Hiệu ứng Pygmalion là gì? Phân tích ứng dụng trong cuộc sống

Hiệu ứng Pygmalion hay còn gọi là lời tiên đoán tự trở thành hiện thực được ứng dụng nhiều trong cuộc sống, đặc biệt là lĩnh vực quản lý nhân sự và giáo dục. Nếu ai đó ứng xử với bạn như thể bạn là một người thông minh, tài giỏi thì bạn cũng sẽ có xu hướng hành xử tương tự như thế hoặc thậm chí cố gắng để trở thành người thông minh. 

Pygmalion
Hiệu ứng Pygmalion là thuật ngữ để nói đến những lời tiên tri tự trở thành hiện thực

Hiệu ứng Pygmalion là gì?

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nhận được lời đánh giá tích cực hoặc tiêu cực từ những người xung quanh hay ngay chính bản thân mình. Và một điều đặc biệt là đôi khi những niềm tin, kỳ vọng đó lại có thể trở thành hiện thực ngay cả khi nó không phải là như thế.

Cụ thể, nếu một người thường xuyên được tán thưởng, đặt nhiều hy vọng và cho rằng sẽ thành công bởi sự tài năng, thông minh thì họ cũng sẽ có xu hướng hành xử giống như thế, thậm chí là trở thành một người như đã kỳ vọng. Ngược lại, nếu một đứa trẻ liên tục bị đánh giá về sự chậm hiểu biết, kém tiếp thu thì nhiều khả năng trẻ cũng sẽ trở nên chậm chạp, học hành sa sút.

Theo đó, các nhà khoa học nhận thấy rằng, những niềm tin, kỳ vọng của chúng ta dành cho một ai đó hoặc cho chính bản thân mình có khả năng tác động và gia tăng tỷ lệ biến chúng thành hiện thực. Đây được xem là hiệu ứng Pygmalion hay còn gọi là Self-fulfilling prophecy (lời tiên đoán tự trở thành hiện thực).

Pygmalion cho chúng ta thấy rằng, khi một ý niệm nào đó đã được hình thành, ngay cả khi nó không đúng với thực tế thì chúng ta hoàn toàn có khunh hướng phản ứng, hành xử theo ý niệm đó và nó có khả năng ứng nghiệm đúng với các kỳ vọng ban đầu. Nếu biết cách ứng dụng hiệu quả Pygmalion trong cuộc sống, đặc biệt là trong giáo dục và quản lý nhân sự sẽ giúp cho hiệu quả công việc đạt được nhiều thành tích vượt trội mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được.

Nguồn gốc của hiệu ứng Pygmalion

Hiệu ứng Pygmalion được đặt theo tên của một nhân vật trong câu chuyện thần thoại Hy Lạp. Pygmalion được biết đến là một vị hoàng tử ở đảo Síp đã tạo ra bức tượng bằng ngà voi miêu tả về hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ đời mình với tên gọi là Galatea.

Kể từ khi người phụ nữ đời mình xuất hiện, Pygmalion đã đem lòng yêu mến và nâng niu hết mực, nguyện lòng bầu bạn với người phụ nữ này. Đồng thời, Pygmalion cũng thể hiện sự chân thành của mình với việc liên tục cầu xin nữ thần tình yêu – Aphroite ban sự sống vào Galatea để cả hai có thể sống cùng nhau trọn đời.

Cảm động trước tình yêu và sự tài năng của Pygmalion nên nữ thần đã chấp thuận và biến bức tượng đó thành một người có sức sống, linh hồn. Sau đó, Galatea và Pygmalion đã có một tình yêu đẹp, họ kết hôn và cùng sinh sống hạnh phúc bên nhau.

Pygmalion
Hiệu ứng Pygmalion được đặt theo tên của nhân vật Pygmalion trong câu chuyện thần thoại Hy Lạp.

Theo đó, vào năm 1968, Rosenthal và Jacobson đã tìm hiểu và chứng minh cụ thể về hiệu ứng Pygmalion. Họ tiến hành một cuộc thí nghiệm tại trường tiểu học ở San Francisco. Tại đây các học sinh đã được kiểm tra về chỉ số IQ.

Hai nhà nghiên cứu bắt đầu đưa ra thông báo cho giáo viên tại trường về danh sách 20% học sinh có tiềm năng vượt trội về trí tuệ. Tuy nhiên, trong thực tế thì các học sinh này chỉ được lựa chọn một cách ngẫu nhiên, hoàn toàn không dựa vào kết quả đánh giá đã thực hiện trước đó.

Trải qua 8 tháng sau khi thực hiện thông báo, kết quả nhận được là các em có trong danh sách đều có sự tiến triển vượt trội về trí thông minh, kết quả học tập cũng cải thiện hơn so với lần kiểm tra trước. Điều này cho thấy rằng, lời tiên tri đã thực sự trở thành hiện thực dù trước đó thực tế không đúng như thế.

Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn vướng phải nhiều ý kiến trái chiều và không đồng thuận của giới chuyên môn. Họ cho rằng khi tiến hành thí nghiệm vẫn còn rất nhiều các lỗ hổng và những yếu tố khách quan, chủ quan tác động xung quanh nên khó có thể đánh giá được đó có phải do ảnh hưởng của niềm tin, kỳ vọng ban đầu hay không. Tuy nhiên, cho đến hiện nay thì Rosenthal và Jacobson vẫn được xem là chứng minh rõ ràng nhất về hiệu ứng Pygmalion.

Dấu hiệu nhận biết hiệu ứng Pygmalion

Để có thể biết rằng bạn có đang mắc kẹt trong những lời tiên tri, kỳ vọng tự ứng nghiệm hay không thì hãy dựa vào một số dấu hiệu điển hình như sau:

  • Bạn thường xuyên xuất hiện các suy nghĩ về những trải nghiệm, kí ức tồi tệ đã từng xảy ra trong quá khứ.
  • Có xu hướng liên tục đưa ra những lời nhận định, đánh giá tiêu cực, bi quan về tương lai.
  • Luôn đặt suy nghĩ, sự tập trung của bản thân vào những mặt tiêu cực, tồi tệ của các sự việc, tình huống nhất định nào đó.
  • Có niềm tin về việc bản thân không thể kiểm soát được những suy nghĩ tiêu cực.

Trong thực tế, hiệu ứng Pygmalion có thể tồn tại với những lời tiên tri mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Nếu những kỳ vọng và mong đợi được thực hiện theo hướng tích cực thì nó có thể trở thành động lực, nguồn cảm hứng đối với các hành động, nỗ lực của con người, giúp chúng ta đạt được những mục tiêu, ước muốn tươi đẹp.

Tuy nhiên, đối với những lời tiên tri mang tính tiêu cực, hạ bệ thì nó có thể là “tảng đá” kiềm hãm và ngăn chặn sự phát triển của bạn hoặc một ai đó. Những người liên tục phải đối mặt với lời tiên tri này sẽ khó có thể đạt được thành công hoặc thậm chí trở nên yếu kém.

Theo đó, các nhà khoa học cũng phân hiệu ứng Pygmalion thành 2 loại cụ thể. Đó là:

  • Những lời tiên đoán, kỳ vọng mang tính áp đặt được thực hiện trên bản thân.
  • Những lời tiên đoán do người khác thực hiện, áp đặt dựa trên những điều mà họ mong muốn, kỳ vọng.

Quá trình của hiệu ứng Pygmalion

Theo như nghiên cứu thì hiệu ứng Pygmalion sẽ được trải qua 4 quá trình. Cụ thể là:

  • Sự hình thành kỳ vọng và niềm tin về con người hay bất kỳ các sự kiện nào đó.
  • Sự thể hiện kỳ qua đó thông qua cách đối xử, hành vi giao tiếp,…
  • Người được kỳ vọng sẽ có các phản ứng đáp lại những tín hiệu, niềm tin ban đầu thông qua cách hành xử, phản ứng của họ.
  • Kết quả của kỳ vọng ban đầu sẽ trở thành hiện thực

Quá trình này được diễn ra như một vòng tròn với sự tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau. Kết quả của sự kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến những niềm tin ban đầu, tiếp đến gia tăng các động lực và phản ứng của con người, sự kiện. Khi vòng lặp này được tiếp diễn nhiều lần sẽ càng làm gia tăng sức ảnh hưởng của nó, khiến cho kết quả càng đúng với kỳ vọng hơn.

Hiệu ứng Pygmalion
Pygmalion hoạt động dựa theo 4 quá trình có sự tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau.

Để hiểu hơn về quá trình hoạt động của hiệu ứng Pygmalion, bạn cũng cần biết rõ về chi tiết các giai đoạn tác động như sau:

  • Hình thành kỳ vọng: Sự kỳ vọng có thể được đặt lên bản thân, những người xung quanh hay bất kỳ các sự kiện, tình huống nào đó. Cụ thể, đối với một cuộc chạy đua, mọi người xung quanh có thể đạt niềm tin, cho rằng bạn sẽ chiến thắng, sẽ giành được vị trí dẫn đầu.
  • Thể hiện sự kỳ vọng: Sau khi hình thành kỳ vọng và niềm tin, chúng ta sẽ có xu hướng thực hiện các hành động dựa trên yếu tố đó. Ví dụ, nếu những người xung quanh luôn nói rằng bạn sẽ chiến thắng, họ đối xử với bạn như một nhà vô địch, liên tục tung hô, ca ngợi, tâng bốc.
  • Niềm tin và cách điều chỉnh cư xử phù hợp với kỳ vọng: Đối tượng được kỳ vọng sẽ có xu hướng thay đổi và điều chỉnh hành vi, cách cư xử của bản thân để đáp ứng tốt với những niềm tin trước đó.
  • Hành động của người được kỳ vọng: Khi nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của mọi người xung quanh hoặc chính bản thân bạn thì bạn sẽ có xu hướng hành xử giống với những gì đã được kỳ vọng, mặc dù điều đó chưa thực sự đúng đắn. Ví dụ, bạn sẽ phản ứng như mình là người đã giành được chiến thắng trong cuộc chạy đua, nỗ lực hết mình trên đường đua hoặc thậm chí bạn có thể biến kỳ vọng đó thành hiện thực.

Hiệu ứng Pygmalion – Lợi hay hại?

Như đã chia sẻ, chúng ta có thể thấy được tính 2 mặt của hiệu ứng Pygmalion bởi nó có khả năng tồn tại theo hướng tích cực và cả tiêu cực. Tùy thuộc vào tính chất của sự kỳ vọng mà Pygmalion sẽ được xem là có ảnh hưởng tốt hay xấu đối với người, sự kiện được kỳ vọng.

Theo đó, nếu những lời tiên đoán mang tính tích cực, thúc đẩy thì nó chính là một trong các động lực để thôi thúc chúng ta phấn đấu, nỗ lực và vượt qua các rào cản của chính mình bản thân. Tuy nhiên, nếu niềm tin, kỳ vọng mang tính tiêu cực thì nó có thể kìm hãm, đè nén tiềm năng của con người, khiến chúng ta cảm thấy áp lực và có xu hướng thụt lùi đúng như dự đoán.

Hiệu ứng Pygmalion
Pygmalion được ứng dụng phù hợp sẽ mang đến hiệu quả tích cực trong giáo dục và quản lý nhân sự.

1. Lợi ích

Nếu biết cách ứng dụng hiệu ứng Pygmalion thì bạn hoàn toàn có thể khai thác và phát triển sức mạnh mà nó mang đến cho đời sống. Đặc biệt, hiện nay trong lĩnh vực giáo dục và quản lý nhân sự đã sử dụng thành công Pygmalion và xem đây như một bí quyết quan trọng đến phát triển, nâng cao khả năng của con người.

Nếu giáo viên tin rằng học sinh của mình đều là những đứa trẻ thông minh, hoạt bát, tiếp thu tốt thì họ sẽ có xu hướng giảng dạy và hành xử đúng theo kỳ vọng đó. Nó được thể hiện cả qua lời nói, cách giao tiếp, hành vi tiếp xúc, giáo dục,….để khuyến khích và thúc đẩy năng lực của học sinh dựa theo đánh giá ban đầu.

Cũng tương tự như thế, đối với quản lý nhân sự, nếu nhà lãnh đạo thực sự đặt niềm tin vào các nhân viên của mình, cho rằng họ đều có khả năng và sẽ cống hiến hết mình vào công việc, giúp cho công ty phát triển thì bằng một cách vô thức, họ sẽ truyền đạt thông điệp đó với nhiều hình thức khác nhau. Thông qua cách truyền cảm hứng, nhân viên cũng nhận được những tín hiệu tích cực và thúc đẩy họ gia tăng hiệu suất làm việc, lâu dần có thể biến niềm tin thành sự thật.

Ngoài ra, đối với các hoạt động đời sống hàng ngày, nếu bạn có niềm tin vào những điều tích cực, lạc quan thì bạn cũng sẽ có xu hướng hành xử đúng theo những suy nghĩ, kỳ vọng của bản thân. Đối với bất kỳ sự việc nào đó, bạn cũng có thể điều chỉnh lối tư duy của chính mình, tự mang đến những điều tích cực để khích lệ bản thân, giúp bạn trở nên tốt hơn.

2. Hạn chế

Nếu những kỳ vọng và niềm tin của bạn đặt không đúng chỗ hoặc có sự lệch lạc thì hiệu ứng Pygmalion cũng có nhiều khả năng gây ra những tác hại, hạn chế trong đời sống của mỗi chúng ta. Cụ thể, việc tạo dựng một niềm tin không phù hợp, tiêu cực đối với một người hoặc một nhóm người nào đó có thể khiến họ dần trở nên tồi tệ hoặc thậm chí hủy hoại bản thân, tương lai.

Khi phải đối mặt với những áp lực to lớn từ những kỳ vọng không đúng đắn, sai lầm thì người được đặt kỳ vọng sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, chán nản, mất niềm tin vào bản thân. Có không ít các trường hợp trở nên bế tắc, buông xuôi và tự đánh mất đi giá trị, năng lực của chính mình.

Như vậy có thể thấy được rằng, hiệu ứng Pygmalion có thể mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng có khả năng gây ra nhiều phiền toái, tác hại đối với con người. Do đó, trong quá trình ứng dụng hiệu ứng, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Đặt kỳ vọng, niềm tin đúng chỗ, đúng đối tượng
  • Luôn nhìn nhận vào những ưu điểm, mặt tích cực của bản thân và những người xung quanh để mang đến lợi ích, thúc đẩy tốt tiềm năng.
  • Tạo ra các thách thức để gia tăng niềm tin và sự nỗ lực.
  • Xây dựng và duy trì môi trường lành mạnh.

Thông tin bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về hiệu ứng Pygmalion cùng với sự ứng dụng trong đời sống. Để ứng dụng hiệu quả Pygmalion, bạn cần hiểu rằng, Pygmalion mang đến sự tích cực khi nó được hình thành từ những niềm tin tích cực và phù hợp.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *