Tìm hiểu phương pháp PECS: Dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh
Phương pháp PECS là hình thức giáo dục đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ và trẻ mắc các rối loạn có triệu chứng chậm phát triển ngôn ngữ. Đây là phương pháp sử dụng hình ảnh để dạy trẻ trong độ tuổi mầm non cách giao tiếp với bố mẹ, thầy cô, bạn bè,… Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn PECS là gì? cùng những vấn đề liên quan đến phương pháp này.
Phương pháp PECS là gì?
PECS (Tên đầy đủ: Picture Exchange Communication System) là phương pháp giáo dục, trị liệu trẻ tự kỷ thông qua hệ thống giao tiếp trao đổi hình (hình ảnh). Rối loạn phát triển thần kinh khiến trẻ tự kỷ chậm phát triển ngôn ngữ, bản thân trẻ không thích và cũng không có nhu cầu giao tiếp với những người xung quanh.
Khiếm khuyết về ngôn ngữ khiến trẻ gặp khó khăn trong việc học tập, giao tiếp với mọi người và thường chọn cách thu mình, khép kín thay vì mở rộng các mối quan hệ. Cách giáo dục thông thường không mang lại hiệu quả đối với trẻ tự kỷ. Đây cũng là lý do phương pháp giảng dạy bằng hình ảnh ra đời với mong muốn giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ và có thể học tập để tăng cường tư duy, nhận thức.
Phương pháp PECS không chỉ được áp dụng cho trẻ tự kỷ mà còn được sử dụng để giáo dục và trị liệu cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ hoặc mắc phải các rối loạn có triệu chứng chậm phát triển ngôn ngữ khác. Phương pháp này ra đời vào năm 1985 bởi nhà Tâm lý nhi Andrew Bondy và nhà Âm ngữ trị liệu Lori Frost.
Phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh thường được kết hợp với ứng dụng phân tích hành vi (ABA) để thay đổi hình ảnh theo mong muốn của trẻ. Ban đầu, trẻ sẽ được tiếp cận bằng tranh, ảnh có nội dung là những đồ chơi/ đồ vật mà trẻ yêu thích. Sau đó, mức độ sẽ được tăng dần lên nhằm giúp trẻ tự kỷ tăng khả năng giao tiếp với những người xung quanh.
Phương pháp PECS còn được thực hiện để giúp trẻ dễ dàng diễn đạt nhận xét của bản thân về những điều mà trẻ nhìn và nghe thấy. Khi được thấu hiểu, trẻ sẽ bắt đầu hình thành nhu cầu giao tiếp một cách tự nhiên – đây chính là cơ sở để trẻ cải thiện ngôn ngữ và tăng sự tương tác xã hội.
Mục tiêu của phương pháp PECS đối với trẻ tự kỷ là gì?
Trải qua gần 40 năm, phương pháp PECS đã được ứng dụng rộng rãi trong trị liệu, giáo dục trẻ tự kỷ và trẻ mắc các rối loạn có triệu chứng chậm phát triển ngôn ngữ khác. Một loạt nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy, PECS là công cụ hiệu quả nhất trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp ở trẻ tự kỷ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, phương pháp giáo dục bằng hình ảnh nên được thực hiện ở trẻ dưới 6 tuổi để tạo cho trẻ nhu cầu được giao tiếp và tương tác với những người xung quanh. Thông qua mục tiêu cải thiện ngôn ngữ, phương pháp này hứa hẹn sẽ mang đến sự thuận lợi trong quá trình điều trị và trị liệu tâm lý cho trẻ tự kỷ.
Cách thức sử dụng phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS)
1. Cơ sở lý thuyết của phương pháp
Mấu chốt của phương pháp giảng dạy bằng hình ảnh là động viên, khuyến khích trẻ tự kỷ bằng cách đưa ra phần thưởng chính là những đồ vật/ thức ăn mà bé yêu thích. Bé sẽ nhận được phần thưởng nếu chọn lựa đúng tranh, ảnh thể hiện đúng đồ vật/ thực phẩm được yêu cầu.
Không giống với trẻ khỏe mạnh, trẻ tự kỷ hoàn toàn không quan tâm đến những lời tán thưởng hay ngưỡng mộ. Do đó, những món quà có giá trị vật chất sẽ có ý nghĩa hơn đối với trẻ. Dù không sử dụng ngôn ngữ nhưng trẻ vẫn có thể diễn tả ý muốn thông qua hình ảnh và sở hữu được phần thưởng mà mình yêu thích. Quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại để giúp trẻ hình thành nhu cầu giao tiếp.
Nhu cầu giao tiếp chính là động lực để trẻ cố gắng cải thiện khả năng ngôn ngữ. Mặc dù tư duy có khiếm khuyết nhưng trẻ tự kỷ vẫn có thể giao tiếp được nếu được giáo dục đúng cách. Khả năng ngôn ngữ và giao tiếp chính là tiền đề để trẻ tăng khả năng hòa nhập, kết bạn và tăng sự tương tác với những người xung quanh. Khi khả năng ngôn ngữ được cải thiện, những vấn đề về hành vi và cảm xúc ở trẻ tự kỷ sẽ giảm đi rõ rệt.
2. Cách thức sử dụng phương pháp PECS
Phương pháp PECS sử dụng hệ thống hình ảnh để giáo dục trẻ tự kỷ. Trong quá trình giảng dạy sẽ sử dụng thêm ứng dụng phân tích hành vi (ABA) để củng cố khả năng truyền tải của phương pháp. Ban đầu, trẻ sẽ được dạy tìm những bức tranh thể hiện đúng các loại thực phẩm, đồ chơi mà trẻ thích. Điều này sẽ giúp trẻ có động lực và tiếp nhận cách giáo dục này thay vì chống đối, quấy nhiễu.
Về lâu dài, trẻ sẽ biết dùng tranh để thể hiện mong muốn của bản thân với bố, mẹ, người trông nom hoặc nhà trị liệu. Khi người khác hiểu và đáp ứng mong muốn, trẻ sẽ dần hình thành nhu cầu giao tiếp.
Có thể bạn quan tâm: Giáo dục cảm xúc xã hội cho trẻ mầm non là gì? Cách triển khai
Ưu nhược điểm của phương pháp PECS dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh
PECS được đánh giá là phương pháp có nhiều ưu điểm khi giáo dục trẻ tự kỷ – đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mầm non. Phương pháp này có sự hỗ trợ về mặt trực quan nên sẽ kích thích được sự hứng thú của trẻ, từ đó giúp trẻ phát triển nhận thức và não bộ. Tuy nhiên, không có phương pháp nào là toàn diện. Do đó, PECS thường được áp dụng linh hoạt với nhiều phương pháp khác để có thể mang lại hiệu quả cao nhất.
Ưu điểm:
- Phương pháp giáo dục bằng hình ảnh có tính trực quan nên thường tạo được sự hứng thú và giúp trẻ chủ động hơn trong quá trình học tập.
- Có thể phát triển lời nói và giao tiếp một cách nhanh chóng
- Giúp trẻ mở rộng mối quan hệ với bạn bè, giáo viên, người thân và những người xung quanh
Nhược điểm:
- Mất rất nhiều thời gian và công sức
- Quá trình dạy cần nhiều tài liệu và hình ảnh
- Chỉ tập trung vào giao tiếp, chưa cải thiện được khả năng vận động, tương tác xã hội,…
Mặc dù vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhưng phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS) vẫn được đánh giá cao. Hơn nữa, tự kỷ là một trong những dạng rối loạn phát triển thần kinh nặng với nhiều khiếm khuyết. Do đó, một phương pháp không thể cải thiện toàn diện sức khỏe và chức năng của trẻ.
Cấu trúc của phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS)
Phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS) sẽ bao gồm 6 giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn 1: Giao tiếp như thế nào?
Trong giai đoạn đầu, mục tiêu là giúp trẻ chọn tranh đúng với nội dung của đồ vật (thức ăn hoặc đồ chơi mà trẻ yêu thích). Giai đoạn 1 sẽ cần 2 người huấn luyện thay phiên nhau dạy trẻ để tránh sự nhàm chán. Đặc biệt trong quá trình dạy trẻ, tuyệt đối không được gợi ý bằng lời nói mà để trẻ tự tìm và lựa chọn tranh.
Với mỗi tranh, chỉ nên giới thiệu 1 lần và nên thực hiện khoảng 30 – 40 lần trong một ngày. Thực hiện thường xuyên để giúp trẻ có thể nhanh chóng giao tiếp được bằng hình ảnh. Khi cần đồ vật, trẻ sẽ dùng nội dung ảnh biểu thị mong muốn với bố mẹ, người trông nom hoặc nhà trị liệu.
Một lưu ý khi thực hiện là nên chọn những đồ vật khác nhau, khi thì thức ăn, khi thì các đồ vật và trò chơi mà trẻ thích. Việc thay đổi thường xuyên sẽ giúp trẻ cảm thấy hứng thú và có động lực để tham gia học. Nếu chỉ dùng cố định một công cụ (chẳng hạn như đồ chơi), trẻ sẽ trở nên nhàm chán và không quan tâm đến quá trình học.
Quá trình thực hiện:
- Cần hai người huấn luyện, một người là đối tượng giao tiếp và một người là người gợi ý thể chất (nên thay phiên nhau).
- Đối tượng giao tiếp sẽ để sẵn các bức tranh trên bàn và đưa ra đồ vật tương ứng với một bức tranh để thu hút sự chú ý của trẻ.
- Lúc này, trẻ bắt đầu chú ý và muốn tìm tranh có nội dung là đồ vật đó. Người gợi ý thể chất sẽ cầm lấy tay của trẻ và gợi ý trẻ cầm bức tranh thể hiện đồ vật vào tay của đối tượng giao tiếp.
- Lặp lại liên tục trong 30 – 40 lần, tuy nhiên người gợi ý thể chất nên giảm dần sự gợi ý để trẻ có thể chủ động tìm tranh và đưa cho đối tượng giao tiếp.
- Hai người nên thay phiên nhau làm người gợi ý thể chất và đối tượng giao tiếp để trẻ có thể học cách giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau.
Giai đoạn 2: Khoảng cách và kiên trì
Ở giai đoạn 2, mục tiêu là để trẻ có thể tìm tranh trong cuốn tập, sau đó di chuyển đến gần và đặt vào tay đối tượng giao tiếp. Trong giai đoạn này, cách dạy sẽ tương tự như giai đoạn 1. Tuy nhiên, sẽ thay đổi về đối tượng (cha mẹ, người thân, bạn bè), gia tăng khoảng cách, vị trí để tranh và môi trường.
Trong mỗi lần thực hiện, nên cố gắng thay đổi những yếu tố kể trên để trẻ có thể giao tiếp bằng hình ảnh ở bất cứ môi trường, khoảng cách, phạm vi và đối tượng nào.
Giai đoạn 3: Phân biệt tranh
Ở giai đoạn 3, trẻ sẽ tự đến gần cuốn tập và chọn đúng tranh có nội dung là đồ vật, thức ăn mà trẻ muốn. Sau đó, đi gần đến và đặt tranh vào lòng bàn tay của đối tượng. Giai đoạn 3 sẽ được chia thành 2 giai đoạn là giai đoạn 3A và giai đoạn 3B:
– Giai đoạn 3A:
Trong giai đoạn 3A, người huấn luyện sẽ cho trẻ phân biệt 2 bức tranh bao gồm 1 bức tranh có đồ vật mà trẻ thích và bức tranh còn lại có đồ vật mà trẻ không thích. Nếu trẻ chọn đúng bức tranh có đồ vật mà trẻ thích, nên khen ngợi và đưa đồ vật cho trẻ.
Ngược lại, trong trường hợp trẻ chọn sai, người huấn luyện sẽ đưa đồ vật mà trẻ không thích và thực hiện lại. Hành động này sẽ giúp trẻ nhận thức được bản thân đã chọn sai tranh và chọn lại để có được đồ vật mà mình thích. Khi dạy trẻ ở giai đoạn 3, người huấn luyện không gợi ý bằng lời nói.
Trong trường hợp trẻ chọn sai, người huấn liên nên gợi ý bằng cách chỉ tay gần tranh. Khi trẻ chọn đúng tranh, chỉ nên khen ngợi. Sau đó hỏi trẻ một số câu hỏi về vị trí của mắt, mũi, miệng hoặc bộ phận của đồ vật. Kế tiếp, giới thiệu lại 2 tranh để trẻ chọn lại. Lần này trẻ sẽ tự chọn đúng mà không cần gợi ý nên người huấn luyện sẽ vừa khen vừa đồ vật mà trẻ thích.
Thực hiện lặp lại và lưu ý nên thay đổi vị trí của tranh liên tục. Sau mỗi lần trẻ chọn đúng (đồ vật hoặc thức ăn mà trẻ thích), nên cho trẻ 15 phút để chơi hoặc ăn mới tiếp tục thực hiện lại.
– Giai đoạn 3B:
Sau khi trẻ đã thành thạo việc lựa chọn tranh có đồ vật mà trẻ thích, người huấn luyện sẽ chuyển sang bước kế tiếp là liên kết tranh và đồ vật. Tương tự như giai đoạn 3A, người huấn luyện sẽ đưa cho trẻ 2 bức tranh bao gồm 1 bức có hình ảnh đồ vật mà trẻ thích và 1 bức có hình ảnh là đồ vật trẻ không thích.
Nếu trẻ chọn nhầm tranh, người huấn luyện cản trở trẻ và yêu cầu trẻ chọn lại. Khi trẻ chọn đúng tranh, nên khen gợi nhưng không đưa đồ vật cho trẻ mà nói những câu khuyến khích như “lấy đi, mời lấy” (không nêu tên đồ vật). Nếu trẻ chọn đúng đồ vật thì để trẻ lấy và khen ngợi trẻ còn không thì cho trẻ thực hiện lại.
Sau khoảng vài lần thực hiện, người huấn luyện nên cho thêm nhiều bức tranh và đồ vật để giúp trẻ biết cách liên kết giữa tranh và đồ vật thật. Đây là bước đệm quan trọng để trẻ có thể giao tiếp thông qua hình ảnh.
Giai đoạn 4: Nguyên câu
Mục tiêu của giai đoạn 4 là giúp trẻ xin đồ vật nguyên câu thay vì chỉ dùng hình ảnh đơn thuần như trước. Giai đoạn này sẽ được chia thành 4 bước.
– Bước 1:
Người hướng dẫn dính sẵn tranh có nội dung “Cho con”, sau đó đưa các bức tranh có nội dung là đồ vật mà trẻ và không thích. Trẻ sẽ chọn bức tranh có đồ vật mình thích, người hướng dẫn giúp trẻ dán bức tranh này bên cạnh bức tranh “Cho con”.
Kế tiếp, người hướng dẫn sẽ đưa miếng đặt câu vào tay của đối tượng giao tiếp. Đối tượng giao tiếp sẽ đọc cho bé nghe nguyên câu, chẳng hạn như “Cho con cà chua”, “Cho con xe” tùy theo đồ vật mà trẻ chọn. Tương tự như các giai đoạn khác, nên dành cho trẻ sự khen ngợi và khích lệ nếu trẻ làm đúng.
– Bước 2:
Ở bước 2, trẻ sẽ phải tự lấy tranh “Cho con” và dính miếng đặt câu lên trên. Khi trẻ sắp sửa lấy tranh có nội dung là đồ vật của trẻ thích, người gợi ý sẽ giúp trẻ lấy tranh “Cho con” trước. Sau khi trẻ dính tranh “Cho con” sẽ cho trẻ chọn tranh và làm tương tự như bước 1.
Tuy nhiên ở giai đoạn này, nên trẻ để tự dính tranh đồ vật và lấy miếng đặt câu cho đối tượng giao tiếp thay vì làm giúp trẻ như ở bước 1. Sau khi nhận miếng đặt câu, đối tượng giao tiếp sẽ đọc nguyên câu để trẻ lắng nghe.
– Bước 3:
Ở giai đoạn 3 sẽ không cần người gợi ý vì trẻ đã thành thạo việc chọn tranh và đặt miếng câu hỏi. Khi đọc, đối tượng giao tiếp nên chỉ vào từng từ để trẻ nhìn và lắng nghe rõ. Dần dần, trẻ sẽ tự chỉ vào những từ mà đối tượng giao tiếp đang đọc mà không cần gợi ý.
Lúc này, trẻ sẽ chỉ chữ và đối tượng giao tiếp sẽ đọc to, rõ để trẻ nghe một cách rõ ràng nhất. Mỗi lần đọc nên ngừng lại từ 3 – 5 phút để kích thích khả năng nói của con. Một số trẻ có từ nói từ cuối cùng với đối tượng giao tiếp. Sau khi hoàn thành câu, đối tượng giao tiếp đưa đồ vật cho trẻ.
Nếu trẻ nói được, nên khuyến khích trẻ nói thành tiếng, sau đó đưa đồ vật và khen ngợi trẻ. Tuy nhiên, không nên ép trẻ nói vì điều này có thể khiến trẻ chán nản và không muốn tiếp tục học.
– Bước 4:
Sau khi trẻ đã thành thạo bước 3, sẽ chuyển sang dạy bước 4.
- Nên giảm cỡ tranh để giúp trẻ tăng khả năng phân biệt tranh và liên kết giữa tranh và đồ vật.
- Không nên nói “không” với trẻ khi trẻ xin bằng tranh. Tuy nhiên, phụ huynh và giáo viên có thể nói “hết rồi” trong trường hợp trẻ chọn bức tranh có nội dung là chiếc dĩa hoặc hũ trống, bên trong không có gì. Điều này sẽ giúp trẻ ý thức được là bên trong hũ trống đã hết thức ăn.
- Sau khi trẻ đã thành thạo, có thể chỉ tranh hoặc cho trẻ xem những đồ vật khác trẻ có thể chơi.
- Về sau, phụ huynh/ giáo viên không nên đưa ngay đồ vật cho trẻ mà nên “làm hợp đồng với trẻ”. Tức là yêu cầu trẻ hoàn thành một việc gì đó mới đưa đồ vật. Chẳng hạn như yêu cầu trẻ dọn dẹp bàn, phòng sau khi chơi xong sẽ nhận được đồ vật mà trẻ đã xin bằng tranh.
- Quá trình dạy trẻ sẽ có nhiều vấn đề phát sinh và sẽ được xử lý bằng kinh nghiệm, kiến thức của người huấn luyện.
Giai đoạn 5: Trả lời Con muốn gì?
Khi dạy đến giai đoạn 4, nên cho trẻ thời gian thực hành trong một thời gian cho đến khi thành thạo. Giai đoạn 5 được thực hiện với mục tiêu giúp trẻ trả lời được câu hỏi “Con muốn gì?”. Khi dạy trẻ trả lời Con muốn gì?, vẫn nên khuyến khích trẻ chủ động xin đồ vật. Tránh đặt câu hỏi nhiều khiến cho trẻ trở nên thụ động.
Giai đoạn 5 sẽ bao gồm các bước sau đây:
– Bước 1:
Ở bước đầu tiên, người huấn luyện sẽ đặt câu hỏi “Con muốn gì?” và gợi ý cho con. Lúc này, trẻ đã thành thạo việc lấy tranh “Cho con” kèm theo bức tranh có nội dung là đồ vật mà trẻ thích. Sau đó dính lên miếng đặt câu và đưa cho người huấn luyện. Một số trẻ có thể quên mất thao tác nên người huấn luyện vẫn có thể giúp đỡ trẻ.
– Bước 2:
Sau khi xong bước 1, chuyển sang bước 2 với cách thực hiện tương tự. Tuy nhiên lần này khi hỏi “Con muốn gì?”, người huấn luyện không nên gợi ý cho trẻ liền mà nên đợi từ 1 – 2 phút. Nếu trẻ vẫn chưa thể tự làm, người huấn luyện sẽ làm như trên bước 1. Sau đó, tăng dần khoảng thời gian đợi để thôi thúc trẻ tự làm thay vì đợi người huấn luyện gợi ý.
– Bước 3:
Tiếp tục lặp lại bước 2 nhưng nên để trẻ có cơ hội tự xin. Việc này sẽ giúp trẻ duy trì sự chủ động thay vì thụ động đợi người khác hỏi “Con muốn gì?”. Thông thường, người huấn luyện sẽ đổi trò chơi để thu hút sự quan tâm của trẻ. Lúc này, không nên đặt câu hỏi mà nên để trẻ tự xin như trước.
Giai đoạn 6: Bình luận
Ở giai đoạn cuối cùng, trẻ không chỉ có thể trả lời “Con muốn gì?” mà còn có thể trả lời “Con có gì, thấy gì, nghe gì?”. Việc tập cho trẻ cách trả lời, bình luận phải được thực hiện song song với việc trẻ chủ động xin. Nếu không thực hành cùng lúc, trẻ sẽ trở nên thụ động và chỉ giao tiếp khi được hỏi.
Ở bước này, người huấn luyện sẽ chuẩn bị cả tranh “cho con”, “con thấy” và nhiều tranh có nội dung là những đồ vật, thực phẩm quen thuộc. Giai đoạn 6 sẽ được chia thành 3 bước bao gồm:
– Bước 1:
Sử dụng tranh “con thấy” thay vì “cho con”. Ngoài ra, nên chọn những tranh có đồ vật đa dạng (thường là đồ vật trẻ không thích) bởi mục tiêu ở giai đoạn này là giúp con bình luận thay vì chơi với đồ vật như những giai đoạn trước. Lúc này, người huấn luyện sẽ đặt câu hỏi “Con thấy gì?” và hướng dẫn trẻ trả lời như câu hỏi “Con muốn gì?”.
– Bước 2:
Ở bước 2, người huấn luyện dùng cả hai tranh, đặt tranh “cho con” ở bên phải và “con thấy” ở bên trái. Sau đó, đưa ra những bức tranh có đồ vật mà trẻ thích và hỏi “Con thấy gì?”. Khi trẻ đã trả lời xong, hỏi “Con muốn gì?”. Nếu trẻ trả lời sai, người huấn luyện sẽ gợi ý để trẻ chỉ đúng tranh và hỏi lại lần nữa. Sau đó, tiếp tục lấy ra 2 tranh và hỏi lại cho đến khi trẻ thành thạo việc trả lời câu hỏi.
– Bước 3:
Tiếp tục thay đổi trò chơi để trẻ chủ động xin. Việc này cần được thực hiện song song với việc dạy trẻ trả lời. Có như vậy, trẻ mới có thể có thể hình thành nhu cầu giao tiếp và duy trì nhu cầu này trong thời gian dài.
– Bước 4:
Sau khi trẻ đã chủ động trong việc trả lời câu hỏi, người huấn luyện nên xây dựng môi trường/ tình huống và đợi trẻ chủ động bình luận. Cách đơn giản nhất là người huấn luyện lấy từ trong hộp ra một đồ vật độc đáo (đủ để thu hút trẻ) và đặt câu hỏi “Con thấy gì vậy?”. Sau đó, trẻ có thể trả lời câu hỏi chính xác.
Người huấn luyện nên thay đổi đồ vật và đặt câu hỏi để trẻ tập trả lời thành thạo. Khi trẻ trả lời đúng, nên khen ngợi và đưa cho trẻ đồ vật.
Phương pháp PECS – dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện khả năng giao tiếp cho trẻ ở lứa tuổi mầm non. Phương pháp này có thể áp dụng tại nhà, vì vậy bố mẹ cũng có thể tham khảo để giúp trẻ tự kỷ được can thiệp trong thời gian sớm nhất.
Tham khảo thêm:
- 10 Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tự kỷ và hướng chữa trị
- Dạy trẻ tự kỷ tại nhà cha mẹ nên lưu ý gì?
- Hướng dẫn chăm sóc trẻ tự kỷ đúng cách cha mẹ nên biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!