9 Lý do phổ biến gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái
Có rất nhiều lý do gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, đôi khi đó chỉ là những vấn đề rất nhỏ nhưng không ai chịu nhường ai nên mới xuất hiện những xung đột cao trào. Cha mẹ đôi khi nên là người “xuống nước” trước, chấp nhận thử thách để có thể đi sâu vào đời sống nội tâm phong phú và thấu hiểu con nhiều hơn.
9 Lý do phổ biến gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái
Nguyên nhân chủ quan khiến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái ngày càng nhiều thực chất bắt nguồn từ tâm lý ích kỷ, cá nhân của cả hai. Phụ huynh luôn cho rằng mình tự có quyền quyết định cuộc sống thay con, cho rằng tất cả những điều mình làm đều vì tốt cho con. Ngược lại, con cái thì luôn muốn được tôn trọng nhưng lại chưa thực sự chứng minh được rằng mình có thể độc lập, đồng thời có suy nghĩ cho rằng cha mẹ độc đoán, cổ hủ..và ngày càng muốn khẳng định cá tính của mình hơn.
Chính từ những yếu tố này mà các mâu thuẫn bắt đầu phát sinh nhiều hơn, những yếu tố chủ quan mới tác động và tạo ra bức rào chắn giữa cha mẹ và con cái. Cả hai nếu vẫn còn giữ tâm lý mang tính cá nhân của mình thì rất khó giải quyết được các mâu thuẫn này. Vậy đâu là những lý do phổ biến nhất thường gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái?
Khoảng cách giữa các thế hệ
Đây chính là một trong những lý do lớn gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, điều này cũng dễ dàng nhìn nhận ở rất nhiều khía cạnh cuộc sống. Chẳng hạn cha mẹ thì luôn muốn con gái phải để tóc đen dài, nói chuyện dịu dàng trong khi con cái lại luôn thích nhuộm tóc, cười lớn để thể hiện cá tính của mình. Khác biệt về tiêu chuẩn cái đẹp đã ăn sâu vào tiềm thức hai thế hệ đã gây ra những xung đột rất lớn.
Mỗi thế hệ lại có một quy chuẩn riêng về cuộc sống, tính cách, cái đẹp, họ đã mang những nguyên tắc đấy để trưởng thành, vì thế rất khó để thay đổi ngày một ngày hai. Trong khi đó với sự phát triển của thời đại công nghệ hiện đại, giới trẻ ai cũng lên mạng xã hội, tiếp xúc với internet hằng ngày nên bất cứ xu hướng nào mới cũng nắm chắc trong tay và hòa nhập để bắt kịp thời đại.
Một điều may mắn hơn là nguyên nhân gây mâu thuẫn này đang có xu hướng giảm nhẹ do hầu hết hiện nay ai cũng bắt đầu xài mạng xã hội, tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ. Thực tế sự phát triển của mạng xã hội cũng đã làm suy nghĩ của người lớn thoáng hơn trước rất nhiều, dù vậy vẫn có những quy chuẩn không thể thay đổi được. Con cái dù hiện đại thế nào cũng vẫn cần tôn trọng những nếp sống, quy chuẩn tốt đẹp mà cha mẹ đưa ra nếu không muốn những mâu thuẫn ngày càng đẩy lên cao trào.
Cái tôi cá nhân quá cao
Tất nhiên ai cũng có cái tôi cá nhân nhưng điều kỳ lạ là chúng ta thường có xu hướng thích giữ cái tôi cá nhân, thích ngang bướng, tức giận với những người trong gia đình hơn người nhà. Khi làm việc với sếp, cho dù bản thân đúng nhưng nếu sếp không ưng ý thì chúng ta cũng sẵn sàng xin lỗi. Trong khi đó dù bản thân thấy có lỗi với cha mẹ nhưng lại không bao giờ chịu mở lời xin lỗi, thậm chí còn cáu giận ngược lại.
Cha mẹ cũng vậy, đôi khi bản thân khi suy nghĩ lại cũng thấy trong những lúc nóng giận mình đã nói những lời không phải làm con bị tổn thương nhưng lại không biết mở lời thế nào. Nhiều người cũng suy nghĩ rằng việc phải xin lỗi con cái trước sẽ làm mất đi cái uy của bản thân mình nên quyết định cứ vậy cho qua mọi chuyện.
Những lý do gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái này thường cực kỳ phổ biến, có thể nói gặp ở hầu hết các gia đình. Những đứa trẻ bị la mắng oan ức nhưng lại không được xin lỗi sẽ cảm thấy vô cùng tổn thương, sâu thẳm trong tim có những vết thương không bao giờ lành. Dần dần tình cảm chúng dành cho cha mẹ không còn như trước nên những mâu thuẫn cũng xuất hiện nhiều hơn.
Thiếu sự giao tiếp là lý do gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái
Càng lớn, thời gian cha mẹ và con cái ngày càng ít nói chuyện với nhau. Nguyên nhân có thể do khoảng cách thế hệ, ai cũng ngày càng bận rộn hơn, ngày càng có ít vấn đề chung để nói chuyện. Thiếu sự giao tiếp chính là lý do hàng đầu gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, đây cũng là một trong những vấn đề rất khó để cải thiện.
Hơn hết ở một số gia đình cha mẹ có thể muốn hiểu con hơn và khơi gợi chuyện để nói với con mỗi ngày, tuy nhiên do tâm sinh lý của những trẻ trong độ tuổi trưởng thành rất khó hiểu nên chúng thường gạt đi. Dần dần mối quan hệ của hai bên ngày càng trở nên xa cách hơn mặc dù tất cả đều cùng ăn cơm hằng ngày, cùng sống chung dưới một mái nhà.
Thường khi đến một giai đoạn nào đó, người con bắt đầu trưởng thành hơn thì tình trạng này cũng được cải thiện nhưng cũng tùy người. Nếu cả cha mẹ và con cái đều có quá nhiều khác biệt trong suy nghĩ, tính cách, tư tưởng thì cũng rất khó để có thể giao tiếp nhiều với nhau.
Phụ huynh kiểm soát con cái quá mức
Kiểm soát con cái quá mức là thực trạng của rất nhiều phụ huynh hiện nay làm tác động trực tiếp đến tâm lý và tính cách của những đứa trẻ. Mục đích chính của việc kìm kẹp, bao bọc, kiểm soát con chính là để con có cuộc sống tốt nhất, trưởng thành và là một người tốt, một người thành công và ngoan ngoãn dưới góc nhìn của cha mẹ. Tuy mục đích là tốt nhưng cách làm của cha mẹ lại không hề đúng đắn.
Chẳng hạn cha mẹ luôn muốn con phải thông báo chính xác đang đi đầu, đang làm gì, ở với ai liên tục, thậm chí còn lén cài đặt định vị vào điện thoại để giám sát con. Mọi sở thích, nguyện vọng của con đều vị gạt bỏ, thậm chí việc làm ở đâu, yêu ai, lấy ai cũng phải chịu sự xếp của cha mẹ.
Phải chịu sự quản thúc quá nghiêm khắc chính là lý do phổ biến nhất thường gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Tình trạng này cực kỳ dễ xảy ra ở những trẻ đang ở trong độ tuổi dậy thì, tuổi vị thành niên luôn muốn nổi loạn. Cha mẹ càng o ép chúng vào khuôn khổ thì chúng càng cố tình làm trái lời, trở nên nổi loạn không thể kiểm soát được.
Tất nhiên việc nghiêm khắc của cha mẹ đều để con tốt hơn nhưng tâm lý con cái lại luôn mong muốn cha mẹ có thể thấu hiểu và ủng hộ mình. Việc lúc nào cha mẹ cũng la mắng, bắt phải làm mọi chuyện theo ý muốn sẽ khiến con cái có cảm giác bị “giam cầm”, không có tự do, không được tôn trọng nên càng cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi vòng tay của cha mẹ.
Hay so sánh là lý do gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái
” Sao con không được như cái A, vừa ngon vừa học giỏi”; ” sao mẹ nghe kể cái C được 9 mà con chỉ được 8 vậy” hay ” anh A con cô B mới đi làm mà lương tháng đã được 10 triệu rồi, sao con đi làm bao năm rồi vẫn thế”.. Đây đều là những điều mà phụ huynh thường nói vì họ nghĩ rằng so sánh sẽ tạo động lực cho con cố gắng hơn, nhưng thực tế chỉ khiến con thêm áp lực và mệt mỏi hơn mà thôi.
3 chữ “con nhà người ta” luôn là một trong những lý do gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái hàng đầu, dường như người con nào cũng trải qua. Bé thì bị so sánh về điểm số, lớn hơn thì bị so sánh về tiền lương, trưởng thành hơn nữa thì so sánh về công danh, nhà cửa. Không chỉ bị cha mẹ mà mỗi người còn bị “bà hàng xóm” hay họ hàng so sánh, chê bai.
Phụ huynh có bao giờ nghĩ rằng nếu mình cũng bị con so sánh với “mẹ của người ta” thì sẽ cảm thấy buồn bã hay tủi thân thế nào không? Nhiều người luôn tặc lưỡi cho qua vì nghĩ rằng “nói vậy có mất mát gì đâu” là không hiểu rằng có những sự mất mát trong tâm hồn của con cái không bao giờ có thể bù đắp lại được.
Không biết cách kiểm soát và biểu đạt cảm xúc
Trong lúc nóng giận, tức tối chúng ta thường rất dễ nói ra những lời không hay ho làm đối phương bị tổn thương. Mặc dù vậy nhưng chúng ta lại càng không biết nên làm thế nào để xin lỗi, nhất là khi đó là cha mẹ hay con cái của mình. Nhiều người nghĩ rằng im lặng hay cứ tự động nói chuyện là mọi chuyện sẽ qua nhưng thực tế nếu không xin lỗi thì sẽ để lại tổn thương cho cả hai bên.
Chúng ta dường như khó kiểm soát cảm xúc hay biểu đạt cảm xúc với những người trong gia đình hơn. Đôi lúc cha mẹ có những bức bối trong công việc nhưng lại không thể bộc lộ với ai, vì vậy khi thấy con cái vô tình làm điều gì sẽ trở nên tức giận và quát nạt con như một cách để “xả cơn giận”. Ngược lại đôi khi con cái cũng có thể bị áp lực, bực tức với chuyện học tập, tiền bạc nên cũng dễ cáu gắt, khó chịu hơn với cha mẹ.
Chúng ta thường có xu hướng dễ tức giận hơn, khó kiểm soát cảm xúc hơn so với người nhà vì ta biết rằng dù làm gì đi nữa thì gia đình vẫn là gia đình, vẫn sẽ luôn bên cạnh và tha thứ cho ta. Đây cũng là lý do gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái ngày càng cực kỳ phổ biến, gặp ở rất nhiều gia đình hiện nay.
Mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái về vấn đề học tập, công danh
Học tập, điểm số, thứ hạng, công danh cũng là lý do gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái ở rất nhiều gia đinh. Con bị điểm thấp, tụt thứ hạng, bố mẹ la mắng. Con ra trường thất nghiệp, làm việc lương thấp, bố mẹ la mắng. Thấy con người khác lên chức cao mà con mình vẫn đang ở một vị trí suốt bao nhiêu năm, bố mẹ la mắng.
Phụ huynh vẫn luôn mặc định rằng chỉ có con đường học tập, chỉ có làm chức vụ cao thì mới được tính là thành công, mới nở mày nở mặt. Mặt khác các phụ huynh cũng luôn nghĩ rằng mình đã tạo cơ hội tốt nhất cho con, con chỉ cần phải học tập thôi thì tất nhiên phải làm được tốt nhất. Chính vì vậy khi con không làm được như những kỳ vọng của mình thì cha mẹ sẽ la mắng con rất nhiều.
Mỗi người đều có một thế mạnh riêng và rất nhiều áp lực vô tình khác. Trẻ nếu học toán không giỏi nhưng con lại có thế mạnh trong văn. Trẻ thi được điểm thấp không có nghĩa là do con lười biếng mà có thể là do con đã nỗ lực rất nhiều nhưng lại không đạt được kỳ vọng. Ngay cả chính bản thân con cũng vô cùng buồn bã và hụt hẫng, việc cha mẹ trách mắng thêm lúc này sẽ càng làm con bị tổn thương hơn.
Cha mẹ thiếu công bằng làm nảy sinh mâu thuẫn
Tình trạng này thường gặp nhiều ở những gia đình có từ hai con trở lên và làm nảy sinh mâu thuẫn trong quan hệ giữa một trong hai đứa con này. Chẳng hạn cha mẹ luôn mua cho người chị đồ mới và kêu người em xài lại đồ cũ của chị. Hay việc hay cha mẹ thường có xu hướng thiên vị người em hơn và bắt anh chị lúc nào cũng phải nhường nhịn em, nói rằng “em còn nhỏ không biết gì”.
Cha mẹ thưởng phạt không công minh sẽ luôn khiến người con bị thiệt thòi hơn cảm thấy ấm ức, khó chịu, ghét người anh chị của mình. Một số có xu hướng ngày càng xa cách cha mẹ vì cho rằng mình không được yêu thương, một số khác thì có xu hướng nổi loạn để khiến cha mẹ chú ý và quan tâm mình hơn.
Lý do gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái từ sự đối xử thiếu công bằng của cha mẹ cực kỳ dễ xảy ra nếu các con ở độ tuổi xêm xêm nhau, tuổi dậy thì vì tâm lý con lúc này còn rất hiếu thắng, luôn muốn mình là nhất. Không chỉ với anh chị em trong gia đình mà khi thấy cha mẹ đối xử tốt hơn với ai, khen ngợi ai con cũng sẽ cảm thấy ghen tỵ và tức giận làm những mâu thuẫn nảy sinh.
Con chơi với bạn xấu là lý do gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái
Việc con chơi với bạn xấu và hình thành tư tưởng nổi loạn, thường xuyên tranh cãi với cha mẹ, thậm chí bỏ nhà đi nếu không ưng ý cũng là vấn đề cực kỳ khiến phụ huynh đau đầu. Tình trạng này cực kỳ dễ xảy ra ở những trẻ đang trong độ tuổi dậy thì hay những người có cha mẹ quá nghiêm khắc, luôn kìm kẹp không cho con làm được việc này việc kia.
Con cái khi chơi với bạn xấu thường có xu hướng học hành sa sút, không quan tâm tới gia đình, thường cãi cha mẹ, nổi loạn, bốc đồng, thậm chí có cả những hành vi bạo lực. Hàng loạt các lý do cứ dần xuất hiện gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ càng cấm cản, càng la mắng thì những xung đột này càng được đẩy lên cao trào.
Một điều thú vị là chơi với bạn xấu luôn có phần “thú vị” bởi con có thể dám làm những thứ chỉ mới suy nghĩ. Dưới sự tác động của bạn xấu, làm việc xấu có thể vô tình thành sở thích của con. Những thứ không được làm luôn gây tò mò, kích thích, hứng thú hơn là những thứ được phép. Nếu trẻ không giữ được bản ngã của mình, không sớm nhận thức được thì sẽ rất dễ sa ngã.
Làm sao để cải thiện những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái
Có vô vàn lý do gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái nhưng không được giải quyết sẽ dần trở thành những vết thương lớn trong lòng mỗi người khiến cha mẹ và con cái ngày càng xa cách nhau. Có những người dù sống trong một mái nhà nhưng lại chẳng hề nói chuyện với nhau, chẳng hề hiểu xem cha mẹ mình thích gì, ghét gì vì chẳng bao giờ chia sẻ, tâm sự với nhau.
Để giải quyết sớm các mâu thuẫn này, cha mẹ hoặc con cái cần phải chấp nhận xuống nước trước để làm hòa. Nhưng thường cha mẹ luôn cần là người nên làm hòa với con trước bởi đôi khi con còn chưa biết cách xử lý các tình huống này. Vì vậy, hãy thử tham khảo những phương án sau
- Luôn trò chuyện, tâm sự, chủ động giảng hòa với con cái mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, kể cả khi người sai là cha mẹ hay con cái. Việc cha mẹ chủ động làm hòa chính là bài học, là tấm gương để con noi theo, biết chủ động xin lỗi trước.
- Kiểm soát lời nói với con mỗi khi la mắng, không nên xài những từ ngữ mang tính chất thô tục, miệt thị sẽ dễ làm con tổn thương nhiều hơn
- Để tránh tức giận quá mức, cha mẹ trước khi muốn la mắng con cái hãy hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Ngoài ra cũng nên hỏi con về cảm xúc, suy nghĩ, lý do cho những sai phạm thay vì chỉ nhìn về một hướng và la mắng một cách phiến diện
- Tôn trọng lời nói, suy nghĩ, sở thích và mong muốn của con
- Nghiêm khắc nhưng cũng cần nới lỏng đúng lúc, đúng chỗ, không nên kiểm soát con quá mức
- Khuyến khích con thực hiện ước mơ đồng thời hỗ trợ giúp con hiểu rõ ước mơ của mình
- Dành thời gian chia sẻ, quan tâm, trò chuyện với con hằng ngày. Dù bận rộn thế nào thì cha mẹ và con cái cũng nên dành cho nhau 15- 30 phút trò chuyện mỗi ngày, có thể không nhất thiết là nói chuyện trực tiếp mà có thể thông qua việc nhắn tin, video call từ xa
- Đặt ra các quy tắc chung trong gia đình dựa trên sự thống nhất của tất cả các thành viên
- Luôn đối xử với thành viên một cách công bằng, đặc biệt giữa anh em, chị em không nên có sự phân biệt, thưởng phạt công minh
- Lắng nghe, thấu hiểu và có thể tìm hiểu về sở thích của con cái, cha mẹ để có thể dễ tìm được tiếng nói chung khi trò chuyện
- Tạo các cơ hội để kết nối các thành viên trong gia đình, chẳng hạn như cùng nhau dọn dẹp nhà, cùng nấu ăn, cùng đi du lịch hay mua sắm
- Nếu có quá nhiều mâu thuẫn khiến các thành viên không thể kết nối được với nhau có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý để tìm cách giải quyết tốt nhất
Có vô vàn các lý do gây mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái và nếu một trong hai không chịu nhượng bộ thì các xung đột mãi mãi không thể chấm dứt. Cha mẹ cần luôn là người chủ động làm hòa để con có thể học hỏi theo, lắng nghe và tôn trọng con để hạn chế xảy ra những mâu thuẫn không mong muốn này.
Có thể bạn quan tâm
- Thực trạng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái: Đâu là lý do?
- 7 Nguyên do khiến con cái thù ghét cha mẹ
- 11 Cách giúp cha mẹ có thể thấu hiểu con cái
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!