Hiệu ứng Pratfall: Sự không hoàn hảo cũng có lúc được đón nhận
Con người ta thường ưa thích sự hoàn hảo, nhưng không phải lúc nào quá hoàn hảo cũng là điều tốt. Có một hiện tượng rất thú vị là những người giỏi giang, hoàn hảo khi mắc lỗi thường trở nên dễ mến hơn trong mắt những người xung quanh. Và lỗi lầm của họ có thể được xem nhẹ. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Pratfall.
Hiệu ứng Pratfall là gì?
Trong tâm lý học xã hội, hiệu ứng Pratfall dùng để mô tả việc một người có năng lực, tài giỏi, hoàn hảo khi vô tình làm sai sẽ trở nên đáng yêu hơn trong mắt những người xung quanh. Ngược lại, những người có năng lực kém, hoặc quá bình thường nếu mắc cùng một sai lầm, họ sẽ bị đánh giá là vô dụng.
Hiệu ứng Pratfall được Elliot Aronson đề cập lần đầu tiên vào năm 1966. Thông qua một thí nghiệm với nhóm sinh viên của mình, ông nhận ra rằng với cùng một sai lầm là vô tình đổ cà phê lên người, thái độ và cách đánh giá của sinh viên dành cho hai đối tượng thực hiện hành động là khác nhau.
Với đối tượng có thành tích học tập tốt và trả lời đúng nhiều câu hỏi đưa ra (92%), các sinh viên nhận xét rằng đó là một người đáng mến, và họ có thiện cảm với anh ấy. Trong khi với người có thành tích học tập kém hơn và trả lời đúng ít câu hỏi hơn (30%), các sinh viên lại cảm thấy không có thiện cảm, và đánh giá anh ấy thấp hơn so với ban đầu.
Chúng ta hoàn toàn có thể lý giải hiện tượng này dựa trên tâm lý bình thường của con người. Con người có xu hướng đánh giá cao và đặt những người có nhiều ưu điểm, ưu thế và tài năng lên cao hơn những người khác. Ta cảm thấy khoảng cách giữa chúng ta và họ là rất xa, và không thể chạm tới. Đây là tâm lý chung khi đánh giá những người tài giỏi hoặc nổi tiếng.
Tuy nhiên khi họ mắc lỗi, khoảng cách giữa người nổi tiếng và người bình thường sẽ được kéo gần hơn, mọi người sẽ cảm thấy họ cũng có những hành động rất “con người” chứ không xa xôi và hoàn hảo như chúng ta vẫn tưởng tượng. Chính điều này làm tăng độ thiện cảm, đồng cảm, và khiến những người giỏi hay người nổi tiếng trở nên đời thường hơn.
Đây cũng là một trong những lý do khán giả hay người hâm mộ rất thích tìm hiểu về đời tư nghệ sĩ, hoặc tìm cách chụp lại những khoảnh khắc mắc lỗi vô cùng đáng yêu của thần tượng. Mục đích là để tìm ra khía cạnh bình thường, hài hước, kéo gần khoảng cách của người hâm mộ và người nổi tiếng.
Tuy nhiên, hiệu ứng Pratfall chỉ hoạt động tốt khi đối tượng thật sự có tài năng hơn người và được mọi người công nhận. Trong trường hợp người mắc lỗi là người bình thường, kém cỏi, hoặc không có điểm gì đặc biệt, ấn tượng của những người xung quanh dành cho họ sẽ tệ hơn.
Ngoài ra, chúng ta cũng thường khắt khe với người thân hay bạn bè trong một vài vấn đề hơn so với người ngoài. Những người càng thân thiết thì yêu cầu và mong đợi dành cho họ càng cao. Do đó khi họ phạm lỗi, chúng ta sẽ thấy thất vọng và buồn bã hơn nhiều so với việc người không quen biết mắc phải cùng một vấn đề.
Hiệu ứng tâm lý này cho ta thấy điều gì
Thông qua hiệu ứng Pratfall, chúng ta có thể hiểu và giải thích được tâm lý của con người trong một số trường hợp. Đầu tiên, những người có tài năng, thông minh có thể trở nên gần gũi, dễ mến hơn khi họ vô tình phạm một lỗi nhỏ. Hành động phạm lỗi khiến họ “con người” hơn trong mắt người xung quanh, và tạo cảm giác dễ tiếp cận, làm quen hơn.
Chúng ta thường đóng khung hình tượng hoàn hảo cho những người giỏi giang, và nghĩ rằng họ không thể phạm sai lầm như người bình thường. Chúng ta cũng có xu hướng so sánh bản thân với những người tài giỏi, và cảm thấy bản thân kém cỏi, mất tự tin khi đứng trước mẫu hình hoàn hảo như vậy.
Tuy nhiên, khi những hình mẫu hoàn hảo trở nên không còn hoàn hảo nữa, ta nhận ra họ cũng giống như những người bình thường. Sự so sánh này khiến ta không còn cảm giác ghen tị và tự ti, mà cảm thấy thoải mái và tự tin hơn. Do đó chúng ta cũng thể hiện những cảm xúc tích cực với đối tượng.
Với những người kiêu ngạo hoặc có lòng tự trọng cao, việc nhìn thấy một người có tài năng ngang ngửa bản thân phạm sai lầm sẽ không gây ra hiệu ứng Pratfall. Họ sẽ cảm thấy đối tượng không hoàn hảo và “không cùng đẳng cấp” với bản thân, từ đó tạo ra ấn tượng xấu và giảm mức đánh giá dành cho người kia.
Ảnh hưởng mà hiệu ứng Pratfall mang đến cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh và mức độ. Việc thỉnh thoảng phạm những lỗi nhỏ, những lỗi có phần ngốc nghếch, và không ảnh hưởng đến việc chung sẽ giúp bạn trở nên thú vị và, thu hút hơn với những người xung quanh. Những người nổi tiếng có thể dùng cách này để tạo dựng mối quan hệ gần gũi hơn với người hâm mộ.
Tuy nhiên lạm dụng quá mức hiệu ứng này có thể gây ra tác dụng ngược, khiến người xung quanh đánh giá sai năng lực chuyên môn của bạn. Không ai thích một người mắc lỗi từ lần này sang lần khác, và bạn có thể bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, năng lực chuyên môn yếu kém, không tận tâm trong công việc,…
Ngoài ra, những người có tài năng trung bình, năng lực chuyên môn không nổi trội nếu phạm sai lầm thường gặp phải những ảnh hưởng tiêu cực. Họ ít khi nhận được sự thông cảm hay ấn tượng tốt từ người khác, mà thay vào đó là những nhận xét không tích cực, ấn tượng xấu và sự nghi ngờ vào năng lực thật sự.
Ứng dụng của hiệu ứng Pratfall trong đời sống
Sai lầm không phải lúc nào cũng xấu, và sự hoàn hảo không phải lúc nào cũng tốt là điều mà hiệu ứng Pratfall dạy cho chúng ta. Tận dụng hiệu ứng này một cách hợp lý có thể mang đến nhiều lợi ích bất ngờ trong đời sống và cả công việc, giúp bạn lấy được sự ưu ái, lòng tin, và tạo thiện cảm với mọi người.
Ví dụ trong môi trường công sở, việc thể hiện bản thân quá tài giỏi, hoàn hảo và xa cách không có lợi trong việc hòa nhập với đồng nghiệp. Nếu bạn muốn làm thân và tạo ấn tượng tốt với những người xung quanh, hãy chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình làm việc và xin lời khuyên từ đồng nghiệp. Thái độ nhún nhường, cùng với thiện chí học hỏi của bạn sẽ nhận được phản ứng tích cực từ đồng nghiệp.
Hiện nay hiệu ứng Pratfall được ứng dụng phổ biến trong những lĩnh vực là marketing, quảng cáo, truyền thông va giải trí. Đặc biệt là trong ngành marketing, hiệu ứng Pratfall có thể giúp chúng ta tạo ấn tượng tốt trong lòng người tiêu dùng, và giúp vượt qua những khó khăn, khủng hoảng trong kinh doanh.
Trong quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu, tất cả các doanh nghiệp đều không thể tránh khỏi việc sai lầm trong các quyết định kinh doanh, hoặc những chiến lược quảng cáo. Và điều làm nên sự khác biệt, làm nên thành công cho thương hiệu là biết cách xử lý khủng hoảng.
Khi những thương hiệu lớn có sai sót, họ lập tức đứng ra nhận sai và đưa ra phương pháp xử lý thỏa đáng. Phương án này gây thiện cảm với công chúng hơn là thái độ phớt lờ, bỏ qua và để sự việc chìm theo thời gian. Thái độ tích cực của nhãn hàng với công chúng cho thấy thái độ gần gũi, tôn trọng và sự quan tâm đến trải nghiệm khách hàng.
Việc thừa nhận sai lầm cho thấy thái độ chuyên nghiệp của công ty, và có thể làm dịu dư luận. Nhiều công ty còn áp dụng chiến lược tự chọc ngoáy chính sai lầm của bản thân, và phương pháp này khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy thú vị, từ đó giảm bớt ảnh hưởng xấu đang tồn tại.
Còn trong ngành công nghiệp giải trí, hiệu ứng Pratfall được áp dụng rất thường xuyên nhằm mang đến tiếng cười và hiệu quả giải trí cho khán giả. Những nghệ sĩ nổi tiếng khi tham gia các chương trình tạp kỹ thường “đánh mất chính mình” vì họ thường rất chật vật để hoàn thành nhiệm vụ và phạm nhiều sai lầm, nhưng điều này lại khiến khán giả thích thú và yêu mến.
Nếu biết tận dụng hiệu ứng tâm lý này, nghệ sĩ hoàn toàn có thể xây dựng hình ảnh độc đáo và ấn tượng trong lòng khán giả. Tuy nhiên, nếu muốn đạt hiệu quả thì chỉ nên sử dụng một cách hợp lý, tránh đóng đinh hình tượng vụng về, thường xuyên mắc lỗi và thiếu chuyên nghiệp trong lòng khán giả. Lạm dụng Pratfall có thể khiến khán giả phản cảm và quay lưng.
Bên cạnh những trường hợp cố tình, những sự cố bất ngờ như cú ngã của Jennifer Lawrence đã trở nên nổi tiếng, và khiến nhiều người có ấn tượng đặc biệt với cô. Thông thường, những người xinh đẹp, tài năng, hay có tính cách lạnh lùng, cá tính mắc lỗi sẽ đưa đến hiệu ứng tích cực hơn nhiều trong lòng khán giả.
Nguyên nhân là những người nghiêm túc, lạnh lùng luôn tạo cảm giác trưởng thành và thận trọng. Khán giả sẽ cảm thấy họ rất chú ý đến hành vi và lời nói, dẫn đến việc hiếm khi phạm sai lầm. Do đó những lỗi nhỏ hiếm hoi luôn là đề tài bàn tán và nhận được những phản ứng tích cực từ khán giả.
Hiệu ứng Pratfall chứng minh một sự thật rằng, quá hoàn hảo cũng không phải là một điều tốt, mà trái lại chúng còn mang đến càm giác lạnh lùng và xa cách. Nếu bạn muốn tạo ấn tượng tốt, kéo gần quan hệ với mọi người thì gây ra một lỗi sai nho nhỏ, hoặc có những hành động ngốc nghếch có thể mang đến hiệu quả tốt hơn. Điều này giúp chúng ta trở nên “con người” hơn, thân thiện và gây ấn tượng tích cực.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Hiệu ứng ánh đèn sân khấu là gì? Cách thoát khỏi sự tự ti
- Hiệu ứng Pygmalion là gì? Phân tích ứng dụng trong cuộc sống
- Hiệu ứng Brita và sự tập trung có giới hạn của con người
- Trauma dumping là gì? Khi việc chia sẻ cảm xúc trở nên độc hại
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!