Trauma dumping là gì? Khi việc chia sẻ cảm xúc trở nên độc hại
Con người ai cũng có những lúc bực tức, mệt mỏi, ức chế và cần tìm người tâm sự để “xả” hết nỗi lòng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, việc chia sẻ cảm xúc này không mang đến trải nghiệm tích cực cho người nghe. Họ bắt buộc phải tiếp nhận những cảm xúc tiêu cực đang bùng nổ trong bạn dù không có đủ sự chuẩn bị. Hành vi xả sự bực bội này của chúng ta được gọi là trauma dumping.
Trauma dumping là gì?
Bạn có một ngày đầy tồi tệ với hàng loạt sự kiện nối tiếp nhau: bể bánh xe, vào công ty muộn, bị sếp mắng, bữa trưa dở tệ không thể ăn nổi, công việc gặp rắc rối khiến bạn phải tăng ca đến tối muộn, trên đường về nhà lại đánh rơi mất tiền. Tất cả những trải nghiệm tiêu cực kể trên khiến bạn cảm thấy vô cùng bất lực, và bạn cần một người để chia sẻ những cảm xúc dường như sắp bùng nổ đang tích tụ trong lòng.
Bạn có thể tóm lấy người bạn cùng phòng, người yêu, hay một người quen nào đó và bắt đầu ca thán về một ngày tồi tệ, một trải nghiệm đáng quên mà bạn không muốn nhớ đến. Người được chọn chỉ có thể ngồi im lắng nghe những điều bạn nói, họ không thể chen vào hoặc thể hiện suy nghĩ của bản thân. Nói đúng hơn, đây không phải là một cuộc trò chuyện, mà bạn đang đơn phương xả cảm xúc lên người khác.
Người phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực này có thể cảm thấy choáng váng và bất lực trong việc phản hồi, vì họ không chuẩn bị tâm lý để trở thành “cái túi trút giận” của bạn. Trên thực tế, cảm xúc tiêu cực của chúng ta có thể khơi dậy những cảm xúc tiêu cực ở người khác, khiến họ cũng cảm thấy mệt mỏi và ức chế. Hành động “tra tấn tinh thần” người khác trong trường hợp này được gọi là Trauma dumping.
Thuật ngữ Trauma dumping được dùng để mô tả việc một người chia sẻ những cảm xúc tiêu cực của họ một cách quá mức với người khác. Trong khi những người lắng nghe không có thời gian chuẩn bị, và cũng không có cơ hội thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Những người Trauma dumping người khác chỉ muốn trút bỏ sự tức giận, mà không quan tâm đến cảm nhận của người đối diện. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người nghe.
Trong quá trình Trauma dumping, người nói sẽ liên tục lặp đi lặp lại những trải nghiệm tiêu cực nhằm tìm kiếm sự công nhận, đồng tình hoặc đồng cảm từ người nghe. Quá trình này gây mệt mỏi cho cả đôi bên. Bởi vì người nói phải không ngừng hồi tưởng lại sự kiện gây khó chịu đã qua, còn người nghe lại tiếp thu nguồn năng lượng tiêu cực một cách liên tục khiến tâm trạng của họ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trauma dumping và chia sẻ cảm xúc khác nhau thế nào?
Nhu cầu chia sẻ cảm xúc, được lắng nghe và thấu hiểu là nhu cầu tự nhiên của con người. Đặc biệt, chúng ta có xu hướng chia sẻ nhiều hơn với bạn bè thân thiết hay người trong gia đình, bởi vì đây là những người ta tin tưởng, có mối quan hệ gắn bó lâu dài, và sẵn sàng ở bên ta những lúc ta cần. Tuy nhiên, đây không phải lý do để chúng ta thoải mái xả cảm xúc trước mặt họ, mà không quan tâm họ nghĩ gì.
Nhiều người không nhận thức được, Trauma dumping và chia sẻ cảm xúc về bản chất là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Chia sẻ cảm xúc có tính chất qua lại, cả hai đều có quyền nói về cảm nhận của bản thân và lắng nghe trải nghiệm của đối phương. Cuộc trò chuyện mang tính hai chiều và bình đẳng. Trong khi đó, Trauma dumping mang tính một chiều, và cả hai đều không có trải nghiệm tốt đẹp trong suốt quá trình nói chuyện.
1. Đối thoại mang tính 1 chiều
Mục tiêu của việc chia sẻ cảm xúc là bộc lộ suy nghĩ, và lắng nghe phản hồi từ người đối diện. Trong quá trình chia sẻ, cả hai đều có quyền lợi nói và lắng nghe ngang nhau. Và kết quả của quá trình chia sẻ cảm xúc là khúc mắc được giải quyết, hoặc ít nhất là tâm trạng của bạn sẽ thoải mái hơn. Người nghe và cả người nói đều không chịu những ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình đối thoại.
Tuy nhiên với Trauma dumping, do quá trình đối thoại mang tính 1 chiều, người nói không để người nghe thể hiện ý kiến hay quan điểm. Người nói chỉ đơn giản là xả những cảm xúc tiêu cực vào đối phương, bất chấp cảm xúc và suy nghĩ của người nghe. Người nói cảm thấy cần trút bỏ những bức bối ra khỏi lồng ngực càng sớm càng tốt. Và thể là họ vô tư thể hiện cảm xúc mà không cho người khác thời gian chuẩn bị.
2. Không quan tâm đến cảm xúc đối phương
Việc vật lộn với những cảm xúc tiêu cực khiến bạn không ngừng lặp đi lặp lại sự kiện đã xảy ra. Khi đã bắt đầu nói, bạn sẽ không dừng lại và không quan tâm đối phương nghĩ gì. Điều bạn muốn là nhận được sự đồng tình, chứ không phải chia sẻ cảm xúc để tìm kiếm giải pháp từ đôi bên. Hình thức đối thoại này khiến cả đôi bên đều cảm thấy mệt mỏi, vì chỉ trong một thời gian ngắn người nghe phải tiếp thu quá nhiều điều tiêu cực một cách dồn dập.
Việc không quan tâm đến cảm xúc của người nghe ngày càng trở nên phổ biến khi mạng xã hội phát triển. Trên mạng xã hội, chúng ta vô tư xả hết những buồn bực, ấm ức và cảm giác tiêu cực của bản thân qua các bài đăng, các video mà không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì khi xem chúng. Tình trạng này đã và đang là một trong những góc khuất của mạng xã hội, và khiến tình trạng Trauma dumping trở nên phổ biến hơn.
Khi đã quen với việc vô tư “xả” cảm xúc trên không gian mạng, chúng ta cũng sẽ mang thói quen ấy ra ngoài đời, mà quên rằng người nghe không có nghĩa vụ phải tiếp nhận những cảm xúc tiêu cực. Chúng ta muốn tìm nơi để giải tỏa và tự chữa lành những vết thương của bản thân, nhưng cách làm lại gây khó chịu và tổn thương cho những người xung quanh. Điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của đôi bên.
3. Không muốn tìm giải pháp cho vấn đề
Mục đích của việc chia sẻ cảm xúc là tìm ra giải pháp cho vấn đề, vì thế vai trò của người nói và người nghe sẽ được thay đổi luân phiên giữa hai đối tượng trong cuộc hội thoại. Tuy nhiên khi một ai đó Trauma dumping người khác, họ chỉ đơn giản là tìm nơi trút giận, tìm nơi để xả những cảm xúc tiêu cực chứ không hướng đến việc tìm giải pháp. Người nghe phải chịu đựng những lời ca thán trong thời gian dài mà không có cách nào phản ứng lại.
Biểu hiệu của tình trạng Trauma dumping
Chúng ta thường không nhận ra rằng, bản thân đang Trauma dumping người khác, bởi vì ta vẫn đang lạc trong cảm xúc cá nhân. Một số người sẽ không phản ứng với bạn, dù họ phải chịu đựng việc bị tra tấn tình thần thường xuyên. Nhưng có người sẽ phản ứng lại sau một thời gian dài nghe bạn than vãn. Hãy xem xét một số biểu hiện dưới đây để xem những cuộc trò chuyện giữa bạn với bạn bè, người thân có những biểu hiện này hay không:
- Chủ đề chính trong xuyên suốt những cuộc trò chuyện của cả hai là những bất mãn, khó khăn, và vấn đề cá nhân của bạn.
- Người lắng nghe không bao giờ lên tiếng hay phản hồi, mà chỉ ngồi im nghe bạn nói.
- Bạn nói nhanh, nói liên tục và lặp đi lặp lại một vấn đề quá nhiều lần.
- Từ một vấn đề bạn sẽ kéo ra thêm nhiều vấn đề khác liên quan, chứ không tập trung vào vấn đề chia sẻ.
- Người nghe có thể có biểu hiện khó chịu, mệt mỏi, căng thẳng và không kiên nhẫn, nhưng bạn lờ đi và tiếp tục nói về vấn đề của bản thân.
- Nếu người khác từ chối lắng nghe, phản ứng lại việc bạn đang nói, hoặc thể hiện thái độ muốn dừng cuộc trò chuyện, bạn nổi giận, cảm thấy bị tổn thương và đổ lỗi cho đối phương vì không quan tâm đến cảm xúc của bạn.
- Bạn phụ thuộc vào đối phương quá nhiều trong vấn đề tinh thần.
- Bạn phụ thuộc quá nhiều vào đối phương trên phương diện tinh thần, luôn tìm họ nói chuyện và xổ hết bực tức của bản thân mà không quan tâm thời điểm có phù hợp không, người kia có muốn nghe hay không.
- Người mà bạn thường chia sẻ bỗng trở nên xa cách, không muốn nói chuyện với bạn nữa.
- Bạn không thể tự giải quyết những vấn đề và áp lực của bản thân, mà luôn phải nhờ đến người khác.
Nếu bạn nhận ra rằng, tất cả những dấu hiệu này đều đã từng xuất hiện trong những cuộc nói chuyện của bản thân và những người xung quanh, thì chắc chắn bạn đang Trauma dumping mọi người mà không biết. Bạn tìm cách giải quyết những vấn đề của bản thân bằng cách tổn thương và gây khó chịu cho người khác. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chắc chắn mối quan hệ đôi bên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ảnh hưởng của Trauma dumping đến con người
Trauma dumping ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của người nghe, cũng như hạn chế khả năng duy trì mối quan hệ của cả hai. Không ai thích một người luôn mang đến nguồn năng lượng tiêu cực, và biến họ trở thành một nơi để xả cảm xúc khi cần. Khi một người đang vui, việc trút sự bực dọc vào người họ chỉ khiến niềm vui tan biến. Còn nếu đối phương đang buồn, hành động của chùng ta chẳng khác nào châm dầu vào lửa.
Trong một cuộc đối thoại, cả hai bên đều có quyền nói chuyện và lắng nghe như nhau. Nếu cuộc trò chuyện diễn ra theo hướng lành mạnh, người đối diện cảm nhận được sự tôn trọng và ý muốn giải quyết vấn đề ở bạn, mối quan hệ của cả hai sẽ được cải thiện và ngày càng gắn bó. Nhưng nếu bạn liên tục Trauma dumping đối phương, mối quan hệ của cả hai sẽ ngày càng xa cách và có nguy cơ đổ vỡ.
Ngoài ra, việc chia sẻ cảm xúc một cách độc hại còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng tâm lý. Trong quá trình này, người nói không nhận được sự tương tác từ người nghe, nên tâm lý của họ không được giải tỏa tốt như cuộc đối thoại hai chiều. Người nghe thì phải chịu đựng sự mệt mỏi, bức bối, và những câu chuyện tiêu cực khiến tâm trạng của họ cũng trở nên căng thẳng và mệt mỏi trong thời gian dài.
Những người có biểu hiện Trauma dumping cho rằng, việc chia sẻ cảm xúc với người tin tưởng là cách tốt để loại bỏ gánh nặng tâm lý. Nhưng trên thực tế, họ thường chuyển gánh nặng đó sang người khác. Hậu quả là dần dần những người thân quen cũng không muốn trò chuyện với người nói nữa, để tránh những cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng cuộc sống. Lúc này, họ sẽ cảm thấy bản thân bị cô lập, trở nên cô đơn và lạc lỏng.
Những người thường xuyên xả cảm xúc vào người khác thường là người có tính tình nóng nảy, bốc đồng, khó kiềm chế cảm xúc, và luôn phản ứng rất mạnh với những tác nhân xung quanh. Trong nhiều trường hợp, người nói không cố ý gây tổn thương cho người nghe, nhưng họ không nhận ra hành động của bản thân ảnh hưởng đến những người xung quanh ra sao. Vậy câu hỏi đặt ra là, làm sao để hạn chế tình trạng Trauma dumping?
Cách hạn chế tình trạng Trauma dumping
Chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế Trauma dumping nếu biết cách điều chỉnh hành vi của bản thân một cách hợp lý. Khi nhận thức được bản thân đang gây ảnh hưởng không tốt đến những người xung quanh, thay đổi là điều cần thiết. Bạn cần có trách nhiệm hơn với cảm xúc của bản thân, học cách hiểu cho cảm nhận của người khác, và nên tìm phương pháp phù hợp khi chia sẻ những khó khăn và ấm ức của mình.
- Tôn trọng cảm xúc người đối diện: Người thân hay bạn bè đều cần nhận được sự tôn trọng của bạn. Trước khi chia sẻ cảm xúc, bạn nên chú ý họ đang vui hay buồn, có tâm trạng để nghe bạn nói hay không. Bạn cũng cần biết bản thân nên nói bao nhiêu là đủ, và thái độ trong cuộc trò chuyện ra sao. Hãy để đối phương có cơ hội bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ, chứ đừng chỉ quan tâm đến bản thân.
- Chú ý đến biểu hiện của đối phương: Những câu chuyện của bạn có thể gợi lên vết thương lòng, hoặc kỷ niệm khó quên cùa đối phương và khiến tâm trạng của họ bị ảnh hưởng. Người nghe cũng có thể cảm thấy khó chịu khi những cảm xúc tiêu cực của bạn ảnh hưởng đến tâm trạng của họ. Những lúc này, hãy biết cách dừng lại đúng lúc, hoặc gợi cho người nghe nói về những vấn đề của bản thân. Việc trao đổi qua lại sẽ khiến cuộc trò chuyện trở nên tích cực hơn.
- Tìm cách giải quyết vấn đề: Khi mục đích của cuộc trò chuyện hướng đến việc đưa ra giải pháp cho vấn đề gặp phải, cuộc trò chuyện sẽ theo hướng tích cực hơn. Thay vì trút hết sự bực tức của bản thân lên người nghe, chúng ta cần nhận thức được bản thân cũng cần lắng nghe đối phương chia sẻ. Những kinh nghiệm từ người đối diện có thể giúp bạn kiềm chế cảm xúc tốt hơn.
- Không nên dựa dẫm quá nhiều vào đối phương: Chúng ta cần học cách chấp nhận, và giải quyết những trải nghiệm tiêu cực của chính mình trong cuộc sống. Bạn không thể phụ thuộc quá nhiều vào người thân hay bạn bè, vì chính họ cũng đang đối mặt với vấn đề riêng. Tình cảm là sự chia sẻ và tác động qua lại, bạn không thể buộc mọi người chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân.
- Tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia: Nếu bạn không thể vượt qua những gánh nặng tâm lý, và muốn tìm một nơi để chia sẻ, xả hết những ấm ức trong lòng thì nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Những người có chuyên môn sẽ đánh giá tình hình sức khỏe tâm thần của bạn, lắng nghe những tổn thương và đồng hành cùng bạn trên con đường giải quyết chúng. Việc này giúp bạn giải tỏa cảm xúc và suy nghĩ tích cực hơn.
Trauma dumping gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và các mối quan hệ xã hội. Hiệu ứng tâm lý này khiến chúng ta bỏ qua cảm nhận của người thân và bạn bè, hoàn toàn chìm đắm trong những trải nghiệm tiêu cực của bản thân. Nếu để tình trạng này kéo dài, chúng ta sẽ bị cô lập, cảm thấy lạc lỏng và mệt mỏi vì không còn ai ở bên cạnh để chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Hiệu ứng Pygmalion là gì? Phân tích ứng dụng trong cuộc sống
- Hiệu ứng Zeigarnik: Đánh bại sự trì hoãn để làm việc hiệu quả
- Hiệu ứng Brita và sự tập trung có giới hạn của con người
- Hiệu ứng ánh đèn sân khấu là gì? Cách thoát khỏi sự tự ti
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!