Liệu Pháp Nhận Thức – Hành Vi: Sức Mạnh Trong Trị Liệu Tâm Lý
Liệu pháp nhận thức – hành vi là một trong những phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng cho những người gặp các vấn đề như nghiện, rối loạn lo âu, trầm cảm hay các rối loạn sợ hãi khác. Mục đích của phương pháp này là điều chỉnh suy nghĩ, nhận thức của người bệnh khỏi những điều không chính xác và hướng đến những điều tích cực, đúng đắn hơn.
Liệu pháp nhận thức – hành vi là gì?
Liệu pháp nhận thức – hành vi hay Cognitive Behavioral Therapy (CBT) là một trong những phương pháp được đánh giá cao trong lĩnh vực trị liệu tâm lý. CBT tham gia vào việc thách thức, thay đổi các nhận thức sai lệch ở người bệnh, phát triển các chiến lược đương đầu với căng thẳng cũng như kiểm soát được các yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng đến hành vi ở mỗi người.
Liệu pháp nhận thức – hành vi được phát triển dựa trên trên khái niệm cho rằng những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác và hành động của con người có mối liên kết mật thiết với nhau. Chính những suy nghĩ tiêu cực và các cảm xúc đau khổ, buồn bã sẽ tác động trực tiếp đến hành vi và “bóp méo” nhận thức của người đó về thực tại.
Hiểu một cách đơn giản, CBT giống như một mô hình vòng tròn Thought ( Nghĩ) – behaviour ( Cư xử) – Emotion ( cảm xúc). CBT sẽ thực hiện các biện pháp can thiệp ở ngay bước Thought. Giống như một phản ứng dây chuyền, nếu một người có suy nghĩ tốt, tích cực thì cách cư xử cũng sẽ tốt theo và tất nhiên các cảm xúc sau đó cũng mang tính chất tích cực. Và ngược lại, cảm xúc buồn bã chán nản cũng khiến các suy nghĩ hướng đến những điều tiêu cực và cách cư xử cũng thiếu chuẩn mực hơn.
Cognitive Behavioral Therapy thường được tiến hành trong một thời gian ngắn và tập trung vào việc giúp bệnh nhân đối diện, đương đầu với các tình huống cụ thể. Nhà trị liệu sẽ đồng hành cùng thân chủ trong suốt quá trình trị liệu để điều chỉnh các nhận thức sai lệch và hướng dẫn bệnh nhân cách kiểm soát cảm xúc.
Những tiến trình trong liệu pháp nhận thức – hành vi đang được đánh giá cao, thậm chí cao hơn việc dùng thuốc tây. Kết quả này được khẳng định và chứng minh hoàn toàn dựa trên cơ sở nghiên cứu kết hợp với thực hành lâm sàng trên thực tế.
Liệu pháp CBT đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1950 và đến năm 1990 chính thức được sử dụng rộng rãi trong trị liệu tâm lý. Nguồn gốc của phương pháp này có liên quan đến các lý thuyết học tập cổ điển, lý thuyết tập nhiễm xã hội đặc biệt là liệu pháp nhận thức của bác sĩ tâm thần Aaron Beck.
Ban đầu liệu pháp nhận thức – hành vi được phát triển để chăm sóc cho các bệnh nhân trầm cảm. Với những lợi ích và phương pháp này đem lại nên CBT đã được thiết kế để chăm sóc cho những người gặp các vấn đề tâm lý- tâm thần khác, bao gồm
- Bệnh nhân trầm cảm
- Người mắc chứng rối loạn lo âu, các rối loạn sợ hãi hay ám ảnh nghi thức
- Rối loạn ăn uống
- Rối loạn giấc ngủ
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính
- Rối loạn cảm xúc
- Người mắc các vấn đề thể chất mãn tính hay nguy hiểm, chẳng hạn như tiểu đường hay bệnh ung thư
- Người có các vấn đề liên quan đến sử dụng chất kích thích, chẳng hạn như nghiện ma túy
- Ngăn ngừa các bệnh tâm lý tái phát
Liệu pháp nhận thức – hành vi không chỉ được sử dụng với mục đích chữa trị mà còn ứng dụng cho những người gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, thường xuyên nóng giận, dễ trở nên kích động.
Các thành tố tạo nên liệu pháp nhận thức – hành vi
Theo ghi chép của Hiệp hội Tâm lý Trị liệu Nhận thức Hành vi Anh Quốc cho biết “Liệu pháp nhận thức hành vi bao gồm một loạt các liệu pháp dựa trên các khái niệm và nguyên tắc xuất phát từ các hình mẫu tâm lý về cảm xúc và hành vi của con người. Liệu pháp bao gồm hình thức tiếp cận điều trị cho các rối loạn cảm xúc cùng với chuỗi các biện pháp hỗ trợ liên tục từ các liệu pháp tâm lý cá nhân đến các tài liệu tự lực.”
Các liệu pháp trong CBT được các nhà trị liệu áp dụng bao gồm
- Liệu pháp Hành Vi Cảm Xúc hợp lý (Rational Emotive Behavior Therapy – REBT)
- Liệu pháp nhận thức (Cognitive Therapy – CT)
- Liệu pháp đa kiểu mẫu (Multimodal Therapy MT)
- Liệu pháp Hành vi Biện Chứng (Dialectical Behavior Therapy – DBT)
- Các thành tố của CBT (The Components of Cognitive Behavior Therapy)
Nhìn chung, có thể hiểu các liệu pháp trong CBT sẽ từng bước tiếp cận gần với bệnh nhân để thay đổi dần các nhận thức, hành vi sai lệch. Bằng việc từng bước thực hiện như vậy sẽ đem lại những kết quả trị liệu tốt nhất mà không gây ám ảnh cho thân chủ.
Ở một số tình huống đơn giản, nhà trị liệu sẽ bắt đầu bằng việc yêu cầu thân chủ tưởng tượng bản thân đang tình huống gây căng thẳng để học cách đối diện, tiếp tục sau đó sẽ là việc học cách nói chuyện và chia sẻ với gia đình, người thân, bạn bè.
Liệu pháp nhận thức – hành vi có thể tiếp cận khách hàng theo 6 hướng, dựa trên nền tảng là những lý thuyết, triết lý cơ bản. Bao gồm
- Thứ nhất: nhà trị liệu cần hiểu được những suy nghĩ hiện tại cũng như những suy nghĩ gây nên những cảm xúc tiêu cực cho thân chủ. Thông qua đó nhìn nhận và xác định những nhận thức, quan điểm ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của thân chủ và lắng nghe cách họ lý giải về những quan điểm đấy như thế nào. Bởi cách nhìn nhận của một người có liên quan trực tiếp đến các hành vi sau đó nên việc nắm bắt được suy nghĩ của các khách hàng là rất cần thiết.
- Thứ 2: Thân chủ được đánh giá là đang tiêu cực quá mức trong các quan điểm, niềm tin của họ. Điều này khiến họ phải chịu những đau khổ do chính những thông tin sai lệch của bản thân trong quá trình xây dựng và thích nghi với cuộc sống hằng ngày.
- Thứ 3: nhà trị liệu sẽ ứng dụng CBT vào các buổi tham vấn thông qua lời lời đề nghị, giao bài tập về nhà, tích cực thảo luận và tạo một môi trường thoải mái để khách hàng có thể chia sẻ được quan điểm, cảm xúc của bản thân. Việc hoàn thành các các yêu cầu của nhà trị liệu sẽ thể hiện tinh thần hợp tác, chủ động của khách hàng.
- Thứ 4: CBT sẽ tập trung trong giải quyết, điều chỉnh các nhận định sai lệch của thân chủ để ngăn ngừa các hệ lụy khác có thể xảy ra. Bao gồm việc kiểm tra tính chính xác từ niềm tin của thân chủ, thay đổi khuynh hướng của các suy nghĩ tiêu cực đồng thời nhà trị liệu sẽ khuyến khích khách hàng tham gia các chuỗi thực nghiệm để thay đổi các niềm tin một cách có hệ thống dựa trên tính chính xác của nó.
- Thứ 5: Thực hiện trị liệu thông qua hình thức giáo dục tâm lý để giúp thân chủ trở thành “người dẫn đường” cho chính mình. Các biện pháp trị liệu và thư giãn sẽ được kết hợp với nhau để phòng tránh nguy cơ bệnh tái phát trở lại.
- Thứ 6: Mỗi buổi tham vấn đều được thiết kế một cách cụ thể, có mục tiêu, nội dung, kết thúc rõ ràng. Cuối buổi nhà trị liệu và thân chủ sẽ cùng đánh giá về kết quả của buổi tham vấn để có hướng điều chỉnh kịp thời.
Các kỹ thuật điều trị trong liệu pháp nhận thức hành vi
Liệu pháp nhận thức – hành vi sẽ tập trung vào các đối tượng, tình huống và mục tiêu cụ thể nên các kết quả có thể được nhìn nhận một cách rõ ràng ngay sau mỗi buổi tham vấn. CBT rất phù hợp với những đối tượng có thể suy xét về các khía cạnh, quan điểm của bản thân.
Để đáp ứng việc trị liệu, thông thường nhà trị liệu cũng sẽ yêu cầu hoặc tạo không gian thoải mái để thân chủ có thể sẵn sàng chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ hay các vấn đề tiềm ẩn bên trong đã gây nên nên các chướng ngại tâm lý. Chỉ khi đó các biện pháp trị liệu mới có thể đem lại kết quả tốt nhất.
Tùy tình trạng người bệnh, mục tiêu điều trị, nhà trị liệu có thể sử dụng các kỹ thuật sau trong liệu pháp nhận thức – hành vi
- Thư giãn
- Viết nhật ký
- Đóng vai
- Các trò chơi giúp xao lãng tâm trí
- Luyện tập chánh niệm
- Thách thức niềm tin
- Các bài tập về tư duy, thể chất, xã giao.
Nhà trị liệu cũng sẽ yêu cầu thân chủ cần thực hành các bài tập về nhà song song với các buổi tham vấn trực tiếp. Điều này sẽ được kéo dài kể cả khi kết thúc liệu trình để đảm bảo người bệnh đã sẵn sàng đối diện với các thử thách, không còn trong trạng thái lo âu căng thẳng vì đã biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Cần chuẩn bị gì nếu thực hành CBT
Liệu pháp nhận thức – hành vi sẽ mang đến kết quả tốt nhất khi cả nhà trị liệu và khách hàng tìm được sự đồng điệu và kết nối với nhau. Bởi CBT không chỉ đơn thuần là một liệu pháp điều trị tâm lý mà còn giúp ích trong việc cải thiện các kỹ năng giao tiếp xã hội, sự tự tin, tương tác nên nếu cả hai không thể kết nối hay duy trì một mối liên kết nhất định thì rất khó để tiếp tục các buổi tham vấn. Collaborative Empiricism là một thuật ngữ để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp, kết nối giữa thân chủ và nhà trị liệu.
Do đó, với những người bệnh hoặc người đang hướng tới một giải pháp để kiểm soát tâm trí thông qua CBT thì cần phải tìm được một nhà trị liệu phù hợp. Một nhà trị liệu giỏi, nổi tiếng không phải lúc nào cũng kết nối được với tất cả mọi người. Đồng thời khi đã tìm kiếm được thì bạn phải chấp nhận mở lòng, chia sẻ, trung thực, thẳng thắn với nhà trị liệu thì mới có thể giải quyết được các vấn đề của bản thân.
Ngược lại, nhà trị liệu không chỉ cần rèn luyện cho mình các kỹ năng, các kiến thức cần có về liệu pháp nhận thức – hành vi mà còn cần tạo ra một không gian phù hợp để thân chủ có thể thoải mái trò chuyện, chia sẻ. Lắng nghe, thấu hiểu, chân thành chính là những đức tính cần có của nhà trị liệu.
Ngoài ra, khách hàng cần tìm đến CBT cũng nên dành thời gian suy nghĩ, chuẩn bị về những vấn đề muốn giải quyết. Trong cuộc tham vấn đầu tiên, việc chia sẻ và nói rõ ra các khúc mắc của bản thân sẽ giúp cả hai hiểu nhau hơn cũng như hỗ trợ nhà trị liệu có thể lên một kế hoạch cụ thể cho các buổi tham vấn sau đó.
Nội dung buổi tham vấn liệu pháp nhận thức – hành vi
Ở các buổi tham vấn đầu, nhà trị liệu sẽ chủ yếu tập trung lắng nghe những quan điểm, nhận thức của thân chủ về các vấn đề mà họ đang gặp phải. Nhà trị liệu sẽ khuyến khích khách hàng chia sẻ chân thực các cảm xúc của bản thân để hiểu rõ về các vấn đề vướng mắc mà khách hàng đang gặp phải. Vì vậy việc khách hàng có những cảm xúc buồn bã, khóc lóc cũng được coi là một phần của việc trị liệu.
Ở các buổi sau, nhà trị liệu sẽ tập trung vào việc điều chỉnh, thay đổi nhận thức của thân chủ thông qua việc trò chuyện hay các hoạt động hỗ trợ. Chẳng hạn ở những người mắc chứng sợ không gian hẹp thì nhà trị liệu có thể yêu cầu khách hàng đối diện với nỗi sợ của mình bằng cách ở trong một phòng hẹp và kín. Tất nhiên với chuyên môn của mình nhà trị liệu sẽ có cách hỗ trợ để không xảy ra những tình huống nguy hiểm cho thân chủ.
Các bài tập về nhà cũng được giao cho thân chủ để bản thân họ tự mình thực hành và trải nghiệm. CBT cũng tập trung phát triển các kỹ năng đối diện với căng thẳng, điều chỉnh suy nghĩ của khách hàng đến những điều tích cực hơn.
Tùy tình trạng và vấn đề đang gặp phải mà nhà trị liệu sẽ lên phác đồ phù hợp. Nếu bạn cảm thấy không phù hợp với nhà trị liệu từ buổi đầu hoàn toàn có thể xem xét việc gặp gỡ một người khác bởi trải nghiệm và sự kết nối với nhà trị liệu rất quan trọng.
Ưu/ nhược điểm của liệu pháp nhận thức – hành vi
Hiệu quả của liệu pháp nhận thức – hành vi thực sự đã được chứng minh trên nhiều phương diện. Thực tế rất nhiều bệnh nhân đã loại bỏ thành công các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu thông qua CBT, điều này không thể phủ nhận.
Dù vậy, vẫn tồn tại các ưu/ nhược điểm của phương pháp này. Hiểu rõ được các đặc điểm, này sẽ đem đến cho bạn nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu, mong muốn của bản thân.
Ưu điểm
Các ưu điểm có thể nhìn nhận rõ của liệu pháp nhận thức – hành vi bao gồm
- Không có tác dụng phụ trên thực thể như các loại thuốc Tây. Đây cũng là ưu điểm lớn nhất của các phương pháp trị liệu tâm lý nói chung
- Phối hợp với việc dùng thuốc Tây cho một số trường hợp nặng có thể mang lại kết quả tốt nhất
- Liệu trình CBT tương đối ngắn. Trung bình một người sẽ tham gia tham vấn trong 5- 20 buổi, mỗi buổi trung bình 60 phút kèm theo các bài tập tại nhà
- Hình thức trị liệu khá đa dạng và linh hoạt, bao gồm cả việc trò chuyện hay các hoạt động thực hành đối diện với căng thẳng hay dùng sách hướng dẫn
- Các phương pháp trị liệu mang lại nhiều giá trị hữu ích ở cả thời điểm trị liệu và sau trị liệu
- Phù hợp cho những người đang tìm kiếm các biện pháp điều trị ngắn hạn
- Có tính bảo mật cao, khách hàng có thể tự do chia sẻ mọi vấn đề của bản thân mà không cần lo lắng rằng những người xung quanh sẽ biết
Nhược điểm
Hiện nay vẫn có không ít người nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp trị liệu tâm lý, bao gồm cả CBT. Bản chất của liệu pháp nhận thức – hành vi cần có sự chia sẻ thẳng thắn từ các vấn đề nằm sâu trong tiềm thức đang ảnh hưởng đến hành vi của người đó, tuy nhiên nếu thân chủ không thực hiện được điều này thì rất khó để mang lại những giá trị tốt nhất.
Một vài nhược điểm của CBT mà bạn cũng cần biết bao gồm
- Đòi hỏi sự hợp tác từ thân chủ, nếu bản thân người đó không chịu mở lòng, dấu diếm, không trung thực sẽ rất khó để giải quyết các vấn đề
- Không thể đạt được kết quả ngay như các loại thuốc. Đây là điều hiển nhiên, thậm chí một số người có thể cảm thấy tệ hơn trong những buổi tham vấn đầu tiên
- Ở những buổi tham vấn đầu tiên sẽ đòi hỏi thân chủ phải chia sẻ, đồng thời đối mặt với cảm xúc và lo lắng. Một số người có thể cảm thấy kiệt sức về mặt thể chất (do căng thẳng, khóc lóc hay tức giận)
- Chủ yếu tập trung vào thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của khách hàng, không bao gồm giải quyết một số vấn đề xã hội khác
- CBT tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể ở hiện tại, không bao gồm các vấn đề liên quan đến các trải nghiệm từ quá khứ như bị lạm dụng hay tuổi thơ không hạnh phúc
Thực tế thì với các vấn đề tâm lý, không biện pháp nào là hoàn hảo tuyệt đối, kể cả dùng thuốc hay trị liệu tâm lý. Việc tìm kiếm một nhà trị liệu phù hợp có thể làm giảm tối đa các nhược điểm của phương pháp này.
Dù có nhiều ưu/ nhược điểm nhưng liệu pháp nhận thức – hành vi vẫn là biện pháp được đánh giá cao với những người đang gặp các vướng mắc trong tâm trí không thể tự giải quyết. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn lo âu lan tỏa: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
- Rối loạn lo âu xã hội là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và chữa trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!