10 cách dạy trẻ chậm nói tại nhà hiệu quả, áp dụng mỗi ngày
Với phương pháp luyện tập và tương tác phù hợp, cha mẹ có thể giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ một cách tự nhiên. Cụ thể hơn, các cách dạy trẻ chậm nói tại nhà có thể mang lại những tiến bộ rõ rệt nếu được thực hiện kiên trì và đúng hướng. Vậy đâu là những cách hiệu quả mà phụ huynh có thể áp dụng ngay?
10 cách dạy trẻ chậm nói tại nhà hiệu quả, áp dụng mỗi ngày
Trẻ chậm nói là tình trạng phổ biến khi các bé thường khó diễn đạt, giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ so với các bạn cùng trang lứa. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều yếu tố như di truyền, môi trường sống và thiếu tương tác với mọi người. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển học tập và xã hội sau này.
Dạy trẻ chậm nói không chỉ là trách nhiệm của chuyên gia mà còn là nhiệm vụ quan trọng của gia đình. Việc áp dụng những phương pháp đơn giản và hiệu quả tại nhà sẽ giúp bé cải thiện khả năng ngôn ngữ, tạo nền tảng cho tương lai. Gia đình có thể giúp trẻ tự tin phát triển bằng cách tận dụng các công cụ hỗ trợ và cách thức dạy phù hợp.
1. Dạy trẻ chậm nói bằng tài liệu chuyên môn
Có nhiều bộ sách hỗ trợ hiệu quả cho việc dạy trẻ chậm nói như “Bật âm những từ đầu tiên” của An Khánh Nhung, “Cùng con học nói” của tiến sĩ Sally Ward,… Các tác giả đều là chuyên gia về ngôn ngữ với nhiều kinh nghiệm hỗ trợ trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ.
Các tài liệu chuyên môn này giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về những bước cần thiết để dạy trẻ chậm nói, từ cách xây dựng môi trường giao tiếp đến các hoạt động trò chơi giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Bằng cách làm theo hướng dẫn, cha mẹ có thể thực hiện những bài tập tại nhà để kích thích sự phát triển của bé một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.
2. Sử dụng đồ chơi cho trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói thường được khuyến khích chơi các trò chơi tương tác như xếp hình, ghép chữ, chơi búp bê bởi chúng giúp bé phát triển ngôn ngữ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và diễn đạt mong muốn của mình. Đồ chơi như bảng chữ cái, búp bê kể chuyện, bộ đồ chơi xếp hình chữ đều là những có thể kích thích trẻ giao tiếp.
Những món đồ chơi kích thích ngôn ngữ thường được dùng để trẻ trò chuyện, hỏi đáp và tương tác với mọi người xung quanh. Khi bé chơi cùng cha mẹ, bạn bè sẽ học được cách sử dụng từ ngữ tự nhiên và dần dần hình thành thói quen giao tiếp.
3. Cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc
Trẻ được nghe nhạc thường xuyên sẽ dần làm quen với nhịp điệu và âm thanh của ngôn ngữ. Ngoài việc nghe nhạc, cha mẹ có thể hát cùng con và khuyến khích bé tham gia các hoạt động ca hát đơn giản. Những bài hát thiếu nhi với giai điệu dễ nhớ như “Chú voi con ở bản Đôn”, “Bắc kim thang” đều rất phù hợp cho trẻ chậm nói.
Bên cạnh đó, khi trẻ luyện hát cùng cha mẹ, bé sẽ không chỉ học từ ngữ mới mà còn cải thiện kỹ năng phát âm. Âm nhạc không chỉ làm cho việc học ngôn ngữ trở nên thú vị mà còn giúp con thoải mái hơn khi thể hiện bản thân.
4. Kể, đọc sách cho bé nghe
Kể chuyện và đọc sách là một trong những cách hiệu quả để trẻ chậm nói phát triển ngôn ngữ. Cha mẹ thường xuyên kể chuyện cho bé nghe sẽ giúp con học cách hiểu câu chuyện và tập diễn đạt suy nghĩ của mình. Các bộ sách thiếu nhi như “Chuyện của Đốm”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đều là những lựa chọn phù hợp cho trẻ chậm nói.
Việc đọc sách giúp trẻ tiếp xúc với nhiều từ ngữ mới, qua đó hình thành kỹ năng ngôn ngữ phong phú. Đặc biệt, khi kể chuyện thì phụ huynh nên khuyến khích bé tương tác bằng cách đặt câu hỏi đơn giản, tạo cơ hội để con được nói và phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên.
5. Hạn chế thiết bị điện tử
Trẻ nhỏ khi sử dụng điện thoại, máy tính bảng quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng thụ động và làm giảm khả năng giao tiếp. Cha mẹ nên giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị này, đồng thời khuyến khích con tham gia các hoạt động giao tiếp thực tế.
Đồng thời, người lớn nên kiểm soát việc sử dụng thiết bị điện tử bằng cách thiết lập thời gian cụ thể, chẳng hạn chỉ cho phép bé xem các chương trình giáo dục từ 15 – 20 phút mỗi ngày. Quan trọng hơn, việc dành nhiều thời gian tương tác trực tiếp với con sẽ giúp bé dần cải thiện khả năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả hơn.
6. Cho bé tham gia nhiều hoạt động ngoài trời
Cha mẹ nên thường xuyên tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động ngoài trời để trẻ chậm nói phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Các hoạt động như đi công viên, dạo chơi ngoài trời, đi dã ngoại gia đình đều là cơ hội để bé quan sát, trải nghiệm và biết diễn đạt qua giao tiếp với mọi người xung quanh.
Cùng với đó, những hoạt động ngoài trời mà cả trẻ và người lớn tham gia cùng nhau có thể là đá bóng, đạp xe, trò chơi đội nhóm đơn giản. Việc cha mẹ cùng chơi và tương tác với con trong các hoạt động này sẽ giúp trẻ phát triển thể chất, biết hỏi đáp, diễn đạt suy nghĩ của mình và học từ mới để cải thiện ngôn ngữ tự nhiên.
7. Dạy con những từ đơn giản trước
Các bé cần được học từ ngữ đơn giản trước khi chuyển sang những từ phức tạp hơn. Cha mẹ nên dạy con các từ quen thuộc và gần gũi trong cuộc sống hàng ngày như “ba”, “mẹ”, “ăn”, “uống”, “đi”, “ngủ”. Với sự lặp đi lặp lại và khuyến khích con nói theo, trẻ sẽ dần dần học được cách sử dụng từ ngữ trong giao tiếp.
Để việc học từ đạt chất lượng, phụ huynh có thể tạo ra các tình huống cụ thể để con thực hành nói. Chẳng hạn khi cho con ăn hãy hỏi bé muốn “ăn” hay “uống” gì. Khi đi dạo, cha mẹ có thể chỉ vào các vật xung quanh và dạy trẻ gọi tên chúng. Qua thời gian, con sẽ dần mở rộng vốn từ và phát triển ngôn ngữ tự nhiên hơn.
8. Nói chuyện với bé thường xuyên
Cha mẹ có thể tận dụng những khoảnh khắc hàng ngày như khi tắm, ăn uống hay đi dạo để trò chuyện với con. Những câu chuyện đơn giản, gần gũi với cuộc sống sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái hơn khi tương tác, từ đó khuyến khích con nói nhiều hơn.
Hơn nữa, phụ huynh có thể bắt đầu từ những chủ đề con yêu thích như về thú cưng, đồ chơi, hoạt động hàng ngày mà bé tham gia. Việc kể lại cho trẻ điều gì đã xảy ra trong ngày cũng như đặt câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu sẽ giúp các bé rèn luyện khả năng diễn đạt và học thêm từ vựng mới.
9. Dạy con tự giải quyết vấn đề của mình
Việc dạy trẻ tự giải quyết những vấn đề hàng ngày sẽ giúp bé trở nên tự lập hơn và hỗ trợ cải thiện tình trạng chậm nói. Nếu trẻ phải đối mặt với một vấn đề nào đó, hãy khuyến khích bé tự diễn đạt mong muốn, biết giải thích khó khăn mà mình gặp phải để tạo cơ hội cho con phát triển ngôn ngữ.
Người lớn có thể khuyến khích bé tự dùng lời nói, cử chỉ để diễn đạt mong muốn của mình, đồng thời cho con gợi ý khi gặp khó khăn. Việc này sẽ giúp trẻ rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ theo hướng tự nhiên và dễ hiểu.
10. Gia tăng cử chỉ giao tiếp
Gia tăng cử chỉ giao tiếp là một phương pháp hỗ trợ trẻ chậm nói phát triển ngôn ngữ hiệu quả. Lúc chưa thể diễn đạt bằng lời nói, cử chỉ là cách để bé bày tỏ mong muốn, cảm xúc của mình để người lớn hiểu. Cha mẹ nên kết hợp giữa lời nói và các cử chỉ tay chân, nét mặt khi giao tiếp với con để bé hiểu rõ hơn về ngôn ngữ.
Ngoài ra, việc sử dụng cử chỉ còn khuyến khích trẻ dần chuyển từ cử chỉ sang lời nói. Chẳng hạn như khi bé muốn uống nước, người lớn có thể chỉ vào cốc nước và cùng lúc nói “nước” để trẻ biết liên kết giữa hành động và ngôn từ. Thông qua đó, các con sẽ dần hình thành kỹ năng giao tiếp toàn diện hơn.
Nên lưu ý gì khi áp dụng các cách dạy trẻ chậm nói tại nhà?
Mỗi trẻ đều có một cách tiếp thu và phát triển ngôn ngữ riêng, vì vậy việc chọn lựa phương pháp và cách tiếp cận phù hợp là điều cần thiết. Đặc biệt, khi dạy trẻ chậm nói, cha mẹ cần chú ý đến những điều sau đây:
- Cha mẹ nên tìm kiếm những cuốn sách đã được chứng nhận và khuyến cáo từ các chuyên gia trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm nói.
- Phụ huynh cần chú ý đến thể loại âm nhạc phù hợp với độ tuổi và khả năng tiếp thu của trẻ gồm giai điệu nhẹ nhàng, dễ nghe, kết hợp với lời bài hát rõ ràng.
- Phương pháp dạy trẻ chậm nói cần được tham khảo từ các nguồn uy tín như sách, tài liệu chuyên môn và sự tư vấn của các chuyên gia.
- Khi chọn bộ tài liệu dạy trẻ, cha mẹ nên chọn lọc kỹ lưỡng và tốt nhất là dưới sự tư vấn của chuyên gia.
- Trong quá trình dạy trẻ, không ép buộc con phải học hay nói một cách máy móc.
- Tránh không bắt chước, nhại lại những lời trẻ nói sai khiến bé cảm thấy bị tổn thương, tự ti về khả năng của mình
- Trong quá trình trò chuyện và tương tác với trẻ, cha mẹ cần chú ý lựa chọn đồ chơi phù hợp với sở thích cá nhân của bé.
Cách dạy trẻ chậm nói tại nhà sẽ đạt hiệu quả tốt nhất khi có sự kiên nhẫn và thái độ tích cực từ cha mẹ. Hãy tạo ra một môi trường học tập vui vẻ và thoải mái cho con, đồng thời thường xuyên tương tác để bé phát triển ngôn ngữ tự nhiên.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ nói nhiều nhưng không rõ liệu có bất thường? Phải làm sao?
- 7 Loại sữa dành cho trẻ chậm nói mẹ nên mua ngay cho con yêu
- Trẻ chậm nói không tập trung: Nguyên nhân và cách can thiệp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!