Mầm sống: Thiếu thấu hiểu, con trẻ dễ gặp vấn đề tâm lý
Qua phim ngắn “Mầm sống” của Trung tâm Tâm Lý Trị Liệu NHC, chúng ta chợt nhận ra rằng chăm sóc con cái không chỉ ở khía cạnh thể chất mà tinh thần cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, trong nhịp sống bận rộn, không ít cha mẹ vô tình bỏ qua, không nhận ra những cảm xúc cùng nhu cầu tâm lý của con. Chính vì vậy, mỗi người làm cha mẹ cần tự hỏi: Liệu chúng ta đã thực sự thấu hiểu những mầm sống của gia đình mình chưa?
Cha mẹ có đang thấu hiểu con?
Cha mẹ thường nghĩ rằng mình hiểu con cái chỉ vì đã nuôi dạy và chăm sóc trẻ từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy không ít phụ huynh hiểu con dựa trên những kỳ vọng và kinh nghiệm của bản thân hơn là từ chính nhu cầu và cảm xúc thực sự của trẻ. Chẳng hạn, nhiều cha mẹ cho rằng con cần duy trì thành tích học tập xuất sắc để có tương lai tươi sáng, trong khi điều mà trẻ thực sự cần lại là được lắng nghe và cảm thông trong những lúc gặp khó khăn.
Việc thấu hiểu con cái ở đây không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ gia đình gắn kết mà còn là nền tảng để trẻ phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Khi cha mẹ lắng nghe nhu cầu của con nhiều hơn, bé sẽ cảm thấy an toàn, được yêu thương và tôn trọng. Ngược lại, thiếu đi những thấu hiểu có thể khiến trẻ cảm thấy cô đơn, áp lực và dễ gặp phải các vấn đề tâm lý trong tương lai.
Cha mẹ nên đặt mình vào vị trí của trẻ để cảm nhận và hiểu rõ những gì con đang trải qua. Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe mà người lớn cần quan sát và nhận ra những thay đổi nhỏ trong hành vi cùng cảm xúc của con để kịp thời can thiệp khi trẻ gặp rắc rối với sự phát triển của mình.
Cha mẹ có thực sự hiểu con mình không? là câu hỏi mà mỗi người làm cha mẹ nên tự hỏi bản thân thường xuyên và dành thời gian để lắng nghe con nhiều hơn nhằm tìm ra cho mình câu trả lời chính xác. Chỉ khi thấu hiểu từ tận sâu trong trái tim, cha mẹ mới có thể đồng hành cùng con trên con đường phát triển đầy thử thách này.
Dấu hiệu tâm lý con trẻ bất ổn
Trẻ em phải đối mặt với áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè và sự thay đổi về tâm sinh lý khiến con cảm thấy quá tải khi không được chia sẻ và giải tỏa. Đồng thời bé trở nên lo lắng quá mức về việc phải đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, xã hội.
Với tâm hồn còn non nớt, trẻ rất cần sự đồng hành và chia sẻ từ cha mẹ. Việc phụ huynh không nhận ra những cảm xúc và nhu cầu thực sự của con có thể khiến trẻ cảm thấy mình không được quan tâm, dễ rơi vào trạng thái lo lắng, dẫn đến những biểu hiện tâm lý không ổn định. Những dấu hiệu tâm lý bất ổn mà người lớn bắt gặp ở con em mình có thể là:
- Trẻ trở nên lầm lì, ít nói, tránh giao tiếp với người thân trong gia đình.
- Trẻ thường xuyên có thái độ cáu gắt, nổi giận vô cớ.
- Trẻ có xu hướng sống khép kín, tự cô lập bản thân khỏi các hoạt động bên ngoài xã hội.
- Trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thường xuyên gặp ác mộng.
- Trẻ dần mất hứng thú với những sở thích, hoạt động từng tham gia nhiều trước đây.
- Trẻ có biểu hiện lo lắng, hoảng sợ mà không rõ nguyên nhân cụ thể.
- Trẻ có kết quả học tập sa sút mà không có lý do rõ ràng.
- Trẻ có biểu hiện tự ti, đánh mất niềm tin vào bản thân, nghĩ mình vô dụng.
Hậu quả khi con bị khủng hoảng tâm lý
Khi đối mặt với những thay đổi lớn như chuyển cấp, mối quan hệ bạn bè, áp lực từ sự kỳ vọng của người lớn, trẻ thường không biết cách diễn đạt cảm xúc của mình, không biết giải quyết mọi vấn đề ra sao. Thêm vào đó, thiếu đi sự quan tâm và thấu hiểu từ cha mẹ khiến trẻ càng rơi vào hoang mang, trở nên nhạy cảm và dễ bị khủng hoảng tâm lý hơn so với người lớn.
Một trong những hậu quả đầu tiên của khủng hoảng tâm lý là trẻ mất tập trung, không còn hứng thú với việc học và dần dần kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng. Kết quả học tập yếu kém này không chỉ làm tổn hại đến tương lai mà còn khiến các bé tự ti nhiều hơn về chính khả năng của mình.
Trẻ em khi đang có vấn đề tâm lý bất ổn thường có xu hướng tự cô lập mình, tránh xa bạn bè và gia đình. Việc cảm thấy không ai hiểu mình sẽ khiến con trẻ cảm thấy cô đơn và mất niềm tin vào các mối quan hệ xung quanh. Không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà điều này còn khiến các em khó xây dựng các mối quan hệ lành mạnh sau này.
Ngoài ra, những vấn đề về sức khỏe thể chất cũng xuất hiện khiến trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức mà không rõ nguyên nhân. Chúng có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của con. Trong khi đó, cha mẹ thường chỉ chú ý đến những triệu chứng thể chất mà không nhận ra nguồn gốc tâm lý sâu xa, khiến tình trạng của trẻ càng trở nên tồi tệ hơn.
Và khi tâm lý bất ổn ở trẻ không được xử lý đúng cách có thể dẫn đến các vấn đề tâm thần nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu kéo dài. Trẻ em với tâm lý non nớt rất dễ bị tổn thương và một khi đã rơi vào trạng thái tiêu cực sẽ rất khó để tự mình thoát ra. Hơn nữa, thiếu đi sự thấu hiểu từ cha mẹ có thể khiến con cảm thấy dường như mình bị bỏ rơi nên hình thành suy nghĩ tiêu cực và thậm chí là có hành vi tự hủy hoại bản thân vô cùng nguy hiểm.
Mầm sống tương lai cần sự thấu hiểu từ người thân yêu
Sự thấu hiểu trong gia đình là nền tảng quan trọng để con cái phát triển một cách lành mạnh và hạnh phúc. Nó đến từ việc lắng nghe, quan sát và đồng cảm từ những người thân yêu, đặc biệt là từ cha mẹ. Người lớn thực sự thấu hiểu con sẽ có thể nhận ra những nhu cầu, mong muốn cũng như khó khăn mà trẻ đang trải qua.
Hơn hết, sự thấu hiểu nên xuất phát từ những tương tác hàng ngày, khi cha mẹ dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe con cái mà không hề trách mắng. Nó còn là việc phụ huynh nên nhận ra những điều con không nói, những cảm xúc ẩn giấu phía sau lời nói và hành động. Khi đó, trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm thực sự để rồi con có thể chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn mà không sợ bị khiển trách hay hiểu lầm.
Tầm quan trọng của sự thấu hiểu chính là cầu nối giúp giảm bớt đi những hiểu lầm, xung đột trong gia đình để trẻ tự tin đối diện với những thách thức của cuộc sống. Lúc này con sẽ dễ dàng mở lòng hơn để cha mẹ nhận biết sớm những vấn đề tâm lý và có sự hỗ trợ kịp thời. Nó còn giúp trẻ phát triển tốt về mặt tinh thần và tác động tích cực đến cả thành tích học tập lẫn các mối quan hệ xung quanh con.
Thấu hiểu từ cha mẹ là yếu tố cực kỳ quan trọng, nhưng không phải là cách duy nhất để trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương. Con cũng có thể tìm thấy sự thấu hiểu và hỗ trợ từ ông bà, anh chị em, thầy cô và bạn bè. Mỗi mối quan hệ này đều mang lại những giá trị khác nhau và góp phần hình thành tâm lý ổn định cho con.
Sự thấu hiểu trong gia đình cũng cần phải được xây dựng từ cả hai phía: cha mẹ và con cái. Để hỗ trợ trẻ khắc phục vấn đề tâm lý và trở thành chỗ dựa vững chắc trên hành trình phát triển, cả gia đình cần phải cùng nhau nỗ lực nhiều hơn nữa. Với các cách sau đây, cha mẹ sẽ trở thành nguồn sức mạnh thực sự cho những mầm sống tương lai:
1. Chấp nhận thất bại của trẻ
Trong hành trình trưởng thành, việc gặp thất bại là điều không thể tránh khỏi. Khi trẻ trải qua những thất bại đầu đời, thay vì trách mắng thì cha mẹ nên chấp nhận và dạy cho con hiểu rằng thất bại là một phần tự nhiên của quá trình học hỏi, đó không phải là điều đáng xấu hổ. Mỗi một trẻ em cần được dạy rằng mỗi thất bại là một cơ hội để phát triển thay vì chỉ đứng yên cảm thấy bất lực mà không tiếp tục hướng đến tương lai.
Để chấp nhận thất bại của trẻ một cách hiệu quả, cha mẹ nên thể hiện sự ủng hộ và khuyến khích khi trẻ đối mặt với khó khăn. Thay vì chỉ ra lỗi lầm, hãy tập trung vào việc cùng trẻ phân tích nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Việc này không chỉ giúp trẻ cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề mà còn tăng cường lòng tự tin của trẻ. Mầm sống trong tương lai sẽ cảm nhận được sự tin tưởng và động viên từ người thân yêu, điều này rất quan trọng để trẻ có thể tiếp tục nỗ lực và không bỏ cuộc khi gặp khó khăn.
2. Khuyến khích con nói ra ý kiến của mình
Không phải lúc nào người lớn cũng hiểu rõ về ý nghĩa của việc lắng nghe suy nghĩ của trẻ. Để con cảm thấy thoải mái khi nói ra điều gì đó, cha mẹ cần cởi mở hơn đối với mọi vấn đề và không la mắng. Trẻ em cũng cần cảm nhận rằng mọi ý kiến của mình đều có giá trị và được xem trọng.
Khuyến khích con nói ra ý kiến của mình, hãy bắt đầu bằng cách tạo ra các trò chuyện dễ chịu về sở thích, mong muốn nhỏ của trẻ. Nó giúp trẻ dần hình thành thói quen chia sẻ ý kiến, dễ dàng mở lòng hơn. Cùng với đó người lớn cần thể hiện việc mình đã lắng nghe hết sức chân thành thông qua những phản ứng tích cực để trẻ cảm thấy được tôn trọng và có thêm động lực tiếp tục chia sẻ.
3. Tôn trọng sở thích của con
Mỗi đứa trẻ đều có những sở thích và niềm đam mê riêng biệt. Vậy nên việc công nhận và khuyến khích những sở thích này sẽ giúp trẻ có thêm sự tự tin và luôn cảm nhận được tình thương từ cha mẹ. Những mầm sống tương lai này sẽ cảm nhận được sự được khuyến khích khi cha mẹ dành thời gian tìm hiểu và ủng hộ những gì con yêu thích.
Cha mẹ có thể tôn trọng sở thích của con bằng cách tham gia vào các hoạt động mà trẻ yêu thích như vẽ tranh, học hát, xếp hình,… Tất cả những hoạt đó không chỉ thể hiện sự quan tâm mà còn tạo ra mối liên hệ bền chặt giữa cha mẹ và con. Lúc này khi trẻ cảm thấy được tôn trọng sẽ có thêm nhiều động lực hơn nhằm theo đuổi đam mê của mình và phát triển bản thân.
4. Tìm hiểu thế giới nội tâm của trẻ
Khi nhìn vào những khoảnh khắc mà trẻ chia sẻ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, ta thấy những tia sáng trong thế giới nội tâm của con. Đây là thời điểm quan trọng để cha mẹ lắng nghe và hiểu rõ hơn về cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn của con.
Việc tạo điều kiện cho trẻ thổ lộ những suy nghĩ và cảm xúc của mình sẽ giúp cha mẹ nhận diện và khắc phục những vấn đề tâm lý có thể xảy ra. Mỗi một lần được thấu hiểu và ủng hộ, con sẽ tự tin chia sẻ những lo lắng, khó khăn mà mình đang gặp phải. Nó giúp cha mẹ nhận ra những dấu hiệu tiềm ẩn của các vấn đề tâm lý để hỗ trợ trẻ giải quyết. Con sẽ cảm thấy an toàn hơn khi biết rằng cha mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe và đồng hành cùng mình.
Từ việc hiểu biết về thế giới nội tâm của trẻ, cha mẹ có thể tạo ra những phương pháp hỗ trợ phù hợp để con vượt qua những khó khăn về tâm lý. Sự quan tâm chân thành và thường xuyên từ các bậc phụ huynh giúp trẻ cảm nhận tình yêu thương quan trọng đối với sự phát triển sức khỏe tinh thần của con. Khi đã có thể tiếp cận và hiểu rõ thế giới nội tâm của trẻ, người lớn sẽ có những chiến lược hiệu quả để còn đối mặt và giải quyết các vấn đề tâm lý theo hướng tích cực.
Những mầm sống của gia đình rồi sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi được nuôi dưỡng trong môi trường tràn đầy sự thấu hiểu và yêu thương. Với tư cách là cha mẹ, người lớn nên học cách lắng nghe và hiểu rõ con cái nhiều hơn để giúp trẻ tránh được các vấn đề tâm lý và tạo điều kiện cho con trưởng thành khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Có thể bạn quan tâm:
- Cha mẹ kỳ vọng quá nhiều sẽ tạo áp lực lên con cái
- Thực trạng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái: Đâu là lý do?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!