Rối Loạn Lo Âu Xã Hội Là Gì? Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Chữa Trị
Rối loạn lo âu xã hội được đặc trưng bằng sự lo âu, hoảng loạn quá mức khi phải đối diện với môi trường ngoài xã hội, chẳng hạn như đứng trước lớp thuyết trình hay đi đến nơi công cộng. Người bệnh thường chọn ở trong nhà và né tránh ra ngoài nên gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống hằng ngày.
Rối loạn lo âu xã hội là gì?
Rối loạn lo âu xã hội có tên khoa học là Social anxiety disorder (SAD) hay còn được gọi là hội chứng ám ảnh xã hội. Bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu và được xếp thứ 3 trong độ phổ biến trong các bệnh tâm lý, tâm thần hiện nay. Thống kê cho thấy có đến 15 triệu người Mỹ trưởng thành mắc phải căn bệnh này.
Các cảm xúc lo âu thái quá của người bệnh sẽ xuất hiện khi họ buộc phải giao tiếp, nói chuyện hay tham gia vào các hoạt động xã hội. Đây là một vấn đề sức khỏe mãn tính khiến bản thân người bệnh luôn cảm thấy rằng mọi người đang nhìn, đang bàn tán về họ cho dù sự thực không phải vậy.
Người bệnh luôn ám ảnh với cái nhìn, sự đánh giá từ những người xung quanh, luôn cho rằng mọi người sẽ hạ thấp, soi mói mình. Những điều này khiến bản thân họ luôn phải tìm cách trốn tránh để không phải ra bên ngoài. Các triệu chứng căng thẳng sẽ tăng lên khi người bệnh phải đến nơi đông người hay chỉ đơn giản là thuyết trình.
Người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội cần phải điều trị y tế kết hợp với các liệu pháp tâm lý để kiểm soát cảm xúc lo âu quá mức cho bản thân đồng thời rèn luyện các kỹ năng tự tin để có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Biểu hiện rối loạn lo âu xã hội
Các triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội sẽ xuất hiện khi người bệnh đứng trước các tình huống gây căng thẳng. Các biểu hiện được thể hiện trên cả mặt cảm xúc và thể chất khiến người đó không thể trực tiếp đối diện với tình huống đó nên sẽ tìm cách trốn chạy.
Các triệu chứng rối loạn lo âu xã hội được thể hiện qua cơ thể như sau
- Cảm giác khó thở, đau thắt ngực, tim đập nhanh khi đứng trước các sự kiện, tình huống gây căng thẳng
- Chân tay run rẩy, đỏ mặt, đổ nhiều mồ hôi
- Hơi thở dồn dập, thở dốc, cảm giác như đứng không vững
- Cảm giác đau bụng, bụng sôi, muốn đi vệ sinh
- Hoa mắt, chóng mặt, cảm giác như muốn ngất xỉu
- Khó ngủ, gặp ác mộng, ngủ dễ giật mình nhất là mỗi khi vừa đi ra ngoài về
- Miệng và cổ họng khô, buồn nôn và cũng có thể nôn ói
- Cơ căng cứng, co giật
Các triệu chứng về mặt cảm xúc được biểu hiện khá rõ ràng như sau
- Luôn trong trạng thái bồn chồn, lo lắng, đứng ngồi không yên nếu cần phải ra ngoài hay nếu được người nào đó bắt chuyện
- Cảm giác hoảng loạn tột độ, lo lắng rằng hành vi của mình có thể khiến mọi người chú ý hay bàn tán
- Rất để ý đến suy nghĩ, lời nói của người khác để biết liệu có liên quan đến mình không
- Lo lắng nhiều ngày trước khi sự kiện đó diễn ra
- Có xu hướng sử dụng rượu bia hay các chất kích thích nếu chuẩn bị phải đối mặt với một sự kiện nào đó
- Luôn có cảm giác rằng mọi người xung quanh đang nhìn, đang chỉ trỏ và bàn tán về mình mặc dù thực tế không phải vậy
- Có xu hướng né tránh tất cả các sự việc, tình huống cần phải giao tiếp, trò chuyện, phát biểu hay đi đến nơi đông người. Người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội thường có xu hướng ở trong nhà nhiều thay vì phải đi ra ngoài, điều này có thể khiến họ an tâm và hạn chế được việc kích động hay hoảng loạn
- Tự cô lập bản thân bằng cách bỏ học hay bỏ việc để trốn tránh xã hội
- Ở một số bệnh nhân bị rối loạn lo âu xã hội ở mức độ nhẹ có thể cố gắng gồng mình để vượt qua nỗi sợ hãi, để có thể gần gũi và giao tiếp với mọi người. Tuy nhiên dần dần điều này sẽ càng khiến họ trở nên hoảng sợ nhiều hơn
Một số tình huống có thể làm gia tăng sự lo âu ở những bệnh nhân rối loạn lo âu xã hội
- Có người lạ bắt chuyện
- Đi đến những nơi công cộng
- Làm các công việc cần đội nhóm
- Phải thuyết trình hay trình bày trước nơi đông người
- Buộc phải tham gia một hoạt động nào đó đông người, kể cả khi toàn người quen
- Người bệnh có thể né tránh cả các vấn đề như nói chuyện điện thoại, ăn ở nơi công cộng, mua sắm trực tiếp, phỏng vấn xin việc
Thực tế bản thân người bệnh hoàn toàn có thể hiểu được rằng mình đang có những nỗi lo âu hoảng sợ vô lý, tuy nhiên họ vẫn không thể nào kiểm soát được nỗi sợ của bản thân.
Nguyên nhân rối loạn lo âu xã hội
Hiện nay vẫn chưa thể tìm ra đâu là nguyên nhân gây ra những nỗi lo lắng mơ hồ của người bệnh, tuy nhiên các yếu tố về những ám ảnh từ quá khứ, căng thẳng kéo dài hay di truyền cũng được cho là có liên quan đến bệnh.
Cụ thể, các nguyên nhân có liên quan đến chứng rối loạn lo âu xã hội như
- Thiếu hụt các dẫn truyền thần kinh: việc thiếu hụt các chất hóa học trong não bộ như serotonin, Dopamine, GABA cũng có thể là yếu tố khiến tinh thần chúng ta yếu hơn, gặp khó khăn trong điều chỉnh tâm trạng nên dễ trở nên lo âu, kích động hơn bình thường
- Yếu tố di truyền: mặc dù không tìm ra các gen liên quan đến việc di truyền nhưng các bác sĩ cho rằng việc những đứa con có bố/ mẹ bị rối loạn lo âu xã hội thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do ảnh hưởng bởi cách giáo dục, cách tương tác hay kết nối với con hằng ngày
- Cấu trúc não: amygdala (uh-MIG-duh-luh) là một cấu trúc não bộ có vai trò kiểm soát các phản ứng sợ hãi nên nếu amygdala hoạt động quá mức thì có thể gây ra các phản ứng lo âu, hoảng loạn quá mức với các tình huống xã hội thường ngày
- Ám ảnh từ khóa khứ: từng bị bắt nạt, lạm dụng, bị trêu chọc quá mức, bị cô lập, các mâu thuẫn từ gia đình, căng thẳng quá mức từ công việc hoàn toàn có thể là nguyên nhân gây rối loạn lo âu ám ảnh xã hội.
Một vài nghiên cứu cho thấy ở những người có xu hướng tính cách rụt rè, ngại ngùng, thiếu tự tin cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra những người bị khuyết tật, người có ngoại hình kém cũng dễ bị ám ảnh và gặp phải tình trạng này.
Những hệ lụy gây ra bởi rối loạn lo âu xã hội
Mặc dù các triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội thường chỉ xuất hiện trong các tình huống nhất định, không trải dài như rối loạn lo âu lan tỏa nhưng những hệ lụy nó gây ra cho cuộc sống người bệnh vẫn rất nghiêm trọng.
Ở các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể chỉ gặp vấn đề ở những nơi đông người, khi buộc phải phát biểu còn trong cuộc sống thường ngày họ vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp người bệnh đã chọn cách tự cô lập bản thân để tránh xa khỏi nỗi ám ảnh, lo lắng đến từ các tình huống xung quanh.
Những hệ lụy mà rối loạn lo âu xã hội có thể gây ra cho cuộc sống của người bệnh như
- Gặp khó khăn trong các mối quan hệ, người bệnh hầu như chỉ có thể làm bạn với một hoặc một vài người. Có những người sẽ tự cô lập bản thân, không ra ngoài giao tiếp nên không có bạn hoặc họ có thể lựa chọn nhắn tin, kết bạn qua mạng
- Gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc. Những người bị rối loạn lo âu xã hội mức độ nhẹ vẫn có thể cố gắng gồng mình để tham gia các hoạt động sinh hoạt thường ngày nhưng ở những người bệnh nặng thì hầu như họ sẽ chọn cách trốn ở trong nhà nên nhiều người sẽ gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm các công việc phù hợp, không phải ra ngoài mà vẫn đủ nuôi sống bản thân.
- Những nỗi lo sợ của người bệnh nếu không thể chia sẻ sẽ dần trở nên tiêu cực hơn, nhạy cảm quá mức với lời nói hay hành động từ những người xung quanh và cũng có nguy cơ cao mắc trầm cảm. Một số người cũng có xu hướng tự làm đau bản thân hay tự tử để giải tỏa những căng thẳng, lo lắng quá mức trong tâm trí
- Do sợ xã hội nên người bệnh rất ít khi lui đến những nơi đông người, ít bạn bè nên cũng có thể bị thiếu các kỹ năng xã hội cần thiết. Khi buồn phiền họ cũng có xu hướng tìm đến bia rượu hay thuốc lá để giải tỏa những cảm xúc khó nói.
Hướng điều trị rối loạn lo âu xã hội
Bản thân người bệnh thường từ chối việc ra ngoài và gặp gỡ những bác sĩ lạ mặt nên gia đình, người thân cần động viên, khuyến khích hoặc tìm cách sắp xếp để người bệnh gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Người bệnh có thể dùng thuốc kết hợp với trị liệu tâm lý để kiểm soát những lo âu và lấy lại sự tự tin trong cuộc sống.
Điều trị bằng thuốc
Thuốc không thể làm người bệnh hết lo âu hoàn toàn mà chỉ giúp kiểm soát phần nào những cảm xúc của người bệnh, từ đó nâng cao tinh thần và cải thiện dần các triệu chứng lo âu quá mức. Dù vậy việc dùng thuốc vẫn kèm theo nhiều tác dụng phụ, nếu dùng không đúng cách có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn.
Tùy tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ tâm thần thường chỉ định một số nhóm thuốc sau
- Chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) như Paroxetine (Paxil) hoặc Sertraline (Zoloft) thường được bác sĩ chỉ định dùng đầu tiên
- Các chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và norepinephrine (SNRI) như Venlafaxine (Effexor XR) cũng được chỉ định cho các bệnh nhân này.
Tùy tình trạng của người bệnh như mất ngủ, trí nhớ suy giảm thì một số loại thuốc khác cũng được chỉ định bổ sung phù hợp. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo an toàn tuyệt đối, phòng tránh những hệ lụy xấu khác có thể xuất hiện.
Trị liệu tâm lý
Rối loạn lo âu xã hội là một dạng tâm bệnh rất nhiều người đang gặp phải hiện nay. Những điều tiêu cực cứ tích tụ trong đầu không được giải tỏa sẽ dần trở thành một bóng đen bao trùm lên tâm trí, tạo thành nỗi sợ hãi cho người bệnh. Tháo gỡ được các vướng mắc trong tâm trí, giải tỏa cảm xúc cho khách hàng chính là công việc của những chuyên gia tâm lý.
Trị liệu tâm lý chính là biện pháp được hướng đến chính trong quá trình điều trị cho người bị rối loạn lo âu xã hội. Các chuyên gia tâm lý sẽ lý giải cho khách hàng hiểu rằng những nỗi lo của họ là vô lý, học cách nhìn nhận các vấn đề theo tâm lý bình thường đồng thời lấy lại sự tự tin trong các tình huống xã hội thường ngày.
Các phương pháp thường được sử dụng trong liệu pháp tâm lý với bệnh nhân rối loạn lo âu sợ xã hội gồm
- Liệu pháp hành vi giúp bệnh nhân học cách kiểm soát những cảm xúc lo âu quá mức thông qua các liệu pháp hít thở, thư giãn. Đồng thời các chuyên gia cũng hướng người bệnh đến lối suy nghĩ tích cực và loại bỏ dần những suy nghĩ tiêu cực không chính xác để có đời sống ổn định hơn
- Liệu pháp phơi nhiễm giúp bệnh nhân học cách đối diện với các tình huống gây căng thẳng thay vì tìm cách tránh né như trước. Dần dần điều này sẽ giúp mức độ nỗi sợ của người bệnh được giảm đi.
- Trị liệu nhóm với những người có cùng tình trạng tương tự để các bệnh nhân học được cách tương tác với nhau, dần hòa nhập với đời sống bình thường. Đồng thời trị liệu nhóm cũng giúp người bệnh giảm bớt sự cô đơn, tìm kiếm được người chia sẻ nên cũng phòng tránh được nguy cơ trầm cảm.
Hầu hết bệnh nhân rối loạn lo âu xã hội đều được kết hợp giữa việc dùng thuốc và trị liệu tâm lý để cải thiện các triệu chứng nhanh nhất. Người bệnh nên tìm đến các cơ sở tâm lý uy tín để được hỗ trợ điều trị, cải thiện các vấn đề tâm lý hiệu quả, tránh các hệ lụy xấu về lâu về dài.
Chăm sóc và điều trị tại nhà
Quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị rối loạn lo âu xã hội. Người bệnh nên xem xét việc chung sống cùng gia đình để có người hỗ trợ cũng như học dần được cách giao tiếp, tương tác với mọi người. Gia đình cũng nên tham gia trị liệu tâm lý và xin tư vấn từ bác sĩ để biết cách hỗ trợ người bệnh tốt nhất.
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp đỡ bệnh nhân rối loạn lo âu xã hội như
- Liệu pháp hít thở có thể giúp bệnh nhân kiểm soát được cảm xúc lo âu quá mức khi có các tình huống căng thẳng diễn ra
- Thiền định là liệu pháp giúp bệnh nhân cân bằng cảm xúc, ổn định tâm lý, thư giãn tinh thần, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực nên rất tốt cho những người đang gặp các vấn đề tâm lý
- Đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ mỗi ngày, ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya. Khi cơ thể ngủ đủ sẽ nạp đủ năng lượng và giúp tinh thần minh mẫn, lạc quan hơn
- Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, nên ra ngoài để chạy bộ hoặc đạp xe. Người bệnh có thể rủ thêm người thân cùng luyện tập trong những ngày đầu để giảm cảm giác lo âu quá mức, dần dần tự mình luyện tập một mình
- Tránh xa bia rượu, thuốc lá hay bất cứ chất kích thích nào khác
- Luyện tập thói quen giao tiếp, bạn có thể học cách nói một mình trước gương, học cách trấn an bản thân để dám thử đứng lên thuyết trình hay đến những nơi đông người
- Học cách suy nghĩ tích cực, nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều hướng
- Thay đổi chế độ ăn uống khoa học lành mạnh, ưu tiên nhiều chất xơ có trong rau xanh và các loại trái cây, hạn chế tối đa việc dùng các chất béo xấu, đồ ăn nhiều dầu mỡ
- Tìm kiếm sự chia sẻ từ bạn bè, người thân để giải tỏa những điều tiêu cực, tránh tích tụ những điều xấu xí trong não bộ
Rối loạn lo âu xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của mỗi người nên cần có hướng điều trị càng sớm càng tốt. Mỗi người nên rèn luyện cho mình một thói quen sống khoa học hơn, học cách giải tỏa cảm xúc, thư giãn tinh thần để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!