Khủng hoảng tiền hôn nhân là gì? Liệu pháp giúp vượt qua
Khủng hoảng tiền hôn nhân đề cập đến sự bất ổn về tâm lý ở các cặp đôi trước khi kết hôn. Đây là tình trạng thường gây ra cảm xúc buồn bã, chán nản, bi quan và bế tắc. Các cặp đôi cần cố gắng vượt qua thử thách này để bước vào đời sống hôn nhân với một tâm thế thoải mái và vững vàng.
Khủng hoảng tiền hôn nhân là gì?
Khủng hoảng tiền hôn nhân là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tình trạng bất ổn về tâm lý trước khi kết hôn. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả nam lẫn nữ giới nhưng trên thực tế thì phái nữ bị tác động nhiều hơn. Nguyên nhân là do nữ giới có tính cách nhạy cảm, hay suy nghĩ mông lung và lo lắng quá mức. Hơn nữa phụ nữ còn rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự tác động từ những người xung quanh.
Khủng hoảng tiền hôn nhân có thể gây ra lo âu, căng thẳng, mệt mỏi, bồn chồn và tạo cảm giác khó chịu kéo dài. Tâm trạng bất ổn thường khiến cho các cặp đôi dễ xảy ra mâu thuẫn, bất hòa và xung đột. Nhiều trường hợp các cặp đôi còn đi đến quyết định hủy hôn. Số liệu thống kê cho thấy, có đến 80% các cặp đôi hủy hôn có liên quan đến tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân.
Trong khi đó, một số cặp đôi cố gắng kìm nén cảm xúc bồn chồn, lo lắng và bất an với mong muốn lễ cưới được diễn ra một cách thuận lợi. Tuy nhiên, tình trạng khủng hoảng trước khi kết hôn không được khắc phục triệt để sẽ trở thành mầm mống hủy hoại đời sống vợ chồng sau này. Điển hình là gây ra mâu thuẫn, xích mích về lối sống, vấn đề tài chính và dẫn tới hệ quả ly thân, ly hôn hoặc thậm chí là bạo lực gia đình.
Dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tiền hôn nhân
Trước khi kết hôn, hầu hết các cặp đôi đều có ít nhiều sự xáo trộn về mặt cảm xúc và tâm trạng. Bồn chồn, lo lắng và hồi hộp là những cảm giác mà ai cũng đã từng trải qua khi sắp đến ngày cưới.
Tuy nhiên, khủng hoảng tiền hôn nhân là một vấn đề đáng chú ý hơn. Những cảm xúc thường mang thiên hướng tiêu cực và có phần được đẩy lên cao hơn so với bình thường. Tùy thuộc vào đặc điểm tính cách, kinh nghiệm sống và các vấn đề liên quan khác mà biểu hiện sẽ có sự khác biệt ở từng người.
Dưới đây là một số dấu hiệu thường thấy ở những người đang gặp phải khủng hoảng tiền hôn nhân:
- Xảy ra mâu thuẫn nhưng lại không muốn nói chuyện và giải quyết một cách rõ ràng. Nhiều người lựa chọn việc im lặng để né tránh nhưng lại khiến cho cảm xúc bị dồn nén hơn.
- Cảm giác chán nản, mệt mỏi, bi quan và bế tắc trước khi đám cưới diễn ra. Những cảm xúc tiêu cực này có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu không sớm khắc phục.
- Tìm kiếm lỗi nhỏ của đối phương để chê bai, cáu giận.
- Tranh cãi không có hồi kết, luôn muốn hơn thua với người mình yêu.
- Rất dễ cáu kỉnh và tức giận, nhiều người còn không thể kiểm soát được lời nói cũng như hành vi của chính mình.
- Thường xuyên suy nghĩ tiêu cực và có cái nhìn bi quan về cuộc sống tương lai. Luôn cảm thấy mông lung, mờ mịt và không có động lực để cố gắng.
- Tâm trạng quá lo lắng có thể dẫn đến chán ăn, ăn uống không ngon miệng.
- Lo lắng và suy nghĩ nhiều khiến cho giấc ngủ bị ảnh hưởng, thường gặp tình trạng khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
- Nữ giới bị khủng hoảng tiền hôn nhân rất dễ bị rụng tóc nhiều.
- Khó tập trung, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, tâm trí lúc nào cũng như đang ở “trên mây”.
- Luôn cảm thấy không vừa ý với tất cả mọi kế hoạch từ đám cưới cho đến cuộc sống tương lai,… Nhiều người còn tỏ ra khó chịu với gia đình của đối phương.
- Tâm trạng luôn nặng nề, mệt mỏi, khó kiểm soát cảm xúc và đôi khi còn khóc lóc không rõ lý do.
- Nảy sinh ý định hủy hôn, chia tay hoặc trì hoãn đám cưới với mong muốn có thời gian thấu hiểu nhau nhiều hơn.
Khủng hoảng tiền hôn nhân – Nguyên nhân do đâu?
Đối với bất cứ ai thì việc đi đến hôn nhân cũng là quyết định không hề dễ dàng. Thực tế cho thấy, các cặp đôi trước khi kết hôn đã có thời gian “sống thử” khá lâu nhưng vẫn không thể tránh khỏi những vấn đề ở giai đoạn tiền hôn nhân.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, khủng hoảng tiền hôn nhân thường là hệ quả của sự tác động từ các yếu tố bên ngoài. Thêm vào đó tình trạng này còn có thể ảnh hưởng bởi tính cách, kinh nghiệm sống cũng như các vấn đề tâm lý sẵn có của mỗi người.
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp khiến cho các cặp đôi rơi vào tình trạng khủng hoảng trước khi kết hôn:
1. Tiến đến hôn nhân khi chưa sẵn sàng
Trên thực tế, có rất nhiều cuộc hôn nhân không dựa trên tình yêu. Có nhiều cặp đôi đến với nhau không phải do xuất phát từ chủ ý tự nguyện. Thay vào đó, họ đi đến kết hôn là cho cha mẹ giục giã, sắp đặt hoặc do xảy ra các vấn đề ngoài ý muốn.
Việc chưa thật sự sẵn sàng cho hôn nhân khiến cho áp lực tinh thần bị dồn nén nhiều hơn. Điều này sẽ khiến cho một số người rơi vào khủng hoảng tinh thần. Cảm giác chán nản, mệt mỏi và tuyệt vọng luôn hiện hữu. Tiến đến hôn nhân khi chưa sẵn sàng được cho là một nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân.
2. Áp lực về việc tổ chức lễ cưới
Việc tổ chức lễ cưới của người Việt Nam thường có nhiều thủ tục phức tạp. Khi đã có quyết định đi đến đám cưới thì cả hai sẽ phải thông báo cho hai bên gia đình. Đồng thời sắp xếp các cuộc gặp gỡ để bàn bạc và lên kế hoạch cho đám hỏi, đám cưới. Nhiều vùng miền còn có thêm cả lễ “dạm ngõ” rất rườm rà.
Thế hệ trẻ ngày nay thường không có cái nhìn tường tận về quy trình cũng như cách chuẩn bị các thủ tục đám cưới. Điều này khiến cho không ít cặp đôi rơi vào trạng thái căng thẳng và rất dễ xảy ra xung đột. Nếu không sớm có biện pháp xử lý thì việc rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân là rất khó tránh khỏi.
3. Áp lực tài chính gây khủng hoảng tiền hôn nhân
Áp lực tài chính là vấn đề mà rất nhiều cặp đôi phải đối mặt khi có dự định làm đám cưới. Nếu cả hai không có sự tính toán kỹ lưỡng và không lên kế hoạch chi tiết thì chi phí thực tế có thể vượt quá dự trù. Điều này rất dễ khiến cho các cặp đôi nảy sinh mâu thuẫn và tranh cãi.
Tài chính luôn là vấn đề rất nhạy cảm, nhất là đối với các cặp đôi mới cưới. Bởi nó chính là thước đo để họ đánh giá bạn đời trong việc quản lý chi tiêu cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến tiền bạc. Do đó, nếu không xử lý đúng cách thì cả hai khó lòng bước vào cuộc sống hôn nhân với tư thế vững vàng.
Lo lắng về tài chính thường gặp chủ yếu ở phái nữ do họ thường nhạy cảm và hay suy nghĩ cho tương lai. Khi nhận thấy bạn đời thiếu kỹ năng quản lý chi tiêu thì rất dễ khiến chị em xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực. Thậm chí nếu không tìm được tiếng nói chung thì một số cặp đôi có thể đi đến quyết định hủy hôn.
4. Lo lắng quá mức
Lo lắng trước khi kết hôn là cảm giác mà hầu hết mọi người đều trải qua khi đứng trước sự kiện quan trọng này. Tuy nhiên, một số người lại rơi vào trạng thái lo lắng và căng thẳng quá mức trước các vấn đề tưởng chừng như đơn giản với người khác.
Sự lo lắng có thể bắt nguồn từ nhiều vấn đề khác nhau. Bao gồm cả việc chuẩn bị tươm tất cho lễ cưới cho đến các vấn đề có thể xảy ra sau kết hôn. Nhất là đối với phái nữ, họ có những nỗi lo thường trực về cuộc sống với mẹ chồng, công việc gia đình, ngoại hình hay sự nghiệp của bản thân.
5. Ảnh hưởng từ người khác
Bạn có thể sẽ có một vài người bạn hoặc người thân không hạnh phúc trong hôn nhân. Đôi khi trong những lần gặp gỡ, họ thường xuyên than thở về những điều tồi tệ mà họ đã phải trải qua. Điều này có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho tâm lý của bạn.
Việc phải nghe những lời tiêu cực, thậm chí là tồi tệ về cuộc sống hôn nhân sẽ khiến cho bạn rơi vào trạng thái ám ảnh và sợ hãi. Điều này khiến cho nỗi lo lắng về cuộc sống sau hôn nhân của bạn lại tăng lên nhiều lần. Nhất là ở giai đoạn trước khi kết hôn diễn ra, bạn có thể bị khủng hoảng và đi đến những quyết định sai lầm.
6. Đặc điểm tính cách
Theo phân tích từ các chuyên gia, đặc điểm tính cách cũng là một trong những yếu tố có thể khiến các cặp đôi rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân. Tình trạng này thường gặp ở những người có tính cách nhạy cảm, tự ti, hay lo lắng và thiếu kinh nghiệm sống.
Trong khi đó, những cặp đôi đã chững chạc, có tính cách tự tin, chủ động, quản lý tốt tài chính và dạn dày kinh nghiệm sống thường ít gặp phải các vấn đề tâm lý tiền hôn nhân. Họ thường bước đến cuộc hôn nhân với tâm thế rất vững vàng và thoải mái.
7. Có sẵn các vấn đề tâm lý
Tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân thường có liên quan với các vấn đề tâm lý khác. Bao gồm:
- Hội chứng sợ kết hôn (Gamophobia): Những người mắc hội chứng sợ kết hôn vẫn có các mối quan hệ tình cảm nhưng họ lại rất sợ hãi khi nghĩ tới hôn nhân. Nếu đối phương thường xuyên đề cập đến việc kết hôn thì họ có thể rơi vào trạng thái căng thẳng, sợ hãi, lo lắng và bất an.
- Stress: Những người bị căng thẳng thần kinh thường phải chịu nhiều tác động hơn từ các sự kiện xảy ra trước khi kết hôn. Họ khó kiểm soát được cảm xúc và dễ rơi vào trạng thái chán nản, bế tắc. Điều này khiến cho stress càng gia tăng và gây ra sự ảnh hưởng sâu sắc cho tâm lý.
- Rối loạn lo âu: Những người mắc chứng rối loạn lo âu thường có sự lo lắng thái quá trước các vấn đề tưởng chừng như rất bình thường. Thói quen suy nghĩ quá nhiều và hay lo lắng sẽ khiến cho họ dễ bị khủng hoảng tiền hôn nhân hơn những người không có sẵn vấn đề tâm lý.
Hệ lụy của khủng hoảng tiền hôn nhân
Khủng hoảng tiền hôn nhân là tình trạng xảy ra tương đối phổ biến ở những cặp đôi sắp kết hôn. Thông thường, ở giai đoạn này thì những thay đổi và bất ổn về tâm lý là khó tránh khỏi. Nhiều cặp đôi còn không thể kiểm soát được cảm xúc và hành vi của bản thân.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, vấn đề khủng hoảng trước khi kết hôn nếu không được giải quyết triệt để có thể để lại những hệ lụy nghiêm trọng về lâu dài. Khủng hoảng có thể khiến một trong hai người nảy sinh suy nghĩ muốn chia tay hoặc tạm dừng hôn lễ do quá mệt mỏi và bế tắc. Nếu nửa kia không có sự lắng nghe và thấu hiểu thì mối quan hệ rất dễ đi đến bờ vực tan vỡ.
Trong khi đó, cũng có một số cặp đôi lại cố gắng nhẫn nhịn và chịu đựng với mong muốn đám cưới diễn ra êm đẹp. Tuy nhiên điều này có thể khiến họ bước vào cuộc sống hôn nhân với tâm lý bất ổn, cả hai sẽ rất khó hòa hợp và dễ phát sinh xung đột, mâu thuẫn sau đó. Hệ lụy cuối cùng là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, dễ dẫn đến li thân, li hôn.
Làm sao để vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân?
Khủng hoảng tiền hôn nhân chính là thử thách đầu tiên mà các cặp đôi cần vượt qua trước khi bước vào đời sống vợ chồng. Nếu không thể vượt qua được tình trạng này thì rất khó duy trì mối quan hệ lâu dài, bền vững và hạnh phúc. Thậm chí nhiều cặp đôi còn dẫn tới hủy hôn, chia tay hoặc tạm hoãn đám cưới.
Để sớm vượt qua được tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân, các cặp đôi có thể áp dụng một số giải pháp dưới đây:
1. Tự động viên bản thân
Như đã phân tích, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân. Thông thường, đối với người đàn ông thì chỉ cần người yêu nói đồng ý là xem như họ đã hoàn thành mục tiêu và rất ít suy nghĩ quá nhiều sau đó. Tuy nhiên đối với phái nữ thì dường như là một câu chuyện khác.
Phụ nữ luôn suy nghĩ hôn nhân chính là khởi đầu của nhiều vấn đề. Họ thường chưa quen với cuộc sống gia đình, luôn sợ bản thân già hoặc xấu đi, sợ chồng thay đổi hoặc công việc sẽ không thuận lợi sau khi kết hôn.
Nếu rơi vào trạng thái mông lung với quá nhiều các câu hỏi được đặt ra thì chị em nên cố gắng hít thở sâu. Đồng thời tự động viên bản thân rằng “mọi chuyện rồi nhất định sẽ ổn”. Câu thần chú này sẽ giúp chị em bình tâm trở lại. Từ đó, khi nhìn vào thực tế sẽ thấy rằng mọi thứ không kinh khủng như những gì mình đã tưởng tượng.
2. Lên kế hoạch chi tiết cho lễ cưới
Để giảm bớt hoang mang trước hôn lễ thì bạn nên chuẩn bị một bản kế hoạch cưới hoàn chỉnh. Bạn có thể tham khảo từ nguồn internet hoặc lấy kinh nghiệm từ những người bạn, người thân đã tổ chức đám cưới trước đó. Điều quan trọng nhất là kế hoạch cưới cần đảm bảo sự chi tiết về chi phí dự trù cho lễ cưới và cả các vấn đề phát sinh sau đó.
Lời khuyên cho các cặp đôi khi lên kế hoạch chi tiết cho đám cưới là hãy biết “liệu cơm gắp mắm”. Nếu điều kiện tài chính không cho phép bạn vung tay một cách thoải mái thì hãy đảm bảo gói gọn chi phí cưới hỏi ở mức cho phép. Điều này giúp cả hai vợ chồng giải tỏa được một phần áp lực tài chính trước thềm hôn nhân.
3. Không nên quá cầu toàn
Thực tế cho thấy rằng, mặc dù đã chuẩn bị rất đầy đủ và chi tiết mọi thứ cho ngày cưới nhưng các cặp đôi vẫn thấy căng thẳng và lo lắng quá mức. Đặc biệt là với phái nữ, họ luôn có tâm lý rằng đám cưới là ngày trọng đại trong đời nên mọi thứ phải thật hoàn hảo. Cũng vì tâm lý này khiến cho họ bị áp lực nhiều hơn, luôn cảm thấy sai sót trong mọi tình huống.
Thay vì lo lắng quá mức thì bạn nên đặt niềm tin vào những dịch vụ cưới hỏi uy tín để họ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn. Có thể tham khảo từ những người đi trước để có lựa chọn đúng đắn, tránh liên hệ với những nơi chưa có nhiều kinh nghiệm. Và việc của bạn lúc này là chỉ cần tận hưởng từng giây phút hạnh phúc trong bữa tiệc mà bạn là nhân vật chính.
4. Chia sẻ với “người ấy”
Khi quá lo lắng và căng thẳng hoặc phải vật lộn với những cảm xúc tiêu cực trước thềm hôn nhân thì bạn nên chủ động chia sẻ với “người ấy”. Điều này sẽ giúp cho bạn và đối phương thấu hiểu cũng như quan tâm đến cảm xúc của nhau nhiều hơn.
Hôn nhân là câu chuyện của hai người và các vấn đề xảy ra trước khi kết hôn cũng như thế. Khi các bạn đã xác định gắn kết lâu dài, nếu bản thân bạn gặp phải vấn đề gì thì đối phương cũng có quyền được biết. Việc bạn cố gắng kìm nén những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực sẽ càng khiến cho mọi thứ đi xa hơn mà thôi.
Khi chia sẻ với đối phương, bạn cần phải giữ được thái độ bình tĩnh. Đồng thời hãy trò chuyện dựa trên tinh thần đóng góp và thấu hiểu thay vì chì chiết hoặc trách móc lẫn nhau. Thông qua cuộc trò chuyện, thái độ của “người ấy” cũng sẽ giúp bạn có được đánh giá cho riêng mình và đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.
5. Nhờ đến sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè
Áp lực từ các vấn đề xảy ra trước khi kết hôn thường khiến cho các cặp đôi bị căng thẳng và rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Đặc biệt, những bất đồng có thể đến từ việc chuẩn bị đám cưới, đám hỏi khi không tìm được tiếng nói chung hay không hiểu rõ về các thủ tục cưới xin của từng bên gia đình.
Thay vì tự sắp xếp mọi thứ thì bạn nên tranh thủ sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè. Nhất là nên nhờ đến những người đã có kinh nghiệm, họ có thể giúp đỡ bạn sắp xếp mọi thứ một cách nhanh chóng và chỉn chu hơn.
Với những thứ không cần thiết cho cưới xin, người thân có thể khuyên bạn lược bỏ bớt đi. Từ đó giúp tiết kiệm được chi phí và giảm bớt áp lực tài chính. Điều này có thể phần nào hạn chế mâu thuẫn và xung đột cho các cặp đôi.
6. Thực hiện các giải pháp thư giãn
Để có thể kiểm soát tốt những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực do bị khủng hoảng tiền hôn nhân thì bạn cần dành thêm thời gian cho bản thân. Đừng để bị cuốn vào sự bận rộn rồi quên đi việc thư giãn, nghỉ ngơi.
Một số liệu pháp thư giãn dưới đây có thể giúp xoa dịu các cảm xúc tiêu cực trước khi kết hôn:
- Ngồi thiền: Duy trì thói quen thiền hằng ngày sẽ giúp cho bạn tĩnh tâm và nhanh chóng loại bỏ các cảm xúc tiêu cực. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, thiền định có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả những người đang gặp phải vấn đề tâm lý. Chẳng hạn như rối loạn lo âu, stress, trầm cảm,…
- Uống trà thảo mộc: Ngoài các dấu hiệu bất ổn cảm xúc thì nhiều người còn bị mất ngủ, đau đầu và khó tập trung khi bị khủng hoảng tiền hôn nhân. Lúc này nên uống trà thảo mộc để giúp dưỡng tâm, an thần. Trà cam quế, trà hoa cúc, hoa nhài, trà hoa oải hương,… là những thức uống có tác dụng giải tỏa tâm trí và hỗ trợ giấc ngủ rất tốt.
- Các giải pháp khác: Rất nhiều giải pháp thư giãn khác có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tinh thần. Phải kể đến như đọc sách, nghe nhạc nhẹ không lời, tắm nước ấm, tập yoga, liệu pháp mùi hương,…
7. Chăm sóc tốt cho sức khỏe
Trước ngày trọng đại, các cặp đôi thường phải chuẩn bị quá nhiều thứ. Việc bị cuốn vào công việc chuẩn bị đám cưới khiến không ít người bị suy nhược, kiệt sức. Tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở phái nữ – những người vốn dĩ đã có cơ thể yếu ớt.
Thể chất suy giảm có thể khiến cho tinh thần bị ảnh hưởng. Do đó cần chú ý chăm sóc tốt cho sức khỏe để có trạng thái tinh thần và thể chất tốt nhất trước ngày đám cưới trọng đại. Đặc biệt có được nền tảng sức khỏe tốt cũng chính là chìa khóa để vượt qua tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân.
Nên sắp xếp công việc sớm và xin nghỉ phép đủ thời gian để lo chu toàn mọi thứ trước đám cưới. Ngoài ra cần chú ý ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày (giấc ngủ ban đêm nên kéo dài tối thiểu 6 tiếng). Chú ý ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng và dành thời gian cho việc tập thể dục để có sức khỏe thể chất tốt nhất nhằm nâng đỡ cho tinh thần.
8. Tham gia lớp học tiền hôn nhân
Nếu có quá nhiều lo lắng và căng thẳng trước quyết định đi đến hôn nhân thì bạn nên cân nhắc tham gia các khóa học tiền hôn nhân. Những kiến thức và kinh nghiệm từ các khóa học này sẽ giúp cho bạn có được tâm lý vững vàng và thoải mái, hướng đến cuộc hôn nhân hòa hợp, hạnh phúc.
Các lớp học tiền hôn nhân có thể giúp cả hai bạn hiểu hơn về cuộc sống sau khi kết hôn. Các kỹ năng quản lý tài chính, chăm sóc con cái và cách hóa giải xung đột, mâu thuẫn cũng sẽ được đề cập đến. Từ đó giúp cả hai thấu hiểu hơn về vai trò cũng như trách nhiệm của chính mình và của đối phương. Có như vậy, cả hai mới dễ dàng chia sẻ và đồng hành cùng nhau trên chặng đường dài.
Việc tham gia vào các khóa học tiền hôn nhân cũng chính là giải pháp giúp phòng tránh và vượt qua tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân. Đồng thời giúp các cặp đôi có được tâm thế vững vàng khi tiến tới cuộc hôn nhân với nhiều điều bất ngờ đang chờ đợi phía trước.
9. Tham vấn và trị liệu tâm lý
Như đã phân tích, tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân trong nhiều trường hợp còn có liên quan với các vấn đề tâm lý khác. Do đó nếu không thể tự vượt qua được sự bất ổn tâm lý thì bạn nên xem xét việc tham vấn và trị liệu tâm lý.
Thông qua tham vấn, chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ giúp các cặp đôi thấu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của đối phương. Đồng thời nắm rõ vấn đề mà cả hai đang gặp phải và tìm ra phương pháp để tháo gỡ các vấn đề này.
Trong một số trường hợp, các cặp đôi có thể cần can thiệp trị liệu tâm lý. Điều này đặc biệt cần thiết với những người có sẵn các vấn đề tâm lý hoặc từng trải qua các sự kiện sang chấn có liên quan tới tình cảm – hôn nhân. Trị liệu tâm lý sẽ giúp cải thiện các vấn đề theo chiều hướng tốt đẹp và giúp các cặp đôi bước vào cuộc sống hôn nhân với tâm thế vững vàng nhất.
Khủng hoảng tiền hôn nhân chính là thử thách mà rất nhiều các cặp đôi phải đối mặt trước khi kết hôn. Chỉ cần cả hai cùng chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành với nhau thì mọi vấn đề sẽ nhanh chóng được tháo gỡ. Nếu không thể tự mình vượt qua thì nên chủ động tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tư vấn tâm lý.
Có thể bạn quan tâm:
- Sự vô tâm trong hôn nhân: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục
- 10 Dấu hiệu và Lý do khiến cuộc hôn nhân không hạnh phúc
- Thực sự có nên kết hôn khi chưa sẵn sàng không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!