Bế tắc vì vỡ nợ: 9 Lời khuyên hữu ích giúp bạn vượt qua khó khăn
Người rơi vào bế tắc vì vỡ nợ thường luôn có suy nghĩ tiêu cực, chán nản, muốn từ bỏ cuộc sống này vì khủng hoảng tinh thần. Thậm chí có những người rơi vào trầm cảm, phát điên vì khoản nợ quá sức chi trả của bản thân và gia đình. Bình tĩnh suy nghĩ, tìm kiếm sự giúp đỡ, cố gắng làm việc chính là giải pháp tốt nhất cho những người đang phải gánh một số nợ lớn cần làm lúc này.
9 Lời khuyên cho người bế tắc vì vỡ nợ sớm vượt qua khó khăn
Trong cuộc sống không ai mà muốn mang nợ cả, tuy nhiên có thể vì tính toán sai, vì lòng tham, vì thiếu hiểu biết mà không ít người rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả. Chẳng hạn có người vì chơi chứng khoán thua mà vỡ nợ, có người vì làm ăn thua lỗ mà công ty phá sản kèm theo một khoản nợ đến hàng trăm tỷ. Những cũng có người vì ăn chơi cá nhân nên mới rơi vào hoàn cảnh nợ nần không lối thoát.
Tâm lý chung của người vỡ nợ chính là bế tắc, tuyệt vọng, stress, hoảng loạn, không biết nên làm gì. Bởi thế tâm lý của những người này cực kỳ tiêu cực, có xu hướng trốn chạy, không muốn giao tiếp với người khác. Với số nợ ngoài khả năng và không có người giúp đỡ, thậm chí có không ít người chọn cách tự tử để trốn chạy mọi thứ. Thực tế có rất nhiều trường hợp này đã xảy ra, thậm chí diễn ra hằng ngày.
Vậy người bế tắc vì vỡ nợ nên làm gì để vượt qua khó khăn?
Lên danh sách các khoản nợ
Hầu hết những người bị vỡ nợ đều không chỉ mượn duy nhất tại 1 chỗ mà là rất nhiều chỗ. Lên danh sách các “chủ nợ” là điều mà những người bị bế tắc vì vỡ nợ nên làm ngay lập tức. Điều này có thể giúp ích trong việc lên phương án trả nợ, tránh bị nhiều người tạo áp lực một lúc sẽ rơi vào tình huống rối ren, khó xử lý.
Chẳng hạn liệt kê hết danh sách và xem xét khoản nào cần trả nợ ngay lập tức, khoản nào có thể thư thả được. Ví dụ các khoản vay ngân hàng, vay tín dụng đen luôn là những khoản nên ưu tiên trả hàng đầu vì càng để lâu, phát sinh càng lớn. Thậm chí không ít người chỉ vay tín dụng đen với số tiền 20 triệu nhưng phải trả đến 100 triệu vì trả chậm trễ, số lời phát sinh quá nhanh.
Trong khi đó các khoản vay có lãi thấp, khoản vay từ gia đình hay người thân có thể chậm trễ hơn, hoặc thậm chí có thể thương lượng với chủ nợ để xin du di, trả chậm hơn dự kiến. Lên danh sách khoản nợ sẽ giúp bạn xác minh được vấn đề này, thay vì cứ đợi ai đòi thì trả sẽ khiến người đã đang bế tắc vì vỡ nợ lại càng rối và dễ rơi vào tình trạng các khoản nợ lớn “đẻ” lãi suất quá cao khiến nợ càng thêm nợ.
Chủ động thương lượng với “chủ nợ”
Thực tế khi một người đã cho bạn mượn tiền tức là họ có lòng tin ở bạn (trừ các dịch vụ tín dụng đen), kể cả ngân hàng cũng phải xem xét điều kiện mới dám cho bạn mượn tiền. Vì thế trong thời điểm sa cơ lỡ vận, không may gặp xui xẻo, bạn hoàn toàn có thể thể hiện sự trách nhiệm của mình một lần nữa bằng cách chủ động thường lượng với “chủ nợ” thay vì đợi họ biết chuyện trước và tới đòi.
Tất nhiên khi biết tin bạn phá sản, vỡ nợ sẽ rất nhiều người hoang mang và muốn đòi lại tiền nhanh chóng. Tuy nhiên cảm xúc của những người “chủ nợ” khi nghe chính bạn thông báo về việc vỡ nợ sẽ khác với việc họ nghe từ người khác và phải tìm đến bạn xác nhận. Sự trốn chạy của bạn lúc này sẽ chỉ khiến sự uy tín của bạn ngày càng bị mất đi, trong khi cũng chẳng thể giải quyết được số nợ.
Hãy thử chủ động thương lượng với chủ nợ, chẳng hạn cam kết tới thời điểm nào có thể trả nợ, trả trong bao nhiêu lâu, hoặc thế chấp những tài sản còn sót lại. Ngoài ra nếu có một kinh nghiệm, một kỹ năng nào đó có thể giúp ích cho “chủ nợ” bạn cũng có thể tự nguyện cống hiến không công để tăng thêm niềm tin.
Thực tế thì trừ ngân hàng hay các quỹ tín dụng đen, thì việc thương lượng với các cá nhân, đối tác riêng lẻ sẽ có phần khả quan hơn nhiều. Tuy nhiên hầu hết những người bế tắc vì vỡ nợ thường chọn cách trốn chạy hơn là trực tiếp đối diện và chủ động liên hệ với chủ nợ trước.
Bế tắc vì vỡ nợ – Hãy bán những thứ có thể bán
Tất nhiên đây là điều hiển nhiên mà người bế tắc vì vỡ nợ có thể giải quyết phần nào những khoản nợ quan trọng trước mắt. Với các khoản nợ quá lớn thì nhà cửa, xe cộ, nữ trang, điện thoại đều nên bán sớm để lấy tiền trả nợ. Hoặc đây cũng có thể trở thành tài sản cầm cố, thu hồi từ những đơn vị có thẩm quyền như ngân hàng nếu bạn không có khả năng chi trả.
Ngoài ra, hiện nay các dịch vụ thu mua đồ cũ cũng đang rất phát triển. Bạn có thể bán quần áo, túi xách, giày dép còn nguyên vẹn cũng có thể thu được một khoản tiền ổn. Nếu thường sử dụng hàng hiệu thì đây chính là lúc để bạn tận dụng, “thu hồi” những số tiền mà khi dư dả bạn đã tiêu xài cho shopping, mua sắm.
Chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ
Thay vì sợ hãi, trốn chạy, hoảng loạn thì bạn nên bình tĩnh suy nghĩ và tìm kiếm sự giúp đỡ. Ai là người có thể giúp đỡ bạn lúc này? Chính là gia đình. Tất nhiên cha mẹ hay anh chị em có thể la mắng bạn rất nhiều, thậm chí chì chiết, đánh đòn nhưng họ sẽ vẫn luôn giúp bạn hết sức. Cha mẹ thậm chí có thể chấp nhận bán nhà, bán đất, bán hết những gì mình đang có hay đi làm thêm dù đã ốm yếu chỉ để giúp con thoát khỏi nợ nần.
Trong trường hợp gia đình cũng khó khăn không thể giúp đỡ thì bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của bạn bè, những người mà bạn đã từng giúp đỡ. Nếu là người đã sống hết mình, hết lòng với bạn bè thì chắc chắn khi bạn cần vẫn luôn có những người luôn sẵn sàng dang tay giúp đỡ kể cả khi bạn đang bế tắc vì vỡ nợ, không còn gì trong tay.
Một trường hợp khác, người có thể giúp đỡ bạn chính là… chủ nợ của bạn. Không ai có thể mong muốn bạn trả nợ hơn là chủ nợ. Bạn cũng có thể làm việc trực tiếp cho những người này để trả nợ dần, trừ trực tiếp vào lương. Tất nhiên không phải lúc nào trường hợp này cũng có thể đi theo đúng kết quả mong muốn.
Người đang trong hoàn cảnh bế tắc vì vỡ nợ tuyệt đối không được tìm đến tín dụng đen, người cho vay với mức lãi suất “cắt cổ” để bù vào các khoản nợ khác. Bởi các đơn vị này thường cho vay không cần điều kiện nhưng lãi cực kỳ cao, “lãi mẹ đẻ lãi con” chỉ trong một thời gian rất ngắn. Đặc biệt những đơn vị này cũng thường đòi nợ rất gắt, có thể nguy hiểm cho cả tính mạng của bạn nếu không trả được nợ.
Quan trọng là dù được gia đình trả hết nợ bạn cũng không được ỉ i mà nên coi như đó là một khoản chuyển giao nợ. Thay vì trả cho người khác thì cần nỗ lực kiếm lại tiền trả cho gia đình, tuyệt đối không nên để sai phạm tái diễn một lần nào nữa.
Làm việc và không ngừng làm việc
Làm việc và không ngừng làm việc thực sự chính là một trong những lời khuyên hữu ích nhất của những người đang rơi vào bế tắc vì vỡ nợ. Chỉ có làm việc mới có thể giúp bạn sớm có tiền trả nợ, trả lãi hằng tháng. Không chỉ vậy, làm việc quên thời gian cũng làm bạn quên đi phần nào những áp lực, những khủng hoảng đang mang từ số nợ quá lớn. Khi có tiền tinh thần cũng dần nhẹ nhõm hơn.
Không ít người luôn cố gắng tìm các công việc có lương cao để nhanh có tiền, đặc biệt là những người từng vỡ nợ do làm ăn, từng làm giám đốc. Điều này khiến nhiều người dù đang gồng gánh một khoản nợ lớn mỗi tháng trở nên “kén” việc, không tìm được việc phù hợp khiến các khoản nợ vẫn kéo dài. Điều này là hoàn toàn không nên.
Tất nhiên cũng không có nghĩa là người bị bế tắc vì vỡ nợ phải chọn bừa một công việc dù là lương thấp, miễn là có tiền. Thực tế đây không phải là thời điểm mà bạn được chọn lựa, càng có tiền sớm ngày nào thì áp lực càng giảm, vì thế hãy chọn một công việc phù hợp với năng lực và công sức mà mình đã bỏ ra.
Chẳng hạn nếu chọn một công việc văn phòng với mức lương chỉ 7 triệu, hãy làm tốt nhất công việc trên công ty, không đem theo về nhà. Sau giờ làm tiếp tục làm thêm các công việc khác, chẳng hạn như phục vụ hay chạy grab. Có một chút vốn thì hãy thử bán thêm hàng online, vừa có thể tranh thủ thời gian rảnh mà thu nhập cũng rất ổn định.
Chỉ có làm cùng lúc 3- 4 nghề như vậy mới có thể giúp bạn sớm thoát khỏi sự bế tắc vì vỡ nợ nhanh chóng nhất. Hãy tận dụng mọi năng lực, thế mạnh, ưu điểm của bản thân để kiếm tiền trong thời điểm này. Tất nhiên nếu làm 1 công việc nhưng có tiềm lực, chẳng hạn làm sale, nếu bạn cố gắng thì lương cứng 5 triệu nhưng hoa hồng bạn nhận được 1 tháng có thể là hàng trăm triệu. Tùy tính chất công việc, năng lực để điều chỉnh phù hợp.
Bế tắc vì vỡ nợ – Hãy tối giản hết mọi chi tiêu
Tiết kiệm là điều luôn cần đặt lên hàng đầu và để làm được điều này bạn cần tối giản hết mọi chi tiêu không cần thiết. Đây có thể là giai đoạn “sống khổ”, nhưng chỉ cần đi được 1/3 chặng đường trả nợ bạn sẽ bắt đầu thấy cuộc sống dễ chịu hơn nhiều, giai đoạn mới bắt đầu thật sự khó khăn và nghẹt thở, đặc biệt với người vốn đã có đời sống sung túc nhưng bị vỡ nợ bất ngờ.
Một số chi phí bạn có thể tối giản như chuyển từ các phòng trọ lớn sang phòng nhỏ hơn, hạn chế dùng đồ điện, không mua sắm quần áo mới.. Chẳng hạn để kiếm được phòng trọ rẻ bạn nên tìm đến các khu ngoại thành, những nơi xa thành phố, phòng không cửa sổ, không nội thất sẽ rẻ hơn. Thay vì ăn ngoài thì mua đồ ăn và nấu đem theo mỗi ngày cũng rất tiết kiệm.
Bạn cũng có thể xin ở ghép cùng bạn bè, người quen hay lựa chọn các khu ký túc xá để ở vì có mức giá khá rẻ, đặc biệt với người thường đi làm nhiều và chỉ có nhu cầu ở nhà ngủ. Bên cạnh đó, chi phí cà phê, ăn nhậu cùng bạn bè cũng có thể hạn chế. Chắc hẳn nếu là một người bạn tốt họ chắc chắn sẽ hiểu cho tình huống của bạn, không chê trách gì mà càng quan tâm hơn vì biết cuộc sống của bạn khó khăn, bế tắc vì vỡ nợ nên không thể tụ họp thường xuyên.
Hãy tránh xa mọi trò đỏ đen
Một lời khuyên dành cho những người đang rơi vào bế tắc vì vỡ nợ cực kỳ quan trọng chính là hãy tránh xa những trò đỏ đen như cờ bạc, tài xỉu, tiền ảo, lô đề.. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều người bị thua nợ hoặc là nguyên nhân khiến nợ càng chồng lên nợ không lối thoát.
Thực tế thì rất nhiều người khi đang rơi vào bước đường cùng, trò đỏ đen giống như một tia hy vọng cuối cùng có thể khiến họ tin rằng mình có thể trả hết nợ “nếu may mắn”. Thật tiếc là vốn dĩ thần may mắn đã không mỉm cười với họ. Số nợ chỉ càng tăng lên, hy vọng bị dập tắt khiến cho không ít người chỉ có thể nghĩ đến cái chết vì quá túng quẫn.
Ở những trò tài xỉu hay bài bạc cũng thường có xu hướng hay cho người chơi thắng trong những lần đầu, tuy nhiên càng về sau càng thua nhưng lại làm kích thích lòng tham khiến những người này không thể dứt ra. Chính vì thế, tốt nhất hãy tránh xa trò đỏ đen dù bất cứ giá nào, kể cả khi bạn là một người đang bế tắc vì vỡ nợ hay một người dư dả về tài chính.
Lời khuyên cho người bế tắc vì vỡ nợ – đừng bỏ bê sức khỏe
Có sức khỏe thì mới có thể kiếm tiền, có sức khỏe thì mới có thể làm việc, hãy luôn ghi nhớ điều này. Dù có là bao nhiêu công việc, dù có bận rộn như thế nào thì vẫn cần dành thời gian ăn uống, ngủ nghỉ. Tinh thần vốn đã đang chán nản, tuyệt vọng nếu sức khỏe lúc này cũng không ổn định sẽ rất nhanh kiệt sức, suy kiệt. Và tất nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc thời gian trả hết nợ lại càng kéo dài hơn.
Ăn uống và giấc ngủ là hai điều quan trọng nhất mà bạn cần phải ghi nhớ. Đảm bảo ăn ngày 3 bữa, ngủ từ 7- 8 tiếng ( hoặc có thể rút ngắn hơn nhưng trong khoảng cơ thể cho phép). Thay vì ăn ngoài vội vàng, thiếu chất lại hại cho dạ dày thì bạn có thể lựa chọn việc nấu ăn đem theo. Không cần quá cầu kỳ, chỉ cần ăn rau, ăn trứng cũng đơn giản nhưng vẫn có chất cần thiết cho sức khỏe.
Thuốc lá, bia rượu chính là thứ mà những người bế tắc vì vỡ nợ cần tránh xa hàng đầu vì vừa tốn kém vừa hại cho sức khỏe. Bên cạnh đó cũng đừng quên dậy sớm luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, vừa tăng cường sức khỏe vừa tốt cho tinh thần. Chỉ cần dậy sớm chạy bộ vài vòng và hít thở không khí trong lành bạn cũng sẽ thấy tinh thần thoải mái và dễ chịu hơn hẳn.
Chăm sóc về mặt tinh thần
Thể chất và tinh thần luôn có mối hiện hệ mật thiết với nhau, điều này có nghĩa là nếu tinh thần sa sút, mệt mỏi thi thể chất không thể nào tràn đầy năng lượng và ngược lại. Như vậy, song song với việc chăm sóc về mặt thể chất thì người bế tắc vì vỡ nợ cũng nên nâng cao về sức khỏe tinh thần để hướng tới đầu óc thoải mái hơn, không bị áp lực nợ nần, tiền bạc quá nặng nề.
Thực tế bất cứ ai khi đang nợ nần cũng luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, tinh thần trì trệ, tuyệt vọng, lúc nào cũng sống trong lo âu. Bởi thế không ít người đã bị trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí có những người còn mắc các rối loạn tâm thần chỉ vì nợ nần quá mức. Những căng thẳng kéo dài không tìm được lối thoát chính là nguyên nhân khiến rất nhiều người lựa chọn cách tự tử.
Chia sẻ với những người bạn thân, người yêu hay gia đình về những vấn đề của bản thân, những ám ảnh về tiền bạc, về những khoản nợ ở hiện tại. Nếu cảm thấy không nói được với ai hay chọn cách viết. Đôi khi chỉ một câu an ủi từ một người xa lạ, một lời động viên từ gia đình nói rằng mình sẽ làm lại được là tinh thần lại nhanh chóng phấn chấn hơn, cảm giác có động lực để cố gắng.
Nếu cảm thấy kiệt sức, hãy dành cho một ngày nghỉ, thưởng cho mình một món ngon mà từ rất lâu rồi chưa được ăn để nạp lại năng lượng. Nếu không biết đi đâu, không biết nói cùng ai có thể ra công viên vừa đi dạo, vừa hít thở không khí trong lành của thiên nhiên có thể làm xoa dịu trái tim đang mệt mỏi đầy tổn thương.
Trị liệu tâm lý cũng là giải pháp nên được thực hiện nếu bạn từng có suy nghĩ muốn chết hay đã tìm cách thực hiện cái chết để ngăn chặn các hành vi tiêu cực này thực sự xảy ra. Nếu ngại gặp mặt trực tiếp hay không đủ chi phí có thể lựa chọn hình thức tư vấn online, trò chuyện từ xa với nhà trị liệu để điều chỉnh lại các hành vi, nhận thức sai lệch này theo hướng đúng đắn hơn.
Không ai muốn phải rơi vào tình cảnh bế tắc vì vỡ nợ những quan trọng là sau mỗi lần vấp ngã như thế bạn có thể rút ra được bài học gì để không lặp lại sai lầm cũ. Suy nghĩ chín chắn, nghiêm túc, tìm hiểu kỹ lưỡng khi cần đầu tư làm ăn hay trong bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống sẽ thực sự cần thiết để phòng tránh được tối đa nguy cơ này.
Có thể bạn quan tâm:
- Diễn biến tâm lý đàn ông sau khi chia tay
- 12 Cách vượt qua giai đoạn chia tay giúp bạn bớt đau buồn
- Tâm lý trì trệ sau Tết: Nguyên nhân, hệ quả và cách vượt qua
Bài đăng quá hay.. cảm ơn tác giả đã giúp ích cũng như là động viên tinh thần để còn làm lại cuộc đời cũng như là vượt qua mọi thứ
Cảm ơn tác giả nhiều , nghe như một người bạn tri kỉ chia sẻ cho vậy , tâm lí mình cũng ổn hơn !!!