Trầm Cảm Ở Học Sinh: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Chữa Trị

Trầm cảm ở học sinh là tình trạng đang ngày càng có xu hướng gia tăng trong cuộc sống hiện đại. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em học sinh. Do đó, phụ huynh cần sớm phát hiện và có sự quan tâm đúng mức.

trầm cảm ở học sinh
Tình trạng trầm cảm ở học sinh đang ngày càng trở nên phổ biến gây ra nhiều hệ quả xấu cho trẻ

Thực trạng trầm cảm ở học sinh

Tuổi học đường là lứa tuổi đang có sự thay đổi về cả thể chất và tâm sinh lý theo từng giai đoạn. Các em học sinh thường rất nhạy cảm trước những tác động xung quanh. Đồng thời cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các áp lực, suy nghĩ hay lối sống tiêu cực.

Trầm cảm ở học sinh hiện đang là thực trạng đáng quan ngại ở cuộc sống ngày nay. Tình trạng này đặc trưng bởi tâm lý bi quan, chán nản và thậm chí là có suy nghĩ, hành vi tự sát ở các em học sinh.

Theo các khảo sát của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, chứng trầm cảm ở học sinh đang ngày càng có xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm đối với các em học sinh trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Số liệu năm 2016 ước tính có tới 3.1 triệu thanh thiếu niên Hoa Kỳ (khoảng 12 – 17 tuổi) từng ít nhất trải qua một giai đoạn trầm cảm lớn. Trong đó, tỷ lệ học sinh nữ bị trầm cảm ở tuổi dậy thì nhiều hơn học sinh nam. Tuy nhiên chỉ 19% học sinh bị mắc chứng trầm cảm trong giai đoạn này nhận được sự chăm sóc y tế đúng mức.

Riêng tại Việt Nam, theo một khảo sát thực tế với 1.727 học sinh Trung học cơ sở tại thành phố Hà Nội thì có tới 25.76% trong số này có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả bệnh trầm cảm.

Một số nghiên cứu dịch tế học của các quốc gia có thu nhập cao phát hiện, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mắc các triệu chứng rối loạn tâm thần là 8 – 18%. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì trầm cảm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ ở lứa tuổi học sinh.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở học sinh

Bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng của bệnh trầm cảm. Trong đó, lứa tuổi học sinh hiện nay có rất nhiều nguy cơ gặp phải chứng rối loạn cảm xúc này.

Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng đủ tinh tế để sớm nhận ra những bất thường của con mình. Không ít người cho rằng biểu hiện chống đối của con là do giao du với bạn bè xấu hay tư tưởng ngỗ nghịch mà không nghĩ đây có thể là dấu hiệu bệnh trầm cảm.

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh trầm cảm ở học sinh sẽ giúp bạn kịp thời ngăn chặn những hệ quả xấu cho con mình. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp cả bệnh trầm cảm ở học sinh:

1. Triệu chứng về cảm xúc và nhận thức

Bệnh trầm cảm có thể ảnh hưởng đến cách mà một học sinh suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề hay biểu hiện cảm xúc. Các triệu chứng có thể bao gồm:

biểu hiện bệnh trầm cảm ở học sinh
Bệnh trầm cảm khiến học sinh chán nản, buồn bã, mất hứng thú với mọi thứ xung quanh
  • Trẻ có xu hướng trở nên nóng tính và thường xuyên cảm thấy cáu giận. Trẻ thường thể hiện sự tức giận bằng cách đập cửa, la hét,…
  • Không có hứng thú hoặc có ít hứng thú với những hoạt động xung quanh, ngay cả với các sở thích trước đây.
  • Luôn cảm thấy buồn bã, chán nản và tuyệt vọng.
  • Có cảm giác bản thân vô dụng, muốn buông xuôi, không muốn học hành hay làm bất cứ việc gì.
  • Luôn cảm thấy bứt rứt, lo lắng vô cớ và không thể ngồi yên một chỗ.
  • Luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng.
  • Suy nghĩ tiêu cực và bi quan về cuộc sống.
  • Trí nhớ giảm sút, hay quên, mất tập trung.
  • Tìm đến rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích từ rất sớm.
  • Suy nghĩ đến cái chết, thậm chí tìm mọi cách để thực hiện hành vi tự sát.

2. Triệu chứng về thể chất

Ngoài các biểu hiện về mặt cảm xúc và nhận thức thì bệnh trầm cảm còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Biểu hiện với các triệu chứng sau đây:

  • Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc
  • Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống
  • Lười di chuyển, vận động chậm chạp
  • Chán ăn, hay bỏ bữa hoặc ăn mất kiểm soát
  • Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, đau nhức cơ thể,…

Nguyên nhân gây trầm cảm ở học sinh

Bệnh trầm cảm thường xảy ra do tác động từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, với đối tượng học sinh thì có thể xuất hiện một số yếu tố đặc trưng hơn. Việc xác định được nguyên nhân sẽ góp phần tích cực cho quá trình kiểm soát triệu chứng và điều trị bệnh.

Các nguyên nhân có liên quan đến bệnh trầm cảm ở học sinh bao gồm:

1. Bạo lực học đường gây trầm cảm ở học sinh

Ngày nay, tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh bạo lực về thể chất thì nhiều học sinh còn bị bạo lực tinh thần.

nguyên nhân gây trầm cảm ở học sinh
Bạo lực học đường là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều học sinh bị trầm cảm

Việc thường xuyên bị chế giễu, tẩy chay, cô lập hay đánh đập hội đồng khiến cho nhiều học sinh rơi vào trạng thái lo lắng và ám ảnh khi đi học. Tình trạng này không được giải quyết có thể dẫn tới bệnh trầm cảm ở học sinh.

2. Áp lực học tập, thi cử

Ở thời đại ngày nay, áp lực học tập và thi cử đang ngày càng đè nặng lên vai bất cứ học sinh nào. Một phần là do cha mẹ không ngừng thúc ép và luôn không hài lòng với điểm số của con. Ngoài ra còn là do áp lực từ phía nhà trường và bạn bè đồng trang lứa.

Các chuyên gia cho biết, áp lực học tập là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vấn đề tâm lý, bao gồm cả bệnh trầm cảm ở học sinh. Nhiều thống kê cho thấy, áp lực học tập khiến cho 80% học sinh không được ngủ đủ giấc, luôn bị mệt mỏi. Thậm chí đôi khi còn phải dùng thuốc hỗ trợ để giải tỏa tinh thần.

3. Thiếu sự quan tâm từ phụ huynh

Các em học sinh đang ở lứa tuổi phát triển tâm sinh lý theo từng giai đoạn khác nhau. Do đó thường trở nên nhạy cảm với những thay đổi xung quanh mình.

vì sao học sinh bị trầm cảm
Thiếu sự quan tâm từ phụ huynh có thể góp phần làm tăng nguy cơ bị trầm cảm ở học sinh

Với vốn sống còn ít ỏi, việc phải trải qua những vấn đề cản trở trong cuộc sống là điều không dễ dàng. Trẻ luôn cần có sự hỗ trợ và quan tâm từ phía các bậc phụ huynh. Thiếu đi điều này có thể sẽ làm tăng nguy cơ bị trầm cảm ở học sinh.

4. Yếu tố xã hội gây trầm cảm ở học sinh

Yếu tố xã hội cũng được cho là có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm ở học sinh. Xã hội hiện đại ngày càng phát triển kéo theo đó là những lo toan và áp lực sinh tồn.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người lớn mà còn khiến đối tượng học sinh phải chịu nhiều áp lực vô hình. Từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển tâm sinh lý của trẻ và rất dễ dẫn tới trầm cảm.

5. Lối sống thiếu lành mạnh

Hiện nay, có rất nhiều học sinh đang duy trì lối sống thiếu lành mạnh. Có thể là thức đêm, nghiện chơi điện tử, lười vận động, uống rượu, hút thuốc lá…

nghiện điện tử gây trầm cảm ở học sinh
Nghiện điện tử có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm ở nhiều học sinh

Các thói quen xấu gây rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập của học sinh. Sức khỏe sa sút, não bộ luôn mệt mỏi và uể oải kéo dài có thể gây ra nhiều dạng rối loạn tâm thần khác nhau.

6. Các yếu tố khác

Ngoài những nguyên nhân đặc trưng nêu trên thì một số yếu tố khác cũng có thể liên quan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở học sinh. Các yếu tố được đề cập bao gồm:

  • Yếu tố di truyền
  • Cha mẹ ly hôn
  • Mất đi người thân
  • Bị lạm dụng tình dục
  • Rối loạn hormone trong cơ thể
  • Học sinh thuộc cộng đồng LGBT

Ảnh hưởng của chứng trầm cảm ở học sinh

Trầm cảm ở học sinh đang là vấn đề đáng quan ngại hiện nay. Nếu không sớm phát hiện và có sự quan tâm đúng mức thì trẻ có thể gặp phải nhiều hệ quả xấu.

hệ quả của bệnh trầm cảm ở học sinh
Trầm cảm có thể khiến cho kết quả học tập sa sút, học sinh thường xuyên bị điểm kém

Dưới đây là một số ảnh hưởng của bệnh trầm cảm đến các em học sinh:

  • Kết quả học tập kém: Trầm cảm khiến cho nhiều em học sinh chán nản, mệt mỏi và không thể tập trung vào việc học. Hơn nữa, khả năng tư duy và trí nhớ cũng sẽ suy giảm. Do đó sẽ khiến cho kết quả học tập kém mà minh chứng rõ ràng nhất là thường xuyên bị điểm kém.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Trầm cảm có thể khiến cho chất lượng cuộc sống của trẻ suy giảm rõ rệt. Nhiều trẻ còn không muốn thực hiện cả việc vệ sinh cá nhân hằng ngày. Tinh thần luôn ở trong trạng thái mệt mỏi và suy kiệt sức lực.
  • Cản trở sự phát triển thể chất và trí não: Trên thực tế, bệnh trầm cảm còn khiến trẻ chán ăn, lười vận động, lười tiếp thu… Tình trạng này kéo dài có thể làm suy giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ nhiễm bệnh và cản trở sự phát triển trí não.
  • Ảnh hưởng tới các mối quan hệ: Những học sinh mắc bệnh trầm cảm thường có xu hướng xa lánh mọi người xung quanh do ngại giao tiếp. Điều này khiến trẻ dần mất đi các mối quan hệ bạn bè và xã hội.
  • Tăng nguy cơ tự sát: Tình trạng trầm cảm ở học sinh không sớm phát hiện và can thiệp có thể làm tăng nguy cơ tự sát. Nguyên nhân là do trẻ thường suy nghĩ về cái chết và luôn tìm cách hiện thực hóa nó.

Hướng chữa trị trầm cảm ở học sinh

Bệnh trầm cảm đang ngày càng xảy ra phổ biến ở đối tượng học sinh. Như đã đề cập, tình trạng này nếu không sớm phát hiện và quan tâm đúng mức có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Dưới đây là một số giải pháp có thể giúp kiểm soát và điều trị chứng trầm cảm ở học sinh:

1. Ngủ đủ giấc

Trầm cảm ở học sinh có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ hay ngủ không ngon giấc. Ngược lại, muốn kiểm soát bệnh trầm cảm thì bạn cần nhắc nhở con mình chú ý đến chất lượng giấc ngủ.

Việc đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc là cần thiết cho cả sức khỏe thể chất và tâm trạng. Nên ngủ trước 23 giờ và đảm bảo ngủ đủ 7 – 9 giờ mỗi ngày. Đặc biệt là cần chú ý đến giấc ngủ buổi tối.

kiểm soát chứng trầm cảm ở học sinh
Ngủ đủ giấc có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm và khiến tinh thần tốt hơn

Trường hợp các bé gặp khó khăn trong việc sở hữu một giấc ngủ ngon thì bạn cần có biện pháp hỗ trợ con. Ví dụ như áp dụng liệu pháp mùi hương, vệ sinh giấc ngủ, massage, hạn chế cho con dùng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ,…

2. Cải thiện chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Đặc biệt là với đối tượng học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn.

Các chuyên gia cho rằng, việc cải thiện dinh dưỡng còn đặc biệt hữu ích với quá trình kiểm soát bệnh trầm cảm. Ăn uống lành mạnh giúp làm giảm các triệu chứng mệt mỏi, buồn bã, lo lắng,…

Bạn cần chuẩn bị cho con mình những bữa ăn lành mạnh và cân bằng. Luôn nhắc nhở con ăn đủ bữa mỗi ngày và đặc biệt chú ý đến bữa sáng.

Có thể bổ sung vào chế độ ăn của con các thực phẩm tươi sạch, giàu vitamin và khoáng chất. Đồng thời hạn chế cho con ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ cay nóng, thức uống có gas, cồn và chất kích thích.

3. Hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất là rất cần thiết đối với sức khỏe tinh thần ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt là đối với những học sinh đang phải vật lộn với chứng trầm cảm thì bạn nên khuyến khích con tập thể dục mỗi ngày.

Hoạt động thể chất thúc đẩy cơ thể giải phóng hormone hạnh phúc – endorphin. Loại hormone này sẽ tương tác với những thụ thể trong não có tác dụng làm giảm cảm giác đau. Ngoài ra còn kích hoạt những trạng thái tích cực trong cơ thể.

cách kiểm soát bệnh trầm cảm ở học sinh
Tập thể dục giúp thúc đẩy sản sinh hormone hạnh phúc và loại bỏ các cảm xúc tiêu cực

Tập thể dục đều đặn mỗi ngày đã được chứng minh là có thể làm giảm căng thẳng, tránh cảm xúc lo lắng và chán nản. Hơn nữa còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ rất hiệu quả.

Ngoài ra, việc hoạt động thể chất thường xuyên còn mang đến cho con bạn nhiều lợi ích sức khỏe khác. Phải kể đến như tăng năng lượng, cải thiện sức mạnh cơ bắp, củng cố cấu trúc xương,…

4. Tăng cường kết nối với gia đình và bạn bè

Kết nối xã hội là yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng với việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Nếu một học sinh đang phải vật lộn với chứng trầm cảm thì bạn bè và người thân có thể mang đến rất nhiều sự hỗ trợ.

Khi mắc chứng trầm cảm, các học sinh thường dễ cảm thấy bị cô lập và mất kết nối với những người thân yêu. Lúc này cần thực hiện một số giải pháp để tăng cường sự kết nối. Ví dụ như gửi thư, gọi điện, nhắn tin nhóm, cùng tham gia câu lạc bộ, chơi trò chơi trực tuyến…

5. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị các bệnh rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu,… Đặc biệt với chứng trầm cảm ở học sinh thì đây luôn là phương pháp được ưu tiên.

điều trị trầm cảm ở học sinh
Tâm lý trị liệu là phương pháp được ưu tiên trong điều trị trầm cảm ở học sinh

Trước hết, các chuyên gia tâm lý sẽ kiểm tra sức khỏe tinh thần của con bạn bằng việc tìm hiểu về triệu chứng và tiền sử bệnh. Sau đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà sẽ chọn lựa phương pháp trị liệu tâm lý phù hợp.

Riêng với chứng trầm cảm ở học sinh thì liệu pháp điều trị cá nhân (IPT) và liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là thường được áp dụng phổ biến. Đôi khi chuyên gia tâm lý cũng có thể yêu cầu phụ huynh cùng điều trị với trẻ trong các trường hợp cần thiết.

6. Điều trị bằng thuốc

Trong một số trường hợp, triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần, thể chất và cuộc sống của học sinh. Lúc này, việc sử dụng thuốc để kiểm soát là rất cần thiết.

Bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng, mức độ bệnh và độ tuổi cụ thể của học sinh để kê toa các loại thuốc phù hợp. Hiện nay, một số loại thuốc chống trầm cảm đã được phê duyệt sử dụng an toàn cho lứa tuổi học sinh.

Cụ thể, thuốc fluoxetine (Prozac) có thể dùng được cho học sinh từ 8 tuổi trở lên bị trầm cảm. Ngoài ra, với những học sinh trên 12 tuổi thì có thể sử dụng thêm escitalopram (Lexapro).

Tất cả các thuốc dùng để điều trị trầm cảm ở học sinh cần tuân thủ chỉ định từ bác sĩ. Việc sử dụng thuốc của trẻ cần được giám sát bởi phụ huynh để tránh việc dùng thiếu hay quá liều.

7. Vai trò của giáo viên

Những trẻ đang ở độ tuổi học sinh thường kinh nghiệm sống còn hạn hẹp. Điều này có thể dẫn tới việc xử lý các tình huống căng thẳng hoặc áp lực kém và gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe, bao gồm cả nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Sự giúp đỡ của giáo viên được cho là đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình điều trị trầm cảm ở học sinh. Dưới đây là một số vấn đề giáo viên có thể làm:

điều trị trầm cảm ở học sinh
Sự quan tâm của giáo viên đóng vai trò đặc biệt quan trọng với quá trình điều trị trầm cảm ở học sinh
  • Cung cấp sự hỗ trợ: Giáo viên cần giúp học sinh bị trầm cảm cảm nhận được sự quan tâm của bạn dành cho chúng. Hãy cho chúng biết rằng, bạn luôn sẵn sàng trợ giúp, khuyến khích điểm mạnh và sở thích của chúng. Ngoài ra, giáo viên cần tìm kiếm cơ hội để giúp học sinh thành công trong lớp học. Hãy cho chúng biết rằng bạn nhìn thấy hết mọi nỗ lực của chúng, dù là nhỏ nhất.
  • Cho thêm thời gian hoàn thành bài tập: Đây cũng là một yếu tố mà giáo viên hoàn toàn có thể điều chỉnh để giúp đỡ những học sinh đang bị trầm cảm. Nên sắp xếp cho chúng học tập với một bạn giỏi hơn để nhận được sự hỗ trợ.
  • Biến hoạt động thể chất trở thành thói quen hằng ngày tại lớp học: Điều này có thể sẽ giúp làm giảm nhẹ bớt các triệu chứng trầm cảm. Ngoài ra còn tiếp thêm năng lượng cho tất cả các học sinh của bạn.
  • Thực hiện các bài thực hành chánh niệm đơn giản trong lớp: Vào các thời điểm ngẫu nhiên hoặc theo lịch trình, giáo viên có thể mời cả lớp tạm dừng việc học và thực hiện hít thở sâu. Điều này có thể giúp học sinh được thực hành kỹ năng tự trấn tĩnh rất hiệu quả.
  • Nâng cao môi trường giáo dục: Cần thiết lập và duy trì một môi trường giáo dục là nơi mà mỗi học sinh đều cảm thấy an toàn và hòa nhập. Điều này giúp học sinh phát triển tốt hơn và hạn chế tình trạng bạo lực học đường.

8. Vai trò của phụ huynh

Với nhịp sống nhanh và hối hả như hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh không dành nhiều thời gian để quan tâm và hỗ trợ con cái. Điều này có thể khiến trẻ bị thiếu hụt sự yêu thương và che chở.

Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, trong quá trình điều trị bệnh trầm cảm ở học sinh thì không chỉ giáo viên mà phụ huynh cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Để phần nào ngăn chặn tình trạng trầm cảm ở học sinh thì phụ huynh cần chú ý đến các vấn đề sau:

  • Quan tâm hỗ trợ cho con trong mọi hoạt động hằng ngày
  • Luôn lắng nghe và dành thời gian trò chuyện cùng con
  • Dành thời gian vui chơi với con để có thể thấu hiểu con nhiều hơn
  • Hạn chế cáu gắt hay nổi giận với con
  • Luôn hỗ trợ con hình thành những thói quen lành mạnh

Tình trạng trầm cảm ở học sinh là vấn đề đáng quan ngại trong cuộc sống hiện đại. Điều này cần có sự quan tâm đúng mức từ phía giáo viên và phụ huynh để sớm giúp trẻ thoát khỏi ảnh hưởng của trầm cảm. Từ đó giúp trẻ phát triển và thành công hơn trong học tập cũng như có được cuộc sống tốt đẹp.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *