Phác Đồ Điều Trị Chứng Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa

Phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm hai phương pháp chính là liệu pháp hóa dược và tâm lý trị liệu. Ngoài ra, điều trị còn gồm một số biện pháp hỗ trợ nhằm giúp bệnh nhân kiểm soát stress và nâng cao chất lượng cuộc sống.

phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa
Phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa được cá nhân hóa tùy theo độ tuổi, mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh

Đặc điểm của rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là một dạng những rối loạn lo âu phổ biến bên cạnh rối loạn hoảng sợ và rối loạn ám ảnh sợ hãi. GAD đặc trưng bởi sự lo lắng, căng thẳng dai dẳng, kéo dài và mơ hồ về tất cả những khía cạnh của cuộc sống như sức khỏe, hôn nhân, tài chính, chăm sóc con cái, công việc,…

Khác với lo âu thông thường, sự lo lắng của người mắc chứng bệnh này thường quá mức và không tương xứng với vấn đề. Thậm chí, nhiều bệnh nhân cảm thấy lo âu nhưng không thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Hiện tại, khoảng 3% dân số thế giới phải đối mặt với rối loạn lo âu lan tỏa và tỷ lệ cao hơn ở phái nữ (gấp 3 – 4 lần nam giới).

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Đặc điểm của rối loạn lo âu lan tỏa là sự lo lắng thái quá, kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Tâm lý lo lắng khiến người bệnh luôn trong trạng thái căng thẳng và không bao giờ cảm thấy thư giãn. Người bị rối loạn lo âu lan tỏa có thể đồng mắc với các bệnh tâm thần khác và phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe thể chất.

Tương tự như các rối loạn lo âu khác, GAD khởi phát sớm trong giai đoạn vị thành niên và đầu độ tuổi trưởng thành (thường trước 25 tuổi). Các triệu chứng khởi phát từ từ với mức độ tăng dần theo thời gian. Dạng rối loạn lo âu này có tiến triển mãn tính và có khả năng tái phát cao.

Chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) không gây ra bất cứ tổn thương thực thể nào nên sẽ được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, người bệnh vẫn sẽ phải thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để được đánh giá tâm lý và loại trừ các bệnh lý có khả năng gây ra triệu chứng tương tự.

1. Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán lâm sàng là chẩn đoán dựa vào triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Hiện tại, ICD-10 và DSM-5 là tiêu chuẩn chẩn đoán được áp dụng trong quá trình chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa.

– Chẩn đoán theo ICD-10

Chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa theo ICD-10 được xác định khi người bệnh có tình trạng lo lắng hầu như mỗi ngày và xảy ra liên tục trong nhiều tháng. Sự lo lắng của người bệnh phải đi kèm với những biểu hiện sau:

  • Lo lắng về tương lai, luôn nhìn nhận tương lai bi quan, bất hạnh, khó tập trung tư tưởng và thường trực cảm giác bất an.
  • Căng thẳng về vận động như run, cơ thể không bao giờ có cảm giác thư giãn, đau đầu, đau mỏi vai gáy,…
  • Tăng hoạt động của hệ thần kinh thực vật (vã mồ hôi, thở nhanh, tim đập nhanh, khô miệng, chóng mặt, khó chịu ở vùng thượng vị)

– Chẩn đoán theo DSM-5

Ngoài ICD-10, DSM-5 cũng được áp dụng trong chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa. Tiêu chuẩn này đưa ra chẩn đoán xác định khi người bệnh đáp ứng được các điều kiện sau:

phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa
Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) thường được chẩn đoán thông qua tiêu chuẩn DSM-5
  • Phiền muộn, lo lắng thái quá về những vấn đề trong cuộc sống như học tập, tài chính, chăm sóc con cái, công việc, hôn nhân,… trong thời gian ít nhất 6 tháng.
  • Gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự lo lắng (dù ý thức được sự lo lắng của bản thân là quá mức và thái quá)
  • Các triệu chứng trên phải kết hợp với 3 trên tổng số 6 triệu chứng (người lớn) và 1 trên tổng số 6 triệu chứng (trẻ em).

Các triệu chứng kết hợp bao gồm:

  • Đầu óc trống rỗng, khó khăn trong việc tập trung
  • Căng cơ
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải
  • Tâm trạng bồn chồn, căng thẳng và dễ cáu gắt
  • Kích thích
  • Có các vấn đề về giấc ngủ như ngủ chập chờn, giấc ngủ đến muộn, mất ngủ, dễ thức giấc,…

So với các rối loạn lo âu khác, rối loạn lo âu lan tỏa ít ảnh hưởng hơn đến các hoạt động học tập, nghề nghiệp và các mối quan hệ do người bệnh ít gặp phải các cơn hoảng loạn. Tuy nhiên, nỗi sợ dai dẳng khiến người bệnh căng thẳng và phải đối mặt với một loạt các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm thần.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Bên cạnh chẩn đoán lâm sàng, quá trình chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa còn bao gồm các kỹ thuật cận lâm sàng. Mục đích của các kỹ thuật này là xác định mức độ bệnh và loại trừ hội chứng nghiện, bệnh lý thể chất,…

  • Các xét nghiệm thường quy như phân tích nước tiểu, công thức máu,…
  • Xét nghiệm sinh hóa xác định creatine, đường huyết ECG, Ure,…
  • Trắc nghiệm tâm lý
  • Xét nghiệm hình ảnh não bộ
  • Xét nghiệm hormone, siêu âm tuyến giáp
  • Điện tâm đồ, điện não đồ
  • X quang tim phổi
  • Siêu âm ổ bụng

Nguyên tắc điều trị rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa cần được thăm khám và điều trị để ngăn chặn biến chứng, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Quá trình điều trị được thực hiện theo nguyên tắc sau:

– Kiểm soát lo âu và giảm stress:

  • Cho bệnh nhân tập đối mặt với các tình huống gây ra căng thẳng, lo lắng, phiền muộn,…
  • Giải thích để người bệnh hiểu được rối loạn lo âu lan tỏa gây ra các triệu chứng thể chất, hoàn toàn không phải do người bệnh mắc các bệnh lý nghiêm trọng.
  • Nâng cao kiến thức để tránh tình trạng sử dụng rượu bia, thuốc lá và lạm dụng thuốc ngủ
  • Tăng cường các hoạt động thể chất

– Cải thiện, điều trị triệu chứng:

  • Liệu pháp hóa dược, ưu tiên đơn trị liệu (thuốc chống trầm cảm). Trường hợp không có đáp ứng sẽ được xem xét sử dụng nhiều loại thuốc để tăng hiệu quả.
  • Thuốc được dùng với liều thấp, sau đó tăng liều đến khi đạt được hiệu quả tối đa. Đồng thời cần thận trọng khi sử dụng thuốc giải lo âu gây nghiện (benzodiazepine)
  • Trị liệu tâm lý (liệu pháp nâng đỡ và liệu pháp nhận thức hành vi)

Phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa

Phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) được cá nhân hóa tùy vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Nhưng nhìn chung, phác đồ thường bao gồm liệu pháp hóa dược, trị liệu tâm lý và các biện pháp hỗ trợ.

1. Liệu pháp hóa dược

Liệu pháp hóa dược có vai trò chính trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Thuốc giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng tái phát. Tuy nhiên, cần dùng thuốc theo đúng nguyên tắc để đạt được kết quả cao và hạn chế tối đa tác dụng phụ. Các loại thuốc thường được sử dụng khi điều trị rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm:

phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa
Liệu pháp hóa dược là một trong những phần chính của phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa

Thuốc chống trầm cảm:

  • Imipramin: 150 – 300 mg/24 giờ
  • Amitriptylin: 150 – 300 mg/24 giờ
  • Paroxetine: 20 – 80 mg/24 giờ
  • Citalopram: 20 mg – 60 mg/24 giờ
  • Venlafaxine: 37,5 – 375 mg/24 giờ
  • Mirtazapin: 15 – 60 mg/24 giờ
  • Fluvoxamine: 50 – 300 mg/24 giờ
  • Fluoxetin: 10 – 80 mg/24 giờ
  • Escitalopram: 10 – 20mg/24 giờ
  • Sertraline: 50 – 200 mg/24 giờ
  • Thường ưu tiên dùng nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs), thuốc chống trầm cảm 3 vòng,…

Thuốc kháng histamin:

  • Hydroxyzine: 10 – 300mg/ 24 giờ
  • Ưu tiên dùng để cải thiện tình trạng mất ngủ, ngủ chập chờn, khó ngủ,… nhằm hạn chế tác dụng phụ khi sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepine

Thuốc giải lo âu/ thuốc an thần nhóm benzodiazepine:

  • Diazepam: 5 – 20mg/ngày
  • Lorazepam: 2 – 6 mg/ngày
  • Bromazepam: 6-12mg/ ngày
  • Alprazolam: 1 – 4 mg/ngày
  • Hoặc có thể dùng thuốc giải lo âu nhóm Non-benzodiazepine: Zopiclon, Sedanxio, Etifoxine HCL,…

Các loại thuốc dùng phối hợp:

  • Trường hợp rối loạn lo âu nặng có thể dùng thêm thuốc điều chỉnh khí sắc và thuốc chống loạn thần
  • Thuốc hỗ trợ chức năng gan, thuốc tăng cường nhận thức
  • Các loại thuốc và viên uống nuôi dưỡng tế bào thần kinh bao gồm Ginkgo Biloba, Vinpocetin, Piracetam, Choline,…
  • Thuốc ức chế beta được sử dụng để giảm các triệu chứng thể chất do GAD gây ra. Thường dùng nhất Propranolol với liều 10mg/ 2 lần/ 24 giờ và có thể tăng liều đến 160mg/ 24 giờ.

Trong thời gian sử dụng thuốc, cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng đỡ tinh thần và thể chất. Chế độ ăn cho bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) bao gồm:

  • Không sử dụng rượu bia, cà phê và tránh hút thuốc lá
  • Uống đủ nước
  • Bổ sung vitamin, khoáng chất thông qua chế độ ăn lành mạnh.
  • Nên dùng thức ăn mềm, lỏng, nhiều chất xơ để giảm áp lực lên hệ thống tiêu hóa.
  • Trường hợp rối loạn lo âu lan tỏa nặng có thể phải nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.

2. Liệu pháp tâm lý

Bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa thường nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng bi quan và có xu hướng lo lắng quá mức, thái quá. Do đó bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân cần phải trị liệu tâm lý để điều chỉnh nhận thức và đánh giá đúng mức độ của vấn đề.

phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa
Trị liệu tâm lý là một trong hai phương pháp chính được áp dụng trong phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa

Hiện tại, liệu pháp tâm lý nâng đỡ và liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi là hai phương pháp được áp dụng phổ biến nhất. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được xem xét một số phương pháp khác như:

  • Liệu pháp thư giãn luyện tập
  • Liệu pháp giải thích hợp lý
  • Liệu pháp gia đình
  • Vận động trị liệu

Để tăng hiệu quả, bệnh nhân sẽ được kết hợp liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc. Tuy nhiên với trẻ em và thanh thiếu niên, bác sĩ sẽ ưu tiên trị liệu tâm lý để giảm nguy cơ tự sát khi sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Tiên lượng và biến chứng

Quá trình điều trị rối loạn lo âu lan tỏa thường kéo dài từ nhiều tháng cho đến nhiều năm tùy theo tiến triển và mức độ đáp ứng. Trong đó, cần phải điều trị duy trì thêm 6 tháng để phòng ngừa tái phát và một số bệnh nhân cũng có thể phải điều trị dài hạn để quản lý bệnh lâu dài.

Tiên lượng bệnh có sự khác biệt ở từng trường hợp. Nếu được thăm khám, điều trị sớm và sinh sống trong môi trường lành mạnh, tình trạng thường có chuyển biến tích cực và ít tái phát. Ngược lại, những trường hợp sau đây đa phần có tiên lượng xấu:

  • Phát hiện muộn và chậm trễ trong quá trình điều trị
  • Stress dài hạn và tính cách hay lo lắng, phiền muộn, tiêu cực,…
  • Trường hợp lạm dụng thuốc an thần/ giải lo âu, lạm dụng chất và rượu bia có nguy cơ tái phát cao và đáp ứng kém với các phương pháp điều trị.

Phòng ngừa rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là một dạng những dạng rối loạn lo âu có khả năng tái phát cao. Do đó, cần có các biện pháp phòng ngừa sau điều trị.

Các biện pháp phòng ngừa chứng rối loạn lo âu lan tỏa:

  • Học cách kiểm soát stress, căng thẳng
  • Rèn luyện nhân cách tốt, bản lĩnh để mạnh mẽ và vững vàng trước khi khó khăn trong cuộc sống
  • Nâng cao kiến thức về bệnh và nắm rõ nguyên nhân, yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh
  • Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa được cá nhân hóa tùy theo từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, nhìn chung đa phần bệnh nhân đều được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược. Ngoài ra, phải kết hợp thêm với lối sống khoa học, lành mạnh để kiểm soát tốt căng thẳng, lo âu và tăng mức độ đáp ứng với điều trị.

Tham khảo thêm:

2/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *