Liệu pháp ánh sáng là gì? Quy trình và kết quả thế nào?

Liệu pháp ánh sáng sử dụng nguồn ánh sáng nhân tạo mô phỏng ánh sáng tự nhiên để điều trị các vấn đề sức khỏe có liên quan đến nhịp sinh học. Liệu pháp này tương đối an toàn, tiềm ẩn ít tác dụng phụ, được ứng dụng rất phổ biến trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD).

liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng là phương pháp trị liệu sử dụng ánh sáng nhân tạo mô phỏng ánh sáng tự nhiên

Liệu pháp ánh sáng là gì?

Liệu pháp ánh sáng còn được biết đến với tên gọi là quang trị liệu. Đây là phương pháp được sử dụng khá phổ biến trong điều trị một loạt các tình trạng sức khỏe tâm thần bằng cách tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo.

Trong quá trình trị liệu bằng ánh sáng, bệnh nhân sẽ ngồi hoặc làm việc ở gần một thiết bị (thường là hộp đèn) phát ra ánh sáng mô phỏng ánh sáng tự nhiên. Việc thực hiện liệu pháp này chỉ áp dụng vào một thời điểm cụ thể trong ngày.

Theo các nhà nghiên cứu, trị liệu bằng ánh sáng có ảnh hưởng tới các chất hóa học nội sinh bên trong não. Các chất này có liên quan đến tâm trạng và giấc ngủ. Do đó, việc sử dụng thiết bị trị liệu bằng ánh sáng có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng của các loại trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ.

Liệu pháp ánh sáng có thể được thực hiện trong một số trường hợp sau đây:

  • Bác sĩ chỉ định để điều trị một vấn đề sức khỏe tâm thần nhất định, chẳng hạn như rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD).
  • Người bệnh mong muốn được áp dụng một phương pháp điều trị an toàn, ít tiềm ẩn tác dụng phụ.
  • Cần tránh sử dụng thuốc chống trầm cảm đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Cần tăng hiệu quả của thuốc chống trầm cảm hoặc tâm lý trị liệu.
  • Cần hỗ trợ giảm liều thuốc chống trầm cảm.
  • Cần điều chỉnh lịch làm việc vào ban đêm.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Trị liệu bằng ánh sáng sẽ được sử dụng như một phương pháp điều trị cho một số vấn đề sức khỏe sau đây:

  • Trầm cảm theo mùa
  • Các loại rối loạn cảm xúc khác
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Sa sút trí tuệ
  • Rối loạn nhịp sinh học

Người bệnh cần biết rằng, liệu pháp ánh sáng trong điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần đã lọc tia UV ra để tránh ảnh hưởng đến mắt và da của người bệnh. Trong khi đó, liệu pháp ánh sáng dùng điều trị các tình trạng da lại sử dụng hộp đèn phát ra tia UV mặc dù dùng chung một thuật ngữ.

Bệnh trầm cảm theo mùa và trị liệu ánh sáng

Như đã phân tích, liệu pháp ánh sáng được sử dụng chủ yếu trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Đây là một loại trầm cảm xảy ra ở một khoảng thời gian nhất định trong năm, thông thường rơi vào mùa đông khi ban ngày có ít ánh sáng mặt trời hơn.

ứng dụng của liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa

Các nghiên cứu đã tìm thấy một số lý do giải thích vì sao trị liệu bằng ánh sáng có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Chẳng hạn như:

  • Trị liệu bằng ánh sáng hoạt động dựa trên đồng hồ sinh học bằng cách điều chỉnh nhịp sinh học (chu kỳ 24 giờ của não bộ)
  • Cân bằng sự kích hoạt serotonin trong não, đây là một thành phần rất quan trọng đối với việc điều chỉnh tâm trạng
  • Trị liệu bằng ánh sáng có thể làm tăng sự tỉnh tạo
  • Góp phần giúp bạn có được giấc ngủ ổn định và nhất quán

Theo đánh giá từ các chuyên gia, mức độ hiệu quả của liệu pháp ánh sáng đối với người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như bước sóng ánh sáng, thời gian sử dụng cũng như kiểu nhịp sinh học cá nhân của từng người bệnh.

Liệu pháp này sẽ bù đắp cho việc thiếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Trong một buổi trị liệu, bạn sẽ ngồi gần một hộp đèn phát ra ánh sáng nhân tạo mô phỏng ánh sáng tự nhiên ngoài trời.

Việc điều trị đối với bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa thường được bắt đầu vào mùa thu và tiếp tục cho đến đầu mùa xuân. Hướng dẫn điển hình cho trị liệu bằng ánh sáng là bắt đầu với 10.000 lux (lux là đơn vị đo độ sáng của ánh sáng) trong 30 phút mỗi sáng.

Với những người mới làm quen với phương pháp này thì có thể áp dụng các đợt điều trị ban đầu ngắn hơn. Chú ý, hộp đèn có mức độ ánh sáng càng mạnh thì thời gian điều trị cần phải càng ngắn.

Mất bao lâu để liệu pháp ánh sáng phát huy tác dụng?

Nhiều người mắc bệnh trầm cảm theo mùa nhận được một số lợi ích từ liệu pháp ánh sáng chỉ trong vòng vài ngày. Còn thông thường, các triệu chứng của bệnh trầm cảm sẽ cải thiện dần trong khoảng 2 tuần.

Trường hợp bạn không cảm nhận rõ các lợi ích thì có thể cần phải tăng thời gian ngồi trước hộp đèn 10.000 lux lên khoảng 60 phút mỗi ngày. Nếu cách này vẫn không hiệu quả thì tốt nhất bạn nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

Nếu bạn nhận thấy liệu pháp ánh sáng có hiệu quả thì bạn cũng có thể thay đổi thói quen cho phù hợp hơn. Chẳng hạn như có thể giảm thời gian ngồi trước hộp đèn xuống 15 phút hoặc lên lịch thực hiện vào một thời điểm khác trong ngày.

Ngoài ra, bạn có thể tạm dừng trị liệu bằng ánh sáng trong vòng một vài ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết những người bị trầm cảm theo mùa vẫn phải sử dụng liệu pháp ánh sáng thường xuyên trong suốt mùa đông. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa các triệu chứng quay trở lại.

Ưu và nhược điểm của liệu pháp ánh sáng

Nắm rõ ưu và nhược điểm của liệu pháp ánh sáng sẽ giúp cho bạn chủ động khi tìm hiểu cũng như thực hiện phương pháp này. Cụ thể như sau:

1. Ưu điểm

Ngoài những lợi ích đối với việc cải thiện các triệu chứng trầm cảm thì liệu pháp ánh sáng còn dễ thực hiện và điều chỉnh. Một số ưu điểm của liệu pháp này bao gồm:

ưu điểm của liệu pháp ánh sáng
Ưu điểm lớn của trị liệu bằng ánh sáng là rất dễ áp dụng
  • Dễ dàng áp dụng: Việc điều trị có thể được thực hiện ngay tại nhà bằng cách sử dụng các hộp đèn.
  • Không xâm lấn: Nó cung cấp một giải pháp bổ sung hoặc thay thế cho các can thiệp y tế khác, chẳng hạn như sử dụng thuốc.
  • An toàn: Mặc dù vẫn có một số tác dụng phụ có thể xảy ra nhưng nhìn chung liệu pháp ánh sáng thường là an toàn và ít rủi ro.
  • Tiện lợi: Bạn hoàn toàn có thể sử dụng đèn trị liệu tại nhà bất cứ khi nào có thời gian. Ngoài ra, việc ngừng liệu pháp ánh sáng trong vài ngày cũng sẽ rất an toàn mà không lo tác dụng phụ hay triệu chứng quay trở lại.
  • Tác dụng phụ nhẹ: Hầu hết các tác dụng phụ của liệu pháp này đều ở mức nhẹ chẳng hạn như chóng mặt, đau đầu hoặc buồn nôn. Tuy nhiên chúng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng cách điều chỉnh đèn.

2. Nhược điểm

Nhược điểm của liệu pháp ánh sáng chỉ là có thể xảy ra một số tác dụng phụ và biến chứng. Chúng có thể bao gồm:

  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Mất ngủ
  • Mệt mỏi
  • Mỏi mắt
  • Cáu gắt

Thông thường, để nhận được kết quả điều trị tốt với đèn trị liệu thì cần có thời gian, ít nhất là khoảng vài ngày. Đồng thời đèn trị liệu cần được sử dụng nhất quán vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Quy trình thực hiện liệu pháp ánh sáng tại nhà

Trước khi bắt đầu thực hiện liệu pháp ánh sáng tại nhà, bạn cần phải nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Trong một số trường hợp, liệu pháp ánh sáng có thể xảy ra tương tác với các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như thuốc.

Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để mua hộp đèn phù hợp. Sau đó chú ý đọc thật kỹ các hướng dẫn mà nhà sản xuất hộp đèn cung cấp. Ánh sáng có cường độ thấp hơn thường yêu cầu thời gian phơi sáng lâu hơn. Tức là bạn sẽ phải ngồi trước hộp đèn lâu hơn.

Việc nắm rõ các hướng dẫn sẽ giúp bạn xác định rõ các rủi ro cũng như mối nguy hiểm cụ thể có khả năng xảy ra. Nếu bạn sử dụng đèn trị liệu có ánh sáng cường độ 10.000 lux thì có thể làm theo hướng dẫn sau:

quy trình thực hiện liệu pháp ánh sáng
Có thể ngồi làm việc trước hộp đèn khi trị liệu bằng ánh sáng
  • Đặt đèn trên bàn làm việc hoặc các bề mặt khác
  • Ngồi hoặc đứng cách đèn đúng khoảng cách mà nhà sản xuất khuyến cáo
  • Chú ý giữ mắt mở và không được ngủ trong các buổi trị liệu ánh sáng
  • Không được nhìn thẳng vào hộp đèn
  • Bắt đầu với khoảng 30 phút tiếp xúc mỗi ngày
  • Cần lên lịch các buổi trị liệu ánh sáng càng sớm càng tốt ngay sau khi thức dậy, khoảng từ 6 – 9 giờ sáng

Bạn nên căn cứ vào cảm nhận của bản thân và tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể điều chỉnh lịch trình cũng như thời lượng của các buổi trị liệu ánh sáng. Ngoài ra, có thể cải thiện thời gian ngồi trước hộp đèn bằng các hoạt động như đọc sách hoặc làm việc. Tuy nhiên bạn cần đảm bảo luôn hướng về phía ánh sáng.

Lưu ý khi áp dụng phương pháp trị liệu ánh sáng

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi áp dụng liệu pháp ánh sáng thì người bệnh nên thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế. Ngoài ra cần chú ý đến các vấn đề sau:

  • Tình trạng da cần đảm bảo ổn định, những người có làn da quá nhạy cảm với ánh sáng (chẳng hạn như mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống) thì không nên áp dụng liệu pháp.
  • Không sử dụng các thuốc có khả năng làm gia tăng mức độ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Chẳng hạn như thuốc chống viêm hoặc một số loại thuốc kháng sinh.
  • Đảm bảo không có bệnh lý về mắt khiến cho mắt bị nhạy cảm và dễ tổn thương hơn trước ánh sáng.
  • Đặc biệt thận trọng khi sử dụng cho những người bị rối loạn lưỡng cực. Bởi liệu pháp này có thể kích hoạt các cơn hưng cảm ở một số người mắc chứng bệnh này.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Liệu pháp ánh sáng mang lại nhiều lợi ích trong việc điều trị bệnh trầm cảm theo mùa và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Tuy nhiên, cần chú ý tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này. Bởi nó vẫn tiềm ẩn các rủi ro, đặc biệt là trong trường hợp sử dụng hộp đèn không đúng cách.

Tham khảo thêm:

5/5 - (4 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *