Cách cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thêm hòa hợp

Cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là điều không hề đơn giản. 10 Bí quyết được tổng hợp trong bài viết sẽ giúp nàng dâu biết cách hòa hợp với mẹ chồng và xây dựng được không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu
Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu không tránh khỏi xung đột, mâu thuẫn do khác biệt về quan niệm sống

10 Cách cải thiện, dung hòa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu

Mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu là vấn đề nan giải đối với mỗi gia đình. Ngày nay, mâu thuẫn này trở nên sâu sắc hơn do bản thân nàng dâu không dành nhiều thời gian cho gia đình như trước mà mong muốn có cơ hội phát triển sự nghiệp. Những bất đồng về quan điểm sống, tính cách và thói quen sinh hoạt khiến mẹ chồng và nàng dâu gặp khó khăn trong việc hòa hợp.

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu và đôi khi những mâu thuẫn này không thể nào hóa giải. Mâu thuẫn kéo dài dai dẳng sẽ khiến cho tình cảm của cả hai bị sứt mẻ, không khí gia đình nặng nề và mất đi sự ấm cúng vốn có.

Hơn nữa, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng khiến người đứng giữa là chồng của bạn khó xử và luôn phải chú ý đến thái độ của cả hai để kịp thời xoa dịu tình hình. Việc phân rõ trắng – đen, đúng – sai với mẹ chồng đôi khi không phải là giải pháp hữu hiệu. Bởi mẹ chồng đã quen với quan niệm và cách sống cũ nên khó hòa hợp với những tư tưởng mới mẻ của con dâu.

Để không khí gia đình luôn ấm cúng và hạnh phúc, bạn có thể áp dụng 10 cách cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong nội dung sau:

1. Tôn trọng lẫn nhau

Tôn trọng là yếu tố cần thiết để xây dựng và duy trì tất cả các mối quan hệ, bao gồm quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Đôi khi mẹ chồng có những hành động, lời nói không phù hợp và quá khắt khe với bạn. Tuy nhiên, bạn cần giữ sự tôn trọng đối với mẹ chồng vì bà là người đã sinh thành và dưỡng dục chồng của bạn.

Nếu mẹ chồng có những lời nói và hành động làm tổn thương lòng tự trọng, bạn nên đề nghị mẹ bầu tôn trọng bản thân và cuộc sống riêng tư của cả hai vợ chồng. Giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ có nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên, nếu tôn trọng lẫn nhau, mọi mâu thuẫn có thể được hóa giải, từ đó giúp cải thiện và dung hòa mối quan hệ.

Một điều cấm kỵ đối với những người đã lập gia đình là không được nói xấu mẹ chồng. Nếu không hài lòng với bà, bạn nên chia sẻ với chồng và lựa lời để mẹ chồng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nói xấu mẹ chồng sẽ khiến cho mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu trở nên sâu sắc và đôi khi không thể cứu vãn.

2. Chấp nhận sự khác biệt

Mẹ chồng và nàng dâu có khoảng cách lớn về tuổi tác. Do đó, rất khó để mẹ chồng có thể hiểu được tư tưởng, quan điểm, mục tiêu sống của con dâu và ngược lại. Thực tế, mẹ chồng và con dâu sinh ra ở 2 thời đại khác nhau, môi trường sống và cách giáo dục cũng không giống nhau. Vì vậy, sẽ không thể tránh khỏi những khác biệt về suy nghĩ và lối sống.

Sự khác biệt sẽ không phải là vấn đề nếu cả hai học cách tôn trọng và chấp nhận đối phương. Thay vì cố chấp khuyên mẹ chồng thay đổi, bạn nên tỏ thái độ hòa nhã và lắng nghe. Lời nói thể hiện sự tôn trọng sẽ giúp mẹ chồng cảm thấy dễ chịu và bắt đầu học cách chấp nhận sự khác biệt giữa bản thân và con cái.

cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu
Chấp nhận sự khác biệt về quan điểm sống là cách đơn giản giúp cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu

Khi cả hai chấp nhận sự khác biệt, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ dần được cải thiện. Trên thực tế, mỗi cá thể đều sẽ có những đặc điểm riêng nên không thể hòa hợp 100% trong một mối quan hệ. Ngoài mối quan hệ với mẹ chồng, bạn cũng cần học cách chấp nhận sự khác biệt với bạn đời để xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và bền vững.

3. Hoàn thiện bản thân

Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thiếu sót. Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, bạn phải thay đổi bản thân để có thể hòa hợp với bạn đời và gia đình chồng. Phụ nữ đã có gia đình không thể sống thoải mái và vô tư như trước do gánh nặng về con cái, trách nhiệm với gia đình nội – ngoại,…

Hoàn thiện bản thân khác với việc thay đổi. Bạn không nhất thiết phải thay đổi công việc, sở thích và quan điểm sống để làm hài lòng mẹ chồng. Điều bạn cần hoàn thiện là cách ứng xử, giao tiếp, đồng thời nên dành thời gian để trau dồi kỹ năng nấu nướng và chăm sóc gia đình. Đây đều là những kỹ năng cần thiết để bạn có thể quản lý và chủ động hơn trong cuộc sống hôn nhân.

Khi hoàn thành tốt những nhiệm vụ trong gia đình, bạn có thể dành thời gian để học tập và phát triển sự nghiệp. Ngoài ra, kỹ năng nấu nướng, chăm sóc gia đình cũng sẽ giúp bạn hạn chế mâu thuẫn với mẹ chồng và những thành viên khác. Do đó, bạn nên chuẩn bị những kỹ năng này trước khi lập gia đình – đặc biệt là trong trường hợp phải sống chung với gia đình chồng.

Khi nhận thấy con dâu có những thay đổi tích cực, mẹ chồng sẽ dần thay đổi suy nghĩ về bạn. Thực tế, nhiều nàng dâu nhận thấy mẹ chồng bắt đầu cũng có những thay đổi sau khi chứng kiến sự hoàn thiện của bản thân. Bên cạnh đó, việc tự hoàn thiện bản thân cũng sẽ giúp bạn xây dựng tình cảm khắng khít với bạn đời, đồng thời để bạn đời thấy được sự nỗ lực của bạn trong việc dung hòa mối quan hệ với mẹ chồng.

4. Kiểm soát lời nói của bản thân

Khi sống chung một nhà, nàng dâu và mẹ chồng khó có thể tránh khỏi những lúc “to tiếng” với nhau. Trong trường hợp này, bạn cần kiểm soát lời nói để tránh gây tổn thương mẹ chồng và làm mối quan hệ của cả hai trở nên tồi tệ hơn. Thực tế, những khác biệt trong quan điểm và lối sống hoàn toàn có thể hòa hợp. Tuy nhiên, lời nói có thể gây tổn thương sâu sắc khiến cho mối quan hệ của cả hai không thể cứu vãn.

Trong tình huống mẹ chồng đang nóng giận, bạn nên kiềm chế cảm xúc và nhường nhịn để bà nguôi cơn giận. Cách ứng xử khéo léo sẽ giúp giảm bớt sự căng thẳng trong mối quan hệ, đồng thời thể hiện sự nỗ lực của bạn trong việc hòa hợp với mẹ chồng. Sau khi mẹ chồng nguôi giận, bạn có thể trò chuyện nhẹ nhàng để cả hai tìm cách giải quyết cho vấn đề.

Trong nhiều vấn đề, có thể bạn là người đúng. Tuy nhiên, việc phân định rạch ròi đúng – sai có thể khiến mẹ chồng bị tổn thương và không hài lòng về bạn. Vì vậy, đừng phân rõ đúng – sai và tranh giành địa vị với mẹ chồng.

Thay vào đó, nên giải thích để mẹ chồng hiểu cái khó của bản thân và những hành động của bản thân đều là vì muốn tốt cho gia đình. Thái độ mềm mỏng và nhường nhịn từ bạn sẽ giúp xoa dịu những cảm xúc tiêu cực ở mẹ chồng, đồng thời gia tăng sự hòa hợp và khắng khít trong mối quan hệ.

5. Thẳng thắn trò chuyện với mẹ chồng

Khi sống chung, mẹ chồng và nàng dâu sẽ khó tránh khỏi xung đột, mâu thuẫn. Ngoài ra, một số hành động của mẹ chồng có thể “vô tình” khiến bạn bị tổn thương và cảm thấy khó chịu. Thay vì giữ kín trong lòng và nói xấu mẹ chồng sau lưng, bạn nên trò chuyện thẳng thắn để cả hai tìm cách giải quyết.

cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu
Nên trò chuyện thẳng thắn với mẹ chồng để cả hai nỗ lực hòa hợp và hóa giải xung đột

Khi thẳng thắn đề cập đến vấn đề, mẹ chồng có thể khó chịu. Tuy nhiên, đây là cách duy nhất có thể hóa giải mâu thuẫn và xung đột. Nếu im lặng, mâu thuẫn có thể trở nên sâu sắc theo thời gian khiến cho tình cảm của hai mẹ con bị sứt mẻ.

6. Không gây áp lực lên người chồng

Khi có mâu thuẫn với mẹ chồng, không ít nàng dâu trút giận và gây áp lực lên người chồng. Tuy nhiên, đây là điều cấm kỵ nàng dâu nên tránh. Đứng ở vị trí là người chồng, một bên là vợ một bên là mẹ nên họ thường rất khó xử và không biết giải quyết sao cho phù hợp. Vì vậy, không nên tạo áp lực cho bạn đời mà chỉ nên chia sẻ những khó khăn, mâu thuẫn trong cuộc sống với chồng.

Hơn ai hết, bạn đời là người đã sống chung với mẹ trong một thời gian dài nên sẽ hiểu rõ về tính cách và quan điểm sống của bà. Thông qua đó, bạn có thể tìm ra cách cư xử phù hợp để làm hài lòng mẹ chồng và cải thiện mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu.

Hơn nữa, khi biết bạn liên tục tạo áp lực cho chồng, mẹ chồng đương nhiên sẽ không hài lòng. Do đó, hãy giữ thái độ hòa nhã, nhường nhịn để gia đình luôn được đầm ấm. Bạn không nhất thiết phải giấu kín mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu với bạn đời. Tuy nhiên, khi chia sẻ nên lựa chọn lời nói phù hợp để tránh khiến bạn đời cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.

7. Hỏi ý kiến mẹ chồng trước khi đưa ra quyết định quan trọng

Trước đây, mẹ chồng là người quan trọng trong cuộc sống của con trai. Bà vừa là người chăm sóc, vừa hỗ trợ trong công việc và tư vấn để con trai đưa ra những quyết định đúng đắn. Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng sẽ tự đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Điều này có thể “vô tình” làm tổn thương mẹ chồng và khiến bà cảm thấy không thoải mái với sự xuất hiện của bạn.

Để mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu được hòa hợp, bạn nên tạo cho mẹ chồng cảm giác mẹ vẫn luôn có vai trò quan trọng trong cuộc sống của cả hai. Vì vậy trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, nên chia sẻ để nhận được lời khuyên hữu ích từ mẹ chồng. Hỏi ý kiến mẹ chồng trước khi đưa ra lựa chọn sẽ giúp mối quan hệ của cả hai được cải thiện và mẹ chồng cảm nhận được sự tôn trọng của các con dành cho mình.

8. Khen ngợi mẹ chồng

Khen ngợi mẹ chồng đúng lúc là bí quyết giúp cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu hiệu quả. Thực tế, ai cũng muốn nhận được lời khen từ người khác dù là bao nhiêu tuổi đi chăng nữa. Vì vậy, bạn nên dành những lời khen ngợi đến mẹ chồng và những thành viên khác trong gia đình.

Mẹ chồng là người có kinh nghiệm sống dày dạn, đảm đang, tháo vát và nhanh nhạy trong việc xử lý những vấn đề gia đình. Do đó, bạn có thể bày tỏ sự ngưỡng mộ và dành những lời khen tinh tế để làm mẹ chồng vui lòng.

Nếu là người nấu ăn kém, bạn có thể nhờ mẹ chồng chỉ bảo thêm để cải thiện kỹ năng nấu nướng và tháo vát hơn trong công việc nhà. Thay vì giữ thái độ khó chịu, cách ứng xử khéo léo này sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt gia đình chồng và bạn đời cũng cảm thấy yêu thương bạn hơn.

9. Thể hiện sự quan tâm với mẹ chồng

Không ít mẹ chồng cảm thấy không thoải mái với con dâu vì cho rằng con dâu thao túng khiến con trai quá nghe lời vợ và xa cách với gia đình. Do đó, bạn nên cho mẹ chồng thấy rằng bạn cũng là con của bà, không phải là người chen ngang làm sứt mẻ mối quan hệ giữa mẹ và con trai.

dung hòa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu
Những hành động quan tâm sẽ giúp dung hòa mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu

Những hành động thể hiện sự quan tâm như nấu món ăn mẹ chồng thích, thường xuyên tặng các món quà tốt cho sức khỏe như nhân sâm, tổ yến, thực phẩm chức năng, dành thời gian mua sắm và thư giãn với mẹ chồng,… là những cách giúp cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Khi nhận được sự quan tâm từ bạn, mẹ chồng sẽ cảm thấy bản thân được tôn trọng và yêu thương. Ngoài ra, đây cũng là cách để bạn bày tỏ sự biết ơn đối với người đã sinh thành và nuôi nấng chồng của mình.

10. Tham vấn tâm lý

Trong trường hợp mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu trở nên sâu sắc không thể hóa giải, bạn có thể tham vấn tâm lý. Tham vấn tâm lý sẽ giúp bạn tìm cách hòa hợp mối quan hệ và hóa giải những xung đột trong cuộc sống. Khi tham vấn tâm lý, chuyên gia sẽ trò chuyện để nắm rõ vấn đề bạn đang phải đối mặt.

Sau đó, giúp bạn giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, sắp xếp lại suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề và tự tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Chuyên gia tâm lý cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên tắc cốt lõi của một mối quan hệ hòa hợp là sự tôn trọng và thấu hiểu.

Ngoài việc tham vấn tâm lý cá nhân, bạn có thể tham gia tư vấn cùng với mẹ chồng và bạn đời. Tư vấn cặp đôi và nhóm sẽ mang lại hiệu quả cao trong trường hợp gia đình thường xuyên có mâu thuẫn, xung đột. Tham vấn tâm lý không chỉ giúp bạn biết cách cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu mà còn học cách yêu thương bản thân và giải tỏa cảm xúc lành mạnh.

Hy vọng qua những bí quyết trên, bạn có thể cải thiện mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Một mối quan hệ luôn cần sự vun đắp từ cả hai phía. Do đó, nên thẳng thắn chia sẻ với mẹ chồng để cả hai cùng cố gắng hòa hợp và xây dựng không khí gia đình vui vẻ, đầm ấm.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *