Tự luyến: Định nghĩa và dấu hiệu nhận biết người tự luyến

Khi ai đó luôn đề cao mình và không ngừng tìm cách để người khác công nhận, rất có thể họ đang mắc phải tự luyến. Người tự luyến tin rằng mình tài giỏi hơn người và xứng đáng nhận được sự chú ý. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội mà còn gây khó khăn cho chính người đó khi phải nhìn nhận thực tế.

Tự luyến là gì?

Việc tìm lại bản thân và tự tin vào khả năng của mình là điều tích cực. Tuy nhiên, khi nó  vượt quá giới hạn, không được kiểm soát sẽ dễ dẫn đến tình trạng tự luyến. Đây là dạng tính cách mà người mắc phải đề cao bản thân quá mức, cho rằng mình đặc biệt hơn người khác và tìm cách phô trương thành tựu kể cả đó là điều bịa đặt.

tự luyến là gì
Tự luyến xảy ra khi ai đó đề cao bản thân quá mức kể cả phải bịa đặt thành tựu cá nhân

Người tự luyến không chỉ đề cao bản thân mà còn hay coi thường người khác bởi suy nghĩ mình giỏi giang và không chấp nhận ý kiến phản biện. Đồng thời không chịu thừa nhận sai lầm và luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác khi có vấn đề xảy ra.

Tự luyến tồn tại trên một phổ rộng từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Trong đó mức độ cực đoan có thể dẫn đến bệnh ái kỷ (NPD). Không phải ai tự luyến cũng mắc NPD, nhưng nếu không biết điều chỉnh, người tự luyến sẽ dễ rơi vào hành vi thao túng, ích kỷ và thiếu đồng cảm với người khác.

Đặc điểm của tính cách tự luyến

Ở mức độ lành mạnh, tự luyến có thể là sự quyến rũ, tự tin trong bản thân. Tuy nhiên, khi vượt quá giới hạn, nó trở thành những đặc điểm tiêu cực ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ và xã hội. Dưới đây là những đặc điểm nổi bật và dễ nhận thấy của người tự luyến:

người tự luyến
Người tự luyến coi trọng vẻ ngoài hơn giá trị bên trong
  • Tập trung vào bản thân: Người tự luyến luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, xem mình là trung tâm và mong muốn được người khác chú ý.
  • Có cảm xúc vĩ đại: Có xu hướng cảm thấy mình vượt trội, thể hiện sự kiêu ngạo và luôn muốn gây ấn tượng với người xung quanh.
  • Khát khao được công nhận: Sự tán dương, khen ngợi chính là “nhiên liệu” cho người tự luyến. Đồng thời đối phương thấy bị tổn thương nếu không được chú ý như mong muốn.
  • Thiếu sự đồng cảm: Người tự luyến thường không quan tâm đến cảm xúc, nhu cầu của người khác, chỉ chăm chăm vào bản thân.
  • Thao túng, kiểm soát: Xu hướng muốn kiểm soát các mối quan hệ, thậm chí sử dụng các chiến thuật gaslighting để thao túng người khác.
  • Khoe khoang, phóng đại: Người tự luyến thích khoe khoang và phóng đại thành tích của mình để thu hút sự chú ý, dù thực tế không phải như vậy.
  • Đề cao vẻ ngoài: Luôn chăm chút cho bề ngoài để tạo ấn tượng tốt với người khác, coi trọng hình thức và ngoại hình hơn những giá trị bên trong.

Nguyên nhân của tự luyến

Nguyên nhân của chứng tự luyến đến nay vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng các nghiên cứu và giả thuyết đã chỉ ra một số yếu tố chính có thể dẫn đến rối loạn này:

nguyên nhân của tự luyến
Sự nuông chiều tạo ra những đứa trẻ tự luyến đến khi trưởng thành
  • Gen di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy tự luyến có yếu tố di truyền, nghĩa là một người có thể thừa hưởng đặc điểm tính cách tự luyến từ cha mẹ.
  • Nuôi dạy còn cái: Việc nuông chiều quá mức hoặc ngược lại bỏ bê, ngược đãi từ khi còn nhỏ sẽ làm phát triển tính cách tự luyến ở trẻ em. Bé được tâng bốc hoặc không được rèn luyện trách nhiệm xã hội có xu hướng tự luyến khi trưởng thành.
  • Văn hóa cạnh tranh: Trong xã hội, môi trường đề cao sự cạnh tranh cùng thành tích cá nhân làm người ta chịu áp lực chứng tỏ bản thân rồi hình thành nên xu hướng tự luyến.
  • Tâm lý phát triển từ tuổi thơ: Một số người mắc chứng tự luyến do được nuôi dưỡng trong gia đình có cha mẹ dùng con cái để duy trì lòng tự trọng của mình. Ngược lại, cũng có những người phát triển tính tự luyến mà không có chấn thương thời thơ ấu.
  • Thiếu sự đồng cảm: Một số nghiên cứu cho rằng tự luyến liên quan đến sự thiếu vắng khả năng đồng cảm do vấn đề phát triển não bộ, các trải nghiệm nuôi dạy không cân bằng.

Dấu hiệu nhận biết người tự luyến

Dù có vẻ ngoài tự tin, nhưng đằng sau lớp vỏ hào nhoáng là những nỗi lo âu về việc được công nhận, sự sợ hãi khi bị từ chối và cảm giác trống rỗng nếu không nhận được sự chú ý. Để nhận diện rõ hơn về kiểu người này, chúng ta có thể điểm qua một số dấu hiệu nổi bật:

dấu hiệu của người tự luyến
Người tự luyến luôn ảo tưởng về quyền lực và thành công của mình
  • Ý thức quá mức về ngoại hình của bản thân
  • Thích khoe khoang về thành tích, dù không thực sự sống đúng như điều mình nói
  • Luôn tìm kiếm sự ngưỡng mộ và cảm giác được công nhận
  • Thiếu đồng cảm với cảm xúc của người khác
  • Coi mình đặc biệt và xứng đáng có được nhiều đặc quyền
  • Dễ bị tổn thương khi bị chỉ trích
  • Không chấp nhận thất bại
  • Luôn cho rằng mình có quyền kiểm soát và thao túng người khác
  • Khó duy trì mối quan hệ thân thiết, dễ thay đổi khi không đạt được mong muốn
  • Sợ hãi khi bị người khác nhìn thấy khuyết điểm
  • Mơ mộng về những thành công lớn, sống trong ảo tưởng
  • Thiếu thực tế và không chịu đối mặt với khó khăn
  • Ghen tị với thành công của người khác, luôn tìm cách hạ thấp họ
  • Sợ bị chế giễu và từ chối, luôn muốn giữ hình ảnh tốt đẹp của mình
  • Thường đổ lỗi cho người khác để bảo vệ bản thân
  • Khó giao tiếp, không thể làm việc nhóm hiệu quả

Ảnh hưởng của tự luyến trong cuộc sống

Người tự luyến luôn cho rằng mình hoàn hảo, nhưng sâu bên trong lại cảm thấy trống rỗng và khao khát sự chú ý từ người khác để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Tuy nhiên, họ lại rất khó xây dựng các mối quan hệ thân thiết nên càng làm tăng thêm cảm giác cô độc, khiến cuộc sống trở nên buồn tẻ.

Tự luyến khiến cá nhân sợ đối mặt với thất bại, khuyết điểm nên đổ lỗi cho người khác khi gặp khó khăn, biện minh cho hành động của mình. Điều này cản trở người tự luyến học hỏi và phát triển bản thân. Tâm lý bất an, lo lắng thường xuyên bủa vây, khiến những người này không thể thoát khỏi cảm giác tự ti, gây ra vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm.

tác hại của tự luyến
Tình trạng tự luyến gây ra bất an khiến những ai mắc phải cũng dễ bị trầm cảm

Trong các mối quan hệ, người tự luyến thiếu sự đồng cảm, khó đặt mình vào vị trí của người khác nên vô tình làm tổn thương mọi người. Tính cách ích kỷ và không chịu lắng nghe làm nảy sinh mâu thuẫn khiến các mối quan hệ cá nhân, công việc càng căng thẳng.

Và hơn nữa, tự luyến không chỉ phá vỡ các mối quan hệ xã hội mà còn đẩy người mắc phải rơi vào trạng thái dễ bị lợi dụng. Khi quá mải mê với việc tìm kiếm sự khen ngợi, họ có thể mất đi cảnh giác và trở thành mục tiêu cho nhiều kẻ có ý đồ xấu.

Nên đối xử với người tự luyến như thế nào?

Khi tiếp xúc với người có tính cách tự luyến, việc duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ sẽ gặp không ít khó khăn. Dưới đây là một số phương pháp hữu ích để xử lý các tình huống phức tạp khi phải đối mặt với người có tính cách này:

Đặt ranh giới rõ ràng

Hãy xác định hành vi nào của người tự luyến khiến bạn cảm thấy không thoải mái để chấm dứt sự kiểm soát của họ. Đồng thời nên giao tiếp thẳng thắn, lịch sự và tôn trọng. Bạn có thể bày tỏ cảm xúc của mình khi họ làm điều gì đó gây ra tổn thương như “Khi bạn nói như thế, tôi cảm thấy rất buồn.”

Ngoài ra, nếu đã đưa ra quyết định đặt ranh giới, hãy thực hiện những gì mình đã nói. Đừng dễ dàng nhượng bộ, thay đổi ý kiến ngay cả khi cảm thấy không thoải mái. Việc kiên định trong quan điểm và hành động sẽ giúp bạn tránh khỏi việc bị người tự luyến thao túng, lợi dụng cảm xúc.

Tránh tranh cãi trực tiếp

Người tự luyến hay tạo ra xung đột để thu hút sự chú ý và kiểm soát tình huống. Do đó không nên phản ứng quá gay gắt, đừng để bản thân bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi. Thay vào đó, hãy giữ bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc của mình, tránh để đối phương đạt được mục đích gây căng thẳng.

Nếu nhận thấy cuộc trò chuyện đang dần trở nên căng thẳng, việc chuyển chủ đề có thể giúp xoa dịu tình hình. Đừng tiếp tục đối đầu mà hãy đề xuất nói về những vấn đề nhẹ nhàng hơn nhằm giảm bớt áp lực trong mối quan hệ.

cách giao tiếp với người tự luyến
Hãy thảo luận chủ đề không gây tranh cãi để người tự luyến không tạo ra xung đột

Hạn chế tiếp xúc

Khi tiếp xúc với người tự luyến quá lâu, bạn sẽ dễ có cảm xúc tiêu cực. Do đó, hãy giữ khoảng cách hợp lý để bảo vệ bản thân. Cùng với đó, hãy hạn chế thời gian tiếp xúc với đối phương để không bị ảnh hưởng bởi hành vi khó chịu từ họ.

Bên cạnh đó, hãy ưu tiên thời gian của mình dành cho những người bản thân yêu thương và tham gia nhiều hoạt động mang lại niềm vui. Qua đó vừa giảm căng thẳng mà còn tái tạo năng lượng tích cực, đối phó tốt hơn khi phải tiếp xúc với người tự luyến.

Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp

Nếu cảm thấy quá căng thẳng, hãy tìm người chia sẻ như bạn bè, gia đình, nhà tư vấn tâm lý để được lắng nghe và giải tỏa tâm lý. Những người này sẽ đem đến thông tin, lời khuyên hữu ích để bạn biết cách nhìn nhận tình huống từ nhiều góc độ khác nhau.

Hơn nữa, hãy tham gia vào các nhóm hỗ trợ, gặp gỡ những người có chung hoàn cảnh và học hỏi cách họ đối phó với người tự luyến. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy không còn cô đơn trong hành trình thoát khỏi tự luyến và hòa nhập xã hội bình thường.

Tự chăm sóc bản thân

Bạn cần tập trung vào bản thân mình bằng cách dành thời gian để làm những điều mình yêu thích, thư giãn thông qua các bài tập thể dục thường xuyên cùng với một giấc ngủ chất lượng sau một ngày dài mệt mỏi.

Ngoài ra, hãy chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh. Một bữa ăn cân bằng các chất và đầy đủ dinh dưỡng sẽ cung cấp năng lượng để đối mặt với thách thức trong cuộc sống, đồng thời giúp tâm trạng ổn định hơn.

Lưu ý khi giao tiếp với người tự luyến

Người tự luyến tỏ ra tự cao, ít lắng nghe và dễ gây ra tranh cãi. Do đó, cách bạn ứng xử có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng mối quan hệ. Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn giao tiếp hiệu quả với người có tính cách này:

đặc điểm của người tự luyến
Góp ý cho người tự luyến thật khéo léo là cách để có được lòng tin ở họ
  • Đừng cố tham gia vào cuộc tranh luận với người tự luyến bởi đối phương sẽ không lắng nghe ý kiến mọi người
  • Nếu cuộc tranh luận không thể kết thúc bằng kết quả tốt, hãy tìm sự giúp đỡ từ một người ngoài cuộc có uy tín
  • Cư xử khéo léo khi đưa ra lời khuyên và góp ý, tránh làm tổn thương người tự luyến
  • Khen ngợi một cách chân thành nếu thấy điều gì đó tích cực ở người tự luyến để tạo ra môi trường giao tiếp gần gũi hơn
  • Lắng nghe cẩn thận những gì người tự luyến nói để thể hiện sự quan tâm và cho thấy họ luôn được công nhận
  • Hạn chế tham gia vào những cuộc tranh cãi không cần thiết, giữ bình tĩnh và tránh xung đột
  • Đừng cùng người khác chửi bới, lăng mạ người tự luyến bởi điều này chỉ làm tình hình xấu đi
  • Khuyến khích người tự luyến nhìn nhận lại chính mình thông qua các câu hỏi về cảm xúc và trải nghiệm

Tự luyến không chỉ là sự tự tin thái quá mà còn là biểu hiện của những rối loạn tâm lý nghiêm trọng hơn. Việc nhận biết và hiểu đúng về người tự luyến sẽ giúp chúng ta có cách giao tiếp phù hợp và tránh được những xung đột không cần thiết.

Có thể bạn quan tâm:


Các nguồn tham khảo:

  • https://www.drmitchkeil.com/post/understanding-narcissism/
  • https://thedmcclinic.ie/blog-narcissism/
  • https://kimsaeed.com/2023/02/12/uncovering-the-mystery-behind-narcissism-youll-be-shocked/
Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *