5 Cách níu kéo hôn nhân để giữ được hạnh phúc gia đình

Không giống với những cặp đôi yêu nhau, mối quan hệ vợ chồng cần phải có cả trách nhiệm và sự nhẫn nhịn để có thể chung sống hạnh phúc với nhau đến cuối đời. Đôi khi, chúng ta cần phải hạ bớt cái tôi của mình để tìm cách níu kéo hôn nhân, gìn giữ mái ấm cho gia đình nhỏ của mình. 

Cách níu kéo hôn nhân
Trong hôn nhân, đôi lúc bạn cần hạ thấp cái tôi của bản thân để níu kéo, gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Làm sao để níu kéo hôn nhân đang ở bờ vực thẳm?

Khi đã bước vào một mối quan hệ hôn nhân, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mong muốn có được một cuộc sống hạnh phúc, cùng nhau xây dựng và vun đắp cho gia đình nhỏ của chính mình. Các cặp vợ chồng luôn hi vọng có thể yêu thương và nắm tay nhau đi đến hết cuộc đời. Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều là những cá thể khác nhau, có những suy nghĩ và quan điểm riêng nên dù bạn có yêu nhau đến mấy cũng sẽ có những lúc bất đồng quan điểm, có đôi khi không thể cùng chung tiếng nói.

Bên cạnh đó, hôn nhân là một quãng đường dài và rộng, vì thế khó tránh khỏi những lúc chúng ta cảm thấy chán nhau, những lúc mâu thuẫn cãi vã khiến hôn nhân rơi xuống bờ vực thẳm. Có những người ngay khi xảy ra vấn đề trong hôn nhân sẽ đưa ra quyết định ly hôn ngay lập tức. Nhưng cũng có những người muốn níu kéo, muốn gìn giữ chính hạnh phúc mà mình đã lựa chọn.

Chẳng có gì sai trái khi bạn cảm thấy quyến luyến và tìm cách để níu kéo hôn nhân. Đây là một chuyện hết sức bình thường và đôi khi cũng nên làm để có được một mối quan hệ lâu bền, tránh việc nóng giận mà đưa ra những quyết định khiến bản thân phải hối tiếc. Bởi rất nhiều lý do khác nhau, mà nhiều người đã lựa chọn việc hàn gắn, tiếp tục níu kéo thay vì ly hôn, chấm dứt cuộc hôn nhân.

Tuy nhiên, hôn nhân là của riêng bạn, mọi quyết định đều sẽ phụ thuộc vào bạn. Điều duy nhất mà bạn cần làm trước khi lựa chọn níu kéo hay ly hôn đó chính là xem người ấy có thực sự xứng đáng, cuộc hôn nhân của bạn có còn cứu vãn được không.

Nếu cuối cùng, quyết định của bạn là muốn giữ lấy mối quan hệ này thì bạn có thể tham khảo một số cách níu kéo hôn nhân sau đây:

1. Hãy đặt mình vào vị trí của đối phương

Cách tốt nhất để cứu vãn cuộc hôn nhân đang rạn nứt đó chính là hãy thử một lần đặt mình vào vị trí của đối phương để có thể suy nghĩ, thấu hiểu tình cảm, tâm tư của họ. Đồng thời, khi cho phép bản thân ở trong một vị trí khác, bạn cũng sẽ hiểu hơn về những lo âu, ưu phiền và những gì họ đang phải đối mặt.

Hãy thử đặt mình vào vị trí của một cô vợ có một ông chồng suốt ngày rượu chè, hay cáu gắt, không biết phụ giúp việc nhà, mặt mày cau có mỗi khi vợ không làm đúng theo ý muốn của chồng. Hãy thử làm một ông chồng suốt ngày nghe vợ cằn nhằn, nói chuyện cọc cằn, không thông cảm, thấu hiểu. Nếu đổi lại là bạn, bạn liệu có chấp nhận không?

Cách níu kéo hôn nhân
Hãy thử làm vợ một ngày, các ông chồng sẽ thấu hiểu được những vất vả mà cô ấy đang phải chịu đựng.

Trước khi trách móc bạn đời của mình, bạn hãy dành thời gian suy nghĩ dựa trên quan điểm và đứng ở vị trí của họ mà nhận xét về vấn đề. Hãy thử một tuần trở thành cô vợ đảm đang hoặc ông chồng tất bật với công việc để có thể thấu hiểu được những khó khăn mà đối phương đang phải chịu đựng.

Chúng ta đều là những con người bằng da bằng thịt, đều có những cảm xúc và tình cảm như nhau. Chính vì thế, đừng vội đánh giá và phán xét về một người nào đó chỉ qua lăng kính phiến diện của bản thân, đừng tự cho phép mình cái quyền được đối xử một cách lạnh nhạt, bất công với chính người đầu ấp tay gối với mình.

Để có thể níu kéo hôn nhân, giữ được một gia đình hạnh phúc thì trước khi hành xử hay đưa ra bất kì quyết định nào bạn cũng nên thử đặt mình vào vị trí của nửa kia để có thể thấu hiểu hơn. Chỉ có như vậy, cả hai mới cùng nhau xây dựng được một mái ấm hạnh phúc, vui vẻ và bền lâu.

2. Hạ bớt cái tôi, đón nhận nỗ lực hàn gắn

Khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng trong mối quan hệ hôn nhân thì điều đầu tiên bạn cần làm đó chính là hạ bớt cái tôi của bản thân và học cách chấp nhận. Cũng bởi, thời gian lâu dài cùng nhau chung sống chúng ta khó có thể tránh khỏi những xung đột, những lúc không hài lòng về nhau. Do đó, bạn cũng nên biết cách nhường nhịn để tránh những cuộc cãi vã không đáng có trong đời sống vợ chồng, bởi “một điều nhịn bằng chín điều lành”.

Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những lúc mắc phải sai lầm và có những cái sai mà bạn có thể tha thứ được. Vì thế, nếu đối phương từng gây cho bạn những tổn thương, từng mắc phải lỗi lầm nào đó nhưng nếu điều đó có thể tha thứ thì bạn hãy cố gắng đón nhận sự hàn gắn từ họ. Nếu bạn cứ cố gắng dồn họ vào bước đường cùng thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đang đẩy cuộc hôn nhân của mình vào ngõ cụt.

Lúc này cả hai hãy cùng nhau ngồi lại, trao đổi và tìm ra hướng giải quyết thích hợp. Sau những xung đột, cãi vã thì điều cần làm là tìm cách để hàn gắn chứ không phải nghĩ ngay đến việc ly hôn. Khi bạn liên tục tìm kiếm giải pháp cũng sẽ phần nào khiến đối phương cảm thấy an ủi và cảm nhận được sự chân thành từ bạn. Tình cảm vợ chồng không nên vì những lúc nóng giận mà trở nên chia cắt, hãy luôn cố gắng vì nhau để xây dựng một mái ấm tràn ngập tiếng cười.

3. Cùng nhau trò chuyện, chia sẻ thẳng thắn

Cuộc sống hôn nhân với nhiều trách nhiệm, với nhiều sự lo toan về kinh tế nên khiến cho nhiều cặp vợ chồng dần quên đi sự lãng mạn, không còn những câu nói ân cần, quan tâm, những cái ôm ấm áp hoặc những lời nói an ủi, động viên. Thay vào đó là những sự khó chịu dành cho nhau, cả hai dần không còn dành cho đối phương những giây phút ngọt ngào của thuở ban đầu.

Chính vì thế, hãy dành cho nhau nhiều thời gian hơn, cùng nhau chia sẻ và trò chuyện về những suy nghĩ, cảm xúc và những khó khăn mà bản thân đang gặp phải. Lời nói có sức mạnh vô cùng lớn, nó có thể làm tổn thương và giết chết đi tâm hồn của một người nhưng cũng sẽ là chìa khóa để hóa giải mọi hiểu lầm, mọi khoảng cách.

Đặc biệt là trong mối quan hệ vợ chồng, cần phải có những giây phút chia sẻ, thổ lộ cùng nhau để có thể thấu hiểu, động viên nhau nhiều hơn. Nếu muốn hàn gắn tốt cuộc hôn nhân thì bạn phải khôn khéo trong việc sử dụng lời nói, càng khéo léo thì người bạn đời của bạn sẽ càng biết cách lắng nghe hơn.

Cách níu kéo hôn nhân
Trò chuyện thẳng thắn, nhẹ nhàng với nhau là cách tốt nhất để hàn gắn hạnh phúc hôn nhân.

Đừng bao giờ sử dụng những lời nói khiêu khích, hống hách hay nói chuyện quá to tiếng, quát nạt, xúc phạm lẫn nhau. Bạn càng hổ báo bao nhiêu thì cuộc hôn nhân của bạn sẽ càng khó cứu vãn bấy nhiêu. Đồng thời, việc bạn liên tục to tiếng, quát mắng đôi lúc chỉ khiến đối phương cảm thấy sợ chứ không phục và rồi đến một lúc nào đó họ cũng sẽ “tức nước vỡ bờ”.

Chính vì thế, để hòa giải và níu kéo hôn nhân thì cách tốt nhất là nên trò chuyện, chia sẻ nhẹ nhàng với nhau. Cả hai hãy nói cho nhau biết về những suy nghĩ, cảm nhận của mình và cùng nhau lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhau. Chỉ có như thế thì vợ chồng mới biết cách thông cảm, hi sinh và nỗ lực phấn đấu cho gia đình nhỏ của mình, cho tình yêu của cả hai.

4. Thỏa hiệp và quên đi quá khứ

Cuộc sống hôn nhân muốn được bền chặt thì cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau. Bạn không nên lúc nào cũng tự ý làm theo những điều mà mình muốn, đừng cố gắng ép bạn đời phải hành động theo sở thích của bạn và đừng biến họ trở thành một cỗ máy, một công cụ chỉ để phục vụ bạn. Cách tốt nhất để níu kéo hôn nhân và duy trì tình yêu bền vững đó chính là tôn trọng, cùng nhau thỏa hiệp.

Thỏa hiệp không đồng nghĩa với thua cuộc hoặc phó mặc cho tất cả mọi thứ. Mà sự thỏa hiệp chính là yếu tố giúp bạn có thể vun đắp và bảo vệ được hạnh phúc của gia đình mình. Bạn nên hiểu rằng, không có ai là trọn vẹn và không ai có thể đáp ứng tất cả những ham muốn và mơ ước của bạn dù họ có yêu bạn đến nhường nào. Chính vì thế, bạn hãy học cách chấp nhận và dần đưa ra sự thỏa hiệp để cả vợ và chồng đều cảm thấy thoải mái trong mối quan hệ này.

Nếu chồng bạn là một người thành công, giỏi kiếm tiền thì chắc hẳn anh ấy sẽ không có quá nhiều thời gian dành cho bạn. Vì thế, bạn hãy bắt đầu tự thỏa hiệp với bản thân, tự tạo cho mình những niềm vui, tìm kiếm những điều thú vị để giải trí, thư giãn để tự an ủi cho bản thân. Đồng thời, hãy trao đổi với đối phương về việc bạn thực sự muốn ở cạnh anh ấy, muốn anh ấy dành thời gian cho bạn. Một tuần hoặc một tháng cả gia đình có thể sắp xếp thời gian để cùng nhau ra ngoài dạo chơi, cùng đi picnic hoặc đơn giản là những bữa ăn ấm cúng tại nhà.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên học cách quên đi quá khứ của bạn đời, đừng để quá khứ làm ảnh hưởng đến hạnh phúc hiện tại của bạn. Nếu bạn đã chấp nhận tha thứ vì những sai lầm đã qua thì tốt nhất không nên nhắc lại và cũng không nên lấy điều đó ra dằn vặt chồng/ vợ của mình. Hãy học cách sống và cố gắng cho hiện tại cùng tương lai sau này và hãy quên đi những quá khứ không tốt đẹp đó.

5. Hãy thử ly thân

Nhiều người cho rằng, ly thân chính là một trong các bước đệm để dẫn đến nhiều cuộc ly hôn. Tuy nhiên, đôi lúc việc ly thân, cho nhau một thời gian để suy nghĩ về sự quan trọng của đối phương cũng là một trong các cách tốt để níu kéo hôn nhân. Nếu bạn đã thử những cách trên nhưng không thể gắn kết được tình cảm gia đình thì hãy thử ly thân, tạm rời xa nhau một thời gian để xác định về mối quan hệ này.

Đôi khi cuộc sống hôn nhân quá nhàm chán, cả hai đã quen dần với những thói quen cũ nên khiến tình cảm vợ chồng không còn mặn nồng được như trước. Do đó, ly thân cũng là một cách hay để giúp vợ chồng trải nghiệm những điều mới mẻ và nhận ra tầm quan trọng của nửa kia trong lòng mình.

Một số cuộc hôn nhân không nên níu kéo

Níu kéo hôn nhân chưa bao giờ là một hành vi sai trái bởi tình cảm và gia đình là của chính bạn, chỉ có bạn mới có thể quyết định nó. Không ai muốn gia đình rạn nứt, không bất kì cặp vợ chồng nào muốn ly hôn sau những năm tháng đã yêu nhau, dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp. Tuy nhiên, có những kiểu hôn nhân thực sự không đáng để chúng ta phải cố gắng níu giữ, bởi càng cố gắng thì người tổn thương lại chính là bản thân bạn.

Cách níu kéo hôn nhân
Có những cuộc hôn nhân, bạn càng níu kéo, càng mang lại những sự tổn thương

Nếu bạn đang rơi vào một cuộc hôn nhân dưới đây thì hãy nên cân nhắc kỹ lưỡng về việc cố gắng ra sức níu kéo đối phương:

1. Cuộc hôn nhân đầy bạo lực

Bạo lực trong hôn nhân chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ từ xã hội và cộng đồng. Nếu bạn liên tục là nạn nhân của những vụ hành hung, bạo lực gia đình và người đánh đập bạn không ai khác chính là người vợ, người chồng thì bạn không nên dành thời gian để hàn gắn, níu kéo. Cuộc sống vợ chồng sẽ có những lúc cãi vã, những khi mâu thuẫn, xung đột nhưng nếu nửa kia của bạn thường xuyên sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề thì người đó không xứng đáng có được sự bao dung và cảm thông từ bạn.

2. Cuộc hôn nhân không có trách nhiệm

Hôn nhân không trách nhiệm sẽ không bao giờ có thể cùng nhau đi đến được hết quãng đời còn lại. Cũng bởi, để có được một gia đình hạnh phúc thì các thành viên cần có sự tôn trọng và có trách nhiệm chăm lo cho tổ ấm của chính mình. Cả vợ và chồng đều phải cùng nhau vun vén cho gia đình, cùng nhau san sẻ những khó khăn, mệt mỏi về cơm áo gạo tiền hoặc cả việc chăm sóc con cái.

Sống với một người vô trách nhiệm, tất nhiên bạn phải cố gắng gồng mình để gánh vác luôn cả phần của người đó. Bạn có thể nỗ lực trong một khoảng thời gian ngắn nhưng không thể gánh vác suốt cả một cuộc đời. Lâu ngày bạn sẽ dần trở nên chán nản, mệt mỏi về cả mặt tinh thần lẫn thể chất.

3. Sự phản bội trong hôn nhân

Tình yêu và cả hôn nhân luôn cần được xây dựng trên sự tin tưởng và chung thủy. Cho dù bạn là người sống vô cùng vô tư và có lòng bao dung rộng lớn nhưng cũng không được phép dung túng cho sự phản bội. Bạn cần phải sáng suốt trong việc đánh giá và xem xét có nên tha thứ cho cho sự lừa dối đó hay không.

Đàn ông vì nhiều lý do khác nhau nên thường có những mối quan hệ ngoài luồng. Nếu anh ta kịp thời sửa đổi và cố gắng bù đắp tổn thương thì cũng xứng đáng để bạn tha thứ, gìn giữ hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu anh ấy “ngựa quen đường cũ” nhiều lần thì chắc hẳn bạn tuyệt đối không được mềm lòng vì chính bạn là người phải chịu nhiều tổn thương nếu cứ tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân phản bội này.

4. Cuộc hôn nhân vì sĩ diện

Nhiều người luôn muốn tô vẽ cho cuộc hôn nhân của mình thêm phần màu sắc và muốn được mọi người nhìn ngắm với sự ngưỡng mộ, trầm trồ. Chính vì thế, họ luôn cố gắng để trở thành một hình mẫu lý tưởng trong đời sống hôn nhân, bất kể khi họ có đang thực sự hạnh phúc hay không. Có những trường hợp dù đời sống vợ chồng không được vui vẻ, cả hai liên tục cãi vã, mâu thuẫn hoặc thậm chí là không còn quan tâm nhau nhưng vì sỉ diện nên vẫn cố gắng gượng để cùng nhau chung sống.

Tuy nhiên, một cuộc hôn nhân vì sĩ diện sẽ mang đến cho bạn nhiều sự mệt mỏi, bạn sẽ phải luôn gồng mình để trở thành một người vợ, người chồng tuyệt vời trong mắt người khác. Và chắc chắn rằng khi cuộc sống hôn nhân không được như mong ước, thậm chí bên trong đã trở thành đống đổ nát thì họ vẫn sẽ bám víu để không làm mất thể diện của mình. Do đó, nếu bạn cứ cố gắng duy trì một cuộc hôn nhân chỉ vì sỉ diện của bản thân thì sẽ càng gia tăng sự đau khổ cho chính bản thân mình.

Trên đây là một số cách giúp bạn có thể khôn khéo níu kéo cuộc sống hôn nhân của mình để giữ được hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng nên hàn gắn, níu giữ. Bởi có những cuộc hôn nhân càng giữ lại càng đau, vì thế hãy suy nghĩ cân nhắc thật kỹ để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Tham khảo thêm:

1/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *