Cha mẹ thiên vị con cái, gây tổn thương tâm lý trẻ thế nào?

Cha mẹ thiên vị con cái có thể khiến cho trẻ bị tổn thương sâu sắc và rất khó phát triển lành mạnh về mặt tâm lý. Nên nhớ rằng, tất cả các con cần được đối xử công bằng và nhận được sự quan tâm, chăm sóc ngang bằng nhau.

thiên vị con cái
Cha mẹ thiên vị con cái sẽ để lại tổn thương tâm lý và khiến trẻ khó phát triển một cách lành mạnh

Cha mẹ thiên vị con cái – Thực trạng phổ biến hiện nay

Đối với bố mẹ, con cái luôn là món quà quý giá nhất. Tất các con đều sẽ nhận tình yêu thương, sự quan tâm và chăm sóc ngang bằng nhau. Công bằng với con cái là điều bố mẹ nên làm. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều gia đình đối xử thiên vị, bất công do suy nghĩ lệch lạc và chủ quan.

Một số gia đình thiên vị con út vì nghĩ rằng con còn bé bỏng và cần được bố mẹ lẫn anh chị chăm sóc. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh tỏ ra thiên vị hơn với trẻ có ngoại hình nổi bật và ưu tú. Tuy nhiên, trẻ không có quyền lựa chọn ngoại hình hay chỉ số IQ. Con có thể không thông minh, giỏi giang nhưng ít nhất trong gia đình, trẻ cần được yêu thương và đối xử không bằng.

Mặc dù chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ cha mẹ thiên vị con cái nhưng các chuyên gia cho rằng, con số này là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, một thực tế đau lòng hơn là nhiều bố mẹ không nhận ra bản thân đang đối xử bất công với con. Vì không nhận ra sự bất thường trong cách giáo dục nên bố mẹ gần như không có sự điều chỉnh. Về lâu dài, đứa trẻ bị đối xử bất công sẽ nảy sinh tâm lý thù hằn anh chị em mình, thiếu tự tin, hạ thấp giá trị và vai trò của bản thân.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Cornell trên 274 bà mẹ từ 60 – 74 tuổi và 671 đứa con cho thấy, khoảng 70% bà mẹ có thể chọn ra đứa con mà họ cảm thấy gần gũi và yêu thương nhất. Điều này cho thấy, các bậc phụ huynh thực sự dành nhiều tình cảm hơn cho một đứa con. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng cho thấy, 15% người con cảm thấy bản thân bị đối xử bất công hơn so với các anh chị em của mình.

Mặc dù cuộc nghiên cứu được thực hiện trong phạm vi nhỏ nhưng phần nào có thể thấy được tỷ lệ cha mẹ thiên vị con cái là không hề thấp. Sự công bằng luôn là mục tiêu chung của xã hội nhưng ở hầu hết môi trường, vẫn hiện diện tình trạng thiên vị và bất công. Tuy nhiên, ít nhất trong gia đình, bố mẹ phải cho con cái thấy rằng các con luôn được yêu thương và chăm sóc như nhau dù có ngoại hình hay tính cách như thế nào.

Lý do khiến cha mẹ thiên vị con cái?

Thiên vị con cái xuất phát từ nhiều lý do và điều này phụ thuộc đáng kể vào hoàn cảnh, môi trường sống, tính cách của bố mẹ. Các chuyên gia Tâm lý đã chỉ ra một số nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến thực trạng này:

cha mẹ thiên vị con cái
Nhiều gia đình có xu hướng nuông chiều con út vì nghĩ rằng con còn bé bỏng và cần được bố mẹ lẫn anh chị em yêu thương
  • Do thứ tự trong gia đình: Đối với người Việt, con cả luôn phải có trách nhiệm giúp đỡ bố mẹ chăm sóc các em. Trong khi đó, con út cần được chăm sóc và bảo bọc vì còn non nớt. Khi có em út, bố mẹ không chỉ dành nhiều thời gian chăm sóc em mà còn yêu cầu anh chị phải nhường nhịn, giúp đỡ. Những suy nghĩ này đã ăn sâu vào tâm trí của người Việt, dần hình thành thói quen khó thay đổi và phần lớn cha mẹ Việt đều không nhận ra sự bất công, thiên vị trong suy nghĩ và cách hành xử của mình.
  • Quan niệm trọng nam khinh nữ: Trong văn hóa của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, nam giới luôn được coi trọng hơn so với nữ giới. Ngày nay, quan niệm lạc hậu này đã dần mai một nhưng vẫn có nhiều gia đình xem trọng vấn đề này. Trọng nam khinh nữ dẫn đến tình trạng thiên vị con trai và xem nhẹ con gái. Con trai thường được hưởng nhiều quyền lợi và được yêu thương, chiều chuộng hơn.
  • Do năng lực, tính cách của từng trẻ: Đặc điểm tính cách, năng lực của từng trẻ cũng là nguyên nhân dẫn đến việc cha mẹ đối xử thiên vị. Cha mẹ thường yêu thương những đứa con có ngoại hình sáng, học giỏi, ngoan ngoãn và tỏ ra chán nản, thậm chí ghét bỏ với những đứa trẻ có kết quả học tập kém, không xuất sắc. Ngoài ra, bố mẹ cũng có xu hướng chiều chuộng hơn đứa con có tính cách hòa đồng. Trong khi những trẻ có tính cách hướng nội, ít nói có thể không được ba mẹ chiều chuộng như vậy.

Ngoài những lý do trên, cũng có không ít trường hợp trẻ cảm thấy bị bố mẹ đối xử bất công nhưng thực tế không phải như vậy. Sau khi có em bé, bố mẹ thường tập trung chăm sóc cho em và không còn nhiều thời gian để vui chơi, trò chuyện với trẻ lớn.

Sự thay đổi này khiến nhiều trẻ nhầm lẫn rằng bố mẹ không yêu thương mình. Đây cũng là lý do gia đình cần có cách giáo dục phù hợp và quan tâm hơn đến đời sống tình cảm để các con có sự thấu hiểu sâu sắc.

Tổn thương tâm lý khi cha mẹ thiên vị con cái

Khi cha mẹ thiên vị con cái, đứa trẻ được thiên vị có thể phát triển lành mạnh mà không gặp phải trở ngại nào. Tuy nhiên, những đứa trẻ bị đối xử bất công sẽ không tránh khỏi nỗi đau tâm lý dai dẳng. Ngoài ra, cách giáo dục thiếu công bằng cũng khiến cho các con phát triển những tính cách xấu và khó có thể đạt thành công trong cuộc sống.

Dưới đây là những tổn thương tâm lý bắt nguồn từ việc cha mẹ thiên vị con cái:

1. Hình thành tính cách bướng bỉnh, chống đối

Khi nhận thấy bản thân không được chiều chuộng và yêu thương như các anh chị em, trẻ sẽ hình thành tính cách bướng bỉnh và chống đối. Theo các chuyên gia, cảm giác khó chịu và tức giận khi nhìn thấy bản thân bị đối xử bất công sẽ khiến cho trẻ hình thành những tính cách tiêu cực.

thiên vị con cái khiến trẻ tổn thương
Những đứa trẻ bị đối xử bất công thường có xu hướng hình thành tính cách bướng bỉnh và chống đối

Trẻ thường sẽ tỏ ra chống đối, bướng bỉnh như một cách “trả thù” bố mẹ và anh chị em của mình. Bản thân trẻ biết rằng những hành vi này là không đúng và bản thân có thể bị trách phạt. Tuy nhiên các hành vi phá phách sẽ khiến cho bố mẹ tức giận, khó chịu và điều này khiến cho trẻ cảm thấy hả hê hơn bao giờ hết.

Nếu không điều chỉnh cách giáo dục và cư xử với con cái, tính cách chống đối và bướng bỉnh có thể kéo dài cho đến giai đoạn trưởng thành. Tính cách này khiến trẻ dễ hình thành sự thù hằn, hay để bụng, ích kỷ và hẹp hòi. Ngoài ra, trẻ có tính cách bướng bỉnh cũng thường cố chấp và không bao giờ nhận lỗi dù biết hành vi của bản thân là không đúng.

2. Cha mẹ thiên vị con cái khiến trẻ giảm lòng tự trọng

Không ai mong muốn bản thân bị đối xử bất công – đặc biệt là trong chính gia đình của mình. Trẻ bị đối xử không công bằng sẽ luôn cảm thấy bản thân không xứng đáng được yêu thương, vô dụng và không có giá trị. Những trẻ bị đối xử bất công luôn nhớ như in những lời nói chì chiết, trách móc của bố mẹ mà quên mất bản thân cũng có những thế mạnh riêng.

Cha mẹ thiên vị con cái quá mức sẽ khiến cho trẻ giảm lòng tự trọng. Trẻ có xu hướng nhạy cảm với những lời phê bình, chỉ trích và luôn có những suy nghĩ tiêu cực về giá trị của bản thân. Tuy nhiên, giảm lòng tự trọng không có nghĩa là trẻ nhút nhát và tự ti. Một số trẻ cố ý tạo ra vỏ bọc bên ngoài vô cùng “gai góc”, phá phách để bảo vệ tâm hồn nhạy cảm và tự ti ở bên trong.

Thực tế, việc bị đối xử bất công là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bản thân con trẻ có thể dễ dàng vượt qua bất công ở ngoài xã hội nếu luôn có gia đình là chỗ dựa tinh thần. Ngược lại, khi sự bất công xuất phát từ chính gia đình, trẻ sẽ phải đối mặt với tổn thương tâm lý khó phai mờ.

3. Ganh ghét anh chị em ruột

Cha mẹ thiên vị con cái quá mức sẽ khiến cho tình cảm gia đình bị rạn nứt. Bản thân trẻ được nuông chiều có thể hình thành tính cách kiêu căng, vị kỷ. Trong khi đó, trẻ bị đối xử bất công sẽ luôn ganh ghét anh chị em mình.

Nếu bố mẹ quá bất công, trẻ có thể hình thành những suy nghĩ tiêu cực như nếu không có anh chị em, có thể bố mẹ sẽ yêu thương bản thân nhiều hơn. Những cảm xúc và suy nghĩ xấu xa từ việc bị đối xử bất công sẽ trở thành vết thương lòng đi theo trẻ từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.

hệ quả của tình trạng thiên vị con cái
Sự thiên vị của cha mẹ là nguồn cơn dẫn đến tính cách đố kỵ và khiến trẻ ganh ghét anh chị em

Vì luôn đố kỵ, ganh ghét nên trẻ sẽ không bao giờ có tình cảm đúng nghĩa với anh chị em. Tuy nhiên, nhiều trẻ sẽ không bộc lộ rõ sự ghét bỏ mà âm thầm phá hoại cuộc đời của anh chị em được bố mẹ thiên vị.

Lòng đố kỵ được nuôi dưỡng theo thời gian sẽ lớn dần lên khiến cho trẻ trở nên ích kỷ và xấu xa. Trước những hành vi sai trái của con cái, bố mẹ không ngừng la mắng và chì chiết vì trẻ không biết yêu thương người thân trong gia đình. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại không hề biết rằng cách giáo dục méo mó, sai lệch và bất công của chính mình là nguồn cơn dẫn đến hậu quả này.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trẻ được thiên vị cố gắng thân thiết và hàn gắn với những anh chị em bị đối xử bất công. Trong những trường hợp này, giữa các con vẫn sẽ giữ được tình cảm tốt đẹp. Dù vậy, mối quan hệ giữa bố mẹ và đứa con bị đối xử bất công sẽ luôn có khoảng cách. Đồng thời khoảng cách sẽ lớn dần lên nếu cả hai phía không tìm cách dung hòa và hóa giải.

4.  Trẻ xa cách với gia đình khi cha mẹ thiên vị con cái

Trẻ không được đối xử công bằng trong chính gia đình của mình sẽ khó lòng thân thiết với bố mẹ và anh chị em. Gia đình vốn dĩ là tổ ấm, là nơi để trẻ có thể dựa vào khi đối mặt với bất công và khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu ngay cả chính gia đình cũng không công bằng, trẻ sẽ thu mình lại và xa cách với tất cả mọi người.

Một số trẻ có biểu hiện chống đối và phá phách như một cách “trả đũa” bố mẹ. Tuy nhiên, nhiều trẻ bị tổn thương tâm lý chọn cách sống khép kín, ít giao tiếp với tất cả mọi người. Bởi bản thân trẻ cho rằng, cá nhân mình là kẻ vô dụng, bất tài nên mới không được yêu thương và chiều chuộng như những người khác.

Với tâm lý này, trẻ sẽ ngày càng xa cách với bố mẹ, thiếu sự gần gũi và thân thiết với anh chị em. Ngoài ra, tổn thương tâm lý do cha mẹ thiên vị con cái quá mức cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển về tâm lý của trẻ. Những trẻ này khi lớn lên có thể chọn sống độc thân hoặc liên tục gặp căng thẳng trong cuộc sống hôn nhân vì không thực sự hiểu rõ ý nghĩa của gia đình.

5. Gia tăng các vấn đề tâm lý

Không giống với người trưởng thành, bản thân trẻ chưa hoàn thiện về tính cách, nhận thức và kinh nghiệm sống non nớt. Vì vậy, trẻ không biết cách điều chỉnh cảm xúc và suy nghĩ của mình. Nếu như người lớn có thể dễ dàng gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực thì ngược lại, trẻ sẽ bị những suy nghĩ này “nhấn chìm”. Kết quả là trẻ mất đi sự ngây thơ, vô tư vốn có và dần dần trở nên u buồn, cô lập với mọi người.

thiên vị con cái gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ
Cha mẹ thiên vị con cái có thể làm gia tăng các vấn đề tâm lý ở trẻ như rối loạn lo âu, trầm cảm, stress,…

Bản thân trẻ rất cần sự chăm sóc từ gia đình trong suốt quá trình phát triển. Những khó khăn trong học tập, mâu thuẫn với bạn bè và tâm lý nhạy cảm trong giai đoạn dậy thì khiến trẻ không tránh khỏi căng thẳng, áp lực. Lúc này, trẻ cần được gia đình hỗ trợ, chia sẻ và hướng dẫn để tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, nếu bị đối xử bất công trong chính gia đình của mình, trẻ rất ít khi chia sẻ và luôn cố gắng kìm nén cảm xúc của mình.

Về lâu dài, trẻ có thể phát triển một số vấn đề tâm lý như stress, rối loạn lo âu, trầm cảm tuổi dậy thì,… Một số trẻ tìm đến game online và rượu bia, thuốc lá như một cách giải tỏa cảm xúc. Một hậu quả nặng nề hơn là nhiều trẻ mắc phải hội chứng Self-Harm (hội chứng tâm lý mà người bệnh tự gây bỏng, rạch da,… của chính mình với mục đích giảm đau khổ và căng thẳng).

Mỗi hành động, lời nói bất công của cha mẹ như một nhát dao cứa vào trái tim non nớt của con trẻ. Nỗi đau tinh thần sẽ đi theo con từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành và để lại lỗ hổng lớn trong tâm lý. Trong giai đoạn trưởng thành, con sẽ biết cách “che đậy” những bất thường về tâm lý nhưng ẩn sâu bên trong vẫn luôn thường trực nỗi đau dai dẳng.

Ngoài những tổn thương tâm lý đối với trẻ bị đối xử bất công, trẻ được nuông chiều quá mức cũng bị ảnh hưởng bởi cách giáo dục của bố mẹ. Do được bảo bọc từ nhỏ, trẻ có thể trở nên kiêu căng, ích kỷ và ngạo mạn. Trong một số trường hợp, sự nuông chiều quá mức của gia đình là yếu tố dẫn đến nhân cách ái kỷ hay còn gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ.

Cha mẹ thiên vị con cái phải làm sao cải thiện?

Công bằng với tất cả các con là điều mà bố mẹ nên làm. Sự bất công luôn hiện diện trong cuộc sống nhưng ít nhất ở trong gia đình, con trẻ cần phải được đối xử công bằng như các anh chị em của mình. Cách giáo dục công bằng, phù hợp sẽ giúp các con phát triển lành mạnh, biết yêu thương, chia sẻ và đồng cảm.

Nếu nhận thấy bản thân đang thiên vị con cái quá mức, bố mẹ cần phải thay đổi để bù đắp cho những tổn thương đã gây ra. Sự điều chỉnh kịp thời của bố mẹ sẽ giúp trẻ chữa lành tổn thương tâm lý và trở nên gần gũi hơn với các thành viên khác.

1. Lời khuyên dành cho bố mẹ

Bố mẹ hoàn toàn có thể chữa lành tổn thương cho con bằng cách điều chỉnh thái độ và cách xử sự. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, bố mẹ nên có hành động thiết thực thay vì chỉ khẳng định với các con “Bố mẹ luôn công bằng với tất cả”. Trong mắt của những đứa trẻ bị đối xử bất công, câu nói này chỉ như một lời bao biện giả dối. Lời nói sẽ không bao giờ có ý nghĩa nếu không đi kèm với đó là hành động chứng minh.

khắc phục tình trạng cha mẹ thiên vị con cái
Chia đều tình yêu thương và sự quan tâm sẽ giúp con trẻ phát triển lành mạnh

Một số lời khuyên dành cho cha mẹ đang thiên vị con cái quá mức:

  • Trong trường hợp gia đình có thêm thành viên mới, hãy dành thời gian để trò chuyện với trẻ. Hãy nói với trẻ vì sao bố mẹ cần dành nhiều thời gian cho em và bản thân con cũng từng được chăm sóc, nâng niu như vậy. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên nhờ trẻ giúp đỡ trong việc chăm sóc em để khơi gợi tính trách nhiệm và tình yêu thương. Tuy nhiên, chỉ nên khuyến khích trẻ, không nên áp đặt khiến trẻ cảm thấy khó chịu.
  • Bố mẹ nên thể hiện sự quan tâm, yêu thương một cách đồng đều. Hãy mua đủ bánh và trò chơi cho các con thay vì bắt trẻ phải nhường nhịn em. Trẻ nhỏ không có sự thấu hiểu sâu sắc như người lớn. Vì vậy, đừng bắt trẻ phải hiểu suy nghĩ của người lớn mà hãy đặt mình vào vị trí của con.
  • Với những trẻ có tính cách hướng nội và ít nói, bố mẹ nên chủ động trò chuyện cùng con. Bản thân con cũng có nhu cầu được yêu thương nhưng chỉ là không biết cách bày tỏ. Sự quan tâm của bố mẹ sẽ giúp con trẻ hiểu được rằng, tất cả anh chị em đều được yêu thương ngang bằng nhau.
  • Hạn chế so sánh trẻ với anh chị em trong nhà, nhất là khi trẻ không có ngoại hình và năng lực ưu tú. Bản thân trẻ không có quyền lựa chọn khả năng, thế mạnh cũng như ngoại hình. Vì vậy, hãy khuyến khích trẻ cố gắng học tập đúng khả năng của mình và đừng tiếc lời khen khi con thực sự nỗ lực.
  • Khi trẻ có biểu hiện chống đối và phá phách, hãy kiên nhẫn trò chuyện để tìm hiểu nguyên nhân. Tuyệt đối không trách móc trẻ và chì chiết quá mức. Bởi rất có thể hành vi của con là kết quả do cách giáo dục thiếu công bằng, bất công của bố mẹ.
  • Có thể tổ chức các chuyến đi chơi để xóa bỏ khoảng cách với con và giúp con thân thiết hơn với các anh chị em. Thông qua các chuyến đi này, tình cảm của những thành viên trong gia đình sẽ trở nên khăng khít hơn bao giờ hết.

Tâm lý của trẻ rất nhạy cảm nhưng lại dễ thay đổi. Vì vậy, nếu quan tâm kịp thời, bố mẹ có thể kéo con lại gần hơn và giúp trẻ hiểu rằng bản thân mình cũng được yêu thương, nâng niu như các anh chị em khác. Sự yêu thương, quan tâm của bố mẹ sẽ là liều thuốc chữa lành tổn thương tâm lý và giúp con phát triển lành mạnh.

2. Biện pháp dành cho con trẻ

Trên thực tế, đôi khi chính ba mẹ cũng không biết rằng bản thân đang đối xử bất công với con cái. Bởi chính họ đôi khi cũng đã từng bị đối xử không công bằng. Cách giáo dục này đã hằn sâu trong tâm trí khiến bố mẹ tiếp tục áp dụng với các con của mình. Vì vậy, khi cảm nhận được bố mẹ đang đối xử bất công với mình, trẻ có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Trước tiên, hãy thẳng thắn trò chuyện với bố mẹ. Có thể khi nghe được những lời thành thật từ con, bố mẹ sẽ nhìn nhận và điều chỉnh lại cách giáo dục của mình.
  • Trong trường hợp bố mẹ không thỏa hiệp, hãy chia sẻ những uất ức với người khác như thầy cô giáo, bạn bè, người thân khác,… Sự chia sẻ, động viên của mọi người sẽ giúp các con có thêm động lực và biết rằng bản thân không bao giờ cô độc.
  • Nếu đang sống phụ thuộc vào gia đình, hãy cố gắng bỏ ngoài tai những lời chì chiết và trách móc từ bố mẹ. Tránh phản ứng kích động, gây gổ với bố mẹ và anh chị em. Bởi bố mẹ có thể người sai nhưng đáp lại bằng cách hành xử thiếu suy nghĩ cũng không phải là một hành động đúng. Hơn nữa, cách hành xử này sẽ khiến cho mâu thuẫn gia đình trở nên sâu sắc và khó hàn gắn.
  • Gạt bỏ sự tự ti, mặc cảm sang một bên. Thay vào đó, hãy dành thời gian để phát triển bản thân, tìm ra đam mê và cố gắng trong học tập. Có như vậy, các con mới có thể rời khỏi gia đình và tự lập trong thời gian sớm nhất.
  • Thực tế, bố mẹ dù là người lớn nhưng không phải lúc nào cũng thấu đáo trong cách suy nghĩ và hành xử. Vì vậy, nếu bố mẹ quá cứng nhắc với cách giáo dục của mình, hãy học cách chấp nhận. Nếu không tìm thấy niềm vui từ gia đình, hãy tìm đến bạn bè, thầy cô và nên xem xét tham vấn tâm lý học đường khi cần thiết.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Cha mẹ thiên vị con cái sẽ khiến trẻ bị tổn thương tâm lý và hình thành suy nghĩ, tính cách tiêu cực. Sự bất công luôn hiện diện trong cuộc sống nhưng ít nhất con cần phải được đối xử công bằng trong chính ngôi nhà của mình. Đối xử công bằng vừa giúp các con gần gũi, yêu thương nhau vừa đảm bảo trẻ được phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tham khảo thêm:

3.5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *