Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa: Nguyên Nhân, Chẩn Đoán Và Cách Điều Trị

Rối loạn lo âu lan tỏa được đặc trưng bằng sự lo âu trên diện rộng và kéo dài dai dẳng, có thể xuất hiện trong bất cứ tình huống nào. Người mắc bệnh này luôn trong trạng thái bồn chồn, lo lắng, gặp các vấn đề về giấc ngủ nên sức khỏe và chất lượng cuộc sống cũng suy giảm nghiêm trọng.

Rối loạn lo âu lan tỏa là gì?

Rối loạn lo âu lan tỏa có tên khoa học là Generalized Anxiety Disorder (GAD) hay còn được gọi là rối loạn lo âu toàn thể. Đây là một bệnh tâm lý – tâm thần thuộc nhóm rối loạn lo âu với đặc trưng là các trạng thái lo âu, bồn chồn, hoảng sợ, căng thẳng trước các tình huống, sự kiện mơ hồ.

Rối loạn lo âu lan tỏa
Nỗi lo lắng của bệnh nhân GAD là không có giới hạn nên rất khó kiểm soát

Thống kê cho thấy rối loạn lo âu là một trong những bệnh phổ biến nhất, thường khởi phát trước năm 25 tuổi với tỷ lệ nam và nữ mắc bệnh gần như tương đương. Người mắc bệnh này thường trong trạng thái bồn chồn, dễ lo âu, hoảng sợ vì bất cứ nguyên nhân nào, kể cả khi có một chiếc lá rơi cũng làm họ giật bắn mình.

Nỗi lo âu của người mắc chứng GAD dường như không có giới hạn, trải dài nên rất khó để kiểm soát. Bệnh nếu không nhanh chóng được phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ tiến triển thành mãn tính rất khó điều trị và cũng khó để phục hồi hoàn toàn đồng thời còn có nguy cơ tái phát sau đó.

Triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa

Các dấu hiệu của rối loạn lo âu lan tỏa rất đa dạng, biểu hiện trên cả mặt tâm lý lẫn thực thể. Đôi khi các triệu chứng thực thể làm lu mờ các vấn đề tâm lý khiến không ít người bị nhầm lẫn trong điều trị nên cần cực kỳ thận trọng.

Rối loạn lo âu lan tỏa
Người bệnh luôn có cảm xúc bồn chồn, lo lắng quá mức về một vấn đề nào đó

Các dấu hiệu về mặt tâm lý bao gồm

  • Luôn cảm thấy bồn chồn, lo lắng không vì bất cứ nguyên nhân nào và cũng không thể kiểm soát được
  • Mất tập trung, dễ giật mình và kích động
  • Có những suy nghĩ bộc phát không phù hợp với thực tế
  • Cảm giác khó chịu, bực bội, dễ tức giận, cáu kỉnh
  • Có thể hoảng sợ đến khó thở, tức ngực, tăng huyết áp
  • Luôn cảm thấy lòng nặng trĩu, không thể nghỉ ngơi như bình thường
  • Khả năng học tập và làm việc giảm sút do không thể tập trung, luôn có những nỗi lo sợ vô hình kề cận
  • Gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về giấc ngủ, không thể ngủ được hoặc thường xuyên gặp ác mộng, dễ giật mình tỉnh giấc
  • Chóng mặt, run rẩy, cảm giác như đầu óc trống rỗng
  • Ăn nhiều hoặc chán ăn cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn lo âu lan tỏa

Các vấn đề khiến người bệnh lo lắng có thể là những vấn đề hết sức đơn giản nhưng với người rối loạn lo âu lan tỏa lại cực kỳ nghiêm trọng. Một vấn đề A có thể giải quyết ngay ở bước B nhưng người bệnh có thể suy tưởng đến bước E, F, G, H và không thể kiểm soát được.

Chẳng hạn trước một kỳ thi, người bệnh không chỉ lo không được điểm cao mà còn lo ngày đi thi sẽ bị kẹt xe, có thể bị tai nạn, có thể bị đau bụng.. Nỗi lo này có thể kết thúc sau khi có điểm thi và những nỗi lo khác lại bắt đầu tiếp diễn không ngừng nghỉ.

Rối loạn lo âu lan tỏa
Không chỉ có các vấn đề tâm lý, các triệu chứng còn được biểu lộ qua tình trạng đau đầu, đau dạ dày

Các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa được biểu hiện gồm

  • Gặp các vấn đề về tim mạch như tim đập nhanh, hồi hộp, đau thắt ngực. Người bị rối loạn lo âu lan tỏa cũng có nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch cao hơn bình thường
  • Gặp các vấn đề tại hệ thống tiêu hóa như trào ngược dạ dày, ợ chua, hay buồn nôn, nóng ruột. Người bệnh cũng có nguy cơ cao gặp các vấn đề như viêm đường ruột hay hội chứng ruột kích thích hay đau dạ dày
  • Thường xuyên cảm thấy căng cứng cơ, đau nhức vùng vai gáy
  • Mất ngủ thường xuyên dẫn tới đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, trí nhớ giảm sút. Những người mắc bệnh này thường phải sử dụng thuốc hay các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ để cải thiện
  • Suy nhược cơ thể do thiếu ngủ, ăn uống không đầy đủ cùng một vài vấn đề khác

Các triệu chứng trên thực thể thường được biểu hiện rõ rệt hơn là các vấn đề tâm lý nên đã không ít người bị nhầm lẫn giữa các dấu hiệu này. Điều trị sai cách sẽ càng làm nguy cơ rối loạn lo âu thêm trầm trọng. Người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám khi thấy các dấu hiệu bất thường kéo dài để phát hiện bệnh chính xác nhất.

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu lan tỏa

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn lo âu lan tỏa, trong đó yếu tố di truyền, các sự kiện từ quá khứ, thường xuyên gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống được đánh giá là các yếu tố có liên quan đến nguy cơ gây bệnh. Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ mang đến cho người bệnh hướng điều trị hiệu quả nhất.

Rối loạn lo âu lan tỏa
Yếu tố di truyền được cho là có liên quan trực tiếp đến tác nhân gây bệnh

Cụ thể, một số vấn đề được cho là có liên quan đến nguy cơ gây bệnh bao gồm

  • Yếu tố di truyền: các nghiên cứu đã chỉ ra nếu bố hoặc mẹ bị rối loạn lo âu thì nguy cơ con mắc bệnh cũng rất cao. Điều này không chỉ bao gồm yếu tố gen mà còn liên quan đến cả quá trình nuôi dạy, những tác động đến tâm lý con cái từ giai đoạn sơ sinh cho đến khi trưởng thành.
  • Căng thẳng stress kéo dài: ở những người thường stress căng thẳng do thường thất bại, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, áp lực công việc cũng được đánh giá là có nguy cơ mắc bệnh cao
  • Sự thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh: một vài nghiên cứu cũng cho thấy các kiểm tra não bộ cho thất ở những bệnh nhân rối loạn lo âu có sự thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh như norepinephire và serotonin. Điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng, giảm các kích thích thần kinh đem lại cảm giác hạnh phúc cho người bệnh.
  • Các sự kiện quá khứ: tuổi thơ bất hạnh, gặp các tai nạn kinh hoàng, bị bắt cóc, bị bạo lực kéo dài cũng tác động trực tiếp đến thần kinh và gây ra các vấn đề về tâm lý.
  • Rối loạn nhân cách: các nghiên cứu cũng chỉ ra ở những bệnh nhân rối loạn nhân cách cũng có liên quan đến rối loạn lo âu lan tỏa

Dưới góc nhìn phân tâm học, nhà thần kinh học Sigismund Schlomo Freud cho biết, sự lo âu quá mức có thể có nguồn gốc từ thời niên thiếu do “bị phạt quá khắc nghiệt” và “được bao bọc quá mức”. Mặt khác ở những người có địa vị xã hội thấp, kinh tế thấp, người chịu áp lực quá lớn từ công việc cũng dễ gặp phải tình trạng này.

Hệ lụy từ rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa có thể gây ra rất nhiều hệ lụy về cả mặt sức khỏe, tinh thần và làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống hằng ngày. Người mắc chứng này hầu như không bao giờ ngừng được sự lo âu thái khiến bản thân không bao giờ có được thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn.

Rối loạn lo âu lan tỏa
Người bị rối loạn lo âu lan tỏa gặp rất nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống hằng ngày

Bệnh nếu tiến triển đến giai đoạn mãn tính rất khó để loại bỏ hoàn toàn, bệnh nhân có thể phải duy trì tái khám để đảm bảo kiểm soát được các triệu chứng. Cụ thể một số ảnh hưởng do rối loạn lo âu lan tỏa gây ra cho người bệnh bao gồm

  • Gia tăng nguy cơ các bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, huyết áp, hay dạ dày
  • Ảnh hưởng đến các mối quan hệ do người bệnh có xu hướng dễ cáu gắt, tức giận hoặc có những hành vi kỳ quặc
  • Người bệnh khó có thể làm các công việc đội nhóm nếu không kiểm soát được các cảm xúc thái quá của bản thân. Một số người còn có xu hướng ở trong nhà, hạn chế ra ngoài để giảm được các mối nguy hiểm mà họ cho rằng có thể xảy ra khi ra ngoài
  • Mất ngủ mãn tính khiến sức khỏe người bệnh ngày càng suy giảm, gia tăng nguy cơ bị đau nửa đầu, rối loạn tiền đình cùng rất nhiều vấn đề nguy hiểm khác
  • Những nỗi lo âu của người bệnh rất khó để những người xung quanh có thể hiểu được, do đó người bệnh dễ mắc đồng thời trầm cảm. Nếu người bệnh mắc cùng lúc hai bệnh này có xu hướng làm đau bản thân, nghĩ về cái chết hoặc thậm chí là tự tử để giải tỏa cảm xúc khó khăn của bản thân.
  • Nếu liên quan đến rối loạn nhân cách hay các stress vẫn tiếp tục tiếp diễn thì nguy cơ bệnh tái phát và tiến triển sang mãn tính vẫn rất cao

Chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa cần được chẩn đoán chính xác tại bệnh viện/ khoa tâm thần hoặc các trung tâm trị liệu tâm lý. Nếu người bệnh đi khám bệnh tim, bệnh dạ dày thì rất khó để phát hiện vấn đề gốc rễ nằm ở tâm lý người bệnh.

Rối loạn lo âu lan tỏa
Bảng đánh giá GAD7 sẽ giúp xác chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh

Bác sĩ sẽ thông qua việc trò chuyện, tiền sử bệnh lý, tiền sử gia đình để xác định tạm thời nguy cơ gây bệnh. Để chính xác hơn, người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán bao gồm

  • Thực hiện các bài test tâm lý như Test lo âu của Zung (Zung Self-Rating Anxiety Scale – SAS) hoặc bảng đánh giá GAD7
  •  Các xét nghiệm thực thể EEG, ECG, X – Quang tim phổi, xét nghiệm hormone tuyến giáp, siêu âm ổ bụng..

Việc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm để tránh nhầm lẫn với các triệu chứng tương tự ở các bệnh nhân cường giáp, người lạm dụng quá mức amphetamin hoặc bệnh nhân mắc hội chứng cai benzodiazepin.

Người bệnh cần thông báo rõ các thời điểm các triệu chứng lo âu xuất hiện để tiện lợi cho các chẩn đoán của bác sĩ. Nếu điểm của các bài test tâm lý nằm trong khoảng bệnh cùng các triệu chứng đã kéo dài trên 6 tháng thì có thể đưa ra chẩn đoán mắc rối loạn lo âu lan tỏa( theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần DSM-IV)

Hướng điều trị rối loạn lo âu lan tỏa

Tùy theo tình trạng của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị khác nhau. Tuy nhiên đều chung nguyên tắc sau

  • Tư vấn, giải thích để bệnh nhân thấu hiểu các triệu chứng trên cơ thể và tinh thần
  • Giúp bệnh nhân có thể đối diện với các sự kiện, tình huống gây lo lắng,căng thẳng quá mức, từ đó cải thiện dần các triệu chứng này
  • Hỗ trợ, vận động, khuyến khích bệnh nhân tham gia các hoạt động thể lực
  • Tránh lạm dụng rượu, thuốc gây ngủ.

Dùng thuốc Tây y

Cần hiểu rằng mặc dù rối loạn lo âu lan tỏa có gây ra các vấn đề trên thực thể nhưng đây là vấn đề về tâm lý, nếu chỉ dùng thuốc thì không thể nào loại bỏ bệnh. Mục đích chính của dùng thuốc là kiểm soát tạm thời các triệu chứng, cân bằng cảm xúc, hạn chế lo âu quá mức đồng thời giải quyết các triệu chứng trên thực thể nếu có.

Rối loạn lo âu lan tỏa
Việc dùng thuốc sẽ kiểm soát các triệu chứng lo âu quá mức tạm thời

Một số loại thuốc thường được chỉ định cho các bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm

  • Thuốc giải lo âu: nhóm Benzodiazepins (như Diazepam, lorazepam, bromazepam); nhóm Non-benzodiazepins (như Eftifoxin, sedanxio, zopiclon)…
  • Thuốc chống trầm cảm: thuốc chống trầm cảm ba vòng; nhóm SSRI ( fluoxetin,n escitalopram, paroxetin…); nhóm SNRI như venlafaxin hoặc mirtazapin
  • Thuốc chống loạn thần: Olanzapin, Risperidon, Quetiapin…
  • Một số nhóm thuốc khác: thuốc an thần, nhóm thuốc  kháng histamin, ức chế beta; các thực phẩm chức năng giúp nuôi dưỡng tế bào thần kinh (piracetam,ginkgo biloba…). Bệnh nhân cũng cần chỉ định bổ sung vitamin nhóm B và khoáng chất…

Ngoài ra nếu bệnh nhân gặp các vấn đề trầm trọng về tim mạch, huyết áp, hay các vấn đề về dạ dày cũng sẽ được chỉ định các loại thuốc hoặc biện pháp điều trị phù hợp để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm khác xuất hiện.

Các loại thuốc trên đây hầu hết đều kèm theo rất nhiều tác dụng phụ nên người bệnh tuyệt đối không được lạm dụng vì có thể gây tác dụng phụ ngược lại. Tùy tình trạng nhưng hầu hết bệnh nhân đều được chỉ định dùng thuốc trong khoảng 6 tháng để đảm bảo ổn định hoàn toàn, giảm thấp nhất nguy cơ tái phát.

Liệu pháp tâm lý

Với những người gặp các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu lan tỏa thì liệu pháp tâm lý vẫn là phương pháp chính được hướng tới. Phương pháp này nhắm đến việc loại bỏ căn nguyên gây bệnh từ bên trong, điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc của người bệnh trở lại bình thường mà không cần bất cứ loại thuốc nào.

Rối loạn lo âu lan tỏa
Trị liệu sẽ giúp giải quyết những lo lắng quá mức để người bệnh lấy lại bình yên trong tâm trí

Các chuyên gia trị liệu sẽ là người giải thích cho khách hàng biết vấn đề mà họ đang gặp phải và giúp họ hiểu được rằng những nỗi lo đó là vô lý, không thực tế, không đáng lo ngại. Thông qua việc trò chuyện, các chuyên gia tâm lý sẽ tiến sâu vào trong tiềm thức tìm ra các nút thắt trong tâm trí người bệnh và tháo gỡ nó.

Tâm lý trị liệu cũng hướng người bệnh đến sự lạc quan, tích cực, tìm lại điểm cân bằng trong tiềm thức. Các chuyên gia tâm lý cũng hướng dẫn thân chủ các đối mặt và giải quyết những căng thẳng, những nỗi lo lắng của bản thân. Dần dần những cảm xúc lo âu quá mức sẽ được cải thiện và giảm dần.

Các vấn đề khác như giấc ngủ, hoảng loạn, dễ kích động đều được cải thiện dần thông qua liệu pháp tâm lý. Quan trọng là người bệnh cần thực sự trung thực, chia sẻ các vấn đề và thực hiện đúng theo liệu trình được các chuyên gia tâm lý đưa ra. Như thế mới có thể đảm bảo việc điều trị mang đến kết quả tốt nhất.

Điều trị và chăm sóc tại nhà

Người bệnh nếu điều trị sớm, đáp ứng tốt với liệu pháp tâm lý và thuốc thường sẽ có tiên lượng khá tốt. Tuy nhiên như đã nói, ở những bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa tâm lý thường khá yếu nên nguy cơ bệnh tái phát vẫn rất cao. Người bệnh không nên chủ quan ngay cả khi đã được thông báo khỏi bệnh.

Rối loạn lo âu lan tỏa
Thay đổi chế độ sống khoa học đem đến rất nhiều lợi ích cho người bệnh

Thay đổi lối sống lành mạnh hơn không chỉ giúp hỗ trợ quá trình điều trị mà còn hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tái phát trở lại nên người bệnh cần cực kỳ chú ý. Cụ thể

  • Thiền được đánh giá là liệu pháp rất tốt cho những người đang gặp các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu lan tỏa. Thực hành thiền hằng ngày giúp kích thích máu huyết lưu thông, cân bằng cảm xúc, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực đồng thời còn rèn luyện được sự bình tĩnh, khả năng kiểm soát trước những tình huống căng thẳng
  • Duy trì thói quen đi ngủ sớm. Ở giai đoạn đầu người bệnh thường được chỉ định các loại thuốc an thần, thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ nên hãy tiếp tục duy trì đúng giấc ngủ trước đó để hình thành một chu kỳ tuần hoàn mỗi ngày
  • Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để cải thiện sức khỏe thể chất đồng thời cũng rất tốt cho tinh thần. Dành thời gian hằng ngày để đi bộ, bơi lội, đạp xe chậm sẽ đem đến cho bạn rất nhiều lợi ích
  • Yoga cũng rất tốt cho những bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa, người thường bị căng cơ hay gặp các vấn đề khác về huyết áp, tim mạch
  • Tránh xa các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá hay ma túy
  • Tăng cường bổ sung vitamin E, magie, vitamin C và các thực phẩm tốt cho thần kinh thông qua nguồn thực phẩm hằng ngày, đặc biệt là rau xanh và các loại trái cây
  • Tránh xa căng thẳng và các tranh cãi. Người bệnh có thể xem xét việc tạm thời nghỉ việc, chuyển chỗ ở, dọn về ở giới gia đình để đầu óc được thư giãn đến khi được chữa lành hoàn toàn
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ, người thân hay bạn bè để thư giãn tinh thần, tránh những điều tiêu cực tích tụ quá lâu
  • Vận dụng các giác quan để thư giãn và cảm nhận. Chẳng hạn nhắm mắt để nghe rõ hơn chuyển động của cây lá, kích thích vị giác, thính giác qua các món ăn ngon..

Rối loạn lo âu lan tỏa hoàn toàn có thể cải thiện nếu bạn xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh mỗi ngày.Mỗi người nên dành thời gian quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân và những người xung quanh nhiều hơn để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

Bạn quan tâm:

5/5 - (4 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *