Cách để giải quyết mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái hiệu quả
Mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái dù xuất phát từ bất kì nguyên nhân nào cũng cần được nhanh chóng giải quyết triệt để. Nếu các xung đột không được sớm khắc phục sẽ khiến mối quan hệ gia đình trở nên xa cách, dễ bị rạn nứt, thậm chí là để lại các hậu quả nghiêm trọng.
Thực trạng và nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái
Mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái có thể xuất hiện ở bất kì gia đình nào. Cũng bởi trong cuộc sống, dù yêu thương nhau đến đâu cũng rất khó tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm, những chuyện tranh cãi, xung đột lẫn nhau. Đặc biệt là giữa hai thế hệ, mỗi người sẽ có những quan điểm và suy nghĩ khác nhau nên không thể tránh khỏi những lúc xảy ra mâu thuẫn.
Để có thể hiểu rõ hơn về thực trạng của vấn đề này, các chuyên gia đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với các em học sinh ở một số trường THCS ở địa bàn tỉnh Phú Yên. Những đứa trẻ tham gia sẽ được đặt ra câu hỏi rằng: “Trong giao tiếp hàng ngày, em và cha mẹ có hay xảy ra những mâu thuẫn không? Thường là mâu thuẫn về vấn đề nào? Vì sao lại xảy ra mâu thuẫn?”.
Phần lớn các em đều chia sẻ rằng những mâu thuẫn xảy ra trong gia đình thường xuất phát từ sự không tin tưởng của cha mẹ, phụ nữ quản lý nghiêm khắc, ngăn cấm các em trong mọi vấn đề của cuộc sống hoặc tạo nên áp lực học tập cho các em. Trong cuộc khảo sát với 410 học sinh về mối quan hệ của các em và cha mẹ thì có đến 81,2% (367 học sinh) chia sẻ rằng đã từng xảy ra mâu thuẫn với cha mẹ của mình.
Theo chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Bá Đạt – Khoa Tâm lý – Trường ĐHKHXH&NV thì mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên lý do phổ biến nhất đó chính là sự trái ngược trong cách suy nghĩ và các quan điểm sống. Cũng bởi mỗi thời đại sẽ có những quan niệm khác nhau, có những tư tưởng và cách sống riêng biệt nên việc “lệch pha” về suy nghĩ là điều dễ hiểu.
Hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn con cái mình trở thành người tài giỏi, thông minh. Tuy nhiên, đôi khi cách giáo dục của họ lại không phù hợp, gò bó và quá hà khắc với con cái. Họ cho rằng bản thân là người sinh thành và nuôi dưỡng con nên họ có quyền kiểm soát, bắt ép con làm theo những gì mà mình mong muốn.
Tuy nhiên, trẻ em cũng có những mong ước của riêng mình. Đặc biệt là những đứa trẻ ở độ tuổi dậy thì, vị thành niên càng dần hình thành những suy nghĩ riêng. Giai đoạn này trẻ sẽ thay đổi về cả ngoại hình lẫn nhận thức, chính vì thế trẻ sẽ trở nên nhạy cảm, dễ chống đối cha mẹ. Ngoài ra, ở lứa tuổi này, trẻ cũng có mong muốn được công nhận, khẳng định bản thân nên thường có xu hướng hành xử giống với những người trưởng thành.
Cũng chính vì thế, mà nhiều đứa trẻ sẽ có các hành vi ngang bướng, không chịu tiếp thu và lắng nghe ý kiến của cha mẹ. Nếu lúc này các bậc phụ huynh không thấu hiểu và có biện pháp giáo dục phù hợp sẽ rất dễ phát sinh ra những mâu thuẫn, cãi vã, làm cho mối quan hệ cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng. Bên cạnh đó, sự thiếu kiến thức hoặc bất đồng trong quan điểm giáo dục con cái cũng có thể trở thành lý do khiến cho nhiều gia đình đối mặt với những xung đột, mâu thuẫn gay gắt.
Làm sao để giải quyết mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái?
Các mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái nếu cứ kéo dài dai dẳng không được giải quyết sớm sẽ gây nên rất nhiều các ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống gia đình. Chẳng hạn như mối quan hệ giữa cả hai sẽ dần bị rạn nứt, không khí gia đình ngột ngạt, căng thẳng, nhiều nguy cơ gây stress do áp lực gia đình và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các thành viên.
Dù các xung đột, mâu thuẫn xuất phát từ bất kì nguyên nhân nào thì cũng cần được khắc phục và hóa giải nhanh chóng. Cả đôi bên cần phải có sự thấu hiểu, thông cảm và cùng chia sẻ với nhau để có thể hiểu cho nhau nhiều hơn. Đồng thời, các bậc làm cha mẹ nên có sự bao dung, vị tha và bao dung với con cái của mình để xây dựng được một gia đình hạnh phúc, chan hòa tình yêu thương.
Sau đây là một vài biện pháp có thể giúp cha mẹ và con cái có thể cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong sinh hoạt gia đình:
1. Cùng tìm ra giải pháp thay vì trừng phạt
Khi gia đình xuất hiện những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm giữa cha mẹ và con cái thì đa số các phản ứng của những bậc phụ huynh đó chính là trừng phạt. Để có thể nhanh chóng chấm dứt các cuộc cãi vã và thể hiện quyền lực của mình trong gia đình mà cha mẹ thường có xu hướng đưa ra những hình thức răng đe, trách phạt con cái như bắt con con ở trong phòng và tự suy nghĩ về những lỗi lầm của mình, không cho con ra ngoài vui chơi hoặc thậm chí là sử dụng đòn roi với con.
Tuy nhiên, những hình thức trừng phạt này chỉ có hiệu lực tạm thời, đôi khi nó lại khiến cho trẻ nhỏ càng cảm thấy uất ức, lâu dài gây nên những sự ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì thế mà để giải quyết tốt các mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái thì đôi bên cần phải cùng nhau tìm ra giải pháp thay vì cứ trách móc lẫn nhau.
Cha mẹ nên sử dụng thái độ mềm mỏng, nhẹ nhàng và thân thiện hơn với con trẻ, tập trung vào các giải pháp “cùng nhau” để đưa ra hướng khắc phục tốt cho cả đôi bên. Chỉ có như thế thì cả cha mẹ lẫn con cái đều cảm thấy vui vẻ, hài lòng, không ai cảm thấy buồn tủi hay khó chịu sau khi mâu thuẫn xảy ra. Trong thực tế, phương pháp này không chỉ hiệu quả và hữu ích trong việc áp dụng giải quyết các mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái mà còn có thể áp dụng được nhiều cho các tình huống xung đột xảy ra trong cuộc sống.
2. Học cách lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng ý kiến của đôi bên
Các gia đình Châu Á, đặc biệt là những bậc phụ huynh ở nước ta thường có quan điểm rằng con cái phải vâng lời cha mẹ, phải nghe theo những lời chỉ dẫn của người lớn và người lớn luôn luôn đúng. Thậm chí có một vài người còn áp đặt các suy nghĩ của bản thân lên con cái, họ bắt buộc con phải làm theo những điều mình mong muốn, phải sống theo những quy chuẩn mà mình đưa ra.
Tuy nhiên, với xã hội hiện đại ngày nay, giới trẻ được tiếp xúc rất sớm với các thông tin, kiến thức thông qua những trang mạng xã hội, sách vỡ. Chính vì thế, ngay từ khi con bé trẻ đã hình thành nên những sở thích, lối tư duy riêng cho bản thân. Đặc biệt là những đứa trẻ ở độ tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu có những nhận thức, quan điểm cá nhân nên đôi khi không thể tuân theo tất cả những ý muốn của cha mẹ.
Cách biệt thế hệ lúc nào cũng tạo nên một rào cản lớn đối với cha mẹ và con cái. Do đó, để có thể thấu hiểu nhau hơn thì cả đôi bên cần phải biết cách chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng mong muốn, ý kiến của nhau. Cha mẹ nên học cách lắng nghe những nguyện vọng, suy nghĩ của con cái và tôn trọng những sở thích riêng tư của con. Đồng thời, con trẻ cũng phải dành thời gian để hiểu được những nỗi lòng của bậc làm cha mẹ, tôn trọng và luôn lắng nghe những đóng góp quý báu của họ.
Cha mẹ và con cái cần phải chia sẻ và tâm sự với nhau nhiều hơn. Có như thế thì cả hai mới hiểu rõ về đối phương và biết cách thông cảm cho nhau nhiều hơn. Khi xảy ra mâu thuẫn, cha mẹ và con cái nên cùng nhau ngồi lại và bày tỏ rõ suy nghĩ của mình. Khi thực sự lắng nghe những mong muốn của đối phương sẽ giúp cho bạn hiểu vì sao họ lại có những hành động như thế, từ đó các mâu thuẫn cũng sẽ dần được tháo gỡ và giải quyết tốt.
3. Cùng nhau đặt ra những quy tắc chung
Cho dù trong công ty, trường học hay kể cả ở gia đình cũng cần phải có những quy tắc nhất định. Để hạn chế và có thể giải quyết nhanh chóng các mâu thuẫn xảy ra giữa cha mẹ và con cái hoặc bất cứ thành viên nào trong gia đình thì bạn cũng cần cùng nhau đặt ra những quy tắc cụ thể, rõ ràng. Nếu trong gia đình xuất hiện những bất đồng quan điểm hoặc những sự lệch pha về quan điểm thì hãy cứ dựa vào những tiêu chuẩn đã thống nhất để khắc phục.
Phương pháp này không chỉ giúp cả hai tránh được những cuộc cãi vã nghiêm trọng mà còn hạn chế được tình trạng mâu thuẫn tái phát trong tương lai. Đồng thời, khi cha mẹ và con cái đều có những quy định cụ thể thì sẽ nâng cao được tính trách nhiệm. Cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc nuôi dạy và quản lý con cái. Ngược lại, con trẻ cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi không bị sự quản lý quá chặt chẽ của các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, những nguyên tắc này cần phải được xây dựng và có sự thống nhất của tất cả các thành viên trong gia đình. Cha mẹ không được tự ý đặt ra những quy luật dựa trên mong muốn riêng của bản thân. Tuyệt đối không được bắt ép con phải thực hiện những điều mà mình mong muốn để tránh việc mâu thuẫn càng gia tăng.
Chẳng hạn như, bạn có thể đưa ra quy định về giờ giới nghiêm của con cái, con phải về nhà trước 10 giờ và khi con về trễ hơn phải thống báo với cha mẹ và nói rõ lý do, đồng thời sau đó con cũng sẽ phải chịu một hình phạt nào đó đã được quy định sẵn. Hoặc con cái cũng có thể đưa ra luật để bảo vệ quyền riêng tư của mình bằng cách cha mẹ không được tự ý xem nhật ký, điện thoại hoặc bất kì đồ dùng cá nhân nào của con nếu chưa có sự cho phép và nếu vi phạm cha mẹ cũng sẽ phải chịu một hình phạt nào đó.
4. Kiểm soát cảm xúc và giữ bình tĩnh
Nóng giận không phải là cách tốt để giúp bạn giải quyết các khúc mắc, xung đột có thể xảy ra. Thậm chí khi giận dữ, kích động bạn còn có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng hoặc sử dụng những lời nói làm tổn thương, xúc phạm đối phương. Do đó, khi cha mẹ và con cái xảy ra mâu thuẫn, tốt nhất bạn cần phải giữ được sự bình tĩnh của mình, kiểm soát mọi cảm xúc tiêu cực. Nếu cảm thấy quá tức giận thì hãy chọn cách rời đi , đến một không gian yên tĩnh nào đó để tâm trí có thể bình tĩnh trở lại.
Các bậc phụ huynh luôn là tấm gương để con cái có thể học hỏi và noi theo. Khi bạn thường xuyên tức giận, lớn tiếng, la hét và mắng chửi con thì con cũng sẽ có xu hướng xem đó là những phản ứng bình thường và bắt đầu học theo. Chính vì thế, bản thân những bậc làm cha mẹ nên tự biết cách kiềm chế cảm xúc của chính mình, tuyệt đối không được sử dụng những lời lẽ, hành vi làm tổn thương đến trẻ nhỏ. Cha mẹ cần biết cách nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau, bình tĩnh phân tích sự việc và đặt mình vào vị trí của con để có thể thấu hiểu được những điều mà con đang mong muốn.
Các chuyên gia tâm lý chia sẻ rằng,não bộ sẽ suy nghĩ và hành động theo những cách mà chúng ta đang mong muốn. Chính vì thế khi bạn tức giận, cáu gắt và mất bình tĩnh thì sẽ có nhiều khả năng bạn đưa ra những quyết định sai lầm. Do đó, khi xảy ra bất hòa hoặc có những ý kiến trái chiều với con cái thì tốt nhất bạn cần phải kiểm soát cảm xúc. Sau khi bình tĩnh trở lại mới bắt đầu ngồi lại phân tích và giải quyết các vấn đề. Lúc này cả hai cũng sẽ dần ổn định hơn, dễ dàng có được cái nhìn đa chiều, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
5. Dành nhiều thời gian cho nhau hơn
Một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết tốt các mâu thuẫn xảy ra giữa cha mẹ và con cái đó chính là dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Bên cạnh việc cùng nhau chia sẻ, tâm sự thì cả hai cũng có thể gắn kết bằng cách cùng nhau làm những công việc nhà, cùng nhau ăn uống, vui chơi, học tập hoặc tham gia vào các hoạt động thư giãn, giải trí lành mạnh. Tình yêu thương luôn cần có thời gian để được tạo dựng một cách bền chặt và khi đôi bên biết cách trân trọng và yêu mến lẫn nhau thì các mâu thuẫn sẽ dễ dàng được giải tỏa.
Khi con cái còn nhỏ, con sẽ luôn theo chân và quấn lấy cha mẹ. Nhưng khi con bắt đầu lớn lên và trưởng thành thì thời gian cả hai bên cạnh nhau lại dần ít hơn. Mỗi người sẽ có những không gian riêng, những sở thích riêng biệt và con cũng sẽ có những mối quan hệ khác bên ngoài xã hội. Do đó, để giảm thiểu những cuộc tranh cãi và xung đột xảy ra giữa cha mẹ và con cái thì chúng ta cần biết cách sắp xếp thời gian, cùng nhau vun đắp và quan tâm nhau nhiều hơn.
Việc có thể cùng nhau trải nghiệm và thực hiện những điều thú vị trong cuộc sống sẽ giúp các thành viên trong gia đình được gần gũi nhau hơn. Cũng chính nhờ thế mà các khúc mắc, mâu thuẫn giữa đôi bên cùng dần được tháo gỡ và nhanh chóng được giải quyết. Cũng bởi, cha mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc cho con cái và con cái những chính là động lực, niềm hạnh phúc lớn lao của những bậc làm cha mẹ.
6. Nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý
Nếu đã cố gắng áp dụng các biện pháp hòa giải nêu trên nhưng các mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái vẫn chưa được giải quyết tốt thì gia đình có thể cân nhắc đến việc tìm gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Thông qua quá trình trao đổi và trò chuyện cùng với chuyên gia, các thành viên trong gia đình cũng sẽ hiểu rõ được nguyên nhân gây ra xung đột. Từ đó đôi bên cũng sẽ hiểu được những suy nghĩ, nhu cầu của đối phương và dễ dàng hơn trong việc tìm ra hướng giải quyết thích hợp.
Tùy thuộc vào từng tình trạng khác nhau mà các chuyên gia tâm lý sẽ áp dụng các liệu pháp phù hợp. Thông qua quá trình tư vấn trực tiếp, cả cha mẹ và con cái cũng sẽ thấu hiểu được chính mình và cả đối phương. Họ sẽ biết cách yêu thương nhau hơn, mối quan hệ đôi bên cũng sẽ dần trở nên thân thiết và gần gũi. Đồng thời, chuyên gia tâm lý còn giúp cho gia đình biết cách kiểm soát cảm xúc, nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng lạc quan, tích cực để hạn chế các tranh cãi, mâu thuẫn.
Hi vọng qua thông tin của bài viết này bạn đọc sẽ biết thêm được một số cách để giải quyết tốt mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Những xung đột trong đời sống gia đình rất khó tránh khỏi nhưng nếu biết cách khắc phục thì bạn hoàn toàn có thể giữ được không khí vui vẻ, hạnh phúc giữa các thành viên.
Có thể bạn quan tâm:
- Thực trạng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái: Đâu là lý do?
- Bí quyết để xóa bỏ khoảng cách giữa cha mẹ và con cái
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!