Trẻ chậm nói ảnh hưởng đến trí tuệ không? Chuyên gia giải đáp

Trẻ chậm nói có ảnh hưởng đến trí tuệ không có lẽ là thắc mắc được đặt ra bởi rất nhiều bậc phụ huynh. Cũng bởi tỷ lệ trẻ chậm nói hiện nay đang gia tăng đáng kể và gây nên nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với khả năng giao tiếp, tương tác, học tập và sự phát triển toàn diện của mỗi trẻ nhỏ. 

Trẻ chậm nói ảnh hưởng đến trí tuệ không
Trẻ chậm nói gây nhiều cản trở đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội.

Trẻ chậm nói có ảnh hưởng đến trí tuệ không?

Chậm nói hiện là một trong các tình trạng thường gặp ở trẻ em và đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Theo kết quả nghiên cứu nhận thấy, cứ khoảng trong 10 trẻ thì sẽ có một trẻ có biểu hiện chậm nói hơn so với tốc độ phát triển ngôn ngữ bình thường.

Trẻ chậm nói vẫn có khả năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp với mọi người xung quanh, phát triển tốt về thể chất, tinh thần và các khía cạnh khác nhưng tốc độ tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ của trẻ sẽ bị hạn chế hơn so với các bạn cùng trang lứa. Tình trạng này gây nên nhiều cản trở đối với quá trình tương tác, giao tiếp giữa trẻ với những người xung quanh, gây ra nhiều cản trở trong sinh hoạt đời sống.

Trẻ chậm nói có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau và tồn tại ở nhiều dạng. Đối với những trẻ chậm nói đơn thuần thì sau khi lớn lên trẻ vẫn có khả năng phát triển ngôn ngữ như các bạn đồng trang lứa.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp trẻ chậm nói do tác động của các khiếm khuyết về thính giác, các cơ quan liên quan đến phát âm (lưỡi, vòm miệng, răng, môi) hoặc các bệnh lý như tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ thì cần được điều trị và can thiệp trong thời gian dài mới giúp trẻ phục hồi tốt. Tình trạng này nếu không được phát hiện và cải thiện tốt sẽ gây nên rất nhiều ảnh hưởng đối với đời sống, sức khỏe và nhiều khía cạnh khác của trẻ nhỏ.

Điều này khiến cho các bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng lo lắng, hoang mang không biết liệu con mình có bị ảnh hưởng gì không, có thể phát triển trí tuệ tốt trong tương lai không. Cũng bởi phần lớn những trẻ chậm nói đều khó có thể tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ một cách thành thục, thậm chí có những trẻ đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa thể nói, chưa thể học đọc và viết.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thê hiện đang là Trưởng khoa nội nhi bệnh viện Nhi Đồng 2 thì việc để xác định một trẻ chậm nói có khả năng bị ảnh hưởng đến trí tuệ không còn phải tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Phần lớn các trường hợp trẻ chậm nói đều không có ảnh hưởng quá nghiêm trọng đối với sự thông minh của trẻ nhỏ.

Trẻ chậm nói ảnh hưởng đến trí tuệ không
Phần lớn trẻ chậm nói vẫn có thể phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ ổn định.

Nếu có thể phát hiện và can thiệp tốt cho trẻ bằng các biện pháp phù hợp thì trẻ nhỏ vẫn có nhiều khả năng phát triển ngôn ngữ tốt, giao tiếp, học tập, tư duy hiệu quả. Các bậc phụ huynh cần phân định rõ giữa việc trẻ chậm nói là chậm trí tuệ.

Cụ thể, có những trẻ được chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ thường sẽ kèm theo triệu chứng chậm nói hoặc chậm vận động. Tuy nhiên, đối với những trẻ chậm nói thông thường, khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ sẽ bị hạn chế hơn so với bình thường nhưng trẻ vẫn biết bò, biết đi, vận động tốt như các trẻ khác thì đồng nghĩa với việc trẻ vẫn phát triển trí tuệ ổn định.

Trong thực tế, có rất nhiều các trường hợp trẻ chậm nói khi được can thiệp tốt vẫn phát triển ngôn ngữ, giao tiếp một cách linh hoạt, trẻ vẫn có thể đạt được nhiều thành tích nổi bật trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu trẻ chậm nói có kèm theo các dấu hiệu bất thường thì phụ huynh cũng nên nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán cụ thể để có biện pháp điều trị thích hợp nhất.

Cụ thể một số biểu hiện đáng lưu ý ở trẻ chậm nói như:

  • Trẻ không phản ứng, không quay đầu nhìn lại khi được người khác gọi tên hoặc không có bất kỳ hành động nào để đáp lại lời gọi đó.
  • Trẻ không biết vẫy tay chào.
  • Trẻ 18 tháng tuổi nhưng không có nhu cầu được tương tác, giao tiếp bằng lời nói mà phần lớn sẽ sử dụng các hành động, cử chỉ.
  • Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc nghe theo các chỉ dẫn, yêu cầu của cha mẹ hoặc những người xung quanh.
  • Trẻ gặp nhiều cản trở trong việc lặp lại những lời nói của cha mẹ, người thân.
  • Trẻ đã được 2 tuổi nhưng vốn từ hạn hẹp, chỉ có xu hướng bắt chước theo lời nói và hành động của người khác, không tự tạo ra các cụm từ, câu nói mới.
  • Giọng nói của trẻ có phần bất thường, trẻ nói nhanh, nói to, nói ngọng, nói lơ lớ, nói lắp.

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu này xuất hiện kèm với chứng chậm nói của trẻ thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám tại các bệnh viện, cơ sở chuyên khoa uy tín để giúp trẻ được chẩn đoán cụ thể và can thiệp hiệu quả. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì trẻ nhỏ từ 2 đến 3 tuổi nếu có thể được hỗ trợ tốt thì vẫn có khả năng cải thiện tốt các khó khăn về ngôn ngữ, trí tuệ.

Tuy nhiên, quá trình trị liệu và can thiệp cho trẻ chậm nói có dấu hiệu bị ảnh hưởng đến trí tuệ sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và cần kiên trì trong thời gian dài. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần phải đồng hành và nỗ lực cùng trẻ, giúp trẻ có thêm động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này, tạo cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ trong tương lai.

Nguyên nhân trẻ chậm nói

Trẻ chậm nói có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với những trẻ chậm nói đơn thuần thì nó có thể liên quan đến các sinh hoạt đời sống hàng ngày, môi trường sống, sự giáo dục của cha mẹ hoặc các yếu tố khác.

Tình trạng này có thể dễ dàng được khắc phục nếu trẻ dần được loại bỏ tốt các nguyên nhân và xây dựng lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, chậm nói ở trẻ có thể hình thành từ các hội chứng nguy hiểm hơn và tình trạng này có thể làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ.

Cụ thể, một số nguyên nhân có thể gây chậm nói ở nhiều trẻ nhỏ như:

1. Do chậm phát triển ngôn ngữ

Mỗi đứa trẻ sẽ có tốc độ phát triển ngôn ngữ khác nhau. Có những trẻ đã có thể nói được từ khi hơn 1 tuổi nhưng cũng có các trường hợp trẻ nhỏ sau 2 đến 3 tuổi mới có thể nói được một vài từ, vài cụm từ đơn giản. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì chậm nói ở trẻ có khả năng là biểu hiện của sự trì trệ về ngôn ngữ liên quan đến thể chất và cả tinh thần.

  • Về thể chất

Chậm nói ở trẻ có thể do sự khiếm khuyết về hoạt động của các cơ quan như lưỡi, vòm miệng, trẻ bị dính thắng lưỡi, hở hàm ếch. Các cử động của lưỡi bị hạn chế, dây hãm ở lưỡi ngắn sẽ khiến trẻ khó phát âm, khó tạo ra lời nói.

Bên cạnh đó, khả năng nghe của trẻ cũng được xem là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng chậm tiếp thu ngôn ngữ, chậm nói ở trẻ. Nếu hoạt động của thính giác bị hạn chế thì trẻ nhiều khả năng trẻ không thể phát triển ngôn ngữ một cách thuận lợi.

Chính vì thế, ngay khi trẻ vừa mới chào đời, các bậc phụ huynh thường khuyến khích gia đình nên cho trẻ tiến hành kiểm tra thính lực để kịp thời phát hiện và can thiệp tốt trong giai đoạn sớm. Việc trẻ khó nghe hoặc thậm chí không nghe được sẽ gây nên nhiều cản trở đối với quá trình bắt chước, học hỏi và phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.

  • Về tâm lý

Hiện nay, có nhiều ông bố bà mẹ do quá cưng chiều con cái nên luôn chiều theo các mong muốn, yêu cầu của con. Thậm chí có nhiều gia đình còn liên tục cho trẻ sử dụng điện thoại, iPad từ rất sớm khiến trẻ không còn nhu cầu được tương tác trực tiếp bên ngoài.

Ngoài ra, sự vô tâm, lạnh nhạt và thiếu tình yêu thương cũng có thể khiến cho nhiều trẻ nhỏ cảm thấy bị cô đơn, lạc lõng và dần thu mình, không muốn giao tiếp, nói chuyện với bất kỳ ai. Tình trạng này có thể gây nên nhiều cản trở tâm lý đối với trẻ, thậm chí làm gia tăng nguy cơ bị trầm cảm, lo âu.

2. Chậm nói do tự kỷ

Tự kỷ được xem là một trong các nguyên nhân phổ biến có thể gây nên tình trạng chậm nói và làm ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ. Phần lớn những trẻ tự kỷ đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, kèm theo đó trẻ cũng sẽ có những hành vi bất thường, sa sút về mặt trí tuệ, nhận thức, tư duy.

Trẻ chậm nói ảnh hưởng đến trí tuệ không
Trẻ chậm nói do tự kỷ có khả năng gây ảnh hưởng đến trí tuệ, sự thông minh.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp trẻ chậm nói đều được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Tốt nhất, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiến hành thăm khám sớm ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường để trẻ có thể kịp thời được can thiệp và điều trị tốt.

3. Hội chứng Einstein

Hội chứng Einstein nhằm nói đến những đứa trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ nhưng sở hữu một tài năng vượt trội, một trí nhớ siêu phàm, khả năng tư duy tốt. Trong những năm tháng đầu đời, tốc độ phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ bị hạn chế và chậm hơn so với bình thường nhưng về sau trẻ có thể tăng tốc và nâng cao các kỹ năng vượt trội ở nhiều khía cạnh đời sống.

Cụ thể nhưng trẻ chậm nói do hội chứng Einstein sẽ có kèm các biểu hiện sau:

  • Trẻ có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt, phân tích nhanh.
  • Trí nhớ tốt
  • Phân tích vấn đề nhanh chóng, chính xác.
  • Có hành vi và ý chí mạnh mẽ, kiên cường.
  • Có sự tập trung cao độ.
  • Bị hạn chế về các hoạt động, sinh hoạt đời sống như đi vệ sinh, tương tác xã hội,…
  • Không thích vui chơi, hòa nhập với bạn bè.

Trẻ chậm nói dù xuất phát từ bất kỳ nguyên nhân nào cũng cần được can thiệp và hỗ trợ tốt bằng nhiều biện pháp khác nhau. Cũng bởi ngôn ngữ chính là công cụ quan trọng để trẻ có thể giao tiếp, học tập tốt nên các bậc phụ huynh cần phải chú ý quan tâm và hỗ trợ trẻ thật tốt, đặc biệt là trong những năm đầu đời.

Trẻ chậm nói nếu có liên quan đến các hội chứng, bệnh lý nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến khả năng tư duy và trí tuệ thì cần được can thiệp trong giai đoạn sớm. Quá trình cải thiện cho trẻ nhỏ có thể gặp nhiều khó khăn, cản trở nhưng nếu kiên trì trong thời gian nhất định, kết hợp tốt các biện pháp can thiệp phù hợp thì trẻ nhỏ vẫn có khả năng phát triển ngôn ngữ, trí tuệ ổn định.

Cha mẹ nên làm gì khi con chậm nói?

Như đã chia sẻ, chậm nói tuy là một trong các tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng phần lớn không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Nếu các bậc phụ huynh có thể phát hiện và can thiệp ở giai đoạn sớm thì trẻ sẽ có thêm nhiều cơ hội để cải thiện và hòa nhập tốt hơn trong tương lai.

Hiện nay có rất nhiều các phương pháp được đánh giá cao về hiệu quả và sự an toàn trong việc hỗ trợ trẻ chậm nói phát triển tốt ngôn ngữ. Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của mỗi đứa trẻ mà các bác sĩ, chuyên gia sẽ cân nhắc áp dụng các liệu pháp phù hợp.

Song song với việc tuân thủ tốt các biện pháp hỗ trợ chuyên khoa thì gia đình, cha mẹ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình cải thiện ngôn ngữ cho trẻ chậm nói. Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu thông tin, nắm rõ tình trạng của trẻ nhỏ và tham vấn cùng bác sĩ chuyên khoa để biết được cách hỗ trợ, can thiệp tốt cho trẻ tại nhà.

Trẻ chậm nói ảnh hưởng đến trí tuệ không
Đọc sách, kể chuyện là hoạt động hiệu quả giúp trẻ chậm nói gia tăng vốn từ, kích thích ngôn ngữ.

Cụ thể một số biện pháp có thể được áp dụng hiệu quả như:

  • Thường xuyên giao tiếp, trò chuyện với trẻ để kích thích nhu cầu được tương tác của trẻ nhỏ. Khi nói chuyện cần giữ vị trí ngang tầm mắt với trẻ, gây sự chú ý để trẻ có thể tập trung và tiếp thu tốt hơn.
  • Tuyệt đối không được bắt chước ngôn ngữ hay cười nhạo, chê bai cách phát âm của trẻ. Nếu trẻ nói những từ chưa đúng, chưa chính xã thì hãy nhẹ nhàng điều chỉnh, hướng dẫn để trẻ sửa đổi tốt hơn.
  • Sử dụng đồ chơi để dạy trẻ chậm nói chính là biện pháp được nhiều chuyên gia khuyến khích áp dụng. Các món đồ chơi mà trẻ yêu thích như ô tô, thú nhồi bông, lego có thể kích thích sự hứng thú đối với trẻ. Cha mẹ nên chơi cùng con và hướng dẫn cho con cách đọc tên, đọc màu sắc, công dụng của các món đồ chơi để trẻ học hỏi và gia tăng vốn từ hiệu quả hơn.
  • Trẻ chậm nói có thể cải thiện tốt ngôn ngữ thông qua các thẻ đọc con vật, đồ vật, hoa quả,….Cha mẹ trong lúc trò chuyện, vui chơi hãy chỉ cho trẻ cách gọi tên và chờ đợi trẻ phản hồi.
  • Tạo cho trẻ nhiều cơ hội để được tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời. Trẻ nhỏ khi được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ sẽ dần gia tăng sự tò mò, khám phá, từ đó học hỏi thêm được nhiều điều mới. Đồng thời, trẻ cũng có thể gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè, kết nối và tương tác mạnh mẽ hơn.
  • Để trẻ phát triển ngôn ngữ và nói tốt hơn, cha mẹ nên cho trẻ tự xử lý thông tin và nêu ra các mong muốn của bản thân. Ví dụ như khi cha mẹ đặt ra một yêu cầu nào đó, hãy để cho trẻ có thời gian phân tích và thực hiện chúng. Hoặc khi trẻ thể hiện nhu cầu của bản thân, hãy chờ đợi trẻ nói ra điều đó thay vì cố gắng đáp ứng ngay lập tức.
  • Nên kiểm soát và quản lý thời gian sử dụng điện thoại của trẻ, không cho trẻ tiếp xúc quá nhiều đến các thiết bị điện tử. Thay vào đó hãy đọc sách, kể chuyện cho con nghe, tìm kiếm những nội dung phù hợp và hấp dẫn đúng với lứa tuổi của con.
  • Nếu trẻ đã đến tuổi đi học hãy tạo điều kiện để trẻ được đến trường. Tại đây trẻ sẽ được giáo viên hướng dẫn cho cách tự chăm sóc bản thân, tự ăn, tự uống, tự đòi đi vệ sinh, tự ngủ,…Đồng thời, để hòa nhập tốt với bạn bè và các thầy cô, trẻ bắt buộc phải học cách sử dụng ngôn ngữ, cố gắng gia tăng khả năng nói, giao tiếp của bản thân.

Thông tin bài viết trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Trẻ chậm nói có ảnh hưởng đến trí tuệ không?”. Tốt nhất các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiến hành thăm khám ngay khi nhận thấy trẻ có biểu hiện chậm ngôn ngữ. Sau khi xác định được mức độ và nguyên nhân thì nên áp dụng tốt các biện pháp can thiệp để giúp trẻ cải thiện và phòng chống các hệ lụy nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *