Cảm xúc tiêu cực là gì? Nguyên nhân, cách nhận biết và vượt qua
Cảm xúc tiêu cực là một phần tất yếu của cuộc sống, thường hình thành khi con người phải đối mặt với những sự việc không mong muốn. Tuy nhiên nếu không biết cách kiểm soát thì tình trạng này có thể kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Cảm xúc tiêu cực là gì?
Cảm xúc tiêu cực được hiểu một cách đơn giản là những phản ứng cảm xúc khó chịu và gián đoạn. Chẳng hạn như buồn bã, sợ hãi, tức giận, ghen tỵ,… Những cảm giác ngoài gây cảm giác khó chịu thì chúng còn khiến cho bạn khó hoạt động trong cuộc sống thường ngày. Đồng thời gây cản trở khả năng hoàn thành mục tiêu của bạn.
Điều quan trọng mà bạn cần lưu ý đó là không có cảm xúc nào (kể cả cảm xúc tiêu cực) là xấu. Hoàn toàn bình thường để cảm nhận những điều này trong các bối cảnh hay tình huống nhất định. Tuy nhiên nếu các cảm xúc tiêu cực tồn tại dai dẳng và gây cản trở khả năng sống bình thường của bạn thì chúng mới thật sự trở thành vấn đề.
Do đó, cảm xúc tiêu cực chỉ nên xuất hiện trong thời gian ngắn với một mức độ cho phép. Nếu cảm xúc tồi tệ kéo dài thì bạn sẽ phải đối mặt với nhiều hệ quả nghiêm trọng lên cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Cách nhận biết các cảm xúc tiêu cực thường gặp
Có một số cảm giác khác nhau được xếp vào nhóm cảm xúc tiêu cực. Mặc dù những cảm giác như thế này có thể là một phản ứng bình thường đối với một số trải nghiệm nay sự kiện nhất định nhưng chúng lại có xu hướng gây đau khổ và khó chịu.
Một số loại cảm xúc tiêu cực phổ biến bao gồm:
1. Buồn bã và đau khổ
Có thể thấy rằng, buồn bã và đau khổ là những cảm xúc tiêu cực phổ biến nhất. Cảm xúc này có thể đi kèm với nhiều dạng cảm xúc tồi tệ khác như xấu hổ, tội lỗi, ghen tị, lo lắng, bất an,…
Buồn bã thường có mức độ đa dạng tùy thuộc vào mức độ của sự việc. Nó có thể có mức độ nghiêm trọng, dẫn tới đau khổ khi bạn phải trải qua các sự kiện nghiêm trọng. Chẳng hạn như mất người thân, mất việc làm, bản thân mắc phải sai lầm nghiêm trọng, lỡ mất cơ hội trong cuộc sống,…
2. Xấu hổ
Xấu hổ được hiểu đơn giản là cảm xúc tự ý thức khi bạn cảm thấy bản thân thua kém người khác hoặc nhận ra bản thân vừa có những lời nói, hành vi không phù hợp. Dạng cảm xúc này có thể đi kèm với tâm trạng buồn bã, bi quan, chán nản, tự ti, tội lỗi và đau khổ.
Tùy theo mức độ của sự việc mà xấu hổ có thể xuất hiện trong một thời gian ngắn nhưng cũng có thể dai dẳng kéo dài. Xấu hổ kéo dài và không thể kiểm soát có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều dạng bệnh tâm lý. Chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách,…
3. Luôn có cảm giác tội lỗi
Tội lỗi là loại cảm xúc tiêu cực thường xuất hiện sau khi bạn phạm phải lỗi lầm. Cảm xúc này có xu hướng đi kèm với cảm giác bi quan, chán nản, buồn bã và đau khổ. Hơn nữa không ít người còn dẫn đến tự trách và dằn vặt bản thân.
Cảm giác tội lỗi và sự dằn vặt kéo dài có thể nhấn chìm mọi cảm xúc tích cực. Nếu tình trạng này không được khắc phục sẽ gây ra một số rối loạn tâm lý – tâm thần. Chẳng hạn như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách, hoang tưởng,…
4. Bất an, lo lắng
Bất an, lo lắng là những cảm xúc tiêu cực phổ biến, có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi. Cảm xúc này có xu hướng xuất hiện khi bạn phải đối mặt với nỗi sợ hay những sự kiện quan trọng gây căng thẳng. Chẳng hạn như kỳ thi, đám cưới, sinh nở, kiện tụng,…
Bên cạnh đó, áp lực học tập, công việc, vấn đề tài chính hay mâu thuẫn trong các mối quan hệ cũng là những yếu tố có thể gây ra lo lắng cho bạn. Khi đối mặt với cảm xúc lo lắng, bất an thì con người thường có xu hướng suy nghĩ nhiều, có cái nhìn tiêu cực và bi quan về tương lai.
5. Sợ hãi
Sợ hãi là một trong những loại cảm xúc tiêu cực có cường độ mạnh. Đây được xem là mức độ cao hơn của cảm xúc lo lắng và bất an. Sợ hãi thường xuất hiện khi bạn phải đối mặt với các sự kiện có tính chất nghiêm trọng. Chẳng hạn như vỡ nợ, bản thân hoặc người thân bị chẩn đoán mắc bệnh nan y, tai nạn, bị đe dọa, uy hiếp, mất người thân đột ngột,…
Bên cạnh đó, một số người bị rối loạn lo âu còn có nỗi sợ thái quá và vô lý trước những đối tượng bình thường. Chẳng hạn như không gian kín, các hiện tượng thiên nhiên, đám đông hay côn trùng. Tuy nhiên, nỗi sợ có thể giảm dần theo thời gian khi bạn tiếp xúc và hiểu hơn về thế giới xung quanh.
6. Tức giận và phẫn nộ
Tức giận và phẫn nộ là những loại cảm xúc tiêu cực rất phổ biến. Chúng thường xuất hiện khi bạn phải đối mặt với sự lừa dối hay những sự việc xảy ra không theo mong muốn.
Tức giận được cho là bản năng của con người. Tuy nhiên mức độ của cảm xúc này còn tùy thuộc vào tính cách, kinh nghiệm sống cũng như mức độ của sự việc.
Tức giận và phẫn nộ là cảm xúc tồi tệ gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cảm xúc này có thể khiến cho bạn khó lòng kiểm soát được lời nói cũng như hành vi của bản thân.
7. Ghen tị và đố kỵ
Ghen tị và đố kỵ cũng là một cảm xúc tiêu cực thường thấy. Nó thường xuất hiện khi bạn chứng kiến ai đó có năng lực, sức hút hay sự toàn diện hơn bản thân mình. Về cơ bản thì sự ghen tị trong cuộc sống là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên nhiều người vì cảm xúc này mà tìm cách hãm hại, nói xấu nhằm hạ nhục danh dự của đối phương. Trong khi đó, nhiều người lại lấy sự đố kỵ làm động lực nhằm giúp cho bản thân cố gắng để hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Nguyên nhân gây ra những cảm xúc tiêu cực
Cảm xúc tiêu cực có thể xuất phát từ rất nhiều nguồn khác nhau. Đôi khi chúng là kết quả của những trải nghiệm hay sự kiện cụ thể. Chẳng hạn như bạn cảm thấy tức giận khi đối tác của bạn tới muộn trong một cuộc hẹn hay buồn bã vì đội mà bạn yêu thích không thắng trong một trò chơi.
Tuy nhiên, cảm xúc tiêu cực cũng có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
- Xung đột trong mối quan hệ: Các vấn đề nảy sinh từ mối quan hệ giữa các cá nhân là nguyên nhân rất phổ biến của cảm xúc tiêu cực. Những thách thức như vậy có thể nảy sinh trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc với đối tác “lãng mạn”.
- Những nhu cầu chưa được đáp ứng: Khi nhu cầu của bạn không được đáp ứng (cho dù những nhu cầu này của bản thân là về thể chất, tình cảm, tâm lý, xã hội hay tinh thần) thì việc trải qua nỗi buồn, sự tức giận, cô đơn, ghen tị hay những cảm xúc đau khổ khác là điều bình thường.
- Kỹ năng đối phó kém: Căng thẳng hằng ngày có thể dẫn tới nhiều loại cảm giác khó chịu nếu bạn không có kỹ năng đối phó để quản lý nó. Kỹ năng đối phó kém không chỉ dừng lại ở cách không hiệu quả để quản lý căng thẳng và cảm xúc tiêu cực mà còn khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Hoặc thậm chí còn dẫn tới những vấn đề mới cho tình huống.
- Ảnh hưởng từ những người xung quanh: Cảm xúc tiêu cực của bạn đôi khi có thể bắt nguồn từ những người xung quanh. Ví dụ như khi bạn lắng nghe câu chuyện tiêu cực từ người khác thì ít nhiều nó cũng sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc của bạn. Ngoài ra, nếu sống và làm việc cùng với những người giữ cảm xúc tiêu cực kéo dài thì bạn cũng sẽ phải đối mặt với cảm xúc tương tự. Tuy nhiên mức độ thường có phần nhẹ hơn.
- Một số yếu tố khác: Một số yếu tố khác như tính cách, điều kiện sống, di truyền, trải nghiệm và kinh nghiệm sống cũng có thể liên quan. Đây là lý do giải thích tại sao những người sống trong hoàn cảnh khó khăn hoặc phải trải qua sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu dễ hình thành những cảm xúc tiêu cực hơn. Trong khi đó, người được sống trong gia đình hạnh phúc, có cuộc sống đủ đầy thường có tinh thần vui vẻ, thoải mái và lạc quan.
Ảnh hưởng của cảm xúc tiêu cực
Hầu hết tất cả mọi người đều không muốn phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực bởi nó gây ra cảm giác không hề dễ chịu. Tuy nhiên, một vài cảm xúc tiêu cực như đố kỵ, ghen tỵ, lo lắng,… lại có thể tạo động lực để mỗi cá nhân nỗ lực hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Nếu cuộc sống chỉ toàn những cảm xúc tích cực thì đôi khi chúng ta cũng khó lòng tránh khỏi cảm giác nhàm chán và thiếu động lực. Có thêm một số cảm xúc tiêu cực ở mức độ cho phép sẽ làm đa dạng trải nghiệm cuộc sống. Đồng thời thúc đẩy bản thân nỗ lực để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, nếu không biết cách kiểm soát thì cảm xúc tiêu cực có thể kéo dài. Điều này gây ra rất nhiều hệ lụy đối với cả sức khỏe và cuộc sống. Khi đối mặt với những cảm xúc tồi tệ, nồng độ hormone cortisol và adrenaline có khả năng tăng lên đáng kể.
Lâu dần tình trạng này sẽ gây rối loạn hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên và tuyến thượng thận. Đây là nguyên nhân gây ra cao huyết áp, mất ngủ, tăng đường huyết, rối loạn nhịp tim, rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, cảm xúc tiêu cực kéo dài còn nhấn chìm cảm xúc tích cực. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì sẽ tạo điều kiện cho các vấn đề tâm lý phát triển. Chẳng hạn như stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, hoang tưởng. Hơn nữa còn khiến cho chất lượng cuộc sống suy giảm rõ rệt.
Cách vượt qua cảm xúc tiêu cực giúp tinh thần thoải mái
Cảm xúc tiêu cực đôi khi cũng sẽ tạo cho bạn động lực để cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu không biết cách kiềm chế và giải tỏa thì “lợi bất cập hại”. Như đã phân tích, những cảm xúc tồi tệ kéo dài có thể gây ra nhiều hệ lụy cho cả sức khỏe và cuộc sống của bạn.
Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn vượt qua cảm xúc tiêu cực để có tinh thần thoải mái:
1. Viết nhật ký
Trên thực tế, bạn có thể sẽ phải đối mặt với những vấn đề mà bản thân không dễ dàng để chia sẻ với người khác. Lúc này, nên viết nhật ký để có thể giải tỏa được cảm xúc thay vì nói chuyện với người thân và bạn bè.
Viết nhật ký sẽ giúp cho bạn giãi bày ra hết những suy nghĩ và cảm xúc dồn nén. Ngoài ra bạn cũng nên tập cho mình thói quen ghi lại cảm xúc và cách nhìn nhận của bản thân trước mọi sự việc xảy ra trong cuộc sống. Đặc biệt là những sự việc mang đến cho bạn nhiều cảm xúc tiêu cực.
Thay vì suy nghĩ quá nhiều và quẩn quanh trong những ý nghĩ tiêu cực thì việc viết ra giấy sẽ giúp bạn dễ dàng suy nghĩ thông suốt hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể đọc lại nhật ký để nhìn nhận lại chính mình và cố gắng thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, thói quen viết nhật ký có thể giúp loại bỏ đáng kể các cảm xúc tồi tệ. Chẳng hạn như sợ hãi, lo lắng, bồn chồn, tức giận, bất an, buồn bã,… Khi viết nhật ký, bạn có thể thoải mái và chân thành với chính mình. Đồng thời dễ dàng lấy lại được sự bình tĩnh trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.
2. Trút bầu tâm sự với bạn bè và người thân
Thêm một cách đơn giản giúp bạn giải tỏa cảm xúc tiêu cực là tìm cách trút bầu tâm sự của mình với người khác. Trong cuộc sống, sẽ có những lúc bạn gặp phải những sự việc xảy ra không theo mong muốn. Tuy nhiên, nếu luôn giữ khư khư những cảm xúc tồi tệ trong lòng thì tâm trạng của bạn sẽ càng trở nên u uất và nặng nề.
Về lâu dài, việc che giấu bầu tâm sự quá lâu có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho chính sức khỏe của bạn, đặc biệt là sức khỏe tâm lý – tâm thần. Bạn có thể bị stress, suy nhược thần kinh, mất ngủ hay thậm chí nặng nề hơn là trầm cảm và rối loạn lo âu.
Khi gặp phải những điều không mong muốn, bạn nên trút bầu tâm sự để giải tỏa phiền não tích tụ trong người. Hãy hỏi bạn bè hoặc người thân xem họ có rảnh để trò chuyện và lắng nghe bạn hay không.
Tuy nhiên cần đảm bảo rằng việc bạn trút bầu tâm sự là cách để giải tỏa thay vì làm quá mọi chuyện lên. Giải tỏa một cách hằn học và giận dữ có thể làm gia tăng cảm giác phiền não, khiến cho cảm xúc tiêu cực càng tồi tệ hơn thay vì làm cho chúng biến mất.
3. Thay đổi suy nghĩ
Trong hầu hết các trường hợp, những cảm xúc tiêu cực thường chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên ở những người có tính cách bi quan và suy nghĩ quá nhiều thì những cảm xúc tồi tệ có xu hướng kéo dài dai dẳng.
Để giải tỏa được cảm xúc tiêu cực cũng như tìm lại niềm vui trong cuộc sống thì bạn hãy cố gắng thay đổi suy nghĩ của bản thân. Không nên giữ suy nghĩ bi quan mà cần hướng bản thân đến những điều tích cực trong cuộc sống.
Mặc dù không dễ dàng để thay đổi suy nghĩ nhưng việc suy nghĩ tích cực thật sự có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Do đó bạn nên liệt kê những lợi ích của việc suy nghĩ tích cực nhằm tạo động lực cho bản thân thay đổi.
4. Dành thời gian cho hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất thường xuyên là cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực và stress hiệu quả. Tập thể dục sẽ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và hỗ trợ cải thiện các vấn đề do cảm xúc tồi tệ gây ra. Chẳng hạn như mệt mỏi, mất ngủ, suy nhược, đau vai gáy, rối loạn tiêu hóa.
Khi hoạt động thể chất, nồng độ các hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline có xu hướng giảm đáng kể. Trong khi đó, nồng độ hormone endorphin lại tăng lên giúp thư giãn cơ, mang lại cảm giác vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc.
Bạn nên dành tối thiểu khoảng 30 – 45 phút/ ngày cho hoạt động thể chất. Hãy chọn những bài tập vừa sức và chú ý tập luyện đúng cách. Có thể đi bộ, bơi lội, tập yoga hoặc thiền định. Trong đó, yoga và thiền định là những giải pháp tuyệt vời cho cả thể chất và tâm trí.
5. Học cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực
Học cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực cũng chính là một giải pháp hiệu quả để giúp bạn quản lý những cảm xúc khó khăn này. Chấp nhận có nghĩa là thừa nhận rằng bạn đang cảm thấy sợ hãi, tức giận, đau buồn hoặc thất vọng.
Thay vì cố gắng trốn tránh hoặc kìm nén những cảm xúc tồi tệ thì bạn hãy cho phép chúng tồn tại mà không cần suy nghĩ đến chúng quá nhiều. Điều này sẽ giúp cho tinh thần của bạn thoải mái hơn, xem nhẹ cảm xúc tồi tệ như một phần tất yếu trong cuộc sống.
6. Thực hiện các hoạt động yêu thích
Khi phải đối mặt với các cảm xúc tiêu cực thì bạn nên sắp xếp thời gian để thực hiện các hoạt động yêu thích. Các khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày bạn có thể đọc sách, nấu ăn, nghe nhạc, chăm sóc cây cối,…
Những hoạt động yêu thích sẽ mang lại cho bạn tâm trạng vui vẻ và phấn chấn để phần nào xoa dịu đi cảm xúc tồi tệ. Nếu có thể sắp xếp được vài ba ngày rảnh rỗi thì bạn hãy dành tặng cho bản thân một chuyến du dịch để lấy lại tinh thần.
7. Ăn uống lành mạnh
Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cũng là một cách đơn giản giúp bạn giải tỏa bớt đi cảm xúc tiêu cực. Ngoài việc bổ sung năng lượng và các dưỡng chất thiết yếu thì chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm stress và năng cao sức khỏe tinh thần.
Ngoài ra, việc ăn uống lành mạnh còn giúp hạn chế các vấn đề thể chất có liên quan tới cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn như đầy hơi, ăn uống kém, táo bón, đau dạ dày, suy nhược cơ thể, mất ngủ, sụt cân,…
Để giải tỏa những cảm xúc tồi tệ, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên các lời khuyên dưới đây:
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và chất xơ, chẳng hạn như rau củ, trái cây, các loại hạt, đậu, nấm,… Các loại thực phẩm này có thể giúp làm giảm stress và cải thiện sức khỏe tinh thần.
- Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt thay cho ngũ cốc tinh chế. Bởi ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều acid amin, chất xơ, khoáng chất và có chỉ số đường huyết thấp. Từ đó giúp làm giảm mệt mỏi, cải thiện tiêu hóa và ổn định đường huyết khi bị lo lắng, bất an kéo dài.
- Tăng cường các nhóm thực phẩm giàu Omega-3 như các loại hạt, bơ, cá béo,… Dưỡng chất này giúp làm giảm các triệu chứng có liên quan tới não bộ, tim mạch và hệ miễn dịch do cảm xúc tồi tệ gây ra.
- Bổ sung một số loại thực phẩm có chứa hàm lượng cao tryptophan. Chẳng hạn như socola, sữa, mật ong,… Tryptophan là loại acid amin quan trọng để sản sinh serotonin (tiền chất của melatonin – hormone tạo cảm giác buồn ngủ và giúp giấc ngủ sâu hơn).
- Chú ý ăn đủ 3 bữa mỗi ngày và cân bằng dưỡng chất trong từng bữa ăn. Nếu bạn bỏ ăn thì cơ thể rất dễ bị suy nhược. Điều này sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho những cảm xúc tiêu cực kéo dài, gây ra nhiều vấn đề tâm lý.
8. Gạt bỏ các mối quan hệ độc hại
Các chuyên gia tâm lý cho biết, những mối quan hệ độc hại thường gây ra rất nhiều tổn thương cũng như làm phát triển các cảm xúc tiêu cực kéo dài dai dẳng. Ở trong các mối quan hệ độc hại, bạn sẽ trở nên mệt mỏi, trầm uất và ngày càng tồi tệ hơn.
Nếu bạn thấy rằng những cảm xúc tồi tệ mà mình đang phải trải qua xuất phát từ các mối quan hệ độc hại thì hãy sớm tìm cách loại bỏ chúng. Để làm được điều này thì trước hết bạn phải xác định rõ đâu là mối quan hệ độc hại và sớm dẹp nó sang một bên.
Mối quan hệ độc hại thường có các biểu hiện như sự lừa dối, bị bạo hành về thể xác, không được tôn trọng, luôn bị chỉ trích, ganh tỵ, đổ lỗi, luôn điều khiển đối phương,… Nếu không thể khiến mối quan hệ của bạn với một người trở nên tốt đẹp hơn thì bạn có thể cân nhắc rời khỏi hay hạn chế tiếp xúc với người đó.
9. Tham vấn tâm lý loại bỏ cảm xúc tiêu cực
Trong một số trường hợp, các cảm xúc tiêu cực kéo dài ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống nhưng bạn lại không tự mình vượt qua được. Lúc này nên chủ động tìm gặp chuyên gia tư vấn tâm lý để được giúp đỡ.
Tham vấn tâm lý là quá trình nói chuyện giữa bạn và chuyên gia tâm lý để giải quyết một vấn đề nào đó. Cụ thể trong trường hợp này là giúp bạn giải quyết các cảm xúc tiêu cực để hướng đến suy nghĩ lạc quan và tích cực hơn.
Trước hết, chuyên gia sẽ lắng nghe bạn chia sẻ về các biểu hiện cảm xúc cũng như vấn đề mà bạn đang gặp phải. Sau đó chuyên gia sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn và tìm kiếm phương pháp để loại bỏ cảm xúc tiêu cực. Nó có thể bao gồm cả các kỹ năng để quản lý căng thẳng.
Dưới sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý thì bạn có thể dễ dàng nhìn nhận và tự giải quyết vấn đề của mình. Từ đó hình thành suy nghĩ, cảm xúc tích cực và có được cuộc sống chất lượng hơn.
10. Tránh xa những cách đối phó không lành mạnh
Một số người có thể sử dụng những cách vô ích hoặc thậm chí là “độc hại” để đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Điều này sẽ càng khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và làm gia tăng nguy cơ dẫn tới các tình trạng khác nghiêm trọng hơn.
Do đó khi gặp phải cảm xúc tiêu cực cần tránh xa những cách đối phó không lành mạnh sau đây:
- Bỏ qua cảm xúc: Bỏ qua cảm xúc thật sự không phải là cách lành mạnh nhất để đối phó với chúng. Điều này không làm cho chúng biến mất, hơn nữa còn có thể khiến chúng xuất hiện theo cách khác. Bởi cảm xúc là thứ báo hiệu cho bạn biết rằng những gì bạn đang làm trong cuộc sống có hiệu quả hay không.
- Suy nghĩ về cảm xúc: Nhiều người có thể suy nghĩ lặp đi lặp lại và chìm đắm trong phẫn uất, tức giận và những cảm giác không thoải mái khác. Điều này làm khuếch đại cảm xúc tiêu cực nhưng nó cũng mang lại nhiều hậu quả cho sức khỏe. Do đó điều cần thiết là bạn phải lắng nghe cảm xúc của mình. Sau đó cố gắng thực hiện các bước để loại bỏ chúng.
- Rút lui hoặc né tránh: Khi điều gì đó khiến bạn đau khổ thì bạn có thể thấy bản thân mình đang cố gắng né tránh nó để không khải trải qua những cảm xúc khó chịu. Ví dụ nếu một sự kiện khiến bạn lo lắng thì bạn có thể cố gắng tránh không tham gia. Vấn đề là cách né tránh này khiến cho cảm xúc tiêu cực trở nên tồi tệ hơn về lâu dài.
- Hành vi phá hoại: Trong khi bạn không đối phó với những cảm xúc tiêu cực thì chúng có thể gây ra các vấn đề về cả sức khỏe thể chất và cảm xúc. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn tìm đến hành vi nguy cơ như sử dụng chất kích thích hay tự làm hại bản thân để đối phó với những cảm xúc đau buồn.
Cảm xúc tiêu cực mặc dù không mang lại cảm giác dễ chịu nhưng đôi khi nó lại góp phần tạo động lực để giúp mỗi người cố gắng và làm đa dạng thêm các trải nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên tuyệt đối không để tình trạng này kéo dài, phải biết cách giải tỏa để nhanh chóng tìm lại niềm vui và sự lạc quan.
Có thể bạn quan tâm:
- 10 Cách vượt qua sang chấn tâm lý
- 14 Tác hại của stress đối với sức khỏe bạn không nên xem thường
- 8 Cách vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!