Chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương chia sẻ phương pháp đồng hành cùng con
Với sự phát triển của xã hội hiện nay, hầu hết cha mẹ đều mong muốn được làm bạn với con, đồng hành cùng con trên hành trình tuổi thơ tươi đẹp. Nhưng từ mong muốn đến thực hiện là cả một khoảng cách không dễ vượt qua, đặc biệt là về tuổi tác hay tư tưởng, quan điểm,…
Những chia sẻ ngay sau đây của chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương sẽ là bí quyết hữu ích để bạn bắt đầu có được “tình bạn” với con. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Đồng hành cùng con chưa bao giờ đơn giản!
Chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương:
Với kinh nghiệm gần 15 năm làm trong ngành giáo dục, được lắng nghe chia sẻ của nhiều sinh viên và phụ huynh, bản thân tôi nhận thấy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa hơn, cách giáo dục con trong thế kỷ 21 này đã khác rất nhiều. Lúc này, trách nhiệm của một người cha hay người mẹ trong giai đoạn này là rất lớn, vì họ đang đưa một vị khách đến với thế giới này, người chẳng biết gì cả nhưng lại có một số tiềm năng nhất định. Và nếu tiềm năng của trẻ không được phát triển, trẻ sẽ mãi không được hạnh phúc.
Đây là điều hoàn toàn chính xác và đã được công nhận bởi nhiều chuyên gia. Ban đầu, trẻ nhỏ nào cũng như trang giấy trắng, nhưng sau này việc trẻ có trở thành một người tốt, sống có mục tiêu, có khát khao hoài bão tự tin, vui vẻ hay không còn phụ thuộc vào tiềm năng bên trong được khai phá.
Tiềm năng của một đứa trẻ từ khi sinh ra đã có như những viên ngọc thô. Việc viên ngọc đó có được mài giũa như tiềm năng được phát hiện, khai phá và phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào công vun đắp mỗi ngày của các bậc phụ huynh và gia đình. Khi làm được điều này, cha mẹ không chỉ sát cánh, đồng hành cùng con trong tương lai mà còn hỗ trợ con trở thành người tự tin, có giá trị và biết phát huy năng lực của mình.
Chuyên gia Lê Thị Thanh Phương cũng chia sẻ thêm:
Trải qua hơn 10 năm làm mẹ của 2 bé, tôi đã nhận ra được nhiều bài học thực tế xương máu. Bản thân tôi hiểu, việc nuôi dạy con không chỉ là lý thuyết mà nó là sự hiện diện trong từng phút giây: con ốm, con ăn vạ, con khóc, con có bối rối ở trường, con gặp khó khăn khi giao tiếp với bạn, hay con đau khổ vì bị bạn trêu chọc, con căng thẳng khi có kỳ kiểm tra,… Và trên hành trình làm mẹ cũng có nhiều kinh nghiệm hạnh phúc lẫn thương đau trong vai trò của một người mẹ đầy ngây thơ vụng dại.
Chuyên gia Lê Thị Thanh Phương hiện nay vừa công tác trong lĩnh vực giáo dục (Quản lý và hỗ trợ sinh viên trong nhiều chương trình liên kết với Pháp) vừa là một chuyên gia tâm lý trị liệu tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam. Chính vì vậy, chị có điều kiện gặp và giúp đỡ rất nhiều cha mẹ, các con gặp khó khăn về vấn đề thấu hiểu, giao tiếp, khủng hoảng tâm lý.
Với kiến thức và kinh nghiệm dày dặn của mình, bản thân chuyên gia cũng đã giúp nhiều bạn trẻ quay trở về cuộc sống thường nhật với niềm vui, sự thấu hiểu bản và nhận ra giá trị bản thân, chuyển hóa cuộc sống của mình đầy tích cực. Do đó, chị luôn đề cao việc đồng hành để khai phá tiềm năng con trẻ, hướng con đến một tương lai tốt đẹp, hạnh phúc, tự tin được là chính mình.
Phương pháp đồng hành cùng con trẻ
Được may mắn giữ nhiều vai trò: Một người mẹ, một người làm trong ngành giáo dục và một chuyên gia tâm lý trị liệu, chuyên gia Thanh Phương đã đúc rút một số những cách chuyển hóa chính mình trong mối quan hệ với con để đồng hành cùng con trẻ, khai phá tiềm năng của con.
Cụ thể:
1. Thể hiện tình yêu vô điều kiện với con và với chính mình
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương, để đồng hành cùng con thì nền tảng quan trọng nhất chính là tình yêu thương, tình yêu vô điều kiện với con và với chính mình. Theo quan điểm của chị: “Các bậc phụ huynh cần biết chấp nhận con như con vốn là, con có thể sẽ khác biệt với các bạn khác. Có thể con không giỏi toán văn nhưng con giỏi thể dục, giỏi vẽ, hoặc múa,… và điều này vô cùng đặc biệt. Cha mẹ hãy quan sát và phát hiện tài năng của con tôn trọng sự khác biệt của con.”
Chỉ cần chấp nhận và yêu thương con vô bờ bến, bằng chính tình yêu thương nồng hậu của mình là con sẽ cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh để thể hiện bản thân, mạnh dạn tiến lên phía trước. Gia đình tràn ngập yêu thương khiến bản thân con dù đi đâu cũng muốn về bởi trong đó luôn có ngọn lửa yêu thương thắp sáng. Dù con có làm gì sai đi chăng nữa thì luôn có cha mẹ ở bên, sát cánh đồng hành cùng con sửa sai và vượt qua những khó khăn trong tương lai.
Cũng theo chuyên gia Lê Thị Thanh Phương:
Hãy để con được mắc sai lầm, mắc sai lầm cũng không sao cả nhưng hãy nói với con rằng đừng mắc sai lầm cùng một lỗi. Chúng ta hãy nhìn ra xem sai lầm ở đâu và học được gì từ sai lầm đó, rồi làm lại tốt hơn. Các bậc phụ huynh cũng vậy, chúng ta hãy chấp nhận những sai lầm của chính mình trên hành trình học hỏi bởi chúng ta cũng là lần đầu làm cha mẹ. Bản thân chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm, còn nhiều vụng dại và sai lầm, nhưng quan trọng là biết nhận ra sai ở đâu và chỉnh sửa nó. Hãy bao dung với chính mình chấp nhận bản thân chúng ta cũng chưa hoàn hảo.
Theo Maria Montessori – một trong những người tiên phong và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử giáo dục mầm non đã từng nói: “Tất cả những tương tác của ta với trẻ nhỏ rồi sẽ kết trái, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong con người trưởng thành của đứa trẻ về sau.” Vì vậy, các bậc phụ huynh đừng quá nóng vội, chỉ cần thể hiện tình yêu vô điều kiện, bao dung với con, con sẽ dần trưởng thành và khôn lớn.
2. Muốn đồng hành cùng con? Đừng gây áp lực vì con rất nhạy cảm!
Một trong những phương pháp tiếp theo cha mẹ nên áp dụng nếu muốn đồng hành cùng con chính là đừng gây áp lực. Cha mẹ làm bạn với con là gieo những cảm xúc tích cực cho con, cần hiểu con, chấp nhận những điểm mạnh – yếu của con mình, yêu thương con và giúp con hoàn thiện bản thân. Việc tạo áp lực hay so sánh con với các bạn bè xung quanh về điểm số, năng lực hay khả năng học tập,… đều chỉ mang lại ảnh hưởng tiêu cực.
Đã có không ít những trường hợp trẻ gặp vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,… chỉ vì bố mẹ tạo áp lực về thành tích học tập. Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương cho rằng:
Các bậc phụ huynh hãy cho phép mình được hồn nhiên với con, được sống thật như chính con là, mà không gây áp lực hay làm tổn thương tới con. Thường thì cha mẹ luôn đóng vai quyền lực, nghiêm túc, bố mẹ luôn đúng, cha mẹ nghĩ mình có quyền áp đặt, định đoạt cuộc đời của con. Và rồi thời gian trôi đi, giữa cha mẹ và con cái mất đi sự thân mật, gần gũi và sự kết nối.
Khi khoảng cách giữa bố mẹ con cái ngày càng xa hơn vì bố mẹ luôn phải che giấu sự không hoàn hảo của mình, luôn có sự không thành thật với chính bản thân họ và con của họ. Cũng theo chuyên gia Thanh Phương:
Con trẻ là những thiên thần cực kỳ nhạy cảm, các con nhận biết rõ tình yêu, niềm hạnh phúc đích thực. Vì vậy, mỗi người cha, người mẹ hãy là chính mình dù không hoàn hảo, hãy trao cho các con tình yêu thuần khiết và không có kỳ vọng, không áp đặt hay mong cầu. Chỉ như vậy thì chúng ta mới thực sự cởi bỏ áp lực, những suy nghĩ phức tạp để đồng hành cùng con ở hiện tại và tương lai.
3. Chia sẻ với con về cảm xúc khó chịu trước khi “nổ tung”
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương: “Hầu hết các bậc phụ huynh thường không kiểm soát được cảm xúc của mình, khi có vấn đề với con hay bất kỳ sự không hài lòng nào thường thì chúng ta để cơn nóng giận đẩy lên đến cao trào. Lúc này, cha mẹ sẽ có những hành động thiếu kiểm soát như quát tháo, chửi bới cay nghiệt, tệ hơn là đánh đập con mình. Sau mỗi cơn giận như vậy cả cha mẹ và con trẻ đều tổn thương, không chỉ các bé mà cha mẹ cũng cảm thấy dằn vặt, đau khổ, mệt mỏi.”
Vấn đề đặt ra ở đây là: Phải làm sao để ngăn chặn được những cơn giận bùng nổ như vậy? Chuyên gia Thanh Phương có một số lời khuyên cho các bậc phụ huynh như sau:
- Nhận biết cơn giận: Đầu tiên, hãy luôn quan sát chính bản thân mình, xem dấu hiệu khi nào xuất hiện cơn giận, tiến trình bùng nổ cơn giận như thế nào? Một số dấu hiệu dễ quan sát nhất có thể kể đến như: Hơi thở gấp hơn, nhịp tim bắt đầu dập nhanh, mạnh hơn, nói gấp gáp, cướp lời,… Lúc đó cơn giận đã bắt đầu xuất hiện và sắp bùng nổ.
- Đưa ra cảnh báo: Khi nhận biết thấy có dấu hiệu thì mình sẽ cảnh báo cho con biết là cha/mẹ cần phải rời đi, cha/mẹ cần bình tĩnh lại, chúng ta sẽ trao đổi sau. Đây là điều vô cùng quan trọng, tránh đưa ra những hành động sai lầm, thiếu suy nghĩ và để lại hậu quả lâu dài.
Cũng theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương:
Các bậc phụ huynh cũng nên dạy con nhận biết chính mình, dạy con cảm nhận được những cảm xúc bên trong mình như nào, dấu hiệu có cơn giận và khi nào sẽ bùng nổ, cách xử lý cơn giận mà không làm ảnh hưởng, tổn thương đến người khác và chính mình. Ví dụ, nếu con cần khóc hay phải hét lên để xả cơn tức thì hãy báo cho cha mẹ biết là con cần không gian riêng để con xả cơn tức của con. Đối với cha mẹ, để nhận biết được trạng thái của cơ thể thay đổi như thế nào thì cũng cần tập trung vào quan sát hơi thở: hít vào biết có cơn giận, thở ra biết cơn giận còn đó, có khi cần phải rời đi, hoặc đi dạo một vòng để trấn tĩnh lại. Rồi sau khi cơn bùng nổ qua đi thì nên quay lại bên trong mình quan sát và nhìn sâu vào cơn giận. Mục đích chính là để tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của cơn giận đến từ đâu: do nhận thức sai lầm trước vấn đề hay do thói quen phản ứng.
Theo các nhà khoa học, kiềm chế cảm xúc quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, mỗi bản thân chúng ta cần tự giải tỏa cơn tức giận trước khi đối diện để nó không có cơ hội bùng lên mạnh hơn. Tuy nhiên, tục ngữ Việt Nam có câu: “cả giận sẽ mất khôn”. Vì vậy, cha mẹ hãy tự ý thức được việc giải tỏa cảm xúc cũng như hướng dẫn con thực hiện sao cho hợp lý, tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh.
4. Tạo ra “không gian an toàn” để mình và con được chia sẻ cảm xúc
Một trong những phương pháp tiếp theo nếu muốn đồng hành cùng con chính là tạo ra “không gian an toàn”. Vậy Không gian an toàn là gì? Theo quan điểm của chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương: “Đây là không gian rộng thoáng, thoải mái,… nếu ở nhà gợi lên sự căng thẳng và bạo lực hãy tìm nơi khác có thể là quán cafe yên tĩnh có không gian riêng,… Đây là nơi mà cha mẹ và con đã đủ bình tĩnh để cùng nhau lắng nghe, chia sẻ trong một bầu không khí an toàn và tin tưởng.”
Ở không gian này, các bậc phụ huynh và con cũng sẽ có tâm thế thật sự thoải mái và thư giãn. Lúc này, cha mẹ hãy trao đổi cùng con như một người bạn, tâm thế lắng nghe, thấu hiểu và hướng tới giải pháp cho vấn đề mà mình đang gặp phải, tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng, buồn bã, stress, áp lực hay thậm chí là trầm cảm, rối loạn lo âu.
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương:
Cha mẹ nên khuyến khích các con nên nói ra những cảm xúc của mình, gọi tên chính xác những cảm xúc của con. Ví dụ: Con cảm thấy lo lắng vì hôm nay có bài kiểm tra, con cảm thấy buồn vì mẹ đã nói nặng lời với con, con muốn cha/mẹ quan tâm đến con nhiều hơn nữa,… Vì nếu được nói ra và gọi tên đúng những cảm xúc của mình con sẽ hiểu mình hơn, hiểu được cảm xúc đến từ đâu và khi bình tĩnh lại có thể nghĩ tới giải pháp. Đối với cha mẹ cũng vậy, nếu có điều kiện hãy thực hành điều này thường xuyên để rõ biết hơn về bản thân.
Ngoài ra các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý, sau tất cả những chuyện trò, chia sẻ này cũng đừng quên bày tỏ yêu thương. Những cử chỉ như ôm, hôn, cầm tay, vuốt tóc, vỗ về nhẹ nhàng chính là nguồn nước tưới ngọt lành cho “cây tình bạn” giữa con trẻ và cha mẹ trong gia đình. Đây là ngôn ngữ đặc biệt, trực tiếp hơn để nói với con rằng bạn yêu thương, gần gũi, sẵn sàng lắng nghe và ở bên con bất cứ lúc nào.
5. Ưu tiên việc con được lắng nghe và thấu hiểu
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương: “Nhu cầu lắng nghe thấu hiểu ở con là cực kỳ cần thiết, cha mẹ cần lắng nghe mà không phản ứng, phán xét. Ở mỗi độ tuổi hay giai đoạn khác nhau, con sẽ có những nỗi lo lắng đôi khi người lớn sẽ nghĩ là vớ vẩn, cỏn con nhưng đó lại là những rào cản tâm lý cực kỳ lớn. Ví dụ khi con đi học các con bị bạn bè bắt nạt, trêu đùa, hoặc không được điểm tốt,… cha mẹ thường sẽ không để ý hoặc nghĩ là rồi con mình sẽ vượt qua được. Thực tế, với nhiều bạn đó có thể là những vết thương sâu, ảnh hưởng đến cả quãng đời sau này, nó sẽ hình thành nên tính cách của con như: Thiếu tự tin, sợ hãi, sợ bị phán xét/đánh giá,… và đây là những nguyên nhân sâu xa cho các vấn đề như trầm cảm, rối loạn lo âu,…”
Thực tế đã chỉ ra rằng, khi được lắng nghe, trẻ sẽ được chữa lành một phần, con được trút đi gánh nặng tâm lý và đó cũng là một cách “đổ rác” cho tâm hồn. Nếu có điều kiện, hãy giúp con đổ rác mỗi ngày để con cảm thấy mình được quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông và mình sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
Trong nhiều trường hợp, chỉ cần được cha mẹ lắng nghe câu chuyện và đồng hành cùng cảm xúc thôi là con trẻ đã đủ tự tin, đủ vững vàng để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình mà không cần cha mẹ can thiệp. Đây là tiền đề quan trọng hỗ trợ con hình thành tính tự lập trong tương lai.
Nhu cầu lắng nghe thấu hiểu không chỉ ở các con mà cha mẹ cũng rất cần thiết. Ví dụ, nếu sau một ngày dài áp lực và căng thẳng, các bậc phụ huynh muốn được chia sẻ hay muốn ở một mình thì cũng cần nói lên cảm xúc hiện tại để con biết. Như vậy, chính con cũng sẽ biết cách không “kích hoạt” cơn giận của cha mẹ, có thể ngồi lại chia sẻ cùng cha mẹ hoặc cho cha mẹ không gian riêng để bình tâm lại. Đây cũng là phương pháp giúp con thấu hiểu người khác tốt hơn.
Chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương chia sẻ:
Trẻ em là những thiên thần ngây thơ và thánh thiện hãy dành cho con sự tôn trọng, tình yêu thương. Con cần được cha mẹ giúp đỡ để được lắng nghe chính bản thân mình. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy mở cho trẻ những cánh cửa dẫn tới những hướng đi chưa ai biết để con khám phá.
Bài viết trên đã chia sẻ một vài phương pháp đồng hành cùng con cho các bậc phụ huynh dưới góc nhìn và kinh nghiệm của chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thanh Phương chia sẻ. Hy vọng qua những thông tin hữu ích này, cha mẹ đã có thêm kiến thức hữu ích để lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và sát cách cùng con trẻ đúng cách. Và đừng quên, cùng con lớn khôn chính là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cha mẹ!
Nếu bạn cần sự đồng hành, hỗ trợ của chuyên gia tâm lý trị liệu Lê Thị Thanh Phương, vui lòng liên hệ Hotline: 096 589 8008 hoặc để lại thông tin tại đây.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!