Khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên: Dấu hiệu và Cách ứng phó
Khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên là tình trạng rất nhiều người gặp phải khi sắp tiến đến độ tuổi 40. Trong đầu họ có thể thường trực những câu hỏi về điều mình đã và chưa làm được trong quá khứ hoặc hoang mang về tương lai sắp tới. Tốt nhất nên sớm tìm cách kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc để tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên là gì?
Thuật ngữ “khủng hoảng tuổi trung niên” (midlife crisis) được nhà phân tâm học Elliott Jacques đề cập lần đầu tiên vào năm 1960. Jacques nhận ra rằng, những người trong độ tuổi cuối 30 và đầu 40 có một sự thay đổi đột ngột về mặt tâm lý, họ trở nên bất ổn hơn, căng thẳng hơn, và suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống và cái chết.
Khủng hoảng tuổi trung niên có thể được coi là một tình trạng tâm lý bình thường, một giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi trẻ sang tuôi già mà bất cứ ai cũng phải trải qua. Những dấu hiệu rõ nhất của tình trạng này sẽ xuất hiện từ cuối những năm 30 tuổi đến tận năm 60 tuổi. Khủng hoảng tuổi trung niên ảnh hưởng đến cả đàn ông và phụ nữ theo những cách khác nhau.
Tình trạng khủng hoảng này bắt nguồn từ tâm lý lo lắng, về sự hoài nghi của một người về những điều họ đã làm, những thành tựu có được trong quá khứ, và về vị thế hiện nay trong xã hội. Họ bắt đầu trở nên thiếu tự tin vào bản thân, cảm thấy vị trí hiện tại không sánh bằng vị trí họ đáng lẽ nên có được trong độ tuổi này.
Khủng hoảng tuổi trung niên khiến chúng ta vật lộn với sự tự tin của bản thân. Đây không phải là một hội chứng rối loạn tâm thần, mà chủ yếu đến từ khủng hoảng tâm lý. Tình trạng này gây ra cảm giác chán nản, căng thẳng, stress, thổi bùng mong ước có được sức khỏe, sự trẻ trung tuổi đôi mươi, và ước muốn sửa chữa những quyết định trong quá khứ.
Khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên có thể bị nhầm với trầm cảm, vì các dấu hiệu của hai trường hợp có nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, trầm cảm là một tình trạng rối loạn tâm thần chịu ảnh hưởng bởi những tác nhân sinh học, tâm lý và môi trường. Triệu chứng trầm cảm dai dẳng, nghiêm trọng, cần điều trị bằng thuốc, bằng tư vấn tâm lý và có thể thôi thúc tự tử.
Khủng hoảng tuổi trung niên không được xem là một chứng rối loạn tâm thần, và chỉ xảy ra vào giai đoạn từ 35 tuổi trở đi. Người rơi vào khủng hoảng bắt đầu nhìn nhận và xem xét những điều mình làm được trong quá khứ, và lo sợ tuổi già sắp đến. Tuy nhiên, triệu chứng khủng hoảng có thể giảm bớt khi người bệnh cảm thấy thoải mái và gỡ bỏ khúc mắc.
Trong một số trường hợp, khủng hoảng tuổi trung niên có thể thúc đây những vấn đề tâm lý khác, khiến con người trở nên stress, căng thẳng và mất tự tin hơn. Nhưng xét theo chiều ngược lại, đây cũng có thể là bước đệm giúp chúng ta đánh giá lại bản thân, và cố gắng nhiều hơn trong tương lai.
Nguyên nhân gây khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên
Khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên có thể xuất hiện do nhiều lý do, liên quan đến công việc, gia đình, lối sống, tuổi tác, hay những thay đổi nhanh chóng của xã hội. Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, khủng hoảng tuổi trung niên trong độ tuổi từ 35 đến 65 tuổi có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
1. Công việc và sự nghiệp
Những người bắt đầu bước vào độ tuổi trung niên sẽ lo lắng nhiều hơn về công việc và sự nghiệp. Họ cảm thấy bản thân không đạt được mục tiêu như tuổi trẻ đã đề ra, cảm thấy không có gì thăng tiến trong sự nghiệp, hối hận vì đã bỏ lỡ những cơ hội trong quá khứ. Họ so sánh bản thân với những người trẻ tuổi hơn, năng động và sáng tạo hơn và cảm thấy tự ti.
Những người được thăng chức thì cố gắng làm việc để giữ được vị trí. Những người lớn tuổi còn phải đối diện với vấn đề chất lượng công việc, sức khỏe suy giảm làm ảnh hưởng đến năng suất và sự sáng tạo. Ngoài ra, những người trung niên còn phải cố gắng ổn định sự nghiệp và lo lắng chuyện về hưu.
Công việc gắn liền với sự ổn định về tài chính. Do đó những người cáng lớn tuổi thì càng cố gắng giữ lấy công việc hiện tại để tránh rơi vào tình trạng mất việc. Áp lực công việc, áp lực tài chính, và cả áp lực gia đình trong việc nuôi dạy con khiến họ luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, stress, và rất dễ rơi vào khủng hoảng.
Công việc và sự nghiệp là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến vấn đề khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên. Vấn đề này ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới. Đa phần nam giới cảm thấy bản thân chưa đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp và lo lắng chuyện về hưu, còn nữ giới có nhiều mối bận tâm hơn về gia đình.
2. Vấn đề gia đình
Với những người sắp bước vào độ tuổi trung niên, kết hôn và có gia đình là vấn đề gây nhiều khó khăn. Với những người chưa kết hôn, sức ép lập gia đình để yên bề gia thấp khiến họ chịu nhiều áp lực. Họ bắt đầu lo lắng về việc chưa có đối tượng vừa ý để kết hôn, và những vấn đề có thể phát sinh sau hôn nhân.
Với những người đã kết hôn, quan hệ vợ chồng và việc sinh con, nuôi dạy con luôn là một thách thức không hề nhỏ cho bất cứ cặp đôi nào. Áp lực kinh tế, áp lực nuôi dạy con, vấn đề sinh hoạt vợ chồng, những bất đồng trong hôn nhân, và sự thay đổi hormone trong quá trình lão hóa khiến nhiều cặp đôi trở nên căng thẳng và khủng hoảng khi nhìn lại chính bản thân mình.
Ở độ tuổi trung niên, các bậc phụ huynh bắt đầu lo lắng nhiều hơn về con cái khi trẻ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, hoặc đã trưởng thành và rời xa vòng tay cha mẹ. Với những người có con ở tuổi vị thành niên, họ phải đối mặt với những thay đổi tâm lý của trẻ trong lứa tuổi dậy thì, hay khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì ở con cái.
Với những gia đình có con cái trưởng thành, đi làm xa hoặc lập gia đình, những người trung niên cảm thấy mất mát và trống rỗng. Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với việc chăm sóc cha mẹ già yếu, và đối diện với sự ra đi của họ. Bệnh tật và cái chết của những người thân thiết là thứ gây ám ảnh sâu sắc cho người trung niên.
3. Đặc trưng văn hóa
Khủng hoảng tuổi trung niên khá phổ biến trên thế giới, nhưng không phải bất cứ nền văn hóa nào cũng tán thành vấn đề này. Tình trạng khủng hoảng thường xảy ra ở những nơi có cái nhìn tiêu cực về tuổi già. Tuổi già và sự lão hóa trong một số nền văn hóa thường gắn với khái niệm: xấu xí, vô dụng, bệnh tật và cái chết.
Việc gán cho tuổi già quá nhiều hình ảnh tiêu cực, và cố tình làm nổi bật tuổi trẻ với những cụm từ như xinh đẹp, trẻ trung, sức sống tràn đầy,… khiến nhiều người sợ hãi sự lão hóa và độ tuổi trung niên. Việc già đi là một viễn cảnh đáng sợ không ai muốn đối mặt, vì thế họ cảm thấy lo lắng, và giảm sự tự tin khi nhìn lại bản thân mình.
Ngoài ra, một số vấn đề đặc trưng trong từng xã hội, từng nền văn hóa cũng có ảnh hưởng nhất định đến suy nghĩ và hành vi khi đối diện với độ tuổi trung niên. Với những nền văn hóa không đặt nặng vấn đề già trẻ, và có ít áp lực trong cuộc sống, tình trạng khủng hoảng tuổi trung niên hiếm khi xảy ra hơn.
4. Thay đổi thể chất liên quan đến lão hóa
Khi bước vào độ tuổi trung niên, sự lão hóa của cơ thể đã trở nên nhanh chóng và rõ ràng hơn rất nhiều. Đây là quá trình phát triển tự nhiên của con người, và không có cách nào ngăn chặn. Tất cả những biện pháp hiện nay chỉ có thể giảm nhẹ tốc độ lão hóa, chứ không thể ngăn chặn chúng.
Những người trung niên sẽ cảm thấy thể chất suy giảm, không còn nhanh nhẹ và minh mẫn như trước. Họ thường quên trước quên sau, hành động chậm chạp, cảm thấy mệt mỏi và dễ mắc bệnh hơn. Những thay đổi về thể chất này khiến họ cảm thấy lo lắng, bất an, và nghĩ về một tương lai già yếu với cái nhìn tiêu cực.
Đàn ông và phụ nữ sẽ trải qua những thay đổi khác nhau. Phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh khiến tính tình trở nên nóng nảy, cơ thể mệt mỏi, và khó ngủ về đêm. Những nếp nhăn trên khóe mắt, những sợi tóc bạc xuất hiện, cùng với việc cơ thể bắt đầu xuống sắc khiến nhiều người cảm thấy hoang mang, lo âu và sợ hãi.
Đàn ông có thể lão hóa nhanh hơn nếu suy giảm testosterone trong độ tuổi trung niên. Ngoài ra, những thói quen xấu gắn liền với nam giới như rượu bia, thuốc lá, chất kích thích,… cũng đẩy nhanh quá trình lão hóa. Những yếu tố này thúc đẩy cơ thể mập hơn, gây suy giảm sức khỏe, gây ra các vấn đề như trầm cảm, rối loạn cương dương, mất ham muốn tình dục,… và khiến họ rơi vào khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên.
Dấu hiệu khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên
Những biểu hiện và mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên đến mỗi người đều khác nhau. Sự khác nhau này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như giới tính, tuổi tác, nhận thức, tình trạng gia đình, tình hình tài chính,… Dưới đây là một số dấu hiệu đặc trưng và phổ biến chúng ta cần quan tâm:
- Cảm thấy buồn bã và tiếc nuối về những chuyện đã qua.
- Suy nghĩ về những cơ hội, những quyết định và những sự kiện trong quá khứ, muốn thay đổi chúng để hiện thực trở nên tốt hơn. Bạn cảm thấy những lựa chọn trong quá khứ đã gây ra bi kịch và những khó khăn trong hiện tại.
- Cảm thấy thất vọng với những điều có được ở hiện tại, có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống và bỏ qua những điều tích cực đang hiện hữu xung quanh.
- Sức khỏe suy giảm, cảm thấy cuộc sống và công việc thật nhàm chán, mất đi động lực trong cuộc sống
- Chất lượng và năng suất làm việc suy giảm, ảnh hưởng đến công việc chung
- Mất tập trung và không còn hứng thú với những thói quen hàng ngày.
- Tưởng tượng về một cuộc sống tốt đẹp hơn nếu bạn chọn một công việc khác, chuyển đến một đất nước khác, hay lấy một người bạn đời khác trong quá khứ
- Khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên khiến ta cảm thấy cáu gắt, khó chịu với những người thân và bạn bè
- Có những suy nghĩ và hành vi bốc đồng, thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình
- Tìm đến rượu bia, thuốc lá, chất kích thích để quên đi những khó khăn, áp lực trong cuộc sống
- Có thể rơi vào tình trạng nghiện mua sắm, chi tiếu quá mức cho những khoản không cần thiết như một cách đối phó với căng thẳng.
- Thay đổi thói quen ăn uống, có thể ăn nhiều hơn hoặc kén ăn, cảm thấy không ngon miệng
- Trở nên tự ti vào bản thân. Đặc biệt là phụ nữ sau sinh để rất dễ tăng cân, khó giữ dáng, và có những dấu vết sinh nở khiến họ cảm thấy bản thân thật cấu xí, không còn hấp dẫn như thời tuổi trẻ.
- Ám ảnh bởi vấn đề lão hóa và tìm mọi cách để giúp bản thân trẻ hơn như giảm cân, sử dụng mỹ phẩm, dùng thực phẩm chức năng, hoặc phẫu thuật thẩm mỹ vô tội vạ.
- Nhu cầu tình dục có thể tăng đột biến, hoặc giảm hứng thú đột ngột. Nhiều cặp vợ chồng không tìm thấy sự hài hòa trong chuyện chăn gối khiến đôi bên đều cảm thấy khó chịu, bức bối và dễ nảy sinh mâu thuẫn.
- Một số người có tư tưởng ngoại tình, tìm kiếm những người tình mới trẻ trung và xinh đẹp hơn, chỉ để huyễn hoặc bản thân rằng họ chưa già cả
- Tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và stress lâu ngày khiến ta có nguy cơ trầm cảm, rối loạn cảm xúc
- Những người khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên thường bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc, mệt mỏi vào buối sáng
Những dấu hiệu rõ ràng của khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên thể hiện qua cả suy nghĩ, hành vi và những biểu hiện thể chất. Nếu để tình trạng này kéo dài, bạn sẽ ngày càng mệt mỏi, chán nản, và có nguy cơ mắc stress, trầm cảm ở người cao tuổi, và nhiều vấn đề thể chất khác như cao huyết áp, bệnh tim mạch, hô hấp,….
Ảnh hưởng của khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên
Những người bị khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên sẽ có cái nhìn tiêu cực về tuổi già. Họ bắt đầu nghĩ về những bất tiện khi bản thân già đi, khi sức khỏe giảm sút, về bệnh tật và cái chết. Những suy nghĩ tiêu cực này đeo bám và khiến cuộc sống của họ trở nên căng thẳng hơn.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tuổi trung niên là một trong những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, khi chúng ta bắt đầu tự nhìn nhận lại bản thân. Đây là một quá trình tự nhận thức chứa nhiều mâu thuẫn, và có thể giúp con người chín chắn, suy nghĩ tích cực hơn, hoặc trở nên tiêu cực hơn.
Khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên khiến chúng ta quan tâm đến những nhu cầu của bản thân nhiều hơn, và từ bỏ trách nhiệm với mọi thứ xung quanh. Giai đoạn này cũng đánh dấu những thay đổi đáng kể trong tình trạng sức khỏe, cách nhìn nhận sự việc và nhiều vấn đề khác của cuộc sống.
Những trải nghiệm trong độ tuổi trung niên có thể là tiêu cực hoặc tích cực với mọi người, tùy vào góc nhìn của họ. Nhiều người cho rằng đây là giai đoạn giúp họ trưởng thành hơn, có mục tiêu rõ ràng hơn trong cuộc sống, và có động lực hoàn thành kế hoạch đề ra. Việc nhận thức về độ tuổi cho phép họ đánh giá lại mục tiêu và hiệu quả công việc và điều chỉnh khi cần.
Nếu xem tuổi trung niên là giai đoạn chuyển tiếp và hoàn thiện, bạn sẽ tận hưởng giai đoạn này một cách tích cực và thoải mái hơn, tránh gây ra những áp lực tâm lý. Ban đầu điều này sẽ rất khó khăn, nhưng khi đã quen với trải nghiệm mới, bạn sẽ thấy giai đoạn tuổi trugn niên không hề tồi tệ như bản thân từng nghĩ.
Cách vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên
Khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên không phải là một chứng rối loạn tâm thần, mà chủ yếu đến từ nhận thức của chúng ta về tuổi già và sự lão hóa. Để vượt qua tình trạng này, người trung niên cần:
- Tìm kiếm những thú vui mới như trồng cây, tham gia các hoạt động xã hội, chơi thể thao ngoài trời cùng con cháu, hoặc cùng những người trung niên khác tổ chức những việc từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn xung quanh. Hoạt động nhiều sẽ giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện tinh thần, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.
- Có chế độ ăn uống phù hợp, khoa học với nhiều rau xanh, trái cây cung cấp vitamin, khoáng chất và đầy đủ dưỡng chất khác. Người trung niên cũng nên hạn chế ăn thịt, thức ăn nhiều dầu mỡ, thay vào đó nên cân bằng dinh dưỡng với đủ các nhóm chất cần thiết cho cơ thể.
- Sinh hoạt lành mạnh, uống nhiều nước, hạn chế rựơu bia, thuốc lá và những chất kích thích. Cân bằng giữa việc làm và nghĩ ngơi, không nên làm việc quá sức mà bỏ bê bản thân. Bạn cũng nên có cái nhìn thoáng hơn về công việc và cuộc sống để cảm thấy vui vẻ và đáng sống hơn.
Nếu tình trạng khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần, bạn chỉ cần thay đổi lối sống để cảm thấy tự tin và thoải mái hơn. Nhưng khi những ảnh hưởng trở nên nghiêm trọng, người trung niên nên tìm đến các trung tâm tư vấn, hoặc các bác sĩ tâm lý uy tín để xin lời khuyên.
Trong cuộc sống hằng ngày, hãy tâm sự, chia sẻ những khó khăn mà bản thân gặp phải cho người thân, và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, con cái để không cảm thấy cơ đơn, lạnh lẽo, trống trải. Sự giúp đỡ từ người thân và bạn bè có thế giúp quên đi những suy nghĩ tiêu cực về tuổi già.
Cách nhìn nhận tuổi trung niên theo hướng tiêu cực hay tích cực tùy thuộc vào góc nhìn của từng người. Nếu chúng ta nhìn nhận giai đoạn này như một giải đoạn giảm sốc, giúp ta làm quen với việc chuyển đổi từ tuổi trẻ sang tuổi già, ta sẽ cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm hơn so với việc cứ chăm chăm vào sự lão hóa và cái chết.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Sa sút trí tuệ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục
- Rối loạn hành vi ở người cao tuổi: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Những Vấn Đề Khó Trao Đổi Trong Giao Tiếp Của Người Cao Tuổi
- Hướng dẫn ngồi thiền giúp giảm căng thẳng stress hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!