Gia đình độc hại là gì? Đặc điểm nhận dạng và cách thoát khỏi
Những đứa trẻ sống trong gia đình độc hại luôn đầy ắp những lỗ hổng về mặt cảm xúc, tính cách. Cũng bởi cách giáo dục của gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống tinh thần lẫn vật chất của mỗi con người.
Gia đình độc hại là gì?
Gia đình chính là chỗ dựa tinh thần, là bến đỗ an toàn và vững chắc cho mỗi chúng ta. Trong thực tế, bất kì bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con cái của mình nhận được những điều tốt đẹp và quý giá nhất. Tuy nhiên, vẫn có không ít các bậc làm cha mẹ lại lấy danh nghĩa tình yêu thương để thực hiện những hành vi tiêu cực, dành những lời nói gây tổn thương lên chính con cái của mình.
Biết rằng mỗi gia đình là một thế giới thu nhỏ, mỗi bậc cha mẹ sẽ có cách nuôi dạy con cái khác nhau. Trong cuộc sống gia đình chắc hẳn không thể tránh khỏi những lúc cãi vã, bất đồng quan điểm và xảy ra những mâu thuẫn. Tuy nhiên, một số gia đình lại có những hành vi có hại, không tôn trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình hay còn gọi là gia đình độc hại.
Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong gia đình độc hại thường sẽ bị tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần. Trẻ nhỏ sẽ cảm thấy tù túng, bị kiểm soát, khó chịu trong chính mái ấm của mình. Đồng thời, trẻ không thể phát huy tốt năng lực của bản thân, không được tôn trọng hay tự ý quyết định cuộc sống của chính mình.
Nếu không sớm giúp trẻ thoát ra khỏi cuộc sống với gia đình độc hại sẽ khiến cho tâm lý của trẻ nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ cao hình thành các vấn đề tâm lý nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn chức năng, nghiện rượu hoặc nhiều đứa trẻ sẽ trở thành cha mẹ độc hại, xây dựng gia đình độc hại trong tương lai.
Các kiểu gia đình độc hại thường gặp
Thực tế, có không ít các trường hợp cha mẹ có những phương pháp giáo dục con cái chưa phù hợp. Đây được xem là một việc khá bình thường bởi không phải ai cũng có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều sự khác nhau giữa các gia đình lành mạnh và gia đình độc hại. Những đứa trẻ sống trong gia đình độc hại phải thường xuyên đối mặt với những hành vi tiêu cực, những lời nói xúc phạm, chỉ trích nặng nề khiến cho tâm hồn trẻ dần bị tổn thương và chai sạn.
Có rất nhiều dạng gia đình độc hại khác nhau, mỗi gia đình sẽ có cách biểu hiện riêng biệt. Dưới đây là một số thông tin về các kiểu gia đình độc hại phổ biến nhất hiện nay.
1. Gia đình có cha mẹ kinh thường, không xem trọng con cái
Thông thường, các bậc phụ huynh đều cho rằng con cái con nhỏ và cần phải nghe theo lời chỉ dạy của người lớn. Tuy rằng điều này không hoàn toàn sai nhưng con trẻ vẫn có những suy nghĩ và ý kiến riêng của mình, đồng thời không phải lúc nào người lớn cũng có những quan điểm đúng đắn.
Đối với những đứa trẻ sống trong gia đình có cha mẹ khinh thường, không công nhận sự cố gắng của con thì trẻ sẽ trở nên nhút nhát, e dè và sợ sệt. Những kiểu gia đình này sẽ không bao giờ nhìn vào sự nỗ lực của con trẻ, lúc nào dành những lời nói chỉ trích, hạ nhục, chê bai đối với con cái.
Dù trẻ có cố gắng và phấn đấu nhiều đến mức nào thì kết quả nhận được cũng chỉ là những lời nhạo báng, khinh khi, đổ lỗi của chính những người thân thiết trong gia đình. Theo chia sẻ của một cậu bé đã từng sống trong gia đình độc hại cho biết, khi cậu đi khám bệnh cùng với mẹ, trong lúc ngồi chờ cậu đã mở một quyển sách ra đọc và mọi người xung quanh đều dành lời khen cho cậu. Tuy nhiên, mẹ cậu lại không công nhận điều đó và liền nói “Nó giả vờ chăm chỉ thế thôi”.
2. Gia đình có “mẹ hổ”
“Mẹ hổ” là từ thường được sử dụng cho những bà mẹ quá mạnh mẽ, quá nghiêm khắc và cứng nhắc trong gia đình, đặc biệt là với con cái. Những người mẹ này thường sẽ có các đặc điểm như kiêu ngạo, luôn tự cho mình là đúng, hay soi mói và rất nghiêm khắc. Họ thường yêu cầu và bắt buộc con cái phải nghe theo lời của mình, đồng thời họ cũng có xu hướng muốn kiểm soát, thậm chí là thao túng cuộc sống của con.
“Các nhà nghiên cứu nói rằng “hổ mẹ” – một thuật ngữ được sử dụng bởi giáo sư trường Luật Yale, Amy Chua để mô tả phong cách nuôi dạy con cái của chính bà trong cuốn hồi ký năm 2011 “Battle Hymn of the Tiger Mother” – có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ em và thành công trong học tập.” – Theo chia sẻ của hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ.
3. Gia đình “than nghèo kể khổ”
Tuy rằng không phải gia đình nào cũng có đầy đủ điều kiện đảm bảo tốt về vật chất cho con. Nhưng về căn bản thì sự nghèo khó cũng không đồng nghĩa với việc khắc nghiệt về vật chất. Các bậc cha mẹ nên dạy con cái cách để chúng trở nên mạnh mẽ và độc lập hơn.
Nếu gia đình lúc nào cũng “than nghèo kể khổ” với con cái thì dần sẽ khiến chúng bị thấm nhuần sự nghèo khó ngay từ nhỏ và khi lớn lên chúng sẽ quá chú trọng vào tiền bạc, tài chính mà quên đi những yếu tố cần thiết xung quanh. Trẻ nhỏ sẽ có xu hướng trở nên keo kiệt, tính toán ngay cả khi chúng đã khá giả, có điều kiện kinh tế ổn định.
4. Gia đình có cha mẹ nghiện rượu
Đây là loại gia đình độc hại rất phổ biến hiện nay, nhầm nói đến những gia đình có cha mẹ hoặc người thân cùng sinh sống nhưng lại có thói quen sử dụng rượu bia quá mức. Nếu những thành viên trong gia đình liên tục uống bia rượu, về nhà trong trạng thái mất kiểm soát, không tỉnh táo thì dễ khiến cho bầu không khí xung quanh trở nên tiêu cực, u ám.
Đồng thời, những bậc phụ huynh chỉ biết đến rượu bia chắc hẳn không có khả năng tốt trong việc nuôi dạy và giáo dục con cái. Hơn thế, khi thường xuyên trong trạng thái say sỉn, họ còn có nhiều xu hướng bạo hành, sử dụng những lời nói không phù hợp đối với con trẻ.
5. Gia đình quá kỳ vọng vào con cái
Biết rằng bất kì bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình thông minh, tài giỏi và có được những thành tích vượt trội. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ có một tài năng khác nhau, việc bắt ép trẻ quá mức đôi khi sẽ tạo nên áp lực to lớn đối với trẻ nhỏ.
Kiểu gia đình này muốn nói đến những bậc cha mẹ, những người thân trong gia đình luôn đặt quá nhiều kỳ vọng vượt khả năng của con cái. Cha mẹ luôn bắt ép con phải học tập ngày đêm, phải đạt được những thành tựu đáng mong đợi và đưa ra những mục tiêu xa vời với trẻ.
Thông thường, những kiểu gia đình này sẽ không quá quan tâm đến cảm xúc và những mong muốn của con cái. Họ chỉ muốn con phải đạt được những điều mà họ đang kỳ vọng và liên tục bắt ép con phải làm theo những điều mà họ đưa ra, kể cả khi những điều đó không phù hợp với thực tế.
6. Gia đình mâu thuẫn triền miên
Đây là kiểu gia đình mà các thành viên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Trong thực tế thì cuộc sống gia đình chắc hẳn sẽ không thể tránh khỏi những lúc bất đồng ý kiến, xảy ra xung đột. Tuy nhiên, những kiểu gia đình độc hại này thì liên tục tranh cãi về những chuyện vụn vặt trong cuộc sống, mỗi người mỗi ý và không ai tôn trọng hay lắng nghe ai.
Việc liên tục chứng kiến gia đình cãi vã, mâu thuẫn sẽ khiến con cái càng thêm căng thẳng, lo lắng và có cảm giác thiếu an toàn. Trẻ nhỏ cũng có xu hướng hình thành tính cách nhút nhát, sợ sệt, thu mình lại. Hoặc một số trẻ sẽ học theo cách cư xử của cha mẹ, giải quyết vấn đề bằng lời nói, thường xuyên mắng chửi người khác.
7. Gia đình bạo hành
Nhiều gia đình hay áp dụng câu nói “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, việc đánh mắng và bạo hành con cái là 2 hành vi hoàn toàn khác nhau. Những kiểu gia đình độc hại luôn sẽ lấy danh nghĩa của tình yêu thương để đánh đập, hành hạ con cái bằng đòn roi.
Bên cạnh đó, cũng có không ít các trường hợp gia đình có cha mẹ lạm dụng, bạo hành tình dục đối với con cái. Đây được xem là trải nghiệm tồi tệ và kinh hoàng nhất đối với trẻ nhỏ, nó có thể khắc sâu vào trong tâm trí và khiến trẻ bị tổn thương tinh thần một cách nặng nề.
Cách nhận biết bạn đang sống trong gia đình độc hại
Việc sống trong một gia đình độc hại sẽ khiến cho trẻ nhỏ chịu nhiều tổn thương về cả mặt tinh thần và thể chất. Để giúp trẻ thoát khỏi những nỗi đau này thì trước tiên bạn cần biết cách xác định và nhận biết được một người có xuất thân từ gia đình độc hại. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết như sau:
1. Liên tục cảm thấy lo lắng, bất an
Những người phải sống và lớn lên trong gia đình độc hại thường mắc phải chứng rối loạn lo âu, họ sẽ thường xuyên cảm thấy lo lắng, bồn chồn, bất an. Cũng bởi những sự ngược đãi, bất hòa trong cuộc sống gia đình khiến họ luôn có cảm giác không được an toàn. Mặc dù đã trưởng thành nhưng họ vẫn cảm thấy căng thẳng, lo sợ và gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung.
2. Cảm thấy mình là người vô dụng
Như đã chia sẻ ở trên, những bậc cha mẹ độc hại thường có xu hướng không muốn công nhận những sự cố gắng, cống hiến của con cái và cho rằng con là người bất tài. Cũng chính vì thế mà nhiều đứa trẻ dần bị ăn sâu vào tiềm thức, trẻ cho rằng mình là người vô tích sự, không có tài cáng gì và là gánh nắng của gia đình, xã hội. Từ đó, trẻ nhỏ sẽ không dám làm bất cứ việc gì, trẻ có tâm lý sợ sệt, sợ làm sai, sợ bị khiển trách.
3. Tự xem thường cảm xúc của chính mình
Cảm xúc của những đứa trẻ sống trong gia đình độc hại thường không được xem trọng. Ngay cả khi trẻ muốn bộc lộ cảm xúc, ý muốn của mình cũng đều bị bác bỏ, thờ ơ hoặc thậm chí là coi thường. Chính vì thế, nhiều đứa trẻ sẽ có xu hướng che giấu nỗi đau vào bên trong và khi trưởng thành chúng đều sẽ có xu hướng đặt cảm xúc của người khác lên trước bản thân mình. Nhiều người còn không biết rằng bản thân đang muốn gì, đang cảm thấy thế nào.
4. Không có khả năng tự đánh giá bản thân
Những đứa trẻ có cha mẹ độc hại thường sẽ gặp phải nhiều vấn đề về nội tâm, tính cách và lòng tự trọng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trẻ dường như không có khả năng tự đánh giá năng lực của bản thân, tất cả mọi hoạt động đều bị chi phối bởi những người xung quanh.
5. Gặp khó khăn trong giao tiếp, tương tác xã hội
Việc phải sống trong gia đình độc hại sẽ khiến cho nhiều người dần thu mình lại. Họ ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh, có xu hướng tránh né và bị suy giảm khả năng giao tiếp. Những đứa trẻ này dường như không có nhiều bạn bè và cũng không có nhiều xu hướng muốn kết bạn hoặc tin tưởng vào bất kì ai.
Nỗi đau của những đứa trẻ sống trong gia đình độc hại
Thông thường, những gia đình độc hại luôn cố gắng che giấu các hành vi sai lệch của mình bằng tình yêu thương. Các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng mình là người đi trước nên luôn có nhiều kinh nghiệm, luôn biết cách hướng dẫn và chỉ dạy con đúng đắn và cha mẹ làm tất cả những điều đó đều vì thương con.
Trong thực tế, việc cha mẹ có những sai lầm trong cách giáo dục và nuôi dạy con cái là điều hết sức bình thường. Hơn thế, giữa cha mẹ và con cái cũng có những khoảng cách thế hệ nhất định, đặc biệt ở những trẻ tuổi dậy thì đang bắt đầu học làm người lớn và có những chính kiến riêng của mình.
Tuy nhiên, sẽ có sự khác nhau rõ rệt giữa những gia đình lành mạnh và gia đình độc hại, những sai lầm của cha mẹ và các thành viên trong gia đình có sự khác nhau hoàn toàn. Nếu đối với một gia đình lành mạnh, dù các bậc phụ huynh có phạm phải sai lầm nhưng họ vẫn có cách nhìn nhận, tiếp thu và sửa chữa lỗi của mình, đồng thời tôn trọng ý kiến để cùng con phát triển tốt hơn.
Còn đối với các gia đình độc hại thì những hành vi tiêu cực sẽ liên tục xảy ra trong một khoảng thời gian dài, tần suất xuất hiện cũng liên tục và dày đặc, đồng thời nó gây ra các vết thương tinh thần lẫn thể xác khó có thể bù đắp được. Những bậc phụ huynh độc hại dù có được khuyên bảo, đóng góp ý kiến cũng khó có thể thay đổi quan điểm và cách giáo dục của mình đối với con cái.
Trong kết quả của một cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, những đứa trẻ thường xuyên bị trừng phạt thể xác từ năm 3 tuổi sẽ có nhiều xu hướng trở nên kích động, dễ giận dữ, cáu gắt và hung hãn khi trẻ bước lên 5. Ở một nghiên cứu khác nhận thấy, trẻ nhỏ thường xuyên bị bạo hành, đánh đập sẽ có chỉ số IQ thấp hơn so với những đứa trẻ khác. Đồng thời, những đứa trẻ sống cùng gia đình độc hại nếu không được “giải thoát” sớm sẽ có nhiều khả năng xây dựng một gia đình độc hại khác đối với con cái trong tương lai.
Bên cạnh đó, ngay từ nhỏ trẻ đã được tiếp xúc và giáo dục trong môi trường không có kỷ luật, không nhận được tình yêu thương thực sự từ cha mẹ và người thân thì khi lớn lên trẻ cũng có nhiều khả năng trở thành người thiếu kỷ luật, chống đối, vô trách nhiệm, sa lầy vào các tệ nạn. Còn những đứa trẻ phải sống cùng cha mẹ quá nghiêm khắc, bảo bọc quá mức thì sẽ có nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, nghiện chất.
Làm thế nào để thoát khỏi một gia đình độc hại?
Như đã nói, việc sống cùng một gia đình độc hại gây ra rất nhiều sự tổn thương về mặt tinh thần và thể chất. Đồng thời, những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường này cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về cuộc sống, tương lai khó đạt được thành công, thậm chí là trở thành những thành phần xấu trong xã hội.
Bất cứ khi nào có thể, hãy cố gắng giải quyết các xung đột, nói lên các mong muốn của bản thân để cải thiện tốt môi trường gia đình của chính mình. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp dù đã thử mọi cách nhưng vẫn không thể thay đổi được, không thể chịu đựng được một gia đình độc hại thì bản thân bạn cần phải biết cách tự chăm sóc và duy trì cuộc sống, cân bằng cảm xúc cá nhân bằng các cách sau:
- Đặt ra giới hạn của bản thân: Đừng quá phụ thuộc vào người khác, kể cả đó là thành viên trong gia đình hay cha mẹ của bạn. Mọi việc của bạn phải do bản thân bạn tự đưa ra quyết định và lựa chọn. Bạn hoàn toàn có quyền chia sẻ hoặc không chia sẻ với gia đình của mình.
- Đừng cố gắng thay đổi người có tính độc hại: Đa phần rất khó để giải thích và thay đổi một gia đình có tính độc hại nếu bản thân họ không muốn. Chính vì thế, cách tốt nhất là bạn hãy nên ưu tiên các phúc lợi của chính mình thay vì cứ mãi lo nghĩ cho những người xung quanh.
- Đặt ra khoảng cách nhất định: Việc đặt ra một khoảng cách vật lý đối với những bậc cha mẹ độc hại sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc kiểm soát và cân bằng cuộc sống của chính mình.
- Đừng đánh mất sự tôn trọng: Tốt nhất bạn nên hạn chế tối đa các xung đột, đừng thể hiện thái độ bốc đồng. Hãy cố gắng đối diện với những mâu thuẫn một cách bình tĩnh và lành mạnh, hành động khi cảm xúc đã nguội lạnh để không làm tổn thương bất kì ai, kể cả bản thân bạn.
- Học cách thể hiện cảm xúc: Thay vì cứ cố gắng kìm nén cảm xúc của bản thân thì bạn hãy học cách bộc lộ nó ra bên ngoài để giúp bản thân được thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
- Dành thời gian cho những người đáng tin tưởng: Cố gắng kết nối và tạo dựng các mối quan hệ lành mạnh, gặp gỡ và giao lưu nhiều hơn với những người bạn mang đến cảm giác vui vẻ, thoải mái cho bạn.
Trên đây là một số thông tin về gia đình độc hại và các cách giúp bạn thoát khỏi những tổn thương tinh thần khi phải sống cùng một gia đình không lành mạnh. Nếu bạn cảm thấy không thể vượt qua một mình thì hãy cân nhắc tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý để có được biện pháp hỗ trợ tốt nhất.
Tham khảo thêm:
- Cách chữa lành tổn thương do thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu
- Các bệnh tâm lý ở tuổi dậy thì thường gặp cha mẹ nên quan tâm
- 8 Nguyên nhân gây mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu và cách giải quyết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!