Vì Sao Chị Em Hay Cáu Gắt Khó Chịu Trong Ngày ‘Đèn Đỏ’?
Cáu gắt, khó chịu trong những ngày đèn đỏ là tình trạng rất phổ biến ở nữ giới. Tâm trạng nhạy cảm trong thời gian này bắt nguồn từ những thay đổi của nội tiết tố nên thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, chị em cần có những biện pháp cải thiện để trải qua thời kỳ “rụng dâu” một cách thoải mái và dễ chịu hơn.
Vì sao chị em thường cáu gắt, khó chịu vào ngày đèn đỏ?
Ngày đèn đỏ là thời điểm hành kinh của nữ giới, thường kéo dài từ 3 – 5 ngày tùy vào cơ địa của từng người. Vào những ngày nhạy cảm này, cơ thể nữ giới sẽ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Trong đó, không ít người gặp phải tình trạng khó chịu, cáu gắt và bực bội dù cuộc sống không có quá nhiều áp lực.
Tâm trạng nhạy cảm là đặc điểm thường thấy ở nữ giới vào những ngày “đèn đỏ”. Một số người không chỉ trở nên cáu gắt và khó chịu mà còn có suy nghĩ bi quan, tiêu cực, tức giận, tâm trạng thay đổi thất thường, luôn có cảm giác bồn chồn và nôn nóng. Nhiều người ngày thường có tính cách ôn hòa nhưng vào ngày “rụng dâu” trở nên gắt gỏng và khó chịu một cách thái quá.
Tâm trạng cáu gắt, khó chịu trong ngày đèn đỏ là tình trạng rất phổ biến ở nữ giới. Theo các chuyên gia, tình trạng này bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
1. Sụt giảm estrogen và progesterone
Vào những ngày hành kinh, cả estrogen và progesterone đều sụt giảm để thuận lợi cho việc đào thải máu và niêm mạc ở trong tử cung ra bên ngoài. Đây là hai hormone vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của nữ giới.
Sụt giảm estrogen và progesterone khiến cho hệ thống thần kinh khó trấn tĩnh, dễ kích động và nhạy cảm hơn bình thường. Chính vì vậy, nữ giới thường có tâm lý bất ổn và nhạy cảm một cách thái quá trong thời gian này. Tuy nhiên, mức độ sẽ có sự khác biệt tùy theo cơ địa của từng người.
2. Giảm serotonin
Trong những ngày hành kinh, nồng độ serotonin giảm đi đáng kể do sụt giảm nội tiết tố (đặc biệt là estrogen). Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh tạo tinh thần phấn chấn, vui vẻ, lạc quan, tăng cường trí nhớ, tạo cảm giác ngủ ngon giấc và kích thích cảm giác thèm ăn.
Giảm nồng độ serotonin đồng nghĩa với việc tâm trạng trở nên thất thường, buồn bã, chán nản, cáu gắt và khó chịu. Trong thời điểm này, nữ giới dễ tức giận và gắt gỏng chỉ vì những việc rất nhỏ. Ngay sau khi kỳ kinh kết thúc, estrogen sẽ phục hồi trở lại và đưa nồng độ serotonin về trạng thái như trước đây. Vì vậy, chị em không cần quá lo lắng khi gặp phải tình trạng này.
3. Tâm trạng cáu gắt do các triệu chứng thể chất
Tâm trạng khó chịu, cáu gắt vào ngày đèn đỏ đôi khi có liên quan đến các triệu chứng thể chất. Vào những ngày hành kinh, cơ thể sẽ tăng sản xuất prostaglandin nhằm kích thích tử cung co bóp với mục đích đào thải dịch và niêm mạc ra bên ngoài. Vì vậy, nữ giới sẽ gặp phải tình trạng đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, đau lưng, cơ thể mệt mỏi và uể oải.
Các triệu chứng thể chất vào ngày “đèn đỏ” sẽ có sự khác biệt tùy theo cơ địa. Một số người chỉ bị đau bụng nhẹ nhưng cũng có người đau bụng dữ dội kèm theo đau thắt lưng, buồn nôn, mệt mỏi,… Những triệu chứng thể chất này chính là nguyên nhân khiến cho nữ giới khó tránh khỏi tâm lý cáu kỉnh, bức bối và khó chịu.
Ngoài những nguyên nhân trên, tâm lý khó chịu và cáu gắt trong ngày đèn đỏ có thể liên quan đến những yếu tố khác như:
- Làm việc quá mức
- Thức khuya, dùng nhiều rượu bia, thuốc lá và đồ uống chứa caffeine
- Học tập căng thẳng
- Đối mặt với nhiều sự kiện không mong muốn
Giảm cáu gắt, khó chịu vào ngày đèn đỏ bằng cách nào?
Nhìn chung, tâm trạng cáu gắt vào ngày đèn đỏ không phải là vấn đề đáng lo ngại. Sau khoảng 3 – 5 ngày, hormone sẽ trở lại trạng thái cân bằng và tâm trạng cũng sẽ được xoa dịu. Tuy nhiên, tình trạng khó chịu và bức bối gây ra không ít ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống – đặc biệt là hiệu suất lao động, học tập và các mối quan hệ.
Để cải thiện tâm trạng cáu gắt và khó chịu vào những ngày “rụng dâu”, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Bổ sung thực phẩm lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng hợp lý chính là giải pháp giúp nữ giới cải thiện tình trạng khó chịu, buồn bã, gắt gỏng,… trong những ngày hành kinh. Ngoài ra, bổ sung thực phẩm lành mạnh còn có thể làm giảm các triệu chứng thể chất như mệt mỏi, mất sức, khó ngủ và nhức mỏi hông.
Các loại thực phẩm lành mạnh giúp cải thiện tình trạng cáu gắt, khó chịu trong ngày “đèn đỏ” bao gồm:
- Nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu tryptophan – axit amin cần thiết cho quá trình sản xuất serotonin như trứng, sữa, lúa mạch, các loại hạt, thịt gà, chuối, cá hồi,…
- Thêm các loại rau xanh và trái cây vào chế độ ăn hằng ngày. Chất xơ sẽ giúp cải thiện tình trạng táo bón và khó tiêu trong những ngày hành kinh. Đồng thời giúp xoa dịu cảm giác khó chịu, mệt mỏi và đau bụng trong thời gian “rụng dâu”.
- Ăn uống điều độ, đủ 3 bữa/ ngày để giảm mệt mỏi và nâng đỡ tinh thần. Thói quen nhịn ăn, ăn không đúng giờ và đủ bữa có thể khiến tình trạng mệt mỏi, gắt gỏng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không sử dụng các món ăn chứa nhiều muối vì có thể giữ nước trong cơ thể. Bên cạnh đó, cần kiêng cà phê, đồ uống chứa cồn trong thời gian này.
- Uống đủ nước để hỗ trợ quá trình đào thải dịch và niêm mạc ở bên trong tử cung. Tốt nhất, bạn nên uống nước ấm để làm dịu tử cung và hạn chế tình trạng đau bụng.
Nếu thường xuyên gặp phải tình trạng khó chịu, cáu gắt vào ngày “đèn đỏ”, chị em nên duy trì chế độ ăn uống hợp lý trong thời gian dài để hạn chế tái phát. Ngoài những lợi ích đối với sức khỏe tinh thần, chế độ ăn khoa học cũng giúp điều hòa kinh nguyệt và bảo vệ sức khỏe sinh lý của phái nữ.
2. Dành thời gian nghỉ ngơi
Khi hành kinh, cơ thể của nữ giới sẽ trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Ngoài tâm lý bất ổn, hay gắt gỏng và khó chịu, chị em còn gặp phải tình trạng mệt mỏi, suy nhược và đau nhức cơ thể.
Để xoa dịu tâm trạng, chị em nên nghỉ ngơi trong những ngày hành kinh. Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc giúp xoa dịu những triệu chứng khó chịu như đau bụng, đau lưng, buồn nôn, mệt mỏi,… Đồng thời nâng đỡ tinh thần và cải thiện tình trạng cáu gắt, khó chịu do sụt giảm serotonin.
Trong những ngày “đèn đỏ”, chị em nên hạn chế căng thẳng và tránh làm việc, học tập với cường độ cao. Thay vào đó, nên cân đối thời gian để có cơ hội nghỉ ngơi và đảm bảo ngủ đủ giấc. Nếu nghỉ ngơi hợp lý, các triệu chứng khó chịu vào ngày “rụng dâu” sẽ nhanh chóng thuyên giảm.
3. Chườm ấm vùng bụng
Đau bụng kinh sẽ làm gia tăng mức độ căng thẳng và sự khó chịu, gắt gỏng vào những ngày “đèn đỏ”. Chính vì vậy, chị em nên chườm ấm vùng bụng để giảm đau và xoa dịu tâm trạng.
Chườm ấm giúp tăng tuần hoàn máu, thư giãn cơ trơn tử cung, qua đó ngăn tình trạng tử cung co bóp quá mức gây đau và khó chịu. Ngay cả khi không bị đau bụng kinh, chị em cũng có thể áp dụng cách này để tạo cảm giác dễ chịu và thoải mái khi ngủ.
Nếu có nhiều thời gian, chị em có thể nấu nước ấm cho vào túi chườm hay dùng muối biển sao nóng để chườm bụng. Hoặc cũng có thể dùng các miếng dán giữ ấm trong trường hợp quá bận rộn.
4. Tập thể dục nhẹ nhàng
Vào những ngày đèn đỏ, máu kinh tiết ra khá nhiều khiến chị em ngại tập thể dục. Tuy nhiên, vận động nhẹ nhàng vào thời điểm này rất tốt cho sức khỏe. Khi vận động, cơ thể sẽ kích thích não bộ sản sinh endorphin có tác dụng thư giãn, giảm đau nhức và xoa dịu những cảm xúc tiêu cực.
Ngoài ra, tập thể dục với cường độ vừa phải còn giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện độ dẻo dai và sức mạnh của hệ cơ xương khớp. Đồng thời điều hòa nhu động ruột, ổn định nhịp tim và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Theo các chuyên gia, nữ giới nên tập yoga hoặc đi bộ nhẹ nhàng vào những ngày hành kinh. Tập luyện hợp lý có thể cải thiện tình trạng cáu gắt vào những ngày đèn đỏ và giảm các triệu chứng thể chất đi kèm như đau bụng kinh, đau đầu, buồn nôn, khó tiêu, đau dạ dày, đau vùng thắt lưng,…
5. Sử dụng trà thảo dược
Một số loại trà thảo dược có thể cải thiện tình trạng khó chịu, cáu gắt vào ngày đèn đỏ. Các loại trà này thường có tác dụng an thần, giảm đau và thanh tâm rất tốt cho sức khỏe.
Khi gặp phải tình trạng cáu gắt, khó chịu vào ngày “rụng dâu”, chị em có thể dùng một số loại trà sau:
- Trà hoa cúc: Trà hoa cúc là loại trà không chứa caffeine có tác dụng an thần, ngủ ngon và xoa dịu tâm trạng. Hoạt chất apigenin là chất chống oxy hóa mạnh có hiệu quả thư giãn, giảm căng thẳng và an dịu thần kinh. Do đó vào những ngày “đèn đỏ”, chị em có thể dùng 1 tách trà hoa cúc ấm vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Trà gừng: Trà gừng là loại trà nên bổ sung vào những ngày “đèn đỏ”. Bởi các chất chống oxy hóa trong thảo dược này có thể ngăn chặn sinh tổng hợp prostaglandin – chất trung gian gây viêm và kích thích tử cung co thắt nhiều. Ngoài ra, gừng còn giúp tăng tuần hoàn máu, giảm tình trạng đau nhức và mang lại cảm giác dễ chịu. Khi pha trà gừng, chị em nên thêm vào một ít mật ong hoặc đường phèn để tăng thêm hương vị.
- Trà mật ong: Mật ong là thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào. Ngoài khoáng chất, vitamin, mật ong còn cung cấp cho cơ thể hàm lượng tryptophan dồi dào. Đây là axit amin cần thiết để sản xuất serotonin – chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng thư giãn, tạo cảm giác phấn chấn, thoải mái và xoa dịu những cảm xúc tiêu cực.
Khi đang hành kinh, cần tránh các loại trà chứa nhiều caffeine và trà có tác dụng hoạt huyết vì có thể gây chảy máu kéo dài. Lưu ý nên uống trà ấm và ít đường để đảm bảo hiệu quả, tránh thêm đá vào vì nhiệt độ lạnh có thể làm nghiêm trọng cơn đau bụng kinh.
6. Tránh các thói quen xấu trong sinh hoạt
Tâm lý gắt gỏng và khó chịu khi tới tháng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu nữ giới duy trì các thói quen xấu trong quá trình sinh hoạt. Các thói quen này cũng “vô tình” làm nghiêm trọng mức độ đau bụng kinh, đau vùng thắt lưng, mệt mỏi và buồn nôn.
Để giảm các triệu chứng về thể chất và tinh thần trong những ngày “rụng dâu”, chị em nên tránh những thói quen sau:
- Thức khuya và ngủ không đủ giấc sẽ gia tăng sự khó chịu, cảm giác gắt gỏng và bực bội vào những ngày “rụng dâu”. Do đó, chị em nên cố gắng ngủ sớm và ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày.
- Không hút thuốc lá và dùng rượu bia, cà phê trong thời gian này. Bởi chất kích thích có thể khiến tử cung co bóp nhiều, từ đó gây đau và khó chịu ở vùng bụng dưới.
- Hạn chế vận động quá mạnh và lao động nặng để phòng tránh tình trạng đau nhức, mệt mỏi và đuối sức.
- Tránh tình trạng ăn uống quá độ, đặc biệt là thói quen dùng nhiều đồ ngọt như socola, bánh kẹo, nước ngọt có gas, siro,… Đồ ngọt có thể xoa dịu tâm trạng và tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu. Tuy nhiên, dùng quá nhiều đồ ngọt sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi và gia tăng mức độ lo lắng, cáu kỉnh vào những ngày “dâu rụng”.
- Tránh tiếp xúc với những thông tin tiêu cực trong thời kỳ hành kinh. Thay vào đó, nên dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc và thư giãn để giảm sự khó chịu, gắt gỏng.
7. Dùng thuốc giảm đau
Nếu đau bụng kinh dữ dội, cơ thể mệt mỏi và đau nhức nhiều, chị em có thể dùng một số loại thuốc giảm đau như Paracetamol hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid/ NSAID (Diclofenac, Ibuprofen,…). Các loại thuốc này có thể giảm đau bụng dưới, đau lưng, đau mỏi cơ thể và cải thiện một số triệu chứng đi kèm khác.
Khi các triệu chứng thể chất được kiểm soát, tinh thần của chị em vào những ngày “dâu rụng” sẽ trở nên thoải mái hơn. Tuy nhiên, thuốc chỉ giúp giảm cơn đau tạm thời. Vì vậy, tình trạng vẫn sẽ tiếp diễn vào kỳ kinh tiếp theo.
Trong trường hợp hay bị đau bụng kinh, chị em có thể uống cao ích mẫu hoặc thuốc tránh thai hằng ngày trước kỳ kinh để giảm các triệu chứng khó chịu. Các loại thuốc này ít tác dụng phụ nên thường được khuyến khích sử dụng hơn so với thuốc giảm đau.
Hy vọng qua bài viết, chị em đã hiểu rõ vì sao bản thân dễ cáu gắt, khó chịu vào ngày đèn đỏ. Nếu thường xuyên gặp phải tình trạng này, những mẹo đơn giản trong bài viết sẽ giúp bạn đọc vượt qua một cách dễ dàng. Trong trường hợp tâm trạng buồn chán, bi quan và bất ổn kéo dài, nên tìm gặp bác sĩ bởi đây có thể là dấu hiệu của các hội chứng tâm lý liên quan đến kinh nguyệt.
Tham khảo thêm:
- Lo Lắng Căng Thẳng Có Làm Trễ Kinh Không?
- Nguy Cơ Trầm Cảm Ở Nữ Giới Và Cách Phòng Ngừa
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!