Những Vấn Đề Khó Trao Đổi Trong Giao Tiếp Của Người Cao Tuổi
(Tamly.com.vn) Đối với người cao tuổi (NCT), trong giao tiếp hàng ngày nhìn chung họ đều dễ tiếp xúc và chia sẻ, tuy nhiên, có một số vấn đề tế nhị trong cuộc sống họ rất khó khăn khi trao đổi với người khác. Những vấn đề này dần tích tụ làm cho NCT rơi vào trạng thái trầm uất, bất lực, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của họ và những người xung quanh.
Cũng như những người bình thường khác, có khi nào NCT cảm thấy có những chuyện khó nói, khó chia sẻ với người khác?
Kết quả phỏng vấn sâu của chúng tôi trên 305 người nghỉ hưu ở Hà Nội năm 2012 cho thấy, những chuyện mà NCT trong diện khảo sát cảm thấy khó trao đổi với người khác chủ yếu là những vấn đề về quan hệ giữa các thành viên trong GĐ như: mâu thuẫn giữa vợ và chồng (vợ chồng bất hoà, vợ chồng không hiểu nhau, ít quan tâm đến nhau…), tình cảm cá nhân, vấn đề ứng xử của con cái với cha mẹ còn nhiều hạn chế…
Ông Đinh Văn T. ở quận Ba Đình cho biết: “Bà nhà tôi đã mất lâu rồi, hiện tôi đang sống chung với các con cháu, có thể lúc bình thường không sao, nhưng lúc trái gió trở trời, đau ốm thấy cô đơn lắm vì không có người tri kỷ bên cạnh động viên, an ủi. Tôi có nguyện vọng tìm một người phụ nữ để sống cùng tôi lúc tuổi già, nhưng con cháu phản đối lắm, nhiều khi chúng nói những lời nặng nề với tôi, làm cho tình cảm cha con không được như trước, tôi thấy con cái có phần ích kỷ, không hiểu tâm tư, nguyện vọng của tôi”. Ông Ngô Văn N. ở quận Thanh Xuân cho biết: “Tôi và bà nhà tôi trước đây yêu thương nhau lắm, nhưng khi về già, bà ấy bị bệnh, trở tính trở nết, suốt ngày gắt gỏng với tôi rồi kiếm việc đi làm thêm cả ngày, không quan tâm gì đến tôi, tôi suốt ngày ở nhà với các cháu, may mà con cái chúng nó hiểu tôi, thương tôi nên tôi cũng đỡ buồn, nhưng nhiều khi thấy tình cảm vợ chồng không được như xưa cũng thấy ngậm ngùi”.
Bà Đỗ Thu H. ở quận Thanh Xuân cho biết: “ Gia đình tôi có một công ty nhỏ do ông nhà tôi điều hành. Ông ấy năm nay ngoài 60 rồi nhưng vẫn say mê công việc lắm, không nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Tôi bảo ông ấy nghỉ thì ông ấy nói còn sức còn phải làm. Hàng ngày, ông ấy đi sớm về tối, chẳng có thời gian dành cho bản thân và GĐ. Từ ngày về hưu tôi cứ thui thủi một mình vì con cái cũng đã trưởng thành và đi làm, nhiều lúc nghĩ cũng buồn, tủi thân, chẳng biết trò chuyện cùng ai, không biết làm gì cho khuây khoả, cho hết ngày…”.
Ở một hoàn cảnh khác, bà Nguyễn Thị Ng. cho biết: “Ông nhà tôi đau ốm quanh năm, tiền thuốc thang tốn kém, ông ấy lại hay cáu gắt vô cớ nên tôi cũng buồn, con cái thì cũng bận công việc, đi suốt ngày, ít chia sẻ với mẹ. Nhiều lúc tôi chỉ mong được một lời động viên của ông ấy hay sự chia sẻ của con trai mà cũng không được”.
Có thể nhận thấy, những vấn đề riêng tư cá nhân, quan hệ không hoà thuận giữa các thành viên GĐ là một vấn đề khó khăn của NNH khi trao đổi với người khác do ảnh hưởng bởi tư tưởng:“Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, họ cố giữ những ấm ức trong lòng để nhà cửa được êm ấm, để xây dựng một hình ảnh gia đình (GĐ) hạnh phúc. Mặc dù nhiều NCT còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, không hài lòng trong quan hệ GĐ, nhưng khi cần xác định thái độ thì họ lại ca ngợi nhiều hơn phê phán, vui lòng chấp nhận nhiều hơn bực bội. Có thể thấy, ngoài tác động giáo dục mà phần lớn NCT đã tiếp thu được trong suốt quãng đời đã qua, tâm lý ứng xử hoà hoãn, an phận của người cao tuổi còn là những đặc điểm mang tính truyền thống. Cách ứng xử này giúp cho việc duy trì những quan hệ hài hoà trong GĐ và xã hội. Tuy nhiên, mặt khác, nhiều khi cách ứng xử đó làm cho NCT rơi vào trạng thái bất lực, trầm uất, gây ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và sức khoẻ của bản thân họ và những người xung quanh. Các thành viên trong gia đình cần có sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông, ứng xử đúng mực với NCT để nâng cao thái độ tích cực của NCT với cuộc sống.
Vân Anh
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!