7 Mẹo đọc vị tâm lý ứng viên – Chìa khóa vàng trong tuyển dụng
Nắm được những mẹo hay giúp đọc vị tâm lý ứng viên chuẩn xác sẽ hỗ trợ nhà tuyển dụng lựa chọn được người phù hợp nhất cho công ty. Từ đó giúp công ty có được nhân tố mới xuất sắc, tạo nền tảng cho sự phát triển vững chắc trong tương lai.
Vì sao nhà tuyển dụng cần đọc vị tâm lý ứng viên?
Bất cứ công ty nào cũng cần có một chiến lược tuyển dụng tốt để có thể lựa chọn được những ứng viên xuất sắc cho vị trí đang còn trống chỗ. Việc sở hữu một nhân tố giỏi sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của công ty ở cả hiện tại và tương lai.
Trên thực tế, một chiến lược tuyển dụng “tồi” có thể khiến cho doanh nghiệp phải chịu nhiều tổn thất. Từ chi phí lương cho nhân viên đến thời gian đào tạo, và hơn hết là những chi phí để giải quyết những tổn thất mà nhân viên không phù hợp gây ra.
Để có thể giảm thiểu nguy cơ của việc tuyển dụng không đúng người thì công ty cần xây dựng một chương trình phỏng vấn phù hợp. Trong đó, các nhà tuyển dụng cần biết cách đọc vị tâm lý ứng viên để có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt.
Đọc vị tâm lý ứng viên sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn nhận và đánh giá rõ hơn trình độ, tính cách và khả năng của ứng viên xem có phù hợp với vị trí tuyển dụng hay không? Bởi thực tế cho thấy rằng, đôi khi giỏi về chuyên môn thôi là chưa đủ để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công việc.
7 Mẹo đọc vị tâm lý ứng viên chuẩn xác dành cho nhà tuyển dụng
Không phải bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng giỏi trong vấn đề đọc vị tâm lý ứng viên. Thậm chí với những HR (Human Resources) có nhiều kinh nghiệm thì đôi khi họ vẫn gặp phải những khó khăn nhất định trong việc lựa chọn những ứng viên tiềm năng.
Nếu đang loay hoay không biết phải làm sao để đọc vị tâm lý ứng viên chuẩn xác thì hãy tham khảo ngay 7 mẹo đơn giản dưới đây:
1. Quan sát ngôn ngữ cơ thể
Trong một cuộc phỏng vấn, ngoài việc đặt ra các câu hỏi và bài kiểm tra thì nhà tuyển dụng cần có sự quan sát “tinh tế” ứng viên để đưa ra đánh giá tổng thể. Trong đó, việc quan sát ngôn ngữ cơ thể của ứng viên là điều mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng cần chú ý.
– Quan sát ứng viên:
Bạn cần quan sát ngôn ngữ cơ thể khi mà ứng viên đang nói. Hãy chú ý xem ngôn từ của ứng viên có thật sự ăn khớp với những gì mà cơ thể của họ thể hiện hay không? Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu tâm đến đôi mắt của ứng viên, bởi đôi mắt cho bạn biết rất nhiều điều về người đối diện. Đặc biệt là nắm bắt được liệu họ có đang nói dối hoặc khó xử hay không.
– Nhận ra những dấu hiệu tích cực:
Một ứng viên có nụ cười rạng rỡ sẽ luôn tạo ra được các dấu hiệu tích cực. Một người tự tin có khuynh hướng ngồi thẳng lưng hoặc hơi nghiêng nhẹ về phía trước. Khi lắng nghe, chân tay của họ thường để im và ánh mắt sẽ nhìn thẳng, kiên định vào người đối diện.
Ngoài ra, nhà tuyển dụng có thể bắt tay với ứng viên để có được cảm nhận tức thời về trạng thái tinh thần của họ. Nếu ứng viên thoải mái và thư giãn thì tay họ thường khô và ấm. Ngược lại, ứng viên căng thẳng thường sẽ có bàn tay lạnh và đổ nhiều mồ hôi.
– Nhận ra những dấu hiệu tinh tế:
Một số dấu hiệu tinh tế có thể giúp cho nhà tuyển dụng đọc vị tâm lý ứng viên tốt hơn. Từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt cho vị trí mà công ty đang bị thiếu hụt nhân sự. Hãy chú ý tới trạng thái tay chân hoặc ánh mắt của họ. Đồng thời cần lưu tâm đến cả giọng nói của ứng viên.
2. Đọc vị tâm lý ứng viên theo “nguyên tắc người phục vụ”
Để tìm ra ứng viên phù hợp thì phỏng vấn luôn là lựa chọn ưu tiên của bất cứ nhà tuyển dụng nào. Tuy nhiên, để đọc vị tâm lý ứng viên một cách sáng suốt và hiệu quả hơn thì nhà tuyển dụng cũng nên tham khảo “nguyên tắc người phục vụ”.
“Nguyên tắc người phục vụ” sẽ giúp cho nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên rất tốt thông qua những biểu hiện tự nhiên nhất của họ. Lúc này, nhà tuyển dụng cần xem những người như lễ tân, phục vụ, bảo vệ,… là nhân vật chính, đóng một vai trò quan trọng đối với việc đọc vị ứng viên.
Bởi trên thực tế, người phục vụ sẽ có đủ điều kiện thuận lợi để có thể quan sát ứng viên một cách khách quan. Đối với người phục vụ, ứng viên thường vô tư hành xử mà không bật chế độ đề phòng. Bởi ứng viên thiếu cẩn trọng luôn cho rằng những “người phục vụ” không có bất cứ vai trò gì đối với quá trình tuyển dụng.
Theo ước tính của Công ty thu thập dữ liệu Acme Packet thì ý kiến của người phục vụ có ảnh hưởng từ 5 – 10% quyết định tuyển dụng của công ty này. Do đó, nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể ứng dụng nguyên tắc người phục vụ để giúp đọc vị tâm lý ứng viên một cách chính xác hơn.
3. Sử dụng bài kiểm tra đa trí thông minh MI
Bài kiểm tra đa trí thông minh MI được nghiên cứu bởi nhà tâm lý học người Mỹ Howard Gardner. Đến nay, bài kiểm tra này vẫn được rất nhiều công ty sử dụng để hỗ trợ cho quá trình tuyển dụng. MI có thể giúp cho HR đọc vị ứng viên chuẩn xác hơn.
Theo ông Howard Gardner thì mỗi ứng viên sẽ có một thế mạnh và một loại trí tuệ nổi trội hơn những người khác mà không phụ thuộc vào chỉ số IQ. Các loại thông minh được đề cập trong MI bao gồm:
- Trí thông minh Logic/ Toán học
- Trí thông minh Không gian
- Trí thông minh Nội tâm
- Trí thông minh Vận động
- Trí thông minh Hiện sinh (Triết học)
- Trí thông minh Thiên nhiên
- Trí thông minh Âm nhạc
- Trí thông minh Ngôn ngữ
Bài trắc nghiệm MI có tổng cộng 86 câu hỏi với thời gian hoàn thành rơi vào khoảng 5 phút có thể giúp nhà tuyển dụng nhận diện được những loại hình trí thông minh mạnh và yếu của ứng viên. Từ đó hỗ trợ đắc lực cho việc đọc vị ứng viên trong quá trình tuyển dụng.
4. Dùng bài trắc nghiệm 16 loại hình tính cách MBTI
Bài trắc nghiệm 16 loại hình tính cách MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) được sử dụng để phân tích tính cách của con người. Kết quả trắc nghiệm MBTI sẽ chỉ ra cách mà một người nhận thức về thế giới xung quanh cũng như đưa ra quyết định cho mọi vấn đề trong cuộc sống.
Nhà tuyển dụng có thể sử dụng MBTI để đánh giá xem tính cách của ứng viên có phù hợp với công việc và môi trường làm việc của doanh nghiệp hay không. Trên thực tế, bài trắc nghiệm MBTI được đánh giá là có thể hỗ trợ nhà tuyển dụng đọc vị tâm lý ứng viên rất chuẩn xác.
5. Đọc vị tâm lý ứng viên với bài kiểm tra DISC
DISC chính là thuật ngữ viết tắt của 4 nhóm tính cách nổi bật của con người. Bao gồm:
- Dominance: Quyền lực
- Influence: Ảnh hưởng
- Steadiness: Kiên định
- Compliance: Tuân thủ
Bài kiểm tra DISC là một loại trắc nghiệm được sử dụng để đánh giá hành vi cá nhân. DISC được ứng dụng rất rộng rãi trong những lĩnh vực tuyển dụng, quản trị nhân sự, môi trường làm việc hoặc thậm chí là cả đời sống cá nhân.
Trên thực tế, có rất nhiều nhà tuyển dụng đã dùng bài kiểm tra DISC để hỗ trợ đọc vị tâm lý ứng viên tốt hơn. Nó cho phép HR hiểu rõ hơn về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu của ứng viên. Đồng thời biết được cách mà ứng viên phản ứng khi gặp khó khăn, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề.
6. Áp dụng bài kiểm tra STAR
Bên cạnh MI, MBTI và DISC thì STAR cũng là một bài kiểm tra có thể hỗ trợ nhà tuyển dụng rất nhiều trong việc đọc vị tâm lý ứng viên. STAR là bài kiểm tra được phát triển bởi Công ty tư vấn đào tạo Balance. Cho đến nay, bài kiểm tra này đã được rất nhiều doanh nghiệp đưa vào sử dụng trong quá trình tuyển dụng.
Một số câu hỏi của bài kiểm tra STAR được xây dựng dựa trên những tính cách riêng của người Việt Nam. STAR phân loại tính cách của ứng viên theo 4 yếu tố bao gồm:
- Style (Phong cách giao tiếp): Giúp phát hiện khả năng giao tiếp khi nói chuyện, trao đổi có tính logic và thuyết phục của ứng viên có tốt hay không?
- Time – Space (Thời gian – Không gian): Giúp nhận định ứng viên là người có khả năng nhìn vấn đề chi tiết hay tổng quát, có tầm nhìn dài hạn hay ngắn hạn và đặc biệt là có suy nghĩ sáng tạo hay không?
- Analysis (Phân tích vấn đề): Cho thấy ứng viên là người có khả năng phân tích vấn đề công bằng, khách quan hay chủ quan, cảm tính.
- Rule (Quy tắc): Giúp đánh giá ứng viên có khả năng lên kế hoạch cho công việc và kiên trì theo đuổi mục tiêu hay không?
7. Một số câu hỏi giúp đọc vị tâm lý ứng viên chỉ trong 5 phút
Nhà tuyển dụng nên phát triển một bộ câu hỏi để có thể đọc vị tâm lý ứng viên chuẩn xác. Hơn hết, bộ câu hỏi này sẽ giúp cho nhà tuyển dụng xác định được những tiềm năng cần thiết ở ứng viên. Các nhóm câu hỏi cần được sử dụng bao gồm:
– Các câu hỏi chung:
Nhóm câu hỏi chung thường được dùng để làm rõ các thông tin trong CV của ứng viên. Ngoài ra nhà tuyển dụng có thể đặt câu hỏi để tìm hiểu xem vì sao ứng viên muốn theo đuổi vị trí mới. Chẳng hạn như:
- Bạn đã làm việc ở công ty cũ bao lâu?
- Vì sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí ở công ty chúng tôi?
- Bạn biết gì về công ty chúng tôi?
- Hãy cho chúng tôi biết về một số sở thích của bạn?
Nhà tuyển dụng không nên đặt các câu hỏi về cân nặng, chiều cao, tôn giáo, giới tính,… Bởi những câu hỏi này có thể khiến ứng viên bị khó xử vì xâm phạm vào đời tư cá nhân của họ.
– Câu hỏi hành vi:
Đây là một phần không thể thiếu trong bộ câu hỏi để đọc vị tâm lý và hiểu hơn về ứng viên. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều tin rằng, những gì ứng viên đã thể hiện trong quá khứ sẽ là lời tiên đoán cho những gì họ sẽ thực hiện trong tương lai. Các câu hỏi có thể bao gồm:
- Nói về dự án lớn nhất mà bạn đã từng thực hiện?
- Nói về một khủng hoảng lớn xảy ra trong công việc và cách mà bạn xử lý nó?
- Nói về một tình huống mà bạn đã dùng sự sáng tạo của mình để giải quyết công việc?
Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng có thể đưa ra các câu hỏi giả định. Cụ thể là có thể đưa ra một tình huống trong tương lai nhằm xem xét hành vi của ứng viên. Chẳng hạn như:
- Bạn sẽ làm gì nếu phát hiện đồng nghiệp lấy cắp tiền của công ty?
- Bạn và một đồng nghiệp xảy ra mâu thuẫn cá nhân nhưng phải làm chung một dự án. Lúc này bạn sẽ làm gì?
– Câu hỏi gây áp lực:
Nhà tuyển dụng có thể sử dụng nhóm câu hỏi này để dồn ứng viên vào trạng thái căng thẳng. Sau đó sẽ thu thập phản ứng của ứng viên trong những tình huống này để đọc vị tâm lý ứng viên.
Nhà tuyển dụng có thể đặt ra một số câu hỏi nhạy cảm như:
- Bạn không có kinh nghiệm ở lĩnh vực này, vậy thì tại sao chúng tôi nên chọn bạn?
- Lý do gì khiến bạn nghỉ việc ở công ty cũ?
- Mối quan hệ giữa bạn với sếp và đồng nghiệp cũ có tốt không?
Trên thực tế, có nhiều mẹo hay giúp cho nhà tuyển dụng có thể đọc vị chuẩn xác tâm lý ứng viên. Tuy nhiên mục đích cuối cùng vẫn là hướng đến việc lựa chọn được cho công ty ứng viên phù hợp nhất với vị trí còn trống. Từ đó giúp cho công ty có được sự phát triển bền vững nhờ sở hữu đội ngũ nhân sự xuất sắc.
Có thể bạn quan tâm:
- Cách ứng xử khi bị sếp khiển trách, khéo léo để ghi điểm
- 7 Cách giải quyết bất đồng quan điểm với sếp êm đẹp nhất
- 10 Nghiên cứu tâm lý học giúp bạn hiểu rõ bản thân
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!