệ tự sát do trầm cảm đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Đa phần những trường hợp có ý nghĩ về cái chết và nỗ lực thực hiện hành vi tự sát đều không được điều trị sớm, gia đình thiếu sự quan tâm, cuộc sống có quá nhiều áp lực,…

trầm cảm dẫn đến tự sát
Trầm cảm là nguyên nhân số 1 dẫn đến các hành vi tự sát

Thực trạng tự sát (tự tử) do trầm cảm

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 800.000 người chết vì tự sát mỗi năm và theo ước tính của các chuyên gia, con số này có thể cao hơn ở trong thực tế. Trong đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình có tỷ lệ tự tử cao hơn – đặc biệt là khu vực Đông Nam Á (chiếm 40% tổng số ca tự tử trên thế giới).

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tự sát, trong đó rối loạn cảm xúc nói chung và trầm cảm nói riêng là nguyên nhân phổ biến nhất. Tỷ lệ người mắc chứng trầm cảm chiếm 5% dân số thế giới, trong đó 85% từng có suy nghĩ đến cái chết và hơn 50% đã hình dung đến các kế hoạch tự sát. Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số người tự tử do trầm cảm nhưng WHO đã xếp chứng bệnh này là nguyên nhân số 1 dẫn đến các hành vi tự hại, tự sát.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Trên thực tế, hầu hết các rối loạn tâm thần đều thôi thúc các hành vi tự sát và tự hại. Tuy nhiên, các bệnh lý này đều dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn lưỡng cực. Chính cảm xúc giảm thấp trong trạng thái trầm cảm là yếu tố trực tiếp khiến người bệnh thực hiện hành vi kết liễu.

Vì sao trầm cảm thôi thúc hành vi tự sát?

Cho đến nay, căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của trầm cảm vẫn chưa được biết rõ. Thế nhưng thông qua các nghiên cứu đã được thực hiện, trầm cảm có liên quan đến gen di truyền và hiện tượng mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh (đặc biệt là serotonin). Sự bất thường trong hoạt động của não bộ dẫn đến một loạt triệu chứng trầm cảm bao gồm cảm xúc ức chế, tư duy ức chế và hành vi ức chế.

Như đã đề cập, đa phần các rối loạn tâm thần đều có khả năng gây tự sát. Trong đó, trầm cảm là bệnh có nguy cơ cao nhất. Theo các chuyên gia, bệnh lý này thôi thúc hành vi tự sát, tự hại bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

1. Do không được điều trị kịp thời

Trầm cảm có khởi phát từ từ và tiến triển chậm. Ban đầu, bệnh chỉ thể hiện qua một số dấu hiệu mờ nhạt như buồn bã, chán nản, mất hứng thú và khó tập trung khi học tập – làm việc. Tuy nhiên, triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng dần theo thời gian khiến người bệnh mất hoàn toàn sự quan tâm với mọi thứ, buồn bã sâu sắc, bi quan và tuyệt vọng.

Nếu không được điều trị sớm, trầm cảm sẽ chuyển biến theo chiều hướng nghiêm trọng. Bệnh nhân trầm cảm nặng mất hoàn toàn các cảm xúc tích cực, bi quan về tương lai, vô vọng và không cảm thấy hứng thú hay có bất cứ động lực nào.

Không chỉ cảm thấy cuộc sống nhàm chán, người bị trầm cảm nặng còn hình thành những suy nghĩ sai lệch về bản thân. Họ thường cho rằng bản thân đã phạm phải những tội lỗi nghiêm trọng hoặc đánh giá thấp, cho rằng mình là kẻ vô dụng, yếu đuối và chỉ là gánh nặng của những người xung quanh.

tự sát vì trầm cảm
Nguy cơ tự sát cao hơn ở những bệnh nhân trầm cảm không được thăm khám và điều trị kịp thời

Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể gặp phải các biểu hiện loạn thần. Trong đó, thường gặp nhất là hoang tưởng về việc bản thân bị chỉ trích, bình phẩm và trừng phạt về những tội lỗi đã gây ra. Một số người còn xuất hiện ảo thanh là những lời mạt sát hoặc sai khiến thực hiện các hành vi tự sát.

Trong khi đó, nếu được thăm khám và điều trị sớm, các triệu chứng của trầm cảm sẽ được kiểm soát và tỷ lệ tự sát cũng giảm đi đáng kể. Trầm cảm là bệnh mãn tính, tiến triển dai dẳng nhưng vẫn có khả năng điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu bỏ lỡ thời điểm thích hợp, bệnh có thể tái phát nhiều lần và buộc phải điều trị suốt đời để tránh những hậu quả nặng nề.

2. Do tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc chính được dùng trong điều trị rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn lo âu và một số rối loạn tâm thần khác. Loại thuốc này tác động trực tiếp đến não bộ nhằm tăng nồng độ serotonin cùng với các chất dẫn truyền thần kinh khác.

Tuy nhiên trong vài tuần đầu tiên, thuốc có thể thôi thúc hành vi tự sát và nguy cơ cao hơn ở trẻ em, thanh thiếu niên. Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra tác dụng phụ này nhưng đã có 2 giả thuyết được ủng hộ:

  • Thứ nhất, các chuyên gia cho rằng dùng thuốc chống trầm cảm sẽ khiến cho nồng độ serotonin tăng cao. Sự gia tăng đột ngột của serotonin sẽ khiến bệnh nhân dễ bị kích thích và có xu hướng bạo lực hơn. Do đó, trong vài tuần đầu, gia đình cần theo dõi chặt chẽ để tránh những tình huống đáng tiếc.
  • Giả thuyết thứ 2 cho rằng, não bộ của trẻ em và thanh thiếu niên chưa phát triển hoàn chỉnh nên dễ bị kích thích hơn. Ngoài ra, kinh nghiệm sống hạn chế và thiếu kỹ năng kiềm chế khiến cho tỷ lệ trẻ em, thanh thiếu niên có khả năng tự sát cao hơn so với người trưởng thành.

Mặc dù có thể tăng hành vi tự sát nhưng nguy cơ vẫn thấp hơn so với lợi ích mang lại. Chính vì vậy, thuốc chống trầm cảm vẫn là lựa chọn đầu tiên khi điều trị trầm cảm.

3. Các yếu tố khác

Tỷ lệ tự sát do trầm cảm có thể tăng lên nếu có những yếu tố sau đây:

tự sát vì trầm cảm
Bệnh nhân trầm cảm có sử dụng rượu bia và chất gây nghiện sẽ có tỷ lệ tự sát cao hơn bình thường
  • Mắc bệnh trầm cảm nội sinh
  • Bị đồng thời với các rối loạn tâm thần khác bao gồm rối loạn lo âu, rối loạn hoang tưởng, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt,…
  • Sử dụng rượu bia và chất kích thích
  • Cuộc sống có quá nhiều áp lực, bị lừa dối, xung đột, mâu thuẫn liên tục và phải đối mặt với nhiều thất bại.
  • Gia đình không quan tâm và thiếu sự chia sẻ

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người tự sát do trầm cảm và các rối loạn tâm thần có xu hướng tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy những ảnh hưởng sâu sắc của các vấn đề tâm lý, tâm thần đối với chất lượng cuộc sống, sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Ngăn chặn tự sát do trầm cảm bằng cách nào?

Tự sát là hậu quả nghiêm trọng của bệnh trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác. Đa phần những người đã có hành vi tự tử sẽ lên kế hoạch và thực hiện cho đến khi thành công. Chính vì vậy, bản thân người bệnh và gia đình cần phải chủ động, tích cực trong quá trình thăm khám và điều trị.

Để hạn chế nguy cơ tự sát, tự hại do trầm cảm, bệnh nhân và gia đình nên áp dụng các biện pháp sau:

1. Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị bệnh trầm cảm. Các loại thuốc được sử dụng đều tác động trực tiếp đến não bộ, qua đó cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh và cải thiện triệu chứng do trầm cảm gây ra. Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ xem xét dùng một loại thuốc hoặc kết hợp các nhóm thuốc với nhau.

tại sao người trầm cảm lại tự sát
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ là cách kiểm soát bệnh và ngăn chặn các hành vi tự sát hiệu quả

Các loại thuốc được dùng để điều trị bệnh trầm cảm:

  • Các loại thuốc chống trầm cảm (thường dùng nhất là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc – SSRIs, chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine – SNRIs, thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc ức chế monoamine oxydase,…)
  • Thuốc an thần
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc chẹn beta (thường dùng ngắn hạn để cải thiện các triệu chứng thể chất do trầm cảm gây ra)
  • Các loại vitamin, khoáng chất tổng hợp và thuốc bồi bổ tế bào thần kinh

Đa phần các loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm đều cho kết quả khá chậm (sau khoảng 4 – 8 tuần). Ngoài ra, bệnh nhân cần duy trì dùng thuốc lâu dài (ít nhất là 6 tháng sau khi triệu chứng thuyên giảm) để ngăn ngừa tái phát.

2. Cách ly khỏi stress và sang chấn tâm lý

Sang chấn tâm lý được xem là yếu tố nguy cơ kích thích trầm cảm và các rối loạn tâm thần bùng phát. Chính vì vậy, để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, cần cách ly người bệnh khỏi sang chấn tâm lý và stress. Trong trường hợp gia đình đang có mâu thuẫn sâu sắc, nên cho bệnh nhân điều trị nội trú và những người thân trong gia đình nên tìm cách hòa giải.

Môi trường sống ảnh hưởng nhiều đến tinh thần, tâm lý của bệnh nhân trầm cảm. Nếu phải chứng kiến xung đột, stress và những sự kiện sang chấn liên tục, tình trạng sức khỏe sẽ có xu hướng nghiêm trọng hơn theo thời gian. Do đó, gia đình cần xây dựng môi trường sống lành mạnh, các thành viên trong gia đình phải thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia và tình yêu thương lẫn nhau để tạo động lực cho bệnh nhân vượt qua chứng trầm cảm.

3. Xây dựng lối sống lành mạnh

Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần mà còn tác động tiêu cực đến thể chất. Tinh thần suy sụp sẽ khiến cho thể trạng suy nhược, mệt mỏi và giảm năng lượng. Ngoài ra, bệnh nhân trầm cảm cũng sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề sức khỏe do các triệu chứng như chán ăn, ăn uống quá mức, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.

Bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân nên giữ lối sống lành mạnh để có thể cải thiện sức khỏe thể chất và giảm những ảnh hưởng của bệnh trầm cảm. Hơn nữa, thể trạng khỏe mạnh cũng sẽ giúp nâng đỡ tinh thần và góp phần làm giảm triệu chứng, tiến triển của bệnh.

tại sao người trầm cảm lại tự sát
Xây dựng lối sống lành mạnh góp phần cải thiện chứng trầm cảm và giảm các hành vi tự hại, tự sát đáng kể

Bệnh nhân trầm cảm nên bắt đầu tập thể dục, đảm bảo ăn đủ bữa và thực đơn ăn uống phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Với những trường hợp thèm ăn quá mức, nên chuẩn bị các món ăn vặt ít calo và tốt cho sức khỏe như rau củ sấy, các loại đậu rang, các loại hạt, sữa chua, sinh tố,…

Ngoài ra, người bệnh cần cân đối thời gian nghỉ ngơi, làm việc và đảm bảo ngủ đủ 7 giờ mỗi ngày. Nếu có vấn đề về giấc ngủ, nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp. Bên cạnh đó, cần tránh xa thuốc lá, rượu bia và các chất gây nghiện. Lối sống khoa học không chỉ cải thiện sức khỏe toàn diện mà còn giảm nguy cơ bị stress và mắc các rối loạn tâm thần khác.

4. Trang bị các kỹ năng giảm căng thẳng

Quá trình điều trị trầm cảm thường kéo dài trong nhiều tháng và thậm chí là vài năm. Trong thời gian này, người bệnh phải duy trì dùng thuốc và lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, cần học cách giải tỏa căng thẳng để giữ cho tâm lý ổn định. Như vậy mới có thể kiểm soát bệnh và giảm tỷ lệ tự sát do trầm cảm.

Các kỹ năng giảm căng thẳng cần thiết cho bệnh nhân trầm cảm:

  • Tập yoga
  • Liệu pháp mùi hương
  • Massage thư giãn
  • Dùng trà thảo mộc
  • Viết nhật ký
  • Nghe nhạc tần số cao

5. Trị liệu tâm lý

Ngày nay, điều trị trầm cảm không chỉ bao gồm sử dụng thuốc mà còn có sự hỗ trợ của tâm lý trị liệu. Phương pháp này tác động trực tiếp đến tâm lý của mỗi người thông qua nhiều hướng can thiệp khác nhau. Mục tiêu của tâm lý trị liệu là giúp bệnh nhân trầm cảm ổn định cảm xúc, điều chỉnh những suy nghĩ sai lệch, không phù hợp và tìm thấy niềm vui, động lực trong cuộc sống.

Trị liệu tâm lý còn trang bị cho người bệnh những kỹ năng cần thiết, bao gồm kỹ năng giải tỏa stress, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống, kỹ năng quản lý thời gian,… Các kỹ năng này giúp ích rất nhiều trong cuộc sống và góp phần cải thiện, ngăn ngừa trầm cảm tái phát hiệu quả.

Tâm lý trị liệu có vai trò quan trọng trong việc quản lý và phòng ngừa tự sát do trầm cảm. Do đó ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân và gia đình nên cân nhắc phương pháp này để có thể ổn định sức khỏe lâu dài.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Tự sát do trầm cảm là nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay. Để có thể ngăn chặn kịp thời hành vi tự tử và tự hại, mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức về trầm cảm và các rối loạn tâm thần thường gặp. Có như vậy, bản thân người bệnh mới có thể chủ động trong quá trình chẩn đoán – điều trị và những người xung quanh có ý thức giúp đỡ bệnh nhân vượt qua chứng bệnh này.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *