Thực trạng áp lực điểm số làm học sinh mệt mỏi stress

Áp lực điểm số chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến học sinh luôn trong trạng thái căng thẳng, stress, lo lắng, thiếu năng lượng. Áp lực này thường bắt nguồn từ chính gia đình, môi trường xã hội xung quanh khiến các em không còn cảm nhận được niềm vui, sự hồn nhiên đúng tuổi của mình. Thậm chí không ít đứa trẻ gặp phải vấn đề tâm lý nghiêm trọng vì áp lực học tập.

Thực trạng áp lực điểm số làm học sinh mệt mỏi stress

Chúng ta thường luôn nói rằng thời học sinh chính là thời điểm hạnh phúc nhất, vô lo vô nghĩ, không phải kiếm tiền nên chẳng có chút áp lực nào. Tuy nhiên thực tế, ngày nay điều này đã thay đổi hoàn toàn. Khi xã hội ngày càng phát triển, mỗi người đều phải chứng minh được năng lực của bản thân nếu không muốn mình bị thụt lùi khiến ai cũng luôn bị ám ảnh bởi thứ hạng, điểm số, bằng cấp ngay từ khi còn nhỏ.

áp lực điểm số
Điểm số luôn là một trong những vấn đề khiến học sinh, sinh viên bị căng thẳng, áp lực

Áp lực điểm số chính là nguyên nhân hàng đầu khiến học sinh bị stress hiện nay. Ai cũng mong muốn mình trở nên nổi bật, mình có thể đứng đầu và cho rằng chỉ có học giỏi mới làm được điều này. Áp lực từ những con số được bắt nguồn từ chính gia đình, nhà trường và cả bạn bè xung quanh khiến các bạn học sinh không thể nghỉ ngơi, chỉ có thể cố gắng, cố gắng và không ngừng cố gắng hơn.

Căng thẳng, mất ngủ, luôn có cảm giác bồn chồn lo lắng, ăn uống không ngon, thường xuyên gặp ác mộng liên quan đến vấn đề điểm số chính là những biểu hiện rõ ràng về áp lực điểm số. Một số đứa trẻ còn rơi vào trạng thái lúc nào cũng uể oải, mệt mỏi, thiếu năng lượng, sợ hãi khi nghĩ đến việc học hay đến trường, đặc biệt vào thời điểm thi cử.

Một thực tế có thể nhìn thấy rõ ở những gần đây, học sinh thường bắt đầu việc học thêm từ rất sớm. Có những đứa trẻ dù chỉ mới 5-6 tuổi nhưng đã bắt đầu học thêm tiếng anh, học nâng cao toán, học âm nhạc, học mỹ thuật. Điều này không xuất phát từ sở thích hay mong muốn của con mà đều do sự chỉ đạo từ gia đình. Trẻ cũng bị “nhồi nhét” tư tưởng rằng, chỉ có điểm cao mới là giỏi, mới là thành công.

Rất nhiều các thống kê đã chỉ ra có tới hơn 80% học sinh ngủ ít hơn so với thời gian cần thiết của lứa tuổi. Trẻ phải thức đến 1-2h sáng để làm bài tập, từ bài cơ bản chuyển lên bài nâng cao để không thua kém bạn bè. Nghiên cứu của tác giả Lê Thanh Thủy trên 65 học sinh trung học cũng cho kết quả có tới 89,2% học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, stress vì học quá nhiều, do áp lực điểm số trong đó có đến 49,2% rơi vào trạng thái rất căng thẳng.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức The Washington Post, Quỹ Kaiser Family kết hợp cùng Đại học Harvard, tại khu vực Washington the District cũng cho kết quả hơn 58% học sinh nói rằng trường học là nguyên nhân lớn nhất khiến các em bị căng thẳng. Luôn nghĩ tới điểm số, thứ hạng khiến các em luôn thấy sợ hãi khi đến trường, ngủ không ngon, đặc biệt vào các đợt kiểm tra năng lực.

Thực trạng áp lực về điểm số, thứ hạng của học sinh, sinh viên là điều có thể thấy rõ ở bất cứ đâu, từ thành thị đến nông thôn. Bởi vốn dĩ xưa nay tất cả chúng ra đều mặc định rằng, điểm số, thứ hạng chính là điều thể hiện rõ được năng lực mỗi người, quyết định được sự thành công ở tương lai. Nếu ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường mà đã không được điểm cao thì rất khó thành công. Bởi thế mà ngay từ nhỏ những đứa trẻ đã mang tư tưởng này và không ngừng chạy theo điểm số.

Có một câu nói rằng “núi cao còn có núi cao hơn” và điều này rất đúng trong việc học. Một người có thể đứng đầu ở trong lớp nhưng chỉ đứng thứ hạng 20 trên toàn trường. Một người đứng đầu toàn trường nhưng điểm trung bình lại thua người đứng đầu thành phố. Vòng xoay này cứ lặp đi lặp lại khiến học sinh phải cố gắng không ngừng để ngày càng vươn lên cao hơn.

Có áp lực thì mới có kim cương, tuy nhiên nếu không biết cách xử lý áp lực này thì những hệ lụy nó gây ra sẽ vô cùng nguy hiểm. Áp lực điểm số khiến học sinh không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi đúng với tuổi thơ mà suốt ngày chỉ có học và học. Đặc biệt với những đứa trẻ phải chịu áp lực này từ gia đình còn thiếu đi các kỹ năng giao tiếp, các kỹ năng mềm vì chỉ có biết học chứ không được ra ngoài khám phá.

Một thực tế đang buồn hiện nay chính là dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng tỉ lệ học sinh mắc các vấn đề tâm lý đang ngày càng tăng. Theo thống kê, tỉ lệ học sinh THPT mắc chứng rối loạn lo âu lên tới 25,1%, trầm cảm là hơn 20% và tỉ lệ học sinh có nguy cơ cao gặp các bệnh tâm lý khác là gần 50%. Đây chính là những con số biết nói có thể thể hiện rõ được thực trạng về áp lực điểm số khến học sinh mệt mỏi, stress.

Áp lực điểm số và những hệ lụy đáng buồn

Áp lực điểm số không chỉ xuất phát từ gia đình và nhà trường mà còn liên quan đến cả áp lực đồng trang lứa. Bởi thế hầu như mọi học sinh đều mang trong mình áp lực này, chỉ khác nhau về mức độ. Khả năng xử lý của học sinh, sinh viên còn rất thấp, vì vậy nếu không được hỗ trợ kịp thời thì những áp lực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính cách, cuộc sống và tinh thần của mỗi người.

áp lực điểm số
Áp lực điểm số khiến học sinh luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, tiêu cực, không còn chút sức lực nào

Một số biểu hiện rõ rệt ở những học sinh đang chịu áp lực học tập chính là luôn thấy chán chường, mức độ tập trung giảm, cơ thể luôn trong trạng thái lờ đờ, lơ đãng, dễ buồn bực, kích động. Đặc biệt ở những đứa trẻ chịu áp lực từ cha mẹ hằng ngày, luôn bắt con cái phải học giỏi, phải đứng đầu thì những biểu hiện này sẽ càng được bộc lộ một cách rõ rệt hơn.

Những hệ lụy từ áp lực điểm số ảnh hưởng đến cuộc sống của học sinh, sinh viên như

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe: học sinh bị thiếu ngủ do phải học tập quá nhiều có thể làm suy giảm cả về thể chất lẫn tinh thần. Cơ thể thiếu ngủ sẽ luôn trong trạng thái mơ màng, kém tập trung, ghi nhớ kém, chậm chạp, khả năng tiếp thu yếu. Đồng thời thiếu ngủ cũng làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ béo phì, dễ mắc các bệnh vặt cùng hàng loạt vấn đề nguy hiểm khác.
  • Ảnh hưởng đến các mối quan hệ: do quá áp lực kết hợp với việc thiếu ngủ khiến học sinh luôn trong trạng thái mệt mỏi, dễ cáu gắt, kích động, bốc đồng. Những tranh cãi và mâu thuẫn với gia đình cũng dần xuất hiện khiến con ngày càng có xu hướng xa cách với cha mẹ, đặc biệt nếu phụ huynh thường la mắng, bắt con phải được điểm cao trong học tập. Một số đứa trẻ vì học quá nhiều đến không có thời gian kết bạn, trở nên cô đơn, không thể chia sẻ hay tâm sự với ai.
  • Thiếu các kỹ năng xã hội: một số phụ huynh chỉ muốn con tập trung vào việc học tập trên trường nên thường không cho con đi chơi cùng bạn bè, không tham gia vào các hoạt động xã hội. Điều này có thể khiến con thiếu mất các kỹ năng xã hội, trở nên tự ti khi giao tiếp nơi đông người, không biết xử lý các tình huống ngoài đời sống đồng thời cũng rất dễ bị lừa.
  • Tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý: stress căng thẳng vì áp lực học tập kết hợp cùng việc mất ngủ và không có ai để chia sẻ chính là nguyên nhân hàng đầu khiến học sinh, sinh viên dễ mắc các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Trẻ luôn có những suy nghĩ tiêu cực, hạ thấp bản thân, ám ảnh về việc học, sợ hãi cả khi đến trường và ở nhà.

Không ít những đứa trẻ bỗng đột nhiên nổi loạn bởi áp lực học tập quá căng thẳng nhưng lại không được cha mẹ thấu hiểu, quan tâm mà luôn áp đặt chúng theo mong muốn của mình. Tuy nhiên cũng có những đứa trẻ tâm lý yếu, không chịu được áp lực, không tìm được tiếng nói chung với gia đình, bạn bè đã chọn cách tự tử để giải thoát cho bản thân. Đây là thực trạng xuất hiện rất nhiều hiện nay và vẫn đang không ngừng tăng lên mỗi ngày.

Hướng khắc phục tình trạng căng thẳng vì áp lực điểm số

Càng đến thời điểm thi cử thì áp lực điểm số càng tăng cao khiến học sinh luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng, thu mình lại và không muốn giao tiếp với ai. Học sinh trung bình thì luôn lo sẽ bị điểm kém, bị bạn bè chê cười, bị cha mẹ la mắng; học sinh giỏi thì lo bị tụt thứ hạng, lo sẽ làm cha mẹ thất vọng. Vòng tròn mệt mỏi này sẽ mãi chẳng bao giờ dừng lại.

áp lực điểm số
Sắp xếp thời gian học tập hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp học sinh giảm được áp lực mỗi mùa thi

Vậy nên làm thế nào để có thể giảm được những lo lắng, căng thẳng về áp lực điểm số cho học sinh, sinh viên, đặc biệt vào mỗi mùa thi?

  • Lên kế hoạch học tập và sắp xếp thời gian phù hợp, tránh để tình trạng nước đến chân mới nhảy. Chẳng hạn lên lịch trình giờ nào học môn nào, bắt đầu ôn thi từ khi nào để luôn chuẩn bị kỹ mọi kiến thức trước kỳ thi
  • Sắp xếp thời gian học tập – thư giãn xen kẽ. Nếu học ở nhà bạn có thể học 2 tiếng nghỉ khoảng 15 phút để thư giãn tinh thần, nạp lại năng lượng
  • Một số biện pháp đơn giản giúp thư giãn tâm trí, tăng hiệu quả trong học tập hơn như nghe nhạc, hít thở tinh dầu, tắm nước ấm. Nếu quá căng thẳng hãy thử ra ngoài đi dạo vài vòng và hít thở không khí trong lành sẽ thấy tâm trí thoải mái hơn rất nhiều, có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn trong học tập
  • Hãy thử trò chuyện nghiêm túc với phụ huynh một lần để nói rõ về năng lực của bản thân, ước muốn của mình để phụ huynh tránh gây quá nhiều áp lực. Bạn cũng có thể thể hiện rõ năng lực của mình ở lĩnh vực đó để cha mẹ tin tưởng hơn,  không bắt phải phát triển toàn diện ở mọi môn học
  • Chia sẻ với thầy cô, cha mẹ hay bạn bè về những áp lực, mệt mỏi và cùng tìm cách giải quyết. Thay vì cứ giữ trong lòng, việc chia sẻ tâm sự với một ai đó sẽ luôn khiến bạn thoải mái hơn rất nhiều. Hãy tìm đến những người có thể cho bạn những lời khuyên tích cực, hài hước để tinh thần lạc quan hơn
  • Vẫn nên có thời gian ra ngoài để tham gia các trò chơi giải trí, chẳng hạn như xem phim, đi cà phê hay đi xem phim cùng bạn bè. Hãy tự thưởng cho mình thời gian thư giãn, xả hơi sau những ngày học tập miệt mài để có thêm động lực cho những kỳ học tập sau
  • Luôn đảm bảo ngủ đủ giấc, học sinh mỗi ngày cần ngủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày. Thay vì thức đến 1-2h đêm bạn có thể đi ngủ từ 11h và dậy lúc 4-5h sáng để học sẽ thấy tiếp thu kiến thức nhanh hơn
  • Ăn uống đầy đủ, tuyệt đối không được bỏ bữa, nhất là bữa sáng. Bổ sung thêm các bữa ăn phụ lành mạnh như trái cây, ngũ cốc, sữa, rau củ.. Tuy nhiên không nên ăn đêm quá nhiều, quá no sẽ không tốt cho dạ dày
  • Dành thời gian luyện tập thể thao hằng ngày vừa để nâng cao sức khỏe, vừa là giải pháp để thư giãn tinh thần, nâng cao tâm trí.

Cần sớm giảm tải áp lực về học tập cho học sinh

Thực tế thì việc cha mẹ ép con cái phải học giỏi, phải đứng đầu, phải được điểm cao vẫn chỉ là để con cái có thể thành công, có một cuộc sống no ấm, hạnh phúc ở tương lai. Điều đó không phải là sai, chỉ là phụ huynh đang ràng buộc con cái vào góc nhìn của mình, bắt ép con làm những điều mà cha mẹ cho là đúng chứ chưa bao giờ đứng ở phương diện của con để nhìn nhận, đánh giá vấn đề.

áp lực điểm số
Các cơ quan ban ngành, nhà trường và gia đình cần chung tay để giảm tối đa các hệ lụy từ áp lực điểm số gây ra cho học sinh

Trước những vấn nạn về áp lực điểm số, áp lực học tập hiện nay chính Bộ giáo dục và Đào tạo cũng đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu, đề nghị về điều chỉnh chương trình học để giảm áp lực cho học sinh. Chương trình học đang ngày càng được thay đổi, cải cách, không chỉ tập trung vào lý thuyết mà còn hướng đến thực hành để học sinh tiếp thu nhanh hơn, chú trọng vào các kỹ năng cần thiết.

Không chỉ Bộ GD & ĐT mà chính cha mẹ và nhà trường cũng cần tham gia thực hiện việc giảm áp lực cho học sinh, sinh viên hiện nay. Đặc biệt phụ huynh cần phải thay đổi tư tưởng “điểm cao mới là giỏi”, tập cách đặt bản thân vào vị trí của con để đánh giá và xử lý các vấn đề, không nên áp đặt con theo ý muốn của mình. Sự quan tâm đúng cách của gia đình sẽ giúp con thoát khỏi những áp lực nặng nề từ điểm số, thành công.

Nhà trường cũng cần quan tâm đến các em nhiều hơn để sớm phát hiện những vấn đề tâm lý bất thường, thành lập các phòng ban về tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ khi cần thiết. Thầy cô giáo cũng cần là người trò chuyện, chia sẻ, khéo léo hơn trong việc giảng dạy, tránh làm học sinh cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ vì điểm số không tốt.

Chúng ta không thể phủ nhận, điểm số phản ánh một phần năng lực, người có điểm số cao, có bằng cấp tốt dễ kiếm được công việc tốt hơn. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có rất nhiều người khi ngồi trên ghế nhà trường dù có điểm số không cao, không nổi trội nhưng khi ra đời lại trở thành những người thành công, giỏi giang. Có rất nhiều con đường dẫn đến thành công, điểm số cao có thể là con đường ngắn hơn nhưng không phải tất cả.

Bên cạnh đó, gia đình cũng cần dành thời gian quan tâm và chia sẻ với con cái nhiều hơn. Chăm sóc về sức khỏe, có chế độ ăn uống phù hợp, sắp xếp thời gian học tập – nghỉ ngơi – thư giãn phù hợp mới là cách để con phát huy tốt nhất năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, hãy đặt áp lực thành tích phù hợp với năng lực của con. Thay vì cứ bắt ép con phải toàn diện về mọi thứ thì tập trung vào phát triển các thế mạnh mà con yêu thích sẽ làm con nổi bật giá trị của bản thân mình và dễ tiến đến thành công hơn.

Tham vấn tâm lý học đường để giảm áp lực điểm số

Trong trường hợp gia đình không biết cách giúp con em mình giảm bớt áp lực học tập, áp lực điểm số thì tham vấn tâm lý học là một giải pháp nên cân nhắc. Tham vấn tâm lý học đường là hoạt động hỗ trợ tâm lý cho các bạn học sinh, sinh viên, giáo viên và cả phụ huynh thông qua hình thức giao tiếp.

Thông qua hoạt động này, phụ huynh sẽ có bức tranh toàn cảnh về sức khỏe tâm trí, tinh thần của trẻ, xác định xem trẻ có đang gặp khó khăn, áp lực về học tập, mối quan hệ… để có hướng giải quyết phù hợp.

Tuy nhiên, có rất ít trường học tại Việt Nam có người phụ trách chuyên môn riêng về tham vấn tâm lý học đường cho học sinh. Bởi vậy, cha mẹ có thể chủ động cho trẻ đến tham vấn tâm lý tại các trung tâm, chuyên gia về tâm lý trị liệu tại các thành phố lớn.

Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam là đơn vị tham vấn tâm lý học đường uy tín hàng đầu.

Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam là địa chỉ uy tín mà cha mẹ có thể lựa chọn để tham vấn tâm lý học đường cho con. Sở hữu đội ngũ chuyên gia lý trị liệu được đào tạo bài bản từ các Hiệp hội: NLP Hoa Kỳ, Hypnotherapy Hoa Kỳ, Time Line Therapy, Tâm lý trị liệu NHC đã đồng hành, hỗ trợ thành công cho rất nhiều bạn trẻ gặp trở ngại về tâm lý, được biết đến là đơn vị trị liệu tâm lý đáng tin cậy cho trẻ vị thành niên.

Các chuyên gia giàu kinh nghiệm, kiến thức về trẻ em của Trung tâm luôn lắng nghe, thấu hiểu khách hàng nhỏ tuổi một cách tận tâm nhất, giúp các em mở lòng chia sẻ những vướng mắc trong cuộc sống của mình. Từ đó đưa ra những phương pháp an toàn, khoa học, hỗ trợ các em có thể tháo gỡ vấn đề tâm lý của mình.

Các bậc phụ huynh có thể đặt lịch cho con đến gặp các chuyên gia tâm lý trị liệu tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam tại đây hoặc liên hệ hotline 096 589 8008 để được hỗ trợ và giải đáp nhanh nhất.

Bên cạnh đó, hiện nay Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đang đồng hành cùng gia đình và các em với chương trình “Thiết lập mục tiêu, thổi bùng động lực cho năm học mới”.

Chương trình hướng tới đối tượng là các bạn học sinh, sinh viên từ 14 tuổi trở lên – đang đứng trước những ngưỡng cửa quan trọng trong quá trình học tập. Các Chuyên gia sẽ đồng hành và hỗ trợ các em xuyên suốt 5 tuần với một lộ trình rõ ràng, giúp các em rèn luyện kỹ năng để tự ứng phó và vượt qua căng thẳng, lo lắng. Đồng thời khai phá tiềm năng, xây dựng mục tiêu học tập phù hợp với những điểm mạnh, ước mơ của bản thân.

Các bậc phụ huynh có thể đăng ký cho con tham gia chương trình liên hệ Hotline: 096 589 8008 để được hỗ trợ và giải đáp nhanh nhất.

Không dễ để giảm được áp lực điểm số cho học sinh trong đời sống hiện nay, khi mà ai cũng mải mê chạy theo thành tích, địa vị, danh vọng và lý do chỉ cần bạn ngừng học tập một ngày cũng có thể nhanh chóng trở thành một người lạc hậu. Tuy nhiên, sự động viên, hỗ trợ đúng cách từ gia đình và những giải pháp phù hợp vẫn sẽ là điểm tựa để các em học sinh có thể cố gắng hết mình mà không bị áp lực, căng thẳng đè nặng tâm trí.

Có thể bạn quan tâm:

4.4/5 - (8 bình chọn)

Bình luận

  1. Nhân Đỗ says: Trả lời

    Hiện tại em đang ở đỉnh điểm của áp lực về điểm số và thành tích. Hầu hết các ngày em đều học từ 7h sáng đến 10h đêm mới về đến nhà, loay hoay nghỉ ngơi tí thì 12h em bắt đầu học đến 3h sáng mới nghỉ đều đều hầu hết ngày nào cũng vậy nhưng thành tích em thì k khá lên đã v còn tụt dần xuống, gia đình thì luôn la em và không nhìn tháy sự cô gắn của em. Năm sau em lên đại học rồi, ngành em theo học (là tâm lý) bị gia đình kinh miệt ra mặt. Em luôn ở tình trạng mệt mỏi thiếu sức sống. Bản thân em luôn động viên mình tích cực lên nhưng tâm trạng cứ đi xuống, em không biết phải làm sao nữa ạ..

    1. Nhàn Thanh says: Trả lời

      Mình cũng định học tâm lý mà gđ cũng cản, mình thấy tâm lý rõ là hay, mình hay theo dõi bên NHC này này, cảm giác nghề tâm lý sẽ giúp được rất nhiều ng ý. bạn đọc thử nhiều bài khách hàng trị liệu xong phản hồi ở đây xem, cảm động dã man luôn https://tamlytrilieunhc.com/me-thay-doi-con-chuyen-hoa-hanh-trinh-chua-lanh-cua-con-luon-can-cha-me-dong-hanh-21933.html

    2. Vân Trang says: Trả lời

      người chăm chỉ và trách nhiệm như em chắc chắn sẽ làm nên chuyện chị tin em sẽ làm tốt. Và cũng phải nhớ là ko phải cứ học nhiều là tốt. Não cũng cần nghỉ ngơi thì mới hoạt động tốt đc. Cố lên nha cô bé

    3. Huong Lam says: Trả lời

      Gái ơi, học hành phải song song vs giải trí, như vậy đầu óc con mới thoải mái và dễ tiếp thu hơn nè. Cố lên. Con gái cô từng bị trầm cảm, nhờ có nghề tâm lý trị liệu mới được tốt như hôm nay nên cô cực kỳ ủng hộ các con phát triển hơn ngành này

  2. Thanh Giang says: Trả lời

    Em gái em hiện đang học lớp chuyên Toán khối 11, thời gian gần đây em thấy con bé có vẻ lo lắng nhiều, thường hay nhốt mình trong phòng, không đi chơi cũng không giao tiếp với mọi người trong gia đình như trước. Có hôm nửa đêm em đi vệ sinh qua phòng con bé thì nghe tiếng khóc rấm rức. Ba mẹ em không quá áp lực chúng em về kết quả học tập nhưng chương trình học của trường theo em thấy là khá nặng nề. Liệu có phải em gái em đang bị áp lực quá không ạ?

    1. Kiên Vũ says: Trả lời

      Mình nghĩ là em gái bạn đang bị áp lực, thậm chí có thể gặp cả vấn đề tâm lý rồi ấy. Bạn nên trao đổi với bố mẹ, tìm cách nói chuyện với em và đi gặp chuyên gia sớm nhé. Em họ mình cũng có 1 vài biểu hiện như vậy, ban đầu dì mình chủ quan không để ý, nghĩ là con bé tự thế thôi. Đến khi con bé tự làm tổn thương mình mới tá hỏa, đưa đi gặp chuyên gia thì phát hiện trầm cảm rồi.

      1. Thanh Giang says: Trả lời

        Tình hình em bạn về sau có ổn không bạn? Nêu được thì bạn có thể cho mình xin địa chỉ chỗ em bạn đến được không ạ?

  3. Thu Trang says: Trả lời

    Cuộc sống thật là mệt mỏi, tại sao lại quan trọng điểm số đến vậy? Em là một học sinh lớp 11, em vừa trải qua kì thi cuối học kỳ và kết quả là em được học sinh khá. Nhưng mà ba của em thì lại không đồng muốn vậy và mỗi ngày đều áp lực tâm lý của em. Nhưng điều buồn cười ở đây là khi có mặt mọi người và lúc ở nhà thì ông ấy đối xử với em khá bình thường và còn tỏ vẻ như là một người biết cảm thông cho em. Rồi mỗi khi chở em đi học thì lại măng chửi và bảo em là sao cũng ăn cơm mà em ngu thế. Em thật sự rất mệt mỏi! Sau khi thi xong thì em đã đăng ký tham gia đội múa của lớp bởi đó là niềm yêu thích của em và đó cũng là cách để em giảm stress với gia đình. Nhưng ba em lại không muốn em làm như vậy. Ông ấy chỉ muốn trong đầu em có việc học thôi. Đến cả việc em ngủ trưa thì ông ấy cũng cấm đoán và đổ lỗi cho việc em hay ngủ trưa nên lúc thi mới thấp điểm. Mặc dù con số điểm thấp nhất của em là 5.5 tất cả các điểm còn lại đều là từ 6 đến 9. Em thật sự rất bất lực! Nhiều lần em muốn bỏ nhà ra đi đến một nơi không ai biết tới em, không có những con số ám ảnh tâm trí em và cả cái danh hiệu học sinh giỏi nữa.

    1. Hướng Phạm says: Trả lời

      vẫn còn rất nhiều phụ huynh chỉ vì điểm số mà làm khổ con em mình, a từng dạy hs như thế mà a phải nghỉ luôn vì mẹ e đó như bố e bây giờ, thương e hs đó mà k lgi đc.

    2. Thương Huyền says: Trả lời

      Đầu tiên chị xin gửi yêu thương đến em, em đã từng chia sẻ điều này đến mẹ và người thân em chưa. Nếu chưa em có thể làm điều đó nhé, hãy chia sẻ với mẹ, ông bà, thầy cô,… họ có thể là điểm tựa cho em để em có thể bình tâm hơn.

  4. Ha Tran says: Trả lời

    Trầm cảm vì áp lực điểm số, bạn bè khinh bỉ chia bè kéo phái, nói xấu sau lưng, gia đình không quan tâm vì nghĩ con lớn rồi thì để nó thế nó khác biết cách giải quyết không phải việc của mình… thành ra tôi chẳng còn chỗ nào để cho bản thân chỗ dựa tinh thần, tôi đã có nhiều lần muốn giải thoát cho mình… chả có ai để chia sẻ… chỉ biết ôm điện thoại làm bạn giờ điện thoại cũng bị mẹ cấm dùng vì cho rằng điểm số thấp là do điện thoại, do đó 1 ngày tôi chỉ được dùng 1 tiếng. Tôi thực sự cảm thấy tủi thân…

    1. Nguyễn Xuân Tiến says: Trả lời

      Mạnh mẽ lên em, tự an ủi bản thân và vượt qua tuổi của e còn rất nhỏ sau này lớn hơn ap lực cuộc sống so sánh với bây giờ nó chẳng là gì hết

    2. Vũ Hà Vy says: Trả lời

      Ngày xưa đi học cấp 3 mình cũng từng bị như vậy, bây giờ nghĩ lại cũng không hiểu sao bản thân có thể vượt qua được những điều tồi tệ như thế

  5. Lưu Luy says: Trả lời

    Em đang gọc lớp 10, cũng nhiều áp lực lắm. Nhưng cái khiến em nghĩ đến việc tự sát và self-harm thì chính là cái sự khinh bỉ từ bạn cùng lớp. Ngày nào đi học cũng bị bọn họ gọi bằng những cái biệt danh tồi tệ nhất, đứng dậy trả lời câu hỏi cũng bị hùa vào nói đồ giả tạo. Em cũng muốn nói với bố mẹ lắm, nhưng sợ làm to chuyện hơn vì bố mẹ mình thương em, sau đó rồi em sẽ chìm vào cơn trầm cảm sâu hơn nữa. Giờ em cũng mắc kẹt lắm rồi, không biết giải quyết ra sao, muốn chết cũng không được vì vẫn còn gia đình, mà sống cũng không yên ổn được ngày nào.

    1. Đức Anh says: Trả lời

      Trầm cảm nguy hiểm lắm bé ơi, anh khuyên chân thành em nên chia sẻ với bố mẹ và nếu được thì nên đến gặp chuyên gia để được đồng hành, được tháo gỡ nhiều nút thắt trong lòng mình. Em trai anh từng vì trầm cảm mà tự tử, cho đến giờ đó vẫn là nỗi day dứt của cả gia đình anh. Tương lai phía trước còn dài, thương bố mẹ và thương chính mình thì đừng chịu đựng như vậy nhé, mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với em

    2. Khánh Linh says: Trả lời

      Chia sẻ với bố mẹ – những người luôn yêu thương em hoặc ai đó em tin tưởng nhé, thương em

    3. Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam says: Trả lời

      Chào bạn, cảm ơn những chia sẻ của bạn. Trung tâm đã gửi thông tin phản hồi về email cho bạn. Nếu cần giải đáp thêm, bạn có thể liên hệ với chúng tôi theo hotline: 096 589 8008 hoặc để lại tin nhắn tại đây: https://tamlytrilieunhc.com/dat-lich-hen

      1. Lưu Luy says: Trả lời

        Em cảm ơn những lời động viên của mọi người, em sẽ nói với ba mẹ em ạ

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *