Tìm hiểu bí mật ba vùng não tâm trí để làm chủ tình huống, làm chủ cuộc sống

Làm thế nào để làm chủ tình huống đầy khó khăn và áp lực, ra quyết định sáng suốt để đạt được điều mình mong muốn? Trong buổi chia sẻ về “Ba vùng não tâm trí và mô thức hành vi của con người”, chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến đã sử dụng Thuyết não “Triune” của nhà thần kinh học Paul MacLean (Mỹ) để giải thích cách thức hình thành mô thức hành vi của con người và cách để ra quyết định, hành động sáng suốt trong mọi tình huống.

Một bà mẹ cứ cáu giận chồng là trút giận lên con, cáu giận vô cớ với con, mắng chửi, thậm chí là đánh con. Khi bình tĩnh lại, mẹ lại cảm thấy vô cùng ân hận vì mình đã làm điều đó với con, mẹ tự nhủ với bản thân mình sẽ không làm như thế nữa. Nhưng mỗi khi rơi vào tình huống tương tự như vậy, mẹ lại có những hành vi tương tự như mọi lần và làm tổn thương con trẻ. Điều này khiến cho khoảng cách giữa mẹ và con ngày một lớn dần.

Trong cuộc sống, có bao giờ bạn rơi vào tình trạng như vậy không? Bạn hành động theo một thói quen trong một vài tình huống tương tự, nó tự động bật lên nhanh đến mức bạn không kịp suy nghĩ.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Những hành vi lặp đi lặp lại trong những tình huống tương tự như vậy được các chuyên gia tâm lý trị liệu gọi là mô thức hành vi. Mô thức hành vi hiểu đơn giản là cách chúng ta nhìn nhận, đánh giá và thực hiện hành vi theo một lập trình hành vi được thiết kế sẵn trong vùng tiềm thức (vô thức của con người).

Đặc biệt là trong các tình huống khiến bạn bật lên những cảm xúc xấu (lo âu, sợ hãi, nóng giận, xấu hổ, tội lỗi), bạn thường phản ứng lại theo một thói quen, một mô thức hành vi không phù hợp và nó gây cho bạn nhiều rắc rối về mối quan hệ, tài chính, sức khỏe… Và bạn tự hỏi, tại sao tôi lại làm như vậy? Tại sao tôi không thể kiềm chế nổi bản thân? Tôi không thể hiểu nổi bản thân mình nữa…

Trong buổi chia sẻ về “Ba vùng não tâm trí và mô thức hành vi của con người”, chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến đã sử dụng Thuyết não “Triune” được phát triển bởi nhà thần kinh học Paul MacLean (Mỹ) từ năm 1950 để giải thích cách thức hình thành mô thức hành vi của con người để từ đó bạn biết quan sát bản thân mình, hiểu được tại sao mình lại hành động như vậy, tại sao mình lại có mô thức hành vi như thế và làm thế nào để ra quyết định sáng suốt, làm chủ tình huống khó khăn, làm chủ cuộc sống của chính mình.

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.

Ba vùng não tâm trí và cách hình thành mô thức hành vi của con người

Trong thuyết não “Triune”, bộ não con người được chia thành 3 vùng khác nhau theo thứ tự từ dưới lên là: Não bò sát, não quan sát và não người.

Thuyết não “Triune” của Paul MacLean, não người được chia thành 3 tầng khác nhau.

Trong đó, não quan sát (hay còn gọi là não thú, não cảm xúc) có khả năng ghi nhớ lại các trải nghiệm đã xảy ra, đặc biệt là các liên kết giữa nguyên nhân và kết quả đã xảy ra trong quá khứ, và dùng các ký ức này để đánh giá tình huống hiện tại. Điều đáng lưu ý là các trải nghiệm trong quá khứ càng mang đến cảm xúc mạnh bao nhiêu thì nó sẽ càng lưu giữ thông tin đó càng lâu. Và não quan sát hành động theo hướng bảo vệ sự an toàn cho thân chủ. Chính vì vậy, não quan sát được coi là phễu tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin. Tùy vào kết quả đánh giá, nó sẽ sinh ra các cảm xúc tương ứng để chi phối hành vi con người. Tức là tùy vào kết quả đánh giá, nó sẽ đẩy thông tin sang vùng não bò sát hoặc sang vùng não người để quyết định hành vi thực hiện.

Não bò sát có chức năng hành động nhanh chóng và theo bản năng để đảm bảo sự sống còn của chúng ta. Các hoạt động này bao gồm cả những hoạt động bản năng sinh tồn và các hoạt động theo chức năng cơ bản của con người. Bởi vậy, não bò sát thường phản ứng theo 2 cách: “Một là chiến, hai là biến”. Nếu thấy mình nắm chắc phần thắng, não bò sát sẽ đưa ra các hành động “chiến” phản kháng lại đối phương. Nếu thấy mình nắm chắc phần thua, não bò sát sẽ đưa ra các hành động “biến” khỏi tầm mắt đối phương để đảm bảo sự an toàn. Vì vậy, xử lý thông tin theo não bò sát thường gây ra những tổn thương cho đôi bên.

Não người là nơi chịu trách nhiệm xử lý nhận thức và đưa ra các quyết định hợp lý, khi tập trung chủ yếu vào tư duy, sự điều khiển, kiểm soát và kiềm chế. Não người là nơi kích hoạt sự sáng tạo, tình yêu thương và trí tuệ. Vì vậy, khi hành động được xử lý theo chức năng của não người thì dễ kết nối với người xung quanh, thiết lập nên mối quan hệ hòa hợp và đạt được mục đích mà mình mong muốn nhưng hạn chế tối đa sự tổn thương của đôi bên.

Xung đột, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái có thể khiến cả đôi bên tổn thương mà không đạt được mục đích mình mong muốn.

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ: “Tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, nơi Hải Yến đang làm việc, chúng tôi đã và đang trị liệu cho rất nhiều bạn trẻ ở độ tuổi vị thành niên bị trầm cảm. Các bạn và ba mẹ của mình thường có mối quan hệ rất căng thẳng. Một số phụ huynh thường kêu ca với chúng tôi rằng, ba/mẹ chưa nói hết lời con đã cãi lại rồi. Một số phụ huynh khác lại nói rằng, mắng mỏ con là con lên phòng đóng kín cửa lại. Đây chính là hành vi “chiến hoặc biến” của các bạn trẻ khi cảm thấy mình có thể nắm chắc phần thắng hoặc thua trong tình huống giao tiếp căng thẳng với ba mẹ. Thậm chí, trẻ còn muốn biến hẳn khỏi tầm mắt của ba mẹ bằng những hành động nguy hiểm hơn. Trong những tình huống được xử lý theo cách thức của não bò sát, đôi bên thường sẽ bị tổn thương. Điều này khiến cho khoảng cách giữa ba mẹ và con cái sẽ ngày một lớn hơn”.

Điều gì chi phối cách đánh giá tình huống của não quan sát

Điều gì khiến não quan sát “bật công tắc” của não bò sát hay não người? Đó chính là sự an toàn. Khi phân tích, đánh giá tình huống, nếu não quan sát cho rằng đây là một tình huống an toàn, não quan sát sẽ sản sinh ra các cảm xúc bình an, hạnh phúc, thanh thản… và bật công tắc của não người. Ngược lại, nếu não quan sát cho rằng đây là một tình huống không an toàn, não quan sát sẽ sản sinh ra các cảm xúc bất an, lo lắng, sợ hãi… và bật công tác của não bò sát.

Chúng ta ai cũng muốn sử dụng não người để hành động một cách đúng đắn, có sáng tạo, có tình thương và có trí tuệ. Vậy làm thế nào để não quan sát có thể quyết định đây là một tình huống an toàn và đưa thông tin lên phần não người để xử lý. Điều này phụ thuộc vào hệ tư duy, niềm tin gốc rễ của mỗi người.

Khi mới sinh ra, thế giới quan của con người có “tính không”. Trải qua các trải nghiệm (sự kiện) trong quá khứ mà hình thành nên thế giới quan của con người, hình thành nên hệ tư duy, niềm tin gốc rễ của mỗi người. Các trải nghiệm mang đến cảm xúc mạnh mẽ (kể cả cảm xúc tiêu cực và cảm xúc tích cực) hoặc lặp đi lặp lại sẽ có tác động lớn đến sự hình thành thế giới quan này. Tư duy, niềm tin gốc rễ là những điều được cài đặt sâu bên trong vùng tiềm thức (vô thức) của chúng ta và nó chi phối suy nghĩ, lời nói, hành vi của con người một cách vô hình.

Khi bên trong bạn có quá nhiều cảm xúc xấu, bạn không thể xử lý tình huống một cách sáng suốt được.

Bởi vậy, nếu bên trong chúng ta có rất nhiều cảm xúc xấu, suy nghĩ tiêu cực, mâu thuẫn nội tâm, thói quen xấu, niềm tin giới hạn thì khi sự kiện đến, não quan sát sẽ dễ dàng bật công tắc não bò sát.

Ngược lại, nếu bên trong chúng ta có thế giới quan đúng đắn, niềm tin, tư duy tích cực và tương hỗ thì não quan sát sẽ dễ dàng bật công tắc não người.

Do đó, nếu chúng ta muốn não quan sát dễ dàng bật công tắc não người, hãy xử lý những cảm xúc xấu, suy nghĩ tiêu cực, mâu thuẫn nội tâm, thói quen xấu, niềm tin giới hạn, để hình thành nên những niềm tin, tư duy gốc rễ đúng đắn, tích cực và tương hỗ. Như vậy, não quan sát sẽ chứa những thông tin tích cực và phản xạ lại bằng cảm xúc tích cực để bật lên công tắc não người.

Hãy nhớ rằng, bộ não của chúng ta xử lý tình huống rất nhanh chóng, có thể ví như tốc độ của ánh sáng vậy. Chúng ta không thể điều khiển hành vi của mình một cách sáng suốt nếu như bên trong chúng ta còn tồn tại quá nhiều niềm tin, tư duy tiêu cực, không đúng đắn.

Làm thế nào để chúng ta làm chủ tình huống, làm chủ cuộc sống của mình?

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chúng ta càng chủ động bao nhiêu thì chúng ta càng có khả năng xử lý hành vi của mình một cách đúng đắn khi sự kiện đến. Hãy xây dựng cho mình một hệ tư duy, niềm tin đúng đắn, tương hỗ và tích cực bằng nhiều cách khác nhau như đọc sách hay giao tiếp với những con người tích cực.

Thói quen đọc sách mang đến nhiều lợi ích cho con người.

Đọc sách: Các quyển sách về phát triển bản thân, sách kinh phật hay những cuốn sách giúp bạn tìm hiểu con người bên trong của mình.

Giao tiếp với những con người tích cực, truyền cảm hứng tích cực để mình được học hỏi, được bình an và lây lan những năng lượng tích cực từ họ.

Đây là những giải pháp phổ biến trong cuộc sống đời thường. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các giải pháp từ tâm lý trị liệu, tâm lý học để hình thành cho mình những niềm tin, tư duy tích cực và tương hộ như: Tự kỷ ám thị, ngôn từ hướng tới, lòng biết ơn.

Tự kỷ ám thị

Tự kỷ ám thị hiểu đơn giản là sử dụng những câu tuyên bố tích cực để đảo ngược lại những suy nghĩ tiêu cực, thói quen xấu, niềm tin giới hạn, mâu thuẫn nội tâm, cảm xúc tiêu cực. Ví dụ như bạn có niềm tin rằng “mình là một người kém cỏi, chậm chạp”, bạn có thể đọc tuyên ngôn tích cực: “Tôi là người giỏi giang, nhanh nhẹn và hoạt bát”. Các tuyên ngôn trong tự kỷ ám thị nên đọc vào mỗi sáng thức dậy và trước khi đi ngủ.

Tự kỷ ám thị đóng vai trò cầu nối giữ một bên là phần ý thức tạo ra tư duy và một bên là phần tiềm thức tạo ra hành động. Thông qua ý thức (không quan trọng đó là những ý nghĩ tích cực hay tiêu cực), những nguyên tắc của tự kỷ ám thị sẽ chạm đến tiềm thức của con người và tác động đến tiềm thức bằng những tuyên ngôn đó.

Trong rất nhiều trường hợp, tự kỷ ám thị đã đem lại thành công cho con người ngoài sức tưởng tượng, những việc mà bản thân họ đã từng nghĩ mình không có khả năng làm được. Người ta có thể sử dụng kỹ thuật tự kỷ ám thị như một liệu pháp để ngăn chặn và vượt qua bệnh tật. Thậm chí nó có thể đưa một con người cận kề ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, từ sự suy sụp khi nghĩ không còn khả năng cứu chữa trở lại với cuộc sống vui tươi. Napoleon Hill rất đề cao vai trò của tự kỷ ám thị, coi đây là một trong những nhân tố dẫn đến thành công của ông.

Ngôn từ hướng tới

Ngôn từ hướng tới hiểu đơn giản là chúng ta sử dụng những ngôn từ tích cực, yêu thương để hướng tới mục tiêu của mình. Để rèn luyện việc sử dụng ngôn từ hướng tới trong cuộc sống hàng ngày, bạn cần ghi lại những ngôn từ tiêu cực mà hàng ngày bạn sử dụng và đảo ngược câu nói đó trở thành câu khẳng định và sử dụng những ngôn từ tích cực trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như “tôi ốm yếu lắm” trở thành “tôi đang không được khỏe lắm” hay “sức khỏe của tôi đang tốt dần lên”, thậm chí là “tôi khỏe mạnh”. Tất nhiên, việc thay đổi thói quen sử dụng ngôn từ là không hề dễ dàng, nhưng bất cứ khi nào bạn thấy mình đang sử dụng ngôn từ tiêu cực, hãy dùng ngôn từ tích cực để đảo lại ngay lập tức. Dần dần, bạn sẽ có thói quen, phản xạ sử dụng ngôn từ hướng tới.

Ngôn từ tích cực có thể kích hoạt được những cảm xúc tích cực, trạng thái tâm lý tuyệt vời cho chính bản thân mình, giúp bạn khởi tạo, duy trì, thúc đẩy được những mối quan hệ tốt đẹp mà mình đang có đồng thời khắc phục được những mối quan hệ chưa tốt đẹp mà bạn đang có dù là vô tình hay hữu ý.

Đặc biệt, những ngôn từ hướng tới được bạn sử dụng hàng ngày sẽ giúp cho bạn giải tỏa tâm lý, cải thiện cách bạn nghĩ, những mô thức về tâm trạng, cảm xúc nằm sâu trong tâm trí bạn. Đó là cách mà ngôn từ hướng tới từng bước, từng bước có thể giúp bạn giải quyết được sang chấn tâm lý và hình thành niềm tin, tư duy tích cực và tương hỗ.

Thực hành lòng biết ơn

Nếu một người không biết ơn những gì anh ta đang có, thì anh ta cũng sẽ không có một cơ hội để được biết ơn những gì sẽ nhận được”.

Frank A. Clark

Khi những điều tích cực, điều tuyệt vời đến làm chúng ta trở nên bình an hơn thì những khó khăn, những thách thức, trở ngại, thất bại tới giúp chúng ta bình an và mạnh mẽ hơn. Vậy làm thế nào để khiến cho mình trở nên mạnh mẽ và cảm thấy bình an trước những tiêu cực đến với chúng ta trong cuộc sống. Khởi nguồn của nó chính là lòng biết ơn.”, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến chia sẻ.

Lòng biết ơn là một trong những điều chúng ta cần phải có. Khi có lòng biết ơn, chúng ta sẽ thấy cuộc sống thật phước lành, thấy bình an ở trong nội tâm, có được sự hài lòng, sự thỏa mãn, sự thoải mái với bất kỳ một điều gì mà chúng ta đang sở hữu, kể cả là với những vấn đề đang tới. Lòng biết ơn giúp ta quý trọng những gì mình đang có ngày hôm nay và biến những điều chúng ta mong muốn đạt được trở thành hiện thực. Và lòng biết ơn giúp cho chúng ta có một cuộc sống thật bình an, khiến cho nội tâm chúng ta trở nên đẹp đẽ hơn, giúp chúng ta nhìn cuộc sống này dưới một lăng kính tuyệt vời hơn.

Để thực hành lòng biết ơn, bạn có thể sử dụng quyển sách Phép màu. Trong đó, quyển sách có hướng dẫn bạn thực hành lòng biết ơn trong 28 ngày. Tuy nhiên, để bất kỳ một giải pháp nào, thực hành lòng biết ơn, tự kỷ ám thị hay ngôn từ hướng tới, bạn nên thực hiện 108 ngày để giải pháp thực sự đem lại tác dụng tốt nhất và thay đổi những niềm tin, tư duy được cài đặt từ bên trong con người bạn.

4 câu thần chú Ho’oponopono có tác dụng chữa lành cực kỳ vi diệu.

Ngoài ra, trong các tình huống khẩn, bạn có thể sử dụng các câu như A di đà phật hay 4 câu thần chú chữa lành Ho’oponopono hoặc sử dụng bất kỳ một câu gì mà bạn có thể tỉnh thức, có thể bình an và kích hoạt các cảm xúc tích cực để làm chủ tình huống và xử lý vấn đề một cách sáng suốt.

Trong cuộc sống, chúng ta giao tiếp với chính mình và người khác bằng 4 con đường: Suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành động. Chúng ta có thể kích hoạt não người của đối phương bằng cách tạo ra sự an toàn. Tức là chúng ta cũng đang sử dụng não người để giao tiếp với người khác.

Đôi khi ba mẹ thường mang tâm trạng, cảm xúc tiêu cực từ bên ngoài về nhà và giao tiếp với các con bằng sự bực tức, cáu giận, quyền lực, tức là sử dụng não bò sát để giao tiếp với con. Điều này sẽ dễ khiến cho con cũng bật não bò sát để giao tiếp với chúng ta. Khi đôi bên không kiểm soát được hành vi của chính mình thì sẽ dễ tạo ra những tổn thương cho cả hai bên. Hãy dùng tình thương yêu, sự tỉnh thức của mình để tạo ra cảm giác an toàn và kích hoạt não người của người khác. Trong vấn đề nuôi dạy con cũng vậy, hãy kích hoạt não người của con bằng tình thương yêu, sự tỉnh thức của ba mẹ. Sau đó, hãy quan sát con và vận dụng các kiến thức nuôi con đúng đắn trong giao tiếp để đạt được mong muốn của ba mẹ. Hãy nhớ rằng, sự giao tiếp của ba mẹ với con cũng có thể sẽ gieo vào đầu con những niềm tin, tư duy. Bởi vậy, ba mẹ hãy nghĩ xem muốn con có những niềm tin tư duy như thế nào, tích cực hay tiêu cực.”, chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến chia sẻ.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Hy vọng những thông tin về ba vùng não tâm trí sẽ giúp các bạn hiểu được rõ hơn quá trình tạo ra mô thức hành vi của con người, áp dụng trong cuộc sống để luôn làm chủ tình huống và đưa ra quyết định sáng suốt.

Xem video “Ba vùng não tâm trí và mô thức hành vi của con người” do chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:

Có thể bạn quan tâm:

Lời khuyên có tốt cho người trầm cảm? Chuyên gia tâm lý giải đáp trên kênh VTV2

Tâm lý trị liệu là phương pháp đẩy lùi Trầm cảm tốt nhất hiện nay

3.5/5 - (2 bình chọn)

Bình luận

  1. David Sinh Tong says: Trả lời

    Cảm ơn chuyên gia Bùi Thị Hải Yến! Tôi được hiểu hơn về hoạt động của não và chuẩn bị tinh thần để xử lý khi giao tiếp với mọi người. Tôi đã xử dụng Tự kỷ ám thị từ trước, và nay sẽ thực hành thường xuyên hơn để gieo hạt giống lòng biết ơn, cảm xúc yêu thương, tư duy tích cực nhiều hơn nữa và tưới nước chăm sóc mỗi ngày để có được một mùa thu hoạch, hát những trái ngọt. Tôi sẽ dạy mọi người thực hành bài học này. Trân trọng và rất biết ơn sự cống hiến của chuyên gia Bùi Thị Hải Yến!! 💜🌹

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *