Gia đình trở nên gắn kết, hạnh phúc hơn với 5 ngôn ngữ yêu thương
Chúng ta thường có xu hướng bao dung với người lạ nhưng dễ dàng tha thứ cho chính mình khi làm tổn thương với những người thân. Những lời nói và hành động ấy tích tụ lâu ngày chắc chắn sẽ gây nên sự đứt gãy trong mối quan hệ gia đình.
Thêm vào đó, áp lực cuộc sống bận rộn, sự bùng nổ các mạng xã hội càng khiến chúng ta dành ít thời gian cho nhau, xảy ra những bất đồng trong giao tiếp, không thấu hiểu nhau. Và lúc này, hãy nhớ tới bí kíp 5 ngôn ngữ yêu thương – chìa khóa để mở những cánh cửa kết nối trong tổ ấm đang bị đóng.
Năm Ngôn ngữ yêu thương là cuốn sách được biên dịch từ tác phẩm nổi tiếng The Five Love Languages của chuyên gia tâm lý – Tiến sĩ Gary Chapman với kinh nghiệm ba mươi năm tư vấn hôn nhân (tác giả của những cuốn sách bán chạy thế giới và đã được dịch ra 40 ngôn ngữ). Tác giả đã từng chia sẻ rằng nhu cầu tình cảm sâu sắc nhất của con người là nhu cầu được yêu thương. Đối với những người đã kết hôn, nó mang lại cảm giác thấu hiểu và những công cụ thực tiễn để nuôi sống tình yêu trong gia đình. Hàng ngàn cặp vợ chồng đã nói với ông rằng những gì ông viết đã mang lại “một cuộc sống mới” cho hôn nhân của họ.
Hãy cùng tìm hiểu xem bạn đang sở hữu và thực hành các ngôn ngữ yêu thương như thế nào nhé!
1. Lời khẳng định, khen tặng yêu thương
Người Việt Nam còn ngại ngùng, e dè trong việc thể hiện tình cảm với nhau. Và còn mang nhiều nét văn hóa truyền thống về sự tế nhị, khiêm tốn, thích nói giảm nói tránh về thành tích của bản thân. Thế nhưng thực tế thì được ghi nhận, khen ngợi là một nhu cầu rất bản năng của con người.
Bạn có biết, khi mình dành tặng một lời khẳng định, khen tặng từ trái tim dành cho người thân yêu tức là bạn đã kích hoạt dopamine – một hoocmon hạnh phúc trong cơ thể họ? Người ấy tin rằng mình vừa đạt được một thành tựu và tăng thêm khát khao, nỗ lực phấn đấu. Đặc biệt, trong giao tiếp với những người đàn ông trong gia đình (cha, chồng, con trai…), đây là loại hình ngôn ngữ yêu thương mang đến cho họ thêm cảm giác tích cực về giá trị bản thân, thúc đẩy động lực phấn đấu để cống hiến cho gia đình nhiều hơn. Bỏ nhỏ thêm một vài lời khen ngợi chân thành trong trò chuyện sẽ giống như gia vị giúp cho món ăn thêm đậm đà hương vị.
- Hôm nay con giúp được hai bạn làm bài tập cơ à.
- Món ăn mẹ nấu là số 1.
- Bố tin rằng con đã nỗ lực hết mình.
…
Khi nhận được những lời khen ngợi chân thật từ người thân của mình, ai cũng sẽ cảm thấy rất hân hoan, tự hào. Đó chính là sức mạnh của tình thân, sự gắn kết vô hình thiêng liêng và tự nhiên nhất. Yêu thương được nói ra quả thực có sức lan tỏa tuyệt vời. Một câu nói tích cực trao đi cũng đủ khiến cho ngày u ám trở nên tươi sáng. Bỏ lại những ưu phiền, lo âu về công việc, thành tích ở ngoài cánh cửa, bước vào tổ ấm, được lắng nghe những lời vỗ về là hạnh phúc lại ngập tràn trong tim. Hơn hết, gieo trồng những lời khen tặng chân thành cũng chính là chúng ta biết yêu thương chính mình. Bởi khi mình hiểu về bản thân cũng sẽ dễ dàng thấu hiểu đối phương và trao đi lời khen tặng xuất phát từ trái tim. Hãy nói lời yêu ngay khi có thể nhé!
2. Cử chỉ yêu thương
Một chiếc ôm ấm áp dành cho cha mẹ, một chiếc vỗ vai tin tưởng gửi đến con trước kỳ thi, những san sẻ việc nhà với vợ dù chỉ là phơi đồ, lau dọn mấy chiếc kệ… tất cả đều là mang tên “cử chỉ yêu thương”.
Trong gia đình, những người phụ nữ với bản năng của tính nữ luôn trao đi sự chăm sóc một cách vô điều kiện. Khi con ra đời, giấc ngủ của mẹ chập chờn, vô định. Con lớn hơn, mẹ dạy dỗ từng bước đi, từng câu nói đầu đời. Mẹ sẵn sàng ngủ ít hơn, dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Mẹ sẵn sàng thức khuya hơn để an tâm con đã sắp xếp sách vở đầy đủ mai đi học. Mẹ luôn sẵn sàng. Vậy thì tại sao chúng ta còn chần chừ để thể hiện sự trân quý và biết ơn với mẹ, những người thân yêu trong gia đình!
Thiếu đi tình yêu, trách nhiệm và sự chăm sóc lẫn nhau chính là một nguyên nhân lớn dẫn đến rạn nứt hôn nhân. Khoảng cách giữa yêu thương và vô cảm chỉ mong manh là đôi lần thờ ơ, phó mặc và mình thì giữ một cái “Tôi” to đùng. Một người chồng đeo lên mình chiếc tạp dề hay cầm chổi quét dọn có thể sẽ ghi điểm hơn nhiều so với việc anh ta bỏ tiền thuê một người giúp việc.
3. Thời gian chất lượng và ý nghĩa
Cuộc sống quá bận rộn. Rất nhiều người có ước mơ một ngày nhiều hơn 24h để làm được nhiều việc hơn. Nhưng thay vì một điều không thể là thay đổi thời gian thì chúng ta có lựa chọn khác là thay đổi chính mình. 15 – 20 phút mỗi ngày cùng mọi người trong gia đình làm hoạt động nào đó một cách chú tâm hẳn sẽ giúp bạn thêm năng lượng để làm tốt hơn những công việc khác. Ví như cùng nhau dắt thú cưng đi dạo, cùng nhau làm bánh, cùng nhau đi siêu thị…
Thời gian chất lượng và ý nghĩa là cách nói khác của việc hiện diện 100%. Đây là thời gian của sự gắn kết, ở bên nhau trong chánh niệm. Vì chúng ta nhận biết mình đang ở đây, ngay lúc này, không xao nhãng tư tưởng nơi công việc, xã hội, học hành… Chúng ta không cần đưa ra bất kỳ lời khuyên nào mà chỉ cần có mặt thôi cũng đã gửi trao sự yêu thương, niềm tin, sự vững chãi cho đối phương. Như thế, họ cảm nhận được sự đồng hành, thấu cảm đúng nghĩa.
Ví dụ như khi cha mẹ làm việc nhà, dù con chỉ ngồi bên, không phụ giúp. Song việc con lắng nghe, hỏi han, chia sẻ qua lời nói cũng làm cha mẹ thấy hạnh phúc rồi. Hay khi trái gió trở trời, ông bà bị ốm thì thay vì vài câu hỏi thăm qua điện thoại rồi đặt giao đồ ăn, thuốc bổ, con cháu ghé qua thăm hỏi, ăn cùng bữa cơm là tinh thần ông bà phấn khởi, ăn uống ngon miệng, đỡ đau nhức thân thể.
Có nhiều khi ta ngồi bên nhau, đối phương dù biết hết những câu trả lời rồi nhưng họ vẫn hỏi, bởi vì muốn cảm xúc được trút ra, chia sẻ. Chúng ta đơn giản là lắng nghe toàn tâm, không phán xét, cảm nhận trọn vẹn câu chuyện. Thi thoảng mình gợi mở bằng câu hỏi thấu cảm như: “Anh/em có thể giúp được gì cho em/anh?”. Khi đó, cả hai đều sẵn sàng mở lòng kể hết tâm sự, những tâm hồn trở nên đồng điệu ru êm.
4. Giao tiếp bằng xúc chạm cơ thể
Có nhiều người muốn thể hiện yêu thương nhưng không thể hiện được bằng ngôn ngữ nói thì giao tiếp cơ thể là một ngôn ngữ dễ thực hiện hơn cả. Và nó cũng mang lại sự kết nối nhanh nhất. Lúc thai kỳ, con ở trong bụng mẹ và được bao bọc trong bào thai vô cùng ấm áp, an toàn. Sau khi chào đời, con vẫn nhớ cảm giác ấy và thích được ôm ấp. Đó là một nhu cầu bản năng.
Tại sao khi mệt mỏi, một chiếc ôm lại giúp mình như được “sạc pin” tức thì? Bởi năng lượng là những “chiếc bình nước thông nhau”, hành động ôm tiếp xúc trực tiếp nên năng lượng truyền cho nhau ngay lập tức từ “bình đầy” sang “bình vơi”.
Trong chương trình trị liệu nhóm trực tiếp do Trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam tổ chức, Chuyên gia đã hướng dẫn mọi người cùng thực hành ôm yêu thương – một phương pháp dễ dàng ứng dụng mỗi ngày cho tất cả mọi người:
- Đứng đối diện, nhìn vào mắt nhau khoảng 2 giây;
- Thực hành ôm từ 8-10 giây trong tĩnh lặng.
Dù là những người lạ nhưng cảm giác dành cho nhau rất đỗi ấm áp, nhẹ nhàng. Vậy thì với người thân, tình cảm yêu thương ấy sẽ càng mãnh liệt, dạt dào biết bao. Và mỗi ngày chỉ cần 3-4 cái ôm thôi bạn sẽ thấy chuyển biến rõ rệt trong kết nối với gia đình, bạn bè.
Bệnh viện Nationwide Children ở bang Ohio (Mỹ) đã tiến thành một nghiên cứu với sự tham gia của 125 đứa trẻ, cả sinh thiếu tháng lẫn đủ tháng, nhằm đánh giá sự phản ứng của chúng với những đụng chạm cơ thể. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sự phản ứng não bộ mạnh mẽ hơn xảy ra ở nhóm các em bé được bố mẹ hoặc nhân viên bệnh viên ôm ấp nhiều.
Một số nghiên cứu khác từ trường Đại học Princeton (Mỹ) cho kết quả khác về việc khi được cha mẹ ôm, cơ thể con sẽ tiết ra hoocmon Oxytocin – có những tác động tích cực nhất định đến cơ thể, giúp hỗ trợ phát triển về mặt thể chất.
Những cử chỉ âu yếm vừa đủ, đúng lúc sẽ thay cho ngàn lời nói. Cha mẹ có nhớ, khi con còn bế ẵm, mỗi lần con khóc, mình dịu dàng ôm vào lòng, con lại được vỗ về. Phải chăng con nghe thấy tiếng yêu thương trong mỗi nhịp tim của mẹ cha.
5. Trao và nhận quà tặng
Tại Nhật Bản có một nét văn hóa thú vị có từ lâu đời, đó là văn hóa tặng và nhận quà. Họ có tới 3 mùa tặng quà lớn trong năm – khi mà các món quà còn thể hiện cho sự trân trọng mối quan hệ giữa mọi người. Đó là những món quà tinh tế từ sợi dây bằng giấy, buộc bên ngoài (sắc màu/ kiểu buộc), dòng chữ viết ngoài món quà… Dù rằng thời nay, việc tặng quà thuận tiện hơn cùng những chi tiết in sẵn nhưng đây vẫn là một “bài học” văn hóa quan trọng và cần phải ghi nhớ cẩn thận với nhiều người. Và với người nhận còn có văn hóa đáp lễ riêng là Zoto, cũng cầu kỳ và chỉn chu không kém. Có thể, Việt Nam có quan điểm thoáng hơn, không quá khuôn phép trong các món quà, nhưng hãy luôn ghi nhớ – những món quà là kỉ niệm vui vẻ, ghi dấu hạnh phúc giữa mọi người.
Một thực tế tại Trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam là không ít trường hợp tìm đến là những người có cuộc sống vật chất quá đầy đủ rồi. Họ nhận được rất nhiều món quà sang trọng, đắt tiền nhưng chúng không giải quyết được các vấn đề vướng mắc. Thế nên, trao và nhận quà tặng đều nên được lưu ý vì có thể “lời nói gió bay” nhưng đồ vật thì còn đó.
Quà vật chất hay tinh thần thì chúng ta đều thích nhận đúng điều mình muốn. Vì vậy, chúng ta đừng e ngại nói ra mong ước của mình để nhận những món quà phù hợp nhất, trong khả năng của người mua. Ngược lại cũng thế, khi tặng quà cho ai đó, chúng ta có thể gợi mở để họ chia sẻ về điều mình thích. Người tặng hoàn toàn có thể biến tấu, thêm một chút bí mật khi tặng để đối phương bất ngờ, cảm xúc sâu đậm hơn.
Cuộc sống còn quá nhiều điều ý nghĩa đón chờ ta. Hãy nhớ rằng, bạn luôn có sẵn 5 ngôn ngữ yêu thương này để gửi trao tình cảm. Tuy nhiên, giống như cầm cuốn sổ và cây bút trong tay, mỗi người sẽ có cách dùng khác nhau. Người thì viết thơ, người lại vẽ tranh. Ngôn ngữ yêu thương yêu thương cũng vậy. Mỗi người thường có một hoặc hai ngôn ngữ yêu thương nổi trội hơn so với các ngôn ngữ khác và cách thể hiện ngôn ngữ của từng người lại khác nhau. Song những điều này là tương đối và có thể thay đổi theo thời gian, thời điểm.
Bởi thế, bạn cần dành chút thời gian chú tâm quan sát mọi người xem họ có phong cách sống, thói quen giao tiếp, sở thích… như thế nào để lựa chọn ngôn ngữ phù hợp. Đơn giản hơn, bạn và các thành viên trong gia đình của mình có thể cùng nhau làm bài test trong cuốn sách “5 ngôn ngữ yêu thương” của Gary Chapman để có câu trả lời nhanh chóng và đơn giản. Song song với đó, tự bản thân bạn cũng nhận thấy cần thay đổi gì để tạo ra sự hài hòa trong các mối quan hệ. Điều quan trọng là bạn không thể thay đổi được người khác mà chỉ có thể thay đổi chính mình.
Qua 5 ngôn ngữ yêu thương, bạn cũng khám phá về chính bản thân mình và làm mình trở nên hạnh phúc, vui vẻ hơn thông qua việc tự đáp ứng những nhu cầu yêu thương nổi trội của bản thân thay vì chờ đợi một ai đó thấu hiểu và đáp ứng cho mình.
Những thông tin này được Chuyên gia chia sẻ trong chương trình Trị liệu nhóm trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh số 08: “Trung thu – Tết của sự đoàn viên” của Trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm:
- Hôn nhân không hạnh phúc: Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp
- Tâm lý trị liệu NHC: Phát triển bền vững gắn liền trách nhiệm xã hội
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!