Mối Liên Hệ Giữa Estrogen Và Trầm Cảm ở Phụ Nữ

Sụt giảm estrogen là yếu tố gia tăng nguy cơ trầm cảm và nhiều rối loạn tâm thần thường gặp khác. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa estrogen và trầm cảm ở phụ nữ, qua đó có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa hiệu quả.

Tìm hiểu mối liên hệ giữa estrogen và trầm cảm ở phụ nữ

Trầm cảm là dạng rối loạn tâm thần có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trong đó, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới từ 2 – 3 lần. Nguyên nhân được xác định là do phụ nữ có tâm lý nhạy cảm hơn, cảm xúc thiếu ổn định và dễ xúc động. Ngoài ra, nồng độ estrogen cũng có mối liên hệ mật thiết với chứng bệnh này.

Estrogen là hormone quan trọng đối với sức khỏe thể chất và sinh lý nữ. Hormone này bắt đầu được sản xuất từ giai đoạn dậy thì và giảm dần khi tuổi tác tăng cao. Estrogen được giải phóng từ hai buồng trứng và nồng độ hormone sẽ có sự khác biệt vào từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt.

Ngoài việc chi phối quá trình rụng trứng và tham gia vào các các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, estrogen còn kích thích não bộ sản sinh serotonin và endorphin. Đây là hai chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng thư giãn, tạo cảm giác vui vẻ, phấn chấn và lạc quan.

Trong chu kỳ kinh nguyệt, estrogen sẽ tăng lên đột ngột trong nửa đầu chu kỳ (14 ngày trước khi hành kinh). Sau khi rụng trứng, nồng độ estrogen sẽ suy giảm dẫn đến các rối loạn như hội chứng tiền kinh nguyệt, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt,…

Estrogen và trầm cảm ở phụ nữ
Sụt giảm estrogen là yếu tố gia tăng nguy cơ phát triển chứng trầm cảm ở phụ nữ

Sự giảm thấp của estrogen cũng khiến cho nữ giới gặp phải tình trạng khó chịu, dễ tức giận, buồn bã và tâm trạng trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường. Sau khi kết thúc kỳ kinh, nồng độ estrogen được khôi phục lại và các triệu chứng này cũng sẽ biến mất.

Estrogen ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc của nữ giới. Vì vậy, nhiều chuyên gia đặt ra giả thuyết, giảm nồng độ estrogen có thể làm gia tăng nguy cơ trầm cảm. Giả thuyết này hoàn toàn có cơ sở bởi trầm cảm ở nữ giới thường khởi phát vào những thời điểm estrogen giảm thấp như khi mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh và mãn kinh.

Giảm hormone estrogen ảnh hưởng đến nồng độ serotonin bên trong não bộ. Đây là cơ chế chính dẫn đến trầm cảm và một số các rối loạn tâm thần khác. Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để chứng minh mối liên hệ giữa nồng độ estrogen và bệnh trầm cảm ở phụ nữ.

Nghiên cứu được thực hiện trên 1300 phụ nữ được tiếp xúc với estradiol (dạng estrogen phổ biến nhất) trong hơn 10 năm cho thấy, nguy cơ bị trầm cảm giảm thấp đáng kể. Ngoài ra, những nữ giới dùng thuốc tránh thai hằng ngày (có thành phần chính là estradiol) ít bị trầm cảm và các rối loạn tâm thần thường gặp hơn bình thường.

Phòng ngừa trầm cảm do giảm estrogen bằng cách nào?

Nội tiết tố nữ sẽ sụt giảm vào những thời điểm nhất định như mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh và mãn kinh. Mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng sụt giảm estrogen làm tăng nguy cơ stress, rối loạn lo âu, trầm cảm,… Để phòng ngừa trầm cảm do giảm estrogen, nữ giới có thể thực hiện các biện pháp sau đây:

1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Nồng độ estrogen được buồng trứng sản xuất sẽ giảm dần theo thời gian do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Tình trạng này dẫn đến giảm serotonin, từ đó gây ra tâm trạng buồn chán, đau khổ, bi quan, mất hứng thú,… Để tăng estrogen và serotonin, nữ giới nên bổ sung các loại thực phẩm chứa isoflavone (estrogen thực vật) và những thành phần kích thích sản sinh serotonin.

Estrogen và trầm cảm ở phụ nữ
Xây dựng chế độ ăn hợp lý giúp phòng ngừa trầm cảm và bảo vệ sức khỏe tinh thần, thể chất cho nữ giới

Chế độ ăn giúp phòng ngừa trầm cảm do giảm estrogen:

  • Tăng cường các loại thực phẩm giàu isoflavone (hoạt chất thực vật có tác dụng tương tự như estrogen nội sinh) bao gồm đậu nành, hạt lanh, đậu xanh, hạt mè, bí đao, súp lơ,…
  • Giảm serotonin là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chứng trầm cảm và các rối loạn tâm thần thường gặp ở nữ giới. Do đó, nữ giới có thể bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng sản xuất serotonin như trứng gà, cá hồi, socola đen, các loại đậu, hạt,…
  • Xây dựng thực đơn ăn uống cân bằng và ăn đủ bữa cũng giúp ổn định nồng độ estrogen. Trong bữa ăn cần cung cấp đầy đủ tinh bột, chất xơ, đạm và các chất béo không bão hòa.
  • Hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống ảnh hưởng xấu đến quá trình sản xuất estrogen như món ăn chứa nhiều gia vị, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, rượu bia, nước ngọt có gas,…
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp làm chậm quá trình thoái hóa, từ đó giúp duy trì nồng độ estrogen và hạn chế tình trạng giảm nội tiết tố đột ngột. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa nữ giới nên bổ sung bao gồm lựu đỏ, dưa hấu, quả dâu, nho, việt quất, rau bina, súp lơ xanh,…

Chế độ ăn có vai trò quan trọng trong việc ổn định nồng độ estrogen và các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Điều chỉnh chế độ ăn sẽ giúp nữ giới giảm nguy cơ bị trầm cảm và duy trì được sức khỏe sinh lý lâu dài.

2. Tổ chức lại lối sống

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt cũng ảnh hưởng đáng kể đến quá trình sản xuất nội tiết tố nữ. Lối sống khoa học và lành mạnh sẽ giúp buồng trứng sản xuất estrogen một cách ổn định. Đồng thời hạn chế tình trạng rối loạn nội tiết tố và hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa.

Estrogen và trầm cảm ở phụ nữ
Nên điều chỉnh lối sống để ổn định nồng độ estrogen và phòng ngừa bệnh trầm cảm hiệu quả

Lối sống giúp phòng ngừa trầm cảm do sụt giảm estrogen:

  • Stress được xem là tác nhân gây ra những ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với nồng độ estrogen. Khi căng thẳng, hormone cortisol tăng lên gây rối loạn hệ trục tuyến yên – vùng dưới đồi – buồng trứng khiến cho nồng độ estrogen bị sụt giảm và rối loạn. Do đó, để ổn định estrogen và phòng ngừa trầm cảm, nữ giới cần học cách kiểm soát stress và những cảm xúc tiêu cực.
  • Cân đối thời gian làm việc/ học tập và nghỉ ngơi để hạn chế căng thẳng thần kinh. Ngoài ra, nên chú ý những tác nhân gây stress như áp lực học tập, công việc, các vấn đề tài chính, mâu thuẫn trong các mối quan hệ,… để kịp thời điều chỉnh và duy trì tinh thần ổn định.
  • Ngủ đủ giấc là biện pháp phòng ngừa trầm cảm và rối loạn nội tiết tố hiệu quả. Khi ngủ đủ giấc, các tế bào thần kinh trong não bộ sẽ được phục hồi, tái tạo, từ đó ổn định hoạt động của hệ trục tuyến yên – vùng dưới đồi – buồng trứng. Đồng thời giúp thư giãn não bộ và đảm bảo sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh.
  • Không hút thuốc, dùng rượu bia và chất kích thích. Bởi những thói quen này gây ức chế thần kinh trung ương, làm sụt giảm nồng độ serotonin và gây rối loạn nội tiết tố. Qua đó làm tăng nguy cơ bị trầm cảm và các rối loạn tâm thần thường gặp khác.
  • Dành thời gian tập thể dục mỗi ngày để ổn định nồng độ serotonin và kích thích buồng trứng sản xuất estrogen. Tập luyện thường xuyên còn giúp làm chậm quá trình lão hóa và tiêu trừ các gốc tự do gây thoái hóa tế bào thần kinh. Vì vậy, nữ giới nên tập thói quen vận động mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe tinh thần và duy trì nồng độ estrogen ổn định.
  • Nên cho phép bản thân nghỉ ngơi sau một thời gian dài làm việc. Có thể dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động mà bản thân yêu thích như đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn,… hoặc gặp gỡ bạn bè, người thân.

Lối sống khoa học không chỉ giúp ổn định estrogen mà còn hỗ trợ giảm stress và duy trì tinh thần khỏe mạnh, vui vẻ. Đây chính là “chìa khóa” để bảo vệ bản thân trước những vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,…

3. Liệu pháp estrogen

Liệu pháp estrogen được chỉ định cho những trường hợp thiếu hụt estrogen nghiêm trọng dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như dậy thì muộn, rối loạn kinh nguyệt, loãng xương do thiếu estrogen,… Ngoài ra, trường hợp có nguy cơ bị trầm cảm do thiếu hụt estrogen cũng được cân nhắc liệu pháp này.

Trên thực tế, liệu pháp hormone thay thế chỉ được chỉ định trong những trường hợp cần thiết. Bởi một số người có thể phát triển u lành tính hoặc ác tính phụ thuộc hormone. Do đó, bác sĩ sẽ yêu cầu sàng lọc trước khi chỉ định.

Liệu pháp estrogen được thực hiện bằng cách bổ sung estrogen ở dạng tiêm, uống hoặc dán với mục đích tăng estrogen nội sinh. Khi nồng độ estrogen trở về mức bình thường, não bộ sẽ sản sinh serotonin và các chất dẫn truyền thần kinh cần thiết. Hiện nay, dùng thuốc tránh thai hằng ngày là lựa chọn ưu tiên cho những trường hợp cần bổ sung estrogen do hiệu quả cao và ít tác dụng phụ.

Liệu pháp hormone thay thế tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Do đó, nữ giới có dấu hiệu trầm cảm thường được dùng thuốc chống trầm cảm. Các loại thuốc này giúp làm tăng nồng độ serotonin, qua đó cải thiện tình trạng buồn bã, chán nản, bi quan,… Liệu pháp estrogen thường được chỉ định khi nữ giới có nguy cơ bị trầm cảm cao đi kèm với các ảnh hưởng nghiêm trọng do sụt giảm estrogen như tăng axit uric máu, loãng xương, mắc các bệnh tim mạch và tiểu đường.

Estrogen và trầm cảm ở phụ nữ có mối liên hệ mật thiết. Trong đó, giảm estrogen làm tăng nguy cơ bị trầm cảm và các rối loạn tâm thần thường gặp. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa hai vấn đề này, qua đó có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa phù hợp.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *