Các Loại Thuốc Chống Trầm Cảm Tốt Nhất Và Lưu Ý Khi Dùng
Thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh trầm cảm và một số dạng rối loạn tâm thần khác. Bác sĩ sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để chỉ định loại thuốc phù hợp. Cần cẩn trọng khi dùng để đảm bảo hiệu quả và tránh các rủi ro cho sức khỏe.
Thuốc chống trầm cảm là gì?
Thuốc chống trầm cảm là một loạt các thuốc được dùng để điều trị trầm cảm và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Một số loại được kê đơn phổ biến nhất hiện nay bao gồm SSRI, SNRI, TCAs, MAOIs,…
Các loại thuốc này có tác dụng làm thay đổi các chất hóa học trong não ảnh hưởng tới tâm trạng và cảm xúc. Khi bạn đang phải chịu đựng tổn thương từ bệnh trầm cảm thì đây là phương pháp giải tỏa đơn giản và tiện lợi.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng thuốc chống trầm cảm không phải là một giải pháp lâu dài. Theo thời gian, một số người ban đầu đáp ứng với thuốc nhưng sau đó có thể tái phát trầm cảm. Đồng thời những người dừng thuốc cũng có thể gặp phải tình trạng tương tự.
Ngoài ra, các loại thuốc này cũng thường đi kèm với nhiều tác dụng phụ khó chịu. Do đó, điều quan trọng là cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro khi sử dụng thuốc điều trị trầm cảm.
Nhiều người bị trầm cảm từ nhẹ đến trung bình nhận thấy, các chiến lược trị liệu, hoạt động thể chất,… có hiệu quả tương đương hay thậm chí tốt hơn thuốc. Ngay cả khi bạn quyết định dùng thuốc thì cũng cần theo đuổi các liệu pháp và thay đổi lối sống để đánh bại bệnh trầm cảm tốt hơn.
Các loại thuốc chống trầm cảm tốt nhất hiện nay
Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau đã được phê duyệt sử dụng. Tùy thuộc vào biểu hiện triệu chứng, mức độ bệnh và các vấn đề liên quan khác mà bác sĩ sẽ kê toa loại thuốc phù hợp.
Dưới đây là một số loại thuốc chống trầm cảm hiện đang được dùng phổ biến:
1. Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là loại thuốc chống trầm cảm đang được kê toa rộng rãi nhất. SSRIs hoạt động trên chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Đây là một chất hóa học trong não có tác dụng điều chỉnh tâm trạng.
Các loại SSRI thường được dùng bao gồm:
- Citalopram
- Escitalopram
- Fluoxetin
- Fluvoxamine
- Paroxetin
- Sertralin
- Vilazodone
Ngoài được dùng điều trị bệnh trầm cảm thì SSRIs còn được dùng trong điều trị các bệnh rối loạn tâm thần khác. Điển hình như căng thẳng kéo dài, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
SSRIs thường có tác dụng chậm, phải mất khoảng 3 – 5 tuần sử dụng liên tục để thuốc hoạt động hiệu quả. SSRIs có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn nhờ đẩy lùi các triệu chứng trầm cảm.
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị trầm cảm với SSRIs, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số tác dụng ngoại ý. Phải kể đến như khó ngủ, đau đầu, buồn nôn, rối loạn chức năng tình dục,…
Tuyệt đối không dùng SSRIs với những người quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc. Ngoài ra, SSRIs chống chỉ định khi dùng đồng thời với các loại thuốc IMAO hay mới dùng IMAO trong khoảng 14 ngày.
2. Chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI)
Trường hợp người bệnh đã sử dụng SSRIs nhưng không đáp ứng điều trị thì bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn thuốc khác thay thế. Trong đó, chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI) được cho là lựa chọn ưu tiên.
SNRIs là thuốc chống trầm cảm hoạt động trên norepinephrine và serotonin. Đây đều là các chất hóa học trong não có liên quan tới khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người.
SNRIs là một trong những loại thuốc chống trầm cảm mới được mang vào sử dụng. Chúng có hiệu quả tương đối cao, mặc dù vẫn có tác dụng phụ nhưng không đáng kể. Một số triệu chứng bệnh nhân có thể gặp bao gồm lo lắng, ngủ không sâu giấc, đau bụng, các vấn đề về tình dục,…
Trên thực tế, công dụng của SNRIs thường không tốt bằng SSRIs. Tuy nhiên, một số loại thuốc SNRIs lại có khả năng tái hấp thu dopamin nhưng hiệu quả không cao và không đặc hiệu.
Ngoài được dùng nhiều trong điều trị bệnh trầm cảm thì SNRIs cũng có thể được kê toa để khắc phục một số vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Chẳng hạn như lo âu toàn thể, stress sau chấn thương, chứng hoảng sợ, bệnh ám ảnh – xung lực,…
Các loại thuốc SNRIs thường được kê toa bao gồm:
- Venlafaxine (Effexor XR)
- Desvenlafaxine (Pristiq và Khedezla)
- Levomilnacipran (Fetzima)
- Duloxetine (Cymbalta)
SNRIs chống chỉ định với người dưới 18 tuổi, người mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người bị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim,… cũng không được sử dụng. Ngoài ra, không dùng đồng thời SNRIs với IMAO hay mới dùng IMAO trong khoảng 14 ngày.
3. Thuốc chống trầm cảm không điển hình
Thuốc chống trầm cảm không điển hình cũng là loại thuốc có thể được kê toa trong điều trị bệnh trầm cảm. Chúng nhắm mục tiêu vào các chất dẫn truyền thần kinh khác nhau để thay đổi hóa chất trong não và điều chỉnh tâm trạng.
Một số loại có thể được kê toa bao gồm:
- Wellbutrin
- Remeron
- Desyrel
- Serzone
- Viibryd
- Trintellix
Cần lưu ý rằng, những loại thuốc này sẽ không được sử dụng đồng thời với các thuốc chống trầm cảm khác. Tác dụng phụ có thể khác nhau tùy theo từng loại cụ thể. Thường bao gồm buồn nôn, tăng cân, buồn ngủ, mệt mỏi, khô miệng, mờ mắt và stress.
4. Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs)
Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs) là một trong những loại thuốc đầu tiên được dùng trong điều trị bệnh trầm cảm. Chúng là lựa chọn có thể thay thế trong các trường hợp sử dụng SSRIs không mang lại hiệu quả.
Các thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể được kê toa bao gồm:
- Clomipramine (Anafranil)
- Amitriptyline
- Trimipramine (Surmontil)
- Desipramine (Norpramin)
- Doxepin
- Imipramine (Tofranil)
TCAs được biết đến là có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn các thuốc thế hệ mới. Do đó, nhóm thuốc này thường không được kê đơn, trừ khi việc dùng SSRIs và SNRIs không mang lại hiệu quả.
TCAs có cơ chế hoạt động tương tự như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin. Do có tác động mạnh mẽ tới chất dẫn truyền thần kinh nên thuốc rất dễ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Phải kể đến như chóng mặt, đau đầu, huyết áp thay đổi, buồn nôn, lượng đường trong máu thay đổi,…
TCAs chống chỉ định với người đang trong giai đoạn hồi phục sau điều trị nhồi máu cơ tim. Không dùng cho những người quá mẫn với thành phần trong thuốc. Đồng thời không sử dụng TCAs chung với các chất ức chế monoamin oxydase.
5. Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs)
Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs) thường được dùng trong điều trị chứng trầm cảm kháng trị hoặc trầm cảm không điển hình khi SSRIs, SNRIs, TCAs hay thậm chí là điều trị sốc điện không mang lại hiệu quả.
Cơ chế hoạt động của MAOIs là ức chế sự phân hủy amin oxy hóa của 3 loại amin sinh học (5-HT, norepinefrin và dopamin) cùng các phenylethylamine khác. Từ đó làm gia tăng nồng độ các chất hóa học trong não và hỗ trợ kiểm soát triệu chứng bệnh trầm cảm tốt hơn.
Một số MAOIs được dùng phổ biến bao gồm:
- Tranylcypromine (Parnate)
- Phenelzine (Nardil)
- Isocarboxazid (Marplan)
Các thuốc MAOIs có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ nguy hại cho sức khỏe. Hơn nữa còn có phạm vi tương tác tương đối rộng với thức ăn và các loại thuốc khác. Do đó cần đặc biệt cẩn trọng trong quá trình sử dụng.
Không sử dụng đồng thời MAOIs với thuốc ức chế tái hấp thu serotonin, dopamine và norepinephrine khác. Nếu cần thiết có thể dùng cách nhau ít nhất 14 ngày.
Ngoài ra, không dùng thức uống có cồn, dẫn chất thuốc phiện, thức ăn có chứa nhiều tyramine hay các thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương trong thời gian sử dụng MAOIs.
6. Esketamine (Spravato) – Thuốc chống trầm cảm mới
Esketamine (Spravato) là loại thuốc chống trầm cảm mới, gần đây đã được FDA phê duyệt sử dụng cho bệnh nhân bị trầm cảm nặng, kháng điều trị. Esketamine được dùng dưới dạng xịt mũi kết hợp với thuốc chống trầm cảm đường uống.
Loại thuốc này có thể giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng cho những bệnh nhân bị trầm cảm nặng. Tuy nhiên, Esketamine có thể tiềm ẩn một số tác dụng phụ nên cần cẩn trọng.
Các tác dụng phụ thường gặp của Esketamine là làm thay đổi tâm trí, bao gồm lo lắng, thay đổi lời nói và hành vi, ý nghĩ tự tử. Ngoài ra, vẫn còn tiềm ẩn khả năng lạm dụng và sử dụng sai loại thuốc này. Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu chắc chắn về tác dụng lâu dài của Esketamine.
Một số lưu ý khi dùng thuốc chống trầm cảm
Các loại thuốc chống trầm cảm chỉ có tác dụng điều trị một số triệu chứng. Nó sẽ không thể thay đổi các vấn đề và tình huống tiềm ẩn trong cuộc sống đang khiến bạn bị trầm cảm.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể không mang đến hiệu quả như mong đợi. Hơn nữa còn tiềm ẩn các tác dụng phụ và vấn đề rủi ro ngoại ý.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, trong quá trình sử dụng thuốc chống trầm cảm cần chú ý đến một số vấn đề sau:
1. Sử dụng theo hướng dẫn
Cần đảm bảo uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không bỏ qua hay thay đổi liều lượng. Đồng thời đừng ngừng uống thuốc ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Việc ngừng điều trị sớm có thể làm tăng nguy cơ tái phát. Hơn nữa còn rất dễ gây ra các triệu chứng cai nghiện nghiêm trọng.
2. Vấn đề tác dụng phụ
Bất cứ loại thuốc chống trầm cảm nào cũng có thể tiềm ẩn các tác dụng phụ bất lợi cho sức khỏe. Nguy cơ gặp phải tác dụng phụ sẽ tăng lên khi có các yếu tố rủi ro sau:
- Những người trên 65 tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Trẻ em và thanh thiếu niên
- Những người có nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực
Cần chú ý theo dõi bất cứ thay đổi thể chất và cảm xúc nào mà bạn đang trải qua khi sử dụng thuốc điều trị trầm cảm. Đồng thời nói chuyện với bác sĩ về những thay đổi này.
Hãy liên hệ với bác sĩ hay chuyên gia trị liệu của bạn ngay lập tức nếu tình trạng trầm cảm của bạn trở nên tồi tệ hơn hay bạn cảm thấy gia tăng suy nghĩ tự tử.
3. Cẩn thận với các tương tác thuốc
Tương tác thuốc là vấn đề cần đặc biệt chú ý khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Việc xảy ra tương tác có thể làm giảm hoặc tăng hoạt tính của thuốc. Hơn nữa còn gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Uống rượu có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc chống trầm cảm. Tương tác thuốc nguy hiểm cũng có thể xảy khi sử dụng chung SSRIs hoặc SNRIs với thuốc làm loãng máu, thuốc giảm đau theo toa, thuốc kháng histamin và thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Cần trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi kết hợp thuốc.
4. Thuốc chống trầm cảm và nguy cơ tự tử
Ở một số người, việc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm sẽ làm bệnh tồi tệ hơn chứ không phải suy giảm. Trên thực tế, FDA yêu cầu tất cả các loại thuốc trị trầm cảm ở Hoa Kỳ phải có cảnh báo về việc tăng nguy cơ tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Nguy cơ tự tử đặc biệt lớn trong một vài tháng đầu điều trị. Bất cứ ai sử dụng thuốc chống trầm cảm cũng đều phải được theo dõi chặt chẽ về suy nghĩ và hành vi tự sát. Điều này cần đặc biệt chú ý khi một người lần đầu tiên dùng thuốc điều trị trầm cảm.
5. Mẹo dừng thuốc chống trầm cảm an toàn
Như đã đề cập, việc dừng thuốc đột ngột có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Để đảm bảo an toàn, bạn cần:
- Giảm liều từ từ: Tuyệt đối không dừng thuốc ngay lập tức khi cảm thấy triệu chứng bắt đầu tốt lên. Thay vào đó, bạn cần giảm dần liều lượng. Các chuyên gia khuyên rằng nên giảm theo mức tăng 10%. Mỗi lần giảm liều lượng có thể cách nhau 2 – 6 tuần hoặc lâu hơn.
- Không vội vàng: Quá trình giảm liều thuốc chống trầm cảm có thể mất vài tháng cho tới vài năm. Bạn cần thực hiện điều này dưới sự giám sát của bác sĩ.
- Chọn thời điểm dừng thuốc phù hợp: Việc dừng hẳn thuốc điều trị trầm cảm có thể sẽ rất khó khăn. Do đó bạn nên chọn thời điểm thích hợp, đó là lúc mà bạn không bị căng thẳng quá nhiều.
Có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau được dùng để kiểm soát triệu chứng của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, bất cứ loại thuốc nào cũng cần sử dụng đúng chỉ dẫn từ bác sĩ. Ngoài ra, cần kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc khác để nhận được hiệu quả lâu dài.
Có thể bạn quan tâm:
- Trầm Cảm Theo Mùa (SAD): Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị
- Người Bị Rối Loạn Lo Âu Nên Ăn Và Kiêng Ăn Gì Tốt Nhất?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!