Hiệu ứng Zeigarnik: Đánh bại sự trì hoãn để làm việc hiệu quả

Bạn không thể ngủ được, và trong đầu luôn mãi suy nghĩ về công việc chưa làm xong, bộ phim hay quyển tiểu thuyết đang đọc dang dở. Đầu bạn bị lấp đầy bằng những hình ảnh và cảm giác bồn chồn khó chịu, thơi thúc bạn ghi nhớ và tiếp tục công việc còn đang bỏ ngỏ. Đây chính là biểu hiện của hiệu ứng Zeigarnik, hiệu ứng tậm lý khiến ta không ngừng suy nghĩ về những điều chưa hoàn thành.

Hiệu ứng Zeigarnik là gì?

Nếu để ý những suy nghĩ và hành động của bản thân, bạn sẽ nhận ra tâm trí của chúng ta rất thường bị ám ảnh bởi những việc chưa làm xong. Ví dụ khi cần ra ngoài nhưng chưa hoàn tất công việc, trong đầu của bạn sẽ không ngừng suy nghĩ về công việc đang dở dang, và rất khó để tập trung vào điều đang làm hiện tại.

hiệu ứng Zeigarnik
Hiệu ứng Zeigarnik khiến ta không thể thoát khỏi những suy nghĩ về công việc chưa hoàn thành, và những vấn đề chưa giải quyết.

Có thể thấy khi chúng ta bắt tay vào một việc gì đó nhưng chưa hoàn thành, tâm trí của chúng ta dường như “dính chặt” vào việc đó. Suy nghĩ này gây ảnh hưởng đến quá trình chúng ta làm những việc khác, vì công việc chưa hoàn thành luôn xuất hiện trong đầu bạn. Cảm giác thôi thúc mãnh liệt khiến ta muốn quay lại hoàn thành những việc còn dở dang ngay lập tức.

Các nhà tâm lý học gọi đây là hiệu ứng Zeigarnik, hay xu hướng ghi nhớ những nhiệm vụ chưa hoàn thành. Điều này không chỉ xuất hiện trong công việc, mà còn xuất hiện khi ta xem một bộ phim, đọc một quyển sách, chơi một trò chơi, hay học tập. Nếu buộc phải tạm dừng những việc này giữa chừng, bạn sẽ luôn có cảm giác khó chịu.

Ngoài ra hiệu ứng Zeigarnik còn thể hiện trong việc bạn ghi nhớ những việc chưa hoàn thành tốt hơn những việc đã hoàn thành. Ví dụ trước khi thi, bạn sẽ ghi nhớ những thông tin trong bài học tốt hơn. Nhưng khi kỳ thi kết thúc, những điều đã học gần như biến mất, tựa như bộ não của bạn đã tự động xóa hết mọi thứ.

Thí nghiệm của Zeigarnik

Vào năm 1927, nhà tâm lý học người Liên Xô Litva Bluma Zeigarnik đã thực hiện một cuộc thí nghiệm về việc ghi nhớ. Ý tưởng của việc này bắt nguồn từ quan sát của Kurt Lewin, giáo sư của Zeigarnik tại đại học Berlin. Kurt Lewin thấy rằng những người bồi bàn ghi nhớ chi tiết của hóa đơn chưa thanh toán, tốt hơn hóa đơn đã thanh toán.

Ông cho rằng hiện tượng này là do những việc chưa hoàn thành luôn thôi thúc con người phải đạt được kết quả cuối cùng. Do đó chúng không ngừng xuất hiện và lặp lại trong đầu, khiến những người phục vụ để ý và buộc phải ghi nhớ đơn để phục vụ khách hàng. Nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ, những thông tin này rất dễ bị lãng quên.

Zeigarnik đã kiểm tra lại kết luận này thông qua một thử nghiệm, và công bố kết quả nghiêm cứu trong bài viết “Về những nhiệm vụ đã hoàn thành và chưa hoàn thành” vào năm 1927. Bà thử nghiệm trên hai nhóm người ngẫu nhiên, một nhóm sẽ bị quấy rầy và cắt ngang khi đang làm nhiệm vụ, một nhóm thì không bị ảnh hưởng gì trong quá trình làm việc.

thí nghiệm hiệu ứng Zeigarnik
Những người bị quấy rầy trong quá trình làm việc ghi nhớ chi tiết về việc làm dang dở tốt hơn những người không gặp khó khăn trong công việc.

Sau thí nghiệm, bà đã yêu cầu những người tham gia mô tả lại công việc của bản thân càng chi tiết càng tốt. Kết quả cho thấy, những người bị gián đoạn trong quá trình làm việc, và thường xuyên phải ghi nhớ việc đang làm, mô tả chi tiết tốt hơn 90% so với những người hoàn thành chúng một cách suôn sẻ.

Ngoài ra, trong quá trình thí nghiệm Zeigarnik cũng nhận ra rằng những người cầu toàn và có nhiều tham vọng sẽ ghi nhớ những việc chưa làm xong tốt hơn. Những đối tượng này không thích việc bỏ dở giữa chừng, và việc bị gián đoạn khiến họ cảm thấy bản thân thất bại, không thể hiện được năng lực.

Do đó những việc chưa làm xong sẽ ghi dấu ấn cực kỳ đậm nét trong tâm trí của họ, trạng thái căng thẳng khiến họ ghi nhớ lâu và khó quên. Điều này cũng tương tự như trong bài thi, những câu hỏi chúng ta làm dở dang, hoặc làm sai cũng sẽ gây ấn tượng mạnh và ghi nhớ lâu hơn những câu làm đúng.

Về sau dù họ có hoàn thành những nhiệm vụ được giao hay không, thì những sự việc càng bị gián đoạn sẽ càng lưu lại trong trí nhớ lâu hơn. Rõ ràng, cảm giác thôi thúc chúng ta hoàn thành một việc trong khoảng thời gian nhất định sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất ghi nhớ.

Vì sao hiệu ứng xuất hiện?

Vì sao lại có hiện tượng này? Chúng ta cần biết rằng, não bộ của chúng ta là một hệ thống có quy tắc hoạt động vô cùng chặt chẽ. Khộng phải bất cứ thông tin nào được tiếp thu đều lưu trữ dài lâu trong não, vì như thế sẽ tạo một sức ép cực lớn. Theo các nhà khoa học, con người có 3 cấp độ trí nhớ bào gồm: trí nhớ tạm thời, trí nhớ ngắn hạn, và trí nhớ dài hạn.

Những việc chúng ta đang làm dang dở (xem phim, đọc sách, làm việc,…) với thời gian hoàn thành ngắn hạn sẽ được lưu trữ trong trí nhớ tạm thời. Do đó trí nhớ tạm thời sẽ tiếp thu và lưu trữ rất nhiều thông tin. Khi những thông tin này đạt đến một ngưỡng nào đó, chúng sẽ được chuyển sang trí nhớ ngắn hạn.

tác động của hiệu ứng Zeigarnik
Thông tin được lưu trữ là có giới hạn, thế nên não bộ sẽ hình thành trạng thái căng thẳng để buộc ta giải quyết vấn đề còn đang dang dở.

Trí nhớ ngắn hạn bị giới hạn cả về dung lượng và thời lượng. Nếu muốn chuyển từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn, ta cần rất nhiều thời gian và bộ nhớ, liên tục lặp đi lặp lại hành động để thông tin lưu trữ được ghi nhớ tốt hơn. Đây là lý do việc ghi nhớ trong thời gian ngắn đòi hỏi sức mạnh tinh thần rất lớn.

Theo giả thuyết của Zeigarnik, trạng thái căng thẳng và stress mà công việc dang dở mang đến sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn, từ đó thúc đẩy chúng ta hoàn thành chúng trong thời gian quy định để đạt được kết quả mong muốn. Nếu quá trình này bị gián đoạn, cảm giác căng thẳng sẽ không mất đi, vì thế liên tục thôi thúc ta nhớ về công việc đang làm.

Nhưng khi sự việc hoàn thành, căng thẳng tâm lý biến mất thì trí nhớ sẽ được giải phóng và thả lỏng, dẫn đến việc ta quên những thông tin vừa tiếp thu. Ví dụ, những người phục vụ phải nhớ rất nhiều chi tiết về các bàn mà họ đang phục vụ cho đến khi khách hàng kết thúc bữa ăn.

Nhưng khi khách hàng trả xong hóa đơn, bồi bàn sẽ quên đi những thông tin về chiếc bàn vừa thanh toán, vì hành động đã kết thúc. Họ tiếp tục ghi nhớ những hóa đơn còn đang dang dở bằng cách lập đi lập lại thông tin trong đầu, điều này đảm bảo trí nhớ tạm thời và ngắn hạn luôn hoạt động tốt.

Hiệu ứng Zeigarnik cũng vấp phải một số phản ứng trái chiều về độ chính xác của nghiên cứu. Nhiều người tin rằng có những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của hiệu ứng Zeigarnik. Ví dụ động lực thực hiện một việc, hay sự quan tâm đặc biệt dành cho một vấn đề gì đó cũng khiến ta ghi nhớ chúng lâu hơn.

Ảnh hưởng của hiệu ứng Zeigarnik trong cuộc sống

Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hiệu ứng Zeigarnik khi theo dõi một bộ phim truyền hình, hoặc những mẫu chuyện dài kỳ trên báo. Những bộ phim hay mẫu truyện này luôn tạm dừng ở một tình tiết hấp dẫn và bí ẩn, khiến ta không ngừng ghi nhớ chi tiết đã xuất hiện, tưởng tượng những điều xảy ra tiếp theo, và nóng lòng mong chờ phần mới.

hiệu ứng Zeigarnik trong đời sống
Hiệu ứng Zeigarnik xuất hiện rất nhiều trong đời sống, đặc biệt là trong công việc và những loại hình giải trí như xem phim, đọc sách.

Các nhà văn và nhà làm phim tận dụng hiệu ứng tâm lý này để thu hút người xem, buộc họ phải liên tục thảo luận, dự đoán và mong chờ câu chuyện còn dang dở. Điều này khiến khán giả không bao giờ quên thời gian phát hành tập mới, khiến họ tìm mọi cách theo dõi chúng đúng giờ để thỏa mãn tâm lý.

Những bộ phim dài kỳ đã sử dụng phương pháp này để thu hút và giữ lượng khán giả ổn định suốt thời gian dài. Chỉ cần kịch bản phim còn đủ thu hút, đủ tạo ra những suy đoán và giả thuyết của người xem về nội dung tiếp theo, và biết cách tạm dừng đúng chỗ thì khán giả sẽ vẫn dõi theo.

Charles Dickens, một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại của nước Anh, đã tạo nên cơn sốt cực lớn trong xã hội khi những tiểu thuyết của ông được đăng dài kỳ trên báo. Phần truyện trong từng kỳ đều tạm dừng với một chi tiết độc đáo và khó đoán, buộc người đọc phải đưa ra nhiều dự đoán, và mong muốn chứng thực những suy đoán của mình một cách mãnh liệt.

Vì thế, tất cả mọi người luôn mong chờ những số báo mới ra để tiếp tục theo dõi câu chuyện hấp dẫn còn đang dang dở, và tiếp tục dự đoán những tình tiết kế tiếp. Hình thức đăng tiểu thuyết dài kỳ trên báo thực sự tạo ra một sức hút khủng khiếp, đặc biệt là dưới ngòi bút của những nhà văn thiên tài.

Hiệu ứng Zeigarnik cũng thường thấy trong quá trình học tập. Việc nhồi nhét kiến thức trong gian đoạn ôn thi có thể mang đến hiệu quả trong thời gian ngắn, giúp chúng ta nhớ những kiến thức quan trọng thông qua việc lặp đi lặp lại. Tuy nhiên khi kỳ thi kết thúc, chúng ta sẽ không còn nhớ gì vì não bộ đã thoát khỏi trạng thái căng thẳng.

Hiệu ứng Zeigarnik ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần

Hiệu ứng Zeigarnik có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe tâm thần. Hiệu ứng này khiến ta không ngừng tiếp thu thông tin, đặt mục tiêu, không ngừng suy nghĩ, lập kế hoạch và hướng đến việc hoàn thành công việc càng sớm càng tốt. Điều này tạo ra sự căng thẳng dài hạn cho não bộ.

hiệu ứng Zeigarnik
Hiệu ứng Zeigarnik có thể gây tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, làm suy giảm chất lượng cuộc sống nếu không biết cách điều chỉnh kịp thời.

Việc đặt áp lực cho bản thân, và cố gắng hoàn thành nó trong một khoảng thời gian nhất định có thể thúc đẩy hiệu suất và những khả năng tiềm ẩn. Chúng ta có thể rèn khả năng chịu đựng, tập trung và giải quyết vấn đề bất chấp những áp lực đang phải chịu đựng.

Tuy nhiên việc liên tục đặt bản thân vào trạng thái căng thẳng khiến ta mắc kẹt trong vòng xoáy khổng lồ không có điểm dừng. Tựa như một vận động viên trên đường chạy vô tận, không ngừng vượt qua chướng ngại vật hết cái này đến cái khác. Trạng thái này dễ khiến ta kiệt sức, stress căng thẳng kéo dài và có thể biến thành trầm cảm.

Vì thế hiệu ứng Zeigarnik có thể gây hại nếu không được sử dụng đúng cách. Chúng ta cũng cần những phút giây thư giãn và nghỉ ngơi, thoát khỏi áp lực từ những điều đang dang dở. Những suy nghĩ bất tận về công việc đang làm trong những lúc nghỉ ngơi có thể gây ra căng thẳng, mất ngủ do stress, đau đầu, trào ngược dạ dày thực quản và nhiều chứng bệnh khác.

Cố gắng giải quyết sớm những điều dang dở, và biết cách sử dụng thời gian làm việc, nghỉ ngơi một cách hợp lý sẽ giúp cải thiện tình hình. Hiệu ứng Zeigarnik có thể gây hại ở một số điểm, nhưng chúng cũng có thể mang đến lợi ích không ngờ đến nếu được sử dụng hợp lý.

Làm thế nào để tận dụng hiệu ứng Zeigarnik hợp lý?

Hiệu ứng Zeigarnik được tận dụng một cách hợp lý có thể mang đến hiệu quả tích cực, giúp chúng ta có động lực hoàn thành những điều dang dở, và thúc đẩy năng suất công việc. Quan trọng là ta có biết cách duy trì sự cân bằng giữa áp lực và công việc hay không.

1. Có kế hoạch học tập hợp lý

Việc nhồi nhét kiến thức trong thời gian ngắn khiến chúng ta chán nản, mệt mỏi và thường không mang đến hiệu suất ghi nhớ tốt. Bạn có thể nhớ rất rõ khi vừa học xong, nhưng rồi tất cả sẽ nhanh chóng bị xóa khỏi trí nhớ chỉ sau vài ngày. Giải pháp cho vấn đề này là hãy chia nhỏ các buổi học, thay vì cố gắng nhồi nhét vào đêm trước ngày thi.

áp dụng hiệu ứng Zeigarnik
Việc chia nhỏ thời gian học và có những khoảng nghỉ hợp lý có thể thúc đẩy khả năng ghi nhớ, giúp quá trình học tốt hơn.

Việc tiếp thu dần kiến thức sẽ giúp ta có hứng thú hơn trong học tập, vì những kiến thức này không bị dồn ép quá nhiều trong một thời gian ngắn. Con người chúng ta chí có thể duy trì sự tập trung ở một giới hạn nhất định. Vì vậy việc nghỉ ngơi giữa chừng có tác dụng giúp đầu óc nghỉ ngơi, hỗ trợ ghi nhớ tốt.

Thay vì lặp đi lặp lại kiến thức một cách máy móc khiến ta khó ghi nhớ, bạn hãy nhẩm một vài lần rồi để trí óc nghỉ ngơi. Hoặc bạn có thể chuyển sang tập trung vào một việc khác, bạn sẽ nhận ra rằng đôi khi chúng ta bỗng phát hiện ra những vấn đề tồn tại trong bài học mà ban thân trước đây không nhận ra.

2. Cố gắng loại bỏ sự trì hoãn

Hành vi nước tới chân mới nhảy, trì hoãn công việc đến gần thời hạn cuối cùng mới hoàn thành là vấn đề thường thấy trong cuộc sống. Chỉ khi đối mặt với “đường cùng”, chúng ta mới cố gắng một cách điên cuồng để làm xong mọi việc. Hành động này thường mang đến sự căng thẳng tột cùng, kéo theo đó là kết quả tồi tệ không như mong đợi.

Trong tình huống này, chúng ta có thể áp dụng hiệu ứng Zeigarnik. Hãy bắt đầu từ những bước đầu tiên, và duy trì việc làm hàng ngày. Tâm lý chưa hoàn thành công việc sẽ khiến bạn ghi nhớ điều đang làm hàng ngày, từ đó có nhiều thời gian suy nghĩ và chuẩn bị hơn. Trong thời gian nghỉ bạn có thể có những sáng kiến tốt hơn cho công việc.

Việc thực hiện từng bước nhỏ giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu cuối cùng. Cách này không chỉ loại bỏ sự lười biếng và tâm lý trì hoãn mọi thứ, mà còn giúp bạn bảo vệ sức khỏe và hạn chế căng thẳng. Không nhồi nhét nhiều việc trong thời gian ngắn giúp bạn có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

3. Quảng cáo và tiếp thị

Hiệu ứng Zeigarnik được sử dụng trong quảng cáo và tiếp thị để thu hút người tiêu dùng. Một số quảng cáo có phần kết bị bỏ ngỏ khiến người xem phải tò mò mua sản phẩm, hoặc vào trang web của nhãn hàng để tiếp tục theo dõi câu chuyện. Hoặc có những quảng cáo dài kỳ có nội dung liên kết với nhau được nhãn hàng tung ra để thu hút người dùng ủng hộ sản phẩm.

ứng dụng của Hiệu ứng Zeigarnik
Hiệu ứng Zeigarnik được ứng dụng rất nhiều trong quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và luôn mang đến kết quả khả quan do đánh trúng tâm lý khách hàng.

Những đoạn phim quảng cáo của phim chiếu rạp, đoạn giới thiệu sau mỗi tập của phim truyền hình, hoặc đoạn giới thiệu cho các chương trình truyền hình cũng áp dụng nguyên tắc tâm lý này. Những tình tiết trong quảng cáo luôn được giấu đi những chi tiết quan trọng, dừng ở những đoạn hấp dẫn, tình huống chưa được giải quyết để thu hút người xem.

Mọi người bị thu hút sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu khi không thể hiểu được câu chuyện. Do đó họ dùng thời gian rảnh để theo dõi chương trình, hoặc ra rạp phim mua vé để trải nghiệm nội dung phim mang đến. Những hành động này khiến rating chương trình tăng cao, số lượng vé bán ra cũng lớn hơn.

Thế nên không thể không nói, những đoạn phim quảng cáo có thế quyết định ấn tượng ban đầu, và sự thành bại của một bộ phim hay một chương trình. Tạo cảm giác căng thẳng, nôn nóng và tò mò cho người xem la cách áp dụng hiệu ứng Zeigarnik hiệu quả trong quảng cáo và tiếp thị.

4. Đảm bảo sức khỏe tinh thần

Hiệu ứng Zeigarnik có thể có ích hoặc có hại cho sức khỏe tinh thần của bạn trong những tình huống cụ thể. Ví dụ khi bạn cần hoàn thành một mục tiêu nào đó, hiệu ứng này sẽ giúp bạn từng bước thực hiện công việc, hạn chế việc dồn đến cuối cùng mới gấp rút hoàn thành. Việc này giúp ta tránh sai sót, và đảm bảo chất lượng công việc.

Quá trình hoàn thành công việc với những hành vi lặp đi lặp lại giúp ta quen với nhịp làm việc, thúc đẩy việc cải thiện chất lượng và hiệu suất việc đang làm. Hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra cũng có thể tiếp thêm tự tin, tạo ra cảm giác thỏa mãn, kích thích tinh thần hăng hái làm việc, lòng tự trọng và sự tự tin.

Việc này cũng mang đến những tác động tốt đến tinh thần, giúp ta vượt qua căng thẳng, mệt mỏi, và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thay vì phải thức khuya, căng thẳng và luôn trong thái “bùng cháy” vì áp lực công việc, ta sẽ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và tập trung tốt hơn khi làm việc.

hiệu ứng Zeigarnik
Hiệu ứng Zeigarnik có thể giúp cải thiện tâm trạng, phòng tránh căng thẳng và áp lực đè nặng.

Hiệu ứng Zeigarnik cũng có những mặt tiêu cực của nó. Trạng thái căng thẳng và bồn chồn là hiệu ứng tâm lý này tạo ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trí của bạn. Việc không thể thoát khỏi những ám ảnh đeo bám về việc chưa làm xong có thể tấn công suy nghĩ và gây cảm giác lo lắng.

Cảm giác lo lắng khiến ta ăn không ngon, ngủ không yên vì trong đầu luôn suy nghĩ về việc dang dở. Kết quả là chúng ta không thể tập trung làm những việc khác, trực tiếp làm giảm chất lượng công việc đang làm. Điều này mang đến nhiều ảnh hưởng xấu, vì chẳng việc nào hoàn thành một cách suôn sẻ.

Hiệu ứng Zeigarnik là một hiệu ứng thường gặp trong đời sống và mang đến nhiều tác dụng tốt trong công việc, quảng cáo, và đẩy mạnh hiệu suất công việc. Tuy nhiên, hiệu ứng này cũng cần được sử dụng một cách hợp lý để không gây căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Có lẽ bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *