Bí quyết giúp bạn nắm bắt được tâm lý nhà tuyển dụng
Một bản hồ sơ ấn tượng, sự thành thạo về kỹ năng cùng với nhiều bằng cấp nổi bật chính là các yếu tố quan trọng giúp bạn có thể ghi điểm tốt trong mắt những nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu muốn có được một công việc đáng mơ ước thì bạn cần phải có kỹ năng nắm bắt tâm lý của nhà tuyển dụng, hiểu rõ ý đồ của họ.
Một số phong cách nhà tuyển dụng thường gặp
Khi nộp hồ sơ ứng tuyển vào một công ty cũng đồng nghĩa với việc bạn đang mong muốn có được cơ hội làm việc tại nơi đó. Và buổi phỏng vấn chính là cột mốc quan trọng nhất để quyết định rằng bạn có phù hợp với công ty hay không. Do đó, trước những buổi phỏng vấn, hầu hết các ứng viên sẽ vô cùng lo lắng và cần phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, kể cả về kiến thức lẫn tinh thần.
Nhiều người còn tự lên kịch bản cho mình và siêng năng luyện tập để có thể trả lời trôi chảy các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn cũng rất khó lường trước về việc nhà tuyển dụng sẽ sử dụng phong cách phỏng vấn nào đối với bạn và bạn phải ứng xử ra sao để thể hiện được rõ tài năng của mình, tạo ấn tượng tốt nhất đối với họ.
Tùy vào yêu cầu của mỗi vị trí ứng tuyển mà nhà tuyển dụng sẽ mang tinh thần và không khí khác nhau. Do đó, trước những buổi phỏng vấn quan trọng, bạn cũng cần tham khảo trước về những phong cách thường được áp dụng để có thể ứng phó tốt trong nhiều trường hợp khác nhau.
1. Phong cách nhà tuyển dụng lạnh lùng
Bạn đã bao giờ suy nghĩ tới tình huống, vừa mở cửa phòng phỏng vấn thì đập ngay vào mặt mình là những nhà tuyển dụng với gương mặt lạnh lùng, thờ ơ hay chưa? Nếu gặp phải trường hợp này, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn và ngột ngạt để có thể suy đoán được tâm lý của họ. Đồng thời, đối với những người chưa có kinh nghiệm lại càng bị suy giảm mức độ tự tin, cảm thấy hoang mang và lo sợ.
Dựa theo tâm lý chung của con người, thì khi chúng ta được đặt ra một câu hỏi thì sẽ có nhiều xu hướng muốn trả lời theo những gì mà ta suy nghĩ đối phương đang muốn lắng nghe. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, bạn tuyệt đối đừng để bản thân đi theo lối mòn. Bởi nhà tuyển dụng sẽ không biểu hiện quá nhiều cảm xúc để bạn có thể biết họ có đang hài lòng hay chưa. Chính vì thế hãy luôn duy trì phong thái đỉnh đạc, thể hiện kiến thức của bản thân và những kinh nghiệm vốn có để khẳng định mình.
Ngoài ra, phỏng vấn không chỉ là việc nhà tuyển dụng hỏi và bạn chỉ trả lời mà nên có sự tương tác qua lại lẫn nhau. Bạn cũng nên đưa ra những thắc mắc của mình, tìm hiểu về môi trường, cơ hội thăng tiến,…Việc bạn đưa ra một số câu hỏi về công ty, vị trí bạn đang ứng tuyển sẽ giúp khơi gợi được sự đồng cảm, sự chia sẻ và cũng là yếu tố giúp bạn “lấy lòng” được các nhà tuyển dụng.
2. Phong cách phỏng vấn dọa dẫm
Đây được xem là một trong các phong cách phỏng vấn thường gặp ở nhiều nhà tuyển dụng. Cũng bởi tâm lý đã làm việc lâu năm trong môi trường chuyên nghiệp nên nhiều người cũng dần quên đi những khó khăn, áp lực của những “tân binh”. Chính vì thế, một số nhà tuyển dụng có thể đặt ra yêu cầu quá cao với các ứng viên, họ có xu hướng muốn bạn phải thể hiện những tài năng, phải chứng minh bản thân có đủ năng lực để đảm nhiệm vị trí ứng tuyển.
Phong cách tuyển dụng này khiến cho nhiều ứng viên có cảm giác như bản thân đang bị “dọa dẫm”. Ứng viên nếu gặp phải tình huống này thì cần phải cố gắng thể hiện và bộc lộ tài năng, kiến thức, kinh nghiệm của bản thân. Phải thể hiện rõ cho nhà tuyển dụng thấy thế mạnh của mình và những đóng góp của bạn khi đảm nhiệm vị trí ứng tuyển. Đồng thời, hãy biểu hiện quyết tâm của bạn, nói về lý do vì sao bạn lại chọn công ty này thay vì những nơi khác.
3. Phong cách điều tra
Đối với những nhà tuyển dụng này, họ sẽ liên tục đặt ra nhiều nghi vấn cho các thông tin được ghi trong đơn ứng tuyển và cần phải có những giấy tờ, chứng chỉ, thông tin để chứng minh. Nhà tuyển dụng sẽ liên tục bắt buộc bạn phải chứng minh đầy đủ các thông tin, từ bằng cấp, kinh nghiệm, cách ứng xử trên các trang mạng xã hội,….Đồng thời, họ có thể đưa ra nhiều tình huống oái ăm để bạn phải đối phó nhằm đánh giá về năng lực và khả năng thực sự của bạn.
Các ứng viên khi gặp phải phong cách phỏng vấn điều tra sẽ cảm thấy khá bối rối, lúng túng. Để khắc phục tốt, bạn nên chú ý lắng nghe từng câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra để có thể trả lời đúng trọng tâm. Đồng thời, hãy chú ý phân tích về từng câu hỏi, bạn sẽ phần nào biết được tiêu chí tuyển dụng của công ty, từ đó biết cách thể hiện bản thân tốt hơn.
4. Phong cách phỏng vấn hời hợt
Đôi khi bạn sẽ bắt gặp những tình huống vô cùng bất ngờ, bởi nhà tuyển dụng hoàn toàn không chuẩn bị gì trước khi tiến hành phỏng vấn, thậm chí có những trường hợp họ chỉ đến “tham dự” và góp mặt vào buổi phỏng vấn đó. Lúc này, ứng viên có thể trở thành người làm chủ hoàn toàn trong cuộc phỏng vấn này, các nhà tuyển dụng chỉ lắng nghe, đôi khi đưa ra một vài câu hỏi đơn giản.
Những nhà tuyển dụng mang phong cách hời hợt có thể chưa từng xem qua hồ sơ hay bất kì thông tin nào về bạn. Chính vì thế họ sẽ khá mù mờ về bạn và đây chính là lúc bạn có thể thoải mái giới thiệu về bản thân theo cách mà mình muốn, dễ dàng đưa ra những quan điểm, thế mạnh của chính mình để tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Làm sao để nắm bắt tâm lý của nhà tuyển dụng?
Nắm bắt tâm lý của nhà tuyển dụng không phải là một điều dễ dàng bởi mỗi người sẽ có những phong cách phỏng vấn khác nhau, những vị trí ứng tuyển sẽ cần có những yêu cầu nhất định. Tuy nhiên, nếu chú ý quan sát các yếu tố sau đây, bạn cũng sẽ phần nào đọc vị được tâm lý của các nhà tuyển dụng, tạo thêm cơ hội để bản thân có thể trúng tuyển vào vị trí mà bạn đang mong muốn.
1. Quan sát không gian phỏng vấn
Theo chia sẻ của các chuyên gia tâm lý thì chúng ta chính là những gì đang hiện hữu xung quanh chúng ta. Mỗi người sẽ có những tính cách, suy nghĩ, hành động và cách cư xử khác nhau và chúng đều sẽ được thể hiện rõ ràng thông qua các đồ vật mà bạn sử dụng bên cạnh.
Chính vì thế, nếu muốn biết rõ về tâm lý của các nhà tuyển dụng thì cách tốt nhất là bạn hãy quan sát không gian và các đồ vật xung quanh ngay khi bước vào phòng phỏng vấn. Nếu may mắn được phỏng vấn ngay tại phòng làm việc của nhà tuyển dụng thì chắc chắn rằng bạn sẽ càng dễ dàng hơn trong việc nắm bắt được tâm lý, sở thích và tính cách của họ.
Chỉ cần chú ý vào những đồ vật trang trí xung quanh, những quyển sách để trên kệ hoặc những món đồ lưu niệm, bức ảnh để trên bàn làm việc cũng đủ để bạn phần nào hiểu về lối sống của họ. Chính nhờ thế mà bạn có thể phần nào biết được các thông tin, tính thẩm mỹ, xu hướng mà họ đang hướng đến để chủ động hơn trong cách ứng xử, trả lời phỏng vấn.
Còn nếu bạn không được trực tiếp phỏng vấn tại nơi làm việc thì hãy quan sát về không gian tổng thể của công ty, phòng ban và cả phòng mà bạn đang được phỏng vấn. Hãy xem xét xem nó được trang trí với những đồ vật nào, phòng có nhiều cửa sổ không, vị trí cửa sổ có đón ánh nắng không, phòng có những câu slogan mang ý nghĩa gì, truyền tải thông điệp gì. Tất cả những yếu tố đó cũng một phần thể hiện được văn hóa của công ty, đánh giá về môi trường làm việc của nơi đó và nó giúp bạn dễ dàng thích ứng với bầu không khí khi được phỏng vấn.
2. Để ý trang phục của nhà tuyển dụng
Trang phục của nhà tuyển dụng cũng là một trong các yếu tố quan trọng có thể giúp bạn nắm bắt được tâm lý của họ. Phong cách ăn mặc cũng sẽ nói lên được một phần tính cách, cách sống và thái độ của họ đối với công việc. Một người ăn mặc chỉnh chu với quần tây, áo sơ mi, đóng vest ngay ngắn tất nhiên sẽ không giống với người mặc đồ đơn giản với quần jean, áo thun.
Ví dụ như, đối với một nhà tuyển dụng có cách ăn mặc sang trọng, gọn gàng, nghiêm túc thì chắc hẳn họ là người có tính khuôn khổ, kỷ luật tốt và luôn phân định rõ ràng giữa môi trường làm việc chuyên nghiệp và các mối quan hệ xã hội bên ngoài. Những người này sẽ luôn phân định rõ ràng về các vai trò trong một công ty, phòng ban, họ luôn coi trọng cấp trên và cấp dưới. Đồng thời, việc ăn mặc chỉnh tề, thơm tho cũng chứng tỏ rằng họ là người quan trọng về vẻ bề ngoài. Chính vì thế, nếu bạn cũng biết cách ăn mặc thì tất nhiên sẽ tạo được ấn tượng tốt từ họ.
Đối với những nhà tuyển dụng này, bạn cần phải thể hiện thái độ nghiêm túc, cư xử lịch sự, có chừng mực và cần để ý nhiều hơn đến lời nói, hành vi của mình trong lúc phỏng vấn. Bạn nên hạn chế nói quá nhiều về những câu chuyện của bản thân, tránh đùa giỡn. Thay vào đó hãy nói thêm nhiều về kinh nghiệm, kỹ năng và những nỗ lực của bạn. Khi đặt câu hỏi cũng nên xoay quanh vấn đề công việc nhiều hơn.
Còn nếu bạn may mắn gặp được một nhà tuyển dụng với những trang phục thoải mái, năng động thì buổi phỏng vấn cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng và sôi động hơn. Những người này có thể thuộc tuýp tính cách vui vẻ, hòa đồng và không quá quan trọng về hình thức bên ngoài. Lúc này bạn có thể thoải mái thể hiện cá tính của bản thân, chia sẻ chân thành về những mong muốn của mình để tạo được thiện cảm tốt với nhà tuyển dụng.
3. Chú ý tư thế ngồi của nhà tuyển dụng
Để nắm bắt được tâm lý của nhà tuyển dụng bạn cũng nên chú ý về tư thế ngồi của họ. Đây được xem là một trong các yếu tố rất đáng để quan sát nhưng phần lớn lại bị các ứng cử viên thường xuyên loại bỏ và phớt lờ. Theo tìm hiểu thì tư thế mà một người ngồi trước mặt bạn cũng đủ để thể hiện lên rất nhiều điều. Ví dụ như nếu nhà tuyển dụng có cách ngồi ngả ghế, lưng tựa hẳn vào phía sau, hai chân bắt chéo thì phần nào cũng thể hiện họ là một người tự tin, bản lĩnh nhưng đôi lúc cũng có chút kiêu căng, tự cao. Cũng bởi họ biết rằng mình đang nắm quyền sinh sát trong tay, có quyền phán xét, đánh giá người khác.
Còn nếu người phỏng vấn bạn là có tư thế ngồi thoải mái, gần với bạn, họ luôn đối mặt khi giao tiếp và hướng về bạn thì chứng tỏ họ là người biết cách lắng nghe, chia sẻ và dễ đồng cảm với những điều mà người khác truyền tải. Lúc này bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn, đồng thời hãy chia sẻ nhiều hơn để họ có thể hiểu và biết rõ những sở trường của bạn, đánh giá xem bạn có thực sự phù hợp với vị trí ứng tuyển không.
4. Nắm bắt tâm lý nhà tuyển dụng qua ánh mắt
Ánh mắt chính là nơi thể hiện cảm xúc, thái độ và tất nhiên nó hoàn toàn không biết nói dối. Vì thế, nếu muốn nắm bắt tốt tâm lý của nhà tuyển dụng hoặc bất kì ai thì bạn hãy nhìn vào mắt của họ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải nhìn chằm chằm vào mắt của các nhà tuyển dụng. Cách tốt nhất là hãy quan sát về những cử chỉ ở mắt, nhìn xem họ có nhíu mày, chớp mắt liên tục, dụi mắt thường xuyên hay không.
Những “manh mối” không lời sẽ được thể hiện rõ nhất qua đôi mắt. Bạn có thể biết rằng họ có đang thực sự hài lòng về bạn hay không qua một cái nhíu mắt, một cái chau mày. Nếu họ cảm thấy ưng ý về cách thể hiện của bạn thì chắc hẳn họ sẽ khá chú tâm vào những gì bạn đang truyền đạt. Ngược lại, nếu nhà tuyển dụng liên tục cuối mặt, mắt nhìn vào CV thì có thể họ đã cảm thấy nhàm chán bởi cuộc phỏng vấn này. Lúc này bạn cần hít thở sâu, khéo léo chuyển đổi chủ đề để tạo sự thu hút và làm mới bầu không khí phỏng vấn.
5. Cách xưng hô trong giao tiếp
Cách xưng hô trong giao tiếp cũng là một yếu tố giúp bạn có thể hiểu và nắm bắt được tâm lý của các nhà tuyển dụng. Do đó, hãy chú ý xem họ nói chuyện với bạn bằng ngôn xưng nào. Ví dụ như, mặc dù họ lớn tuổi hơn bạn những vẫn rất tôn trọng và sử dụng danh xưng ngang hàng là tôi và bạn.
Điều này cho thấy rằng, nhà tuyển dụng là một người thoải mái, thân thiện, luôn coi trọng dù bạn là người mới. Đây chính là một dấu hiệu đáng mừng và giúp bạn thoải mái hơn đôi chút trong cuộc phỏng vấn này. Hãy cố gắng thể hiện khả năng của mình, bộc lộ tài năng và chia sẻ chân thật nhưng vẫn phải giữ phép lịch sử cơ bản, có như thế bạn mới nhận được kết quả như mong đợi.
Ngược lại, nếu người phỏng vấn có sự phân định rõ ràng trong cách xưng hô, chẳng hạn như họ sẽ xưng anh/ chị và em thì có thể họ sẽ có phần yêu cầu cao hơn đối với ứng viên. Những người có sự rạch ròi như thế sẽ đòi hỏi ứng viên phải có phong cách nghiêm túc, biết trên biết dưới. Do đó, bạn cần phải cẩn trọng hơn trong lời nói, thể hiện mình là người có khuôn khổ, có chứng mực.
6. Xem phản ứng của nhà tuyển dụng
Để biết được suy nghĩ và tâm lý của nhà tuyển dụng thì chắc chắn rằng bạn không thể bỏ qua được các phản ứng, cử chỉ trên cơ thể của họ. Ánh mắt cũng là một trong các phản ứng có thể giúp bạn nhận biết được sự hài lòng của nhà tuyển dụng hay không. Hãy tinh tế và sử dụng sự nhạy bén của bạn để có thể quan sát đối phương và điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc ứng xử trong buổi phỏng vấn của bạn.
Ví dụ như, trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng có cử chỉ trề môi, lắc đầu, cau mày, xoay bút thì có lẽ câu chuyện mà bạn đang chia sẻ không khiến họ bị hấp dẫn hoặc thậm chí là họ đang muốn kết thúc buổi phỏng vấn. Lúc này hãy nhạy bén hơn và nhanh chóng thay đổi bầu không khí bằng một chủ đề thú vị hơn.
Trên đây là một số cách có thể giúp các ứng viên nắm bắt tốt tâm lý của nhà tuyển dụng. Để đạt được kết quả như mong đợi thì bạn hãy nên trau dồi thêm cho mình nhiều kiến thức, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho buổi phỏng vấn để tự tin thể hiện bản thân của mình trước những nhà tuyển dụng.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!