Kiểm soát con cái quá mức tác động đến tâm lý và tính cách trẻ

Kiểm soát con cái quá mức có thể khiến con mất đi sự tự lập, không có khả năng tự quyết định đồng thời cũng ảnh hưởng đến cả tâm lý và quá trình hình thành nhân cách của con. Cha mẹ cần sớm thay đổi, học cách tôn trọng, lắng nghe ý kiến và chỉ nên đóng vai trò là người hỗ trợ, không nên can sự trực tiếp vào những quyết định của con cái.

Vì sao cha mẹ luôn muốn kiểm soát con cái quá mức?

Bất cứ bậc làm cha mẹ nào cũng luôn muốn con có thể phát triển tốt nhất, có thể thành công, nổi bật hơn so với những người xung quanh. Trong mắt người lớn thì con lúc nào cũng con nhỏ, nên cần phải bảo vệ, cho rằng con không biết gì nên nếu không có cha mẹ thì con rất dễ sa ngã, gặp những sai lầm trong cuộc sống. Bởi thế mà rất nhiều người xu hướng kìm kẹp, kiểm soát con quá mức.

kiểm soát con cái quá mức
Cha mẹ luôn muốn kiểm soát con cái quá mức vì cho rằng làm như thế sẽ tốt cho con

Thực tế việc cha mẹ kiểm soát con là một cách giáo dục chung của người Á Đông và có thể thấy rõ nhất là người Việt Nam. Hầu hết các gia đình luôn có rất nhiều quy định cho con cái, bắt con về sớm, bắt con học ngành theo ý cha mẹ, không cho con tham gia vào các vấn đề trong gia đình hay thậm chí là bắt con phải yêu những người mà cha mẹ sắp xếp.

Tất nhiên ở xã hội hiện đại, xu hướng ‘cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã không còn nhưng việc cha mẹ kiểm soát con cái quá mức vẫn còn tồn tại. Vậy vì sao cha mẹ lại luôn muốn con cái làm theo ý mình?

  • Mục đích chính của việc này vẫn chỉ là cha mẹ muốn con được an toàn, được khỏe mạnh, được thành công nhưng chỉ là theo góc nhìn của họ. Cách mà cha mẹ đưa ra những kiểm soát được cho là cách mà họ thể hiện yêu thương con cái.
  • Việc cha mẹ có xu hướng kiểm soát con cái quá mức cũng bị ảnh hưởng bởi lối giáo dục của các thế hệ trước và họ có thể nhìn thấy hiện thực là với cách giáo dục như vậy ai cũng trưởng thành và thành công nên tiếp nối truyền thống này.
  • Một nguyên nhân khác là cha mẹ thấy những gia đình quá dễ dãi khiến con cái hư hỏng, đua đòi và không muốn con cái của mình như vậy và càng đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát con gắt gao hơn
  • Có nhiều người sinh con ra để thực hiện ước mơ cho bản thân mình, khiến mình tự hào. Nghe thì có vẻ lạ nhưng thực tế lại có rất nhiều gia đình như thế. Chẳng hạn một người muốn làm công an nhưng lại không đủ chiều cao, vì vậy ngay từ khi sinh con ra họ sẽ làm mọi cách để con cao lớn, ngay từ nhỏ đã nhồi nhét những điều để con phải trở thành công an. Chỉ khi con thực sự trở thành công an họ mới cảm thấy hạnh phúc, tự hào.
  • Áp lực từ những người xung quanh, đặc biệt là những người trong cùng dòng họ. Chẳng hạn con cô A làm bác sĩ, con cô C làm phi công, con cô D làm ca sĩ. Nếu con cái của bản thân mình mà không thành công, không làm ông này bà kia thì cha mẹ sẽ luôn lo lắng rằng mình sẽ bị khinh thường, sẽ bị mọi người soi mói. Vì sĩ diện của bản thân mà cha mẹ thường bắt những đứa con gánh vác hết bộ mặt của gia đình. Đây cũng là một kiểu cha mẹ độc hại có rất nhiều hiện nay
  • Một lý do khác khiến cha mẹ kiểm soát con cái quá mức cũng có thể được coi là một dạng bù đắp vì những ám ảnh từ quá khứ của họ. Chẳng hạn ở tuổi thơ họ thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ, không được ai dạy dỗ nên đã sa ngã. Chính vì thế khi có con, họ quyết định dành mọi tình yêu thương và những điều tốt nhất mà họ có cho con cái, nhưng vô tình điều đó lại khiến con mất đi quyền tự do, không thể tự lập.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Như đã nói, thực tế thì dù với lý do nào mục đích chính của việc kiểm soát này vẫn là hướng đến những gì tốt nhất cho con cái nhưng chỉ là nhìn theo con mắt của cha mẹ.

Biểu hiệu của cha mẹ kiểm soát con cái quá mức

“Helicopter parents” (cha mẹ trực thăng) là một thuật ngữ do  tiến sĩ Haim Ginott sử dụng vào năm 1969 để chỉ những phụ huynh có xu hướng bao bọc, kiểm soát con cái quá mức, luôn muốn con đi làm theo những gì mà mình hướng đến. Một số thuật ngữ tương tự cũng được sử dụng như lawnmower parent (cha mẹ dọn cỏ), cosseting parent (cha mẹ úm con), bulldozing parent (cha mẹ ủi đất)…

kiểm soát con cái quá mức
“Cha mẹ trực thăng” luôn can thiệp vào bất cứ vấn đề nào xoay quanh cuộc sống của con

Sự kiểm soát của cha mẹ không chỉ liên quan đến các hoạt động, hành vi, lời nói của con mà còn liên quan đến mọi vấn đề quanh cuộc sống của con cái. Cha mẹ sẽ làm tất cả mọi thứ, giống như một chiếc xe ủi đất, sẵn sàng đi trước dọn đường để con có thể đi trên một con đường bằng phẳng và nhanh chóng.

Cụ thể, một số biểu hiện của cha mẹ kiểm soát con cái quá mức như

  • Luôn đưa ra những định hướng của con theo cái nhìn của mình và bắt buộc con phải làm theo, thao túng tâm trí và hành vi của trẻ
  • Luôn nhắc nhở về hành vi, lời nói, cảm xúc của con theo hướng đúng đắn. Chẳng hạn nếu con gái cười quá to, mẹ sẽ nhanh chóng nghiêm mặt và nhắc con không được cười như vậy, phải cười dịu dàng, không được phát ra tiếng
  • Luôn xây dựng lịch trình và các kế hoạch cho con hằng ngày. Chẳng hạn 6h sáng phải dậy, 11h trưa phải ăn cơm, 19h phải học phụ đạo, đúng 23h phải đi ngủ
  • Không muốn cho con đi một mình, đi với bạn bè hoặc phải về đúng giờ theo quy định của cha mẹ. Khi con tự đi chơi luôn luôn gọi điện nhắc nhở con về, nếu bị muộn sẽ bị phạt
  • Khi con đi đâu cũng luôn cần thông báo đúng địa chỉ, đi với ai, đi làm gì, đi ở đâu. Thậm chí một số phụ huynh còn cài đặt định vị vào máy để theo dõi các hoạt động của con
  • Tự ý quyết định thay con chẳng hạn như ăn gì, nên mặc gì, nên học trường nào, con hầu như không có quyền tự quyết trong bất cứ hoạt động nào. Cha mẹ kiểm soát con cái quá mức thậm chí còn phải điều tra hết về bạn bè để biết ai có thể tốt cho con, ai là người không tốt
  • Luôn cảm thấy lo lắng cho con không yên, nếu không bên cạnh sẽ không ngừng nhắn tin, gọi điện cho con
  • Không tôn trọng ý kiến của con, luôn phớt lờ mong muốn hay đóng góp ý kiến của con
  • Cho mình tự quyền quyết định các vấn đề xung quanh con, chẳng hạn tự ý làm bài tập cho con, tự ý đăng ký ngành học của con
  • Luôn sẵn sàng hy sinh hay tìm cách để con có một môi trường học tập và phát triển tốt nhất, thậm chí là gây áp lực cho những người xung quanh. Chẳng hạn nếu người ngồi cạnh con có học lực kém thì phụ huynh sẽ nhanh chóng bắt cô giáo chuyển chỗ bạn đó, không được ngồi cạnh con mình. Hay thậm chí có những phụ huynh còn bắt giáo viên sửa điểm để con của mình được học sinh giỏi..

Ngoài ra cha mẹ kiểm soát con cái quá mức còn có xu hướng luôn cho rằng mình đúng hoặc cho rằng con mình là nhất, con mình luôn đúng. Nhiều người không ngại hạ nhục người khác để nâng cao mình lên cao. Nếu những người này là người có quyền lực thì cũng sẵn sàng thao túng những người xung quanh để con cái họ luôn nổi bật nhất.

Hệ lụy từ việc cha mẹ kiểm soát con cái quá mức

Một ưu điểm có thấy ở việc kiểm soát con cái quá mức chính là những đứa trẻ này luôn cảm thấy an toàn. Chúng biết rằng nếu làm theo cha mẹ sẽ luôn được bảo vệ, được thành công và nổi bật. Dù vậy những hệ lụy liên quan từ tình trạng này thì lại không hề tốt một chút nào, đặc biệt nếu chúng trưởng thành và bước chân ra ngoài cuộc sống.

Phụ thuộc quá mức vào cha mẹ, không có khả năng tự quyết

Một đứa trẻ có “cha mẹ trực thăng” vì phụ thuộc quá mức vào cha mẹ, luôn được phụ huynh bảo bọc nên dường như không có khả năng tự bảo vệ bản thân mình, đặc biệt khi không còn ở gần cha mẹ. Chẳng hạn khi còn đi học ở nhà thì nếu bị bạn bè bắt nạt con có thể nhanh chóng thông báo với cha mẹ để giải quyết. Tuy nhiên nếu đã lên đại học xa nhà hay đi làm, thì không phải lúc nào cũng có cha mẹ đến bảo vệ ngay.

kiểm soát con cái quá mức
Sự áp đặt, bao bọc quá mức của cha mẹ khiến con không thể độc lập, không thể phát triển bản thân

Mặt khác trong cuộc sống không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể quyết định cho con mọi thứ. Vẫn có những trường hợp đòi hỏi con phải tự quyết nhưng lại luôn băn khoăn, không thể tự quyết đoán, luôn muốn hỏi ý kiến của cha mẹ. Bởi thế mà rất nhiều cơ hội tốt cho sự phát triển của con cũng vụt qua, con dễ trở thành một người thất bại.

Mặt khác trẻ luôn bị cha mẹ kiểm soát quá mức cũng thường có tính phụ thuộc, ỷ lại không tự chăm sóc được cho bản thân. Có những đứa trẻ ở nhà được cha mẹ chăm sóc từ A-Z nên khi học xa nhà nếu nấu mì tôm cũng không hề biết. Dù vậy vẫn không có ít phụ huynh chấp nhận việc lên ở cùng, kể cả khi con đã lập gia đình để có thể chăm sóc con tốt nhất.

Thậm chí có không ít trường hợp dù đã trưởng thành nhưng người đó vẫn phụ thuộc vào việc mẹ cho yêu ai, luôn nói rằng mẹ bảo ăn thế này sẽ không tốt, làm gì cũng phải hỏi ý kiến của mẹ.

Trẻ dễ thất bại nếu không có cha mẹ

Bởi bình thường ở nhà sẽ luôn có cha mẹ bảo vệ, cha mẹ nấu ăn chăm sóc cho, cha mẹ dọn đường mọi thứ và con chỉ cần đi trên một con đường rải đầy hoa. Khi thiếu đi hình bóng của cha mẹ con sẽ chẳng còn làm được gì, không thể đi trên những con đường khấp khểnh khó khăn, có xu hướng phụ thuộc vào người khác nhưng không mang lại kết quả tốt.

Hơn hết do quá phụ thuộc vào cha nên bản thân con cũng thường thiếu tự tin nếu không có hình bóng của cha mẹ. Ngay cả khi đã đi làm, bản thân con cũng không biết nên làm gì tốt làm gì không tốt. Tất nhiên cơ hội tốt thì không hề chờ đợi ai, không hề có cơ hội lần thứ hai. Con cứ sống cuộc sống bình bình, không thể phát triển được vì không có cha mẹ bên cạnh hỗ trợ.

Ngoài ra, cha mẹ nếu kiểm soát con cái quá mức cũng khiến trẻ có tính cách ích kỷ, coi bản thân là nhất nên rất khó có thể đi làm hay hoạt động trong các môi trường tập thể nên cũng rất dễ thất bại.

Kiểm soát con cái quá mức ảnh hưởng đến tính cách của con

Có hai xu hướng tính cách ở những trẻ có “cha mẹ trực thăng”, được phân chia ra khi có cha mẹ ở bên và không có cha mẹ. Chẳng hạn khi ở gần cha mẹ con có xu hướng đề cao bản thân quá mức, dám thể hiện bản thân, coi mình là nhất, không coi trọng những người xung quanh bởi chúng biết rằng sẽ luôn có cha mẹ bảo vệ. Mặt tính cách này chỉ xuất hiện khi con ở môi trường quen thuộc.

kiểm soát con cái quá mức
Khi không có cha mẹ con thường có xu hướng nhút nhát, không biết giao tiếp với mọi người

Tuy nhiên ngược lại, khi bản thân con ở những môi trường xa lạ, không quen biết ai, không có cha mẹ ở bên thì lại trở nên cực kỳ nhút nhát, khép mình và không dám thể hiện bản thân. Tất nhiên trong tâm trí của con vẫn có những suy nghĩ ích kỷ, cho rằng mình là nhất, tuy nhiên do không có cha mẹ ở bên nên chúng thường không dám thể hiện và chỉ dám thu mình vào trong vỏ ốc.

Một số tính cách xấu khác thường gặp ở những đứa trẻ có “cha mẹ” ủi đất chính là ích kỷ, thiếu tôn trọng người khác, không biết nhường nhịn người khác, khó kiểm soát cảm xúc, thiếu tự tin, khó hòa nhập với các môi trường mới. Chính sự kiểm soát con cái quá mức, thao túng tâm lý của phụ huynh đã khiến con có những suy nghĩ này.

Trẻ thiếu các kỹ năng sống, gặp khó khăn trong các mối quan hệ

Cha mẹ nếu kiểm soát con cái quá mức, không cho con tham gia các hoạt động bên ngoài sẽ khiến con dần thiếu đi các kỹ năng xã hội, chẳng hạn không biết giao tiếp, không biết làm việc đội nhóm, khó linh hoạt trong các tình huống đột ngột. Đứng trước các tình huống ngoài lề con thường bối rối, không biết nên xử lý thế nào và thường có xu hướng chạy trốn.

Mặt khác trẻ cũng khó khăn trong việc kết bạn, một phần do sự tác động tâm lý từ cha mẹ. Chẳng hạn cha mẹ luôn nói rằng con chỉ được chơi với những người bạn ngoan ngoãn, bạn này bạn kia, không được tin tưởng ai khác ngoài cha mẹ. Dần dần việc này khiến con không đặt niềm tin được vào ai, nếu có vấn đề không chia sẻ được với cha mẹ cũng không biết chia sẻ với ai.

Các kỹ năng xã hội cũng rất quan trọng trong sự thành công của con, tăng khả năng ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống. Cũng chính vì con thiếu các kỹ năng sống, thiếu sự tin tưởng trong các mối quan hệ nên nếu rời xa vòng tay cha mẹ thì cũng rất dễ bị lừa trong cả tiền bạc lẫn tình cảm.

Kiểm soát con cái quá mức khiến con dễ gặp các vấn đề về tâm lý

Do bản thân không có những mối quan hệ xã hội, tất cả chỉ xoay quanh quan hệ gia đình với cha mẹ nên đôi khi có những vấn đề khó khăn mà con không thể nói ra được. Không có ai để chia sẻ khiến những điều tiêu cực, khó chịu, bức bối cứ diễn ra trong tâm trí nên dần sinh ra các vấn đề tâm lý như stress, trầm cảm, rối loạn cảm xúc..

Dù vậy hầu hết khi thấy con gặp các vấn đề này phụ huynh lại ít phát hiện ra những bất thường, hoặc kể cả có đưa con đi khám và cho ra kết quả này lại cũng không chịu chấp nhận. Bởi họ cho rằng việc mình kiểm soát con cái quá mức là những điều tốt nhất, tuyệt vời nhất, tất cả đều là vì con nên không lý nào con có thể mắc bệnh như thế.

Trẻ có xu hướng bốc đồng không kiểm soát được

Thực tế thì những đứa con trong gia đình có cha mẹ kiểm soát con cái quá mức cũng có hai xu hướng. Một là trẻ chấp nhận sự kiểm soát này, coi đó là là sự hiển nhiên, chỉ cần làm theo những gì cha mẹ nói là đảm bảo an toàn, lúc nào cũng thành công nên không hề cãi lại, kể cả đến khi trưởng thành. Tất nhiên nếu trưởng thành chúng thường bắt buộc sẽ ở gần cha mẹ.

kiểm soát con cái quá mức
Bị kìm kẹp quá mức có thể khiến trẻ có xu hướng bốc đồng, luôn làm trái ý cha mẹ

Tuy nhiên cũng có những người ý thức được sự kiểm soát con cái quá mức của cha mẹ và muốn thoát ra khỏi vòng vây này. Việc này có thể xuất phát từ việc cha mẹ cấm cảm sở thích hoặc do con có thể gặp những người bạn ( có thể là bạn xấu hoặc cũng có thể là bạn tốt) giúp con nhìn nhận được sự kiểm soát của cha mẹ. Những đứa trẻ này thường sẽ có xu hướng bốc đồng để thoát khỏi sự kìm kẹp của cha mẹ mình.

Không ít trẻ khi còn ở nhà với cha mẹ đều là những đứa trẻ ngoan, nghe lời cha mẹ nhưng sau khi đi học xa nhà bỗng nhiên nổi loạn, không còn chịu sự sắp xếp của phụ huynh như trước. Phụ huynh càng gò bó, càng ép buộc con làm theo ý mình thì trẻ càng bị kích động, có thể chọn cách bỏ nhà đi hay có những hành động thiếu kiểm soát, gây hại cho bản thân và những người xung quanh.

Làm thế nào khi cha mẹ kiểm soát con cái quá mức

Như đã nói, hầu hết lý do khiến cha mẹ có xu hướng kiểm soát con cái quá mức đều là vì họ muốn tốt cho con, chỉ là qua góc nhìn của riêng họ, qua những trải nghiệm của họ. Tuy nhiên việc thay đổi những người này thực sự là rất khó, đặc biệt nếu họ đang chịu áp lực từ việc con cái những người xung quanh đều thành công.

kiểm soát con cái quá mức
Thể hiện sự độc lập của bản thân chính là cách để nới lỏng sự kiểm soát quá mức

Con cái nếu muốn thay đổi phụ huynh có tính cách này cần phải thực sự kiên trì, phải chứng minh cho cha mẹ thấy điều họ đang làm dù tốt nhưng lại không đúng. Hoặc thậm chí cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý để can thiệp, hỗ trợ hiệu quả nhất.

  • Con cái và cha mẹ nên dành thời gian để trò chuyện một cách nghiêm túc, hãy thể hiện cho cha mẹ thấy rằng mình cũng có những mưu cầu cá nhân, cũng có những mong muốn, sở thích riêng
  • Xin cha mẹ cho mình một cơ hội để thể hiện và chứng minh sự tự lập của bản thân, nếu thành công hãy nhân cơ hội đó để nới lỏng sự kiểm soát của cha mẹ. Chẳng hạn nếu bạn muốn học theo ngành báo nhưng bố mẹ lại muốn làm bác sĩ thì hãy đưa ra đề nghị nếu đạt giải trong kỳ thi đội tuyển học sinh giỏi văn thì hãy chấp nhận cho con chuyển ngành. Nếu bạn làm được thì sẽ dần chứng minh được bản lĩnh, sự tự tin, độc lập để quý phụ huynh có thể yên tâm hơn
  • Tất nhiên đôi lúc thất bại là điều không tránh khỏi nhưng chỉ cần bạn cố gắng hết sức và để cha mẹ nhìn thấy điều này thì những suy nghĩ muốn kìm kẹp, thao túng con cái theo ý muốn của mình cũng có thể dần được thay đổi
  • Chủ động thực hiện các công việc trong nhà, tự chăm sóc cho bản thân, chăm sóc cha mẹ để họ hiểu rằng bạn có thể tự lập
  • Xin sự tư vấn và hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý để biết cách ứng xử với cha mẹ. Thậm chí bạn có thể đưa cha mẹ đến gặp các chuyên gia tâm lý để trò chuyện, thay đổi cách suy nghĩ, giáo dục con cái, từ đó dần thay đổi theo hướng tích cực hơn

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Nhìn nhận công bằng thì việc kiểm soát con cái quá mức có mặt lợi nhưng mặt hại, mặt tiêu cực lại nhiều hơn, đặc biệt trong quá trình hình thành nhân cách của các con. Cha mẹ cần sớm thay đổi cách giáo dục, nghiêm khắc nhưng vẫn cần thấu hiểu, biết lắng nghe và tôn trọng con nhiều hơn.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *