Cách vượt qua nỗi sợ bị người khác phán xét: Chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Minh Duyên
Nỗi sợ bị người khác phán xét khiến chúng ta mất đi sự tự tin, không dám thể hiện bản thân hay dám làm để thành công. Làm thế nào để vượt qua nó? Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Duyên ngay sau đây nhé!
Sợ hãi là cảm xúc dựa theo bản năng của mỗi người và bất cứ ai trong chúng ta cũng có vài nỗi sợ của riêng mình. Sự sợ hãi có thể được xem là công cụ hiệu quả giúp con người cảm nhận được sự an toàn và nhận thức được mọi việc xung quanh một cách rõ ràng hơn. Tuy nhiên, có một nỗi sợ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, đó chính là nỗi sợ bị người khác phán xét.
Nỗi sợ bị người khác phán xét
Thông tin cho những ai chưa biết, sợ hãi là một cảm xúc tự nhiên, mạnh mẽ và nguyên thủy của con người. Nó liên quan đến phản ứng sinh hóa phổ quát cũng như phản ứng cảm xúc cá nhân, mục đích chính là cảnh báo chúng ta về sự xuất hiện của nguy hiểm hoặc mối đe dọa có thể gây tổn hại, cho dù mối nguy hiểm đó là thể chất hay tâm lý.
Nhiều người có thể cảm thấy sợ cảm giác cô đơn, sợ bị bỏ rơi, sợ ở những nơi đông người, sợ độ cao nhưng có lẽ nỗi sợ vô hình lớn nhất mà nhiều người mắc phải đó chính nỗi sợ bị người khác phán xét, đánh giá. Rất nhiều người đã từng rơi vào trường hợp muốn nói nhưng lại không dám nói, muốn hành động nhưng lại e ngại ánh nhìn và sự dò xét của mọi người xung quanh.
Suy nghĩ này đôi lúc sẽ xuất hiện hoặc thậm chí thường xuyên, tùy thuộc vào tính cách và môi trường sinh hoạt của mỗi người. Nhưng tại sao chúng ta lại lo sợ? Thực tế, khi chúng ta không dám nói lên ý kiến của mình có thể là do sợ bị chế giễu, sợ bị đánh giá, sợ bị chỉ trích.
Con người thường có xu hướng muốn được người khác công nhận nên họ luôn quan tâm đến những điều mà người khác nghĩ về mình, đặc biệt là về những khuyết điểm hoặc những điều không hoàn hảo. Tuy nhiên, trên thực tế, khi bạn cố gắng tưởng tượng, suy đoán về những gì đang diễn ra trong đầu của một người khác thì nó luôn có sự nhầm lẫn. Đôi lúc những điều mà bản thân chúng ta tưởng tượng lại hoàn toàn trái ngược với những suy nghĩ và ý muốn của người khác.
Nếu không tìm cách cắt đứt nỗi sợ này sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của bạn. Lý do là bởi bản thân luôn phải gồng mình lên, cố gắng thoát khỏi nguy cơ bị người khác phán xét, đánh giá nên nhiều người sẽ cố gắng che giấu những ý muốn thật sự của bản thân, họ không nói ra những điều mà mình mong muốn.
Ví dụ, bạn sẽ không dám phát biểu trong lớp hoặc trong bất kỳ cuộc trao đổi, thảo luận nào hay không dám nói ra cảm xúc thực sự trong lòng, không dám đòi hỏi người khác phải thực hiện việc gì đó, không dám từ chối bất kỳ lời mời hay lời đề nghị từ ai,… Điều này khiến bạn không có can đảm hoặc động lực dám thực hiện rất nhiều việc, bỏ mất đi rất nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Cách vượt qua nỗi sợ bị người khác phán xét
Để không phải bận tâm quá nhiều đến những lời nhận xét, đánh giá của người khác là điều không hề đơn giản, cần quá trình rèn luyện lâu dài. Dưới đây là một số chia sẻ của chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Duyên, mời bạn tham khảo:
1. Xây dựng thế giới quan đúng đắn
Trước khi đi vào vấn đề, chuyên gia Nguyễn Minh Duyên có chia sẻ về câu chuyện cây bút trong mắt con người và loài vật. Ví dụ, con người chúng ta có thể nhận thức được cây bút nhưng con chó thì chỉ biết được đó là một thứ để gặm hay đồ chơi mà thôi. Vậy ai đúng? Con người đúng hay con chó?
Câu trả lời là cả hai đều đúng bởi dù là chúng ta hay chú chó thì đều nhận thức chính xác về cây bút theo góc nhìn riêng của chính mình. Vì vậy, chúng ta nên tôn trọng thế giới quan của người khác, không nên đánh giá, phán xét, mọi việc phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi đối tượng nhìn vào.
Tiếp đến, bạn đặt cây bút ở căn phòng và tất cả mọi người cũng rời khỏi phòng, căn phòng trống không. Bây giờ, tại thời điểm đó vật này là gì? Câu trả lời chính xác: Nó không là gì cả hay còn gọi là trung tính – trống rỗng, trống không (tiềm năng).
Qua câu chuyện về cây bút trong mắt con người và loài vật, chuyên gia Nguyễn Minh Duyên cho rằng:
Mỗi sự vật luôn là chính nó. Chính ta – ở phía bên ngoài với trải nghiệm cá nhân, góc nhìn của riêng mình đã gán cho nó thêm các sắc thái cảm xúc, tính cách ngoại hình,… Vì vậy, việc tôn trọng bản thân, mọi người như vốn là chính là chìa khóa đầu tiên để xóa đi các phán xét.
2. Chữa lành những sang chấn tâm lý
Có thể bạn chưa biết, một trong những nguyên nhân sâu xa của các biểu hiện bất ổn về tâm lý là những tổn thương đứa trẻ nội tâm trong quá trình trưởng thành. Việc sợ bị người khác đánh giá, phán xét cũng không ngoại lệ, đặc biệt là những gia đình đổ vỡ hay những người từng gặp phải biến cố lớn.
Lúc này, ôm ấp vỗ về và chữa lành sẽ giúp nội tâm không còn mâu thuẫn, trái tim cởi mở đón nhận sự hỗ trợ khi bạn chưa đủ nội lực để vượt qua tiêu cực. Ngay cả sự thiếu tự tin, sự thất bại cũng xứng đáng được bao dung, yêu thương, quan tâm và thấu hiểu. Bởi yêu thương và biết ơn là phương thuốc chữa lành cho tất cả. Có những lúc chúng ta hoang mang, sợ hãi nhưng đó chỉ là bóng đêm thôi, chỉ cần đủ can đảm và kiên nhẫn, chúng ta sẽ vượt qua được.
Nếu cảm thấy khóc được thì cứ khóc, hãy khó thật to hoặc nếu không khóc được thì có thể chọn cách viết lách, hoặc các phương pháp lành mạnh hơn, tích cực hơn như đọc sách, chạy bộ,… Điểm quan trọng nhất là sau khi cảm xúc tiêu cực này qua đi bạn cần nhanh chóng vực lại tinh thần, mạnh mẽ loại bỏ muộn phiền để sống một cuộc sống mới mà không cần quá đặt nặng ánh nhìn hay sự đánh giá của mọi người xung quanh.
3. Hành động bắn – ngắm – bắn
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Duyên cho rằng:
Nếu cứ đứng yên ở vạch xuất phát sẽ chỉ hình dung ra nhiều nỗi sợ, rủi ro càng làm chùn bước. Nhưng khi chúng ta can đảm hành động một cách sự tự tin thì khó khăn xuất hiện cũng sẽ chỉ càng làm ta thêm bền chí và vững tin hơn.
Về hành động bắn – ngắm – bắn này cũng khá đơn giản, nó tương ứng với chu trình hành động – điều chỉnh – tiếp tục tiến về phía trước. Đây được xem là công thức “bất bại” để chúng ta luôn bình tĩnh, dù cho nỗi sợ phán xét có xuất hiện thì ta vẫn có thể bước qua.
Có làm thì mới có sai! Vì vậy, ngừng than trách mà thay vào đó hãy học tập kinh nghiệm từ những vấp ngã để đứng dậy đối mặt với những khó khăn phía trước. Và có khi, sau này chính bạn sẽ lại cảm ơn những sai lầm ngày trước để chuẩn bị tốt hơn cho những thử thách, khó khăn mới trong tương lai.
Những chia sẻ này được chuyên gia tâm lý, Master coach Nguyễn Minh Duyên thực hiện trong buổi trị liệu nhóm tại Hà Nội số 16 của Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam diễn ra vào ngày 05/11/2022 với chủ đề “Vượt qua nỗi sợ phán xét”.
Chương trình được tổ chức hàng tuần vào chiều thứ 7 với nhiều chủ đề khác nhau giúp khách mời giải quyết được những khó khăn phổ biến trong cuộc sống. Hy vọng qua những thông tin hữu ích này, bạn đọc sẽ biết cách yêu thương bản thân đúng cách, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, vượt qua nỗi sợ bị phán xét và tự tin thể hiện bản thân.
Có thể bạn quan tâm:
- Chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương chia sẻ phương pháp đồng hành cùng con
- Làm thế nào để phụ nữ có hạnh phúc tự thân? Chuyên gia Cao Kim Thắm chia sẻ
- Cha mẹ có nên lắp camera trong phòng con không? Chia sẻ từ chuyên gia
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!