Trầm cảm khi đi du học: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách vượt qua

Cuộc sống nơi đất khách quê người không hề mang màu hồng như chúng ta hằng mong ước, bởi thế không ít sinh viên đã rơi vào trầm cảm khi đi du học. Nỗi nhớ gia đình, ăn uống không hợp khẩu vị, tài chính thiếu thốn, cảm giác cô đơn không có bạn bè khiến không ít người rơi vào trạng thái tiêu cực, tuyệt vọng, tự trách bản thân và chỉ muốn từ bỏ tất cả mọi thứ xung quanh.

trầm cảm khi đi du học
Bất cứ du học sinh nào cũng có thể trở thành nạn nhân của trầm cảm

Ai dễ bị trầm cảm khi đi du học?

Được đi du học nước ngoài chắc hẳn là ước mơ của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay. Đặc biệt trong thời đại mà internet cực kỳ phát triển như hiện nay, ai cũng cảm thấy đất nước đó thật xinh đẹp, thật thú vị, nếu được học tập ở đó sẽ thật tuyệt vời. Hơn hết đi du học cũng là một việc rất đáng tự hào, ngưỡng mộ khiến nhiều người càng hạ quyết tâm muốn du học hơn.

Thế nhưng có không ít người lại mắc các chứng rối loạn tâm thần khi đi du học. Nhiều phụ huynh đưa con ra sân bay thấy con lúc nào cũng vui vẻ, tràn đầy năng lượng, tích cực ngày nào cũng điện về khoe nơi ở mới. Thế nhưng càng về sau, cuộc gọi của con càng ít dần, khi gọi về cũng chỉ thấy con trong trạng thái tiêu cực, chán nản, buồn bã, không có sức sống.

Trầm cảm khi đi du học không còn là một thực trạng hiếm gặp hiện nay mà thậm chí ngày càng phổ biến hơn. Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của trầm cảm, không có giới hạn về độ tuổi, giới tính, tôn giáo, quốc gia. Tuy nhiên đa phần nữ giới, những người vốn được chiều chuộng, người không biết cách sống tự lập, người có tính cách tiêu cực sẽ có nguy cơ này hơn.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Mặc dù chưa có các thống kê chính xác về tỷ lệ trầm cảm khi đi du học tuy nhiên chỉ cần bạn tìm kiếm các hội nhóm về du học hay các từ khóa về trầm cảm, sẽ thấy không ít những câu chuyện bất ngờ được các du học sinh chia sẻ về sức khỏe tinh thần của mình. Rất nhiều trong số đó chính là người đã hoặc đang là nạn nhân của kẻ sát thủ thầm lặng mang tên “trầm cảm”.

Biểu hiện của trầm cảm khi đi du học

Hầu như tất cả các du học sinh đều từng có giai đoạn cực kỳ tiêu cực, mệt mỏi, áp lực, muốn buông bỏ tất cả, tuy nhiên tùy tinh thần và hoàn cảnh mà nhiều người vẫn có thể vượt qua. Các triệu chứng của trầm cảm bắt đầu xuất hiện một cách âm thầm, âm ỉ với sự dằn vặt, tuyệt vọng trong lòng nhưng nhiều người thường đánh đồng nó chỉ là trạng thái mệt mỏi, buồn bã bình thường.

trầm cảm khi đi du học
Người trầm cảm luôn trong trang thái cạn kiệt năng lượng, uể oải, không muốn làm gì khác

Biểu hiện của trầm cảm chính là trạng thái tụt giảm khí sắc, tiêu cực, mệt mỏi và các trạng thái này cũng xuất hiện trên những du học sinh bị trầm cảm. Cụ thể, một số triệu chứng đặc trưng của người bị trầm cảm khi đi du học như

  • Chán nản với hiện tại, cảm thấy mệt mỏi
  • Buồn bã kéo dài, không có hứng thú với bất cứ điều gì
  • Mất tập trung, thường xuyên lơ đãng, dễ giật mình bởi tâm trí lúc nào cũng “treo ngược cành cây”
  • Kết quả học tập sa sút, học hành khó tiếp thu, bỏ bê việc học
  • Rối loạn giấc ngủ, ngủ không được hoặc ngủ quá nhiều, ngủ chập chờn và dễ gặp ác mộng
  • Có suy nghĩ tiêu cực về mọi thứ, cảm thấy hối hận, tự trách bản thân vì lựa chọn đi du học
  • Xa lánh mọi người, cô lập bản thân, không muốn giao tiếp với ai, không muốn gọi về nhà
  • Tính tình và hành vi thay đổi một cách bất thường, chẳng hạn chế cáu gắt hơn, dễ kích động hơn, đôi khi cũng có các hành vi lạ kỳ trong khi trước đó không như vậy
  • Người bị trầm cảm khi đi du học cũng có sự thay đổi cân nặng bất thường, thường là giảm do ăn uống không ngon. Tuy nhiên cũng có những người khi rơi vào trạng thái tiêu cực như trầm cảm lại ăn nhiều quá mức để trốn tránh nỗi buồn dẫn tới tăng cân một cách chóng mặt, điều này cũng góp phần khiến họ cảm thấy căng thẳng hơn
  • Có xu hướng tìm đến chất kích như bia, rượu, thuốc lá hay các cách tiêu cực khác để giải tỏa cảm xúc
  • Cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa, không có mục đích
  • Cảm thấy oán trách những người khiến mình đi du học
  • Người uể oải, cảm thấy không còn một chút năng lượng nào, chỉ muốn nằm một chỗ trong trạng thái bất động
  • Tự trách bản thân, cảm thấy kém cỏi, cảm thấy bản thân không có ai cần
  • Có thể bật khóc bất cứ lúc nào vì một lý do rất nhỏ, thậm chí là không cần có lý do

Cảm xúc tiêu cực của những người trầm cảm khi đi du học có thể được biểu hiện rõ rệt trên nhiều mặt, lấn át hết mọi hành vi khác của họ. Dần dần khi không tìm được người để chia sẻ, họ càng cảm thấy bức bối hơn, giống như một ngọn núi lửa chỉ chờ phun trào.

Một số cũng có xu hướng tự làm đau bản thân bằng cách bứt tóc, rạch tay vì cảm giác đau đớn về thể xác có thể làm họ quên đi nỗi đau đớn về mặt tinh thần và khiến họ dễ chịu hơn. Hành động cuối cùng của người trầm cảm chính là tự tử khi bản thân họ cảm thấy không thể chịu đựng được những nỗi đau này, cảm thấy bản thân là gánh nặng nên phải giải thoát cho tất cả.

Trầm cảm ở du học sinh – vì đâu nên nỗi?

Trầm cảm ở du học sinh có thể hiểu như một dạng trầm cảm ở sinh viên với điểm chung là sự thay đổi đáng kể về môi trường sống, sự tự lập, không còn chung sống cùng gia đình. Tuy nhiên khác biệt sẽ ở chỗ, sinh viên dù xa nhà nhưng vẫn cùng một múi giờ, cùng một đất nước nên có thể về nhà bất cứ lúc nào, trong khi đó những người du học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn về nhà.

Trước khi đi du học, chắc chắn ai cũng đã từng tìm hiểu về đất nước mình dự định đi, tìm hiểu về những khó khăn có thể gặp, tuy nhiên hầu như ai cũng cho rằng bản thân mình có thể vượt qua và tưởng tượng về một tương lai tươi đẹp màu hồng. Chỉ khi trực tiếp đối mặt với những khó khăn họ mới cảm thấy nó vượt ngoài sức tưởng tượng của bản thân và không biết làm thế nào để chống chọi.

Cơ chế gây trầm cảm nói chung vẫn chưa được làm rõ mặc dù có tìm thấy những rối loạn bất thường ở các hóa chất dẫn truyền thần kinh. Các yếu tố tác động tâm lý từ môi trường có liên quan trực tiếp đến các nguyên nhân gây trầm cảm khi đi du học, bao gồm

Khó khăn về tài chính

Ngoại trừ các gia đình khá giả, hầu hết các du học sinh đều phải vừa học vừa làm để trang trải rất nhiều chi phí xoay quanh, chẳng hạn tiền nhà, tiền ăn uống, tiền học, tiền mua sắm. Nhiều người đi du học tự túc nên gia đình phải vay mượn khắp nơi cả hàng trăm triệu đồng để con ra nước ngoài. Do đó không ít sinh viên còn phải đi làm để gửi tiền về cho gia đình trả nợ.

trầm cảm khi đi du học
Nhiều du học sinh phải làm việc tới mức kiệt sức

Các chi phí ở nước ngoài như Hàn, Mỹ, Nhật thường cao hơn tại Việt Nam rất nhiều khiến các du học sinh tiêu pha gì cũng phải suy nghĩ. Áp lực về tiền bạc quá lớn khiến họ lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi vì vừa học xong phải đến chỗ làm ngay lập tức nên rất dễ dẫn tới trầm cảm khi đi du học.

Có những người mỗi ngày chỉ được ngủ vài tiếng vì phải làm thêm quá nhiều việc. Sức khỏe ngày càng suy giảm, cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ khiến tinh thần cũng cạn kiệt năng lượng theo. Tình trạng này nếu không được giải tỏa cùng với các tác động tiêu cực khác xung quanh sẽ chính là nguyên nhân khiến du học sinh bị trầm cảm.

Rào cản ngôn ngữ và văn hóa, ẩm thực, con người

Trầm cảm khi đi du học rất dễ xảy ra ở những du học sinh mới sang, chưa quen với môi trường và gặp những rào cản về ngôn ngữ. Nhiều người mới chỉ học và ghi nhớ được những câu giao tiếp cơ bản nên khi sang đất nước mới chưa hiểu hết mọi người muốn nói gì, việc học tập tại trường cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không có bạn bè đồng hành những người này sẽ rất dễ thấy lạc lõng.

Văn hóa khác biệt, không hợp khẩu vị với các món ăn, hạn chế trong giao tiếp ở nước bạn cũng làm nhiều du học sinh cảm thấy vô cùng hoang mang và căng thẳng. Chẳng hạn người Hàn thường có xu hướng ăn rất cay để chống chọi với cái lạnh, trong khi đó nếu đi du học tại Nhật lại phải đối mặt với quá nhiều nguyên tắc.. tất cả đều khác biệt hoàn toàn với lối sống đã được duy trì suốt nhiều năm tại quê nhà.

Mặt khác rào cản về ngôn ngữ và văn hóa cũng khiến họ càng khó hòa nhập nhanh được với cuộc sống hơn. Chính bởi những điều này mà nhiều trường hoặc nhiều trung tâm môi giới thường sắp xếp những người có cùng đất nước sống chung để có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong thời kỳ đầu, tránh nguy cơ trầm cảm khi đi du học.

Trầm cảm khi đi du học vì chương trình học quá nặng

Nền giáo dục ở mỗi đất nước đều khác nhau, văn hóa học tập cũng khác nhau, vì vậy không ít du học sinh đã bị “sốc” vì chương trình học quá nặng. Bài tập lý thuyết nhiều, khó học luôn phải kết hợp đồng thời song song với thực hành, chưa kể có cả các chương trình học hè, lịch học lúc nào cũng kín mít khiến nhiều người không có thời gian để nghỉ ngơi.

Ngoài ra, với những người chưa rành về ngôn ngữ nhưng đã phải tham gia học tập với nhiều từ ngữ chuyên ngành khiến họ chẳng hiểu gì hết, tiếp thu kiến thức chậm chạp khiến vị thứ ngày càng thụt lùi. Sinh viên bản địa phải cố gắng gấp hai thì các du học sinh phải cố gắng gấp 5, gấp 10 mới có thể theo kịp bạn bè. Trầm cảm khi đi du học có thể xuất phát chính từ áp lực học tập quá lớn này.

Cảm giác cô đơn

Khi sống xa nhà lại đến một đất nước hoàn toàn xa lạ, không có người thân thì cảm giác cô đơn, nỗi nhớ là là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi. Mặc dù có ăn bao nhiêu món ngon, gặp bao nhiêu người bạn mới, được ngắm bao nhiêu cảnh đẹp thì vẫn không có nơi đâu bằng ở nhà. Đặc biệt trong những ngày lễ tết, nhìn hình ảnh mọi người ở nhà sum vầy vui vẻ, ai mà không khỏi chạnh lòng.

trầm cảm khi đi du học
Làm gì cũng chỉ có một mình, không có ai giúp đỡ khiến du học sinh cảm thấy cô đơn, lạc lõng

Nhưng nếu chỉ ở mức nhớ nhà thì hoàn toàn chưa thể khiến một người căng thẳng tới mức bị trầm cảm khi đi du học. Yếu tố cô đơn có thể liên quan đến việc du học sinh không thể tìm kiếm được những người bạn mới, không nhận được sự san sẻ về mặt tinh thần, không thể chia sẻ được những khó khăn với ai, không có người cùng đồng hành ở nơi đất khách.

Đặc biệt nhiều người khi đi du học còn gặp khó khăn khi chung sống với bạn cùng phòng đến mức ám ảnh và mắc trầm cảm lúc nào không hay. Không ít du học sinh đã chia sẻ về việc bạn cùng phòng ở quá bẩn, thường xuyên nhậu nhẹt, đưa bạn khác giới về phòng chung, thậm chí là ăn trộm đồ của họ để sử dụng.

Những xung đột ngầm với những người sống cùng khiến họ căng thẳng, ức chế tâm lý nhưng không thể chuyển ra được vì các thủ tục rắc rối, do không đủ tài chính cũng như liên quan đến sự sắp xếp của nhà trường, công ty du học. Vốn cô đơn lạc lõng lại sống cùng bạn cùng phòng quá “oái ăm”, không biết điều khiến nhiều người ngày càng tiêu cực.

Một số nguyên nhân khác

Trầm cảm khi đi du học thường được hình thành từ vô vàn các yếu tố khác nhau diễn ra trong thời gian dài. Bắt đầu từ những nỗi buồn nho nhỏ, không được giải tỏa sẽ thành một nỗi buồn lớn hơn. Ban đầu chỉ là nỗi nhớ nhà nhưng rồi lại không thể hiểu người khác nói gì, nhớ đến hương vị cơm mẹ nấu, đi làm thêm bị khách mắng lại nhớ những lúc mẹ nấu cơm gọi ra ăn nhưng vẫn nhõng nhẽo không ăn. Dần dần chúng ta mới cảm thấy lạc lõng, vô dụng, chán nản với hiện tại.

Có vô vàn các yếu tố khác cũng tham gia tác động làm tăng nguy cơ trầm cảm khi đi du học, bao gồm

  • Sự kỳ vọng của gia đình: nhiều người đi du học vì gia đình bắt ép hoặc có những người ra nước ngoài với hành trang là sự kỳ vọng của gia đình về một tương lai tốt đẹp, sẽ làm rạng danh gia đình, dòng họ, sẽ vẻ vang ở nước ngoài. Điều này vô tình cũng tạo thành những áp lực lớn với các du học sinh khiến họ phải mang nhiều gánh nắng trên vai hơn.
  • Tổn thương tình cảm: Điều này cũng xảy ra ở một số du học sinh, đặc biệt những người yêu xa. Sống ở hai đất nước cách nhau hàng nghìn Km, không cùng múi giờ, không thể cùng gặp nhau khiến cả hai trở nên lo âu, căng thẳng, nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn. Những tổn thương tình cảm vì bị chia tay, vì bị lừa dối do xa mặt cách lòng cũng khiến không ít người trầm cảm khi đi du học.
  • Thiếu sự tự lập: nhiều người khi sinh sống cùng gia đình không phải làm bất cứ việc gì, từ những việc nhà đơn giản như nấu cơm, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa, được cha mẹ quá nuông chiều. Do đó khi đến một vùng đất mới nhưng không có gia đình ở bên khiến những người này dễ cảm thấy lo lắng, không biết nên làm gì trong khi luôn ăn ngoài hay thuê dịch vụ thì quá đắt đỏ. Đặc biệt cảm giác tủi thân, cô đơn sẽ càng tăng khi ốm đau mà không có ai bên cạnh.
  • Môi trường và thời tiết khác biệt: trầm cảm theo mùa cũng có thể xảy ra ở một số du học sinh nếu du học ở các đất nước quá lạnh, nhiệt độ xuống quá thấp. Thiếu ánh sáng mặt trời, cơ thể chưa thích nghi được với thời tiết nên dễ bệnh tật, ốm yếu liên miên cũng hoàn toàn có thể là nguyên nhân khiến du học sinh bị trầm cảm.
  • Do tính cách: trầm cảm khi đi du học sẽ dễ xảy ra hơn ở những người vốn có tính cách tiêu cực, hay lo lắng, suy nghĩ quá nhiều, hay dựa dẫm vào người khác, không biết chủ động. Điều này sẽ gây ra rất nhiều cản trở của họ để bắt đầu cuộc sống ở một nơi xa lạ hoàn toàn.
  • Thiếu tự tin: nhiều người cảm thấy bản thân mình kém cỏi, quê mùa hơn so với những con người trong môi trường mới, điều này càng khiến họ mặc cảm, rụt rè, bị hạ thấp lòng tự trọng.
  • Bị bắt nạt: tình trạng bị bắt nạt có thể xuất hiện ở bất cứ đâu và những người nước ngoài cũng cực kỳ dễ bị bắt nạt. Du học sinh có thể bị bắt nạt bởi chủ nhà, những sinh viên người bản địa, ông chủ nơi làm việc hay bị chính những người đồng hương làm cùng, học cùng bắt nạt. Đây chính là nguyên nhân gây trầm cảm khi đi du học gặp ở rất nhiều người.

Trầm cảm khi đi du học và những hệ lụy đáng buồn

Rất nhiều phụ huynh cho biết cảm thấy vô cùng hoang mang khi ngày con càng ít gọi về nhà, nếu có gọi về cũng có thái độ và những phản ứng rất khác thường. Nhiều phụ huynh biết cập nhật thông tin còn có thể tìm cách liên hệ với trường, với các đơn vị du học để nhờ hỗ trợ chăm sóc, đưa con đi thăm khám hay về nước để chữa trị, nhờ đó tránh được các tổn hại từ hành vi bất thường của con.

trầm cảm khi đi du học
Du học sinh bị trầm cảm nếu không sớm được hỗ trợ thường có các hành vi tiêu cực tự hại bản thân

Tuy nhiên cũng có những du học sinh bị trầm cảm nhưng không dám báo cho gia đình, không biết nhờ ai giúp đỡ cũng không dám thăm khám vì sợ tốn tiền. Cuối cùng chỉ có một mình bản thân họ phải chịu đựng những khó khăn, tự mình chống chọi với sự mệt mỏi bằng cách hành vi tiêu cực như dùng bia rượu, tự làm đau bản thân, tự mua thuốc an thần để ngủ.

Đáng buồn hơn, có những gia đình khi thấy con bị trầm cảm khi đi du học nhưng không tìm cách hỗ trợ mà chỉ bắt con phải cố gắng hơn, thậm chí trách con ngược lại, không cho về nước vì tiếc chi phí đã bỏ ra. Chính điều này khiến các du học sinh tổn thương hơn và lựa chọn các hành vi tiêu cực nhất chính là tự tử.

Trầm cảm khi đi du học làm phá vỡ biết bao ước mơ, hoài bão, dự định của những người trẻ về những tương lai tốt đẹp phía trước, khiến cuộc sống của họ chỉ nhuốm một màu đen tối. Con người khi không còn cảm thấy được niềm tin, không còn mục đích sống, không còn biết niềm vui là gì sẽ chỉ còn là tồn tại chứ không còn là sống.

Du học sinh bị trầm cảm cần làm gì?

Để kéo du học sinh ra khỏi cơn trầm cảm đen tối cần có sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, nhà trường hay các đơn vị du học. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là làm sao để có thể phát hiện các triệu chứng bất thường trong tâm lý của các em trước bởi nếu không hiểu rõ về trầm cảm thì cũng rất khó để nhận biết.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Khi phát hiện các dấu hiệu trầm cảm khi đi du học, du học sinh nên tìm thông báo cho nhà trường hay các công ty thực hiện các thủ tục du học để tìm kiếm sự giúp đỡ. Hiện nay vấn đề sức khỏe tinh thần rất được quan tâm nên rất nhiều trường đại học có các phòng ban hay chuyên gia tâm lý để sinh viên có thể trò chuyện, chia sẻ, giải tỏa tâm lý.

trầm cảm khi đi du học
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đáng tin cậy như nhà trường, đơn vị du học hay thầy cô giáo là rất cần thiết

Bên cạnh đó, các trung tâm thực hiện hỗ trợ du học chuyên nghiệp cũng rất có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các du học sinh, đây cũng là đơn vị có thể hỗ trợ liên hệ với gia đình khi cần thiết. Do đó nếu bạn không tìm được một người đáng tin cậy để tìm kiếm sự giúp đỡ nơi đất khách quê người thì đây là hai đơn vị rất đáng để bạn liên hệ.

Ngoài ra những người bị trầm cảm khi đi du học cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình, hay bất cứ một ai đó mà bạn có thể cảm thấy tin cậy. Đôi lúc chỉ cần một người lắng nghe cũng có thể giúp tâm trạng bạn thoải mái hơn rất nhiều.

Điều trị và phục hồi tâm lý

Không có bất cứ loại thuốc nào có thể điều trị khỏi cho người trầm cảm, tuy nhiên thuốc vẫn hỗ trợ đáng kể trong việc điều hòa các rối loạn chất dẫn truyền thần kinh, xoa dịu cảm xúc, cải thiện giấc ngủ để tránh các hành vi bốc đồng, kích động quá mức. Thuốc an thần, các nhóm thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm lo âu được chỉ định với các mục đích này.

Với người trầm cảm khi đi du học, trị liệu tâm lý mới là biện pháp chính được hướng tới bởi các nguyên nhân gây bệnh đều có liên quan đến các tác nhân tâm lý. Nhà trị liệu thông qua việc nói chuyện trực tiếp với các du học sinh để hiểu rõ những tổn thương, căng thẳng tâm lý mà họ đã và đang trải qua, từ đó tìm cách giúp người bệnh vượt qua trạng thái này nhanh chóng.

Trị liệu hành vi nhận thức được đánh giá là phương pháp mang đến hiệu quả tốt nhất cho những du học sinh bị trầm cảm để người bệnh có thể nhìn nhận lại các hành vi một cách đúng đắn. Nhà trị liệu sẽ làm rõ vấn đề, thay thế các suy nghĩ tiêu cực bằng các hành vi, suy nghĩ đúng đắn, tích cực hơn, hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Người mắc trầm cảm khi đi du học nếu đáp ứng tốt cả với thuốc và liệu pháp tâm lý sẽ nhanh chóng phục hồi về mặt cảm xúc, nhìn nhận các vấn đề tích cực hơn, mở lòng chia sẻ hơn. Người trầm cảm rất nên kiên trì với những chỉ định từ bác sĩ, chuyên gia trị liệu để đảm bảo mang đến kết quả tốt nhất.

 Tự chăm sóc chính mình

Vượt qua trầm cảm không hề dễ dàng nếu người bệnh không chủ động và quyết tâm điều trị. Mọi biện pháp chăm sóc tâm lý hay dùng thuốc cũng không thể nào mang đến tác dụng nếu người bệnh không chịu phối hợp. Một lối sống tích cực, lành mạnh hoàn toàn có thể giúp ích các du học sinh bị trầm cảm sớm lấy lại tinh thần và cảm xúc.

trầm cảm khi đi du học
Dành thời gian cho bản thân, khám phá xung quanh và kết bạn sẽ giúp cuộc sống du học của bạn thêm thú vị và ý nghĩa

Một số biện pháp có thể giúp ích cho những người bị trầm cảm khi đi du học trong cuộc sống hằng ngày như

  • Trao đổi và làm theo những hướng dẫn từ bác sĩ, chuyên gia trong các biện pháp điều trị
  • Dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, cố gắng tránh xa căng thẳng và các sự kiện, con người khiến bạn cảm thấy tiêu cực
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày, nên đi ngủ trước 23h để cơ thể và não bộ có thể phục hồi các năng lượng bị thiếu hụt
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, đặc biệt các bộ môn thiền và yoga được đánh giá rất hữu ích cho người trầm cảm
  • Dành thời gian cho bản thân, chẳng hạn khám phá những địa điểm du lịch mới
  • Bổ sung các thực phẩm khoa học, lành mạnh như trái cây, rau củ quả, các loại hạt, sữa lọc..
  • Tránh xa các đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nhiều muối, các loại đồ ăn nhanh
  • Người bị trầm cảm khi đi du học tuyệt đối không nên sử dụng bia rượu, thuốc lá hay bất cứ chất kích thích nào khác
  • Mở lòng và và học cách chia sẻ với những người thân thiết. Bạn không thể chữa lành vết thương nếu chỉ luôn nói rằng nó không đau, bởi sẽ không ai giúp được bạn.
  • Tìm kiếm sự thư giãn thông qua các hoạt động như tắm nước ấm, xông hơi với tinh dầu, đọc sách, đi dạo, đi du lịch hoặc bất cứ hoạt động nào đó mà bạn yêu thích
  • Người bị trầm cảm khi đi du học có thể xem xét thông báo với nhà trường tạm bảo lưu việc học một thời gian nếu được phép để tâm trí có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi hoàn toàn
  • Nhìn nhận các vấn đề từ nhiều hướng, suy nghĩ mặt tích cực để xoa dịu tâm trí. Bất cứ vấn đề nào cũng có thể tìm được hướng đi nếu bạn bình tĩnh, đừng quá vội vàng suy xét điều gì
  • Lên kế hoạch về việc học tập, chi tiêu và làm việc. Khi có một kế hoạch rõ ràng bạn sẽ có thể dễ dàng hoàn thành các vấn đề mà không bị rối rắm
  • Chủ động học hỏi và kết bạn. Bạn cũng có thể tham gia vào các hội nhóm đồng hương, nhóm cho du học sinh để tìm kiếm những người có cùng “tần số”. Dù bạn là ai, bạn đang ở đâu thì việc có một người bạn chia sẻ cũng là điều vô cùng cần thiết, không chỉ để bớt cô đơn mà còn để cùng trải qua bao niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
  • Yêu thương chính bản thân mình bởi việc bạn có thể đến một đất nước xa lạ học tập một mình rõ ràng là điều rất đáng tự hào mà không phải ai cũng làm được. Hãy tin tưởng vào giá trị của bản thân thay vì chỉ nghi ngờ về những gì mình đã làm.
  • Hoàn toàn có thể xem xét về nước nếu bạn cảm thấy mệt mỏi về tinh thần không trụ được. Mặc dù có thể rất tốn kém nhưng tiền bạc bạn có thể kiếm lại nhưng sức khỏe thì không. Gia đình chắc chắn cũng không bao giờ mong muốn bạn phải sống khó khăn ở nơi đất khách quê người mà chỉ mong con cái mình luôn thật khỏe mạnh và hạnh phúc mà thôi.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Có rất nhiều nguyên nhân khiến du học sinh dễ rơi vào trầm cảm mà chính họ cũng không thể lường trước. Để phòng tránh nguy cơ trầm cảm khi đi du học, mỗi người cần dành nhiều thời gian tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực nước bạn, học cách chăm sóc bản thân tốt nhất đồng thời chủ động hơn trong việc kết bạn để luôn có người đồng hành ở bất cứ nơi đâu.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *