Mâu Thuẫn Trong Cách Ứng Xử Của Học Sinh THCS Với Bạn Cùng Lớp

(Tamly) Cùng một lúc học sinh Trung học cơ sở (THCS) kết bạn với nhiều đối tượng, song chủ yếu là bạn học cùng lớp. Quan hệ với bạn cùng lớp có ý nghĩa quan trọng với bản thân cách em, cũng như với bầu không khí tâm lí lớp học. Tính chất quan hệ với bạn cùng lớp thể hiện qua cách ứng xử của các em với nhau trong các hoạt động chung như học tập, vui chơi…

ứng xử của Học sinh THCS hình ảnh minh hoạ

Qua quan sát và phỏng vấn sâu một số học sinh THCS Hà Nội, chúng tôi nhận thấy cách ứng xử của các em với bạn bè vừa mang tính chất tích cực, đồng thời cũng có một số biểu hiện tiêu cực. Đó là:

Các em giúp đỡ nhau trong học tập, song sự đồng cảm, thấu cảm với bạn chưa nhiều

Nhìn chung, học sinh trong lớp thường có những hành vi giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong học tập. “Em và các bạn hay chia sẻ về những vấn đề học tập. Em thường giải thích cho các bạn những bài toán khó; ngược lại những hôm em quên mang bút thì các bạn cho em mượn.” (Nam sinh lớp 6, ngoại thành). “Nếu bạn bị điểm kém, cháu sẽ nói “thôi cố gắng lần sau, ôn kĩ kĩ”. Khi bạn bị điểm kém và sợ về mẹ mắng, cháu an ủi: “Thôi mẹ mày chắc cũng hiền như mẹ tao thôi, mẹ mày chắc sẽ không mắng đâu, mà mẹ có làm thế chỉ vì muốn tốt cho mình mà”. (Nữ sinh lớp 7)

Đôi khi, sự giúp đỡ bạn bè trở thành sự bao che. Nhiều lớp, quan hệ giữa các cá nhân có thể có những mâu thuẫn, bất đồng song các em sẵn sàng bao che hành vi vi phạm nội quy của bạn trước giáo viên hoặc nhắc bài cho bạn trong giờ kiểm tra. “Lớp cháu rất đoàn kết. Lớp làm ồn, cô giáo quay xuống hỏi ai làm ồn, cả lớp im thin thít. Nếu có bạn vi phạm kỉ luật, thì lớp sẽ ém nhẹm đi.” (Nam sinh lớp 8)

Bên cạnh việc giúp đỡ nhau trong học tập, các em còn chia sẻ tâm sự, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, nhất là trong nhóm bạn thân. Trong nhóm bạn thân, một chủ đề được chia sẻ nhiều ở cả nam sinh và nữ sinh là chuyện tình yêu. Các em hay tâm sự với bạn thân chuyện tình cảm của mình với bạn thân để được bạn cho lời khuyên hoặc được động viên khi “thất tình”. Một nữ sinh chia sẻ:
Em thường chia sẻ chuyện buồn với bạn, khi bạn thất tình thì động viên, khi bạn gặp hoàn cảnh khó khăn thì nên chia sẻ, đồng cảm với bạn. Nếu mình biết chuyện buồn của bạn, sẽ đến hỏi han, chia sẻ. Em nghĩ mình làm thế không vô duyên, dù bạn không chia sẻ với mình, nhưng mình nhìn thấy thì phải nói giúp bạn chứ, chẳng lẽ cứ để bọn nó ngồi khóc sướt mướt.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Tuy nhiên, dường như sự thấu hiểu bạn của các em chưa nhiều: “Lớp cháu các bạn ít giúp đỡ nhau vì lớp cháu hầu như bọn nó không nhận ra sự buồn vui của bạn, chỉ khi bạn phải nói ra, thể hiện ra thì các bạn khác mới giúp đỡ. Ít bạn trong lớp cháu nhận ra cảm xúc của người khác. Nhận ra cảm xúc của người khác trong xã hội hiện đại bây giờ là một tài năng đấy ạ.” (Nữ sinh lớp 8).

Học sinh THCS đối xử với bạn thân khác nhau khác với bạn xã giao. Nhìn chung, các em quan tâm, hay giúp đỡ, bênh vực và tin tưởng bạn thân hơn các bạn cùng lớp khác. Đôi khi do quá tập trung vào mối quan hệ với bạn thân, các em ít quan tâm đến các bạn khác trong lớp. Trong lớp học, những học sinh trầm tính, ít nói, ít thể hiện có thể bị các bạn khác lãng quên, không quan tâm. Một nam sinh lớp 8 cho biết:

Có đứa cả năm trời không nói chuyện vì có một thằng quá trầm luôn. Năm đầu tiên cháu không biết nó tồn tại trong lớp, cô giáo thể dục điểm danh cháu mới biết nó có trong lớp. Nó hầu như không nói câu nào, nó cũng không để bị cô giáo nhắc, nó ngồi như bù nhìn trong lớp.

Khi một học sinh trong lớp bị trêu chọc, bắt nạt, thường thì các bạn thân của em đó hoặc những bạn đồng cảm sẽ đứng ra bênh vực, bảo vệ; còn một số em khác trong lớp có thể làm ngơ; thậm chí một số em còn quay clip để tung lên facebook. Lí do tung clip quay cảnh bắt nạt lên facebook đơn giản chỉ vì các em muốn xem có bao nhiêu lượt like. Hiện tượng này đã được báo chí nhắc đến nhiều.

Dường như hiện tượng vô cảm với bạn bè có xuất hiện ở lứa tuổi này. Có thể do tuổi này các em chưa nhận thức chưa đúng đắn, lại được sự ủng hộ của bạn bè (những người cũng chưa có nhận thức đúng đắn), các em càng thích thực hiện những hành vi vô ý thức, thậm chí là ác ý với bạn bè của mình.

Bên cạnh sự thiếu đồng cảm, cách ứng xử của học sinh THCS với bạn cùng lớp còn chứa đựng một số mâu thuẫn trong quan hệ với bạn khác giới, một số khác biệt giữa nam sinh và nữ sinh. Phần viết này tiếp tục trình bày một số đặc điểm trong cách ứng xử với bạn cùng lớp của học sinh THCS.

Rung cảm giới tính xuất hiện sớm, nhưng quan hệ với bạn khác giới chưa thực sự thân thiết

Ngày nay, dường như rung cảm giới tính ở học sinh xuất hiện sớm hơn. Ngay từ lớp 6, một số em đã có tình cảm với bạn khác. Hầu như lớp nào cũng tồn tại một vài cặp đôi thích nhau, cả công khai lẫn ngấm ngầm và cả những em thích đơn phương hoặc yêu thầm. Học sinh bây giờ sớm có tình cảm với bạn khác giới và có vẻ mãnh liệt hơn, bạo dạn hơn trong việc thể hiện tình cảm đó. Một học sinh lớp 7 cho biết: “Lớp em toàn mâu thuẫn về chuyện tình cảm: Mày cướp chồng của tao. Tao cướp chồng của mày…” Tuy vậy, tình yêu học trò của các em cũng không bền vững. Một nam sinh lớp 8 cho biết: “Lớp cháu có 6 cặp yêu nhau, không bị từ chối thì còn nhiều nữa. Mấy đứa lớp cháu thay đổi bạn trai, bạn gái xoành xạch. Có đứa đã thay 3 đời bạn trai rồi từ lớp 6 đến lớp 8.

Mặc dù những rung cảm giới tính bắt đầu xuất hiện ở một số học sinh, song nhìn chung, quan hệ giữa học sinh nam và học sinh nữ còn nhiều mâu thuẫn. Trong giờ ra chơi, các em thường tụ tập thành nhóm ngồi tán chuyện hoặc chơi trò chơi với nhau… Những nhóm đó phần lớn là cùng giới. Một số nữ sinh không thích chơi với các bạn nam cùng lớp và ngược lại; thậm chí một số em thể hiện thái độ ghét nhau một cách thường xuyên. Một nam sinh mô tả mối quan hệ của mình với một bạn nữ: “Hàng ngày, thay vì chào nhau, cháu với nó chửi nhau bằng một câu: con… điên, thằng… cờ hó (chó)”. Nếu trong một nhóm chơi, chỉ có một bạn nam, các bạn nam khác trong lớp có thể đánh giá bạn nam đó là không bình thường: “Lớp chia thành hai nhóm con trai, con gái. Có một nhóm có duy nhất một đứa con trai, bị gay, hút mỡ bụng, làm da mặt.” (Nam sinh lớp 8). Tất nhiên, những biểu hiện này cho thấy các em vẫn còn trẻ con.

Có một số khác biệt trong cách ứng xử với bạn giữa nam sinh và nữ sinh

Thời gian, nghỉ giải lao không nhiều, nên học sinh thường tụ tập để tán chuyện là chủ yếu. Nội dung nói chuyện của các em có thể là bất cứ chuyện gì: chuyện ở trường lớp, chuyện gia đình… Đối với nam sinh, chủ đề trò chuyện yêu thích là game, bóng đá. “Con trai thường nói chuyện game, chuyện bóng đá, chuyện bạn gái…” (Nam sinh lớp 8). Trong khi đó, nữ sinh thường bàn tán về chủ đề điện ảnh, thời trang, các mối quan hệ…

Cách thức nói chuyện trong nhóm nam và nhóm nữ cũng khác nhau, nam sinh thường nói tục nhiều hơn để thể hiện, để nhấn mạnh. Trong nhóm bạn thân, nam sinh càng nói tục nhiều hơn, “nói tục mới là bình thường, không nói tục mới là bất thường”. Nữ sinh ít nói tục, ít trực tiếp thể hiện thái độ hơn nam sinh, song khi lên facebook các em bộc lộ cảm xúc một cách mạnh mẽ hơn qua ngôn ngữ viết.

Con trai hay nói tục vì không thì không thể ra oai được. Mình là con trai, phải độc chiếm lãnh thổ, mình phải nhấn mạnh mình ghê hơn. Trong hai vấn đề đối lập nhau, để nhấn mạnh phải thêm một câu tục. Đấy mới là con trai. Con gái cũng thế chỉ là giảm nhẹ đi thôi. Khi lên facebook, mới thấy bọn nó chửi nhau trên mạng rất ghê, status toàn lời chửi độc mồm độc miệng… Bạn khác thì mình cũng xã giao trò chuyện, nhưng nói chuyện lịch sự lắm. Bạn thân thì nói chuyện bỗ bã hơn.

Quan hệ với bạn thân của nữ sinh phức tạp hơn nam sinh. Tình bạn của một số nữ sinh đầu cấp chưa ổn định. Một số em gái hôm nay chơi với người này, hôm sau lại nói xấu nhau, giận nhau, chơi với người khác, thời gian sau lại làm lành với bạn; rồi lại có thể giận nhau, nói xấu nhau… Việc nói xấu, phát tán bí mật của bạn ít xảy ra ở nam sinh hơn, nam sinh ít thay đổi bạn hơn nữ sinh, song nam sinh thường lấy những chuyện bí mật ra để trêu đùa bạn mình. “Bạn thân bây giờ khốn nạn lắm vì bạn thân sẽ lấy chuyện bí mật ra để đá xoáy nhau. Cháu vẫn kể hết bí mật với nó nhưng không tin là nó sẽ không đá xoáy.” (Nam sinh lớp 8)

Khi có mâu thuẫn với bạn khác giới, một số em nữ thường thể hiện thái độ “đành hanh”, trong khi nam sinh đối xử thô bạo qua lời nói. Một số em nữ sinh có thể đuổi đánh một nam sinh khi nam sinh đó có lời nói, hành vi hoặc thái độ gây khó chịu. Thỉnh thoảng, khi được giáo viên chủ nhiệm giao nhiệm vụ theo dõi một số bạn nam, các em nữ thực thi công việc một cách “mẫn cán”. “Con ngồi cạnh một bạn nam hay vi phạm kỉ luật lớp. Con có hẳn một cuốn sổ bí mật ghi chi tiết các lỗi của bạn, rồi đưa cho cô.” (Nữ sinh lớp 7). Còn các nam sinh ít khi sử dụng vũ lực với nữ sinh nhưng hay trêu đùa, chọc tức các bạn nữ. Đôi khi, do có ác cảm với bạn nào đó hoặc thấy việc trêu chọc là niềm vui, một số em đã có những lời lẽ, hành vi trêu chọc quá đáng.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Nhìn chung, cách ứng xử của học sinh THCS với bạn vẫn mang những nét trẻ con và nhiều điểm mâu thuẫn. Các em cần được người lớn hướng dẫn về cách ứng xử với mọi người xung quanh nói chung, bạn cùng lớp nói riêng.

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *