Tâm trạng thay đổi thất thường do đâu? Có phải bệnh tâm lý?

Tâm trạng thay đổi thất thường là tình trạng khá phổ biến khi bị stress (căng thẳng). Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể là biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe khác. Hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn đọc chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và thăm khám, điều trị kịp thời.

tâm trạng thay đổi thất thường
Tình trạng tâm trạng thay đổi thất thường có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau

Tâm trạng thay đổi thất thường do đâu?

Tâm trạng hay cảm xúc là phản ứng của cơ thể khi đối mặt, trải qua những sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Tùy thuộc vào tác động, chúng ta có thể có những cảm xúc tiêu cực hoặc những cảm xúc tích cực. Các cảm xúc sẽ dao động với mức độ và thời gian tương ứng với tác động của sự việc. Tuy nhiên, một số người có thể gặp phải tình trạng tâm trạng thay đổi thất thường.

Tâm trạng thay đổi thất thường là trạng thái thay đổi cảm xúc một cách đột ngột. Chẳng hạn như đang vui vẻ, lạc quan nhưng sẽ rất nhanh cảm thấy buồn bã, bi quan và chán nản. Tình trạng này thường xảy ra do áp lực cuộc sống và những sự kiện sang chấn. Tuy nhiên, tâm trạng thất thường và bất ổn cũng có thể là biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe.

Hệ thống limbic (thể chai, vùng dưới đồi, hồi hải mã, hạch hạnh nhân,…) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và chi phối cảm xúc. Vì một lý do nào đó, một trong những cơ quan này có thể bị rối loạn dẫn đến tình trạng cảm xúc thay đổi đột ngột.

Thực tế, trẻ nhỏ rất dễ thay đổi cảm xúc vì trẻ nhanh quên đi chuyện buồn và dễ dàng vui vẻ, bất ngờ trước những sự việc xảy ra trong cuộc sống. Trong khi đó, biên độ dao động tâm trạng ở người lớn giảm đi do người trưởng thành đã có kinh nghiệm sống, phần nào có thể dự đoán những tình huống có thể xảy ra và ít bất ngờ khi đón nhận một số sự việc. Chính vì vậy, người lớn thường có tâm lý ổn định hơn so với trẻ nhỏ. Tâm trạng thay đổi thất thường kéo dài cho thấy những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cần phải được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nếu nhận thấy tâm trạng thay đổi thất thường, bạn nên xem xét một số khả năng có thể xảy ra:

1. Stress – Căng thẳng thần kinh

Stress (căng thẳng thần kinh) là vấn đề rất phổ biến hiện nay. Trước đây, căng thẳng chỉ ảnh hưởng đến người trưởng thành nhưng giờ đây tình trạng này cũng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Stress đề cập đến tất cả các triệu chứng xảy ra do phản ứng của cơ thể trước những áp lực từ bên trong (bệnh tật) và bên ngoài (công việc, tài chính, các mối quan hệ,…).

Tâm trạng thay đổi thất thường
Tâm trạng thay đổi thất thường là biểu hiện thường gặp khi bị stress (căng thẳng thần kinh)

Khi đối mặt với stress, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến các cơ quan trong cơ thể dẫn đến một loạt các phản ứng. Do đó khi bị căng thẳng, bạn sẽ nhận thấy tâm trạng của bản thân rất dễ thay đổi, khi thì hào hứng, phấn khởi nhưng rất nhanh chóng chuyển sang trạng thái lo lắng, bất an và phiền muộn. Ngoài ra, stress còn gây ra một số triệu chứng thể chất như đau đầu, hoa mắt, mệt mỏi, đổ mồ hôi, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, chán ăn,…

Ngày nay, stress trở thành một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không biết cách chế ngự stress, tình trạng này sẽ kéo dài gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, căng thẳng còn làm nghiêm trọng các bệnh lý sẵn có, đặc biệt là các vấn đề tim mạch, tiêu hóa và các bệnh liên quan đến cơ địa (viêm da cơ địa, viêm xoang dị ứng, viêm mũi dị ứng,…).

2. Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng rối loạn tâm thần chỉ ảnh hưởng đến nữ giới và xảy ra trong giai đoạn hoàng thể (thời gian sau rụng trứng, thường sẽ kéo dài từ 10 – 14 ngày cho đến khi hành kinh). Ở giai đoạn này, hormone progesterone tăng lên để làm dày niêm mạc tử cung nhằm tạo điều kiện cho quá trình thụ thai. Bên cạnh đó, giai đoạn hoàng thể cũng có sự gia tăng của một loạt các tuyến nội tiết khác trong cơ thể. Những thay đổi này được xác định có liên quan đến rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.

Cảm xúc thay đổi đột ngột
Cảm xúc thay đổi đột ngột, nhạy cảm, dễ xúc động có thể là biểu hiện của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Người mắc hội chứng PMDD thường có tâm trạng bất ổn, dễ cáu kỉnh, nóng nảy, tức giận sau đó chuyển sang trạng thái chán nản, bi quan, buồn bã và tuyệt vọng. Tâm trạng thiếu ổn định, dễ khóc lóc và đôi khi có ý nghĩ tự sát. Các triệu chứng này xuất hiện ngay sau khi rụng trứng, kéo dài trong suốt giai đoạn hoàng thể và giảm dần trước 2 – 3 ngày hành kinh.

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt rất dễ bị nhầm lẫn với hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này. Tuy nhiên, các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có thể giảm nhanh sau khi dùng thuốc và trị liệu tâm lý.

3. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực (bệnh hưng – trầm cảm)

Tâm trạng thay đổi thất thường có thể là biểu hiện của bệnh hưng – trầm cảm (rối loạn cảm xúc lưỡng cực). Bệnh lý này đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm xen kẽ, khởi phát đan xen không theo bất cứ quy luật nào. Tùy thuộc vào trường hợp cụ thể, bệnh nhân có thể bị hưng cảm, hưng cảm nhẹ, trầm cảm nhẹ hoặc trầm cảm điển hình.

Cảm xúc thay đổi đột ngột
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực đặc trưng bởi tình trạng cảm xúc lên xuống và thay đổi bất thường

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là bệnh lý có liên quan đến yếu tố di truyền, bệnh tiến triển mãn tính và bắt buộc phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa tái phát. Người mắc chứng bệnh này có tâm trạng bất ổn, khi thì vui vẻ, lạc quan, hào hứng nhưng có thể chuyển sang trạng thái buồn bã, chán nản và bi quan. Bệnh hưng – trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất lao động, học tập.

4. Rối loạn nội tiết tố

Rối loạn nội tiết tố là tình trạng khá phổ biến ở nữ giới trong giai đoạn dậy thì, mang thai, cho con bú hoặc cũng có thể là hậu quả do stress. Các hormone ở nữ giới không chỉ chi phối chu kỳ kinh nguyệt mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Nữ giới bị rối loạn nội tiết tố thường sẽ có tâm trạng thay đổi thất thường, nhạy cảm, dễ cáu kỉnh, cơ thể mệt mỏi, da sạm và tóc rụng nhiều. Bên cạnh đó, nội tiết thay đổi cũng kích hoạt các bệnh mãn tính bùng phát như hội chứng ruột kích thích, viêm da cơ địa, mề đay, viêm mũi dị ứng và một số vấn đề sức khỏe khác.

Thay đổi nội tiết tố là một trong những nguyên nhân khiến cho tâm trạng trở nên thất thường. Đây cũng là lý do mẹ bầu thường trở nên nhạy cảm, dễ khóc lóc và xúc động hơn bình thường. Nếu chủ động điều chỉnh lối sống, tình trạng này có thể thuyên giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, bạn nên tìm gặp bác sĩ nếu rối loạn nội tiết gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

5. Rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách là một dạng rối loạn tâm thần mà người bệnh có các biểu hiện bất thường về cảm xúc, tư duy (suy nghĩ) và hành động. Tuy nhiên, các biểu hiện này không đủ tiêu chí để chẩn đoán các rối loạn tâm thần khác.

Người mắc chứng rối loạn nhân cách thường khó thích ứng với xã hội, gặp nhiều khó khăn trong công việc và khó duy trì được các mối quan hệ lâu dài. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, rối loạn nhân cách được chia thành nhiều dạng khác nhau. Trong đó, có một số dạng đặc trưng bởi tình trạng cảm xúc bất ổn và thay đổi thất thường bao gồm:

– Rối loạn nhân cách ranh giới:

Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là dạng rối loạn nhân cách nhóm B với biểu hiện chính là sự nhạy cảm thái quá trong các mối quan hệ, tư duy trắng đen và sự dao động tâm trạng quá lớn. Người có dạng nhân cách này dễ nảy sinh tình cảm với những người tỏ ra quan tâm mình và có cảm xúc hạnh phúc, vui vẻ khi nhận được tình cảm từ những người xung quanh.

Cảm xúc thay đổi đột ngột
Thay đổi cảm xúc đột ngột và khó kiểm soát sự giận dữ là biểu hiện của rối loạn nhân cách ranh giới

Tuy nhiên, khi người đó từ chối yêu cầu vì bất cứ lý do gì (mặc dù là lý do chính đáng), bệnh nhân sẽ có xu hướng nổi nóng, cáu kỉnh, tức giận, la hét và thực hiện các hành vi với nỗ lực người khác phải chiều theo yêu cầu của bản thân. Người bị rối loạn nhân cách ranh giới rất nhạy cảm trong các mối quan hệ và luôn có nỗi sợ người khác sẽ bỏ rơi bản thân. Do đó, họ sẽ có hành vi uy hiếp, đe dọa để giữ mối quan hệ lâu dài.

Rối loạn nhân cách ranh giới là dạng rối loạn nhân cách thường gặp nhất. Những người mắc bệnh lý này thường có tư duy trắng đen. Họ thường cho rằng những người đối xử tốt với bản thân là người hoàn hảo, đáng được kính trọng và yêu thương. Tuy nhiên, khi người khác từ chối cuộc hẹn hay bất cứ yêu cầu nào họ sẽ nhanh chóng công kích và cho rằng đây là người xấu.

Tư duy trắng đen ở bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới dẫn đến sự thay đổi đột ngột của tâm trạng cùng với các hành vi liều lĩnh, đe dọa nhằm mục đích duy trì mối quan hệ. Người mắc chứng bệnh này không thể kiểm soát sự tức giận của bản thân và luôn có cảm giác trống rỗng dai dẳng, kéo dài.

– Bệnh ái kỷ (rối loạn nhân cách ái kỷ):

Rối loạn nhân cách ái kỷ là một dạng rối loạn nhân cách khá phổ biến. Người mắc chứng bệnh này luôn tự cao, đánh giá quá cao năng lực và ngoại hình của bản thân. Họ thường cho rằng bản thân xuất sắc và ưu tú hơn những người khác, đồng thời luôn có nhu cầu được tâng bốc, khen ngợi và ngưỡng mộ.

Người mắc bệnh ái kỷ có thể dùng thủ đoạn để đạt được thứ mình muốn, sống ích kỷ, thiếu sự đồng cảm và luôn đánh giá thấp người khác để nâng cao vị thế của bản thân. Khi nhận được lời khen, người bệnh tỏ ra vui vẻ, lạc quan, ngạo mạn và kiêu căng. Tuy nhiên khi đối mặt với thất bại và bị phê bình, người mắc chứng ái kỷ sẽ nhanh chóng chuyển sang trạng thái đau khổ, bi quan, tuyệt vọng.

Tâm trạng thay đổi thất thường
Tâm trạng thay đổi thất thường là tình trạng khá phổ biến ở người mắc bệnh ái kỷ

Những người bị rối loạn nhân cách ái kỷ không chấp nhận sự thất bại của bản thân. Thay vì đối mặt với sai lầm để hoàn thiện mình, người mắc chứng bệnh này dễ rơi vào trạng thái đau khổ tột độ, bi quan và nỗ lực để có được hào quang như trước.

– Rối loạn nhân cách kịch tính:

Rối loạn nhân cách kịch tính cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi thất thường của tâm trạng. Những người mắc chứng bệnh này có tâm trạng thất thường, dễ bị ảnh hưởng và tác động bởi những người xung quanh. Bệnh nhân rối loạn nhân cách kịch tính luôn thể hiện cảm xúc thái quá và tìm kiếm sự chú ý, quan tâm của người khác.

Biểu hiện thường thấy của bệnh nhân rối loạn nhân cách kịch tính là xem trọng vẻ bề ngoài nhằm mục đích thu hút sự chú ý và quan tâm của những người xung quanh. Cảm xúc thay đổi quá nhanh và có xu hướng phóng đại quá mức. Bệnh nhân bày tỏ quan điểm một cách mạnh mẽ, quyết liệt nhưng hầu như không thể thực hiện một cách hoàn chỉnh.

Những người bị rối loạn nhân cách kịch tính thường cho rằng các mối quan hệ thân thiết, gần gũi hơn so với thực tế, dành sự tin tưởng quá mức cho những người có thẩm quyền, tâm lý dễ buồn chán và khao khát sự mới lạ. Người mắc chứng bệnh này có xu hướng thay đổi bạn bè, công việc một cách thường xuyên.

Tâm trạng thay đổi thất thường là tình trạng khá phổ biến. Trong đó, stress và rối loạn nội tiết là hai nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng này. Trong một số trường hợp ít gặp, tâm trạng thất thường cũng có thể bắt nguồn từ một số vấn đề sức khỏe khác.

Tâm trạng thay đổi thất thường có ảnh hưởng gì không?

Tâm trạng (cảm xúc) có mối liên hệ sâu sắc với tư duy (suy nghĩ) và hành động. Do đó, tâm trạng thay đổi thất thường có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tình trạng này khiến cho cơ thể mệt mỏi, mất năng lượng, khó tập trung khi học tập và làm việc. Ngoài ra, tâm trạng thay đổi thường xuyên còn gây ra nhiều phiền toái trong các mối quan hệ.

Nếu có liên quan đến các vấn đề tâm lý, bạn cần xử lý tình trạng này trong thời gian sớm nhất. Bởi tâm trạng bất ổn và thường xuyên thay đổi có thể nghiêm trọng dần theo thời gian. Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, các vấn đề tâm lý còn gây ra nhiều bệnh lý thể chất và đôi khi thôi thúc ý nghĩ, hành vi tự sát.

Trong trường hợp tâm trạng thay đổi thất thường xảy ra trong một thời gian dài, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Nếu tình trạng do căng thẳng và rối loạn nội tiết tố, bạn có thể cải thiện bằng cách điều chỉnh lối sống và áp dụng một số biện pháp giảm stress. Ngược lại, trong trường hợp do các rối loạn tâm lý, tâm thần, bắt buộc phải can thiệp các phương pháp chuyên sâu để tránh những ảnh hưởng lâu dài.

Cách xử lý tâm trạng thay đổi thất thường

Tâm trạng thay đổi thất thường ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Khi gặp phải tình trạng này, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp cải thiện để ổn định tâm lý và cân bằng cuộc sống.

Nếu cần thiết, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và áp dụng các biện pháp điều trị chuyên sâu. Ngoài ra, bạn cũng duy trì lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe tinh thần và ngăn ngừa tình trạng tái phát.

1. Áp dụng các biện pháp giảm stress

Đa phần những trường hợp gặp phải tình trạng tâm trạng thay đổi thất thường đều xảy ra do stress (căng thẳng thần kinh). Vì vậy, bạn có thể áp dụng các biện pháp giảm stress để điều chỉnh cảm xúc và lấy lại sự cân bằng. Ngoài ra, nên trang bị những liệu pháp thư giãn để có thể đối phó với các tác nhân gây stress trong cuộc sống.

Cảm xúc thay đổi đột ngột
Có thể sử dụng một số loại trà thảo mộc để cải thiện tâm trạng và bình ổn cảm xúc

Các biện pháp giảm stress giúp cải thiện tình trạng tâm trạng thay đổi thất thường:

  • Hít thở sâu: Hít thở sâu là kỹ thuật giảm căng thẳng và thư giãn đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt. Sau giờ làm việc, bạn nên dành một ít thời gian ngồi thư giãn và hít thở sâu. Nên hít từ từ bằng mũi, sau đó nén khí ở cơ hoành và thở ra từ từ bằng miệng. Lặp đi lặp lại động tác cho đến khi cơ thể được thư giãn, nhịp tim và nhịp thở được điều chỉnh về mức cân bằng.
  • Ngồi thiền: Ngồi thiền là phương pháp luyện tập có nguồn gốc từ Ấn Độ. Phương pháp này không tập trung về các hoạt động thể chất mà chỉ yêu cầu người tập ngồi xếp bằng, thư giãn và điều chỉnh hơi thở. Ngồi thiền giúp giảm stress, đưa tâm trí trở về trạng thái ổn định và hòa hợp với cơ thể. Sau khoảng 10 – 30 phút ngồi thiền, tâm trạng sẽ được xoa dịu và ổn định hơn.
  • Trà thảo mộc: Một số loại trà thảo mộc có tác dụng thư giãn và an thần. Vì vậy, nếu đang gặp phải tình trạng tâm trạng thay đổi thất thường, bạn có thể dùng một số loại trà như trà tim sen, trà hoa cúc, trà bạc hà,… để giải tỏa căng thẳng. Ngoài ra, các loại trà này còn góp phần cải thiện chất lượng giấc ngủ, tránh tình trạng mất ngủ, ngủ chập chờn và không sâu giấc.
  • Xoa bóp bấm huyệt: Xoa bóp bấm huyệt là cách giảm stress đơn giản, hữu hiệu bạn có thể áp dụng tại nhà. Khi xoa bóp, cơ thể sẽ tăng sản xuất endorphin có tác dụng thư giãn, mang đến cảm giác thoải mái và sảng khoái. Ngoài ra, xoa bóp bấm huyệt còn giúp thư giãn cơ, giảm đau nhức và tăng tuần hoàn máu.

Các biện pháp giảm stress phần nào có thể cải thiện tình trạng tâm trạng thay đổi thất thường và giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Ngay cả khi không gặp phải tình trạng cảm xúc bất ổn, bạn vẫn nên thực hiện các biện pháp này hằng ngày để hạn chế căng thẳng thần kinh và giữ cho bản thân một tinh thần tốt nhất.

2. Khám và điều trị y tế

Nếu nhận thấy tâm trạng bất ổn và khó kiểm soát, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn điều trị. Ngoại trừ stress và rối loạn nội tiết tố, tâm trạng thay đổi thất thường cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Nếu không điều trị sớm, tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, từ đó dẫn đến một loạt các ảnh hưởng và biến chứng nặng nề.

Tâm trạng thay đổi thất thường
Nên tìm gặp bác sĩ/ chuyên gia tâm lý nếu nhận thấy tâm trạng thay đổi thất thường có xu hướng kéo dài

Hiện nay, điều trị chung cho các rối loạn tâm lý, tâm thần là liệu pháp hóa dược và trị liệu tâm lý. Đa phần các bệnh lý này đều chưa thể xác định căn nguyên và cơ chế bệnh sinh. Do đó, quá trình điều trị còn tồn đọng nhiều hạn chế và đôi khi không mang lại hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, nếu tích cực điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh tình sẽ được kiểm soát và bạn có thể học tập, làm việc như bình thường.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc các rối loạn tâm lý và tâm thần tăng lên đáng kể. Chính vì vậy, bạn không nên chủ quan trước những biểu hiện bất thường. Trong nhiều trường hợp, các bệnh tâm lý, tâm thần xảy ra do di truyền nên bệnh có thể khởi phát ngay cả khi bạn không phải trải qua biến cố hay những sự kiện sang chấn trong cuộc sống.

3. Giữ lối sống lành mạnh

Lối sống là yếu tố có ảnh hưởng đến tâm trạng (cảm xúc). Do đó, bạn nên giữ lối sống lành mạnh để có thể ổn định cảm xúc và nhanh chóng lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Ngoài ra, duy trì lối sống khoa học cũng là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa stress và kiểm soát các vấn đề tâm lý, tâm thần.

Lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn khoa học, tập thể dục thường xuyên, cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, cần loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chất kích thích và hạn chế dùng quá nhiều đồ uống chứa caffeine. Sau khi điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt, không chỉ tâm trạng mà sức khỏe thể chất cũng có những chuyển biến tích cực.

Tâm trạng thay đổi thất thường là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe. Do đó, bạn nên cải thiện tình trạng này sớm để tránh những ảnh hưởng lâu dài. Nếu nhận thấy tình trạng có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị trong trường hợp cần thiết.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *