Rối loạn tâm trạng (Mood Disorder) là gì? Cách chữa hiệu quả
Rối loạn tâm trạng (Mood Disorder) là thuật ngữ mang tính chất bao quát mô tả các vấn đề có liên quan đến mặt cảm xúc, tinh thần và làm ảnh hưởng đến các khía cạnh khác trong đời sống. Bất cứ ai cũng có thể rơi vào trạng thái này và nếu không sớm can thiệp, Mood Disorder có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tinh thần, thể chất mỗi người.
Rối loạn tâm trạng (Mood Disorder) là gì?
“Mood” là một thuật ngữ được giới trẻ khá ưa chuộng dùng để diễn tả tâm trạng, cảm xúc. Phổ biến nhất là “Down mood” ( tụt mood) rất hay được dùng để diễn tả trạng thái chán nản, uể oải, không còn sức lực hay hứng thú để làm bất cứ điều gì. Hay một số thuật ngữ khác thường được dùng như High Mood (hứng chí, phấn khích); good mood (tâm trạng tốt) và bad mood (tâm trạng xấu), Low Mood (tâm trạng thấp)..
Mood Disorder không để diễn tả trạng thái tâm trạng thông thường mà là một khái niệm được dùng trong y tế ddeer mô tả về hội chứng rối loạn tâm trạng. Mood Disorder được dùng gọi chung cho các vấn đề sức khỏe trong khía cạnh tâm lý, tâm thần nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mỗi người.
Đặc trưng phổ biến nhất của rối loạn tâm trạng chính là sự thay đổi bất thường về mặt cảm xúc, suy nghĩ mà bản thân người đó có thể không kiểm soát được. Trạng thái vui/ buồn/ hưng phấn/ tuyệt vọng đều diễn ra quá mức so với những cảm xúc bình thường và có thể xuất hiện một cách đột ngột làm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh hoạt, công việc hay các khía cạnh khác trong cuộc sống.
Trước đây, Nhà tâm thần học Henry Maudsley đề xuất sử dụng thuật ngữ mang ý nghĩa là rối loạn cảm xúc đê mô tả về trạng thái tâm lý bao quát này, sau đó mới được chuyển thành rối loạn tâm trạng – Mood Disorder. Sự thay đổi về thuật ngữ xảy ra bởi nhiều cho rằng “Cảm xúc” thường mang tính chất liên quan đến các biểu hiện bên ngoài, có thể nhìn nhận thấy trong khi “tâm trạng” thường liên quan đến cả những gì xảy ra bên trong và bên ngoài.
Phân loại các dạng rối loạn tâm trạng
Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM) và Phân loại Quốc tế về Bệnh (ICD) đã đề cập chi tiết về triệu chứng đồng thời đưa ra những phân loại rõ ràng về rối loạn tâm trạng từ năm 2013. Mood Disorder được chia thành hai nhóm chính gồm rối loạn lưỡng cực và rối loạn trầm cảm; trong đó mỗi dạng được phân thành nhiều dạng nhỏ hơn với các triệu chứng khác nhau.
Cụ thể, các dạng rối loạn tâm trạng được phân loại trong DSM – 5 bao gồm
- Rối loạn trầm cảm chính (Major depressive disorder – MDD): hay còn gọi là rối loạn trầm cảm chủ yếu với đặc trưng bởi trạng buồn bã, tiêu cực, tụt giảm khí sắc nghiêm trọng xuất hiện phổ biến trong nhóm trẻ từ 6- 18 tuổi. MDD khiến người bệnh cảm thấy trống rỗng, vô vọng, buồn bã kèm theo sự suy giảm về thể chất, chẳng hạn như mất ngủ, sụt cân, ăn uống kém ngon.
- Rối loạn lưỡng cực ( Bipolar Disorder): Dạng rối loạn tâm trạng này được chia thành các dạng gồm lưỡng cực I (giai đoạn hưng cảm với các biểu hiện hưng phấn, tăng động quá mức, muốn hoạt động không ngừng nghỉ, mất tập trung, đua đòi, không thể ngủ được hay có hành vi bốc đồng, liều lĩnh); lưỡng cực II ( giai đoạn hưng cảm nhẹ hơn xen kẽ với các giai đoạn trầm cảm chính với đặc trưng về các trạng thái buồn bã, chán nản, tiêu cực, không còn hứng thú làm điều gì, buồn ngủ quá nhiều) và thường kéo dài ít nhất 4 ngày; Cyclothymia ( hay rối loạn chu kỳ khí, gặp ở người trưởng thành, có cả các triệu chứng trầm cảm và hưng cảm nhưng đều ở dưới ngưỡng và đều kéo dài ít nhất 2 năm, hoặc 1 năm nếu là trẻ em hay thanh thiếu niên).
- Rối loạn cảm xúc theo mùa ( Seasonal Affective Disorder): dạng rối loạn tâm trạng này thường xuất hiện vào thời điểm mùa thu hay đông do ảnh hưởng của việc thiếu các hormone tích cực được cung cấp từ ánh nắng mặt trời với các triệu chứng như trầm cảm, gồm ăn uống không ngon, khó ngủ, chán nản, tuyệt vọng và không còn hứng thú làm việc gì. Tuy nhiên trạng thái này có thể được cải thiện và biến mất khi bước sang mùa xuân. Trạng thái này cũng có thể xuất hiện vào mùa xuân hay hè nhưng ít hơn.
- Rối loạn tâm trạng do các vấn đề sức khỏe: trạng thái tâm trạng có thể tụt dốc hoặc kích thích không thể kiểm soát khi mắc một các bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn ung thư hay các bệnh mãn tính cần phải điều trị kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi mà chưa thể chắc chắn về tiên lượng điều trị.
- Rối loạn tâm trạng do chất/ thuốc: ở những người lạm dụng chất kích thích, chất gây nghiện, bia rượu, thuốc lá, các loại thuốc giảm đau hay một số loại thuốc điều trị bệnh lý kéo dài cũng tác động trực tiếp đến tâm lý, tâm thần của mỗi người.
- Một số dạng rối loạn tâm trạng khác: được chẩn đoán ở những bệnh nhân có các triệu chứng giống các dạng rối loạn tâm trạng trên nhưng lại không đủ tiêu chuẩn hay mức độ để đưa ra chẩn đoán chính xác là dạng nào.
Trong phiên bản mới cập nhật bổ sung của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần DSM-5 đã chính thức đề cập thêm 3 dạng rối loạn tâm trạng chính thức mới, bao gồm:
- Rối loạn mất điều chỉnh tâm trạng muốn gây rối (Disruptive Mood Dysregulation Disorder): gặp chủ yếu ở nhóm trẻ từ 6- 18 tuổi với các biểu hiện chính là sự kích động, khó chịu, cáu kỉnh quá mức, xuất hiện đột ngột và không thể kiểm soát. Trạng thái này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ sinh hoạt, học tập, các mối quan hệ của trẻ với gia đình hay bạn bè.
- Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Dysthymia): được đánh giá có đủ các triệu chứng ở trầm chứng của trầm cảm nhưng ở mức độ nhẹ hơn, tuy nhiên lại kéo dài và có xu hướng tái phát nhiều lần ( dạng này có thể kéo dài trên 2 năm hoặc nhiều hơn). Dysthymia có thể không dẫn đến nguy cơ tự tử nhưng cũng gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe và tinh thần mỗi người.
- Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (Premenstrual Dysphoric Disorder): gặp ở phụ nữ với mức độ các triệu chứng có phần nghiêm trọng hơn các hội chứng tiền kinh nguyệt. Trạng thái tâm trạng rối loạn xuất hiện ngay trước thời chu kỳ “đèn đỏ” và kéo dài sau đó vài ngày với đặc trưng về sự khó chịu, giận dữ, lo âu, thèm ăn, chán nản, vô vọng, căng thẳng quá mức.
Biểu hiện của rối loạn tâm trạng
Mood Disorder được phân thành nhiều dạng, nhiều nhóm tuy nhiên cũng có một số đặc trưng biểu hiện khá tương đồng. Sự bất thường về mặt cảm xúc có thể nhận diện rõ qua các biểu hiện bên ngoài, tuy nhiên những rối nhiễu bên trong tâm trí cũng mãnh liệt không kém. Các trạng thái tâm trạng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề sức khỏe, sinh hoạt, công việc hay các khía cạnh khác trong cuộc sống.
Cụ thể, một số biểu hiện chung của rối loạn tâm trạng bao gồm
- Tâm trạng không ổn định, vui/ buồn thất thường mà chính bản thân người đó cũng không tự điều chỉnh được
- Sự thay đổi tâm trạng không cần phải có một tình huống nhất định mà có thể xuất hiện một cách đột ngột
- Bất lực, trống rỗng, mất phương hướng, không biết nên làm gì, không nhận thức được lời nói hay hành vi của bản thân có phù hợp hay không
- Tính cách thay đổi theo hướng tiêu cực, chẳng hạn kích động, bốc đồng, hay cáu gắt, luôn muốn người khác phải làm theo ý mình, nhạy cảm quá mức trong cả các tình huống bình thường
- Không thể tập trung vào vấn đề nào dù ở giai đoạn hưng cảm hay trầm cảm
- Hạ thấp lòng tự trọng của bản thân, cảm thấy bản thân vô dụng vô giá trị , cho rằng không ai cần mình
- Rối loạn tâm trạng khiến chế độ sinh hoạt bị thay đổi một cách bất thường, chẳng hạn không muốn ăn/ ăn quá nhiều; không buồn ngủ/ luôn thèm ngủ; tăng động quá mức/ không có sức lực làm bất cứ việc gì
- Có xu hướng tách biệt bản thân với xung quanh, đặc biệt với những người rơi vào trầm cảm
- Khó khăn trong việc đưa ra quyết định trong bất cứ vấn đề nào
- Suy giảm về sức khỏe, chẳng hạn cảm thấy đau đầu, đau bụng, buồn nôn, đau nhức cơ thể mà không rõ nguyên nhân cụ thể
- Xa rời các mối quan hệ với những người xung quanh do tâm lý, cảm xúc thường xuyên thay đổi bất thường, dễ cáu gắt khó chịu nên cũng thường xuyên xảy ra các xung đột
- Khi bị rối loạn tâm trạng, người bệnh cũng có xu hướng lạm dụng các chất kích thích, bia rượu để tự xoa dịu cảm xúc của bản thân
- Một số có xu hướng nghĩ đến cái chết, có các hành vi tự làm đau bản thân hoặc nghiêm trọng hơn là tự sát
Như đã nói, đặc trưng của Mood Disorder chính là việc bản thân người đó không lý giải được những cảm xúc bất thường của bản thân xuất phát từ đâu. Người bệnh tự đấu tranh với những lo lắng trong tâm trí và trở nên vô vọng, chất lượng sinh hoạt, vui chơi, học tập hay công việc đều suy giảm đáng kể trước khi được chính thức chẩn đoán bệnh.
Các bác sĩ khuyến khích nếu một người đang nghi ngờ bị rối loạn tâm trạng, các trạng thái cảm xúc gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày, có xu hướng tìm đến bia rượu để giải tỏa, đặc biệt có xuất hiện suy nghĩ tự tử thì cần sớm đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng điều trị càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân rối loạn tâm trạng
Sự thay đổi tâm trạng của mỗi người thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, các mối quan hệ tuy nhiên cũng có thể liên quan đến rất nhiều yếu tố tác động từ bên trong cơ thể. Để được chẩn đoán là rối loạn tâm trạng Mood Disorder, các yếu tố này đã có thể diễn ra trong thời gian dài và bản thân người bệnh không ý thức được hoặc không thể tự giải quyết.
Bên cạnh đó, các thống kê cho thấy những người bị rối loạn tâm trạng thường là trẻ em hay phụ nữ, bởi đây là hai đối tượng có tâm lý yếu hơn, nhạy cảm hơn, sức khỏe yếu hơn nên dễ bị tác động và ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Dù vậy trên thực tế, các chuyên gia cho biết vẫn chưa khẳng định được các nguyên nhân trực tiếp gây rối loạn tâm trạng.
Cụ thể, một số yếu tố được cho rằng có liên quan đến nguyên nhân gây rối loạn tâm trạng Mood Disorder như
- Yếu tố di truyền: Thống kê cho thấy nếu trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ đã từng có tiền sử mắc các dạng rối loạn tâm lý hay các vấn đề tâm thần khác thì tỉ lệ con cái bị rối loạn tâm trạng cao hơn bình thường rất nhiều lần. Ngoài ra tình trạng này cũng có thể liên quan đến một số căn bệnh di truyền.
- Yếu tố môi trường: người phải sống trong tình trạng căng thẳng kéo dài, bị lạm dụng cả về thể chất lẫn tâm lý, quá nhiều áp lực cũng dễ hình thành những nhiễu loạn trong tâm trạng rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó những người gặp phải cú sốc lớn, chẳng hạn mất người thân đột ngột và không thể vượt qua được sự đau khổ trong tâm lý cũng dễ dẫn đến trạng thái này.
- Yếu tố miễn dịch thần kinh: rối loạn tâm trạng cũng có liên quan đến quá trình giải phóng của các cytokine thần kinh như IL-1beta, IL-6 và TNF-alpha cũng như sự thay đổi nồng độ của oxit nitric (NO) và sự gia tăng tần suất các tín hiệu bất thường của các vùng dưới vỏ não.
- Yếu tố sinh học: sự thay đổi các nội tiết tố hay hormone có liên quan đến tâm trạng, chẳng hạn sự thiếu hụt serotonin và norepinephrine, có thể khiến tinh thần chán nản, tiêu cực, tuyệt vọng và mất hứng thú với mọi thứ. Các trạng thái này kéo dài và không được khôi phục kịp thời sẽ dẫn đến rối loạn tâm trạng.
- Các bệnh lý thực thể: một số bệnh lý được cho là có liên quan như u não, viêm não, đa xơ cứng, AIDS, bệnh tuyến giáp, ung thư, hay các bệnh lý có tính chất mãn tính kéo dài, làm suy giảm toàn bộ sức lực, tinh thần của người bệnh.
Chẩn đoán rối loạn tâm trạng
Rối loạn tâm trạng có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe tâm lý, tâm thần và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, công việc, học tập, các mối quan hệ nên cần được khắc phục sớm. Theo nghiên cứu được đăng tải trên chuyên san JAMA Network Open, Mood Disorder còn là nguyên nhân làm tăng nguy cơ các bệnh mãn tính về tim mạch, huyết áp, hen suyễn, phổi tắc nghẽn..
Để chẩn đoán chính xác rối loạn tâm trạng, bác sĩ cần trò chuyện, làm việc trực tiếp với bệnh nhân để xem xét các phản ứng, mức độ nhận thức hay các hành vi được biểu hiện bên ngoài. Một số bài test tâm lý có thể được chuyên gia yêu cầu thực hiện như thang đánh giá Hamilton (HAM-D), Montgomery-Asberg (MADRS) hay (YMRS) nếu nghi ngờ hưng cảm ở trẻ em.
Bên cạnh đó một số xét nghiệm não bộ hay các vấn đề khác về thể chất cũng được thực hiện nhằm tránh nhầm lẫn giữa các vấn đề sức khỏe khác có các biểu hiện tương đồng. Gia đình hay người giám hộ nên hỗ trợ bác sĩ, chuyên gia bằng cách cung cấp thêm thông tin về các triệu chứng, biểu hiện hằng ngày hoặc thời điểm xuất hiện những bất thường.
Hướng điều trị rối loạn tâm trạng hiệu quả
Thống kê cho thấy có khoảng 15% trẻ em và thanh thiếu niên có đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán mắc rối loạn tâm trạng, trong đó có đến 12% rơi vào tình trạng nặng. Việc can thiệp điều trị Mood Disorder cần được thực hiện sớm, kết hợp giữa nhiều yếu tố, bao gồm cả thuốc, sự chăm sóc từ gia đình cùng một lối sinh hoạt lành mạnh để điều chỉnh cảm xúc, tâm trạng có hiệu quả.
Hướng can thiệp còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh nên người bệnh nên đến thăm khám tại các bệnh viện có chuyên môn về tâm lý, tâm thần để được xây dựng lộ trình điều trị phù hợp.
Điều trị y tế
Hầu hết không có bất cứ loại thuốc nào có thể giải quyết những rối loạn, căng thẳng, những cảm xúc bất thường trong tâm trí. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ vẫn cần phải chỉ định một số loại thuốc nhằm hỗ trợ việc xoa dịu tâm trạng, cảm xúc tạm thời, tránh dẫn tới các hành vi bốc đồng có thể gây nguy hiểm cho con.
Mục tiêu của thuốc là ổn định tâm trí trong mọi giai đoạn, tránh cả giai đoạn trầm cảm lẫn hưng cảm, nhờ đó giúp bệnh nhân có thể cải thiện chế độ sinh hoạt chất lượng hơn, ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn. Một số loại thuốc chính được chỉ định cho bệnh nhân rối loạn tâm trạng bao gồm
- Thuốc ổn định tâm trạng, phổ biến nhất là lithium hoặc axit valproic
- Thuốc chống co giật như Depakine (natri valproate), Lamictal (lamotrigine) và Tegretol (carbamazepine) thường chỉ định cho các bệnh nhân trong giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực
- Thuốc chống loạn thần không điển hình, chẳng hạn carbamazepine hoặc oxcarbazepine có thể dùng cho các giai đoạn trầm cảm nhẹ hơn
- Bác sĩ cũng có thể chỉ định kết hợp olanzapine và fluoxetine; hoặc các nhóm quetiapine, Lurasidone hay Lamotrigine cho các bệnh nhân ở giai đoạn trầm cảm
- Các nhóm thuốc an thần nhóm benzodiazepin để hỗ trợ nâng cao chất lượng giấc ngủ, bổ sung năng lượng cho các hoạt động cần thiết hằng ngày của người bệnh
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI), bao gồm venlafaxine, desvenlafaxine, duloxetine, milnacipran hay levomilnacipran cũng được chỉ định phổ biến cho các bệnh nhân rối loạn tâm trạng
- Một số loại thuốc khác được chỉ định theo nguyên nhân và triệu chứng, chẳng hạn Triiodothyronine dùng cho những bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có liên quan đến tuyến giáp
Các nhóm thuốc này thường cũng kèm theo rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, rụng tóc.. Các loại thuốc có thể được điều chỉnh linh hoạt theo từng giai đoạn để đảm bảo mang đến hiệu quả trong việc điều chỉnh tâm trạng, cảm xúc nhưng không ra quá nhiều tác dụng phụ nguy hiểm không mong muốn.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định một vài biện pháp tác động trực tiếp vào hệ thống não bộ, chẳng hạn phương pháp kích thích từ xuyên sọ (rTMS) hay Liệu pháp sốc điện nếu đã áp dụng các biện pháp khác trong thời gian dài mà không có hiệu quả khả quan. Tuy nhiên các biện pháp này vẫn còn gây nhiều tranh cãi nên không phải ai cũng có thể chỉ định.
Trị liệu tâm lý
Rối loạn tâm trạng được cho là có hiệu quả tích cực hơn khi người bệnh được gặp gỡ và làm việc với nhà trị liệu tâm lý. Mục tiêu của liệu pháp này chính là giúp người bệnh hiểu rõ về vấn đề của bản thân, học cách điều chỉnh tâm trạng của bản thân phù hợp với tình huống, hoàn cảnh cũng như giải tỏa những cảm xúc tiêu cực không mong muốn. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần của người bệnh đáng kể.
Các liệu pháp chăm sóc tâm lý chính đang được khuyến khích thực thiện cho các bệnh nhân rối loạn tâm trạng như
- Trị liệu hành vi nhận thức (CBT)
- Liệu pháp tâm động học
- Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT)
- Liệu pháp trị liệu nhóm hoặc trị liệu cá nhân
- Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (MBCT)
- Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT)
Trị liệu tâm lý sẽ không dùng thuốc mà thông qua việc trò chuyện trực tiếp để người bệnh chủ động nói ra những cảm xúc, khó khăn của bản thân. Nhà trị liệu sẽ lắng nghe và giúp người bệnh nhìn nhận rõ cảm xúc, hành vi của bản thân là đúng đắn hay sai lầm, đồng thời tìm cách thay thế những cảm xúc tiêu cực bằng tư duy tích cực phù hợp hơn.
Nhà trị liệu cũng hướng dẫn người bệnh cách thư giãn tâm trạng, cách đối phó với những căng thẳng để tránh nguy cơ tái phát các triệu chứng trong tương lai. Các buổi trị liệu nhóm, trị liệu gia đình cũng có thể xây dựng để người bệnh có cơ hội được chia sẻ cảm xúc của bản thân, cân bằng các mối quan hệ và giúp các thành viên có thể hiểu và giúp đỡ nhau nhiều hơn.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt có lợi
Một chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ, hợp lý luôn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của cả thể chất lẫn tinh thần. Do đó muốn chữa trị rối loạn tâm trạng có hiệu quả và mang đến giá trị lâu dài, bác sĩ và các chuyên gia luôn khuyến khích người bệnh nên kết hợp với việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt lành mạnh, tích cực hơn.
Rối loạn tâm trạng có thể được cải thiện tích cực hơn nhờ các biện pháp sau
- Thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh, ngủ đúng giờ, ăn uống đúng bữa kết hợp với luyện tập thể dục thể thao hằng ngày
- Chạy bộ, chơi thể thao, bơi lội đều được đánh giá là những biện pháp có ích cho sức khỏe tâm trí, tăng cường thể chất, giải tỏa tâm trạng có hiệu quả
- Liệu pháp hít thở có thể giúp cân bằng tâm trạng và xoa dịu cảm xúc, giữ bình tĩnh trong các trạng thái căng thẳng, lo lắng quá mức
- Thiền nguyện giúp bệnh nhân rối loạn tâm trạng học cách thư giãn, tự xoa dịu cảm xúc của bản thân, ổn định tâm trí, ngủ ngon hơn và nhìn nhận được các vấn đề một cách tích cực đúng đắn hơn
- Chia sẻ những cảm xúc rối loạn của bản thân với những người đáng tin cậy để có thể tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để phục hồi cả thể chất và tinh thần, chú ý những thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, thịt nạc, cá béo, các loại hạt…
- Không nên sử dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích trong các trạng thái tinh thần không ổn định
- Tăng cường các hoạt động thư giãn đơn giản, nhẹ nhàng chẳng hạn như nghe nhạc, tắm nước ấm, xông hơi, đi spa, đọc sách hoặc bất cứ hoạt động nào giúp bạn thoải mái và vui vẻ
Bất cứ ai cũng có thể mắc rối loạn tâm trạng nếu không biết cách quan tâm đến sức khỏe tinh thần của bản thân. Học cách yêu thương bản thân, dành cho tâm trí một khoảng không để nghỉ ngơi, suy trì thói quen sinh hoạt có khoa học đặc biệt là biết cách loại bỏ những cảm xúc tiêu cực sẽ giúp hạn chế được tối đa nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý, tâm thần này.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn tri giác sai thực tại là gì? Ảnh hưởng như thế nào?
- Khủng hoảng hiện sinh (Existential Crisis) gây ra nhiều hệ lụy
- Người hay cáu gắt khó chịu: Nguyên nhân & cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!