Hoạt Động Xã Hội Ở Người Nghỉ Hưu

(Tamly) – Đối với người nghỉ hưu (NNH), hoạt động sau khi nghỉ hưu tuỳ thuộc vào nhu cầu, sở thích, sở trường, hoàn cảnh, điều kiện sống của cá nhân, gia đình và những hoạt động này đều mang tính tự nguyện. Một trong những hoạt động của người nghỉ hưu là hoạt động xã hội (tham gia làm thêm, tham gia các tổ chức dành cho người cao tuổi..). Những hoạt động này giúp NNH cân bằng về mặt tâm lý, tự khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội, giải tỏa stress, duy trì sự năng động, tích cực, khỏe mạnh cho cơ thể.

Hoạt động xã hội ở người nghỉ hưu

Một trong những nét nổi bật của NNH là tích cực tham gia các hoạt động mới và tiếp tục các hoạt động cũ.

Ở nước ngoài, nghiên cứu của nhà tâm lý học Mỹ Norman Abeles (1997) cho thấy,  khi con người già đi, họ có xu hướng rời khỏi các hoạt động mang tính chất nghĩa vụ để đến với các hoạt động theo ý mình, từ các hoạt động bên ngoài ngôi nhà đến các hoạt động bên trong ngôi nhà, và từ các hoạt động xã hội (XH) tới các hoạt động một mình. Sự dịch chuyển chung này có thể tạo nên sự linh hoạt và tự do cho cá nhân. Nghiên cứu cũng cho thấy, việc tham gia vào các tổ chức cộng đồng đối với người Mỹ có xu hướng đạt cao nhất ở tuổi trung niên và trong giai đoạn sau của cuộc đời. Những vấn đề về đi lại, sức khỏe kém và thiếu tiền là những nhân tố chính cản trở sự tham gia của người cao tuổi (NCT). Các nhóm tôn giáo là những tổ chức tự nguyện cộng đồng mà người trung niên hoặc cao tuổi tham gia nhiều nhất, các nhà thờ thông thường chào đón sự tham gia của người già. Ngoài các nhà thờ, không có loại hình tổ chức tự nguyện nào khác có được sự tham gia của một phần ba số người trung niên hoặc cao tuổi. Những NCT tham gia vào các hoạt động chính trị ở địa phương trong nhiều năm luôn thấy rằng các kỹ năng và kinh nghiệm của họ giúp họ giải quyết tốt sự liên quan về chính trị, nhưng sự tham gia chính trị vẫn giảm sút sau tuổi 70. [1].

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Một nghiên cứu tiến hành trên 2.761 NCT ở Mỹ từ 65 tuổi trở lên trong vòng 13 năm do Thomas Glass và cộng sự ở trường Đại học Y tế cộng đồng Harvard thực hiện đã cho thấy, các hoạt động xã hội, vui chơi không liên quan đến vận động thể lực, cũng có giá trị làm chậm sự lão hóa và hạ thấp các nguy cơ bệnh tật hoặc tử vong ngang với các hình thức vận động thân thể. Những nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Harvard đã báo cáo trên tạp chí British Medical Journal: “Trong số những người cao tuổi kém năng động thì những người thường tham gia các hoạt động giao tiếp sống lâu hơn những người không tham gia những hoạt động này”[4].

Ở Việt Nam, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, với tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng cao và mong muốn đóng góp sức mình cho sự phát triển của XH, cộng đồng. NNH rất tích cực tham gia các hoạt động mang tính chính trị – XH (tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đảng, Hội Người Cao tuổi (NCT), Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh…).

Nghiên cứu của Dương Chí Thiện (1999) về “Sự tham gia hoạt động XH của NCT ở đồng bằng sông Hồng” cho thấy, tỷ lệ NCT tham gia vào các hoạt động XH ở các tổ chức phi chính thức cao hơn rất nhiều so với các tổ chức chính thức. NCT ở khu vực đô thị thường có tỷ lệ tham gia các hoạt động XH cao hơn NCT ở nông thôn trong hầu hết các tổ chức chính thức như Đảng, Chính quyền, Hội thọ lão, Hội Cựu chiến binh… Ngược lại, trong những hình thức tổ chức phi chính thức như đám cưới, hỏi, đám tang, đám giỗ, lễ chùa, lễ mừng thọ và các hình thức gải trí tại cộng đồng như thăm hỏi hàng xóm, bạn bè… thì NCT nông thôn lại có tỷ lệ tham gia cao hơn NCT ở đô thị. Các cụ ông thường tham gia vào các hoạt động XH nhiều hơn các cụ bà. NCT có đời sống và thu nhập cao thường có tỷ lệ tham gia các hoạt động XH cao hơn NCT có đời sống và thu nhập thấp hơn. NCT có trình độ học vấn cao có tỷ lệ tham gia các hoạt động XH nhiều hơn  NCT có trình độ học vấn thấp, tình trạng sức khỏe kém [2].

Nghiên cứu của Đặng Vũ Cảnh Linh (2009) cho thấy khoảng 61% NNH tham gia vào các Câu lạc bộ hưu trí, Hội NCT, 51% trực tiếp tham gia vào các công tác XH ở địa phương. Hoạt động của các tổ chức này đã đáp ứng  nhu cầu sinh hoạt tập thể của NNH, giúp NNH lấy lại sự cân bằng về mặt tâm lý, tự khẳng định vị trí của mình trong gia đình (GĐ) và XH. Bên cạnh đó, tham gia hoạt động XH, NNH được phát huy khả năng của mình, họ luôn đóng vai trò trụ cột cho chính quyền địa phương trong việc giáo dục con cái làm việc tốt, xây dựng nếp sống văn hoá, tích cực chống các tệ nạn XH, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng chính quyền. Mặt khác điều này giúp họ luôn có tư tưởng vui vẻ, thoải mái với mọi người, GĐ hoà thuận, hạnh phúc, ảnh hưởng tốt đến cách cư xử của con cháu [3].

Thực tế cho thấy, khi được sự quan tâm, khích lệ của GĐ, bạn bè thì NNH cũng tích cực tham gia sinh hoạt tập thể hơn. Nghiên cứu của Phùng Tố Hạnh (1991) về “Giao tiếp xã hội và GĐ ở NNH” cho thấy ở nơi nào có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì ở đó số NCT tham gia các tổ chức XH sẽ tăng [2].

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Có thể thấy, việc tham gia các hoạt động XH đem lại rất nhiều lợi ích cho NNH cũng như gia đình và xã hội. Cần có sự quan tâm, khuyến khích của gia đình cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước để NNH tích cực tham gia hoạt động, sinh hoạt, vui chơi, giải trí, nâng cao tính tích cực GT của họ.                                                                                                                                                                                                 Vân Anh (biên soạn)

Tài liệu tham khảo

  1. Norman Abeles (1997),What practitioners should know about working with older adult.Professional psychology: research and practive (1998). Vol 29, No 5, 413 – 427.
  2. Viện XH học (1999),Chương trình Hội thảo khoa học “Nghiên cứu xã hội ở Việt Nam về người cao tuổi: Lược sử, hiện trạng và triển vọng”,Tập II.
  3. Đặng Vũ Cảnh Linh (2009),Người cao tuổi và các mô hình chăm sóc người cao tuổi ở Việt nam.Nhà xuất bản Dân trí.
  4.  http://www.suckhoedoisong.vn/ca khuc ton giao lam giam stress o nguoi cao tuoi
Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *