Gelotophobia (Sợ bị cười nhạo) hình thành như thế nào?

Gelotophobia là một chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể có liên quan đến khả năng bị cười nhạo, trêu chọc, chế giễu. Hiểu theo một cách đơn giản thì người mắc phải hội chứng này sẽ cảm thấy vô cùng sợ hãi khi bị cười nhạo và họ luôn có xu hướng rút lui khỏi xã hội. 

Gelotophobia Sợ bị cười nhạo
Gelotophobia là nỗi sợ hãi quá mức liên quan đến việc bị người khác cười nhạo.

Thế nào là hội chứng sợ bị cười nhạo – Gelotophobia?

Tiếng cười được xem là một trong các liều thuốc quý giá mang đến cho con người một sức khỏe tinh thần tốt, giúp chúng ta có thể dễ dàng đối diện và vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, lại có những người vô cùng sợ hãi khi nghe thấy tiếng cười, họ luôn lo lắng sợ bị người khác cười nhạo mình hay còn gọi là hội chứng sợ bị cười nhạo – Gelotophobia (ngôn ngữ của Hy Lạp, Gelo có nghĩa là cười, Phobos có nghĩa là sợ).

Gelotophobia là một loại của chứng ám ảnh liên quan đến khả năng bị chế giễu, trêu chọc. Nói theo một cách khác thì những người mắc phải hội chứng này sẽ luôn cảm thấy ám ảnh và sợ hãi vô cùng đối với những lời chế giễu, cười nhạo. Ví dụ như khi đứng giữa một nhóm bạn đang cười đùa vui vẻ với nhau thì những người bình thường sẽ thấy rất hạnh phúc khi họ cùng nhau cười đùa. Tuy nhiên, đối với những người Gelotophobia (sợ bị cười nhạo) thì đó chính là một cơn ác mộng đối với họ. Họ cảm thấy những tiếng cười đó là đang muốn chế giễu mình.

Những người mắc phải hội chứng sợ bị cười nhạo sẽ luôn có tâm lý lo lắng, họ có thể áp dụng các hành vi hoang tưởng hoặc không có sự tin tưởng đối với bất kì các đối tượng nào xung quanh, liên tục cảm thấy sợ hãi, bất an vì cho rằng người khác đang nói xấu hoặc cười chê mình. Theo Sổ tay Chẩn đoán Rối loạn Tâm thần (DSM-5) thì Gelotophobia – sợ bị cười nhạo được phân là một loại chứng sợ khác bởi nó không tương ứng với bất kì các loại ám ảnh cụ thể nào (ám ảnh động vật, ám ảnh tình huống tự nhiên hoặc môi trường, ám ảnh tình huống).

Một chuyên gia về hành vi con người tại đại học Autonomous của Madrid – Victor Rubio cùng với 93 nhà nghiên cứu khác đã tiến hành một cuộc nghiên cứu đa quốc gia về tiếng cười. Ông muốn tìm hiểu về sự khác biệt giữa tính cách nhút nhát so với chứng sợ bị cười nhạo. Đồng thời, ông cũng muốn đo lường về mức độ của nỗi sợ hãi tiếng cười ở nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác nhau.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn hơn 220.000 người bằng các câu hỏi với nhiều ngôn ngữ khác nhau (42 ngôn ngữ). Kết quả cũng đã được công bố trên tập xuất bản khoa học Humor và nhận thấy, có một vài người chia sẻ rằng họ cảm thấy bất an trong một vài tình huống xã hội nhất định, tuy nhiên họ luôn cố gắng che giấu cảm xúc đó. Một nhóm khác lại cho biết rằng họ đã cố tình tránh né những tình huống xã hội mà trước đó họ đã từng bị cười nhạo.

Theo đó, người ta cũng nói về mức độ chênh lệch của từng nỗi sợi mà chính họ là mục tiêu của sự cười nhạo. Các chuyên gia cho biết rằng, nỗi sợ khi bị cười nhạo là một cảm giác vô cùng bình thường mà hầu hết con người đều đã từng trải qua. Tuy nhiên, qua nghiên cứu họ nhận thấy rằng có sự khác biệt về mức độ ở từng quốc gia. Chẳng hạn như, người ở Tufkmenistan và Cambodia có xu hướng che giấu cảm xúc thiếu tự tin của mình, nhưng người ở Ai Cập, Iraq hoặc Jordan lại cảm thấy họ chính là nạn nhân trước đó và họ luôn tìm cách để né tránh những tình huống tương tự.

Sợ bị cười nhạo – Nguyên nhân do đâu?

Các chuyên gia cho biết rằng, nguyên nhân gây ra nỗi sợ bị cười nhạo sẽ có phần khác nhau ở mỗi trường hợp. Tuy nhiên, họ nhận thấy rằng, sự sợ hãi này hầu hết đều có liên quan đến một hoặc nhiều sự kiện, tình huống cười nhạo đã từng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị, danh dự, tâm lý. Điều này có thể khiến họ luôn nghĩ đến các tình huống bị trêu chọc, bị bắt nạt, quấy rối.

Gelotophobia Sợ bị cười nhạo
Sợ bị cười nhạo có thể là hội chứng xuất phát từ những trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ về tiếng cười

Bên cạnh đó, căn nguyên của Gelotophobia cũng có khả năng xuất phát từ lòng tự trọng thấp, sự lo lắng, sợ hãi và bất an trước nhiều tình huống xã hội. Hơn thế, nó cũng có khả năng xuất hiện như một hậu quả đến từ các rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, rối loạn lo âu.

Các dấu hiệu nhận biết người Gelotophobia – sợ bị cười nhạo

Theo đánh giá của các chuyên gia thì các triệu chứng của Gelotophobia sẽ tương ứng với những dấu hiệu nhận biết của chứng ám ảnh cụ thể mà đối tượng ở đây chính là tiếng cười nhạo. Cụ thể một vài biểu hiện thường thấy ở người có nỗi sợ bị cười nhạo như:

1. Luôn sợ bị trêu chọc

Người mắc chứng Gelotophobia luôn tồn tại một nỗi sợ quá mức và dai dẳng về việc người khác có thể cười nhạo, trêu chọc mình. Không những thế, chỉ khi nghe thấy tiếng cười đùa của một hoặc một nhóm người nào đó thì họ cũng có thể xuất hiện ngay các suy nghĩ cực đoan, cho rằng họ đang chế giễu và nói xấu mình. Họ sẽ luôn ở trong tâm thế lo sợ bị người khác trêu chọc, kể cả khi họ không làm bất cứ điều gì hoặc thậm chí là không quen biết những người đang cười đùa với nhau.

2. Có xu hướng tránh né xã hội

Cũng chính vì nỗi sợ quá lớn về những tiếng cười nhạo của mọi người xung quanh nên người Gelotophobia sẽ luôn có xu hướng muốn tránh né các tình huống xã hội. Họ thường tự cô lập bản thân mình, ngại giao tiếp và tham gia vào các cuộc hội thoại, các cuộc trò chuyện trực tiếp cùng với những người xung quanh. Theo đó, những người tồn tại nỗi sợ bị cười nhạo sẽ tự thu mình lại trong thế giới của riêng họ. Họ có thể tìm đến sách vở, chơi những môn thể thao hoặc làm bất cứ hoạt động gì mang tính cá nhân.

Đối với họ, làm việc ở một môi trường quá đông người cũng là một thách thức và trở ngại vô cùng to lớn. Họ dường như không thể vượt qua được những tiếng cười nói. Họ luôn cảm thấy tự ti và mặc cảm về bản thân mình. Đôi lúc họ cũng sẽ cố gắng để kết bạn, tìm kiếm các mối quan hệ tuy nhiên khó có thể kéo dài hoặc đôi lúc đã kết thúc khi chưa bắt đầu.

3. Sự kéo dài dai dẳng của nỗi sợ hãi

Cũng giống như các loại ám ảnh sợ hãi khác, nỗi sợ bị cười nhạo của người Gelotophobia sẽ kéo dài một cách vô cùng dai dẳng. Tức là nó sẽ xuất hiện một cách liên tục và duy trì trong một khoảng thời gian dài. Nỗi sợ hãi có thể xuất hiện ngay cả khi không người bệnh suy nghĩ về các tình huống có thể bị cười nhạo hoặc nghe được tiếng cười của một nhóm bạn đang vui vẻ trò chuyện với nhau. Các chuyên gia cho biết rằng, các triệu chứng của Gelotophobia nếu kéo dài tối thiểu trong vòng 6 tháng thì có thể được chẩn đoán.

Gelotophobia Sợ bị cười nhạo
Người bị Gelotophobia luôn nhạy cảm với tiếng cười và lo lắng quá mức về việc người khác cười nhạo mình.

4. Thay đổi hiệu suất làm việc

Những người mắc phải hội chứng Gelotophobia sẽ dễ bị thay đổi về hiệu suất làm việc, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày sẽ có phần biến đổi. Họ sẽ gặp phải nhiều cản trở, khó khăn hơn trong các hoạt động hàng ngày, ngay cả những việc hết sức đơn giản mà họ thường làm cũng có thể trở nên xáo trộn do nỗi sợ ám ảnh quá lớn. Những sự thay đổi này có thể liên quan đến công việc, học tập, sinh hoạt cá nhân,…

5. Không có khả năng thể hiện sự hài hước

Do tâm lý sợ hãi tiếng cười và luôn lo lắng về việc có thể bị người khác cười nhạo nên những người mắc phải hội chứng Gelotophobia thường có xu hướng đánh giá sự hài hước theo một cách hoang tưởng. Người bệnh hầu như không thể đối xử một cách vui vẻ và hài hước với bất kì người nào khác, kể cả bản thân. Họ có sự đánh giá vô cùng nghiêm khắc đối với cơ thể và khả năng giao tiếp bằng nói nói hoặc không lời của họ luôn được nhận xét dưới mức độ trung bình.

6. Các triệu chứng khác

Do luôn cố gắng tránh né các tình huống xã hội nên dường như người Gelotophobia sẽ dần bị thoái hóa về các kỹ năng xã hội. Đồng thời, họ cũng sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng về thể chấn như liên tục cảm thấy đau đầu, căng thẳng, hoa mắt, chóng mặt, rối loạn ngôn ngữ,….Khi đối mặt với tiếng cười họ thường trở nên lo sợ, căng thẳng, mất kiểm soát hoặc thậm chí là thực hiện các hành động hung hăng, kích động quá mức. Có một số trường hợp, người bệnh có thể trở nên đông cứng khi nghe thấy ai đó đang cười.

Ảnh hưởng khôn lường của Gelotophobia

Hội chứng Gelotophobia – sợ bị cười nhạo gây nên rất nhiều phiền toái đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Như đã chia sẻ, do luôn lo lắng vì sợ người khác cười nhạo, trêu chọc nên người bệnh luôn có xu hướng tránh né các tình huống xã hội, thu mình và tự tạo cho bản thân một thế giới an toàn riêng. Điều này khiến họ trở nên cô độc và vô cùng buồn tủi. Có thể thấy những người Gelotophobia dường như không có nhiều mối quan hệ hoặc thậm chí là không có bất kì người bạn nào bởi họ không thể tận hưởng được sự hạnh phúc của tiếng cười.

Người mắc chứng Gelotophobia sẽ luôn bị ám ảnh về tiếng cười, những tình huống mà họ có khả năng trở thành mục tiêu của sự cười nhạo. Tâm lý này có thể dẫn đến các ám ảnh xã hội và dễ bị xã hội loại trừ. Trong thực tế đã có không ít người chọn cách rút lui khỏi xã hội, họ không còn tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Từ đó chất lượng cuộc sống của họ cũng sẽ bị giảm sút một cách nghiêm trọng.

Gelotophobia Sợ bị cười nhạo
Gelotophobia gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ, khiến người bệnh trở nên cô độc.

Việc tồn tại nỗi sợ hãi về tiếng cười khiến cho họ dần trở nên chán ghét cuộc sống, luôn có cảm giác dè chừng, bất an. Tình trạng này nếu không được phát hiện và khắc phục tốt có thể gây nên nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý, sự phàn nàn tăng cao sẽ làm gia tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn trầm cảm. Trong các trường hợp nghiêm trọng và tồi tệ nhất, Gelotophobia cũng có khả năng gây ra những suy nghĩ tiêu cực, ý định muốn tự sát.

Làm sao để chẩn đoán chứng sợ bị cười nhạo?

Hiện nay, việc chẩn đoán chứng sợ bị cười nhạo – Gelotophobia sẽ được dựa trên các đặc điểm được liệt kê trong ICD -10, gồm có các hành vi né tránh xã hội và sự thiếu hụt về khả năng tương tác một cách hài hước, vui nhộn. Thông thường, hội chứng này sẽ được đánh giá qua các câu hỏi cụ thể. Người bệnh sẽ được đưa ra những câu hỏi và trả lời tương ứng dựa trên các dụng cụ tượng hình như các đoạn phim hoạt hình có tính chất hài hước, có chứa tiếng cười.

Các đối tượng sẽ sử dụng những hình ảnh này để có thể ước tính cho những gì xảy ra trước tình huống đó và những điều mà một người quan sát có thể nhận thấy được. Việc chẩn đoán chứng Gelotophobia cũng đồng nghĩa với việc xác định cụ thể về nguyên nhân gây ra nỗi sợ. Để làm rõ được lý do tạo nên nỗi sợ hãi thì người bệnh có thể được trò chuyện trực tiếp cùng với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.

Điều trị Gelotophobia – sợ bị cười nhạo

Cũng tương tự như các chứng ám ảnh sợ khác, hội chứng sợ bị cười nhạo – Gelotophobia sẽ được ưu tiên điều trị thông qua 2 phương pháp chính đó chính là trị liệu tâm lý và liệu pháp dược. Cụ thể như sau:

1. Liệu pháp tâm lý

Để khống chế tốt nỗi sợ bị cười nhạo thì phương pháp trị liệu tâm lý đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình điều trị. Các chuyên gia tâm lý sẽ tiến hành trò chuyện trực tiếp cùng với người bệnh để có thể khai thác sâu hơn về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của họ. Nhờ vào các kỹ thuật chuyên môn của mình mà nhà trị liệu có thể dần đi sâu hơn vào tiềm thức của bệnh nhân và làm rõ nguyên nhân gây nên những nỗi sợ vô lý đối với tiếng cười.

Gelotophobia Sợ bị cười nhạo
Trị liệu tâm lý là phương pháp hữu hiệu nhất đối với các trường hợp mắc chứng Gelotophobia.

Đồng thời, người bệnh cũng sẽ đặt câu hỏi về các tình huống gây lo lắng, sợ hãi. Chuyên gia sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân về khả năng đánh giá mới về hành vi và cảm xúc để có thể dễ dàng đối phó với những tình huống khó khăn, cản trở. Tuy nhiên, để phương pháp này đạt được thành công như mong đợi thì đòi hỏi người bệnh phải có sự tin tưởng cao đối với nhà trị liệu để sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng tốt các liệu pháp được áp dụng.

2. Liệu pháp dược phẩm

Mặc dù rằng các tình trạng mắc phải hội chứng sợ bị cười nhạo – Gelotophobia không cần thiết phải sử dụng thuốc để điều trị. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp nghiêm trọng, nỗi sợ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng đời sống thì cần phải được kiểm soát bởi một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu, thuốc chẹn beta. Tuy rằng các loại thuốc này không thể loại bỏ được nguyên nhân gây ra nỗi sợ nhưng nó có khả năng làm thuyên giảm sự lo lắng, các cảm xúc tiêu cực và hạn chế những hành vi nguy hiểm, kích động.

Ngoài ra, các loại thuốc này lại có nhiều nguy cơ gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn nên việc sử dụng cần phải được theo dõi bởi chuyên gia, bác sĩ. Người bệnh thường chỉ được sử dụng thuốc trong thời gian ngắn với liều lượng thấp để tránh gây nghiện. Nếu trong thời gian sử dụng có xuất hiện bất kì triệu chứng khác lạ nào thì cũng cần thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách xử lý kịp thời.

3. Thay đổi lối sống tích cực

Bên cạnh việc áp dụng tốt các biện pháp điều trị chuyên khoa thì những người mắc phải chứng Gelotophobia – sợ bị cười nhạo cũng cần phải chú ý cải thiện và thay đổi lại lối sống của mình để dần hòa nhập tốt hơn với xã hội. Ngoài ra, bạn cũng nên “bỏ túi” một vài mẹo vặt thư giãn, kiểm soát cảm xúc để có thể đối phó tốt với những nỗi sợ của mình. Một số gợi ý hữu ích dành cho bạn:

  • Học các kỹ thuật thư giãn để có thể ứng phó tốt với những cảm giác lo lắng, bất an, sợ hãi khi đối diện với tiếng cười. Bạn có thể học cách hít thở sâu, đi bộ, vận động nhẹ, nghe nhạc, đọc sách để phân tán sự chú ý của bản thân hoặc cách tốt nhất là rời khỏi địa điểm đang xuất hiện tiếng cười làm bạn cảm thấy khó chịu, bức bối.
  • Thường xuyên tập luyện thể thao không chỉ là cách giúp bạn tăng cường sức khỏe thể chất mà còn hỗ trợ rất tốt cho tinh thần, kiểm soát cảm xúc hiệu quả. Nếu bạn cứ liên tục cảm thấy lo lắng, sợ sệt thì hãy duy trì thói quen vận động, đi bộ, chạy bộ, tập yoga, ngồi thiền, bơi lội để có được một tinh thần tốt, dễ dàng vượt qua những nỗi sợ hãi.
  • Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng góp phần to lớn đối với việc cải thiện sức khỏe và chống lại những nỗi sợ. Khi bạn có được một sức khỏe tốt và ổn định thì bạn mới có thể đối mặt với những khó khăn, cản trở trong cuộc sống.
  • Chú ý cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn cũng là một trong những điều cần thiết để nâng cao sức khỏe tổng thể. Có được một giấc ngủ tốt đồng nghĩa với việc có một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, tràn đầy năng lượng tích cực.
  • Tìm kiếm cho mình những sở thích mới để tạo niềm vui cho cuộc sống, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống và hạn chế các ảnh hưởng của Gelotophobia.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Hội chứng Gelotophobia sợ bị cười nhạo có thể được điều trị tốt nếu được thực hiện sớm và áp dụng đúng các biện pháp cải thiện. Hi vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu thêm về nỗi sợ tiếng cười của nhiều người và biết cách hỗ trợ, giúp đỡ họ tốt hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *