Stress Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Nhận Biết Và Điều Trị

Stress (căng thẳng) là một phản ứng bình thường của cơ thể để đối phó với áp lực hay thích nghi với những thử thách trong cuộc sống. Đây có thể là động lực để vượt qua thử thách tốt hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng stress kéo dài thì sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

stress là gì
Stress là trạng thái căng thẳng thần kinh xảy ra phổ biến mà ai cũng có thể từng trải qua

Stress là gì?

Stress (căng thẳng) được hiểu một cách đơn giản là phản ứng xảy ra khi cơ thể cố gắng để thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống hay vượt qua áp lực. Trên thực tế, rất nhiều tình huống hoặc sự kiện khác nhau có thể gây ra căng thẳng.

Khi bạn nhận thấy một mối đe dọa hay một thách thức lớn, hệ thống thần kinh sẽ phản ứng bằng cách giải phóng một lượng lớn hormone gây căng thẳng, bao gồm adrenaline và cortisol. Điều này có thể khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng, hơi thở nhanh, cơ bắp co lại và các giác quan cũng trở nên nhạy bén hơn.

Đôi khi phản ứng căng thẳng có thể hữu ích, giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi để giải quyết vấn đề tốt hơn. Sau đó, các hormone căng thẳng thường sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Sau khi sự việc gây stress kết thúc thì sẽ không có bất cứ ảnh hưởng lâu dài nào.

Tuy nhiên, căng thẳng quá nhiều có thể gây ra những tác động tiêu cực. Nó khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, choáng ngợp và không thể đối phó được. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Đặc biệt, stress còn được đánh giá là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến rất nhiều các dạng rối loạn tâm thần khác nhau. Điển hình như rối loạn lo âu, bệnh trầm cảm, rối loạn nhân cách,… Số liệu thống kê vào năm 2017 cho thấy, có khoảng 15% dân số Việt Nam mắc các chứng rối loạn có liên quan tới stress.

Các loại stress thường gặp

Thông qua nghiên cứu, các chuyên gia đã chia căng thẳng ra thành nhiều loại khác nhau. Trong đó có 3 loại chính, bao gồm:

1. Stress cấp tính

Đây là dạng căng thẳng xảy ra phổ biến nhất. Nó thường kích hoạt khi bạn phải đối mặt với một thử thách hay tình huống mới mà trước đây chưa từng trải qua.

Ngoài ra, căng thẳng cấp tính cũng có thể xuất phát từ một vấn đề gì đó mà bạn thực sự thích thú. Chẳng hạn như cảm giác hồi hộp khi đi tàu lượn siêu tốc.

Những sự cố căng thẳng cấp tính thường sẽ không gây ra tác hại gì cho bạn. Đôi khi nó có thể khiến bạn tốt lên. Do một số tình huống căng thẳng khiến cho cơ thể và não bộ của bạn được luyện tập để phản ứng tốt hơn với những gì xảy ra trong tương lai.

stress cấp tính
Đối mặt với một thử thách mới có thể gây ra stress cấp tính

Tuy nhiên, căng thẳng cấp tính nghiêm trọng lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nó thường xảy ra khi bạn phải đối mặt với một tình huống nguy hiểm tới tính mạng. Từ đó rất dễ dẫn đến rối loạn căng thẳng sau chấn thương hay các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

2. Stress cấp tính theo từng giai đoạn

Khi tình trạng căng thẳng cấp tính diễn ra thường xuyên thì nó có thể chuyển thành dạng căng thẳng cấp tính theo từng giai đoạn. Điều này có thể xuất hiện nếu bạn thường xuyên lo lắng về những điều mà bạn nghi ngờ rằng chúng sẽ xảy ra.

Trong một số trường hợp, bạn có thể cảm thấy cuộc sống của mình thật sự hỗn loạn. Dường như bạn phải trải qua từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác.

Một số ngành nghề nhất định, chẳng hạn như công an, thẩm phán, lính cứu hỏa… sẽ rất dễ gặp phải các tình huống căng thẳng cao độ thường xuyên. Trên thực tế, stress cấp tính theo từng giai đoạn có thể ảnh hưởng tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

3. Stress mãn tính

Căng thẳng cấp tính diễn ra thường xuyên và không được kiểm soát triệt để trong thời gian dài sẽ phát triển thành căng thẳng mãn tính. Tình trạng này thường ảnh hưởng tiêu cực và rất nguy hại cho sức khỏe của bạn.

Theo nghiên cứu, căng thẳng mãn tính có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, huyết áp cao, hệ thống miễn dịch suy yếu… Ngoài ra, nó còn có thể dẫn tới các tình trạng như đau bụng, đau đầu và khó ngủ.

Nguyên nhân gây ra stress

Nhiều người cho rằng, những yếu tố gây ra căng thẳng là tiêu cực. Chẳng hạn như lịch trình làm việc quá bận rộn và mệt mỏi hay một mối quan hệ rạn nứt. Tuy nhiên, bất cứ điều gì đặt ra yêu cầu quá cao đối với bạn đều có thể khiến bạn stress.

Không phải tất cả căng thẳng đều do các yếu tố bên ngoài gây ra. Tình trạng này đôi khi cũng có thể do nội tâm hoặc tự sinh ra. Nhất là khi bạn lo lắng thái quá về một điều gì đó có thể xảy ra hoặc có những suy nghĩ phi lý, bi quan về cuộc sống.

1. Các nguyên nhân bên ngoài

Như đã đề cập, căng thẳng có thể phát triển do cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. Trong đó, các nguyên nhân bên ngoài có thể bao gồm:

nguyên nhân gây căng thẳng
Áp lực từ việc chăm con khiến rất nhiều phụ nữ sau sinh bị stress
  • Những thay đổi lớn trong cuộc sống
  • Khó khăn trong các mối quan hệ
  • Vấn đề tài chính
  • Ảnh hưởng từ những người xung quanh
  • Ảnh hưởng của công nghệ
  • Ảnh hưởng từ môi trường
  • Vấn đề chăm sóc gia đình và con cái
  • Các vấn đề ở trường hay ở nơi làm việc
  • Các sang chấn tâm lý
  • Ảnh hưởng của lối sống không lành mạnh

2. Các nguyên nhân bên trong

Trong nhiều trường hợp, căng thẳng có thể bắt nguồn từ nội tâm hay ảnh hưởng từ các bệnh lý tiềm ẩn bên trong cơ thể bạn. Các nguyên nhân bên trong có thể bao gồm:

  • Suy nghĩ bi quan
  • Tư duy cứng nhắc và thiếu linh hoạt
  • Độc thoại tiêu cực
  • Kỳ vọng không thực tế
  • Chủ nghĩa hoàn hảo
  • Ảnh hưởng của một số bệnh lý

Ngoài ra, căng thẳng cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân khác chưa được đề cập. Trên thực tế, tác nhân gây stress có thể không đồng nhất ở mọi đối tượng. Trong đó, những người thiếu kinh nghiệm sống sẽ có xu hướng bị stress thường xuyên và kéo dài hơn.

Các dấu hiệu nhận biết stress

Như đã nói, có rất nhiều nguyên nhân khiến một người rơi vào trạng thái căng thẳng. Đồng thời các triệu chứng stress ở mỗi người cũng có thể sẽ khác nhau.

Khi một người bị stress, các triệu chứng về nhận thức và cảm xúc sẽ xuất hiện đầu tiên. Sau đó, các triệu chứng về thể chất và hành vi cũng sẽ tiếp tục phát triển.

Các nhóm biểu hiện giúp nhận biết stress bao gồm:

1. Dấu hiệu về mặt nhận thức

Stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của một người. Các triệu chứng có thể là:

  • Trí nhớ suy giảm
  • Khó tập trung
  • Mất phương hướng
  • Giảm khả năng phán đoán
  • Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định
  • Chỉ nhìn thấy các vấn đề tiêu cực

2. Biểu hiện về cảm xúc

Trên thực tế, căng thẳng kéo dài có thể làm tăng sự nhạy cảm về mặt cảm xúc. Khi xảy ra các tình huống gây stress thì cảm xúc có thể bùng phát ở mức độ cao hơn bình thường.

dấu hiệu nhận biết stress
Stress có thể làm phát triển các cảm xúc tiêu cực như cáu kỉnh hoặc tức giận

Dưới đây là một số biểu hiện về mặt cảm xúc do stress gây ra:

  • Tâm trạng thất thường
  • Cáu kỉnh hoặc tức giận
  • Buồn bã, trầm cảm
  • Cảm thấy choáng ngợp
  • Lo lắng, bối rối
  • Thiếu kiên nhẫn
  • Nhạy cảm, rất dễ khóc lóc
  • Thờ ơ, hững hờ
  • Buông thả việc vệ sinh cá nhân

3. Các dấu hiệu về hành vi

Những người rơi vào trạng thái stress thường có sự thay đổi về hành vi và thói quen sinh hoạt một cách rõ rệt. Các dấu hiệu bao gồm:

  • Ăn nhiều hơn hoặc ít ăn hơn so với bình thường
  • Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
  • Trì hoãn hoặc bỏ qua trách nhiệm
  • Hút thuốc lá hoặc sử dụng ma túy
  • Lạm dụng rượu bia
  • Xuất hiện các thói quen như đi nhanh, cắn móng tay
  • Né tránh bạn bè và người thân
  • Lạm dụng quan hệ tình dục

4. Các triệu chứng thể chất

Ngoài các biểu hiện về mặt cảm xúc, nhận thức và hành vi thì chứng stress kéo dài còn có thể gây ra các triệu chứng thể chất. Nguyên nhân thường bắt đầu từ việc stress có thể gây rối loạn hệ thống nội tiết của cơ thể.

Các triệu chứng thể chất xảy ra phổ biến bao gồm:

  • Giảm năng lượng, mệt mỏi và uể oải
  • Đau nhức khắp cơ thể, nhất là nhức mỏi vai gáy
  • Chóng mặt, buồn nôn
  • Giảm hoặc mất ham muốn tình dục
  • Đau ngực, nhịp tim nhanh
  • Nhịp tim yếu, thở chậm
  • Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,…
  • Co giật mí mắt
  • Thay đổi tư thế ngủ
  • Run tay chân, đổ mồ hôi trộm
  • Đau nhức đầu
triệu chứng thể chất do stress
Đau nhức đầu và vai gáy là triệu chứng thể chất xảy ra phổ biến khi bị stress

Ban đầu các dấu hiệu của stress có thể còn mờ nhạt và tiến triển một cách âm ỉ nên có phần khó nhận biết. Tuy nhiên, việc nắm rõ cả các dấu hiệu về nhận thức, cảm xúc, hành vi và triệu chứng thực thể sẽ giúp bạn sớm phát hiện stress. Từ đó lên kế hoạch can thiệp và kiểm soát để bảo vệ tốt hơn cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

Ảnh hưởng của stress đến sức khỏe và cuộc sống

Việc thỉnh thoảng mới phải trải qua một chút căng thẳng không phải là điều đáng lo ngại. Đôi khi nó tạo ra động lực để bạn cố gắng và nỗ lực nhiều hơn trong việc hoàn thành các mục tiêu. Một số trường hợp, stress có thể tác động tích cực tới hiệu suất học tập và lao động.

Tuy nhiên nếu stress kéo dài liên tục và mãn tính thì lại là một vấn đề hoàn thành khác. Nó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã chứng minh stress mãn tính có thể gây ra rất nhiều căn bệnh tâm thần.

Căng thẳng kéo dài có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe sau đây:

  • Các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách,…
  • Bệnh tim mạch như đau tim, nhịp tim bất thường, huyết áp cao, đột quỵ,…
  • Thừa cân – béo phì và các rối loạn ăn uống khác.
  • Các vấn đề về kinh nguyệt ở nữ giới.
  • Rối loạn chức năng tình dục, thường là bất lực và xuất tinh sớm ở nam giới, mất ham muốn tình dục ở cả nam và nữ.
  • Các vấn đề về da và tóc. Về da có thể là nổi mụn trứng cá, bệnh chàm và bệnh vảy nến còn về tóc thường là rụng tóc vĩnh viễn.
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa, có thể là viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét đại tràng,…
ảnh hưởng của stress
Stress kéo dài không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm

Cách kiểm soát và điều trị stress

Nếu bạn đang sống với mức độ căng thẳng cao và kéo dài thì sẽ có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe. Căng thẳng sẽ tàn phá trạng thái cân bằng cảm xúc và sức khỏe thể chất của bạn.

Trên thực tế, stress có thể thu hẹp khả năng suy nghĩ rõ ràng, hoạt động hiệu quả và tận hưởng cuộc sống hạnh phúc. Do đó bạn nên tìm kiếm giải pháp để kiểm soát nó càng sớm càng tốt.

Quản lý stress hiệu quả sẽ giúp bạn phá vỡ sự kìm hãm căng thẳng trong cuộc sống. Từ đó giúp bạn hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Mục tiêu cuối cùng là hướng đến cuộc sống cân bằng, thư giãn, vui vẻ và có thời gian cho công việc cũng như các mối quan hệ. Đồng thời tăng khả năng hồi phục của cơ thể để chịu đựng áp lực và đối mặt với các thử thách trong tương lai.

Tuy nhiên, các biện pháp quản lý căng thẳng không hoàn toàn phù hợp với tất cả. Đây là lý do giải thích tại sao bạn cần những thử nghiệm để tìm ra giải pháp loại bỏ stress phù hợp với mình.

Trong hầu hết trường hợp, các giải pháp đơn giản tại nhà có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng hiệu quả. Tuy nhiên một số ít khác sẽ phải cần đến sự hỗ trợ y tế khi cần thiết.

Dưới đây là các giải pháp kiểm soát căng thẳng mang lại nhiều lợi ích:

1. Lắng nghe cơ thể mình

Kiểm soát căng thẳng bắt đầu từ việc bạn cần xác định khi nào nó trở thành vấn đề. Bởi trong rất nhiều trường hợp, căng thẳng chỉ xuất hiện tạm thời và có thể tự động biến mất mà không cần bất cứ sự can thiệp nào.

Bạn có thể dễ dàng nhận ra khi nào căng thẳng trở thành vấn đề đáng quan ngại bằng cách lắng nghe cơ thể mình. Bạn cần kết nối các dấu hiệu cảm xúc, nhận thức, thể chất và hành vi mà mình đang trải qua với những áp lực mà bạn phải đối mặt.

cách kiểm soát căng thẳng
Bạn cần lắng nghe cơ thể mình để nhận biết khi nào stress thực sự là vấn đề đáng quan ngại

Ngoài ra, cần suy nghĩ thêm về những gì đã khiến bạn bị căng thẳng. Sau đó sắp xếp và phân loại chúng, những thứ sẽ tốt hơn theo thời gian và những thứ bạn không thể thay đổi. Kiểm soát chúng bằng cách thực hiện từng bước nhỏ với những thứ mà bạn có thể cải thiện trước tiên.

2. Tránh căng thẳng không cần thiết

Trong cuộc sống, rất nhiều tình huống có thể gây ra căng thẳng cho bạn. Bạn nên xác định chúng một cách cụ thể và né tránh chúng nếu thấy không cần thiết phải đối mặt.

  • Học cách nói “không”: Bạn cần nắm rõ được giới hạn của mình và bám sát chúng. Trong cuộc sống và công việc, nếu bạn tiếp nhận nhiều hơn những gì mà mình có thể xử lý thì sẽ rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Do đó cần biết nói “không” với việc làm quá nhiều và loại bỏ những việc không cần thiết.
  • Tránh những người khiến bạn căng thẳng: Nếu ai đó thường xuyên khiến bạn bị stress thì hãy hạn chế thời gian mà bạn dành cho người đó. Hoặc có thể chấm dứt luôn mối quan hệ với họ.
  • Kiểm soát môi trường sống: Nếu tin tức trên truyền hình khiến bạn lo lắng thì hãy tắt TV. Nếu tắc đường khiến bạn căng thẳng thì hãy đi một con đường dài hơn nhưng ít người hơn. Nếu công việc đi chợ khiến bạn khó chịu thì bạn hoàn toàn có thể mua đồ trực tuyến.
  • Ghi lại danh sách các việc cần làm: Bạn cần phân tích lịch trình, trách nhiệm và công việc hằng ngày của mình. Nếu thấy công việc bị quá tải thì bạn nên để những công việc không thật sự cần thiết xuống cuối danh sách hay loại bỏ chúng hoàn toàn.

Trường hợp bạn không thể tránh khỏi một tình huống căng thẳng thì hãy tìm cách thay đổi nó. Có thể là bày tỏ cảm xúc của bạn, sẵn sàng thỏa hiệp và cố gắng tạo một lịch trình cân bằng hơn.

3. Thích ứng với các tác nhân gây căng thẳng

Trong rất nhiều trường hợp, bạn không thể loại bỏ hay thay đổi các tình huống gây stress. Lúc này hãy tìm cách thay đổi bản thân. Việc thay đổi kỳ vọng và thái độ sẽ giúp bạn thích nghi tốt hơn với các tình huống căng thẳng và lấy lại cảm giác kiểm soát.

  • Nhìn nhận vấn đề một cách tích cực: Bạn cần cố gắng nhìn nhận các tình huống căng thẳng từ một góc độ tích cực hơn. Thay vì lo lắng thì bạn hãy xem chúng như một cơ hội để bản thân trưởng thành và bứt phá.
  • Hãy nhìn vào bức tranh tổng thể: Bạn nên tự hỏi bản thân rằng tình huống căng thẳng ảnh hưởng ra sao về lâu dài? Chúng sẽ ảnh hưởng trong 1 tuần, 1 tháng hay 1 năm? Chúng có đáng để buồn bã hay không? Trường hợp các câu trả lời là không thì bạn cần tập trung thời gian và sức lực vào vấn đề khác.
  • Điều chỉnh các tiêu chuẩn của bạn: Chủ nghĩa hoàn hảo là nguồn gốc chính của căng thẳng nhưng có thể tránh được. Bạn nên ngừng đòi hỏi sự hoàn hảo quá mức. Thay vào đó cần đặt ra các tiêu chuẩn hợp lý cho bản thân và những người khác.
  • Suy ngẫm về những thế mạnh: Khi căng thẳng đang khiến bạn suy sụp thì hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những điều mà bạn đánh giá cao. Bao gồm cả năng khiếu và những phẩm chất tích cực của chính mình. Điều đơn giản này có thể giúp bạn giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát.
cách kiểm soát stress
Cần đặt ra các tiêu chuẩn phù hợp cho bản thân thay vì quá cầu toàn

4. Chấp nhận những điều không thể thay đổi

Thực tế cho thấy, một số nguồn gây stress là không thể tránh khỏi. Bạn sẽ không thể ngăn chặn hay thay đổi các yếu tố này. Điển hình như cái chết của một người thân yêu, một căn bệnh nghiêm trọng hay khủng hoảng tài chính quốc gia.

Trong những trường hợp này, cách tốt nhất để đối phó với căng thẳng là chấp nhận mọi thứ như một lẽ tất yếu. Đôi khi việc chấp nhận có thể khó khăn. Tuy nhiên về lâu dài nó sẽ dễ dàng hơn so với việc chống lại một tình huống mà bạn không thể thay đổi.

5. Hoạt động thể chất

Khi bạn căng thẳng thì hoạt động thể chất là điều mà bạn nên làm. Đây được cho là một liều thuốc có tác dụng làm giảm căng thẳng rất tốt.

Bạn không nhất thiết phải trở thành vận động viên hay dành hàng giờ trong phòng tập thể dục để trải nghiệm lợi ích. Chỉ cần khoảng 30 phút trở lên mỗi ngày và có thể từ từ tăng mức độ hoạt động thể chất của bạn.

cách cải thiện căng thẳng
Hoạt động thể chất mỗi ngày có thể giúp làm giảm căng thẳng

Tập thể dục sẽ thúc đẩy cơ thể giải phóng endorphin giúp cho bạn cảm thấy thoải mái hơn. Đồng thời còn có thể giúp bạn phân tâm khỏi những lo lắng hằng ngày.

Một số cách dễ dàng để bạn kết hợp tập thể dục vào lịch trình hằng ngày bao gồm:

  • Bật nhạc và chuyển động cơ thể theo nhạc
  • Dắt chó đi dạo
  • Đi bộ hay đạp xe tới cửa hàng tạp hóa
  • Sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy
  • Bắt cặp với một người bạn tập thể dục và khuyến khích nhau khi tập luyện
  • Chơi bóng bàn hay cầu lông với con bạn

6. Duy trì lối sống lành mạnh

Ngoài việc hoạt động thể chất thường xuyên thì có những lựa chọn lối sống lành mạnh khác cũng sẽ làm tăng khả năng chống lại căng thẳng của bạn. Chẳng hạn như:

  • Duy trì một chế độ ăn lành mạnh: Cơ thể được nuôi dưỡng tốt sẽ giúp bạn đối phó với căng thẳng tốt hơn. Do đó cần chú ý đến những gì mà bạn ăn mỗi ngày. Nên bắt đầu ngày mới với bữa sáng cân bằng và bổ dưỡng để duy trì năng lượng và tinh thần minh mẫn suốt cả ngày.
  • Giảm caffeine và đường: Việc tiêu thụ nhiều caffeine và đường có thể khiến bạn suy giảm tâm trạng và năng lượng. Bạn sẽ cảm thấy thư thái và dễ ngủ hơn bằng cách giảm lượng cà phê, socola, nước ngọt và đồ ăn nhẹ có đường trong chế độ ăn.
  • Tránh rượu, thuốc lá và ma túy: Việc tìm đến rượu và các chất kích thích có thể giúp bạn dễ dàng thoát khỏi căng thẳng. Tuy nhiên việc giảm bớt căng thẳng này chỉ là tạm thời và gây ra rất nhiều hệ lụy sau đó. Do đó bạn cần đối phó với vấn đề một cách trực tiếp và bằng một tâm trí minh mẫn. Tuyệt đối không tìm đến rượu, thuốc lá và ma túy để kiểm soát căng thẳng.
  • Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc sẽ cung cấp năng lượng cho tinh thần và thể chất của bạn. Mỗi ngày nên ngủ đủ 7 – 8 tiếng, đồng thời đặc biệt quan tâm đến giấc ngủ vào ban đêm.
cách kiểm soát căng thẳng
Nên điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh khi bị stress

7. Kết nối với gia đình và bạn bè

Không có gì thoải mái hơn việc dành thời gian cho một người khiến bạn cảm thấy an toàn và được thấu hiểu. Trên thực tế, những tương tác mặt đối mặt có thể kích hoạt một loạt các hormone chống lại phản ứng căng thẳng.

Đây được cho là một trong những liều thuốc làm giảm stress một cách tự nhiên và hiệu quả. Ngoài ra nó còn giúp ngăn ngừa chứng trầm cảm và lo lắng. Do đó, bạn nên tìm cách để thường xuyên kết nối với bạn bè và gia đình.

Một số mẹo giúp bạn xây dựng mối quan hệ bao gồm:

  • Tiếp cận với đồng nghiệp tại nơi làm việc
  • Tình nguyện giúp đỡ người khác
  • Ăn trưa hoặc uống cà phê với một vài người bạn
  • Đi xem phim cùng ai đó
  • Gọi điện hoặc gửi tin nhắn cho một người bạn cũ
  • Đi dạo với một người bạn tập thể dục
  • Lên lịch cho một ngày ăn tối ở ngoài hàng tuần
  • Tham gia một lớp học hay một câu lạc bộ để gặp gỡ những người mới

8. Dành thời gian để giải trí và thư giãn

Để kiểm soát căng thẳng tốt hơn thì việc dành thời gian cho bản thân là rất quan trọng. Bạn đừng để bị cuốn vào nhịp sống hối hả và bận rộn mà quên đi việc chăm sóc cho những nhu cầu của bản thân.

Nuôi dưỡng bản thân là điều cần thiết, hoàn toàn không phải xa xỉ. Nếu bạn thường xuyên dành thời gian để vui chơi và thư giãn thì bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để xử lý các tác nhân gây ra căng thẳng trong cuộc sống.

cách làm giảm stress
Thực hành các kỹ thuật thư giãn có thể giúp làm giảm stress
  • Dành thời gian nghỉ ngơi: Bao gồm cả việc nghỉ ngơi và thư giãn trong lịch trình hằng ngày của bạn. Không cho phép công việc hay nghĩa vụ khác xâm phạm vào thời gian này. Đây chỉ là khoảng thời gian mà bạn nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe.
  • Làm điều gì đó bạn thích mỗi ngày: Cần dành thời gian cho các hoạt động giải trí mang lại niềm vui cho bạn. Đó có thể là đọc sách, chơi đàn hay đạp xe.
  • Giữ sự hài hước: Điều này bao gồm cả khả năng tự cười với chính bản thân mình. Hành động cười có thể giúp cơ thể bạn chống lại căng thẳng bằng một cách nào đó.
  • Thực hành các kỹ thuật thư giãn: Một số kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hay hít thở sâu có thể kích hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể. Khi bạn thực hiện các kỹ thuật này thì mức độ căng thẳng sẽ giảm xuống. Đồng thời cơ thể cũng sẽ trở nên bình tĩnh và tập trung hơn.

9. Quản lý thời gian tốt hơn

Quản lý thời gian kém có thể khiến bạn gặp phải rất nhiều stress. Đồng thời còn khiến bạn khó giữ bình tĩnh và sự tập trung. Hơn nữa, bạn sẽ có xu hướng tránh hoặc cắt giảm những việc lành mạnh cần thiết để kiểm soát căng thẳng. Ví dụ như giao tiếp xã hội và ngủ đủ giấc.

Do đó, việc quản lý thời gian là hết sức cần thiết giúp bạn có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt đẹp hơn. Bạn cần tránh lên lịch làm việc liên tục hay cố gắng thu xếp quá nhiều việc một ngày. Thay vào đó nên ưu tiên các nhiệm vụ và giải quyết chúng theo thứ tự quan trọng.

Ngoài ra, bạn có thể chia các công việc và dự án lớn thành các bước nhỏ để thực hiện dễ dàng hơn. Cần biết rằng, bạn không nên tự làm tất cả một mình, dù là ở nhà, trường học hay nơi làm việc. Nếu người khác có thể đảm đương thì bạn nên nhường lại cho họ.

10. Điều trị y tế

Trường hợp đã tự mình thực hiện rất nhiều các giải pháp nhưng vẫn tiếp tục cảm thấy stress thì bạn đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Điều này không có nghĩa bạn là một người thất bại. Mà quan trọng hơn, bạn cần nhận được sự giúp đỡ càng sớm càng tốt để kiểm soát căng thẳng hiệu quả.

Cần trực tiếp nói chuyện với chuyên gia tư vấn tâm lý về cảm giác của bạn. Họ sẽ có thể tư vấn cho bạn về cách điều trị hoặc giới thiệu bạn đến gặp các bác sĩ chuyên khoa trong những trường hợp cần thiết.

Một số liệu pháp tâm lý có thể hữu ích với chứng căng thẳng như:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức
  • Liệu pháp giữa các cá nhân
  • Phương pháp tiếp cận dựa trên chánh niệm
điều trị stress hiệu quả
Hãy chủ động tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia nếu bạn không thể tự kiểm soát tốt căng thẳng

Trong một số trường hợp, bạn có thể cần phải sử dụng thuốc để kiểm soát các triệu chứng và ảnh hưởng của căng thẳng. Tuy nhiên thuốc cần phải được cân nhắc bởi bác sĩ chuyên khoa chứ không phải chuyên gia tâm lý. Thuốc an thần, thuốc bổ thần kinh, viên uống từ thảo dược, thuốc kháng histamine H1,… là các loại bác sĩ có thể kê toa.

Có thể phòng ngừa stress được không?

Lối sống hiện đại thường kéo theo việc tình trạng stress diễn ra dễ dàng và thường xuyên hơn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa stress để thoát khỏi những ảnh hưởng cho sức khỏe.

Để làm giảm nguy cơ bị stress, cần chú ý đến một số vấn đề sau:

  • Lên kế hoạch để giải quyết tốt nhất những vấn đề trong công việc cũng như học tập.
  • Không nên làm việc quá nhiều, chú ý nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
  • Khi có các vấn đề lo lắng hay bận tâm trong cuộc sống hãy chủ động chia sẻ với người thân và bạn bè.
  • Học cách suy nghĩ tích cực và không nên quá cầu toàn.
  • Tránh trách móc hay cảm thấy tội lỗi về những lỗi lầm và điểm yếu của bản thân.
  • Quản lý chi tiêu một cách khoa học và nên để dành một khoản tiền tiết kiệm cho bản thân.
  • Với phụ nữ, nên biết cách chia trẻ công việc nhà và chăm sóc con cái với chồng hay người thân
  • Duy trì lối sống lành mạnh, chú ý ăn uống khoa học và không quên dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tình trạng stress đang diễn ra ngày càng phổ biến. Mỗi người cần có sự quan tâm đúng mức cho tình trạng này để tránh gặp phải những ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (5 bình chọn)

Bình luận

  1. Huy Vinh says: Trả lời

    Dạo này được các sếp ưu ái giao cho nhiều việc quá nên mình lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, rất mệt mỏi, không biết cách giải thoát rất mong được sự tư vấn từ chuyên gia.

    1. Trần Ngọc Quang says: Trả lời

      Bây giờ hầu như ai cũng phải đối mặt với áp lực công việc và cuộc sống, nếu bản thân không tìm được sự cân bằng, không có người chia sẻ thì rất có thể bị áp lực dồn vào chân tường.

  2. LeeZ says: Trả lời

    cuộc sống hàng ngày của tôi đang trở nên áp lực với công việc và nhiều trách nhiệm gia đình. Mặc dù đã thử nhiều biện pháp như tập thể dục và thay đổi chế độ dinh dưỡng, nhưng tình trạng stress vẫn không giảm đi. Có ai đã gặp tình trạng tương tự và có lời khuyên gì không

    1. Dương Thị Trà My says: Trả lời

      mình cũng áp lực công việc quá, nhiều việc làm không xuể, deadline ngập đầu, về nhà thì con nhỏ, việc nhà, nhiều khi oải thật sự

      1. Lê Bảo Ngọc says: Trả lời

        Trước tiên các bạn nên thả lỏng cơ thể và đầu óc, cần để cho bản thân được thả lỏng và thư giãn. Xác định ưu tiên và phân chia thời gian hiệu quả giữa công việc và gia đình. Lập lịch công việc và dành thời gian cho các hoạt động giúp bạn thư giãn và tái tạo năng lượng như tập thể dục, tham gia các hoạt động sáng tạo hoặc du lịch, yoga, thiền, đọc sách, nghe nhạc,… Đôi khi, việc nghỉ ngơi và tạo ra khoảng thời gian riêng cho bản thân là cần thiết. Hãy tạo ra những giờ nghỉ trong ngày để thư giãn, không làm việc và không phải lo lắng về công việc hoặc trách nhiệm gia đình. Nếu tình trạng stress vẫn không giảm đi sau khi thử các biện pháp tự giúp, hãy xem xét tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia bạn nhé

        1. Dương Thị Trà My says: Trả lời

          cảm ơn bạn đã chia sẻ, mình sẽ thử áp dụng

  3. Thu Trang says: Trả lời

    cảm giác stress đang ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của tôi, đã thử một số phương pháp như thiền và yoga nhưng chả có tác dụng gì cả mà mất thời gian tôi nên làm gì bây giờ

    1. Dương Quốc Anh says: Trả lời

      giảm stress là một quá trình dài và k có giải pháp tức thì, hãy kiên nhẫn và k quá áp lực bản thân. hãy tìm hiểu về bản thân và những điều hoạt động tốt nhất cho bạn, và hãy đặt mục tiêu nhỏ để từ từ làm thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày. bạn tham khảo bài viết này và thử áp dụng xem nhé https://tamlytrilieunhc.com/meo-giam-cang-thang-stress-ngay-tuc-thi-4473.html

  4. Bùi Hường says: Trả lời

    tôi cũng đang bị stress luôn phải uống thuốc để ngủ

    1. Trần Kim Cương says: Trả lời

      Không nên coi thường chứng stress này, nó có thể bình thường nếu xảy ra ít nhưng sẽ là vấn đề lớn nếu kéo dài nhiều ngày

  5. Ngọc Dung says: Trả lời

    Mình thấy xã hội ngày nay dễ stress lắm. Mạng xã hội phát triển, rồi ngta cứ nhìn vào thành công của người khác để tự buồn. Nói chung là nhiều vấn đề. Mình thấy cứ bớt so sánh lại là cũng đỡ stress đấy

    1. Diệp Chi Anh says: Trả lời

      Nếu cứ tự so sánh và cạnh tranh với những gì mình thấy trên trên mạng xã hội có thể tự gây ra stress và bản thân rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực. Bớt sử dụng mạng xã hội cũng là một cách bớt những vấn đề để suy nghĩ đấy ạ. Cần phải cân bằng cảm xúc của bản thân, lắng nghe bản thân mình nhiều hơn và quan trọng là cần sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý và lành mạnh bạn nhỉ.

    2. Lâm Ngọc Hân says: Trả lời

      bạn nói đúng, mxh hai mặt lắm, nên cần chọn lọc để bản thân bớt tự so sánh lại, ai cũng mong muốn cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy nhưng mỗi người cần có mục tiêu riêng của mình, k nên tự nhìn vào mấy thứ trên mạng rồi đặt nặng vấn đề vào bản thân và làm bản thân bị căng thẳng, stress vào những thứ k đâu

  6. Thanh Hương says: Trả lời

    Làm sao để có thể tự giải toả được những áp lực trong gia đình bây giờ ạ? Tôi áp lực ở ngoài đủ rồi giờ về còn bị stress mối quan hệ với mẹ chồng của mình nữa. Mặt ạnh mày nhẹ cãi nhau thì chồng cũng không vui, anh lại cũng không đứng về phía nào được

    1. Quỳnh Chi Nguyễn Thị says: Trả lời

      Bạn nên thẳng thắn chia sẻ, nói chuyện với chồng và cùng tìm phương án giải quyết bạn ạ, đừng dồn nén mọi thứ trong lòng thật sự không tốt đâu, lâu dần sẽ khiến chứng stress của bạn nặng hơn, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hằng ngày nữa. Vậy nên hãy gỡ bỏ từng thứ tiêu cực ra khỏi bản thân bạn nhé!

      1. Thanh Hương says: Trả lời

        Mình có nói chuyện và chia sẻ với chồng rồi nhưng mình cảm thấy như không được hiểu và sẻ chia, nhiều lúc bế tắc, mệt mỏi quá mà không biết phải làm sao…

        1. Quỳnh Chi Nguyễn Thị says: Trả lời

          Nếu vậy bạn nên tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia bạn ạ, để lâu ảnh hưởng đến cuộc sống và có thể bị mất ngủ, rồi các chứng khác nặng hơn như trầm cảm,… Bạn thử đến Trung tâm NHC gặp chuyên gia và nhờ các chuyên gia hỗ trợ xem. Mình thấy VTV3 từng giới thiệu về trung tâm này rồi, uy tín lắm

          1. Thanh Hương says:

            mình cũng có nghe qua rồi, để mình tìm hiểu vậy

  7. Diệu Linh says: Trả lời

    Mình đã đi làm đưọc 7 năm rồi và bắt đầu bước sang giai đoạn chững lại khó phát triển hơn. Giờ đi làm cùng lớp trẻ, các bạn ấy phát triển nhanh lại có lợi thế về ngôn ngữ hơn mình nên mình cảm thấy khá áp lực. Nhiều khi các bạn ấy nói những thứ mà mình còn không biết và học kịp nên càng cảm thấy mình bị tụt lại hơn. Đi làm càng lúc càng là áp lực khiến mình stress nặng. Mình liệu có nên đổi ngành nghề lại hay không? Hay vẫn cố tiếp tục làm trong môi trường này.

    1. Nguyễn Bảo Thạch says: Trả lời

      Trước tiên bạn nên trấn an cảm xúc, bình tĩnh nhìn nhận và tự đánh giá lại năng lực bản thân và cải thiện. Thử tìm hiểu từ những người trẻ tuổi trong môi trường làm việc của bạn, tìm cách nâng cao kỹ năng của mình thông qua việc học thêm, tham gia các khóa đào tạo để phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực hiện tại. Hãy cố gắng xây dựng một môi trường hợp tác và học tập trong đó bạn có thể chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với nhau và đừng ngần ngại về tuổi tác của bạn. Đôi khi, việc thay đổi ngành nghề có thể liên quan đến việc học lại hoặc bắt đầu từ đầu, điều này có thể ảnh hưởng đến thu nhập và sự ổn định trong một thời gian ngắn nên hãy cứ suy nghĩ thật kỹ và cân nhắc bạn nhé. Bên cạnh đó bạn hãy thử một số biện pháp giúp giải toả căng thẳng để không bị ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, bạn tham khảo nhé https://tamlytrilieunhc.com/meo-xa-stress-sau-gio-lam-viec-cho-dan-van-phong-6283.html

  8. Hoang Tien says: Trả lời

    mức độ như thế nào thì cần trị liệu tâm lý thế. tôi bị căng thằng,s tress vì công viêc và tiền nong. hay đau đầu, cáu gắt với người nhà, dạo gần đây mất ngủ

    1. Bình Yên says: Trả lời

      Bạn nên đến gặp chuyên gia để được đnahs giá mức độ cụ thể để có thể vượt qua áp lực và nhanh chóng lấy lại sự cân bằng bạn ạ, tình trạng kéo dài có thể khiến bạn rơi vào nhiều chứng khác và những hậu quả không đáng có

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *