Chuyên gia Tâm lý trị liệu Phạm Thị Ngọc Trâm: Chìa khóa chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực

Cảm xúc tiêu cực làm tiêu hao năng lượng và khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ngược lại, cảm xúc tích cực sẽ mang đến cảm giác thoải mái và nhiều điều tuyệt vời hơn. Vậy làm sao để chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực hoặc loại bỏ những cảm xúc tiêu cực? Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Ngọc Trâm để khám phá ngay nhé!

Cảm xúc tiêu cực sinh ra khi nào?

Cảm xúc tiêu cực có thể đến từ mọi khía cạnh trong cuộc sống. Đôi khi, nó là những mối quan hệ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, mất niềm tin vào bản thân, tổn thương, buồn khổ hoặc công việc không như mong muốn, không như kỳ vọng, sự mệt mỏi và áp lực về vật chất, áp lực thành tích…

Vậy cảm xúc tiêu cực được định nghĩa chính xác là như thế nào? Theo Chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Ngọc Trâm, cảm xúc tiêu cực là những cảm xúc có thái cực trái ngược hoàn toàn với cảm xúc tích cực, cụ thể:

Cảm xúc tích cực là những cảm xúc sinh ra thuận theo điều mình mong muốn. Ngược lại, cảm xúc tiêu cực sẽ gắn liền với những kết quả hay sự việc ngược chiều mong muốn. Mỗi người tùy từng thời điểm sẽ có những mong muốn khác nhau. Mong muốn đó không nhất định lúc nào cũng là điều tốt.”

Cơ sở để biết được tình huống này là tiêu cực hay tích cực, cảm xúc này tiêu cực hay là tích cực với mình sẽ dựa trên sự mong muốn hay nói cách khác là kết quả mong muốn của mình. Đôi khi cùng tình huống, cùng một kết quả nhưng sẽ mang lại cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực khác nhau ở mỗi người tùy vào mong muốn và hoàn cảnh cụ thể của mỗi người.

Cảm xúc tiêu cực sẽ gắn liền với những kết quả hay sự việc ngược chiều mong muốn của bản thân.

Ví dụ như hai bạn cùng chuẩn bị bước vào kỳ thi học kỳ. Nhưng bạn A rất chăm chỉ, quyết tâm đạt được kết quả tốt nhất nên cố gắng ôn tập, siêng năng học hành. Vào ngày đi thi bạn khỏe mạnh, ngủ sớm dậy sớm vì đã có vững vàng kiến thức, sau đó đến trường thi và tự tin làm bài với tâm thế hoàn toàn thoải mái.

Còn bạn B kia thì mải chơi, không đặt ra mục tiêu, không ôn tập hay có sự chuẩn bị nào cho kỳ thi sắp tới. Đến sát ngày thi, bạn bỏ ra ôn tập nhưng vì quá gấp nên không dung nạp được kiến thức, bạn bắt đầu lo lắng và có suy nghĩ mai không muốn đi. Hôm sau bạn bị ốm, sốt cao và buộc phải gọi điện xin nghỉ, hoãn lại kỳ thi.

Trong ví dụ như vậy, việc bị ốm của bạn B theo cảm quan thông thường là tình huống tiêu cực nhưng với bạn B thì đó lại là tích cực. Bởi lẽ bạn đã có được kết quả như mong muốn của bản thân khi không ôn luyện cẩn thận nên không đủ tự tin và không muốn tham gì kỳ thi vào ngày hôm sau nên bị ốm với bạn chính là tích cực. Tuy nhiên, nếu bạn A gặp tình huống như bạn B, A chắc hẳn sẽ có cảm xúc tiêu cực bởi vì A đã ôn bài rất tốt và tâm thế mong muốn đi thi. 

Chìa khóa chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực

Để có thể nắm giữ chìa khóa biến cảm xúc tiêu cực thành cảm xúc tích cực, chúng ta trước tiên nên hiểu rõ mối liên hệ giữa cảm xúc và vô thức. 

Con người của chúng ta có 3 vùng tâm trí bao gồm: Ý thức, vô thức và trường năng lượng. Ý thức là điều mà một người nhận biết, tư duy, suy luận được là đúng hay sai, tốt hay xấu, nên hay không nên trong tình huống, sự kiện cụ thể với chính họ (chứ không phải với người khác). Ý thức chiếm 10% tâm trí. 

Ngược lại, vô thức là vùng tâm trí mà chúng ta khó nhận biết sự tồn tại của nó hơn nhưng lại chiếm 90% tâm trí. Vô thức là không phân biệt được xấu hay tốt, đúng hay sai, nó cũng tiếp nhận mệnh lệnh từ ý thức và thực thi. Cơ chế của vô thức là kiểm soát, bảo vệ cơ thể. Nó cũng là kho tàng lưu trữ tất cả trải nghiệm tích cực và tiêu cực trong cuộc đời mỗi con người, đặc biệt là những tình huống mang lại cho con người cảm xúc lớn (kể cả tích cực và tiêu cực). 

Và khi con người gặp một tình huống cụ thể, vô thức sẽ sử dụng tất cả những trải nghiệm mà nó đã lưu giữ để ra quyết định và bảo vệ. Đặc biệt là trong những tình huống lặp đi lặp lại, nó sẽ sử dụng cách thức giao tiếp (bao gồm suy nghĩ, cảm xúc, hành động, lời nói) trong những lần trước để ra quyết định hành động cho lần này. Bởi vậy, chúng ta thường có xu hướng lặp đi lặp lại một hành động không mong muốn trong tình huống cụ thể nào đó. 

Giống như nhiều bà mẹ thường hay nổi giận là đánh con. Mặc dù trong những lần trước, họ đã làm thế, họ đã hối hận và họ hứa rằng họ sẽ không đánh con nữa. 

Vô thức vận hành để làm cho những hoạt động bên trong của chúng ta diễn ra hàng ngày, kiểm soát những thứ mà chúng ta suy nghĩ và chúng ta sẽ bắt đầu làm những thứ mà đôi khi chúng ta đã vô hình hay hữu ý nói chuyện cho chính mình và thực hiện thành hành động một cách không có ý thức.

Khi chúng ta thực sự mong muốn một điều gì đó bằng ý thức 10% thì vô thức chiếm 90% nó cũng có sự hợp nhất. Và khi có sự hợp nhất này, chúng ta sẽ làm chủ được bản thân, làm chủ được cảm xúc, tâm trí của mình, làm chủ được cả cuộc đời của mình chứ không bị phụ thuộc hay tác động bởi yếu tố bên ngoài khác.

Nhưng nếu như mình giao tiếp sai, tức là ý thức mong muốn một điều nhưng lại giao tiếp với vô thức không đúng thì vô thức sẽ tiếp nhận thông tin theo điều mà chúng ta giao tiếp không đúng và cảm xúc cũng thể hiện đó. 

Chẳng hạn, mình mong muốn khỏe mạnh, bình an nhưng bằng suy nghĩ hoặc lời nói mình lại vô tình giao tiếp rằng “tôi sợ bệnh tật, tôi lo lắng, sợ hãi” thì vô thức sẽ tiếp nhận được những từ khóa là “bệnh tật”, “lo lắng”, “sợ hãi”… Khi đó, vô thức sẽ làm theo thứ mà nó được giao tiếp, chính là những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực sâu bên trong và không thể chuyển hóa thành cảm xúc tích cực.

Hãy dùng ý thức để giao tiếp với vô thức, nói chính xác và cụ thể điều mình mong muốn.

Và từ mối liên hệ mật thiết giữa cảm xúc tiêu cực, tích cực và vô thức, chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Ngọc Trâm đã hé lộ chìa khóa để biến cảm xúc tiêu cực thành tích cực là:

“Trước tiên, hãy suy nghĩ tích cực, nói những điều mình mong muốn để trường năng lượng của bản thân thu hút những điều mà chúng ta thật sự mong muốn đến. Mình nói đúng điều mà mình thật sự mong muốn bằng ngôn từ tích cực, ngôn từ hướng tới. Chẳng hạn, thay vì nói “sao mình ốm yếu vậy” hãy nói “tôi muốn tôi khỏe mạnh”, nếu bạn chưa quen có thể nói “hôm nay tôi chưa khỏe lắm”. 

Tức là chúng ta cần giao tiếp làm sao cho cả ý thức lẫn vô thức, 100% tâm trí và cơ thể mình có sự thống nhất và tiếp nhận những thông tin tích cực thì cảm xúc mới dễ dàng được chuyển hóa. 

Theo đó, khi chúng ta có một sự giao tiếp, một kết luận về điều gì đó thích hoặc không thích, ý thức sẽ giao tiếp với vô thức theo những tiêu chí như vậy. Từ đó, những cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực cũng được sinh ra dựa vào chiều thuận – nghịch của điều mà chúng ta mong muốn, điều chúng ta thích hoặc không mong muốn, không thích.

Để biến cảm xúc tiêu cực thành tích cực, chúng ta cần phải nói chuyện, cần phải dùng ý thức để giao tiếp theo điều mà mình mong muốn. Nếu như mình mong muốn điều gì, mình thích thứ gì thì mình phải nói đúng, nói chính xác những ngôn từ diễn đạt niềm mong muốn đó, sự yêu thích đó, nói cụ thể và chi tiết chứ không nói chung chung.

Một lần nữa hãy nhớ rằng, vô thức chiếm 90% tâm trí con người bởi vậy nó quyết định rất lớn đến cảm xúc, suy nghĩ, hành động của con người. Vô thức giống như một em bé, không phân biệt đúng sai, thật giả, chỉ tiếp nhận thông tin từ ý thức là muốn gì, không muốn gì, thích gì, không thích gì và đồng ý, cho thêm. 

Bên cạnh ý thức, vô thức, còn có trường năng lượng xung quanh cơ thể. Trường năng lượng vô hình như sóng wifi, internet và nó cũng ảnh hưởng đến cảm xúc của con người. 

Theo chuyên gia Ngọc Trâm:

“Trường năng lượng được tạo ra dựa trên tất cả những dòng suy nghĩ của con người. Nếu chúng ta suy nghĩ những điều tích cực, vui vẻ, lạc quan, bình an theo những điều mình mong muốn thì vô thức sẽ tiếp nhận và cho thêm. Cơ thể chúng ta sẽ tràn đầy năng lượng tích cực, mạnh mẽ để thu hút những điều thịnh vượng, giàu có, bình an trong cuộc đời của chúng ta.

Ngược lại, chúng ta giao tiếp với vô thức theo điều mà mình không mong muốn là sợ bệnh, sợ khổ, sợ nghèo, bực bội, khó chịu, tức giận, oán trách thì điện trường của chúng ta sẽ thấp, càng ngày nó càng nhỏ bé và sẽ chỉ thu hút những điều nhỏ bé, những điều tiêu cực đến cuộc đời của mình thôi. Đó gọi là luật hấp dẫn, thu hút tất cả những thứ mà mình đã nghĩ”.

Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Ngọc Trâm chia sẻ chìa khóa chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực

Trường năng lượng này cũng ảnh hưởng đến những người xung quanh. Chẳng hạn như bạn có năng lượng không tích cực, đang buồn chán, mệt mỏi, đau khổ thì người thân xung quanh bạn cũng nhận thấy điều đó và cũng khó có thể vui vẻ khi ở bên cạnh bạn. 

Học cách trân trọng để chuyển hóa cảm xúc tiêu cực

Ngoài việc giao tiếp đúng với vô thức về những suy nghĩ, mong muốn theo hướng tích cực, chuyên gia Ngọc Trâm cũng chia sẻ thêm kỹ thuật khác có tác dụng chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực. Kỹ thuật đó là hình dung, tưởng tượng những điều tiêu cực có thể xảy đến trong cuộc đời, hình dung, tưởng tượng mình sẽ mất đi thứ gì đó, hoặc gặp một vấn đề gì đó bản thân không mong muốn.

Kỹ thuật này được hình thành bởi những người theo chủ nghĩa khắc kỷ thời kỳ La Mã cổ đại dựa trên tâm lý thông thường của con người là điều gì ít bất ngờ thì sẽ ít khổ đau. Ngược lại, chuyện bất ngờ ập đến, chưa có sự chuẩn bị, chưa có tưởng tượng đến thì sẽ bối rối, hoang mang, sợ hãi, đau khổ, hối tiếc và nhiều cảm xúc tiêu cực khác. 

Vì con người thường tập trung vào thứ mà mình không có chứ không tập trung vào thứ mà mình có và nghĩ rằng những gì mình có sẽ hiển nhiên tồn tại mãi mãi mà không thay đổi, nhưng sự thật là mọi thứ đều có thể thay đổi.  

Chẳng hạn như chúng ta đang có một chiếc Iphone 12 nhưng khi hãng ra những chiếc Iphone 13, 14 đời cao hơn thì chúng ta lại mong muốn có chúng mà quên mất cần phải trân trọng, bảo quản chiếc điện thoại mà mình đang có. Đến khi nó hỏng, chúng ta lại cảm thấy mất mát tiền bạc để sửa, cảm thấy tiếc nuối vì mình đã không bảo quản nó cẩn thận… 

Hay trong mối quan hệ cặp đôi, lúc đầu có thể chúng ta thấy thích người đó vì điều này, điều kia nhưng dần dần chúng ta nhận ra họ cũng có những điều khiến mình không thích. Sau một thời gian sống lâu ở cạnh nhau, chúng ta lại quen nhìn vào những mặt không tốt của đối phương mà không trân trọng sự hiện diện của người đó trong cuộc đời mình. Đến khi họ không còn ở bên cạnh ta nữa, ta lại cảm thấy hối hận, hối tiếc… 

Và mọi sự vật, con người tồn tại trong cuộc đời đều tuân theo những quy luật tự nhiên của vũ trụ. Giống như chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Ngọc Trâm chia sẻ: “Mọi thứ trên đời này đều có thể thay đổi, tựa như con người chúng ta có “sinh – lão – bệnh – tử”, còn sự vật có “thành – trụ – hoại – diệt”. Đó là quy luật tự nhiên, là những chuyện bắt buộc phải xảy ra trong vòng đời của mỗi người, mỗi vật. Chúng ta không thể thay đổi kết quả cuối cùng của sự mất đi là “tử” ở người hay “diệt” ở vật”.

Sinh – lão – bệnh – tử là quy luật tất yếu cho cuộc đời của mỗi con người và là điều chúng ta không thể thay đổi.

Một con người bình thường sẽ trải qua các giai đoạn từ khi hình thành phôi thai, ở trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày rồi chào đời. Sau đó, em bé bắt đầu lớn lên, đi học, đi làm, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái…, lần lượt đi đến các giai đoạn thanh niên, trung niên và gia đi. Và khi già hơn, người ta bắt đầu vào giai đoạn bị bệnh, rồi mất đi.

Từ đó, chúng ta nhận diện được rằng, có hai chuyện quan trọng nhất trong đời người đó là sinh và tử. Sinh thì sinh rồi, nhưng tử thì không dự tính trước được khi nào vì con người đâu có được lựa chọn là khi nào mình mất đi. Cho nên mình cũng không nên lo sợ và không cần quan trọng việc khi nào mình mất đi.

Mình không thể xóa bỏ giai đoạn cơ thể già đi và bị bệnh tuổi già nhưng có thể biến nó từ lớn thành nhỏ bằng cách chăm sóc đúng cơ thể, tâm trí. Mình phải đi học về kiến thức, về dinh dưỡng, về vận động, ăn uống,… tất cả mọi thứ để làm sao khi mà khi bản thân già đi thì ít bệnh hơn và mất đi một cách nhẹ nhàng.

“Tử” hay mất đi là quy luật tự nhiên nên chúng ta không thể nào đi ngược lại dòng chảy này được. Cũng giống như đồ vật nào cũng phải trải qua giai đoạn bị hư mất, hỏng mất. Ngay cả khi mình không sử dụng và để như vậy, nó cũng sẽ hư mất theo thời gian và không thể tồn tại được mãi bên cạnh mình.

Đó là quy luật tất yếu của tự nhiên mà mình phải học cách chấp nhận. Nếu ai không chấp nhận và ngược theo dòng chảy quy luật tự nhiên thì sẽ cảm thấy đau khổ. Và chấp nhận sự thật này để biết trân trọng, yêu quý bất kỳ ai hay bất kỳ đồ vật nào đang hiện diện trong cuộc sống của mình. Hãy thể hiện tình cảm, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, sự chăm sóc, giữ gìn, chứ đừng cất giấu trong lòng để đến khi mất đi vẫn không kịp bày tỏ.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Ngọc Trâm chia sẻ:

“Chúng ta yêu thương, trân trọng đồ vật, con người ở bên cạnh mình thì đến một lúc nào đó, họ không còn bên cạnh ta nữa, đồ vật đã đến lúc hư và mất đi thì chúng ta sẽ không có những cảm xúc hối tiếc vì mình đã không trân trọng từng khoảnh khắc, từng giây phút ở bên cạnh họ hay một món đồ nào đó”. 

Và việc thực tập kỹ thuật hình dung tưởng tượng sự mất mát khoảng 2-3 phút trong ngày sẽ giúp chúng ta trân trọng món đồ, con người đang ở bên cạnh mình hơn. Hãy bắt đầu với những đồ vật thân thuộc của mình trước, sau đó đến thân thể, cơ thể của mình và những người mình yêu thương. Việc thực tập này cũng giúp chúng ta bớt đau khổ, buồn đau khi một ngày nào đó sự mất mát xảy ra bất ngờ. 

Giống như một nghiên cứu trên thế giới được thực hiện bằng việc khảo sát ở những người sắp qua đời bởi vì không vượt qua được những thân bệnh hiểm nghèo. Họ thường trăn trối, viết những lá thư gửi lại cho người thân của mình và nói những điều mà họ trăn trở thì phát hiện rằng, gần như tất cả mọi người đều có những sự bày tỏ giống nhau rằng tôi ước…, giá như…

Thế nhưng, chúng ta có thật sự có những cái giá như không? Chúng ta có thể quay lại quá khứ được không? Có thể quay lại để gặp người đã yêu thương chúng ta và bày tỏ tình cảm của chúng ta, quan tâm chăm sóc, thể hiện sự biết ơn trân trọng họ được hay không? 

Có rất nhiều người, cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, mới lưu luyến hồi hồi 2 từ “giá như”.

Ai cũng biết rằng cuộc sống không có hai từ “giá như”. Vậy mà ở rất nhiều thời điểm, cho đến khi chúng ta không còn được nhìn thấy người đó nữa thì chúng ta mới bắt đầu ước mong và nghĩ đến hai từ “giá như”. Hay rất nhiều người, khi không còn được tiếp tục sống thì sẽ nghĩ “giá như tôi có đủ can đảm để sống một cuộc đời đúng nghĩa cho chính bản thân tôi chứ không phải là cuộc đời mà mọi người mong muốn tôi đạt được…

Có những người thốt lên rằng giá như tôi yêu thương và chăm sóc sức khỏe, thể chất và tinh thần của mình nhiều hơn. Giá như tôi đã không dành quá nhiều thời gian để lao đầu vào việc kiếm tiền và công việc. Giá như tôi đã biết cách chăm sóc “bản thân mình, tâm trí và cơ thể của mình, bởi vì họ nhận ra là “chiếc giường đắt nhất là chiếc giường bệnh”…

Và cũng có người thì nói rằng giá như tôi có đủ can đảm để bày tỏ cảm xúc của mình. Rất nhiều người họ yêu thương một ai đó và họ cảm thấy họ có lỗi, nhưng họ không dám nói ra lời xin lỗi. Mà lời xin lỗi thì cần cả sự sự dũng cảm và sự trưởng thành của một con người để nói lên một cách tự chịu trách nhiệm.

“Cho nên hãy trân trọng và làm hết tất cả những gì mà chúng ta có thể làm ở trong giây phút này thì chúng ta sẽ không sống một cuộc đời có hối tiếc. Người ta chỉ hối tiếc bởi vì người ta chưa làm thôi chứ chưa ai cảm thấy hối tiếc bởi vì đã quyết định làm. Chúng ta hãy bày tỏ, hãy chịu trách nhiệm sự lựa chọn của mình và kết quả của sự lựa chọn đó.”

Chúng ta hãy sống tỉnh thức, hiện hữu, sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Vì thời điểm quan trọng nhất là hiện tại, người quan trọng nhất là những người đang ở bên cạnh mình ở thời điểm này. Đó là nhận thức về sự hiện hữu ở đây chứ không phải ai hay cái gì ngoài kia. Nhận thức được như vậy là khi chúng ta bắt đầu thực tập việc sống tỉnh thức trọn vẹn.

Mỗi ngày mở mắt ra được nhìn thấy nhau đã là hạnh phúc rồi, bởi vì chúng ta sẽ không biết là một ngày nào đó khi chúng ta mở mắt ra, chúng ta không còn được gì những người thân yêu của chúng ta nữa và đừng để cho cái cảm giác là mất đi rồi mới hối tiếc. Hãy trân trọng khi còn có thể, hãy yêu thương khi còn có thể…”

Sau khi đã hiểu được những điều như vậy, đừng quên thực hành giao tiếp với vô thức, học cách suy nghĩ tích cực, hành động tích cực. Và luôn hiểu rằng hình dung hay tưởng tượng những điều tiêu cực có thể xảy ra không phải để buồn khổ, băn khoăn, sợ hãi mà để học cách chấp nhận quy luật tự nhiên của cuộc sống, để biết ơn và trân trọng những gì mình đang có và để sống tỉnh thức, hiện hữu, trách nhiệm một cách trọn vẹn.

Đó là những chia sẻ vô cùng chân thành và xúc động mà chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Ngọc Trâm muốn gửi gắm. Những chia sẻ này không chỉ dừng lại ở chìa khóa biến cảm xúc tiêu cực thành tích cực mà còn chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa giúp chúng ta có được sự thức tỉnh để biết sống một cuộc đời bình an, hạnh phúc, không nuối tiếc.

Có thể bạn quan tâm:

Chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Ngọc Trâm chia sẻ về ​​chìa khóa vượt qua nỗi sợ hãi

Chia sẻ của chuyên gia Trần Thị Hương về giải pháp thúc đẩy tinh thần làm việc công sở

2.3/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *