Các bài tập cho trẻ chậm nói mẹ nên hướng dẫn bé hằng ngày
Các bài tập cho trẻ chậm nói cần được mẹ duy trì hướng dẫn hằng ngày, lặp đi lặp lại thường xuyên con mới có thể ghi nhớ và phát triển dần các kỹ năng ngôn ngữ. Dạy trẻ chậm nói chưa bao giờ là đơn giản, tuy nhiên chỉ cần sự kiên trì từ cha mẹ kết hợp với giáo dục đúng cách thì không gì là không thể.
Nguyên tắc khi hướng dẫn các bài tập cho trẻ chậm nói tại nhà
Một trong những vấn đề khiến việc giáo dục trẻ chậm nói gặp nhiều khó khăn chính là do con không hiểu được ngôn ngữ, không hiểu được yêu cầu người khác nên khi cha mẹ dạy con mới không hiểu và không tiếp thu được gì. Đặc biệt với trẻ chậm nói có liên quan đến tự kỷ, mức độ nhận thức của con khá hạn chế nên hầu như sẽ không hiểu cha mẹ muốn nói gì.
Tuy nhiên cũng theo các chuyên gia, không thể lúc nào cũng phụ thuộc vào bác sĩ hay các thầy cô giáo dục chuyên biệt trong quá trình giáo dục, tăng cường ngôn ngữ, nhận thức và lời nói cho con. Sự giáo dục thường xuyên thông qua các bài tập cho trẻ chậm nói từ gia đình luôn đóng một vai trò quan trọng để cải thiện các khiếm khuyết của trẻ có hiệu quả.
Để cùng thực hiện các bài tập cho trẻ chậm nói tại nhà có hiệu quả, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau
- Xác định rõ nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, chẳng hạn do các yếu tố môi trường, do bệnh lý thực thể hay là biểu hiện của tự kỷ. Mỗi nguyên nhân có liên quan đến mức độ nhận thức và khả năng phát triển ngôn ngữ khác nhau, do đó cần biết chính xác chậm nói do đâu bác sĩ mới có thể đưa ra lộ trình can thiệp hiệu quả
- Trong quá trình dạy các bài tập cho trẻ chậm nói cần phải thực hiện luân phiên duy trì hằng ngày, liên tục, lặp đi lặp lại đúng cách, đặc biệt với trẻ tự kỷ. Chắc chắn nếu chỉ dạy con 1-2 lần con sẽ không thể nào ghi nhớ và thực hiện được ngay như những đứa trẻ bình thường mà cần phải lặp lại nhiều lần mới có kết quả.
- Giáo dục linh hoạt, tránh tình trạng rập khuôn cứng khắc có thể thu hẹp khả năng thấu hiểu của trẻ chỉ đóng khung trong những điều đã được cha mẹ dạy.
- Các bài tập cho trẻ chậm nói có thể được linh hoạt, thực hiện, áp dụng ngay trong những hoạt động xung quanh đời sống, điều này cũng giúp trẻ tăng cường các kỹ năng tương tác và hòa nhập với môi trường xung quanh dễ dàng hơn.
- Luôn bắt đầu từ những thứ cơ bản đến phức tạp để trẻ thực sự thấu hiểu. Các bài tập cho trẻ chậm nói phải được xây dựng theo từng giai đoạn dựa trên mức độ phát triển ngôn ngữ và nhận thức của con thì mới thực sự có hiệu quả
- Sử dụng những từ ngữ đơn giản, ngắn gọn, đánh vào trọng tâm vấn đề kết hợp với hình ảnh trực quan sinh động hoặc cử chỉ thì trẻ mới có thể chú ý và hiểu được
- Tăng cường giao tiếp, trò chuyện với con hằng ngày, trong nhiều hoạt động chứ không nhất định chỉ tập trung vào các bài tập cho trẻ chậm nói chuyên biệt
- Không được gượng ép, bắt trẻ phải học tập liên tục mà cần tạo cho con không khí thoải mái, vui vẻ để tự chính con có cảm giác hứng thú, chỉ có tinh thần thoải mái mới giúp trẻ ghi nhớ và thực hành hiệu quả
- Khuyến khích trẻ sử dụng lời nói để giải quyết vấn đề hay diễn đạt các nhu cầu của bản thân thay vì chỉ dùng hành động, la hét hay chỉ trỏ như trước rồi để cha mẹ tự đoán ý
- Tuyệt đối không được thể hiện trang thái la hét, cáu kỉnh, lớn tiếng vì điều này có thể khiến con cảm thấy sợ hãi và không muốn học. Nghiêm giọng khác với lớn tiếng hay la hét nên phụ huynh cần phải chú ý
- Môi trường dạy trẻ cần có sự yên tĩnh, mẹ nên ngồi song song với tầm mắt của trẻ để dễ gây chú ý và sự tương tác hơn
- Các bài tập cho trẻ chậm nói nên được thực hiện càng sớm càng cho hiệu quả tốt, đặc biệt với trẻ tự kỷ
Các bài tập cho trẻ chậm nói mẹ nên thực hiện tại nhà
Phụ huynh nên kết hợp cho trẻ các bài tập cả các bài tập về cơ miệng, cách phát âm, cách tương tác bằng ánh mắt, hành động, lời nói, cử chỉ cho con. Dạy trẻ chậm nói không chỉ đơn giản là giúp con nói được mà cần hiểu cả về ngôn ngữ, biết mình đang nói gì, hiểu người khác đang nói gì và có thể tương tác với người khác một cách có hiệu quả nên gia đình cần thực sự chú ý.
Bài tập kích thích cơ môi – miệng cho trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói có thể liên quan đến sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan vòm miệng như môi, lưỡi, răng nên con không thể phát âm ra tiếng hoặc phát âm không chính xác. Do đó phụ huynh cần thực hiện các bài tập kích thích cơ môi – miệng để điều chỉnh các vị trí của các cơ quan này cho khớp nhau, đồng thời điều hòa lại cảm giác để cải thiện mức độ nhạy bén của môi miệng khi bé phát âm.
Một số bài tập giúp kích thích cơ môi – miệng cho trẻ chậm nói mà phụ huynh có thể tham khảo cho trẻ thực hiện tại nhà như
– Bài tập thổi
Các bài tập thổi có thể được thực hành thông qua các hoạt động vui chơi đơn giản như thổi bong bóng xà phòng, thổi kèn, thổi bong bóng hơi. Khi thực hiện thổi bong bóng, con sẽ cần phải phồng to miệng kết hợp với việc đầy hơi từ bên trong ra thật mạnh. Động tác này tốt cho cả cơ mặt và cơ hàm, hỗ trợ phát âm chính xác âm “u”.
Để bài tập cho trẻ chậm nói thú vị hơn, mẹ có thể cùng con chơi các trò chơi. Chẳng hạn như thi xem ai thổi bong bóng xà phòng to hơn, nhiều hơn; thổi các con thuyền giấy trên chậu nước xem thuyền ai nhanh hơn. Một trò thú vị không kém chính là hà hơi vào ô cửa kính rồi dùng tay vẽ lên vùng có hơi nước đó hình trái tim , hình ngôi sao hay một chữ nào đó.
– Bài tập hút
Bài tập cơ miệng cho trẻ chậm nói bằng ống hút cũng cực kỳ đơn giản và hoàn toàn có thể thực hiện hằng ngày, thậm chí là bất cứ lúc nào. Thay vì uống nước như bình thường thì hãy cho con dùng ống hút. Khi con hút nước lên sẽ vừa làm cơ miệng hoạt động, đồng thời có thể nhận thức được hoạt động của lưỡi và vòm miệng để phối hợp hoạt động có hiệu quả hơn.
- Bài tập tăng cường nhận biết lưỡi miệng
Việc trẻ không nhận thức được cảm giác của lưỡi và môi cũng ảnh hưởng đến quá trình tạo ra âm thanh, do đó cũng cần thực hiện các bài tập tăng cường nhận biết các cơ quan này. Một số bài tập cho trẻ chậm nói với mục đích này như
- Bôi mật ong hoặc mứt xung quanh môi, điều này có thể kích thích trẻ dùng lưỡi để liếm xung quanh
- Phồng má để trẻ bắt chước
- Biểu cảm qua gương để con bắt chước theo, chẳng hạn mẹ có thể phồng môi, dùng tay kéo banh hai khóe môi, tự mỉm cười, thè lưỡi ra và chuyển động lưỡi lên xuống
- Hướng dẫn con ngậm miệng lại khi nhai một thứ gì đó
- Massage hai má cho trẻ thông bằng cách dùng các đầu ngón tay, xoay theo hướng vòng tròn, có thể thực hiện hằng ngày hay khi con tắm, con rửa mặt
- Dạy trẻ chu môi hôn và gửi nụ hôn theo gió
- Cho trẻ ăn các thức ăn cứng ( nhưng dễ tiêu hóa), chẳng hạn như các loại hoa quả cứng như trái cây, rau và bánh mì
Các bài tập luyện nói, luyện phát âm
Hãy bắt đầu bằng những âm đơn giản, những từ đơn hướng tới các chủ đề, nội dung quen thuộc diễn ra xung quanh con để con có thể ghi nhớ và vận dụng được hằng ngày. Để trẻ có thể nói được một từ hoàn chỉnh, trước tiên hãy dạy con các âm cơ bản như a, b, c, d, e, o, u…
Với các bài tập phát âm cho trẻ chậm nói này, một chú ý nhỏ cần ghi nhớ chính là phụ huynh nên ngồi đối diện song song, vừa tầm mắt với trẻ để trẻ có thể chú ý, nhìn vào khẩu hình miệng của cha mẹ. Để tăng cường sự tập trung, phụ huynh nên dùng các tấm bảng màu sắc có liên quan đến chữ cãi đó, từ đó hoặc các hình ảnh minh họa trực tiếp sinh động để trẻ có thể ghi nhớ và hiểu.
Mặt khác các bài tập luyện phát âm, luyện nói khi thực hiện tại nhà, mẹ cần nói với khẩu hình to, rõ ràng, tròn vành rõ chữ, lặp đi lặp lại nhiều lần. Kèm theo đó nên chuẩn bị theo các bảng chữ cái, trong đó một chữ cái sẽ có nhiều bảng với nhiều màu sắc khác nhau vừa để trẻ học màu sắc, nhận diện con chữ trong nhiều phương diện chứ không chỉ đóng khung trong 1 hình ảnh cố định.
Với các bài học phát âm, mẹ có thể dùng các bài đồng dao, bài thơ dễ nhớ, dễ học để con có thể ghi nhớ. Chẳng hạn
“Ra bờ ao, vui vui quá, vịt ta kêu quạc quạc, quạc quạc, quạc quạc. Ra bờ ao, vui vui quá, vịt ta kêu áp àm ạp, áp àm ạp, áp àm ạp. Ra bờ ao, vui vui quá, vịt ta kêu cáp càm cạp, cáp càm cạp, cáp càm cạp.”
“Ut à ut ị Ut à ut Ut à ụt , con heo bước đi, nó quá nặng nề, nó quá nặng nề. Ut à ut ị Ut à ut Ut à ụt, con heo bước đi, nó quá nặng nề, nó quá nặng nề”
“Con két! Con két! Lại đây ta dạy mi nói. A ă â là a ă â; Con két! Con két! Lại đây ta dạy mi nói. E ê là e ê; Con két! Con két! Lại đây ta dạy mi nói. U ư là u ư”
Ngoài ra với các bài tập phát âm cho trẻ chậm nói phụ huynh có thể thực hiện bằng việc cùng trẻ tập cách bắt chước tiếng kêu của động vật, bắt đầu bằng những loài mà con thích. Chẳng hạn như mèo kêu meomeo; con gà trống khi gáy là ò ó o; con bò kêu: um bò, hay những con gà con sẽ kêu chíp chíp.
Bài tập cho trẻ chậm nói tạo sự liên kết mắt
Trẻ chậm nói nếu có liên quan đến tự kỷ thường rất kém trong việc giao tiếp bằng mắt, đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc giáo dục cho các nhóm trẻ gặp khó khăn hơn rất nhiều lần. Mặt khác tạo sự tương tác bằng mắt cũng là cách để cải thiện khả năng tương tác bình thường của trẻ, giúp trẻ có biểu cảm, có thể hiểu được ý nghia trong từng biểu cảm để ứng xử phù hợp.
Một số bài tập giúp liên kết mắt cho trẻ chậm nói mà phụ huynh có thể tham khảo thực hiện cho trẻ tại nhà như
- Bài tập “nhìn”: Mẹ chỉ vào một món đồ chơi mà con nói và nói rõ từ “nhìn” để con chú ý . Khi thấy con nhìn ba mẹ hãy chỉ tay vào đồ vật đó để con nhìn theo hướng tay của cha mẹ. Nếu trẻ không nghe hay không thực hiện theo nãy quay đầu trẻ theo hướng đồ vật đó, lặp lại từ “nhìn” nhiều lần cho tới khi con thực hành theo.
Một các khác là thổi bong bóng xà bông và chỉ vào bong bóng, nói “nhìn” để trẻ nhìn theo hướng bong bóng bay đi. Hoặc mẹ cũng có thể cùng con trong phòng, và yêu cầu con nhìn theo mỗi khi cửa mở và có người bước vào. - Bài tập giao tiếp bằng mắt: Cách đơn giản nhất chính là cha mẹ cho trẻ ngồi lên ghế với vị trí ngang tầm mắt và liên tục gọi tên trẻ; nếu trẻ nhìn vào mắt cha mẹ thì hãy đưa cho bé một món đồ chơi mà con thích. Bài tập cho trẻ chậm nói này ban đầu chỉ cần con nhìn cha mẹ, sau đó hãy để quá trình giao tiếp bằng mắt diễn ra trong ít nhất 5s rồi mới đưa đồ chơi cho con. Khi con đang nhìn hãy dùng tay để chạm vào mũi hay mặt để con bắt chước theo. Mặt phụ huynh cũng có thể thực hiện các giao tiếp bằng mắt thông qua việc cho trẻ nhìn vào gương.
- Bài tập cho trẻ chậm nói bằng cách dùng ngón tay trỏ: Với các bài tập này, mẹ cần tạo sự chú ý từ mắt con vào tay thông qua một số trò chơi như chi chi chành chành, chơi ấn phím đàn. Đồng thời mẹ dùng ngón tay để chỉ vào một đồ vật nào đó và gọi tên đồ vật để con nhìn theo. Lặp lại hành động này nhiều lần thì cho dù con chưa thể nói ra được nhưng vẫn có thể nhận thức đồ vật đó tên gì. Mẹ có thể kiểm tra bằng cách đọc tên đồ vật đó và yêu cầu bé chỉ vào món đồ đó
Trên đây là một bài tập cho trẻ chậm nói đơn giản, hiệu quả có thể thực hiện tại nhà cho trẻ mà phụ huynh có thể tham khảo. Phụ huynh cần trao đổi thêm với bác sĩ, các chuyên gia để biết cách giáo dục trẻ chính xác. Bên cạnh đó, dù áp dụng bài tập nào thì cách tốt nhất vẫn chính là tăng cường hoạt động trò chuyện thường ngày nên gia đình cần đảm bảo được yếu tố này.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ chậm nói nên bổ sung gì? Mẹ cần biết để chăm sóc con yêu
- 7 Loại sữa dành cho trẻ chậm nói mẹ nên mua ngay cho con yêu
- Trẻ chậm nói khám ở đâu tại Hà Nội uy tín, chất lượng?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!